Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai
Bổn Nguyện Công Đức Kinh Giảng Ký
Đại sư Ấn Thuận giảng
Tại Chùa Thiện Đạo, Đài Bắc, Đài Loan
Mùa thu năm 1954
Thích Pháp Chánh dịch
A2. Phần chánh tông.
B1. Như Lai khai thị.
C1. Y chánh hạnh nguyện.
D1. Nêu tổng quát y chánh.
Đức Phật bảo ngài Văn Thù Sư Lợi: “Ở phương Đông cách đây hơn mười hằng hà sa số cõi Phật, có một thế giới tên Tịnh Lưu Ly, đức Phật hiệu là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ứng, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Bạc Già Phạm.”
Từ đây trở xuống là phần chánh tông, chia làm ba phần, tức là: Như Lai khai thị, Bồ tát hoằng truyền, và Dược xoa phát nguyện hộ trì. Trong phần Như lai khai thị, trước tiên nói về Y chánh hạnh nguyện của đức Như Lai Dược Sư. Trong đây lại chia làm ba đoạn. Trước tiên nêu lên tổng quát y chánh, tức là chánh báo (Phật thân), và y báo (thế giới của Phật).
Đức Phật bảo ngài Văn Thù: “Từ thế giới Ta Bà này, hướng về phía đông, trải qua mười hằng hà sa số cõi Phật, có một thế giới tên gọi là Tịnh Lưu Ly.” “Hằng hà”, dịch là “từ trên trời xuống”, là một con sông lớn nổi tiếng ở Ấn Độ. Cát của sông Hằng rất mịn và rất nhiều. Đức Phật, phần lớn đều thuyết pháp ở khu vực sông Hằng, cho nên mỗi khi đề cập đến con số rất lớn, đều đem số cát của sông Hằng để ví dụ. Thế giới Tịnh Lưu Ly ở phía đông của thế giới Ta Bà này, khoảng cách xa hơn mười hằng hà sa số cõi Phật. Đức Phật ở cõi đó tên gọi là Lưu Ly Quang. Tịnh Lưu Ly là y báo (thế giới), là cõi Tịnh độ Thường tịch quang, dùng cứu cánh thanh tịnh chân như làm thể. Đức Như Lai Dược Sư triệt để phá trừ vô minh che chướng, chứng đắc pháp giới thanh tịnh, cho nên ước định cảnh giới sở chứng (quốc độ), gọi là thế giới Tịnh Lưu Ly; một mặt, không lìa pháp giới, viên mãn đại trí tuệ, quang minh biến chiếu, có thể phá trừ tất cả ngu si ám muội, ước định trí tuệ năng chứng (Phật), gọi là Lưu Ly Quang.
Từ “Như Lai”, cho đến “Bạc Già Phạm”, là mười danh hiệu lớn của đức Phật. Mười tên gọi này, hoàn toàn y vào công đức của Phật mà an lập. Nhân vì công đức của đức Phật quá lớn, một danh hiệu không đủ để bày tỏ, hơn nữa, một tập quán thông thường ở Ấn Độ là mỗi khi ca tụng hoặc khen ngợi, đều dùng mười danh hiệu, chẳng hạn như Đế Thích, Đại Tự Tại Thiên, v.v…, đều có mười danh hiệu. Phật pháp tùy thuận tập quán của thế tục, cho nên cũng dùng mười danh hiệu để xưng tán đức Phật.
Trong mười danh hiệu: (1) Như Lai, như đã giải thích ở trên. (2) Ứng: tức là dịch nghĩa của A la hán. Nhân vì công đức của Phật là viên mãn nhất, xứng đáng thọ nhận sự cúng dường của trời người, làm đại phước điền của trời người, hơn nữa, đã đoạn tận phiền não (Hán: sát tặc), không còn bị sinh tử trở lại. (3) Chánh Đẳng Giác: tức là tiếng Phạn Sambodhi. Giác, tức là giác ngộ, có thể thông đạt tất cả pháp tướng, xa lìa tất cả điên đảo. Thế nhưng, nói “chánh giác”, thì có thể thông với Tiểu thừa. Đại thừa xưng là Chánh Đẳng Giác. Đẳng, có nghĩa là phổ biến, tức là phổ biến giác ngộ chân tính của tất cả các pháp. (4) Minh Hạnh Viên Mãn: còn dịch là Minh Hạnh Túc. Viên mãn cũng có nghĩa là túc (đầy đủ). Minh là trí tuệ; hạnh, như vạn hạnh, bố thí, trì giới, v.v… Phước đức và trí tuệ, cũng như tất cả các công hạnh của đức Phật đều viên mãn đầy đủ, hoàn toàn không thiếu sót, cho nên gọi là Minh Hạnh Viên Mãn. (5) Thiện Thệ: Thệ, có nghĩa là đi, cũng tức là nhập Niết bàn. Các bậc thánh Tiểu thừa bỏ mặc vô lượng chúng sinh đang khổ não để đi vào Niết bàn, đây là đi nhưng không thiện (khéo). Đức Phật Đại Giác không lìa sinh tử mà chứng Bồ đề, không xả bỏ chúng sinh mà nhập Niết bàn, cho nên gọi là Thiện Thệ (khéo đi). (6) Thế Gian Giải: Giải, tức là giải quyết. Đối với tất cả sự lý của thế gian, căn bổn và nguyên nhân của sự khổ của chúng sinh, cũng như phương pháp để diệt khổ, cảnh giới rốt ráo xa lìa sự khổ, đều thấu rõ và biết rõ cách giải quyết. (7) Vô Thượng Sĩ: Sĩ, là sĩ phu (có nghĩa là đàn ông). Đức Phật được xưng là độc tôn (cao nhất) trong cõi trời người, ngài là bậc đạo sư của trời người, cho nên gọi là Vô Thượng Sĩ (bậc cao nhất trong cõi trời người). (8) Điều Ngự Trượng Phu: Điều ngự, giống như người huấn luyện ngựa, có thể huấn luyện những con ngựa hung dữ trở thành thuần thục. Đức Phật giáo hóa chúng sinh, bất luận căn tính của chúng sinh ác liệt như thế nào, ngỗ nghịch như thế nào, cang cường khó điều phục như thế nào, đều có thể khéo léo điều phục, khiến cho họ dần dần chuyển hướng về Phật pháp, tu học Phật pháp mà được thành tựu. Đức Phật giáo hóa, không có phương pháp nhất định, tùy mỗi chúng sinh mà có sự khác nhau. Có lúc ôn hòa dịu dàng, khen ngợi khuyến khích, như dạy dỗ tu tập bố thí, trì giới sẽ được công đức vô lượng, hy hữu hiếm có, có lúc thì nghiêm khắc, quở trách, như nói chúng ta nghiệp chướng sâu dày, ngu si không trí tuệ, nếu như không chịu tinh tiến tu tập ắt sẽ bị đọa vào ba đường ác. Đây cũng giống như huấn luyện loài ngựa, bằng sự huấn luyện mềm mỏng, hoặc cứng rắn, thì sẽ dần dần thuần thục. (9) Thiên Nhân Sư: Đức Phật xuất hiện thế gian, không những giáo hóa loài người, mà cũng đồng thời giáo hóa loài trời. Có vô lượng các vị trời đến nghe pháp, cho nên đức Phật là Thiên Nhân Sư (Thầy của trời người). (10) Phật: Phật, tức là bậc Giác ngộ (Hán: Giác giả), có thể giác ngộ cứu cánh những bí ẩn của sinh mệnh, và thấu rõ (Hán: Giác sát) tất cả pháp tướng thế gian và xuất thế gian. (11) Bạc Già Phạm: tức là Thế Tôn, đã giải thích ở phần trên.
Đến đây, đã nêu lên tổng quát danh xưng của cõi Tịnh độ Đông phương và Thánh hiệu của đức Phật ở cõi đó.
D2. Trình bày riêng biệt về hạnh nguyện.
E1. Hạnh nguyện.
F1. Nói tổng quát.
Này Văn Thù Sư Lợi! Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, khi còn tu hành đạo Bồ tát, có phát Mười hai Nguyện lớn, khiến cho chúng hữu tình cầu gì được nấy.
Trong phần Y chánh hạnh nguyện, phần trên đã nêu lên tổng quát quốc độ (y báo) và danh hiệu (chánh báo) của đức Phật Dược Sư. Hiện nay chúng ta trình bày riêng biệt hạnh nguyện của đức Như Lai Dược Sư. Phần này tương đối dài, chia làm ba phần. Trước tiên nói tổng quát.
Đức Phật bảo ngài Văn Thù Sư Lợi: Đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang của thế giới Tịnh Lưu Ly ở phương Đông, sở dĩ chứng đắc Phật quả viên mãn, thành tựu thế giới thanh tịnh trang nghiêm, là vì trong đời quá khứ lúc còn hành Bồ tát đạo, đã dùng tâm Đại bi, phát Mười hai Nguyện lớn nhiếp thọ chúng sinh. Đức Phật Dược Sư khi còn ở giai đoạn tu nhân, đã phát nguyện lớn, không giống như hạng phàm phu chỉ cầu thỏa mãn dục vọng của chính mình, mà cũng không giống hàng Nhị thừa, chỉ lo thoát ly sinh tử cho riêng mình, mà là do sự tuôn trào của tâm từ bi, vì muốn làm thỏa mãn lòng mong cầu của tất cả chúng sinh. Cho nên ở đây nói Bổn hạnh đại nguyện của đức Như Lai Dược Sư là vì “khiến cho chúng hữu tình cầu gì được nấy.” Chẳng hạn như mong cầu xa lìa sự khổ sinh tử, thành tựu sự vui Bồ đề, hoặc cầu vãng sinh Tịnh độ, hoặc có bệnh hoạn mà mong được khỏe mạnh, hoặc nhân vì cuộc đời có nhiều khó khăn mà mong muốn sự bù đắp. Đối với tất cả những loại mong cầu khác biệt như vậy, đức Như Lai Dược Sư, từ trong Đại công đức, Đại từ bi của chính mình, tùy theo lòng mong cầu của chúng sinh mà làm cho họ được thỏa mãn.
