CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập
26. NGUYỄN THỊ HOA (1943 – 2017) 74 Tuổi
Bà Nguyễn Thị Hoa sinh năm 1943. Song thân là cụ ông Nguyễn Hữu Tông, và cụ bà Nguyễn Thị Như. Bà có tất cả 6 người anh em, bà đứng thứ Ba trong gia đình.
Năm 18 tuổi bà kết hôn với ông Hồ Văn Phú. Sinh được 5 người con, 1 trai – 4 gái. Cư ngụ tại: số 357, hẻm 9, Trần Hưng Đạo, khóm Đông An, phường Mỹ Xuyên, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Ông làm nghề thợ tiện, còn bà thì buôn bán chiếu tại chợ Mỹ Long.
Tính tình của bà: chân thật, vui vẻ, thích ồn ào, nghĩ sao nói vậy.
Đối với mọi người trong nhà bà rất dễ dãi, khoan dung. Cách cư xử của bà đối với láng giềng rất hài hòa, và thường chia sẻ thức ăn cho người. Vì bà buôn bán chiếu nên bà phát tâm hiến tặng chiếu cho Tổ Hòm Từ Thiện của chú Ba Đô, mỗi khi có người nghèo xin hòm thì bà tặng một đôi chiếu để giúp họ tẩn liệm.
Năm 1976, nhân dịp theo đoàn viếng non Thiên Cẩm Sơn được nghe Phật Pháp nên bà phát tâm ăn chay, niệm Phật làm lành. Bởi vì phần nhiều các buổi thuyết giảng Phật pháp ấy đều nhắc nhở, lập lại lời răn khuyên, chỉ dạy của chư Cổ Đức về Đạo Làm Người, về lý nhân quả, lý vô thường và nuôi dưỡng tấm lòng khao khát giải thoát sanh tử luân hồi bằng câu Hồng Danh Vạn Đức:
“…Đa số người vì riêng vinh hạnh,
Mà để cho nguội lạnh từ tâm.
Đối trong thân thì mất tình thâm,
Đối ngoài ngõ thì quên nhân đạo.
Xã hội sống dẫy đầy bất hảo,
Ít có ai ngay thảo hiền hòa.
Lấy Đạo tâm để ngó người ta,
Thấy đau khổ hơn là sung sướng.
Người phần đông nặng mang nghiệp chướng
Họa chịu nhiều phước hưởng ít ai.
Lo thân nay, không nghĩ hồn mai,
Vì thế khiến kéo dài khổ kiếp.
Được làm người ấy là được dịp,
Để người tu thành Phật thành Tiên.
Nếu người không chịu khó tu hiền,
Rất uổng kiếp sanh trên trần thế.
Chớ sống hằn theo đời thực tế,
Vì nó không có thể trường tồn.
Hãy sống cho có Đạo tâm hồn,
Để khỏi kiếp trầm luân khổ hải.
Hữu hình tất nhiên là hữu hoại,
Sanh ra thì tất phải chết đi.
Đời quan dân bần phú chi chi,
Không tránh khỏi thời kỳ chôn xác.
Nghĩa là ai cuối cùng cũng thác,
Thân rã thành bùn đất như nhau.
Mọi sự đời luống uổng công lao,
Khi chết chẳng món nào đem được.
Chính vì vậy phải cần tính trước,
Bằng cách là Huệ, Phước rán lo.
Vừa trau tâm chỉ hết mê mờ,
Vừa lập hạnh đức cho rộng lớn.
Kiếp ngũ trược sống đừng nhơ bợn,
Đời quỉ ma tâm rán Phật Tiên.
Biết thương người biết ở lương hiền.
Biết tự hối biết kiêng tội ác,
Được như vậy được siêu khi thác,
Và được nhiều phước lạc bình sanh.
Làm lành thì nhứt định gặp lành,
Cổ kim đã chứng minh chắc vậy.
Người đời hãy tin như thế ấy,
Rán sống cho có cái Đạo tâm.
Để chính mình khỏi sự lỗi lầm,
Để xã hội bớt mầm tệ hại.
Nhân loại khác hơn cầm thú loại,
Là biết suy phải quấy chánh tà.
Biết Đạo Nhân, Đạo Phật, Đạo Gia.
Người khác thú cầm là chỗ đó.
Cái biết ấy nếu người không có,
Thì người đâu hơn thú phải chăng?
Chỉ sống theo vật chất ngày hằng,
Không nghĩ đến linh hồn siêu đọa.
Sống như vậy là chiêu khổ họa,
Khổ mình còn khổ đến người ta.
Chẳng những mang tiếng sống gian tà,
Mà còn bị đọa sa Địa Ngục,
Hãy sống biết gạn trong lóng đục.
