CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập

 

25. PHAN THỊ THANH THỦY (1957 – 2016) 59 Tuổi

Bà Phan Thị Thanh Thủy sinh năm 1957, nguyên quán: Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Song thân là cụ ông Phan Ngọc Anh, và cụ bà Võ Thị Phận. Bà đứng thứ Năm trong gia đình có 5 anh em.

Năm lên 19 tuổi bà kết hôn với ông Nguyễn Tấn Thạnh, là giáo viên cấp 1 của trường tiểu học thị trấn Thốt Nốt, sinh được ba người con, nhưng hai đứa Út mất khi còn nhỏ. Gia đình bà định cư tại khu vực Tràng 1, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ.

Bà rất có hiếu với cha mẹ, cũng có tình nghĩa với anh em, tròn đạo nghĩa vợ chồng và trách nhiệm đối với con cái. Bà nghiêng nặng về tình cảm, sống chan hòa với mọi người. Đời sống mẫu mực, đức hạnh.

Vào khoảng sau năm 1980 bà công tác ngành thông tin văn hóa của huyện Thốt Nốt, nhưng chỉ được 2 năm, nhận thấy không thích hợp nên xin nghỉ việc. Từ đó về sau bà đảm trách lo liệu việc nội trợ trong gia đình, kinh tế chính duy nhất dựa vào đồng lương khiêm nhường của ông chồng. Nhờ thừa hưởng di sản truyền thống quý báu tâm linh, nên cả hai ông bà đều sống đời sống tri túc, vì vậy mà sự sinh hoạt hằng ngày cũng tạm ấm áp yên bình.

Thuở ấu thơ bà đã biết đến Tam Bảo, biết đi chùa, sáng chiều lễ Phật, nhưng mãi đến năm 1996 bà mới giác ngộ sâu sắc về lý nhân quả nghiệp báo của lời Phật dạy, nên bèn phát tâm trường chay, chuyên chú tu hiền.

Công khóa thường nhật của bà là sớm tối hai thời sám nguyện, sau lễ nguyện thì bà ngồi lần chuỗi niệm Phật vài mươi phút tùy theo sức khỏe của mình. Bà thường xuyên đến các đạo tràng tư gia của chư liên hữu quanh vùng, để tham dự niệm Phật định kỳ, và cũng đi hộ niệm cùng cầu nguyện cúng tuần thất, siêu độ cho những người trong hương thôn đã quá vãng.

Bà rất mạnh mẽ nhiệt tình trong công tác phúc lợi xã hội, nhín ăn bớt mặc để đóng góp tịnh tài vào “tổ cơm cháo từ thiện” của bệnh viện Thốt Nốt, hay những gia đình nghèo khổ đang lâm cảnh khốn cùng, bệnh hoạn… Nói chung việc làm nào thực sự lợi ích nhân sanh bà đều dốc hết sức cố gắng nỗ lực thực hành.

Bà cũng hay xem nghe các băng đĩa Phật Pháp nhất là pháp môn Tịnh Độ, nhất là các đoạn khai thị có nội dung như:

“…Bốn trọng Ân cố gắng đáp đền,
Tám điều chánh rán hành cho đúng.
Gian khổ mấy cũng đừng nao núng,
Hãy lấy Bi, Trí, Dũng thắng qua.
Gặp chết đi tin có Di Đà.
Gặp khổ hạnh nhớ ra Phật Tổ.
Đường giải thoát, đường về Tịnh độ.
Thật tu thì sẽ có ngày thành.
Hãy nhứt tâm lo việc tu hành,
Rán cố gắng phát sanh thiện niệm.
Lúc nào cũng tự mình kiểm điểm,
Ác thì chừa, còn thiện thì theo
Hành thiện đừng sợ cảnh nguy nghèo,
Muốn giải khổ phải gieo giống thiện
Có nhân thiện quả lành mới hiện,
Không từ tâm khó đến Tây Phương.
Đạo là lành, là cả tình thương,
Đạo là giác, là đường giải thoát.
Nếu không lành, không thương, không giác.
Ấy là tu trái ngược Đạo mầu.
Chư Phật Thần chẳng độ cho đâu,
Tu như vậy bao lâu cũng uổng.
Lời Phật pháp biết tin biết chuộng,
Rán trau giồi tư tưởng từ bi.
Từ bi luôn ngôn ngữ hành vi,
Cả đời sống đều qui về Phật.
Ví dù có thay trời đổi đất,
Lòng Từ Bi đạo đức không thay.
Nhà tu hành đắc Đạo xưa nay,
Là nhờ được bền dai tâm Đạo,
Muốn gặp Phật, muốn ngồi sen báu,
Phải Từ Bi phải Đạo nhứt tâm.
Sống giác tâm giữa cõi mê lầm,
Hành thiện sự lúc nhân loại khổ.
Vừa tự độ và vừa tha độ,
Khi thương ta liền nhớ thương người.
Ta được vui muốn kẻ được vui,
Ta tỏ ngộ giúp người tỏ ngộ.
Tu sống bằng đại từ đại độ.
Ấy là tu đúng lộ Từ Bi.
Người thật tu theo đó mà đi.
Chắc chắn tới Liên Trì Cực Lạc.
Thật an vui hoàn toàn giải thoát,
Hết khổ đau, hết kiếp luân hồi,
Đạo tâm nên gắn bó trau giồi,
…Niềm giải thoát hằng luôn đặt trước.
…Hướng về Phật tu bồi Huệ Phước,
Dầu cảnh đời trái ngược dường bao.
Khổ mà tu được mới siêu cao,
Chớ thấy khổ ngán ngao Đạo lý,
Cũng đừng vì tiền tài danh vị,
Mà lảng quên tâm chí tu hiền.
Vạn sự đời trong cảnh biến thiên,
Mê đời chỉ đảo điên sầu khổ,
Đời như mộng, như mây trước gió,
Hãy tỉnh đời chớ có mê đời.
Đời cuối cùng bỏ hết cả thôi,
Đạo mới được khỏi nơi sanh diệt.
Đời ngắn ngủi nên tu ráo riết,
Đời khổ đau nên biết thương nhau…

Tu cầu cửa Phật đặng vào,
Gót sen thong thả xiết bao thanh nhàn”

Và thỉnh thoảng bà cũng thường theo đoàn hành hương chùa chiền nhiều nơi. Ngoài ra bà rất ưa thích phóng sanh.

Khi đã phát tâm tu thì tính tình bà dần dần trở nên thuần hậu ôn hòa, thiện lương, dễ dàng buông xả, đối với cảnh duyên trái ý chẳng mấy khi bà để cho dính động nơi tâm, bao nhiêu tính nóng nảy gắt gỏng chợt biến mất, dường như bà là một con người mới thì đúng hơn. Chẳng hạn như có ai nói những lời ác cảm, khó nghe, bà chẳng những không giận hờn, buồn tức mà còn bao dung thương xót họ, vì tin chắc rằng ở tương lai họ phải gặt hái hậu quả khổ đau, do chính họ đang gieo nhân bất thiện ngay trong hiện tại này, đồng thời bà đối xử với họ rất bình thường.

Bà rất tâm đắc hai câu: “Ở Tây Phương chư Phật ngóng trông; Chờ bá tánh rủ nhau niệm Phật”. Bà thường nói với cô em gái Út:

-Ở Tây Phương Đức Phật đang chờ đợi mình, mình phải rán cố gắng niệm Phật để mình về với Ngài!

Và:

-“Rán tu đắc đạo cứu Cửu huyền”. Mình rán tu để mình được giải thoát, mà mình cũng cứu vớt ông bà cha mẹ của mình nữa, em ơi!