Lúc tu nhân phát Mười hai đại nguyện, đó là nguyện lực; khiến cho sự mong cầu của tất cả hữu tình đều được thỏa mãn, tức là sau khi thành Phật, thực hiện hoàn mãn công đức của bổn nguyện. Đức Phật phát Đại nguyện lúc còn đang ở giai đoạn tu nhân, không phải hoàn toàn đợi đến sau khi thành Phật mới tu tập, mà là thể theo tâm nguyện của mình mà thực hiện. Như vậy, hoặc nghiệp dần dần tiêu trừ, công đức mỗi ngày một tăng trưởng, đến lúc thành Phật thì mới có thể cứu cánh viên mãn. Đức Phật Dược Sư lúc thành tựu Đại bồ đề, Mười hai nguyện Đại bi rộng lớn đều có thể trở thành hiện thực. Đây là vì trong lúc còn là Bồ tát tu nhân, đối với các thệ nguyện đã phát, ngài đã có thể tùy phần tùy lực mà thực hiện từng giai đoạn, tích tập từng phần, cho đến lúc thành Phật, tất cả Đại nguyện đều được thành tựu. Đức Dược Sư đã như vậy, thì đức A Di Đà, v.v…, không vị Phật nào mà không như vậy. Chúng ta y vào nguyện mà cầu khẩn, thì có thể đúng như nguyện mà cảm ứng, đây nhất định là có sự tồn tại của sức mạnh cảm ứng. Kệ nói: “Sức phước đức tư lương, sức chư Phật gia trì, và sức của pháp giới.” Sự cầu nguyện sở dĩ thành tựu, thực sự có ba loại sức mạnh này. (1) Tự lực: tức là từ phương diện tự thân, cần phải có tư lương phước đức và trí tuệ, đặc biệt là tín nguyện chân thành tha thiết, giống như y sĩ trị bệnh mắt cho chúng ta, thì ít nhất đôi mắt chúng ta phải có công năng tự phục hồi, còn nếu tròng mắt đã hoàn toàn bị hư hoại, thì vị y sĩ dù có tài năng cách mấy cũng không thể chữa trị. (2) Sức gia bị của chư Phật: Bi nguyện của chư Phật Bồ tát vĩnh viễn nhớ nghĩ đến chúng sinh, chiếu soi chúng sinh, chỉ cần chúng sinh nguyện cầu một cách hợp lý, có thể thực hiện được, thì đều sẽ có hiệu quả. (3) Sức của pháp giới: Bổn tính của tất cả pháp (pháp giới), vốn không có sự sai biệt, trong pháp giới bình đẳng không có sự giới hạn hoặc ngăn ngại, chúng sinh và chư Phật đều bình đẳng, phàm thánh nhất trí. Cho nên chúng sinh có khả năng “cảm” với chư Phật, và chư Phật Bồ tát cũng có khả năng “ứng” (tùy cảm mà ứng hiện), như vậy, chúng ta có thể một mặt y vào lực lượng phước tuệ của chính mình, một mặt nương vào sự gia bị của nguyện lực của Phật, thì nhất định có thể thành biện sự mong cầu “tiêu tai miễn nạn, lìa khổ được vui!”
F2. Nói riêng biệt.
G1. Nguyện chúng sinh và chư Phật bình đẳng.
Nguyện lớn thứ nhất: Ta nguyện đời sau, khi chứng được A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, ánh sáng thân mình rực rỡ, chiếu sáng vô lượng vô số vô biên thế giới. Ta sẽ dùng ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân thể, và khiến cho tất cả hữu tình đều được thân thể như ta không khác.
Từ đây trở xuống là đem Mười hai nguyện lớn phân ra từng nguyện để giải thích.
Đức Thế Tôn nói với ngài Bồ tát Văn Thù: Trong mười hai nguyện lớn mà đức Như Lai Dược Sư đã phát lúc tu nhân, nguyện lớn thứ nhất là nguyện chúng sinh và chư Phật đều bình đẳng. Ngài lập nguyện nói: “Ta nguyện đời sau, khi chứng được A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, ánh sáng thân mình rực rỡ, chiếu sáng vô lượng vô số vô biên thế giới.” Tam miệu tam bồ đề (Sambodhi), dịch là Chánh đẳng giác. “Chánh giác” thông với Tiểu thừa, “Đẳng giác” thông với Bồ tát, cho nên ở trên cụm từ “tam miệu tam bồ đề”, lại thêm “a nậu đa la.” A nậu đa la (Anuttara), dịch là Vô thượng. Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tức là sự giác ngộ viên mãn của đức Phật. Chánh giác của đức Phật là “tối cực biến chiếu, tối cực cứu cánh” (cùng cực chiếu khắp, cùng cực cứu cánh). Bình thường cho rằng: “Buông bỏ dao đồ tể, lập tức thành Phật”, nghe có vẻ như thành Phật rất dễ dàng. Thật ra cần phải đầy đủ tư lương phước tuệ (vô biên công đức tự lợi lợi tha), đều phải đạt đến trình độ cao nhất, viên mãn nhất, thì mới có thể thành Chánh Đẳng Giác. Người tu hành, hoặc ít hoặc nhiều, chỉ là thành tựu một phần công đức của Phật mà thôi. Đức Dược Sư nói trong tương lai khi thành Phật thì thân hình sẽ phóng ra ánh sáng, giống như ánh lửa rực rỡ, chiếu sáng tất cả mọi thế giới. Đây là thân tướng mà tất cả chư Phật đều đầy đủ. Giống như phía sau tượng Phật có một vòng sáng, đây tức là tướng viên quang của (hóa thân) Phật. Đức Phật Tỳ Lô Giá Na có nghĩa là Quang Minh Biến Chiếu. Đại Nhật Như Lai, tức là dùng ánh sáng mặt trời làm ví dụ. Trong kinh điển Đại thừa thường nói đến ánh sáng của Phật chiếu soi khắp vô lượng thế giới. Chúng ta sống trong thời đại Mạt pháp, cách thời Phật rất xa, nhưng chúng ta vẫn được tắm gội trong ánh sáng từ bi của ngài, chỉ là không biết mà thôi. Giống như mặt trời đang chiếu sáng trên bầu trời nhưng người mù không thấy được. Ánh sáng của đức Phật cũng vậy, không lúc nào không chiếu soi, không nơi nào không chiếu soi, chúng sinh vì vô minh phiền não che chướng, tuy thường ở trong ánh sáng của đức Phật nhưng không thấy được. Chúng ta học Phật pháp, nếu như có thể tinh tiến tu tập, tịnh trừ bụi bặm của phiền não, thì đương nhiên sẽ thấy được ánh sáng của Phật, hoặc thấy đức Phật hiện thân.
Đức Như Lai Dược Sư, lúc chứng đắc Đại bồ đề, lại dùng ba mươi hai tướng trượng phu tướng và tám mươi loại vẻ đẹp để trang nghiêm tự thân. Thân ngài giống như Lưu ly, ánh sáng rực rỡ đã hiển hiện thân tướng của đức Như Lai Dược Sư vô cùng minh tịnh! Hiện nay, lại tăng gia ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, v.v…, lại càng thấy được đức tướng viên mãn trang nghiêm. Ba mươi hai tướng là tướng của bậc “đại nhân” mà người Ấn Độ công nhận, đặc biệt là tướng thù thắng của người đàn ông. Ở đây không thể giải thích chi tiết riêng từng tướng, cho nên chỉ nêu ra sơ lược một vài tướng. Như tướng lòng bàn chân bằng phẳng, tướng thiên phúc luân (bánh xe ngàn căm), thân có màu tử kim (vàng tía), cánh tay dài quá đầu gối, đỉnh đầu có nhục kế, v.v… Tổng cộng có ba mươi hai tướng. Những tướng này, y theo tướng pháp của Ấn Độ thời bấy giờ là phước tướng cao quý trang nghiêm nhất. Chuyển luân vương hoặc đức Phật mới có đầy đủ ba mươi hai tướng. Tám mươi vẻ đẹp (Hán: tùy hình hảo), là tùy theo hình thái hoặc nét đẹp của mỗi bộ phận trên thân, chẳng hạn như tay Phật mềm mại, lông tóc sáng ngời, nét mặt đầy đặn, v.v… Lúc còn tại thế, đức Thế Tôn (Thích Ca) nhân vì có đức tướng trang nghiêm nên mỗi khi ngài đi giáo hóa, dù chưa từng thuyết pháp cũng có rất nhiều người muốn quy y với ngài. Phật pháp vốn không chấp vào hình tướng, nhưng vì muốn dẫn dắt chúng sinh, khiến cho họ hoan hỷ sinh khởi lòng tin, cho nên đức Dược Sư lúc còn tu nhân địa, đã cần phải phát nguyện đầy đủ phước tướng trang nghiêm này. Bổn nguyện của đức Như Lai Dược Sư, không những mong cầu thân tướng quang minh, đầy đủ các vẻ đẹp cho chính mình, mà đồng thời cũng mong cầu tất cả các hữu tình khác đều được giống như mình, bình đẳng không có sự sai khác. Điều này có thể phân làm hai phương diện: (1) Ước định sự bình đẳng giữa Phật và chúng sinh ở thế giới Tịnh Lưu Ly mà nói: Sinh ở Tịnh độ Đông phương, thân tướng viên mãn, không khác với đức Phật. Thế nhưng, không thể nói rằng tất cả hữu tình khác, vì đang ở trong những thế giới hiện đang khổ đau, mà chưa từng chân thật bình đẳng với chư Phật. (2) Ước định Phật tính của tất cả chúng sinh mà nói: Bổn tính của tất cả chúng sinh đều là “quang minh biến chiếu”, đầy đủ ba mươi hai tướng trượng phu, tám mươi vẻ đẹp. Kinh Như Lai Tạng nói: “Tất cả chúng sinh đều có Như lai tạng, quang minh rực rỡ, vốn có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, chỉ nhân vì chúng sinh bị vô minh che lấp, chưa từng hiển hiện, cho nên ẩn mà không hiện.” Điều này phải đợi đến khi thành Phật thì mới có thể chứng biết như thật. Cho nên Kinh Hoa Nghiêm nói: “Lạ thay, lạ thay! Tất cả chúng sinh đều có đức tướng trí tuệ của Như Lai, chỉ nhân vì vọng tưởng chấp trước nên chưa thể chứng đắc.” Từ tâm cảnh của Phật chiếu kiến tất cả chúng sinh thì đều là bình đẳng bất nhị. Ước định ý nghĩa này mà nói, lúc đức Phật chứng đắc Vô thượng Bồ đề, chúng sinh trên mặt đất này, không ai không phải là Phật, chúng sinh và Phật bình đẳng bình đẳng. Thế nhưng, từ phía chúng sinh mà nhìn, chúng sinh thì khổ não, ngu si tối tăm, đối với thực tướng của tất cả các pháp, xưa nay chưa từng thấy nghe, thống khổ trầm luân, làm thế nào mà bình đẳng với Phật? Nhân đây, có người cho rằng chúng ta là phàm phu, chớ nên vội cho mình là tôn quý vĩ đại, dù là trên nguyên tắc, chúng sinh và Phật bình đẳng, nhưng chúng sinh vẫn là chúng sinh. Có người cho rằng chúng ta cần phải tin chắc chúng ta là Phật, như Thiền tông muốn mọi người công nhận “tâm mình là Phật”, hoặc như Mật tông muốn người tu sinh khởi “Phật mạn” (tự hào mình là Phật), nói: “Chính thân này là Phật.” Những lời này, có thể nói cũng có lý một phần. Chúng ta là phàm phu, cho nên cần phải tu hành (để thanh Phật), và bởi vì chúng ta có khả năng thành Phật, cho nên chúng ta có thể tu hành để thành Phật.
