NGÀY XỬA NGÀY XƯA…
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Hồi nhỏ, mỗi lần ghé chùa, nghe ai hối thúc rủ rê tu, tôi thường có cảm giác phản tác dụng (bởi cái gì mà chào mời quá dễ thường không được trân trọng, dẫu có quý giá đến đâu).

Lớn lên một chút, chị Thủy (chị ba tôi) không hề rủ tu mà mỗi lần về thăm nhà thường hăm he:

– Ai cũng đi tu hết, mầy ờ ngoài đời “khổ chết luôn!”…

Câu hăm của chị làm tôi bỗng thót tim và chột dạ. Khi ở độ tuổi mới lớn tôi bắt đầu băn khoăn và nghĩ xa hơn. “Nếu bây giờ không đi thì e rằng sau này sẽ khó đi”… thế là tôi cuống quýt chạy theo chị lên núi xin tu.

Nhưng lên núi không gặp ai xúi giục rủ rê mình xuất gia mà toàn nghe hăm dọa:

– Lơ mơ là không được tu đó, phải ráng sao cho được chấp nhận…

Nhờ bị hăm he như vậy nên có hiệu quả tốt, chí “xuất trần” được kích thích nhiều khiến tôi càng thèm tu, ước muốn mong được sư phụ thu nạp phát mãnh liệt hơn.

Trước hôm xuất gia tôi tình cờ gặp cuốn “Milarepa con người siêu việt”, ngày ấy được rảnh, tôi kiếm cái hốc kẹt, chui vô, đọc một lèo hết cuốn sách và khóc tới hai con mắt sưng vù. Nhưng trong thực tế điều khiến tôi xúc động, bị cuốn hút chính la giây phút đọc Thanh Quy của sư phụ, mắt tôị cứ dán chặt vào câu: “Tăng sĩ nới đây không được hút thuốc uống bia”, mãi cho tới mấy mươi năm sau, đến thời buổi hiện tại này, Thanh Quy sư phụ soạn vẫn gieo vào lòng tôi sự đồng cảm, kính phục thâm trầm.

Thông thường, mỗi khi lên một chuyến xe hay đứng các chỗ công cộng như phi trường, tôi luôn bị khó thờ vì hít phải khói thuốc mấy ông nhả dày đặc; thỉnh thoảng ra đường, luôn chạm phải nhưng gã say phi oai nghi thiếu nhân cách. Và buồn hơn nữa khi gặp phải những người khoác áo tu nhưng thuốc hút liền tay, không ngại ngần với bia rượu…

Vì vậy mà luật của sư phụ đã khiến tôi ngưỡng mộ, và hình ảnh những tăng sĩ dưới trướng ngài càng được tô đẹp thêm lên, nhất là ở nơi vùng non cao cách xa thế tục chỉ có gió lộng tứ bề, tà áo vàng và phong cách hành xử mẫu mực oai nghi của chư tăng càng nổi bật giữa thiên nhiên trầm mặc, khiến tôi tâm phục khẩu phục.

Thật thú vị khi trong những buổi giảng kinh, tôi thường nghe ngài tuyên bố:

-Thầy đâu có bắt ép ai đi tu, tự các con lên núi năn nỉ, lạy sói trán để cầu xin được xuất gia, nếu đã quyết chí cầu giải thoát mà thuốc, bia… không bỏ nổi thì giải… cái gì? Tiền đàn na tín thí hi sinh nhín nhút gởi cho là để hỗ trợ các con tu thành đạo làm lợi ích chúng sinh, chứ đâu phải để các con hưởng thụ dưỡng nuôi thói tật…

Vì vậy mà từ giây phút đọc Thanh Quy tôi đã nhìn ân sư và các tăng sĩ nơi đây bằng con mắt khác: Ngưỡng mộ và quý trọng! Ân sư tôi đã đào tạo và cho ra lò những vị có phẩm hạnh, hội đủ phong cách đạo sư.

