CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập

 

24. NGUYỄN VĂN THOẠI (1926 – 1986)  60 Tuổi

Ông Nguyễn Văn Thoại sinh năm 1926, cư ngụ ấp Thới Mỹ, phường Thới Long, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Song thân là cụ ông Nguyễn Văn Khá, và cụ bà Phan Thị Hạp. Ông là anh Hai có bảy người em.

Khi đến tuổi trưởng thành ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Hai, sinh được 8 người con, 3 gái 5 trai. Gia đình ông sanh sống bằng nghề làm ruộng.

Tính tình ông rất hiền hậu, chân thật. Sự ăn mặc rất đơn giản bình dân.

Năm 1962 ông giác ngộ Phật Pháp nên đã phát tâm trường, cả gia đình bà cùng 8 người con cũng phát tâm ăn chay theo ông.

Cách thức tu hành hằng ngày, ông thường khuyên dạy các con phải rán tu cho tròn đạo làm người, làm lành lánh dữ rồi niệm Phật cầu sanh Tây Phương:

“Ở trần xử trọn nghĩa nhân,

 Quyết làm tôi Phật gởi thân Liên Đài”.

    Con ông hỏi:

-Vì sao mình phải ăn chay, thưa ba?

-Nếu muốn giải thoát thì mình phải ăn tương, lễ bái cầu nguyện, làm lành, niệm Phật!

Năm 1965 ông giữ chức vụ Phó Ban Tri Sự của xã nhà. Vì mong muốn Phật Pháp được phổ cập rộng khắp để cho nhân sanh gặt hái được lợi lạc chân thật, vơi đi bao nỗi sầu niềm đau của kiếp sống luân trầm nơi sông mê biển khổ, ông đã cùng với chư vị đồng tu trong Giáo Hội đứng ra tổ chức liên tục các buổi thuyết giảng lưu động tại địa phương, thường hay mời các đại đức tại gia cư sĩ như ông Hai Tho, Hai Tuyển, Minh Châu…đảm nhiệm. Thời điểm bấy giờ, tình hình sinh hoạt tại nông thôn, phần lớn bà con dân chúng ban ngày ai cũng bận rộn chuyện đồng áng ruộng vườn, nên các buổi diễn giải Phật lý đều được tiến hành vào ban đêm. Ông đích thân dùng máy tắc ráng đưa đón các giảng viên đi lại các điểm thuyết trình, và lưu trú qua đêm tại tư gia của mình, ông phục vụ rất tận tình và tươm tất. Thỉnh thoảng ông cũng theo đoàn của ông Hai Tho đi lưu diễn ở những nơi xa, thuộc phạm vi các tỉnh miền Tây.

Song song với việc hoằng pháp, ông thường xuyên đến các nhà hảo tâm vận động cây lá, cùng vật dụng cần thiết để cất nhà, chẩn tế cho đồng bào vùng chiến nạn, nhiều nhất vẫn là khu vực Thới Lai và Đông Thuận.

Trong quá trình làm công tác Phật sự, đặc biệt ông có hai điểm nổi bật đó là không hề dính vấp vào danh lợi và chính trị, nên khi gần đến năm 1975 lúc phong trào Bảo An vừa thành lập thì ông lui về lo việc đồng áng ruộng vườn chuyên bề tu niệm hành trì. Đúng như lời khai thị của Cổ Đức:

   “Kẻ sanh ra dưới gầm Trời,
Cũng đồng số phận luân hồi như nhau.
     Như là quyến thuộc khác nào,
Thương nhau thì được hại nhau sao đành.
     Không ai được hưởng trường sanh,
Giúp nhau được sống yên lành tốt hơn.
     Ban bằng chiến lũy ngã nhơn,
Cho người người được sống gần gũi nhau.
     Người ta suốt kiếp khổ đau,
Đâu còn thiếu sót phải đào tạo thêm.
     Giúp nhau cho được sống êm,
Chớ làm nhau chịu sống thêm khổ nàn.
     Hòa nhau cát cũng hóa vàng,
Nghịch nhau vàng cũng nát tan thành bùn.
     Hòa nhau cùng được thung dung,
Nghịch nhau cùng đến đường cùng mà thôi.
     Làm lành cũng sống được rồi,
Đâu cần làm dữ mới nuôi được mình.
     Sống cho đúng lẽ công bình,
Của người chớ có sanh tình lấy ngang.
 …Mộng đời sớm muộn sẽ tan,

Giúp nhau chung sống bình an tháng ngày.

