THÁNH ĐỨC VÀ SỰ LINH ỨNG CỦA BỒ TÁT ĐỊA TẠNG
Nhiều tác giả
XIN NGHE TIẾNG KÊU CỨU CỦA THAI NHI “MẸ ƠI! CẦU XIN MẸ HÃY GIỮ CON LẠI!!!”
Lâm Mĩ Huệ
Năm nay tôi 33 tuổi, trước kia trú ở làng Cửu Như huyện Bình Đông, hiện tại mở một quán cơm chay tại Tự Doanh. Kết hôn năm Dân Quốc thứ 68, sau khi kết hôn sinh liên tiếp hai đứa con gái. Khi mang thai lần thứ ba, tư, vì rất sợ lại tiếp tục sinh con gái, bàn bạc với chồng, quyết định đi siêu âm và phá thai. Lúc đó chưa tin Phật, chưa hiểu biết gì cả, song lòng vẫn thấy giày vò, khó chịu.
Tháng 11 năm Dân Quốc thứ 76, tôi lại mang thai lần thứ năm. Cha mẹ chồng và vợ chồng tôi đều rất hi vọng thai nhi là con trai, song kết quả siêu âm vẫn là con gái. Lúc đó công việc rất bận, tạm thời cũng không muốn sinh con, thương lượng với chồng, kết quả vẫn quyết định bỏ nốt đứa này, chỉ còn đợi lúc nào chồng rảnh, đưa đến khoa phụ sản nạo. Tôi còn nhớ như in, đêm quyết định phá thai đó, sau khi dọn dẹp xong nhà cửa, đi tắm rửa, thấy toàn thân mệt mỏi rã rời. Lúc ấy khoảng 8 giờ tối, tôi nói với gia đình mình đi ngủ trước. Vừa nằm, bỗng gặp mộng, giấc mộng lần này hết sức rõ ràng không mơ hồ như bao giấc mộng bình thường khác.
Đầu tiên thấy một tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, mặc y trắng hết sức trang nghiêm, tiếp theo thấy trên không trung phóng xuống làn ánh sáng trắng rộng lớn vô cùng vô tận, chiếu suốt khắp nơi. Thấy cảnh giới này, lòng vui mừng vô cùng, không ngăn được cảm xúc, tôi khen ngợi đẹp quá đẹp quá! Bỗng có tiếng đứa trẻ khóc:
– Mẹ ơi! Cầu xin mẹ hãy giữ con lại!!!
Tiếng nói rất nhỏ nhẹ dễ thương, nhưng tôi lại vô tâm không chịu thưởng thức âm thanh hay như thế, lớn tiếng trả lời:
– Không được! Ngộ nhỡ lại sinh con gái thì sao? Tiếng khóc đó lại tiếp tục cầu xin:
– Mẹ ơi! Cầu xin mẹ hãy giữ con lại, con hứa sẽ ngoan ngoãn không khóc và cãi lời mẹ đâu.
Tôi vẫn kiên quyết giữ vững lập trường:
– Không được! Ngộ nhỡ sinh con gái thì sao?
– Lát sau không còn nghe tiếng khóc nữa, tôi giật mình tỉnh giấc.
Bấy giờ tôi chẳng có tín ngưỡng, cũng không để ý điềm mộng, nghĩ rằng ngay cả giấc mộng cũng tin, thế há chẳng phải quá mê tín sao? Tôi hằng ngày vẫn cứ đi làm bình thường. Kì lạ, tối đó lại tiếp tục mộng thấy y như tối hôm qua, chỉ có điều từ lần thứ hai trở đi không còn thấy Bồ-tát Quán Thế Âm xuất hiện, chỉ trực tiếp thấy luồn ánh sáng rộng lớn bao la, theo sau là tiếng cầu xin hết sức nhỏ nhẹ dễ thương, vô cùng thành khẩn:
– Mẹ ơi! Cầu xin mẹ hãy giữ con lại, con hứa sẽ ngoan ngoãn không khóc và cãi lời mẹ đâu.
Tôi vẫn giữ vững lập trường:
– Không được! Ngộ nhỡ sinh con gái thì sao?
Đêm nào cũng mộng như thế, mộng suốt bảy đêm liền, thai nhi cầu xin mãi cho đến khi tôi không thèm trả lời mới thôi. Trong mộng tôi thấy rất rõ như hai người nói chuyện với nhau, nhưng lại cảm giác giống như mình tự nói với mình.