Phải nhìn nhận núi đồi Chân Không càng thêm thơ mộng khi được biển xanh… viền quanh, chạy dài tít tắp trước mặt. Ngự trên núi tôi có cảm giác sao trăng rất gần, mỗi tối xả thiền xong chúng tôi thường nán lại cùng ngắm trăng lên, nhìn mây trắng bềnh bồng bay trên trời và “trôi” trong lòng biển hòa cùng sắc trăng lóng lánh… tôi tha hồ chiêm ngưỡng trọn vẹn nét tuyệt mỹ cùa buổi hoàng hôn hay bình minh, mà không nhà danh họa nào có thể vẽ hết cảnh tượng nên thơ này.

Do Thanh Quy chế mỗi người chỉ có ba bộ quần áo nên khi kiểm tra tài sản mình, tôi lúng túng hỏi chị Thanh Tịnh:

– Chị ơi! Em có tới bốn bộ đồ lận, vậy phải làm sao?

– Không sao đâu, cứ giữ mặc đi, sắp xuống rừng lao động rồi…

Khi Viên Chiếu thành lập và tôi buộc phải rời núi di cư xuống đó, thì bốn bộ đồ xem ra vẫn không đủ vào đâu, bởi vừa phá rừng khẩn hoang là bị tre gai cào rách hết. Y phục cần tới mức vải đám tang, biểu ngữ của người cho đều được tận dụng may mặc… đến nỗi cô giáo tôi khi ra thăm, thấy tôi mặc bộ đồ biểu ngữ vằn vện, đã bật cười bảo:

– Em đúng là “Nữ chúa rằn ri”!

Chân Không và chúng tôi vẫn chưa đứt lìa, vân còn dính tòn ten nhờ mỗi tháng chư thiền sinh Thường Chiếu, Viên Chiếu đều được về núi học kinh.

Khi tôi vào bái kiến sư phụ, ngài hỏi tôi:

Con có mấy bộ đồ?

– Dạ con có cả một thùng đồ …rách

Lúc này Sư phụ không hề quở tôi “gia sản” vượt quá thanh quy cho phép mà còn bật cười bảo:

– Ồ khỏi lo rồi há! .

Buổi chiều, khi chúng tôi leo lên con dốc Thạch Đầu, xúm xít ngồi quanh sư phụ, đúng lúc đó cô thị giả mang nước cam qua cho sư phụ uống, Hạnh Khiết tròn xoe đôi mắt nhìn cái… ca to rồi buột miệng la lên:

-Trời đất ơi! Thầy… uống… nhiều dữ vậy?

Sư phụ mỉm cười, bảo:

– Không chịu dòm mà còn nói…

Hạnh khiết sấn tới nhìn, thấy nước cam chỉ độ 1/4 ca, liền toét miệng cười bẻn lẻn.

Mỗi lần gặp chúng tôi, Sư phụ thường vui vẻ gọi tôi, Hạnh Khiết, Hạnh Pháp là “ba bao gạo chỉ xanh”. Một hôm Hạnh Khiết về thăm nhà đi xích lô bị té, cánh tay phải băng bó, còn đeo dây lên cổ nhìn giống như “độc thủ đại hiệp”, do bệnh nên bị sụt kí ốm đi. Sư phụ liền chỉ vào Hạnh Khiết và bình:

– Bao chỉ xanh này bị chuột cắn rồi…

Tôi láu táu mách sư phụ:

– Thưa thầy! Bà Tám Đời ngoài chợ kể là: “Thấy cô Hiền tu ở gần chỗ bà vì ăn chay nên xanh dờn, ốm nhom!”… rồi bà chợt quay qua hỏi con:

– Còn cô, cũng ăn… chay hả?

Sư phụ nghe vậy thì ngó tôi cười đến chảy nước mắt và nói:

– Chà! Bị nghi ngờ dữ hen!

Nhờ mỗi tháng được về núi một tuần nên tôi không cảm thấy cách xa sư phụ, hơn nữa 7 ngày này không khí đông vui như hội vì khách thập phương tấp nập lên núi nghe giảng kinh.