 …Giúp người thì rất sẵn tay,
Hại người thì chối từ ngay không làm.
     Đâu chờ những việc siêu phàm,
Người thường cũng có thể làm từ bi.
     Để tâm chịu khó xét suy,
Đạo mầu có nghĩa huyền vi vô cùng.
     Biết đem lý đạo mà dùng,
Bao nhiêu sầu khổ phá tung không còn.
     Đạo mầu nếu giữ cho tròn,
Việc nhà việc nước đâu còn trái ngang.
     Sự tu quí báu hơn vàng,
Cứu đời vượt khỏi muôn ngàn khổ lao.
     Bạc vàng sẽ bị tiêu hao,
Tu hành được phước chẳng bao giờ mòn.
     Đức tuy không thấy mà còn,
Tài tuy thấy đó mà mòn không hay.
     Đức thì được hưởng lâu dài,
Tài thì chỉ được hưởng xài ngắn mau.

 …Một ngày đạo hạnh không trau, 
Là thêm nặng kiếp trần lao một đời.
     Sự tu rất khó đành rồi,
Khó tu, tu được mới ngồi tòa sen.
     Đời quen đạo có thể quen, 
Việc nào đã muốn cố rèn thì nên.
     Tu hành cần phải chí bền, 
Đừng vì vận bĩ mà quên đạo mầu.
     Đạo mầu quên chẳng tốt đâu, 
Chỉ làm thêm khổ thêm sầu mà thôi.
     Cá khôn cá chẳng mê mồi,
Người khôn người chẳng mê đời phù dung.
     Rán tu có Phật hộ tùng,
Liên hoa chín phẩm cuối cùng được lên”.

Trong thời gian làm Phật sự lắm lúc đã đối diện với rất nhiều những chướng ngại cam go, biết bao gian nan thử thách, nhưng rồi ông vẫn ẩn nhẫn cố gắng hết sức để vượt qua không thoái chí nản lòng, nhờ vậy mà hạnh đức của ông ngày một thêm lớn, các đồng tu càng quý kính ông nhiều hơn.

Một điều hết sức lạ, là những lúc ngủ ông mớ, con cháu lắng nghe ông đọc toàn là sám văn thi kệ.

Sau những năm 75 ông hăng hái tham gia theo đoàn sưu tầm thuốc Nam ở vùng Thất Sơn, thời gian mỗi chuyến đi một vài tuần lễ.

Bên cạnh đó ông còn dẫn đoàn đi viếng non, tham bái vùng Bảy Núi bằng phương tiện xe đạp, mỗi lần khoảng vài ba mươi vị. Đây là cơ hội phổ truyền Phật Pháp cũng nhằm tăng trưởng trí tuệ nhờ duyên giới thiệu giáo lý cho mọi người.

*********

Đối với lý nhân quả tin tưởng một cách rất kiên định, mỗi khi bị bịnh ông chỉ: “Lo thuốc thang khẩn vái Phật Trời; Nguyện sửa lòng ắt Phật giúp đời; Ban phước rộng từ bi hỷ xả”, các con mua thuốc Tây mang về ông không chịu uống. Đối với mật ong và sữa là những thứ mà ông tuyệt đối chẳng hề dùng đến, vì cho rằng nó làm tổn giảm tâm yêu thương của chính mình!

Ông hay nhắc con cháu và những người quen biết:

“Chốn Ta-bà tim lụn dầu mòn,
Thân tứ đại của người cũng thế.
Mau thức tỉnh tu thân kẻo trễ,
Đến tội rồi mới hối muộn màng.
Chi cho bằng ta sớm lo toan,
Gìn giới luật nghe Kinh trọng Phật.
Đến lâm chung quả lành đâu mất,
Cõi Tây Phương chư Phật đợi chờ”.

Và:
“Có thiện căn sớm lại cửa thiền,
Câu niệm Phật chờ ngày chung cuộc”.

Ông hay nói với các con cũng như các bạn đạo tâm giao rằng:

-Sự tu của mình về pháp môn Tịnh Độ… thì sau này đến giờ phút lâm chung thì cũng phải để lại một hai cái triệu chứng gì đó cho mọi người thấy. Mặc dù mình không có nói ra để cho mọi người phát tâm… Nhưng mà trong khi mình lâm chung mình phải để lại những triệu chứng gì đó để cho người đời noi theo mình mà người ta tu!        

