NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Trương Thự Tiêu
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Trương Thự Tiêu

(thư thứ nhất)

Xem bài thơ bà đã làm, thanh điệu, ý tưởng quả thật chẳng kém cổ nhân, nhưng chỉ là thơ của thi nhân, nỗi niềm tình tự sầu oán, tợ hồ mang hơi hướng của kẻ trọn chưa hề nghe đạo! Nếu [Quang] đề tựa cho [tập thơ] của bà, sẽ trở thành cùng một loại nhân vật như bà. Bà đã có huệ căn ấy, nỡ nào để nó bị tiêu diệt, mòn mỏi bởi bi oán? Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh. Ta đã có Phật tánh, lại mặc kệ cho phiền não che lấp, trải bao kiếp chẳng tỏ lộ được ư? Hãy nên chuyển nỗi niềm sầu oán ấy thành [nỗi niềm tha thiết] niệm Phật, thì sống sẽ dự vào bậc thánh bậc hiền, khi mất sẽ dự vào Liên Trì hải hội. Nếu thật sự có túc căn sẽ chẳng phụ lời quở trách này của lão tăng!

(thư thứ hai)

Nhận được thư, tôi khôn ngăn mừng vui, an ủi. Chỉ vì gặp đúng dịp [thiện tín xa gần] lên núi [Phổ Đà] dâng hương, công việc bận bịu, đành chịu lỗi chẳng thể trả lời ngay. Nói chung, người thông minh đa phần đều kiêu ngạo, tự cho mình là đúng, chẳng chịu nghe người khác quở trách. Quang thẹn mình thiếu học vấn, đạo đức, chẳng thể tạo ích lợi mảy may gì cho cõi đời; do vậy chỉ mang ý nguyện “làm hòn đá nơi núi khác”, tôi muốn giống như hòn đá mài thô ráp [để mài giũa] vàng ròng tươi đẹp khiến cho [vàng ấy được] trở thành vật báu trong cõi đời. Do vậy, ba lần gặp gỡ, chẳng hề dùng lời khen ngợi để khích lệ bà, chẳng dùng tình cảm thông thường của người đời [để khuyên nhủ], mà chuyên dùng Phật pháp để chỉ dạy. [Lời lẽ trong] thư và lời lẽ trong ba lượt [gặp mặt] đều quở trách khá gay gắt, ngỡ từ nay ắt bà trọn chẳng thèm hỏi tới nữa. Nhưng qua những điều giãi bày trong thư [cho thấy] bà sanh lòng khá cảm kích. Đủ thấy bà là người có túc căn sâu xa, thấy lý rõ ràng, chẳng tự cho mình là đúng, chịu nghe lời tốt lành!

Nếu tận tình buông xuống được tập khí của hạng người có tài năng và thói hư huyễn của Âu Tây, giữ vẹn bổn phận, coi trọng luân thường, tận tụy thực hiện chuyện giáo dục trong gia đình, để hết thảy hàng phụ nữ được ngưỡng vọng khuôn mẫu tốt đẹp. Lại còn sanh lòng tin, phát nguyện, tự tu Tịnh nghiệp, tự hành, dạy người, ngõ hầu cùng được giải thoát, trở thành bậc mẫu nghi nơi khuê các, là bậc thầy gương mẫu cho nữ giới, thì nước ta được hưng thịnh sẽ là điều chắc chắn. Nhưng lời lẽ của văn nhân phần nhiều là phù phiếm hời hợt; nếu có thể chân thật làm đúng như những điều đã nói trong sách, trong thơ thì những điều Quang kỳ vọng trên đây nhất định sẽ được trở thành sự thật.