Hồi đó ai cũng còn trẻ măng, quý thầy mỗi khi gặp tôi không nhìn như kiểu Phật dạy ngài A-nan (nhìn từ mắt cá chân trở xuống) mà nhìn như thể tôi là người vô hình, không hiện diện trước mặt. Nếu lỡ phải đối đáp thì ngôn ngữ cộc lốc lạnh như băng.

Hồi mới đầu tôi ghét lắm, không ưa gặp quý thầy, nhưng lâu dần, hiểu tính nên thông cảm… Và tôi cũng đáp lễ lại giống y, nghĩa là tuy có lễ phép nhưng bắt chước hệt theo kiểu nhìn “mục hạ vô nhân”…

Các bậc cha mẹ hiểu đạo thường dạy con tu ngay từ lúc còn trong thai, lo huân bồi phẩm cách thánh cho con bằng tư tưởng trong lành. Sư phụ cũng vậy, ngài quyết tâm đào tạo môn đồ thành những người có phẩm chất ngọc khiết băng thanh: “trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm” để hạnh giải được tương ưng bằng chính Thanh Quy của ngài.

Bởi vì đệ tử sơ cơ cũng giống như trẻ còn thơ bé, sẽ không biết phân biệt được thức ăn hay những chất gây độc hại cho cơ thể và tâm linh, do đó cha mẹ cần phải tuyển lựa, giúp con chỉ thu nạp những gì hữu ích. Sư phụ cũng vậy, Thanh quy ngài giống như bộ lọc, giúp loại bỏ những chất độc hại để chư thiền sinh luôn giữ được thân tâm an lành mà tu vững.

Tất nhiên thuốc, rượu tàn phá sức khỏe cơ thể, nhưng những đều vặt vãnh khác cũng gây bất an cho đoàn thể tu không kém.

Hồi mới nhập chúng tôi không hiểu thấu tầm quan trọng của điều luật “không giữ tiền” trong Thanh Quy, “thiền sinh không được giữ tiền, chỉ có thủ bổn gánh lấy trách nhiệm này”.

Nhưng khi xuống Viên Chiếu, do ngày đầu khách, chủ tụ hội hỗn tạp, đã xảy ra cảnh mất tiền, sư phụ rất không vui và ngài đã xử lý thanh lọc ngay; còn tuyên bố: “Chính vì điều nầy mà thầy mới ban hành luật “không giữ tiền riêng”, mục đích giúp chúng được an ổn tu, không phải phân tâm… và nhờ đây mà ngăn ngừa được những điều xấu, không phát sinh…

Tôi càng thấm thía hơn khi lần nọ đến một ngôi chùa cũng khá hỗn tạp đông người, vừa thả túi xách xuống phòng khách, mới ra sau rửa mặt thì bị lấy sạch tiền trong hành lý. Tự dưng tôi ngộ ra, “đúng là có Thủ Bổn giữ hết, lo toan giùm cho, thì thực sướng và nhẹ khỏe biết bao”…, lần ấy tôi lâm vào cảnh không có tiền để về xe. Sau đó mới biết người lấy tiền là một khách cư sĩ trong chùa.

Sư phụ ra luật rất nghiêm, bởi với ngài thì “đã vào Phật môn thì dù còn tóc hay không tóc gì, nhất định tư cách oai nghi phải “luôn xứng đáng, siêu xuất, không thể dính bụi bặm”… tôi phải hãnh diện nhìn nhận rằng, khi Viên Chiếu thành lập, định hình xong, thì không bao giờ “cửa Thiền bị vướng mấy hạt bụi này!”… Đúng là chúng tôi tha hồ sống an tâm tuyệt đối, chỉ phải lo làm và tu thôi.

Hồi còn thơ bé tất nhiên chúng ta rất cần người lớn bảo hộ trông chừng, nhưng khi đã lớn khôn thì chính trí tuệ trưởng thành sẽ giúp ta tự loại bỏ những gì gây độc hại cho mình mà không đợi Thanh Quy, giới luật buộc.