Và: “Phải rán tu đặng mà chết, chớ đừng để chết đến mà chẳng có tu”

Công khóa thường nhật của ông mỗi ngày là 3 thời lễ niệm. Năm 1980 cha ông mất, khi ấy ông 54 tuổi, mọi chuyện gia đình do các con gánh vác nên ông tăng lên 4 thời. Đặc biệt là ông rất siêng năng chuyên cần hành đạo không bao giờ bê trễ bỏ thời công phu, mặc dù sức khỏe mỗi lúc một suy kém dần.

Ông cũng thường khuyên nhắc con ông:

-Mình niệm Phật thì cần nhất là phải trừ tam nghiệp. Nếu tam nghiệp mà không lo tiêu trừ thì cũng không được vãng sanh đâu!

**********

Có lần, nhằm đợt thâu hoạch vụ hè thu, thời điểm ấy các tuyến giao thông rất thưa thớt xe cộ, tháng năm mới có một chiếc chạy qua, tháng mười mới có một chiếc chạy lại, chứ không dập dìu đông nhiều nghẹt đường bít lối như thời điểm hiện nay, cho nên bà con thường phơi lúa hai bên lề đường vào mùa gặt thật là vô cùng thuận tiện. Hôm ấy khoảng 9 giờ đêm trời tối đen như mực, ông đang nằm nghỉ trên máy nhai (loại bằng cây, không có bánh, cồng kềnh và thô sơ, được đặt cố định, di dời phải tháo từng món), bỗng đâu hai chiếc xe, xe hàng và xe quân đội qua mặt nhau đã đâm thẳng vào nơi ông nằm, cái máy nhai lúa thì văng đi rất xa và lọt xuống sông chìm nghỉm mất dạng (vì con sông kề sát mé lộ), lúa thóc bay tứ tung, xe hàng cũng đã đè chết 1 người, trong khi ấy ông rớt cách đó chỉ có 2 mét, còn trên bờ, xương đòn bị gãy.

Có lẽ nhờ công đức niệm Phật mà đã chuyển “trọng báo thành khinh báo”, tức là từ quả báo nặng thành ra quả báo nhẹ. Đáng lý ông phải văng rất xa và bị máy nhai đè chết, chứ không chỉ gãy xương đòn thôi đâu!

Trong lúc xôn xao bàn tán sự việc hy hữu lạ lùng này, có vị phát biểu rằng:

-Ông Hai nhờ Phật bồng quăng ngược trở lại bờ. Nếu không, làm sao được như vậy!!!

Một điều đáng để tâm ở đây là ông tin tưởng rất sâu vào lý nhân quả nên không hề buồn phiền, hay làm khó dễ gì với tài xế cả, mà ông còn dấu luôn địa chỉ cư trú của mình khi họ cố tình hỏi đến để sau này thuận dịp ghé thăm!

******

Năm 1981 trong chuyến đi sưu tầm thuốc ông gắng dùng hết sức để kéo giây huyết rồng, vì vận động quá sức nên ra máu mũi và miệng.

Khi về nhà các con năn nỉ năm lần bảy lượt, mới được ông chấp thuận đưa đến Bệnh Viện Đa Khoa Cần Thơ để khám và mang thuốc về. Cứ như thế lâu lâu bệnh tái phát một lần, tuy không dữ dội nhưng thể trạng suy kiệt hao mòn dần.

Ngày 24 tháng chạp năm 1984, vào lúc trời chạng vạng tối tình cờ cô con gái thứ Tư của ông từ thất vào trong nhà (vì cô này sống độc thân chuyên tu hạnh xuất gia), ông trông thấy bèn bảo:

-Nè con ngồi xuống, ba nói con nghe cái vụ này!

Khi cô Tư đã ngồi, ông nói tiếp:

-Con đừng có buồn, chuyến này ba không có hết bệnh, nếu ba có vãng sanh về với Phật thì nữa con bó ba thôi chớ đừng có hòm rương gì hết!

Khi nghe ông nói như thế cô rất xúc động, nghẹn ngào trả lời:

-Thưa ba! Sự việc này chắc con không thể nghe theo lời của ba được. Nếu ba có mất thì cũng hòm rương, xây kim tỉnh đàng hoàng, chớ không thể bó được… Nhưng mà thôi đi ba ơi, cái màng đó chưa có tới mình khoan hãy tính!

Vài hôm sau ông cũng nhắc lại chuyện lo hậu cho ông, ông nói:

-Nếu vậy thì xây kim tỉnh thì xây, nhưng mà khỏi phải hòm rương chi hết!