“Ham cao, chuộng xa, thấy lạ, nghĩ khác” chính là căn bệnh chung của văn nhân lẫn người học đạo hời hợt, phù phiếm! Cần biết rằng: “Đạo của Nghiêu – Thuấn chỉ là hiếu – đễ mà thôi. Đạo của Như Lai chỉ là Giới – Định – Huệ mà thôi!” Dẫu cho vạn thánh, muôn Phật nối tiếp nhau xuất hiện trong cõi đời cũng chẳng thể thay đổi chương trình một tí ti nào! Hiểu rõ điều này, sẽ tự biết những kẻ thấy lạ nghĩ khác đều do trong tâm không có chủ ý, chẳng phải là hạng pháp khí có thể tiếp nhận đạo mà ra! Trong Phật pháp có vô lượng pháp môn. Nếu muốn cậy vào tự lực thì để đạt được chỗ chỉ quy nơi Thiền, Giáo, Luật hay Mật còn chẳng phải là dễ dàng, huống là sẽ do những pháp ấy mà chứng Vô Sanh nhằm liễu sanh tử ư?

Pháp môn Tịnh Độ chính là pháp môn thẳng tắt nhất, viên đốn nhất, đơn giản nhất, dễ dàng nhất, huyền diệu nhất để làm cho khắp hết thảy thánh – phàm cùng được vãng sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử ngay trong đời này. Nếu chẳng gai mắt vì văn tự của Văn Sao, xin hãy đọc kỹ, thực hành theo. Rồi sau đấy mới đọc các trước thuật về Tịnh Độ của cổ đức thì thế sẽ như chẻ tre, như nước từ nguồn thuận giòng đổ xuống. Ý nghĩa lời thơ của bà thật hay, nhưng muốn khỏi bị chê bai là nói thêu dệt thì cần phải thực hành những sự ấy. Nếu không, nào phải chỉ là nói thêu dệt, mà còn là nói dối, nói đùa bỡn, nói gạt Tam Bảo! Hơn bốn mươi năm Quang chẳng làm thơ nên chẳng thể họa thơ được!

 (thư thứ ba)

Nhận được thư, biết lá thư lần trước vẫn chưa [khiến bà] chán ghét [Quang]. Thư lần này, trừ những lời khen ngợi Bất Huệ quá lố ra, đều là những lời thật tình. Một hơi thở ra không hít vào được sẽ liền thuộc vào đời sau. Lúc ấy dẫu “tài cao tám đấu, học giàu năm xe”[1] cũng vô ích! Nếu chẳng sớm tu trì Tịnh nghiệp cho kịp, đợi tới lúc ấy mới biết sống uổng cuộc đời này, uổng đem thiện căn đã gieo trong đời trước phí sạch vào những thứ văn tự sáo rỗng, chẳng đáng buồn ư? Pháp môn Tịnh Độ quý nơi thật hành. Nay đã biết [như vậy], hãy nên tùy phần tùy lực mà hành thì mới có lợi ích thật sự.

Nếu chỉ nghiên cứu, chẳng chịu trì thánh hiệu Phật, để mong gần là tiêu trừ nghiệp chướng, tăng phước huệ, xa là thoát tam giới để lên chín phẩm sen, thì vẫn là tập khí của văn nhân. Có tập khí ấy mà muốn đạt được lợi ích chân thật là “liễu sanh tử, chứng Vô Sanh” sẽ thật khó khăn muôn vàn! Nếu có thể phát đại Bồ Đề tâm, trong lúc rảnh rỗi việc công, chuyện tư, hãy thật hành hạnh chất phác niệm Phật của ngu phu, ngu phụ, thì [những chuyện như] “trong tương lai sẽ là bậc mẫu nghi chốn khuê các, là bậc thầy gương mẫu cho nữ giới và dự hội Liên Trì, đích thân được đức Phật thọ ký” đều có thể đạt được. Xin hãy dốc hết sức nơi thân để thực hiện chẳng bê trễ [những hạnh ấy], chẳng dám cố ý làm trò đùa bỡn kẻo mắc tội với Tam Bảo. Thường nhớ chẳng quên [những điều như thế] thì may mắn lắm thay! Từ nay về sau đừng gởi thư đến nữa; ước chừng sau một tháng rưỡi nữa Quang sẽ sang Thượng Hải.