Bà thường đem Phật Pháp chỉ dạy cho con trai và con dâu, phân biệt tường tận việc tội phước,… Sống ở đời phải biết nhường nhịn, phải chịu thua người một chút, lùi lại một bước sẽ được vui vẻ bình an; chứ đừng nên ngang bằng với người, cũng đừng nên hơn người! Nếu không, chắc chắn sẽ phải chuốc lấy rất nhiều rắc rối khó khăn…

Bà cũng thường khuyên những người thân, cũng như em gái của bà:

-Hãy buông bỏ hết đi, để cho tâm hồn mình được nhẹ nhàng! Cõi đời này là giả tạm, mạng sống lại vô thường ngắn ngủi, cái chết sẽ đến với chúng ta bất cứ giây phút nào, không một ai biết trước được ngày giờ mình ra đi, và cũng không một ai tránh khỏi! Rồi khi ra đi, mình cũng không đem theo được thứ gì cả… Bây giờ mình đã hiểu như vậy rồi thì hãy rán lo tu đi! Cuộc sống đã tạm ổn rồi thì thôi… Bây giờ mình rán lo tu em ơi! Vả lại mình tu thì bản thân mình được giải thoát, và ông bà cha mẹ của mình sẽ hưởng được công đức lành của mình, mà cũng được siêu sinh về cõi Tịnh. Chẳng những thế mà mình còn có năng lực độ tất cả chúng sanh khắp mười phương đồng sanh Tây Phương đồng thành Phật đạo!

*****

Vào khoảng tháng 2 năm 2016, vùng bụng của bà đột nhiên đau dữ dội, cô con dâu bèn đưa bà vào Bệnh Viện Đa Khoa An Giang. Ở đây bác sĩ chẩn đoán là rối loạn đường tiêu hóa do thức ăn, chứ không có chi… Rồi cho 3 ngày thuốc mang về nhà. Nhưng ngày hôm sau, cơn đau bụng chẳng những không giảm lại còn bạo phát tàn khốc hơn. Vì vậy mà, khi trở lại bệnh viện bà đề nghị với bác sĩ siêu âm cho mình, nhưng bác sĩ vẫn bảo:

-Tôi đã nói bệnh này không có gì hết! Siêu âm làm cái gì?

Cô dâu nài nỉ với bác sĩ:

-Mẹ tôi đau dữ lắm… Muốn siêu âm… Thì thôi Bác sĩ vui lòng, làm ơn siêu âm giùm!

Sau khi siêu âm xong mới phát hiện Apxe gan. Nằm viện qua một tuần, cũng không thuyên giảm, bác sĩ liền gọi thân nhân đến đề nghị làm hồ sơ chuyển tuyến. Khi vào bệnh viện Chợ Rẫy qua hai lần chụp CT, thấy gan có nhiều khối u nhỏ. Bác sĩ cho biết đây có thể là triệu chứng của một bệnh ung thư ở cơ quan khác di căn sang gan, đồng thời yêu cầu bệnh nhân phải nằm viện một thời gian để tìm cho được nguồn gốc của bệnh, sau đó mới tiến hành trị liệu. Nhưng bà quyết định đòi về, vì mỗi lần chụp CT là mỗi lần vật vã oằn oại do sức khỏe quá suy kiệt, nên bà nói cùng cô em gái rằng:

-Thôi để về nhà yên tĩnh mình lo niệm Phật! Giả như số mạng còn thì nhờ công đức niệm Phật sẽ tiêu nghiệp hết bệnh; còn như mạng số đã hết rồi thì mình sẽ vãng sanh về Phật. Chứ còn ở đây theo dõi, nếu có tìm ra căn gốc của bệnh thì chị cũng không đủ sức để điều trị được. Vả lại người ta đông đảo ồn ào quá chị không niệm Phật được!

Ông chồng khi hay hung tin này, bèn hỏi bà:

-Bệnh của bà như vậy đó, bà có sợ chết không?

Bà bình thản trả lời:

-Không, tui không có sợ!

Trong khi đó đột nhiên ông xúc động, bất giác hai hàng nước mắt tuôn trào xối xả. Thấy thế bà mới khuyên:

-Thôi, ông đừng nên khóc. Khóc như vậy người ta nhìn thấy,… kỳ dữ lắm! Thôi bây giờ rán niệm Phật… Rán niệm Phật rồi chở tui về… Về nhà uống thuốc rồi mình niệm Phật luôn… dễ hơn. Chứ để tui nằm ở đây ồn ào lắm tui chịu không có nổi!