Tuy sanh cư giữa tục mà Tiên.
Sống động nhưng biết tịnh biết thiền,
Khổ hải biết tìm lên Cực Lạc.
Sống như vậy tất không sợ thác,
Biết thác rồi có Phật rước đi,
Cùng Phật an trụ chốn Liên trì.
Sanh tử dứt mê si cũng dứt.
Rán tu rán sống theo Đạo đức,
Được người hòa, được Phật chiếu minh.
Đời nay nhanh quả báo hãy tin,
Khó lường được tử sanh họa phước.
Tránh họa sau phải lo phước trước,
Tránh luân hồi phải biết giải oan.
Oan nghiệp còn sanh tử còn mang,
Phước đức chẳng thì còn tai họa.
Dù quyền cao dù cho sang cả,
Dù trí ngu dù kẻ nghèo giàu;
Đều phải theo nhân quả như nhau,
Trồng chi tức là sau hưởng nấy,
Bóng Thần Phật tuy không ngó thấy,
Đừng tưởng không có ấy là lầm.
Mỗi điều gì người biết trong tâm.
Tất nhiên cả Phật Thần đều biết.
Người với Phật Thần không cách biệt,
Hãy tin rằng Thần Phật biết mình.
Dù trong đời vật chất văn minh,
Rán sống có tâm tình như Phật.
Nghĩa là sống Từ Bi Đạo đức,
Thương giúp người không ghét hại ai.
Muốn người hòa người sống thảnh thai,
Và muốn cả nhân loài hạnh phúc.
Hạnh phước được ngay đời ngũ trược,
Và được sanh về Phật tương lai.
Bất luận người già trẻ gái trai,
Đều được khỏi đọa ngày mai hậu.
Tâm nguyện lành người nên kết cấu,
Tất thành hình không ảo mộng đâu.
Hãy thực hành và hãy nhiệt cầu,
Tâm cầu mạnh quả thâu mau chóng,
Xin chớ bỏ ngơ lòng trông ngóng,
Cần phải ôm hy vọng nơi tâm.
Hãy nhớ câu diệu pháp thậm thâm,
Cố thắng lúc thối tâm Đạo đức.
…Cố dũa mài cho tiêu nghiệp lực,
Cố làm cho tỉnh thức cơn mê.
Tây Phương thẳng bước trở về,
Không còn khổ nạn thảm thê luân hồi!”.
******
Bà cúng lạy, tụng kinh Pháp Hoa và niệm Phật được khoảng 10 năm thì nhân duyên (ông bà sui đi ra Tịnh Thất Quan Âm về kể lại cho bà nghe, bà hoan hỷ đi theo dự khóa vía đức Quan Âm ở Đại Tòng Lâm và cộng tu 1 tuần tại tịnh thất Quan Âm) có gặp được Thầy Giác Nhàn, từ đó bà tinh chuyên niệm Phật cầu sanh Tây Phương.
Bà thường đến các chùa Qui Nguyên, chùa Phước Linh, tịnh xá Bát Nhã, tịnh xá Ngọc Yến để cộng tu một ngày và thọ Bát Quan Trai. Mặc dù tuổi của bà thuộc vào hàng “cổ lai hy” – hơn bảy mươi – vậy mà bà thích nhất tham dự lễ Ngũ Bách Danh định kỳ, ở chùa Phước Ân vào ngày chủ nhật hàng tuần, các con bà thường xầm xì với nhau:
-Coi vậy mà sức khỏe của má… hơn hẳn mình! Má đã lớn tuổi như vậy mà lạy 500 lạy, đứng lên cúi xuống… mình không lạy theo nổi!
Bà xuống tóc thọ 5 giới của người cư sĩ ở chùa Phật Thiền của Thầy Điền (trước khi gặp Thầy Giác Nhàn), bà có khu vườn sau lưng chùa Kỳ Viên, tại Bình Hòa, chùa này ông nội của bà lập nên. Bà ở đó với cô cháu ngoại, là giáo viên. Hàng ngày bà chăm sóc vài loại cây ăn trái, khi bán gom góp lấy tiền bà đều làm từ thiện, nhưng ưa thích nhất vẫn là phóng sanh và cúng dường tượng Phật A Di Đà, bà nhờ người thân quen đặt ở Bình Dương vài mươi tượng Phật, rồi đem về nhà, khi ai có nhu cầu thì đến thỉnh về để tôn trí.
Thời khóa của bà là ba thời, cứ 6 giờ sáng bà sám nguyện và lạy Phật hơn 50 lạy, lạy đứng. Tiếp theo đó là bà tụng một phần ba quyển kinh Vô Lượng Thọ. Buổi trưa và chiều cũng vậy, một ngày chia ra tụng hết một quyển. Khi rảnh thì bà nằm lần chuỗi niệm Phật, lúc nào xâu chuỗi cũng trên tay. Chỉ khi đi làm ngoài vườn thì niệm Phật trong tâm.