   (thư thứ tư)

Lúc bà gặp Quang vào năm Dân Quốc 16 (1927), Quang mừng vì bà khá thông suốt, có trí huệ, lại có thể tiếp nhận được lời chỉ trích của người khác, nên vẫn thường mong bà sẽ là người hướng dẫn tốt lành cho nữ giới đất Chiết Giang. Sau này trọn chẳng nghe tin tức gì, Quang cho rằng do không có người nhắc nhở, duy trì, thiện căn đã phát khởi tại Phổ Đà lại bị tiêu diệt rồi. Nhưng Quang cũng chẳng muốn đa sự, ép kẻ khác làm chuyện họ không muốn. Đến khi đọc tập thơ của bà, ý tứ hoàn toàn chẳng tương ứng với đạo ấy! Do vậy, mới khơi gợi, dẫn dắt đại lược; về sau thấy thư trả lời của bà, thật an ủi, thỏa lòng. Do vậy, biết rằng: Nhập đạo đều có thời tiết, nhân duyên!

Tờ Hoằng Pháp Xã San do bà đã gởi, vì bận bịu chẳng rảnh rỗi, nên chỉ xem những truyện của bà họ Tăng, bà tiết phụ họ Khổng và bà X… nọ cùng với bài Bát Thức Tứ Tân Chủ Tụng. Văn lẫn ý đều hay, nhưng câu chữ trong nhà Thiền đều “ý nằm ngoài lời”. Những câu văn trong bài Tứ Tân Chủ tợ hồ có ý nghĩa, văn nhân thông minh có thể mô phỏng. Nếu là lời vô nghĩa hoặc ý nghĩa tối tăm để đáp cho phù hợp với căn cơ [của người hỏi đạo], chắc chắn [người đọc sách Thiền] chẳng thể dựa theo ý nghĩa của lời văn để hiểu được! Nếu thật sự có sở ngộ, sẽ chẳng ngại gì đề xướng, nêu tỏ. Nếu chỉ cậy thông minh rồi mô phỏng thì chớ nên viết bừa bãi như thế. Điều này rất khác xa với Giáo, phải thận trọng tột bậc! Nếu thật sự niệm đến mức nhất tâm bất loạn thì cũng có thể nhanh chóng hiểu được ý chỉ ấy. Nếu chưa thật sự biết, chớ nên hàm hồ, mạo nhận là bậc thông gia. Do con người gần đây thường ưa trộm tiếng nên Quang rất không muốn người khác do vậy mà mắc tội; cho nên mới nói với bà!

 (thư thứ năm)

Buổi chiều tôi nhận được một gói Hải Âu Tập, nhân tiện bèn đọc đề mục. Bài này cũng đã đăng trên tờ Hoằng Pháp Xã San của pháp sư Bảo Tịnh rồi. Phần luận về Tần Thủy Hoàng có phần quá kịch liệt, rất trái với Trung Đạo. Phần ca ngợi tài năng của Tần Thủy Hoàng có thể gọi là “tinh mắt”; nhưng hoàn toàn suy tôn Tần Thủy Hoàng, xem chuyện đốt sách chôn Nho sĩ là bản lãnh lớn thì đã nói quá lời! Hắn ta muốn ngu dân nên đốt sách, chứ đâu phải vì sợ tà thuyết lừa gạt dân mà đốt sách! Nếu phàm là những tà thuyết đều đốt đi thì sẽ có công; đằng này hắn lại đốt những sách luận về chánh trị, đạo đức. Do hắn coi kinh Dịch là sách bói toán nên không xếp vào loại sách bị đốt.