Tối ngày thứ 7, nó lại đến, như sáu ngày trước vẫn thành khẩn cầu xin giữ lại, tôi vẫn lời lẽ như trước cự tuyệt thỉnh cầu. Tối đó nó luôn lặp đi lặp lại lời thỉnh cầu, song tôi vẫn cứ cự tuyệt, lần cuối cùng nó nói:
– Mẹ ơi! Cầu xin mẹ hãy giữ con lại, con sẽ rất ngoan, rất ngoan, con không giống như hai chị đâu!
Nói xong, chưa kịp đợi trả lời, nó bỏ mặc tôi ẩn mất, tôi giật mình tỉnh giấc. Nghĩ bụng chuyện này cần phải thương lượng lại kĩ càng với chồng mới được, tôi kể chuyện thai nhi cầu xin giữ lại suốt một tuần qua cho chồng nghe, hiện tại em lưỡng lự không biết có nên giữ lại hay không, chồng đáp:
– Cái đó tùy em thôi!
Tôi nghĩ đến lời nói của thai nhi: “Con không giống như hai chị đâu!” Như vậy không lẽ nó là con trai! Hi vọng thế, tôi quyết định bằng mọi giá cũng phải giữ lại. Thú thật, quyết định thì quyết định, trong lòng vẫn sợ sẽ sinh con gái.
Lúc đó tôi trú tại làng Bắc Tân thành phố Bình Đông, gần nhà có cái miếu thần, bên trong tôn thờ thánh tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, liền đến cầu nguyện với Bồ-tát: “Kính lạy Bồ-tát! Xin Ngài từ bi gia hộ cho con của con khi chào đời trắng trẻo mập mạp, nếu được con trai thì càng tốt, còn không con gái cũng chẳng sao!” Không hiểu sao lần mang thai này, tôi ngoài thích ăn chay, còn tính tình cũng đặc biệt hiền dịu, ai nói gì cũng cười, thích làm việc lành. Bây giờ nghĩ lại, điều ấy chẳng phải là thai giáo, mà là thai nhi ảnh hưởng đến mẹ.
Thai nhi hết sức hoạt bát hiếu động, tôi càng tin nó là con trai. Khi thai nhi được năm tháng, quá nôn nóng, tôi quyết định đi siêu âm và khám thai, kết quả bác sĩ nói là con gái. Trên đường về tôi thắc mắc mãi, sao có thể như thế được, đứa bé này hiếu động, trong mộng lại nói với mình rất rõ ràng: “Con không giống như hai chị đâu!”; mình không tin nó là con gái. Khi thai nhi được bảy tháng, tôi đến nhờ vị bác sĩ nổi tiếng đỡ tôi sinh lần thứ hai siêu âm khám thai. Ông cũng biết tôi rất hi vọng sinh con trai, nhưng vì uy tín nghề nghiệp không thể không nói thật, ông rất buồn và ái ngại thông báo là con gái. Về đến nhà, cố gắng lắm nhưng hai dòng lệ vẫn cứ nhẹ nhàng tuôn rơi. Tôi nhìn xuống bụng, oán trách thai nhi:
– Sao con gạt mẹ? Tại sao lại nói không giống như hai chị trước?
Chồng đi làm về nghe tôi oán thai nhi và vẻ mặt buồn rầu, anh an ủi:
– Không sao, con gái cũng tốt mà, chúng ta sinh đứa này nữa thôi, sau này không sinh nữa.
Nghe chồng an ủi, cũng cảm thấy đỡ khó chịu phần nào. Lúc ấy trong đầu tôi khởi lên ý niệm, khi đứa con gái này chào đời, sẽ cho em gái của mình ngay, bởi hai vợ chồng em đã lấy nhau nhiều năm mà chưa có con.
Vừa chuyển dạ, chồng đưa tôi vào bệnh viện. Bác sĩ kiểm tra đâu vào đấy, họ chích một mũi thuốc giúp sinh mau. Theo lẽ thường, khoảng ba tiếng đồng hồ sau là sinh rồi, song hiện tại chẳng có phản ứng gì. Tiếp tục chích mũi thứ hai, qua bốn, năm tiếng sau, sức lực hầu như đã kiệt, thai nhi cũng đã thấy đầu, nhưng nó nằm ngay ở âm đạo mà không chịu chui ra; bác sĩ kiểm tra nói tim thai nhi đập yếu lắm, nếu không ra được, nhất định phải mổ. Tôi nghe đến từ “mổ” sợ hãi vô cùng. Nhớ lại lúc trước mình luôn oán trách tại sao nó gạt mình, lại còn tính đem nó cho em gái. Sực nhớ lúc mang thai mộng thấy Bồ-tát Quán Thế Âm, lòng rất xúc động, lập tức vừa niệm thánh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, vừa thầm nguyện với Bồ-tát dù sinh con trai hay con gái, con cũng nuôi dưỡng, đồng thời phát nguyện sẽ ăn chay trường suốt đời, cầu Ngài gia hộ giúp đứa bé chóng sinh ra. Niệm chưa được mấy câu, tôi không còn đủ sức rặn, đứa bé cử động mạnh một cái, chui ra ngay. Tôi mừng quá, nói với bác sĩ may quá, may quá. Bây giờ nghĩ lại chắc chắn Bồ- tát Quán Thế Âm từ bi thị hiện, bảo đứa trẻ này sẽ giúp tôi biết đến Phật pháp, do đó không được đem cho em!