G2. Nguyện làm tỏ rõ sự việc.
Nguyện lớn thứ hai: Ta nguyện đời sau khi chứng được Bồ đề, thân ta như ngọc lưu ly, trong ngoài trong suốt, hoàn toàn tinh khiết, chiếu sáng khắp nơi, công đức cao vời. Thân khéo an trụ, lưới sáng tô điểm, rực rỡ hơn cả mặt trời mặt trăng. Các chúng sinh u tối, tâm trí đều được mở mang, rồi tùy theo chí hướng mà theo đuổi, thành tựu các sự nghiệp.
Ý nghĩa đoạn văn này liên quan đến nguyện lớn thứ nhất, nhưng dụng ý khác biệt. Nguyện trên chú trọng đến thân pháp tính của đức Phật, hiển thị Phật và chúng sinh bình đẳng. Còn nguyện này chú trọng từ thân pháp tính mà hiện khởi thân ứng hóa, mở mang tâm thức của chúng sinh.
Đức Như Lai Dược Sư lúc tu nhân địa, đã phát nguyện lớn thứ hai nói: “Ta nguyện đời sau khi chứng đắc cứu cánh (A nậu đa la tam miệu tam) Bồ đề, thì thân tướng của ta giống như ngọc lưu ly, trong ngoài cực kỳ trong sạch thấu suốt, hoàn toàn tinh khiết, không có một chút nhơ bợn, ánh sáng thân thể rộng lớn chiếu soi khắp nơi, phá trừ vô biên sự tối tăm. Công đức trang nghiêm vút cao vời vợi giống như núi Tu Di, cho nên nói: “Thân Phật thanh tịnh, khéo an trụ.” Ánh sáng của thân Phật rực rỡ, soi chiếu lẫn nhau, giống như lửa sáng tô điểm. Anh sáng rực rỡ hơn cả mặt trời mặt trăng – ánh sáng mặt trời mặt trăng chỉ là ánh sáng của thế gian, dĩ nhiên không thể nào so sánh với ánh sáng của thân Phật.
Kinh Như Lai Tạng đã từng dùng chín loại ví dụ để nêu rõ Phật tính vốn có của chúng sinh, cũng có một ví dụ về lưu ly. Phật tính của chúng sinh như ngọc lưu ly thanh tịnh không có tỳ vết, tuy ẩn tàng trong phiền não cấu nhiễm, nhưng sự thanh tịnh chiếu soi của nó vẫn chưa hề bị tổn giảm. Nếu chúng ta hiểu được lý do này, thì “thân phật tính” của chúng sinh cũng giống như lưu ly, mặc dù bị lưu chuyển (chìm ngụp) trong bùn lầy phiền não, vẫn không bao giờ mất đi sự thanh tịnh chiếu soi vốn có của nó. Đức Như Lai Dược Sư đã triệt để phá trừ sự ám ảnh vô minh, tẩy sạch bùn lầy phiền não, bổn thân Phật tính của ngài đã hiển phát rốt ráo, cho nên nói “thân như lưu ly.”
Ánh sáng trên thân của đức Dược Sư chiếu soi các chúng sinh khổ não ở cõi u tối (không có trí tuệ), khiến cho tâm trí của họ được mở mang, để họ có thể tùy theo chí hướng mà theo đuổi và thành tựu các sự nghiệp. (1) Nếu ước định ý nghĩa “nông cạn” mà nói: Khi đức Phật phóng quang, những chúng sinh ở các cõi u tối, xưa nay không thấy ánh sáng, không nghe danh hiệu của Phật, nhận được ánh sáng của Phật chiếu soi, thì tâm trí đều được khai mở, tùy theo ý hướng mà thực hiện tất cả sự nghiêp của họ đang theo đuổi. Đây cũng giống như khi mặt trời mọc, tất cả mọi người đều thức dậy, người làm công thì đi làm công, người đi học thì đi học, người nông phu thì đi cầy cấy, người buôn bán thì đi buôn bán, mọi người đều đi làm công việc của mình. (2) Nếu ước định ý nghĩa “thâm sâu” mà nói: Chúng sinh từ vô thỉ đến nay, đều ở trong sự ngu si ám muội, hoàn toàn không hiểu biết, do nguyện lực từ bi của đức Phật khải phát trí tuệ cho họ, thì họ mới có thể hiểu rõ mọi vấn đề, thực hiện thành tựu tất cả mọi vấn đề. Các nhà phát minh những sự việc lợi ích chúng sinh thời cổ, có thể nói đều là hóa thân của chư Phật Bồ tát. Chư Phật Bồ tát thường hiện thân trước những chúng sinh ngu ngơ, phát minh ra cách xây dựng nhà cửa, các phương pháp canh nông, may dệt, phát minh ra chữ viết, v.v… Tất cả các loại khí cụ, tất cả các học thuyết chính đáng, khiến cho chúng sinh biết được đường lối thi hành. Sự tiến bộ văn hóa của thế giới, các loại kỹ thuật công nghệ, đều phát sinh từ lòng từ bi và trí tuệ của chư Phật Bồ tát. Cho nên kinh điển nói: “Nếu không có chư Phật Bồ tát xuất thế, tất cả pháp thiện thế gian, tất cả công cụ sinh sống đều không hiện hữu.” Cho nên chư Phật Bồ tát giáo hóa thế gian, không những chỉ dẫn cho chúng sinh tu dưỡng thân tâm, mà còn chỉ dẫn cho họ tất cả tri thức và kỹ năng. Nếu ước định ý nghĩa này mà nói, chúng ta không lúc nào mà không ở trong sự chiếu soi hộ trì của ánh sáng trí tuệ từ bi của đức Phật Dược Sư.
G3. Nguyện vô tận tài vật.
Nguyện lớn thứ ba. Ta nguyện đời sau khi chứng được Bồ đề, ta sẽ dùng vô lượng vô biên phương tiện làm cho các hữu tình đều được đầy đủ vật dụng không bao giờ hết, không để cho chúng sinh phải bị thiếu thốn.
Một đời người tồn tại trên thế gian, vì muốn duy trì mạng sống, cần phải đầy đủ các vật dụng cần thiết, như quần áo, thức ăn, chỗ ở, di chuyển, cho đến thuốc men. Tất cả những vật dụng cần thiết cho cuộc sống, không những phải có, mà cần phải có nhiều, có dư dật. Nếu như thiếu thốn, sẽ dẫn đến sự phát sinh các tội ác trên thế gian. Chẳng hạn như sự tăng gia các vụ trộm cướp, giành dật, giết hại, v.v…, đều là do sự thiếu thốn vật chất đưa đến. Cho nên nguyện của đức Như Lai Dược Sư, không những khiến cho chúng sinh đạt được năng lực hiểu biết và làm việc, mà còn muốn dùng vô lượng vô biên phương tiện của trí tuệ để sản xuất vô lượng những đồ vật để hưởng dụng, khiến cho tất cả hữu tình, đối với bất kỳ nhu cầu nào, đều có thể hưởng dụng vô tận, khiến cho mọi người đạt được cuộc sống dư dật, an lạc, tuyệt đối không để cho chúng sinh thiếu thốn những vật dụng cần thiết cho cuộc sống, không để cho phát sinh hiện tượng bất công là người có người không.