Gia đình y theo mong muốn của bà bèn xin làm thủ tục xuất viện. Về đến nhà thân quyến vẫn tiếp tục duy trì phát đồ để giải quyết tạm thời mà các bác sĩ bệnh viện đã sử dụng khi còn nằm viện.

Mặt khác bà con thân tộc ghé thăm, cũng đã giới thiệu đủ các loại Nam, Bắc… nên cũng phối hợp kèm dùng thêm. Nhưng rồi cơn đau mỗi ngày một tăng dần.

Lúc này bà vẫn đi tới lui được, ngoài những lúc hoành hành dữ dội ra, bà thỉnh thoảng cũng có đi đến các đạo tràng tham dự niệm Phật cùng với đại chúng. Trãi thêm ba, bốn tháng nữa mới hoàn toàn ngưng lại. Đặc biệt là mặc dù sức khỏe suy sụp trầm trọng, nhưng thời khóa lễ niệm bà tăng lên 3 lần. Đến tháng cuối đứng lên quỳ xuống phải nhờ cô em thứ Út đỡ phụ. Chồng khuyên bà nên tạm ngưng hình thức để dưỡng sức, bà vẫn nhất quyết không nghe theo.

Ban đầu còn tiêm thuốc giảm đau, bà nhận thấy có tác dụng phụ là làm hôn mê, nên vài ngày sau bà nói với cô Út:

-Thôi đi em ơi! Đừng có chích thuốc giảm đau cho chị nữa! Bởi vì chích nó vô chị buồn ngủ quá, chị không có niệm Phật được. Thôi, hãy để tự nhiên như vậy đi!

Lạ một điều là khi đến gần cuối tháng 7 (trước lúc mất 10 mười ngày), thì cơn đau biến mất, bà không còn nghe đau nhức gì nữa hết.

Khi lưỡi đã gần thụt vô, âm thanh phát ra có phần khó nghe, mà bà còn luôn khẩn cầu:

-Nam Mô A Di Đà Phật! Xin Ngài cứu cha mẹ con về cõi an lành! Xin Ngài cứu con về cõi an lành! Phật ơi!

*******

Đến sáng ngày mùng 4 bà nói với mọi người trong nhà:

-Thôi, bây giờ đi tiêu cho sạch sẽ, đặng vãng sanh!

Vì hơn một tuần lễ trôi qua bà chưa từng đi cầu. Thế là ngày hôm đó bà xổ ra rất nhiều lần và liên tục trong 2 ngày.

Trước khi mất vài ngày, khi có mặt đầy đủ mọi người trong nhà, bà bèn dặn dò hậu sự. Khi nghe bà trăn trối dặn dò hậu sự, thì chú con trai gục đầu vào mình bà bật khóc nức nở. Chú nói:

-Mẹ đừng nói như vậy! Mẹ ở lại đây, con không muốn xa mẹ, con không muốn mẹ đi!

Bà bình thản, nghiêm nghị bảo:

-Con không được làm như vậy! Con làm như vậy là con làm khổ mẹ đó, con biết không? Con làm như vậy,… khi mẹ ra đi,… mẹ sẽ sinh tâm luyến tiếc… vì thương yêu, luyến ái con cái mà mẹ không được vãng sanh, mẹ không theo Phật được, phải luân hồi sanh tử mãi mãi! Như vậy mẹ rất là đau khổ; nếu thật sự con thương mẹ… thì con không được làm cho mẹ đau khổ. Con không được khóc lóc như vậy!!!

Có một số nữ trang bà nhà cô em gái Út làm từ thiện hết giùm cho bà, và những y phục bộ nào cũ thì đem theo cho bà, còn bộ nào mới thì cho người nghèo.