Tôi xin lược ghi mấy sự tích, để khẳng định đứa bé này là sứ giả của chư Phật, Bồ-tát:
Lúc nó hơn 2 tuổi, gia đình tôi rơi vào cảnh túng quẫn, một mặt lo kinh tế mưu sinh, một mặt lo giải quyết chuyện gia đình. Cuộc sống làm tôi muốn điên đầu, vô cùng khó chịu, càng cảm nhận nỗi thống khổ của kiếp người. Trong khoảnh khắc, ý niệm tự sát bùng phát dữ dội. Bữa nọ, một tay hài nhi kéo mạnh tay tôi, một tay chỉ sang tượng Tây phương Tam thánh nhà đối diện cho tôi xem, tôi nói với con:
– Được, mẹ sẽ dẫn con đến chùa Sơn Đông được không?
Tôi đưa con lên chùa lễ Phật. Vào chính điện, nhìn tôn nhan Phật tổ, bỗng tôi khóc rất nhiều, thầm kể cho Ngài về tâm tình rối như tơ vò không biết phải giải quyết thế nào của mình. Đang ngồi khóc, tôi bị Hòa thượng trú trì thấy, thầy từ ái, nhẹ nhàng an ủi, khuyên nhủ, động viên. Hòa thượng bảo thị giả biếu tặng một số sách và máy ghi âm, tôi cúi đầu cảm tạ đem về. Tôi nghe đi nghe lại, dần dần thể hội, không ngờ trên thế gian này lại có đạo lí hay đến như vậy. Trong đó có đoạn nói về triết học nhân sinh, nghe đi nghe lại không thấy chán, lúc này không chỉ nội kết được phá trừ, mà còn làm cho tâm linh tôi hết sức khoáng đạt, vui vẻ, thật không bút mực nào có thể tả được. Bắt đầu từ đó, tôi dùng tín tâm kiên định, thái độ tích cực, vượt lên tất cả mọi nỗi khổ niềm đau nhằm đạt đến mục đích học Phật của mình – “vượt thoát sinh tử luân hồi, viên thành Phật đạo vô thượng”. Nghĩ lại sở dĩ mình có khả năng và cơ hội lĩnh ngộ Phật pháp, công lớn đầu tiên phải kể đến, đó là đứa con gái cưng của mình.
Sau khi hài nhi chào đời, tôi chăm sóc được hai tháng, vì kế mưu sinh, tôi gửi mẹ chồng chăm hộ. Nó vừa dễ thương vừa ngoan nên bà rất thương, làm xong việc tôi mới đến ẵm về, thời gian còn lại nó quanh quẩn bi bô bên bà. Đêm giao thừa năm Dân Quốc thứ 60, mẹ chồng cùng mọi người trong gia đình bận lo làm thịt gà, vịt, chuẩn bị bánh mứt đón năm mới, cún con lẫm chẫm chạy xuống hỏi:
– Nội và mọi người đang làm gì đó? Bà nội trả lời:
– Nội đang thịt gà, vịt, sau khi cúng tổ tiên xong, nội chọn con mập nhất cho cháu ăn nha cún con!
Nghe xong, nó nhăn mặt, một tay chống nạnh, một tay chỉ thẳng vào bà nội nói lớn:
– Nội và mọi người giết gà vịt nha! Sau này gà vịt sẽ tìm nội và mọi người đòi nợ đó!
Mẹ chồng kể, chuyện này không chỉ xảy ra một lần; mỗi khi thấy giết con gì nó cũng nói vậy hết. Tôi hết sức kinh ngạc, một đứa bé nhỏ như vậy, sao lại có quan niệm phân biệt nhân quả rạch ròi như thế?