Thánh nhân nắm địa vị, người lành chấp chánh, kẻ ác sẽ bị cảm hóa theo. Hắn đem chôn những người chẳng hùa theo mình, chỗ này há nên đề cao ca ngợi, còn hận chẳng thể chôn sạch hết ư? Cư sĩ tài lực có thừa, nhưng hàm dưỡng chưa đủ, chỉ mong sướng miệng một chốc, trọn biến thành kẻ cuồng chẳng đoái hoài tới chuyện gây lầm lạc cho kẻ vô tri. Quang là kẻ sẽ chết trong sớm – tối, vô ích cho đời, chỉ vì cư sĩ túc căn sâu dầy nên tôi đặc biệt rèn giũa. Chẳng biết cư sĩ có nghĩ như vậy là đúng hay chăng?

(thư thứ sáu)

Người thông minh trong thế gian thường tự phụ thông minh, chẳng chịu trống lòng tiếp nhận người khác chỉ trích. Bà túc căn sâu dầy, quả thật là nền tảng để tăng tiến đức hạnh. Đọc thư bà khôn ngăn khâm phục. Những lời lẽ trong nhà Thiền đừng nói là chưa ngộ; dẫu ngộ mà chẳng khéo biết căn cơ đến nỗi gây lầm lạc cho người ta thì quả thật là tự mình chuốc họa! Trước kia, trong thời kỳ Phật pháp của đức Ca Diếp Phật, chủ nhân núi Bách Trượng do nói một câu chẳng khế cơ, đến nỗi đọa thân làm chồn hoang năm trăm kiếp. Tới đời Đường, ở trước tòa của thiền sư Bách Trượng Hoài Hải kể rõ chuyện ấy mới được thoát. Do vậy biết rằng: [Quả báo của] kẻ dùng lời lẽ nhà Thiền để làm trò đùa trẻ con nhằm khoe tài nhạy miệng đáng sợ tới cùng cực!

Cư sĩ chỉ thực hành lễ tụng, đợi đến khi phàm tình thánh kiến đều chẳng còn nữa thì tất cả những lời đối đáp ứng theo căn cơ [trong nhà Thiền] sẽ đều hiểu rõ ngay! Dẫu đã hiểu rõ ràng, vẫn chẳng thể không thận trọng chuyện ấy. Như lời nói trước kia của [chủ nhân núi] Bách Trượng thật ra chẳng sai, nhưng vì [đáp] sai căn cơ [của người hỏi] mà bị quả báo làm chồn hoang năm trăm kiếp, huống gì lời đáp hoàn toàn sai lầm ư? Đối với món tiền mười đồng, tôi vẫn dùng để gởi cho cư sĩ những sách quan trọng nhằm mong sao những bậc anh hiền chốn khuê các đất Ninh Ba sẽ cùng được gội nhuần sự giáo hóa của Phật. Đông người, ít sách, làm sao gởi trọn khắp được? Vì thế, lại gởi một gói gồm năm trăm tờ Một Bức Thư Trả Lời Khắp để học sinh trong nhà trường mỗi trò có được một tờ. Được cư sĩ diễn thuyết, bọn họ ắt sẽ vui vẻ noi theo. Nếu thoạt đầu [mở trường dạy học cho nữ sinh mà] chỉ chú trọng tiền vốn và cầu lợi thì lợi ích đã nhỏ lại càng bé lắm, đấy chẳng phải là điều Quang mong mỏi nơi cư sĩ!

Cố nhiên, Ninh Ba chẳng thiếu người tin Phật; nhưng dùng miệng lưỡi tươi đẹp, bóng bẩy, ngòi bút gấm thêu để đề xướng pháp môn Tịnh Độ trong Phật pháp qua những pháp như luân thường, xử sự hằng ngày, hiếu – đễ – trung – tín – lễ – nghĩa – liêm – sỉ thì quả thật chẳng thấy được mấy ai như thế. Cư sĩ đã có tư cách như vậy, tiếc là mấy năm qua vẫn chưa chân thật phát tâm. Nay đã phát tâm rồi, nỡ nào để hết thảy phụ nữ suốt đời chẳng được gội nhuần sự giáo hóa của Phật, chẳng biết đường vượt thoát hòng liễu sanh thoát tử? Đấy chính là điều Quang thay mặt các đấng giáo chủ hai cõi khuyên nhắc bà vậy!

