NHÂN SINH YẾU NGHĨA
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Thích Minh Định dịch

Tĩnh Toạ Trong Chốc Lát

Giảng ngày 27/06/1987

“Nếu có người tĩnh tọa trong chốc lát,
Còn hơn xây Hằng sa tháp bảy báu”.

Trong chốc lát, bao gồm vô lượng đại kiếp. Vô lượng đại kiếp không rời một niệm hiện tiền. Một niệm hiện tiền không ra ngoài vô lượng đại kiếp. Nếu tĩnh tọa trong chốc lát, lúc này không thấy có tướng người, tướng ta, tướng chúng sinh, tướng thọ mạng, không một tơ hào vọng tưởng, một niệm không sinh, vạn duyên buông xả, thì lúc này dung nạp vô lượng đại kiếp làm một niệm, phóng một niệm làm vô lượng kiếp. Nếu tĩnh tọa trong chốc lát, hoặc nửa giờ, hoặc ba giờ, hoặc năm giờ, hoặc bảy ngày đêm. Lúc này thật sẽ đạt được: “Trong thì không có thân tâm, ngoài thì không có thế giới”. Loại công đức này so với bạn xây tháp Phật bằng bảy báu nhiều như số cát sông Hằng hãy còn lớn hơn. Tại sao? Vì công đức kiến tạo tháp có hình tướng, cho nên cuối cùng sẽ đoạn diệt. Nếu đạt đến không có thân tâm, không có thế giới, thì lúc này trí huệ Bát Nhã của bạn sẽ hiện tiền, thứ công đức này nhìn không thấy, nghe không được, ngửi không có mùi vị, nhưng tính giác bồ đề rõ nhiên tồn tại.

Nếu trong khoảnh khắc, trong thời gian rất ngắn, không thấy có tướng người, không tướng ta, không tướng chúng sinh, không tướng thọ mạng thì tương ưng với Phật tính. Phật tính vốn có chiếu rõ thật tướng của các pháp, không sinh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm, nhưng vì bị vô minh che lấp, ánh sáng mặt trời (trí huệ) vốn có không hiện tiền, bị mây che lấp, trời đất tối đen, cho nên phân biệt không rõ, lấy phải làm trái, lấy trái làm phải, nhận giặc làm con, vọng tưởng điên đảo cho nên luân hồi sinh tử.

Vào đời Ðường, Ngài Ngưỡng Sơn tu tại Hồ Nam, đắc được định lực tĩnh tọa trong chốc lát. Ngài không màng đến vàng bạc châu báu, thân nhân bạn bè và hết thảy năm dục. Ngài Ngưỡng Sơn, tuy không cầu danh lợi, nhưng thời gian lâu rồi, ai ai cũng đều biết Ngài, rất nhiều người lên núi cúng dường, thân cận Ngài để cầu phước, cầu huệ. Tin đồn này truyền đến thừa tướng Phỉ Hưu. Do đó thừa tướng cũng lên núi lễ bái, thấy trên núi chỉ có vỏn vẹn một lều tranh, không giường chiếu chi hết, chỉ có cái bồ đoàn, Ngài thường thường dùng để ngồi. Người đến Ngài cũng không động, người đi Ngài cũng không màng, không nghênh đón cũng không tiễn đưa khách. Thừa tướng Phỉ Hưu lại nghĩ:”Vị tu hành này không có chùa, hiện tại mình có tiền, thôi thì làm một ngôi chùa cúng dường cho Ngài tu”. Do đó sai bọn tùy tùng lấy ra ba trăm lạng bạc nhưng Ngài Ngưỡng Sơn cũng không tiếp thọ, cũng không từ chối, thừa tướng Phỉ Hưu bỏ bạc trên đám cỏ rồi đi, ba trăm lạng bạc hồi đó tương đương với ba triệu bây giờ.

Cách ba năm sau, thừa tướng Phỉ Hưu nghĩ:”Chùa chắc đã làm xong rồi, đi xem cho biết”. Lên đến núi, phát giác lều tranh vẫn còn, Chùa thì chẳng thấy, thừa tướng Phỉ Hưu nghĩ:”Tôi cúng dường tiền, tại sao Ngài không làm Chùa, vẫn còn chịu khổ như cũ, không biết tiền đem đi đâu?” Do đó bèn hỏi Ngài Ngưỡng Sơn:”Thiền Sư, con cúng tiền cho Ngài làm Chùa, Ngài để đâu?” Ngài Ngưỡng Sơn nói:” Trước kia ông để ở đâu thì lại đó tìm”. Thừa tướng Phỉ Hưu đi lại chỗ cũ xem thì số tiền bạc vẫn còn nguyên. Thừa tướng Phỉ Hưu lại nghĩ:”Vị tu hành này thật là lười biếng, cúng tiền Ngài cũng không dùng, tại sao càng tu càng ngu si?” Lúc này Ngài Ngưỡng Sơn nói với thừa tướng:” Tức nhiên ông cho rằng tôi không biết dùng tiền, ông hãy mang về dùng làm việc khác, tôi không nghĩ làm Chùa có hình tướng”.

Thừa tướng sớm đã biết lai lịch của Ngài, mới phát tâm vì Ngài xây chùa. Tuy nhiên tạo Chùa xong, không biết bồi dưỡng trí tuệ của mình, thì không như Ngài Ngưỡng Sơn ở tại đó tạo “Chùa trí huệ”. Nếu ai không động vọng niệm, không khởi vọng tưởng năm dục đó mới là chân tu đạo. Người ngồi thiền phải học Ngài Ngưỡng Sơn, đối với tiền bạc không động tâm, đừng ngồi tại đó khởi vọng tưởng:”Tôi ngồi xong đi làm nghề gì, kiếm bao nhiêu tiền”, hoặc ở tại đó tính tiền đậu hũ, ai còn thiếu tiền mấy miếng đậu hũ .v.v. Nếu muốn làm như thế, thì thà ở nhà làm, đừng đến Chùa làm. Do đó người muốn kiếm tiền, từ nay về sau phải kiểm điểm, đừng mang những thứ vọng tưởng lăng xăng ấy vào chùa.