Du Già Sư Địa Luận nói: “Bồ tát học pháp, cần phải cầu học Ngũ minh.” Ngũ minh, ngoại trừ Phật pháp (nội minh), còn có công xảo minh (kỹ thuật), y phương minh (y học), thanh minh (ngôn ngữ học), và nhân minh (luận lý học). Tu học Bồ tát hạnh Đại thừa, phàm là các học vấn kỹ năng có lợi ích cho chúng sinh đều cần phải học hỏi, trí tuệ mới mỗi ngày một tăng trưởng, cho đến khi thành Phật thì tất cả công đức, diệu pháp công đức mới được đầy đủ viên mãn, có thể tiêu dùng mãi mãi không bao giờ cùng tận. Cho nên Phật pháp Đại thừa không hề phản đối sự tăng gia sản xuất của khoa học. Hiện nay, khoa học trên thế giới đang hưng thịnh phát đạt, có nhiều người oán trách cho rằng khoa học là nguồn gốc của tội ác, thật ra, căn bệnh là do loài người không biết khéo vận dụng nó, đây mới là đầu mối phát sinh sự tệ hại. Nếu loài người có thể thăng tiến sự tu dưỡng đức hạnh, thương yêu lẫn nhau, khéo léo khống chế, khéo léo vận dụng, thì khoa học đối với loài người, như sự phát đạt về cơ khí, tăng gia số lượng sản xuất, đề cao phẩm chất hàng hóa, đều có những sự lợi ích to lớn! Cho nên, Bồ tát đối với những loại học thức và kỹ xảo có lợi ích đối với loài người này, không những không nhàm chán, mà còn cần phải học hỏi, tìm cầu hiểu biết. Sau đó mới có thể giải trừ những thống khổ và tội ác dẫn sinh từ sự thiếu thốn vật chất. Nguyện lớn thứ ba của đức Như Lai Dược Su đặc biệt chú trọng đến phương diện này.
G4. Nguyện an lập đại đạo.
Nguyện lớn thứ tư: Ta nguyện đời sau, khi chứng được Bồ đề, nếu có những hữu tình tu tập theo tà đạo, ta sẽ khiến cho họ an trụ trong đạo Bồ đề, còn nếu có những kẻ tu theo Thanh văn thừa hoặc Độc giác thừa, ta sẽ khiến cho họ đều vững tin vào Đại thừa.
Nguyện lớn thứ hai và thứ ba chú trọng đến sự thọ dụng sự nghiệp và vật chất. Còn nguyện lớn thứ tư lại đặc biệt chú trọng đến chánh tri, chánh kiến, cũng có thể nói là văn minh tinh thần.
Đức Như Lai Dược Sư lúc tu nhân địa đã phát nguyện nói: “Nếu có những hữu tình không tin nhân quả thiện ác, phủ nhận công đức của Tam bảo, mạt sát chân lý, gây tạo các tội ác sát hại, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, v.v…, sẽ phải chịu vô lượng quả báo nơi các nẻo địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Đối với những chúng sinh đánh mất nẻo chánh, đi lạc đường tà như vậy, lúc ta thành Phật, ta sẽ khiến cho họ đều xả đường tà, mà vĩnh viễn an trụ trên con đường Đại bồ đề. Con đường Bồ đề tức là con đường Chánh giác, chẳng hạn như biết thiện ác, nhân quả, biết có phàm thánh, biết công đức của Tam bảo, biết Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, tu tập giới định tuệ, không tạo tác những tội sát sinh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, v.v… Đây là pháp môn chung cho Ba thừa. Thế nhưng loại quá trình này, khiến cho chúng sinh xa lìa tà đạo, vẫn chưa phải là mục đích cứu cánh của đức Phật cứu độ chúng ta. Cho nên đức Phật Dược Sư lại nguyện: “Đối với những người tu hạnh (Tiểu thừa) Thanh văn và Độc giác, đều sẽ khiến cho họ vững tin vào Đại thừa.” Nghe âm thanh giáo hóa của Phật mà tu hành ngộ đạo thì gọi là Thanh văn. Còn căn tính của Độc giác thì cao hơn Thanh văn một bậc. Họ không cần phải đợi sự dạy dỗ của đức Phật, mà chỉ cần quán sát sự vô thường của hiện tượng giới, thì cũng có thể phát tâm tu hành, khai ngộ chứng quả. Thuở xưa, có một vị vua, một hôm đến vườn ngự uyển xem hoa, thấy một cây nở đầy hoa rực rỡ, hương thơm ngào ngạt, trông rất khả ái! Thế nhưng, lúc nhà vua đi đến nơi khác để tiếp tục xem hoa, một thời gian ngắn sau quay lại, thì thấy cây hoa nở rộ lúc nảy, bây giờ chỉ còn lại cành nhánh trơ trụi, bông hoa rơi rớt bừa bãi trên mặt đất. Lý do là vì có một đám cung nữ thấy hoa đẹp bèn bẻ hoa đem đi. Nhân đây, nhà vua cảm nhận được sự vô thường của vạn vật, nhận thức được rằng đời người bất quá cũng chỉ là như vậy. Một gia đình hạnh phúc, một quốc gia cường thịnh, chỉ cần trải qua một cơn tai nạn, một cuộc chiến tranh, thì đều trở thành bị hư hoại, tàn phá, khiến cho mọi người không thể tưởng tượng! Nếu từ những hiện tượng này, giác ngộ chân đế về cuộc đời vô thường, mà chứng được thánh quả, thì gọi là Độc giác. Thanh văn và Độc giác đều có thể thoát ly sinh tử, từ bờ bên này qua đến bờ bên kia, cho nên gọi là Thừa. Thế nhưng, đây đều là Tiểu thừa, nhưng bổn hoài của đức Phật là Đại thừa, cho nên đức Như Lai Dược Sư trong lúc tu nhân địa, đã phát nguyện dùng pháp Đại thừa để chuyển hóa bọn họ, khiến cho bọn họ chuyển hướng về Đại thừa, “gom Tam thừa về Nhất thừa”, mà tiến nhập vào Đại thừa cứu cánh.
Kinh Pháp Hoa nói: “Đức Phật vì một nhân duyên lớn mà xuất hiện thế gian.” Một nhân duyên lớn này tức là khiến cho tất cả chúng sinh đều sẽ nhập vào tri kiến của Phật. Thế nhưng, căn tánh của chúng sinh có rất nhiều sự khác biệt, sự ưa thích cũng không giống nhau, trên thực tế, không thể lập tức chỉ dạy cho họ đều nhập vào tri kiến của Phật, cho nên đức Thế Tôn, một mặt dùng mục đích tối cao làm nguyên tắc, một mặt khác thì tùy theo căn cơ mà giáo hóa. Thấy những chúng sinh đang thực hành tà đạo, thì chỉ dạy cho họ pháp môn Tam thừa, thấy Thanh văn Duyên giác bị đình trệ ở hóa thành tự lợi (Niết bàn của Tiểu thừa), thì chỉ dạy cho họ pháp môn cứu cánh của Đại thừa, kêu gọi họ tiếp tục tiến tới, đi thẳng đến Đại niết bàn (của Đại thừa). Nguyện lớn thứ tư này bao quát: hồi tà hướng chánh, hồi tiểu hướng đại. Trong kinh nói “an trụ” và “an lập” (khiến cho vững tin) đều có ý nghĩa là khiến cho họ vĩnh viễn không thoái chuyển. Chẳng hạn như phàm phu phát tâm xuất ly, hướng về đạo Tiểu thừa, thì họ sẽ không còn bị thoái chuyển vào phàm phu, còn như có người phát tâm Đại bồ đề (tự lợi lợi tha), thì họ sẽ vĩnh viễn hướng về Phật quả, mà không còn thoái tâm vào hàng ngũ Tiểu thừa hoặc hàng ngũ phàm phu.
G5. Nguyện giới hạnh thanh tịnh.
Nguyện lớn thứ năm: Ta nguyện đời sau khi chứng được Bồ đề, nếu có vô lượng vô biên hữu tình theo lời dạy của ta mà tu hành, nghiêm giữ phạm hạnh, ta sẽ khiến cho tất cả đều được giới hạnh chẳng thiếu sót, đầy đủ trọn vẹn Ba tụ giới. Nếu như có người phạm vào giới luật, nghe được danh hiệu ta rồi, liền được thanh tịnh như khi chưa phạm giới, không bị đọa vào các đường ác.
Bổn nguyện phía trên là nương vào công đức tự chứng của đức Như Lai Dược Sư để lợi lạc chúng sinh, phía dưới đây, là nhân vì chúng sinh có khiếm khuyết, khổ đau, cần phải có sự giúp đỡ, cứu vớt. Phần trên là “ban vui”, dưới đây là “trừ khổ.” Đức Như Lai Dược Sư đối với vấn đề từ bi tế độ chúng sinh khổ nạn, cho đến vấn đề “tiêu tai miễn nạn”, là từ nguyện lớn thứ năm trở đi sẽ dần dần được trình hiện rõ ràng.
Nguyện này nói: Trong đời sau, khi ta thành Phật, giả sử có vô lượng vô biên chúng sinh, trong giáo pháp của ta (Phật Dược Sư), tu hành phạm hạnh. Phạm hạnh có ba nghĩa: (1) ước định ý nghĩa thông thường mà nói, là chỉ cho tất cả những hành vi thanh tịnh (Phạm, có nghĩa là thanh tịnh); (2) ước định ý nghĩa đặc biệt mà nói, là chỉ riêng cho giới “không được dâm dục” của hàng xuất gia; (3) ước định ý nghĩa dung hòa (trung dung) mà nói, là chỉ cho tất cả các giới hạnh mà đức Phật đã chế định. Hành giả tu hành giới pháp thanh tịnh của cõi Phật Dược Sư[1], bất luận là giới tỳ kheo, hoặc giới sa di, hoặc năm giới, hoặc Bồ tát giới, phàm là tham gia pháp hội của Phật Dược Sư, lắng nghe kinh điển của Phật Dược Sư, tất cả đều đạt được đầy đủ giới hạnh, không bị khiếm khuyết. Khiếm khuyết, tức là phạm giới, hoặc chỉ thọ trì một phần. Không khiếm khuyết, tức là có thể thọ trì đầy đủ. Ví dụ như thọ năm giới, thọ trì toàn bộ (năm giới) một cách hoàn hảo, thì đây gọi là không khiếm khuyết. Nếu như, chỉ trì ba giới, bốn giới, hoặc một bộ phận bị phạm tội khinh cấu (nhẹ), thì gọi là giới bị khiếm khuyết. Nhờ oai đức của Phật Dược Sư gia bị, thọ giới, hoặc thọ giới mà có chỗ khiếm khuyết, hoặc vi phạm, đều có thể được thọ trì đầy đủ. Tam tụ giới tức là: (1) Nhiếp luật nghi giới, tức là năm giới, mười giới, tỳ kheo giới, v.v… (2) Nhiếp thiện pháp giới, tức là tất cả các công hạnh lục độ, tứ nhiếp, như bố thí, trì giới, v.v… (3) Nhiêu ích hữu tình giới, nghĩa là Bồ tát Đại thừa, trong tất cả các công hạnh, đều lấy sự lợi ích chúng sinh làm tiền đề, nếu chỉ biết lo cho riêng mình (không biết làm lợi ích cho người khác), thì tức là phạm giới. Nếu có thể y theo pháp môn Tịnh độ Dược Sư để tu tập, thì có thể đầy đủ Tam tụ tịnh giới, không bị khiếm khuyết.
