CHUYỆN HẬU TRƯỜNG
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Cô Trụ trì nói với tôi, Hạnh Đoan viết trong “Chút Hương Ngày Cũ” kể chị mặc đồ rách nên nhiều người xúm nhau tặng quần…

– Vậy đợi ai tặng… áo nữa là mình mở tiệm… nha cô?

– Hôm kia, có một bà Phật tử, hỏng biết có đọc bài Đoan viết kể chị làm bánh bò thành… “bánh lết” hay không? …mà bà… thuê nguyên một chiếc xe chở dụng cụ, vật liệu làm… bánh bò… ra Viên Chiếu hướng dẫn thực hiện món này. Giờ không riêng gì chị mà toàn chúng đều biết làm bánh bò rất thành công. À, mấy đứa nhỏ có mang qua cho Hạnh Đoan ăn không?…

– Dạ! Em thấy Viên Tường bưng qua một dĩa bánh bò thơm lừng, rất đẹp, có đủ hình lá, hoa…

Nhân đây tác giả xin công bố với bàn dân thiên hạ: “Cô Trụ trì Viên Chiếu giờ đã có đồ lành để mặc và biết đổ bánh bò đẹp rồi!”…

Tâm sự người nhập thất

Tôi đọc sách thấy sư Tuyên Hóa giải thích nếu hành giả ở trong thất tu, khi thiền toạ hay lễ Phật mà chợt nghe đầu ngưa ngứa thì có thể là đang được chư Phật ban phúc lành, ngầm xoa đầu trong vô hình mà không hay. Vì vậy khi Viên Khuê ra thất, tôi hỏi thăm:

– Tu an ổn không? Có gì vui, kể nghe?

Khuê tâm sự:

– Cô biết không, hôm kia con đang ngồi thiền chợt nghe một tiếng “bịch” rồi cảm thấy cái đầu mình ngưa ngứa…

Tôi xúc động, tim đập thình thịch… (vì liên tưởng tới lời sư Tuyên Hóa nên nhìn Viên khuê đầy ngưỡng mộ), thầm nghĩ: “Chắc… Viên Khuê đang được chư Phật rờ đầu đây”, tôi chưa kịp thốt lời tán thán… thì Khuê đã nói tiếp:

…Con liền đưa tay lên đầu sờ và chạm phải một vật mềm mềm nham nhám, vội kéo xuống thì đấy là… cái vỏ rắn to đùng, con sợ muốn chết!… mà phải làm tỉnh…

– Ủa! Trong thất giờ cũng còn rắn nữa hả?

– Dạ! Rắn nhiều lắm, không biết ở đâu mà gặp hoài. Sợ nhất là vô thất hay gặp phải rắn!

Tôi sực nhớ, ba mươi mấy năm xưa khi nhập thất, tôi cũng thường xuyên đụng độ rắn, rắn lục thì bám mấy dây leo ở gần lan can, rắn hổ thì tung tăng bách bộ dưới đất, thậm chí còn leo lên giường thiền của tôi. Có hôm, tôi đang thiền hành thì gặp một con rắn màu cam trườn tới chắn trước mặt, lúc đó tim tôi muốn ngừng đập và tôi đứng như trời trồng. Con rắn ngóc đầu nhìn tôi một lúc rồi lặng lẽ bỏ đi. Còn khi tôi đang ngồi thiền thì một con rắn hổ đã bò lên giường lo le cái lưỡi chẻ hai trước mặt tôi, sau đó nó bò lên bắp đùi tôi, lúc đó tôi chỉ biết nín thở chờ nó “diễn hành” cho xong.

Con rắn “của tôi”

Khi tôi ra cất cốc riêng, thất tôi thường xuyên có một con rắn dài hai thước, to bằng cổ tay cứ âm thầm lẻn vào “nằm vùng”.

Một hôm Hương ngủ dậy, nó mới vừa thò chân xuống giường thì bị một con vật phóng tới ngoạm vào ngón chân cái nó, miệng nhớt nhợt. Hương thảng thốt la lên khi mục kích con rắn đang “xơi” mình… Phần con rắn, khi phát hiện “nhăm” mồi lầm, nó vội nhả ra ngay và phóng nhanh chạy trốn… Hương và con rắn đồng chạy hai hướng… nghịch nhau. May mà con rắn ngoạm nhẹ nên Hương không bị thương tích gì, chỉ bị một mẻ sợ. Tôi tức mình càu nhàu con rắn:

– Đã cho ở trong nhà rồi, vậy mà không biết thân, còn “cắn” nhằm chủ nhà nữa, đi chỗ khác… ở đi, “đây” không chứa nữa!…

Vậy mà từ đó con rắn đi biệt. Không thấy nó xuất hiện. Mỗi khi nhớ tới con rắn này tôi thấy tội, vì nó ốm nhom, có lẽ nó thường xuyên bị đói. Nhưng kể từ đó, chẳng còn thấy rắn vào cốc tôi quấy rầy gì nữa.