Chẳng hạn như ta sẽ không thèm xem sách nhảm vô bổ, mắt chẳng ưa ngó cảnh không nên, miệng chẳng nói lời xấu ác, và luôn lưu tâm giữ ý trong sạch thuần khiết để tự bảo vệ mình. Làm được vậy là “giới tự nhiên thành”. Khi cội nguồn thanh tịnh thì tất cả tự tịnh.

Từ hồi Chân Không tháo dỡ và phục hưng, tính ra đã mấy mươi năm trôi qua, tôi vẫn chưa về lại Chân Không.

Mãi đến mấy năm gần đây, khi chị Hai tôi thuê xe lên viếng Chân Không tôi mới tháp tùng đi ké theo. Nhờ đã hẹn ngày báo trước, nên được Chân Không tiếp đón cực kỳ chu đáo.

Chị tôi bông đùa:

– Mình chỉ cúng một hạt mè, nhưng lại kéo cả… “xe” lên núi… ăn hết đồ của quý thầy.

Tôi nhìn các vị Tăng trẻ nơi đây, tâm tư chợt dấy bao nỗi niềm… Đành là cành núi hùng vĩ thơ mộng, nhưng phải có chí xuất trần lắm mới tìm lên đây. Tuổi thanh niên trai tráng ưa vui, mấy ai ưa tịch tĩnh mà đến nơi này? Bây giờ các cảnh chùa tuy có phòng ốc khang trang, nhưng không có nghĩa là hết cực, vì sự cực nhọc luôn hiện diện, mỗi thời mỗi mới.

Thời chúng tôi tu đa số đều ở tuổi thanh xuân nên trẻ nhiều già ít, đến giờ đã mấy mươi năm trôi qua, người cũ ai cũng tuổi tác chất chồng, thì Chân Không lại càng già nhiều, trẻ ít.

Trong tập thể, người trẻ cống hiến sức lực nhiều hơn, nhưng người già trí tuệ uyên thâm hơn. Tăng đoàn có thể sống vui hòa là nhờ lòng bao dung và sức nhẫn giỏi.

Đức Phật càng cao tuổi càng làm lợi chúng sinh, tôi tự nhủ thầm và cũng hi vọng rằng hễ mình càng cao tuổi thì đừng có “càng làm khổ chúng sinh” vì cái tật của người già.

Gió ở Chân Không vẫn lồng lộng, mát rượi. Cảnh vẫn đẹp như cõi tiên đến tôi phải ghen tị với chư vị ngự trên non cao. Nhưng cõi nhân gian mà, không có gì là hoàn mỹ, hễ hưởng được núi cao khí thoáng, có gió, có biển… thì phải chịu cảnh nguồn nước khan hiếm…

Dù xe hơi bây giờ đã có thể lên tới tận cổng Thiền viện Chân Không. Nhưng nếu bảo tôi lái xe máy chạy lên chạy xuống trên con đường núi ngoằn nghèo (dù đã tráng nhựa) này thì tôi thà lội bộ, an tâm hơn.

Chị Hai tôi nói:

– Nhìn quý thầy thấy thương quá! Chẳng biết quý thầy thích dùng gì há? Chị thấy quý thầy ở đây tính trẻ trung lắm, cúng cái gì thì mấy ổng “làm sạch” ngay bữa đó không có để dành… Hôm kia chị cúng sữa, bánh… mấy ổng dùng hết trong một ngày!

Tôi cười bảo:

– Biết có sống tới mai không mà để dành củ khoai tới mốt? Chị không thấy quý thầy phải lao động nặng hay sao?

– Trời nắng thế này., mình đãi… kem quặng được không? Nhưng ở trên núi làm sao mua?

– Để giải đáp thắc mắc chị Hai, một thầy lái xe xuống núi, chẳng mấy chốc ai cũng có cây kem mát lạnh đề dùng.