Chiều thứ bảy thì bà về nhà ở Long Xuyên, để sáng chủ nhật con cháu đưa đi chùa cộng tu và nghe Pháp.
Bà thường nghe đĩa của Hòa Thượng Tịnh Không về các đề tài như: giải nghiệp, tiêu trừ tam độc, phương pháp tu niệm Phật, niệm Phật vãng sanh,…
Bà thường khuyên con cháu cúng lạy, niệm Phật, làm phước và hướng dẫn Phật Pháp cho con cháu.
Thỉnh thoảng bà có đi hộ niệm cho bà con dòng họ.
Cô Diệu Hậu ở Mỹ Phước (khách hàng may đồ của con gái bà) là bạn đạo chí thiết thâm giao của bà, hai bà thường trao đổi về pháp môn Tịnh Độ và hứa hẹn chí quyết cầu vãng sanh Cực Lạc.
Khoảng 15 – 16 năm trước bà bị men gan cao, đi khám ở bệnh viện Hòa Hảo và lấy thuốc uống 2 – 3 năm thì bà thấy trong người khỏe, ăn uống thoải mái nên không đi khám nữa. Mỗi khi bị bệnh, kể cả mắt bị mờ bà cũng không chịu đi khám hay điều trị, chỉ tin tưởng và niệm Phật A Di Đà cầu Phật cứu.
Phát bịnh đến mất là khoảng hai tháng. Vào lúc hai tháng cuối (mùng 10 tháng 3) bà mệt mỏi, sưng mình, gia đình đưa bà đi khám tại phòng khám của bác sĩ Quý ở Xẻo Chơm thì biết bà bị sơ gan. Một tuần sau, vào ngày 28, gia đình đưa bà đi khám tại phòng khám của bác sĩ Trung chuyên khoa gan ở Sài Gòn thì bác sĩ cho biết bịnh chuyển sang ung thư gan thời kỳ cuối, cho thuốc uống 1 tuần. Tuy là con cháu giấu không cho bà biết bịnh nhưng linh tính bà biết bịnh của mình không thể hết được. Con cháu thấy bà yếu nên chở bà về nhà khuyên bà vừa uống thuốc vừa lo niệm Phật, bà nói:
– Má niệm Phật còn duyên thì Phật cứu, hết duyên thì má theo Phật A Di Đà! Không có mất phần vãng sanh!
Về nhà, dù tay chân yếu nhưng bà vẫn thường đòi con cháu mở máy niệm Phật xuyên suốt rồi bà nhờ người nhà dìu đỡ tới lui đi kinh hành vòng nhà. Bà vẫn hay ngồi niệm Phật, khi mệt thì nằm niệm. Lúc khỏe thì bà niệm Phật nhép môi và lần chuỗi theo, khi mệt thì niệm Phật trong tâm.
Ngày mùng 9 tháng 5, con rể của bà có hỏi bà:
– Hổm nay má nằm cũng hai tháng rồi, má tu và niệm Phật cũng lâu năm quá vậy má có biết trước ngày giờ vãng sanh không? Nói cho tụi con chuẩn bị!
Bà trả lời:
– Chắc ngày 20 vãng sanh quá con ơi!
Người con rể hỏi tiếp:
– Biết ngày 20 vậy má có biết giờ vãng sanh không?
Bà trả lời:
– Giờ thì chưa biết, chỉ biết ngày chứ chưa biết giờ!
Ngày 14, bà đang ngủ trưa thì nằm chiêm bao thấy có một ông tướng hảo như Phật nhưng không phải là Phật A Di Đà nói với bà:
– Bà phát nguyện về với A Di Đà phải không? Bà đi theo tui đi!
Bà trả lời:
– Tôi phát nguyện về với A Di Đà nhưng tôi không đi theo ông! (con của bà thường căn dặn với bà: “Chừng nào Phật A Di Đà đến rước thì má mới đi, ai có đến rước cũng không được đi theo nghe má!”)
Đến ngày 15, người con rể nói với bà:
– Má ơi má! Bịnh của má hổm nay giờ cũng nặng rồi! Má phát nguyện vãng sanh đi! Nếu Phật A Di Đà đến rước thì má đi đi cho khỏe cái thân, còn nếu không thì sống khỏe mạnh lại rồi tiếp tục tu nữa chớ nằm như gì khổ cái thân quá rồi!
Bà cười và gật gật đầu không trả lời.