Hương nói:

– Chắc con rắn biết nghe tiếng người, cô không cho ở nên nó chẳng tới…

Tôi thì cảm thấy nhẹ người vì không còn phải gặp con rắn nữa. Nhưng rõ là con rắn này bản chất hiền lành, nó ngoạm vào ngón chân cái của Hương nhẹ nhàng đến nỗi không hề tạo thành vết thương, và khi biết mình nhầm, nó đã vội phóng đi chạy trốn, chứ không hề có ý cắn cho bằng được nạn nhân, chứng tỏ nó hoàn toàn không muốn làm hại chúng tôi. Vì vậy, trong sâu thẳm tận đáy lòng, tôi vẫn thấy tội và thương con rắn. Nhưng hình thù của nó làm tôi sợ, cho nên hai bên… không gặp nhau có lẽ ổn hơn.

Chuyện ẩm thực

Hôm kia, chị Thuỷ kể tôi nghe thầy T.N ở Vũng Tàu, là người rất có gu ẩm thực, vốn khó tính nên chẳng dễ dàng thốt ra lời khen. Vậy mà có lần thầy nức nở bảo chị Thủy:

– Cô biết hôn? Chủ nhật vừa rồi có một bà Phật tử tới nghe giảng, biếu cho tôi keo mắm lóc. Trời ơi, thuở đời nay tôi chưa thấy hủ mắm nào ngon và giống mặn quá sức như vậy, ta nói… nó giống mặn tới từng sớ thịt cũng giống…

Chị Thủy góp lời:

– Dà! Đồ chay bây giờ người ta làm khéo lắm, nhiều món giống hệt như đồ mặn vậy!

Thầy T.N kể tiếp:

– Tôi vừa ăn… hết hủ mắm thì thấy bà Phật tử quay trở lại, rối rít nói:

– Thưa thầy, hồi nãy con đưa… lộn hủ mắm lóc… mặn, cái hủ mắm chay này… mới là của thầy! Con xin lỗi thầy!…

1988

Ngày nào là đúng?

Thầy phó Trụ trì Thường Chiếu nhắn tôi:

– Cô làm ơn nói với cô Thuần Hậu ngày 25 này hãy ra Thường Chiếu họp báo, vì bữa trước định là 20, giờ dời lại sợ cổ không biết.

Tôi nhờ Hương chuyển lời giùm. Hương bèn nhờ Viên Tánh thông tin giúp.

Khi tôi hỏi thăm, Hương nói:

– Con đã nhờ cô Viên Tánh nhắn giùm rồi.

Tôi báo:

– Hương hay qua Viên Chiếu, nên trực tiếp nhắn cho chắc ăn.

Hương bèn qua gặp chị Hậu nói:

– Thưa cô, thầy phó nhắn cô ngày 25 ra Thường Chiếu họp báo!

Chị Hậu ngơ ngác:

– Lạ chưa? Răng mà Viên Tánh nói là ngày 24 ra Thường Chiếu, còn Niệm Thiền thì nói thầy thị giả Thường Chiếu nhắn 26! Rứa ngày mô là chính xác?

Hương về kể tôi nghe, tôi cười kết luận:

– Vậy Hương nói cô Hậu chịu khó ra hỏi thầy ngày nào?… rồi… hẵng khởi hành thì chính xác nhất! Hi hi!

2014

Chuyện học hành

Tôi ghé thăm nhà chị, sáng sớm bỗng nghe thằng nhóc hàng xóm học bài, đọc mãi câu: “Thằn lằn có bốn chân”… cả chục lần. Tôi mắc cười quá, phun cả ngụm nước uống ra. Chị tôi hỏi:

– Có gì mà cười dữ vậy?

Tôi đáp: Cứ nhìn lên tường là thấy con thằn lằn có bốn chân, cần chi phải đọc câu này cả buổi?

Chị Phượng tôi cười bảo:

– Cũng chưa bằng chị đâu, hồi nhỏ chị ngồi học bài, đọc mãi câu: “Lỗ mũi có hai lỗ! Lỗ mũi có hai lỗ!”… Khiến ba đang tập thể dục ở ngoài sân nghe… chịu hết nổi, ông chạy vô đập bàn cái rầm, bảo chị:

Đồ ngu! Thế lỗ mũi mày có mấy lỗ?…