-Thưa ba! Cái việc này nó chưa có đến, thôi đi… mình khoan hãy tính!

*********

Mỗi năm cứ mỗi độ xuân về là các bạn đồng tu đều đến thăm ông, chư vị mang theo rất nhiều thực phẩm, rồi tổ chức nấu nướng linh đình tại nhà ông nhân dịp tết Nguyên Đán, mà dường như năm nào cũng thế. Đây cũng là cơ hội để cùng hàn huyên tâm sự với nhau, cũng như đổi trao kinh nghiệm trong tu tập của bao tháng ngày xa cách. Xuân 1985 cũng không ngoại lệ, chiều ngày mùng 4 trong lúc đang chuyện trò với mọi người bỗng dưng ông đột ngột lên cơn lạnh run, chú Sáu tốc hành chạy đi mua thuốc Tàu cho ông. Sau khi uống vào một hồi khá lâu mà bệnh tình chẳng thấy có dấu hiệu nào khả quan, mọi người bèn đề nghị đưa ông vào bệnh viện.

Đến Bệnh Viện Đa Khoa Ô Môn lúc 3 giờ chiều, năm tiếng đồng hồ trôi qua các y bác sĩ đã tận nhân lực xử lý bằng mọi biện pháp, cuối cùng đã bó tay hết cách bèn đề nghị gia đình lo làm thủ tục chuyển tuyến, bởi vì “còn nước còn tát”. Người con rể thứ Hai thấy tình trạng rất nguy ngập vì ông đã chìm sâu vào cơn hôn mê đồng thời các khớp xương sống đã cứng, nên xin với bác sĩ được đem ông về đặng lo hậu sự chứ không muốn ông mất ở bệnh viện, chở ông về tới nhà là 8 giờ tối. Mọi người thay phiên túc trực niệm Phật. Sáng hôm sau (tức ngày mùng 5) ông tỉnh táo bình thường trở lại, nhận biết được rõ ràng từng người.

Bước sang ngày mùng 6 và mùng 7, ông lại chìm vào trong cơn mê sảng suốt 2 ngày đêm. Ông mớ, ông kể lại  thuở xa xưa, cái thời còn chống xuồng đi giăng câu thả lưới, nào là tình trạng tôm cá trong xuồng, nào là tình trạng dầm mưa cóng lạnh… giống in như cuồng phim mà tàng thức a-lại-da chiếu lại.

Đến hơn 9 giờ sáng ngày mùng 8 ông bỗng tỉnh hẳn lại và đòi ăn cháo.

Liên hữu Đợi bèn hỏi ông:

-Bác dùng bao nhiêu cháo, thưa bác?

Ông trả lời mà âm thanh không nghe rõ.

Dùng xong một ly cháo rồi, một đồng tu hỏi:

-Bác dùng thêm nữa không, thưa bác?

Ông đáp:

-Thôi, không ăn nữa!

Cũng trong ngày này ông còn nói với bà:

    -Bà ở lại rán lo tu và săn sóc mấy con!

Tối hôm đó, vào lúc khoảng 7 giờ tối cô Tư mới hỏi ông:

-Ba à! Khi lâm chung nếu hết duyên trần thì ba vãng sanh. Mà ba vãng sanh về Phật ba có biết được ngày giờ không?

Ông liền gật đầu, đưa tay chỉ cái đồng hồ reo đang đặt trên bàn thờ.

Khi đem đồng hồ lại gần thì ông vặn cho kim chỉ vào số 9, rồi tiếp theo đó là số 1. Mọi người xung quanh đều ngơ ngác chẳng hiểu ông muốn nói gì.

Kế đó ông đột ngột xuất “mồ hôi hột”, lượng mồ hôi trên thân tuôn đổ đầm đìa và liên tục, thân quyến phải dùng rất nhiều chiếc khăn để lau nhưng đều ướt hết. Trông thấy hiện tượng “vong dương” rất nguy kịch này mọi người đều vô cùng lo lắng, ai ai cũng đinh ninh rằng sinh mệnh của ông đã ở giai đoạn chỉ mành treo chuông, sắp sửa phải đến hồi bế mạc.