Sự thọ giới trong Phật pháp, chưa thọ giới thì khiến cho thọ giới, sau khi thọ giới xong thì bắt buộc phải giữ giới (không cho vi phạm). Thế nhưng, sau khi thọ giới, người thọ không nhất định là có thể giữ gìn giới luật thanh tịnh, và đây là điều mà nhiều người khó có thể tránh được. Ngay ở thời đại đức Phật, có vài vị thánh (chứng sơ quả trở lên) mà vẫn chưa thể thọ trì viên mãn giới luật, huống chi những kẻ phàm phu phiền não như chúng ta? Nhân đây, trong Phật pháp có pháp môn sám hối. Nếu như chỉ biết thọ giới mà không chịu trì giới, hoặc giả đã phạm giới mà không biết sám hối, thì khó mà được thanh tịnh. Cho nên bổn nguyện của đức Như Lai Dược Sư, tiến thêm một bước, cho rằng: “Giả sử có chúng sinh hủy phạm cấm giới, chỉ cần nghe được danh hiệu của ta, thì vẫn có thể được thanh tịnh trở lại.” Thanh tịnh, tức là tội chướng tiêu trừ, nếu tội chướng tiêu trừ thì tự nhiên sẽ không còn bị đọa vào các nẻo ác. Các nẻo ác, tức là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Chúng sinh nhân vì nghe được thánh hiệu của đức Phật Dược Sư, đồng thời sám hối đúng như pháp, cho nên tránh khỏi bị đọa vào ba đường ác. Đây là phương tiện và từ bi của đức Như Lai Dược Sư, mà cũng là vì muốn sám hối nghiệp chướng. Xưng danh hiệu Phật có thể khiến cho giới hạnh được trở lại thanh tịnh, đây là phương pháp sám hối của Đại thừa. Thế nhưng, đây không có nghĩa là nghe được danh hiệu Phật thì công năng ngang bằng với sự sám hối, mà cần phải nhất tâm nhất ý trì thánh hiệu của Phật, đối với lỗi lầm quá khứ, phải chí thành phát lộ sám hối, lễ bái, cúng dường, thường xuyên nhiếp tâm vào danh hiệu và công đức của Phật. Dần dần nghiệp chướng sẽ tự nhiên tiêu trừ, trong tâm cảm thọ được quang minh của Phật, khôi phục lại đức hạnh thanh tịnh vốn có.
G6. Nguyện các căn đầy đủ.
Nguyện lớn thứ sáu: Ta nguyện đời sau khi chứng được Bồ đề, nếu có những hữu tình, thân thể hèn yếu, các căn không đủ, xấu xí, ngu ngốc, đui điếc, câm ngọng, tay cong chân vẹo, lưng gù, ghẻ lác, điên cuồng, đủ các thứ bệnh khổ, sau khi nghe danh hiệu ta, thì tất cả đều được đoan chánh, sáng suốt, các căn đầy đủ, không còn bệnh tật khổ não.
Nguyện lớn thứ sáu của đức Như Lai Dược Sư: Trong tương lai lúc ta thành tựu Bồ đề, nếu có những hữu tình, nhân vì nghiệp chướng chiêu cảm, khiến cho thân thể hèn yếu, các căn (như mắt, tai, v.v…) không được đầy đủ. Hèn yếu (Hán: hạ liệt), tức là thân thể thấp bé, hoặc suy nhược (ốm yếu), hoặc thân hình không cân xứng, đầu lớn thân nhỏ, thân dài chân ngắn, cho đến các loại dị hình. Các căn không đủ, hoặc hiện ra bên ngoài: như bị mắt đui, tai điếc, hoặc tay chân bị tàn tật, hoặc sứt môi, méo miệng, v.v…, hoặc khuyết tật ở bên trong: bên ngoài tuy thân thể có vẻ bình thường, các bộ phận không bi tàn khuyết, thế nhưng trên thực tế, tai, mũi, v.v…, bị mất công dụng, đã bị tàn phế. Hơn nữa, xấu xí, tức là tướng mạo không được trang nghiêm. Ngu ngốc, tức là ý căn không còn hiểu rõ sự lý. Mắt (nhãn căn) không thấy mọi vật gọi là đui, tai (nhĩ căn) không còn nghe âm thanh gọi là điếc. Ngọng, tức là âm thanh phát ra không được rõ ràng. Câm, tức là không còn nói chuyện được nữa. Tay cong, tức là hai tay quặp lại. Chân vẹo, tức là đi cà thọt. Lưng gù, tức là lưng quặp xuống, giống như lạc đà. Ghẻ lác (Hán: bạch lại), tức là lác trắng. Điên cuồng, tức là thần kinh thất thường. Các loại bệnh khổ này là những loại tàn tật mà thế gian khó có thể trị lành. Thế nhưng, chỉ cần nghe được danh hiệu của đức Như Lai Dược Sư, hoặc nhất tâm xưng niệm, hoặc lễ bái cúng dường, nương vào sự gia bị của oai lực công đức của đức Như Lai Dược Sư, tất cả đều sẽ được cứu vớt trị liệu. Khiến cho thân tướng xấu xí chuyển thành đoan chánh, ngu ngốc chuyển thành sáng suốt. Các căn khiếm khuyết đều trở nên đầy đủ. Nói tóm, tất cả bệnh tật, như què quặt, v.v…, nhờ sự gia bị của oai đức lực của Như Lai Dược Sư, cũng có thể được trị liệu một cách triệt để, khiến cho hoàn toàn không còn các bệnh khổ nữa. Chúng ta xưng tán đức Phật là Đại Dược Sư, Đại Y Vương cũng là có ý nghĩa này.
Nếu như chúng sinh có thiện căn, có nhân duyên, có thể y theo sự chỉ dẫn của pháp môn Dược Sư mà thực hành, chắc chắn sẽ có thể tiêu trừ tất cả bệnh hoạn. Không những đức Như Lai Dược Sư như vậy, mà ngay cả đức Thế Tôn lúc còn tại thế cũng đã từng cứu tế trị liệu bệnh khổ cho biết bao nhiêu chúng sinh! Căn cứ vào kinh điển, thành Xá Vệ có một người đàn bà, do vì người chồng lúc đang cày ruộng bị trâu húc chết, hai đứa con nhỏ cũng bị trôi sông mất tích, căn nhà đang ở cũng bị lửa của nhà bên cạnh cháy lan qua đốt sạch, bà ấy bị nhiều sự khổ não bức bách, rốt cuộc trở thành điên khùng, để thân thể lõa lồ chạy đi khắp nơi. Một hôm, không biết thế nào, lại chạy đến tinh xá Kỳ Hoàn. Bà ấy từ xa nhìn thấy đức Phật tướng hảo trang nghiêm, ánh sáng rực rỡ, tâm thức bổng nhiên tỉnh ngộ. Nhìn xuống thấy mình thân thể lõa lồ, cảm thấy rất hổ thẹn, bèn quỳ xuống đất. Đức Phật bảo ngài A Nan đem một tấm y phủ lên người bà ấy, sau đó thuyết pháp cho bà ấy nghe, khai thị chân lý về thế gian vô thường. Bà ấy nghe đức Phật khai thị xong, không những không còn bị khùng điên, mà còn chứng được thánh quả.
Người đời chỉ thấy được những chứng bệnh về sinh lý, mà không biết được những căn bệnh về tâm lý. Có nhiều người tuy có con mắt và lỗ tai, nhưng lại không thể phân biệt thiện ác thị phi, không thích nghe lời hay lẽ phải, thì đây có khác gì với mắt mù tai điếc? Hoặc tuy có đầy đủ tay chân, nhưng lại không chịu làm việc, không chịu làm thiện, không đi đường chánh, thì đây đâu có khác gì những người tay chân cong vẹo? Hoặc là không có khí tiết, không quan tâm đến chánh nghĩa, hành vi hèn hạ luồn cúi, không chịu làm một kẻ đàng hoàng chân chánh, thì đây đâu có khác gì với kẻ lưng gù? Ghẻ lác (Hán: bạch lại), là một loại bệnh truyền nhiễm, điều này giống như loại tư tưởng xấu xa, đem đến nguy hại cho nhân loại. Một khi đã lan tràn thì sẽ khiến cho rất nhiều người lâm vào cảnh khổ không thể cứu vớt. (…) Thuở trước, ở Ấn Độ có một vị pháp sư, khi đang giảng kinh ở trên pháp tòa, vì mọi người khai thị về quả báo điên cuồng của sự uống rượu. Lúc ấy, nhà vua cũng đang có mặt trong pháp hội, đứng dậy hỏi pháp sư: “Những người uống rượu chiếm đa số, tại sao tôi thấy không có mấy người đang bị điên cuồng?” Vị pháp sư không trả lời gì cả, chỉ dùng ngón tay chỉ về phía thính chúng. Khi ấy, các ngoại đạo đang ngồi nghe pháp, cho rằng vị pháp sư không biết trả lời ra sao, bèn lên tiếng khen ngợi nhà vua là người trí tuệ. Thế nhưng, nhà vua lại hiểu ý của vị pháp sư, và nhận rõ là vị pháp sư trả lời vô cùng tuyệt diệu. Đối tượng của vị pháp sư đang ám chỉ đến, chính là bọn ngoại đạo đang đắc ý. Bọn họ quanh năm lõa thể, có người không chịu ăn cơm, mà chỉ ăn toàn cỏ lá, có người không chịu ngủ nghỉ, có người trong mùa đông lại lội xuống ao, có người lại đứng phơi mình giữa nắng trong mùa nóng bức. Những loại tư tưởng tà vạy, hành vi quái đản này mới thực là những kẻ bị bệnh điên cuồng, thần kinh biến chứng (Khổ hạnh cực đoan là một sự cuồng điên bị Phật pháp bác bỏ)!