(thư thứ bảy)

Nhận được thư, dường như [bà đã] biết rõ sâu xa căn bệnh, nhưng vì tập khí văn tự quá sâu, dẫu tự biết nhưng chưa thể thật sự thống thiết sửa đổi được, vậy thì suốt cuộc đời vẫn chỉ là một bậc thầy về văn chương, chứ lợi ích thật sự nơi Phật pháp sẽ đều do tập khí ấy mà bị cách xa! Vì vậy, Phật pháp xếp Thế Trí Biện Thông vào tám nạn, đáng cảnh tỉnh sâu xa lắm! Bài thơ “Đọc bộ Tông Kính Lục của ngài Vĩnh Minh” thanh vận réo rắt, chẳng phải là người đã sẵn có huệ căn từ kiếp trước sẽ chẳng thể làm được, nhưng đấy vẫn là chướng ngại cho người tu đạo! Bởi lẽ, những lời lẽ ấy đều do phỏng đoán, suy lường mà thành, chẳng thể sánh với những lời thuận miệng thốt ra của bậc thật sự đắc đạo! Muốn cho cư sĩ giết chết cái tâm mong ngóng làm thơ soạn văn thì đối với con người hiện thời chẳng thể không khai thị quyết liệt như vậy!

Nay dẫn một câu chuyện xưa để làm tấm gương tày liếp thì bậc thầy thi văn sẽ trở thành bậc long tượng gánh vác huệ mạng của Như Lai, vĩnh viễn làm bậc mẫu nghi chốn khuê các, làm bậc thầy gương mẫu cho nữ giới mà chẳng phải dụng công! Chuyện này được chép trong truyện đại sư Diệu Phong thuộc bộ Phổ Đà Sơn Chí, hai bộ Thanh Lương và Nga Mi Sơn Chí cũng đều có chép vì đối với cả ba núi [đại sư] đều có nhân duyên, cho nên chẳng ngại ghi chép tường tận. Vị sư này là hạng người ít thấy trong đời Mạt, được lợi ích nhờ bài thơ của Sơn Âm Vương viết lên đế giày gởi cho Sư trong khi Sư đang bế quan, [nhờ đó] Sư được đại triệt đại ngộ, chẳng còn coi trọng thi kệ nữa!

* Phụ lục truyện của đại sư Diệu Phong để tiện tham khảo

Sư Diệu Phong đời Minh tên là Phước Đăng, người huyện Bình Dương, tỉnh Sơn Tây, họ Tục, là hậu duệ của Tục Cúc Cư[2] thời Xuân Thu. Sư sanh ra mang tướng lạ, môi hớt, răng hô, mũi huếch, hầu lộ, mồ côi năm bảy tuổi, phải chăn dê cho người làng. Năm mười hai tuổi xin xuất gia với một vị Tăng ở ngôi chùa gần đấy. Do bị Tăng ngược đãi, bèn trốn đến Bồ Bản, đi xin ăn ở chợ, tối ngủ ở Văn Xương Các. Gác ấy do Sơn Âm Vương xây, thỉnh ngài Lãng Công chùa Vạn Cố trụ ở đó. Một ngày kia, Sơn Âm Vương trông thấy, bảo với Lãng Công: “Đứa trẻ này ngũ quan[3] đều lộ, thần chí ngưng tụ, xương cứng, mai sau ắt thành bậc đại khí. Hãy nhận làm đồ đệ, trông nom cho khéo!” Không lâu sau, động đất lớn, nhà cửa dân chúng đổ sạch, Phước Đăng bị nhà sập đè lên nhưng chẳng bị thương gì. Vương càng lấy làm lạ hơn, bèn sửa Thê Nham Lan Nhã ở núi Trung Điều, bảo Phước Đăng bế quan ở đó để chuyên tu Thiền Quán, lập hạn bế quan là ba năm.