Qua ngày 16, khoảng 9-10 giờ sáng bà nằm nhắm mắt, tay chân bất động luôn nhưng khi con bà nhắc bà niệm Phật thì bà gật đầu nhẹ, đúc nước và sữa bà còn uống được. Gia đình liền mời Ban Hộ Niệm của chú Thiện Phước ở núi Sập đến cùng con cháu thay phiên hộ niệm cho bà liên tục.
Trưa khoảng 12 giờ 45 ngày 19, chú Phước và người con rể có tâm sự với nhau. Chú Phước nói:
– Nếu bà mất ngày 20, thì sư Minh Nhãn không đến niệm Phật và khai thị được, vì sư bận tổ chức thọ Bát Quan Trai; mà ngày 20 tôi cũng bận dẫn chúng tu ở đạo tràng chùa Tân Phước – Lấp Vò, nếu tôi ở đây với bà cụ thì ở bên bển không ai lo, còn tôi về bển bỏ bà cụ ở đây thì cũng không đành!
Người con rể mới nói:
– Thôi giờ mình chuẩn bị đâu đó cũng xong xuôi hết rồi. Không chừng… Phật sẽ sắp lịch dời bà cụ lại… bà cụ đi bữa nay… nữa… cũng… không chừng!
Nói xong hai người về chỗ nghỉ trưa, nhưng chỉ nằm một chút chú Phước thấy tâm trạng bất an, chú liền quay lại chỗ của bà thì nghe người trợ niệm niệm Phật rất nhanh và dồn dập (lúc này khoảng hơn 2 giờ chiều). Chú Phước và mọi người liền xúm lại niệm Phật cho bà.
Một lát sau (khoảng 2 giờ 15 phút người con gái bắt mạch cho bà thấy còn mạnh lắm), đang hộ niệm chú Phước dừng lại khai thị cho bà, tự dưng bà mở mắt ra, nhìn ánh mắt của bà rất tỏ và rất đẹp không giống người đang bị bịnh, bà đưa mắt nhìn bên đây, rồi nhìn bên kia nơi có đặt 5-6 tượng Phật. Khi chú Phước khai thị xong, bà lần lượt nâng nhẹ chân trái và chân phải bước lên, y như là bà bước lên hoa sen. Kế đó tay trái và tay phải đưa ra, lúc lắc 3 cái, y như vẫy tay chào tiễn biệt mọi người. Bởi khi bình thời, lúc chăm sóc bà, cô con gái thường hay nói với bà: “Chừng nào Phật A Di Đà đến rước má đi, thì má nhớ vẫy tay cho tụi con biết nghe má!”. Cuối cùng bà mỉm miệng cười rồi an lành ra đi, lúc ấy đúng 2 giờ rưỡi chiều, ngày 19 tháng 5 năm 2017. Bà hưởng thọ 74 tuổi.
******
Để bà trong tư thế đó, hộ niệm thêm đến 10 tiếng đồng hồ nữa, thì chú Phước thăm thân, thấy các khớp xương tay chân mềm dịu, ấm từ trán lên đỉnh đầu, các điểm khác đều lạnh.
Niệm đến 7 giờ sáng thì liệm, sau đó đưa đi hỏa táng tại lò thiêu Phú Hòa. Khi di quan ra tới hẻm 9, sư và mọi người đều thấy hào quang từ mặt trời (như màu 7 sắc cầu vồng) chiếu thẳng vô hẻm và chiếu ngay vào xe chở quan tài, cô liên hữu Nương nhìn thấy cách quan tài 1 mét có vầng hào quang, có khi kéo dài như hình chiếc lá Bồ đề, chạy qua chạy lại. Khi cô nói lớn và chỉ cho mọi người, thì sư Minh Nhãn ngăn lại:
– Thôi lo niệm Phật đi, đừng có la! (bởi vì trong khi sư lui cui lo nhập liệm cho bà, thì sư đã phát hiện trước tiên, nhưng sư vẫn lặng yên không nói cho ai biết hết).
Tro cốt làm theo lời dặn của bà là đem rãi xuống sông.
*Cô cháu ngoại sống chung với bà (con của người con gái thứ Hai) nằm mộng thấy bà về mặc nguyên bộ đồ lam cùng với bốn người mặc đồ vàng cầm 1 cái lộng rất lớn, cảnh xung quanh toàn là màu vàng, bà vuốt đầu cô và nói:
– Ngoại về Tây Phương rồi, bông sen của ngoại là một ức cánh.
Cô liền hỏi:
– Thượng phẩm thượng sanh thì bao nhiêu ức vậy, thưa ngoại?
Bà đáp:
– Thượng phẩm thượng sanh, thì mấy ngàn muôn ức lận, con ơi!
Nói xong bốn người cầm lộng đưa bà đi mất.
(Thuật theo lời: Hồ Thị Loan, Phạm Anh Tuấn – con gái và rể thứ Ba của bà)