NHÂN SINH YẾU NGHĨA
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Thích Minh Định dịch
Lão Tăng Một Khi Ngồi tiêu hết vạn lạng vàng
Giảng ngày 04/7/1987
Ngưỡng Sơn Lão Nhân có nói rằng:
“Lão Tăng một khi ngồi,
Tiêu hết vạn lạng vàng”.
Ý nghĩa nói đến thừa tướng Phỉ Hưu, tuy nhiên ông ta biết xuất gia là tốt, nhưng vì làm thừa tướng không thể xuất gia. Bèn xây một ngôi Chùa lớn, chứa khoảng hơn hai ngàn vị tăng. Lúc đó có rất nhiều người xuất gia nghe tin Ngài Ngưỡng Sơn ở Hồ Nam xây một đạo tràng lớn, đều đến để tu học, thân cận Ngài Ngưỡng Sơn, ngày ngày ngồi thiền tập định, nghiêm trì giới luật.
Thừa tướng Phỉ Hưu thấy mình không có phần xuất gia, bèn cho con lên Chùa xuất gia. Ðứa con này là hàn lâm học sĩ, tức là tốt nghiệp quốc lập học viện tối cao. Ngài Ngưỡng Sơn thấy vị Hàn Lâm xuất gia, cho pháp danh là Pháp Sư Pháp Hải, giao cho công việc gánh nước. Ðương thời số người ở tu hơn ngàn người, phân công việc này cũng không nhẹ. Lúc đó không có nước “robinet” như ngày nay, phải xuống giếng gánh về, từ sáng đến tối không có thời gian nghỉ ngơi. Sáng sớm ba giờ dậy, đại chúng lên khóa lễ sáng, còn Pháp Sư Pháp Hải đã bắt đầu gánh nước. Như vậy trải qua mấy năm gánh nước mà không có làm việc gì khác, thậm chí tụng Kinh, ngồi thiền cũng chưa tham gia. Một vị Hàn Lâm mà phải vì đại chúng gánh nước, thật giống như bị thiệt thòi, nhưng Pháp Sư Pháp Hải cũng không từ nan, cố gắng đi làm.
Một ngày nọ, vị Pháp Sư Pháp Hải có chút nhàn rỗi, từ khi về Chùa không biết người xuất gia tu cái gì, cho nên Pháp Sư Pháp Hải đi lén đến thiền đường nhìn trộm, nhìn thấy trong thiền đường có một số ngườI ngồi thiền ngay ngắn, có một số đầu gục lên gục xuống vì ngủ gục, riêng một số mở mắt nhìn đông nhìn tây. Pháp Sư Pháp Hải tự nghĩ “Mình hằng ngày gánh nước, làm đầu tắt mặt tối, các vị chỉ ngồi ngủ gục, hoặc mở mắt nhìn khắp nơi, làm sao được sự cúng dường của tôi!” Do đó trong tâm buồn bực phiền não, ôm lòng oán giận. Pháp Sư Pháp Hải chỉ nghĩ như thế chứ không nói ra, nhưng Ngài Ngưỡng Sơn đã biết rồi, bèn gọi vào phòng phương trượng nói:”Nhà ngươi ở đây đã được mấy năm, hiện tại ôm lòng oán giận, cho rằng những người xuất gia không đủ tư cách tiếp thọ sự cúng dường của nhà ngươi, nay không cho ngươi ở đây nữa, ngươi hãy thu thập hành lý đi ngay”. Pháp Sư Pháp Hải bị Chùa đuổi đi, liền từ giã Sư Phụ Linh Hựu Thiền Sư nói:”Sư Phụ, con không có tiền không biết nên đi đâu?” Linh Hựu Thiền Sư liền cho tám đồng rưỡi tiền nói rằng:”Ngươi muốn đi đâu cũng được, nhưng khi tiêu hết số tiền nầy thì dừng lại, nếu dùng chưa hết thì đừng dừng lại”. Tám đồng rưỡi tiền lúc đó bằng tám mươi lăm đồng bây giờ, cũng không nhiều.
Pháp Sư Pháp Hải trên đường đi không dám tiêu tiền, dọc đường chỉ đi khất thực, từ Hồ Nam đi đến Giang Tô, đi qua trấn giang nhìn thấy cạnh trường giang có một hòn đảo nhỏ, trên đảo có núi. Pháp Sư Pháp Hải muốn ghé đi dạo núi, giơ tay kêu người chèo đò lại, hỏi phải tốn bao nhiêu tiền. Người chèo đò không muốn nhiều, cũng không muốn ít, chỉ muốn tám đồng rưỡi thôi. Pháp Sư Pháp Hải đến núi đó, phát giác núi không cao lắm, rất u tĩnh cho nên đã lưu lại. Sau đó tìm được một hang động trên núi, phát hiện trong động có mấy hũ vàng, cho nên tên núi đổi là Kim Sơn. Pháp Sư Pháp Hải bèn đem vàng ra làm Chùa, chuyên tâm tu thiền. Từ đó đến nay đạo phong Chùa Kim Sơn đặc biệt nổi danh. Trong quyển Bạch Xà truyện, có nói về phương trượng Pháp Sư Pháp Hải. Lúc đó Pháp Sư Pháp Hải chưa thọ giới cụ túc, còn là sa di, nhưng Ngài đã là một vị Tổ Sư khai sơn Chùa Kim Sơn.
Vừa mới nói về Ngài Ngưỡng Sơn:”Lão Tăng một khi ngồi, tiêu hết vạn lạng vàng”. Ðây là đối với Pháp Sư Pháp Hải mà nói. Pháp Sư Pháp Hải vọng tưởng cho rằng những người xuất gia không đủ tư cách thọ sự cúng dường của Pháp Sư Pháp Hải, thực ra không phải vậy. Tại sao? Vì nếu có người hay tĩnh tọa, “Tĩnh cực quang thông đạt”. Lại rằng:”Nếu có người tĩnh tọa trong chốc lát, hơn tạo Hằng sa tháp bảy báu”, cho nên vạn lạng vàng cũng tiêu hết. Do đó, chúng ta tham thiền đừng xem nhẹ việc ngồi thiền. Người học Phật muốn thành Phật, tất phải tham thiền đả tọa, phải dụng công, đừng sợ chân đau, lưng ê, mới thành tựu. Cho nên cổ nhân nói rằng:
“Không thọ một phen lạnh thấu xương,
Sao được hoa mai thơm ngát mũi”.