Ông hỏi bà sau khi mãn phần thì an táng hay thiêu hóa, bà căn dặn rằng nên đi thiêu. Con trai của bà thì muốn chôn cất, hòm rương xứng đáng, mả mồ xây cất coi cho được, mới trọn bổn phận làm con. Bà nói:

-Con đừng nên làm như vậy, rất là tốn kém, mà cũng vô ích. Bởi vì xác thân tứ đại con người khi chết rồi thì trả về tứ đại, đều thành cát bụi!… Con làm như vậy không có ý nghĩa gì cả!

Bình thường bà rất là “bánh ướt”, nhưng lúc này chẳng những đối với người thân trong gia đình, mà ngay cả họ hàng hay bè bạn quen biết đến thăm cảm động khóc lóc, bà bỗng nhiên trở nên rất cứng rắn, bình tĩnh một cách lạ thường, lại còn an ủi khuyên lơn họ. Điều này làm cho cô Út cảm thấy kinh ngạc, ngỡ ngàng!

Khi thấy sức lực của bà thực sự cạn kiệt  cô Út bèn đề nghị hộ niệm với bà, thì bà hoan hỷ chấp thuận. Chương trình hộ niệm được tiến hành, lúc này lưỡi của bà hơi thụt vào nên âm thanh phát ra không còn bình thường, bà niệm theo đại chúng chỉ còn nghe được có tiếng Phật kéo dài phía sau mà thôi. Hộ niệm thay ca nhau liên tục suốt hai ngày đêm rồi bà mới ra đi. Trước đó 10 phút chú con trai đem sữa đến, bà không chịu uống, nhưng thấy chú nài nỉ quá bà mới chịu cầm ống hút, uống một ít. Uống xong, vẫn ở tư thế nằm nghiêng bên trái, hai tay xuôi theo thân rồi an tường nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng trong âm thanh vang rền Phật hiệu của đại chúng. Lúc ấy đúng 2 giờ 45 phút sáng ngày mùng 7 tháng 8 năm 2016. Bà hưởng dương 59 tuổi.

******

Trước khi mất, mặt và tay chân đều sưng rất to, gương mặt bị biến dạng do bà nằm nghiêng bên trái nhiều ngày. Khi hộ niệm hơn 8 tiếng đồng hồ sau, lúc thay y phục để chuẩn bị nhập mạch, thì phát hiện gương mặt bình thường trở lại, không có chút xíu gì sưng cả! Tay chân thì còn sưng một ít. Gương mặt đẹp hơn lúc còn sanh tiền, và giống như người đang nằm ngủ, các khớp xương đều mềm mại, toàn thân lạnh, duy có đảnh còn rất ấm!

*Khi chuyển nhục thân của bà đến lò thiêu xong, nhân viên nhà hoàn mới hỏi ý kiến của ông, là khi thiêu xong sẽ nghiền nhuyễn luôn, thì ông cũng đồng ý. Lúc về đến nhà, có một số đồng tu mới phản đối:

-Không! Anh đừng làm như vậy, mình cứ để nguyên… đặng sáng ngày mai mình lên, kiếm xem có cái gì lạ hay không!

Vì thế ông đã điện thoại với lò thiêu rằng khoan hãy nghiền, chờ gia đình lên rồi sẽ tính.  

Sáng hôm sau, kết quả là nhặt được 4 viên xá lợi. Một đồng tu đã từng thu nhặt hài cốt cho biết, là thông thường phải đeo khẩu trang vì mùi rất tanh, trong khi phần tro xương của bà không có mùi gì hết, xương trắng tinh như màu nước sơn và rất sạch!

*Qua ngày mùng 8, người ta phát hiện các loại cây xung quanh nhà bà như mai tứ quý, mai chiếu thủy, hải đường… đều trổ hoa, kéo dài suốt nửa tháng. Đặc biệt là cây mai tứ quý thường nhật chỉ ra lưa thưa vài ba nụ, vậy mà lần này nó nở chùm chùm rộ hết toàn cây, khi rụng rồi lại đâm bông mới.

(Thuật theo lời Nguyễn Tấn Thạnh và Phan Thanh Xuân chồng cùng cô em gái thứ Út của bà)