Đức Như Lai Dược Sư phát nguyện lớn này, không những nguyện cho chúng sinh thân thể tàn khuyết, có thể nhân vì nghe được danh hiệu mà được cứu trị triệt để, mà ngay cả những chúng sinh có các loại bệnh hoạn tâm lý bất thường, cũng có thể nhân vì được nghe danh hiệu Phật mà trở nên tốt đẹp, khiến cho tất cả đều được thân tâm đoan chánh (của một đời người lý tưởng).
G7. Nguyện thân tâm khỏe mạnh an lạc.
Nguyện lớn thứ bảy: Ta nguyện đời sau khi chứng được Bồ đề, nếu có những hữu tình bị nhiều bệnh hiểm nghèo, không người cứu giúp, không chỗ nương nhờ, không thầy, không thuốc, không người thân, không nhà cửa, nghèo túng, chịu nhiều khổ não, khi nghe được danh hiệu ta một lần, thì bệnh tật dứt hết, thân tâm an lạc, vui vẻ, yên ổn, nhà cửa, thân thuộc, tiền của đầy đủ, mọi thứ đều dồi dào dư dả, cho đến khi chứng được quả vị Vô thượng Bồ đề.
Đây là nguyện cho chúng sinh đều được khỏe mạnh, an vui. Tuy đều được đặt trên sự cứu vớt, diệt trừ bệnh khổ cho chúng sinh, chẳng qua, so với nguyện thứ sáu có hơi khác biệt. Nguyện thứ sáu đặc biệt chú trọng đến các loại bệnh tật trên thân, còn nguyện này bao hàm tất cả các thứ bệnh khổ, mà hơn nữa chú trọng đến bệnh “nghèo.”
Đức Như Lai Dược Sư lúc tu nhân địa nói:
Trong đời sau, khi ta thành Phật, nếu có hữu tình bị những chứng bệnh hiểm ác, ngặt nghèo, đồng thời, lại không có người cứu vớt, trị liệu, không có chỗ nương nhờ, không có phương cách nào để thỉnh cầu thầy thuốc (trị bệnh), không có tiền để mua thuốc uống, hoặc là không có bạn bè, thân thuộc (cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, v.v…) chăm sóc. Đã nghèo như vậy, mà lại còn cô độc, lênh đênh, thân mang bệnh tật, điều này đối với đời người, quả thật không còn gì bất hạnh bằng! Thế nhưng, những chúng sinh khổ nạn này, chỉ cần nghe được danh hiệu của đức Như Lai Dược Sư một lần, thì tật bệnh liền được dứt hết, thân tâm vui vẻ yên ổn, hơn nữa, gia đình, thân thuộc, nhà cửa, tiền của đều được đầy đủ, và tất cả mọi thứ đều được dồi dào dư dật. Không những như thế, mà lại do nhân duyên của thiện căn nghe được danh hiệu Phật, có thể tiến tu phước đức, trí tuệ, mãi cho đến khi chứng được quả vị Vô thượng Bồ đề.
Xưng niệm danh hiệu của đức Như Lai Dược Sư, tất cả thống khổ đều có thể tiêu trừ, đây quả đúng là sự thực. Trong hàng ngũ tín đồ Phật giáo, niệm thánh hiệu của Phật, của Bồ tát Quán Thế Âm, được sự gia bị của Phật Bồ tát mà bệnh hoạn được tiêu trừ, khôi phục sức khỏe, thực sự không phải ít. Đến như vấn đề không có thân quyến, một khi nghe qua danh hiệu Phật mà có thể được đầy đủ thân thuộc, thì điều này hình như không thể có được. Nên biết, ở đây không nói rằng cha mẹ đã chết rồi, nếu niệm Phật thì họ sẽ sống trở lại, hoặc vốn không có thân thuộc, chỉ cần nghe được danh hiệu Phật một lần thì đều sẽ có đầy đủ. Ở đây muốn nói là: Ở đời quá khứ, do vì nhân duyên không đầy đủ, phước đức ít ỏi, cho nên nghèo túng, cô đơn, khổ sở, v.v… Về sau, do vì thiện căn phước đức tăng trưởng, thân tâm khôi phục sự khỏe mạnh, và do vì nỗ lực tăng gia sự nghiệp cho nên có thể xây dựng một mái ấm gia đình, bạn bè quyến thuộc cũng do vì mối quan hệ tốt đẹp mà dần dần trở nên đông đảo. Lòng từ bi của đức Phật vô cùng bao la, thế nhưng, lại rất đặc biệt quan tâm đến những chúng sinh cô đơn, khổ não, nghèo túng, bệnh hoạn, đặc biệt lo âu và cứu tế bọn họ. Cho nên, lúc còn tại thế, đức Thế Tôn (Thích Ca) đặc biệt đề xướng việc bố thí thuốc men, cứu tế những người bần hàn, cô độc. Thân phận chúng ta là Phật tử, tu học Phật pháp, cần phải hiểu rõ và ghi nhớ tinh thần của đức Bổn Sư Thích Ca, học tập bổn nguyện của Phật Dược Sư, tùy phần tùy lực mà thực thi những công việc cứu tế xã hội!
G8. Nguyện chuyển nữ thành nam.
Nguyện lớn thứ tám: Ta nguyện đời sau khi chứng được Bồ đề, nếu có những người nữ vì bị cả trăm việc xấu ác của thân nữ bức bách khổ não, làm cho hết sức chán ngán, cho nên nguyện được bỏ thân nữ. Những người ấy nghe được danh hiệu của ta rồi, tất cả đều được chuyển thân nữ thành thân nam, đủ các tướng trượng phu, cho đến khi chứng được quả vị Vô thượng Bồ đề.
Nguyện lớn thứ tám của đức Như Lai Dược Sư nói: “Nếu có những người nữ vì bị cả trăm việc xấu ác của thân nữ bức bách khổ não làm cho hết sức chán ngán, cho nên nguyện được bỏ thân nữ.” Sự khổ sở của người nữ rất nhiều, cho nên nói là “cả trăm việc xấu ác.” Ở đây có thể phân thành hai phương diện sinh lý và tâm lý để giải thuyết: (1) Sự khổ sở về sinh lý: như thiếu nữ đến tuổi thành niên thì có kinh nguyệt, lại như vấn đề sinh đẻ con cái là một sự việc mà người nữ cảm thấy thống khổ nhất. (2) Sự bệnh hoạn về tâm lý: như tâm đố kỵ, tâm ưa thích sự hào nhoáng đều nặng hơn so với người nam. (3) Sự kỳ thị vai trò của người nữ trong xã hội, bất luận là trong gia đình hoặc đoàn thể, từ quá khứ đến nay, vẫn chưa hoàn toàn đạt được địa vị ngang bằng với người nam. Sự khinh thị của người đời đối với phụ nữ, hoặc ít hoặc nhiều, vẫn còn tồn tại. Nhân đây, người nữ bèn sinh tâm chán ngán thân nữ, hy vọng được xả bỏ thân nữ. Đức Như Lai Dược Sư vì muốn thỏa mãn sự yêu cầu của chúng sinh, đã đặc biệt phát thệ nguyện rằng: “Nếu có người nữ nguyện xả bỏ thân nữ, nghe được danh hiệu (Như Lai Dược Sư) của ta, một lòng xưng niệm, lễ bái cúng dường, tất cả những người nữ ấy đều được chuyển thân nữ thành thân nam, đầy đủ các tướng trượng phu. Nhân đây (có hình tướng nam) tiếp tục tu hành, sẽ được chứng quả Vô thượng Bồ đề.
Người nữ mong cầu được chuyển thành thân người nam, trong các xã hội xưa nay đều rất phổ biến, thế nhưng, phái nữ đời nay, đối với tự thân, không những không sinh tâm nhàm chán, mà hình như lại cảm thấy rất thỏa mãn, ưa thích trang điểm sắc đẹp, nơi nào cũng biểu hiện mình là người nữ, mong được người nam chú ý. Đây là hiện tượng ưa thích thân nữ. Trên báo chí (năm 1954) cũng có đăng, một ông triệu phú người Mỹ, cũng muốn giải phẫu để được sống cuộc đời của một người nữ! Điều này, tuy nhân vì xã hội đã dần dần tiến gần đến giai đoạn lý tưởng là “nam nữ bình quyền”, mà hơn nữa, do khoa học phát đạt, y dược cao minh, cho nên những sự thống khổ riêng biệt của người nữ, như sinh đẻ, v.v…, cũng dần dần giảm bớt, đến trình độ hoàn toàn được tiêu trừ. Thế nhưng, địa vị của phái nữ trong hiện tại vẫn còn chưa được chân chánh bình đẳng. Từ sự mê đắm vật dục, đưa đến sự yêu thích (thân thể của) chính mình, trên thực tế là đã đánh mất chính mình.