Cô Tư chợt nhớ lại: “Thuở xưa khi mới phát tâm tu cha đã nguyện trả hết nghiệp trong một kiếp này. Cha lại còn quá thương con, mong muốn cho các con cùng hướng về con đường giải thoát, nên ông lại phát thêm nguyện lãnh hết nghiệp cho các con để cho đường tu của con mình được thuận buồm xuôi gió. Nếu giờ phút này cha ra đi, mà nghiệp của cha như thế này chắc khó được vãng sanh”. Cô liền gọi các chị em phát nguyện gánh nghiệp thế cho ông, nếu duyên trần còn thì ông sẽ hết bệnh; nếu duyên trần hết thì ông sẽ được vãng sanh. Thế là các vị đồng ra quỳ trước bàn Phật phát nguyện lãnh hết tất cả nghiệp của cha, cũng có một vài vị e sợ nên không dám. Liên hữu Tư Đậm cũng rất lo sợ, khi thấy các vị phát nguyện xong mới lên tiếng hỏi:

-Mấy đứa cưng nhắm chịu nổi không?

-Tới đâu thì tới! Chứ cha mình dám lãnh cho mình, thì tại sao mình lại không dám lãnh thế cho cha mình!

Chẳng mấy chốc ông không còn ra mồ hôi nữa, ông nhờ đỡ cho mình ngồi dậy. Đồng đạo Kỉnh và đồng đạo Hai Đợi bèn đáp ứng lời yêu cầu của ông. Lúc này ông đang nằm trên bộ ngựa gõ được đặt bên trái của gian nhà chính, đầu hướng về bàn thờ, chân quay ra cửa. Khi đỡ ông ngồi dậy xong, ông ngồi xếp bằng hướng về ngôi Cửu Huyền và Tam Bảo xá mỗi ngôi 3 xá, rồi nhờ đỡ mình nằm xuống, khi ấy khoảng 11 giờ rưỡi khuya.

Hơn nữa giờ sau, khi mọi người đang niệm Phật ông lòm còm tự ngồi dậy, xâu chuỗi dính trên tay, gương mặt ông hồng hào vui tươi, rồi cũng trong tư thế ngồi xếp bằng hướng mặt về ngôi Tam Bảo kỉnh lễ. Kỉnh lễ xong ông nằm xuống, nhép môi niệm Phật theo mọi người.

Lúc ấy mặc dù trời đã giữa khuya mà số đồng đạo hộ niệm cho ông quá đông trong nhà chật cứng, còn một số phải đứng ngoài sân, do vì mến mộ hạnh đức của ông nên quyết lòng đưa tiển ông ở phút giây lâm chung vãng sanh về xứ Phật.

Khi kim đồng hồ vừa chỉ đúng 1 giờ thì ông an tường trút hơi thở sau cùng trong âm thanh vang rền của câu Hồng Danh Vạn Đức. Hôm ấy nhằm ngày mùng 9 tháng giêng năm 1986. Thọ 60 tuổi.

Hộ niệm thêm bảy giờ nữa thì thấy gương mặt ông như người nằm ngủ, các khớp xương không mềm chi cho lắm, có thể co duỗi trong khi thay y phục để nhập kim tỉnh. Đặc biệt là toàn thân đều lạnh duy có đỉnh đầu ấm nóng rất rõ.

*********

Quả thật ông đã thực hành được những lời mà ông đã từng nhắc nhở cho các con cháu:

-Sự tu của mình về pháp môn Tịnh Độ… thì sau này đến giờ phút lâm chung thì cũng phải để lại một hai cái triệu chứng gì đó cho mọi người thấy. Mặc dù mình không có nói ra để cho mọi người phát tâm… Nhưng mà trong khi mình lâm chung mình phải để lại những triệu chứng gì đó để cho người đời noi theo mình mà người ta tu!        

Và đến giây phút này mọi người mới nhớ lại, đầu hôm khi cô Tư hỏi ông:

-Ba à! Khi lâm chung nếu hết duyên trần thì ba vãng sanh. Mà ba vãng sanh về Phật, ba có biết trước được ngày giờ không, thưa ba?

Ông liền gật đầu, đưa tay chỉ cái đồng hồ reo đang đặt trên bàn thờ.

Khi đem đồng hồ lại, ông vặn cho kim chỉ vào số 9, rồi tiếp theo đó là số 1. Đến giờ phút này mọi người mới vỡ lẽ, thì ra: Đó là ông đã cho biết ngày giờ vãng sanh của ông.  

(Thuật theo lời Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Văn Nhựt, Nguyễn Văn Kiệt các con thứ Tư, thứ Sáu và thứ Tám của ông)