Năm ngoái, cả gia đình ngồi xem tiết mục tìm kiếm điều lạ trên đài truyền hình Đại Lục. Khúc đầu người ta giới thiệu sơ lược tỉnh Quảng Đông, đặc sản ở đây là thịt chó. Họ khẳng định không có thịt chó nơi nào ngon, thơm bằng ở đây. Chồng tôi nghe xong, nuốt nước miếng, nói sau này sẽ đưa cả gia đình đi Quảng Đông một chuyến. Anh nói:
– Nếu đến được Quảng Đông, anh sẽ ăn thịt chó cho thỏa thích.
Cún con ngồi bên cạnh, đứng vụt dậy, đỏ mặt, cũng một tay chống nạnh một tay chỉ thẳng vào cha nói lớn:
– Cha à! Cha ăn thịt chó, sau này chó sẽ ăn thịt lại cha.
Anh nghe con gái bất ngờ nói vậy, thương quá ôm chặt con vào lòng nựng, tôi đứng bên cạnh nói xen vào:
– Con gái nói như vậy không sai tí nào.
Từ đó về sau, anh phát nguyện không ăn thịt chó, ngay cả thịt của các loài động vật khác cũng rất hạn chế ăn.
Cún con vừa ngoan vừa dễ thương, thường ngày cô dì chú bác hay cho tiền, được bao nhiêu dồn cất hết. Tôi mua tặng cún con một con heo đất để nó bỏ tiền, tích cóp dần dần, mới đó đã gần đầy. Ngày 17.07 năm Dân Quốc thứ 82, thành phố Cao Hùng cử hành pháp hội cúng dường trai tăng, tôi nghĩ bụng đây là cơ hội để gieo trồng phước điền với Ba ngôi báu, cho con cùng tham gia rất tốt, tôi hỏi cún con:
– Con gái cưng của mẹ! Tiền trong ống heo của con, có thể đem cúng dường để các vị sư phụ mua sách vở, y áo, giầy dép, hoặc thỉnh sư phụ ăn cơm được không?
Nó đáp không chút suy nghĩ: Dạ được, dạ được! Con sẽ đi lấy đưa cho mẹ ngay.
Trên đây chỉ lược ghi những chuyện của hài nhi. Là đệ tử Ba ngôi báu, tôi cần phải dùng tâm bình thường để xem xét những sự tích của hài nhi. Hài nhi có nhân duyên đặc biệt với chư Phật, Bồ-tát, người làm mẹ như tôi cũng phải giúp con nuôi lớn nhân duyên đó. Tôi đã lập tâm nguyện, đợi khi nào hài nhi lớn lên, sẽ nối gót theo chư Phật, chư tổ. Nhớ có lần tôi đang tắm rửa cho hài nhi, lúc ấy nó chỉ mới 4 tuổi, mà nói như người lớn:
– Mẹ à! Khi đi xuất gia mẹ nhớ dẫn con theo cùng xuất gia với mẹ nha! Con không muốn như hai chị đi lấy chồng làm dâu người ta. Cảnh làm dâu khổ lắm mẹ ơi, con không muốn đâu!
Nghe cún con nói, tôi giật mình. Quả thật đúng như thế, người phụ nữ đi lấy chồng phải có trách nhiệm sinh đẻ nuôi dưỡng con cái. Sự khó nhọc sinh dưỡng ấy song hành với một phần thưởng diệu kì: “Tấm lòng thương yêu không mong báo đáp” của mẹ. Con cái dựa vào lòng thương yêu của mẹ để trưởng thành, lòng yêu thương này đồng thời cũng làm cho mẹ cao cả, vĩ đại. Nếu có khả năng ban trải tình thương yêu này cho hết thảy vạn loài chúng sinh, từ bi hỉ xả sẽ xuất hiện! Vậy mà tôi vô tri, chỉ biết làm ngày làm đêm để lo cho cuộc sống trước mắt; không biết vô tình giết hại sinh mạng của bảo bối, là đánh mất đi cơ hội tốt giúp mình trở nên vĩ đại – tặng phẩm mà tự nhiên ban cho những người mẹ. Tỉnh ngộ, tôi dám khuyên tất cả những người đã, đang và sẽ được thiên chức làm mẹ trên thế gian, đặc biệt các chị em đang mang thai, nên tôn trọng yêu thương sinh mạng của con mình, không được tiếp tục để thai nhi bất hạnh không nơi cầu cứu; có thể chúng không ứng mộng cầu xin, song không lúc nào chúng không van nài: “Mẹ ơi! Cầu xin mẹ hãy giữ con lại, được không?…”
Cuối lời, đệ tử thành tâm cảm tạ ánh quang minh đại từ đại bi của Bồ-tát Quán Thế Âm, chiếu phá màng vô minh chiếm ngự tâm hồn con, xin Bồ-tát từ bi gia hộ cho mỗi mỗi gia đình đều được cát tường an lạc!