Trong Phật pháp Đại thừa, nam nữ xưa nay vốn là bình đẳng. Chẳng qua, tâm tánh của người nữ, sự thực rõ ràng là tâm địa có phần hẹp hòi, tâm đố kỵ tương đối nặng, đặc biệt ham ưa trang sức. Tôi (Ấn Thuận) hy vọng các nữ thính chúng đang ở trong buổi giảng này, cần phải tận lực cải chánh tự tâm, học làm một đại trượng phu. Kinh nói: “Học pháp Đại thừa, tu Bồ tát hạnh, cần phải có tinh thần của đại trượng phu mới được.” Đối với vấn đề chuyển thân nữ thành thân nam, căn cứ vào kinh điển có hai loại: (1) Thiện căn rất sâu dày, tâm cực kỳ nhàm chán, hơn nữa, cần phải tinh tiến tu hành, thì trong hiện đời có thể chuyển thân nữ thành thân nam. (2) Y vào sự chỉ dẫn của pháp môn Đại thừa, đúng như pháp mà tu hành, hoặc xưng niệm thánh hiệu, hoặc lễ bái cúng dường, trong đời sau nhất định sẽ chuyển được.
G9. Nguyện hồi tà quy chánh.
Nguyện lớn thứ chín: Ta nguyện đời sau, khi chứng được Bồ đề, sẽ khiến cho các hữu tình ra khỏi vòng lưới của ma, thoát khỏi hết thảy trói buộc của ngoại đạo. Nếu bị sa vào rừng rậm ác kiến, ta sẽ dẫn dắt, đưa đến chánh kiến, khiến cho dần dần tu tập các hạnh Bồ tát, mau chứng được quả Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề.
Chúng sinh không biết Phật pháp, bị chìm đắm trong đường tà, chỉ cần nghe được thánh hiệu của đức Như Lai Dược Sư, liền có thể thoát ly khỏi đường tà, đi trên đường chánh. Chúng sinh ở những vùng không có Phật pháp, thọ nhận sự huân nhiễm của tà đạo vô cùng sâu nặng. Xin nguyện cho thánh hiệu của đức Như Lai Dược Sư phổ biến khắp toàn thế giới, khiến cho những người đang lạc trong đường tà sẽ bỏ đường tà quay về đường chánh.
Đức Như Lai Dược Sư lúc tu nhân địa đã phát nguyện: “Đời sau khi ta chứng được Đại bồ đề, thì sẽ khiến cho tất cả hữu tình đều ra khỏi vòng lưới của ma, cùng thoát khỏi hết thảy trói buộc của ngoại đạo.” Mê tín tà thuyết của ngoại đạo cũng giống như loài cá mắc lưới, hoặc loài thú mắc bẩy, không dễ dàng ra khỏi. Sự khác biệt giữa ma và ngoại đạo là: ngoài Phật giáo ra, các tôn giáo khác đều gọi là ngoại đạo; còn ma, có nghĩa là sát giả (kẻ sát hại), thì không nhất định là tôn giáo, chẳng hạn như một loại chủ nghĩa, một loại học thuyết có thể khiến cho con người không còn tin vào pháp tắc của nhân quả, mạt sát giá trị của đạo đức, hoặc là phủ định chân lý, hoặc khiến cho con người xả bỏ sự cao thượng mà hướng về đời sống tầm thường, xả bỏ sự tu dưỡng thân tâm mà chỉ cầu hưởng thọ vật dục, hại người hại đời thì đều là ma. Giả như có người rơi vào vòng lưới của ma, đức Như Lai Dược Sư sẽ dùng phương tiện khiến cho họ được thoát khỏi bàn tay (kềm kẹp) của ma, mà tiến vào trong vòng tay ôm ấp của Phật pháp. Giả như có chúng sinh bị sự trói buộc bởi tà kiến của ngoại đạo, đức Như Lai Dược Sư cũng khiến cho họ được thoát ly, và quay về với chánh pháp. Bất luận là tà ma hoặc ngoại đạo đều được gọi chung là “rừng rậm tà kiến.” Kiến giải tà ác cũng giống như khu rừng rậm rạp, nếu đã lạc vào, thì nơi nào cũng vướng mắc vào dây nhợ, gai góc, khó mà tìm đường ra khỏi. Hiện nay, bổn nguyện của đức Dược Sư là cần phải sử dụng mọi loại phương tiện thiện xảo dẫn đạo, nhiếp thọ khiến cho họ ra khỏi vòng lưới tà kiến của ngoại đạo và ma, đặt để họ trong ánh sáng chánh kiến của Phật pháp. Hơn nữa, khiến cho họ dần dần tu tập các loại Bồ tát hạnh, như lục độ, tứ nhiếp, v.v…, để họ có thể mau được chứng đắc Vô thượng Bồ đề.
Trong nguyện này, đức Phật Dược Sư khiến cho chúng ta từ trong bóng tối của ma và ngoại đạo mà được dẫn dắt vào trong ánh sáng của chánh pháp. Lực lượng của ác kiến của ma và ngoại đạo rất mạnh mẽ. Nếu như chưa từng đạt được giai vị Bất thoái chuyển trong Phật pháp thì vẫn có thể bị ma và ngoại đạo ảnh hưởng và mê hoặc. Đời Phật, có một vị tỳ kheo thấy nhóm ngoại đạo lõa thể bèn lên tiếng chế nhạo. Đức Phật cảnh tỉnh vị tỳ kheo ấy: “Không nên chế nhạo họ, ông không chừng cũng có thể sẽ đầu thai làm ngoại đạo!” Chúng ta tu học Phật pháp, nếu như chưa đạt được lòng tin hiểu chánh xác sâu xa, chưa được bất thoái chuyển, tuy hiện đời không bị rơi vào tà ma ngoại đạo, nhưng đời sau vẫn có thể bị rơi vào vòng lưới của bọn họ! Cần phải như Đại thừa phát Bồ đề tâm, hoặc như Tiểu thừa phát xuất ly tâm, đạt được bất thoái chuyển thì mới có thể ra khỏi rừng rậm của ma và ngoại đạo. Lúc đó mới có thể thật sự hoan hỷ! Trong thời đại mạt pháp, tà thuyết lộng hành này, chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác thì mới có thể tránh khỏi sự mê hoặc của tà ma và ngoại đạo.
G10. Nguyện được giải thoát khỏi sự trói buộc.
Nguyện lớn thứ mười: Ta nguyện đời sau, khi chứng được Bồ đề, nếu có những hữu tình phạm vào luật nước, bị trói buộc, đánh đập, xiềng xích nơi lao ngục, hoặc bị xử tử, hoặc bị vô số những tai nạn lăng nhục, buồn rầu bức bách, thân tâm khổ sở, nếu nghe được danh hiệu ta, nhờ sức oai thần phước đức của ta, đều được thoát khỏi hết thảy mọi ưu sầu khổ não.
Nguyện lớn thứ mười là đức Như Lai Dược Sư lúc tu nhân địa, đã phát nguyện đại bi cứu tế những chúng sinh vi phạm luật pháp mà bị tù cấm. Lời nguyện nói: “Nếu có những hữu tình, nhân vì phạm tội, hoặc chịu sự oan uổng, mà bị pháp luật gia hình.” Pháp luật quốc gia, đời xưa gọi là phép vua (Hán: vương pháp). Gia hình, tức là bị pháp luật xử phạt hoặc tra xét. Sau khi bị phán xét, hoặc bị trói buộc, lại bị đánh đập, hoặc bị lên án, phải bị giam vào lao tù. Nếu như tội nặng hơn nữa, hoặc bị chặt tay chân, xẻo tai mũi, hoặc nặng hơn nữa là bị tử hình. Hơn nữa, lại còn phải nhận chịu nhiều tai nạn, chịu sự khinh khi, nhục mạ, đến nổi phải buồn rầu bức bách, thân tâm nhận chịu nhiều khổ sở! Những sự khổ nạn này, trong thời đại hiện nay lại càng phổ biến hơn. Đức Như Lai Dược Sư với lòng thương xót sâu xa thấm thiết đối với sự đau khổ của chúng sinh, cho nên nói: “Những hữu tình nhận thọ những hình phạt và tai nạn này, nếu nghe được danh hiệu “Như Lai Dược Sư” của ta, do vì lực phước đức viên mãn và sự gia bị của lực oai thần rộng lớn của ta, sẽ khiến cho họ có thể giải thoát tất cả tai nạn, và không còn phải chịu ưu sầu khổ não.
Quốc gia chế định pháp luật, lý do là vì muốn xử phạt những người ác, mục đích là để bảo vệ quyền lợi của những người dân lương thiện, duy trì sự an ninh của xã hội. Xã hội tương đối phức tạp, loài người đối xử với nhau, khó mà tránh khỏi sự va chạm, mọi người nghi ngờ nhau, tranh chấp lẫn nhau, khinh khi lừa dối nhau, chà đạp nhục mạ nhau, tất cả các loại tội ác: giết hại, trộm cướp, tà dâm, dối trá, không gì mà không từ những sự kiện nêu trên mà xuất phát không ngừng. Cho nên vì tưởng nghĩ đến trật tự của xã hội, tưởng nghĩ đến sự an ninh của mọi người dân, thì không thể không dùng pháp luật để chỉnh đốn, dùng quy củ để hạn định. Thế nhưng, nhân vì sự oan uổng mà bị pháp luật làm tổn hại, điều này đương nhiên không thể tránh khỏi. Cho nên phần trên nói các loại tội phạm, từ trói buộc được giải thoát, có thể từ hai phương diện mà nói. (1) Những người bị oan uổng: nghiệp báo đời quá khứ hiện tiền, bị người khác vu khống, đưa đến bị giam cầm, chịu đựng đủ các loại hình phạt. Đối với loại chúng sinh khổ nạn này, nếu có thể xưng niệm thánh hiệu của đức Như Lai Dược Sư, nhất định sẽ tiêu trừ nghiệp chướng, được tránh khỏi ách nạn. (2) Những người thật sự vi phạm luật pháp quốc gia: như những bọn côn đồ giết người, cướp của, phá rối trật tự an ninh quốc gia, phá hoại kinh tế quốc gia, tà dâm, hoặc xâm chiếm (tài sản người khác), những kẻ phạm tội như vậy, xưng niệm danh hiệu Dược Sư, liệu có thể miễn trừ tai nạn hay không? Nếu như xưng danh mà có thể được giải trừ, thì cũng giống như tưởng thưởng cho những kẻ phạm tội? Trước đây không lâu, lúc tổng thống Tưởng Giới Thạch còn tại chức (ở Trung Hoa đại lục), có người kiến nghị đại ân xá cho các tù nhân. Một khi tin này được loan ra, thì số tù nhân trong các trại giam bổng nhiên tăng gia. Bởi vì có người nghĩ rằng sẽ được ân xá cho nên mặc tình tạo tội ác. Những kẻ phạm tội như vậy, đương nhiên là không thể được giải thoát. Chẳng qua, giả như có người thật sự đã phạm tội, nếu họ đối với Phật pháp sinh khởi lòng tin, chân thật sinh khởi lòng hổ thẹn đối với nhưng việc mình đã làm, chí thành khẩn thiết sám hối, thú nhận sự lầm lỗi, lập nguyện cải đổi những sự lầm lạc trước kia, với tâm trạng và thái độ như vậy mà lễ niệm thánh hiệu của đức Như Lai Dược Sư, thì cũng có thể được sự giải thoát khổ nạn này.