Rời Chân Không, chiếc nôi đầu của các Chiếu, tôi cảm thấy bùi ngùi, mong sao chư Tăng nơi đây luôn có đầy đủ mọi sự để sống an thủ đạo, mong rằng các vị sẽ không bị… đói vì đã nhìn phần đãi bữa trưa thật thịnh soạn cho chúng tôi.

Tôi bỗng nhớ đến câu hát của tác giả Từ Ân mà tôi nhìn loáng thoáng ở đâu đó:

Đường về Chân Không ai ngóng ai trông…
Dường về Chân Không mưa nắng hai mùa!
 
Do nhớ lõm bõm nên tôi dành hát nhỏ lời ca theo… ý của mình:
 
Từ thời khai sơn giảng pháp, chiêu sinh…
Cả vùng non cao lưu dấu ân sư
Thầy rời Chân Không… bỗng hóa hoang vu
Ngậm ngùi cây nghiêng… trút lá rưng buồn!
Về lại Chân Không nghe thoáng bâng khuâng…
Thạch đầu còn đây nhưng thiếu… ân sư!
Bầu trời trên cao mây vẫn êm trôi
Vọng về miên man… tiếng pháp ban đầu!
Nguyện cầu chư Tăng luôn sống an vui
Dù nhiều gian lao, tâm chí thanh cao
Trẻ già nương nhau tuyên pháp thâm sâu
Vòi vọi non cao… chói sáng đạo mầu!

Viết tới đâỵ, đọc tới lui, không thấy tự tin, tôi đành gởi qua chị Thủy xem trước và viết mấy dòng nhờ vả:

“Chị Ba ơi!

Đây là bài viết nộp cho “Kỷ Yếu Chân Không”, chị xem thấy chỗ nào không ổn thì cho biết để em xóa đi. Còn nếu toàn bài không ổn thì em sẽ bỏ sọt rác (Hu hu). Ráng viết mà sao khó quá. Xong bài này em giải nghệ hồi ký với mấy Viện luôn! Chị vui lòng chỉ giáo giùm”…

Từ trời Tây, chị ba tôi hồi âm:

“Chị đang ở chùa Đức Viên San Jose, Cali.. Sáng nay, đang cầm máy tự chụp hình, bỗng dưng chị thấy kinh hoảng (vì… xưa nay Chị vẫn mường tượng hơi “quá tay” về nhan sắc của mình.) Đã vậy, thời thanh xuân, không ai chịu chụp giùm cho tấm hình; đợi lúc mình trổ… đồi mồi rồi thì thiên hạ cứ quay film, còn đưa hình lên… intemet.

Do vậy mà lòng chị buồn khôn tả, ngó lên quày bán đồ chay của chùa, lại bắt gặp tấm bảng ghi hàng chữ thiệt bự như vầy nè:

Những người đẹp đẽ như tiên
Bởi do ăn ở thảo hiền nết na…

Đọc xong, nhìn lại dung nhan của mình và bạn bè đồng trang lứa, hồn thơ trong chị bỗng dưng trào ra lai láng, chị liền xuất khẩu thành thi:

Những người xấu xí như ma,
Bởi do không chịu nết na thảo hiền…

(Ôi Má ơi! Chưa bao giờ Con muốn làm hoa hậu như hôm nay..! Hù hu!)..

À, bấy giờ chị trả lời về bài viết của em đây:

Chị em Cô Tuệ Đăng vốn văn hay chữ tốt, kèm theo bản tánh cần thận hơn chị em mình! Vì vậy, em cứ BÊ HẾT, giao nguyên bản này cho ông Cụ Thông Thiền: Kèm theo lời nhắn: “Huề thượng có toàn quyền: chỉnh, sửa, cắt, thay đổi, thêm bớt… miễn sao độc già khen là được! Nếu có một lời chê bai, xầm xì, trề, nhún… của… bất cứ ai, thì Huề thượng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước… pháp luật (Ý quên, trước dư luận!)…

Con kính chuyển dòng góp ý này đến Huề thượng Thông Thiền.

Kính bút – Chị em nhà HAYDOMAD! 28/3/2015