Nên biết, quốc gia dùng pháp luật để trị vì quần chúng, thật sự là không có ác ý, mà là muốn mọi người dân đều hướng thượng, mặc dù bất đắc dĩ mà xử tử hình, thì cũng chỉ là giết một để cảnh tỉnh nhiều người. Cho nên nếu phạm tội mà có thể chân thành tha thiết tỉnh ngộ hối cải, ước định cá nhân mà nói, thì có thể không cần phải trừng phạt. Như Đài Loan hiện nay (khoảng năm 1954), có pháp luật “khoan dung cho những người tự mình cải thiện.” Điều này giống như phạm tội mà có thể kiền thành sám hối, xưng niệm danh hiệu của đức Như Lai Dược Sư, cũng có thể giải thoát tất cả khổ nạn.
G11. Nguyện được thức ăn mỹ diệu.
Nguyện lớn thứ mười một: Ta nguyện đời sau, khi chứng được Bồ đề, nếu có những hữu tình phải chịu khổ sở vì bị đói khát, vì cầu miếng ăn mà tạo các nghiệp dữ, nếu nghe được danh hiệu ta mà hết lòng tưởng niệm, trước tiên ta sẽ dùng các món ăn ngon nhất để cho họ ăn uống no đủ, rồi sau mới đem chánh pháp mà giáo hóa, khiến cho họ được sự an vui rốt ráo.
Nguyện lớn thứ mười một nói: Trong tương lai lúc ta thành Phật, nếu có những hữu tình sinh sống khó khăn, phải chịu sự đói khát bức bách khổ não, vì muốn duy trì sự sống mà phải dùng mọi thủ đoạn tìm cầu thức ăn uống đến nổi gây tạo nhiều nghiệp ác nặng nề. Trên đời này, thức ăn uống không phải là có sẳn, hễ cầu là đến ngay trước mắt. Phải có tri thức, có tài năng thì mới có thể dùng trí lực, sức lực để đổi lấy, nếu như không có tài năng, không có vốn liếng thì từ nơi nào mà có thể tìm được những thứ như thực phẩm, v.v…, để tiêu dùng này? Bởi vì cuộc sống, nếu không đi trộm cắp, thì là cướp đoạt, hoặc là lừa dối, hoặc là đe dọa. Thế nhưng, những sự việc này tạo thành sự động loạn bất an trong xã hội, chắc chắn không phải là điều lành. Do đây, có thể biết rằng tạo ác có hai loại: Một là do phiền não trong tâm sâu nặng, hai là do hoàn cảnh bó buộc, bất đắc dĩ phải làm như vậy. Nếu như do phiền não sai khiển mà tạo ác nghiệp, thì cần phải từ phương diện tư tưởng, v.v…, mà giải quyết; còn nếu do vì nghèo túng, không có thức ăn uống, không có quần áo mặc, thì phải từ phương diện kinh tế mà giải quyết! Đức Như Lai Dược Sư lúc tu tập nhân địa đã phát nguyện lớn này, tức là từ phương diện kinh tế mà giải quyết vấn đề. Cho nên nói: “Tất cả chúng sinh nghèo đói lạnh lẽo, không thức ăn uống, không quần áo mặc, nếu như nghe được danh hiệu của ta, y theo lời chỉ dạy của ta, chuyên tâm nhớ nghĩ, tín thọ phụng trì, thì ta sẽ trước tiên dùng các món ăn ngon nhất để cho ăn uống no đủ, sau đó, tiến thêm một bước là đem chánh pháp vô thượng của chư Phật mà giáo hóa, khiến cho họ được an trụ trong sự an lạc rốt ráo của sự giải thoát.
Thức ăn uống chỉ là sự cứu tế tạm thời, không phải là biện pháp căn bổn để giải quyết vấn đề. Nếu như một người tư tưởng bất chánh, hành vi phóng đãng, không giữ lời hứa, không chịu làm việc chánh đáng, khiến cho tài chánh thiếu hụt, sinh hoạt khó khăn, thì sự trợ giúp tài chánh chắc chắn sẽ không thể giải quyết được. Nếu như trước tiên dùng thức ăn uống khiến cho họ được no đủ, sau đó dạy dỗ họ những chánh hạnh (hành vi chính chắn), những sự hiểu biết về nghề nghiệp, khiến cho họ cải thiện cuộc sống, tìm nghề nghiệp để tự nuôi sống, thì đây là sự giải quyết tương đối thỏa đáng. Lại còn tiến thêm một bước, khiến cho họ tu học Phật pháp, trong kho tàng phong phú của Phật pháp, đạt được pháp lạc vô thượng hiếm có trên thế gian, thì đây là sự cứu tế rốt ráo. Người xưa nói: “Cơm áo đầy đủ, sau đó mới biết lễ nghĩa.” Đức Như Lai Dược Sư đối diện với vấn đề hiện thực, cho nên đã phát nguyện này, trước tiên dùng “thực vị” (mùi vị của thức ăn), sau đó dùng “pháp vị” (mùi vị của Phật pháp). Có người cho rằng Phật pháp là pháp xuất thế gian, không quan tâm vấn đề thực tế của loài người. Đây quả thực là một sự sai lầm! Phật pháp chú trọng đến đời sống an vui thực tế của loài người. Chúng ta đọc bổn nguyện của Phật Dược Sư thì có thể biết được điều này. Lý do Phật giáo Trung quốc suy vi là vì xem nhẹ sự cứu tế của pháp môn Dược Sư, mà quá chú trọng đến sự hoằng truyền pháp môn A Di Đà (an lạc đời sau) và Phật giáo xuất thế (ẩn vào rừng núi tự tu). Cho nên từ nay về sau, hàng đệ tử của Phật phải nên tăng gia sự nỗ lực phát huy tinh thần của Phật Dược Sư, phải nên tăng gia sự vận động cứu tế xã hội. Đức Như Lai Dược Sư trong lúc tu nhân địa đã phát nguyện lớn này, đối với chúng ta, đây quả là một sự khải thị có ý nghĩa nhất!
G12. Nguyện được y phục vật dụng vi diệu.
Nguyện lớn thứ mười hai: Ta nguyện đời sau, khi chứng được Bồ đề, nếu có những hữu tình nghèo nàn, không có quần áo, ngày đêm chịu khổ sở vì nóng lạnh, vì muỗi mòng, nếu nghe danh hiệu của ta mà chuyên niệm thọ trì, tùy theo chỗ ưa thích mà sẽ được mọi thứ y phục tốt đẹp nhất, cũng như đầy đủ hết thảy các món báu trang sức, cùng với những vòng hoa, hương thoa, và các thứ âm nhạc, tùy chỗ ưa thích, ta đều khiến cho được đầy đủ.
Nguyện lớn thứ mười hai của đức Như Lai Dược Sư hy vọng trong tương lai khi ngài thành Phật, sẽ khiến cho tất cả hữu tình nghèo nàn đều có được đủ các loại y phục tốt đẹp nhất, đủ loại trang sức, và các món vui chơi. Nếu có những hữu tình nhân vì không có quần áo mặc, không có mùng mền, nên bị các loài muỗi mòng làm cho khổ sở, mùa lạnh thì không có áo ấm, mùa nóng thì không có áo che thân, sự bức bách khổ sở ngày đêm như vậy, khiến cho khổ sở không thể nhẫn chịu được. Đức Như Lai Dược Sư thương xót chúng sinh, nguyện sẽ khiến cho tất cả hữu tình đang chịu khổ não này sẽ được an lạc, cho nên nói: “Nếu nghe danh hiệu ta mà chuyên tâm xưng niệm, như pháp thọ trì, thì sẽ nương vào công đức bổn nguyện và sức oai thần của đức Dược Sư, thì có thể như chỗ trong tâm ưa thích mà sẽ được mọi thứ y phục (dài, ngắn, dày, mỏng, …) tốt đẹp nhất. Đồng thời, cũng có được hết thảy các món báu trang sức, như các loại trâm cài, ngọc thạch, đồ cổ, bình hoa, v.v…, lại còn có tràng hoa, hương thoa, v.v…, là các báu vật dùng để trang điểm thân thể. Ngoài những món này ra, còn có âm nhạc, các loại dụng cụ giải trí. Nói tóm lại, tùy vào tâm ưa thích của chúng sinh nghèo khổ kia mà đức Như Lai Dược Sư đều có thể khiến cho được đầy đủ.
***
[1] Trong Dược Sư Kinh Giảng Ký của ngài Thái Hư chỉ nói sơ lược là “trong giáo pháp của ta.” Theo thiển ý của người dịch, ở đây là chỉ cho những chúng sinh (ở cõi trược uế) đang tu tập pháp môn Dược Sư, như chúng ta hiện nay. Nếu đã ở cõi Tịnh độ Tịnh Lưu Ly của Phật Dược Sư (hoàn toàn thanh tịnh trang nghiêm như cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà), thì đâu còn có thể nêu ra vấn đề phạm giới.