Bế quan chưa lâu, liền có chỗ ngộ, làm kệ trình lên Vương. Vương nói: “Đứa trẻ này kiến xứ đã như thế, nếu chẳng chiết phục, mai sau ắt phát cuồng”, liền cắt lấy đế chiếc giày rách, viết bài kệ rằng: “Giả phiến xú hài để, phong tương ký dữ nhữ, tịnh bất vi biệt sự, chuyên đả tác thi chủy” (Đem đế giày hôi thối, gói lại gởi cho ngươi, trọn chẳng làm gì khác, chuyên ngóng mỏ làm thơ). Gói lại, đem gởi. Phước Đăng nhận được bèn lễ Phật, lấy dây buộc cổ. Từ đấy không nói một chữ nào nữa. Bế quan ba năm hoàn mãn, đến gặp Vương đã thông hiểu bổn phận, đầy đủ tướng đại nhân (Trích lục truyện đại sư Diệu Phong trong Thanh Lương Sơn Chí).

(thư thứ tám)

Bao nhiêu kẻ thông minh trong thế gian đều bị lầm lạc bởi “chi, hồ, giả, dã”[4], suốt đời chẳng được lợi ích thật sự. Cư sĩ kiếp trước đã gieo huệ căn, thật là khó được; nhưng do lắm tri nhiều kiến, đâm ra thành chướng ngại! Đã tin pháp môn Tịnh Độ, sao chẳng chết lòng tu tập pháp này mà lại tu những pháp Quán “xoay trở lại nghe nơi tánh Nghe, đếm hơi thở, duy thức” v.v… Các pháp ấy đều là pháp môn Đại Thừa, nhưng đều thuộc về tự lực, chẳng thể sánh bàn với lợi ích của pháp môn cậy vào Phật lực được! Nay đã phát tâm niệm Phật, hãy nên lấy “tâm tương ứng với Phật, lúc sống đạt được nhất tâm bất loạn, khi báo thân đã tận liền lên Thượng Phẩm cõi Cực Lạc” làm chí hướng, sự nghiệp, chẳng cần phải cầu đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh.

Tông môn chú trọng khai ngộ, Tịnh tông chú trọng vãng sanh. Kẻ khai ngộ mà chẳng được vãng sanh trong trăm người có đến chín mươi kẻ. Người vãng sanh mà chẳng khai ngộ thì trong vạn người chẳng có một ai. Chẳng hiểu đúng nghĩa này, chắc sẽ đến nỗi do cầu khai ngộ mà đâm ra chẳng chú trọng vãng sanh, lầm lẫn lớn lắm! Nay tu pháp môn Niệm Phật, hãy nên theo như Đại Thế Chí Bồ Tát đã dạy, lòng Thành như con nhớ mẹ, tu thật hạnh “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”. Nếu chết sạch được cái lòng mong ngóng thì nhất tâm bất loạn, Niệm Phật tam-muội sẽ liền có thể đạt được. Niệm Phật tam-muội là vua trong các tam-muội, đừng coi là dễ dàng! Dẫu chẳng đạt được ngay, vẫn chẳng cách xa cho lắm. Nhiếp trọn sáu căn là cách niệm Phật hay nhất. Lúc niệm, bất luận niệm ra tiếng hay niệm thầm, hãy thường nên lắng tai nghe kỹ. Điều này chính là gộp cả hai nghĩa “xoay cái Niệm để niệm nơi tự tánh” và “xoay cái Nghe lại để nghe nơi tự tánh” để cùng tu.

Xoay tánh Nghe chỉ thuộc về tự lực, xoay cái Niệm kiêm thêm Phật lực, lợi ích lớn lắm. Tâm niệm thuộc Ý, miệng niệm thuộc Thiệt, tai nghe thuộc Nhĩ, mí mắt rủ xuống chỉ thấy chót mũi, thì hai căn Nhãn và Tỵ cũng được nhiếp. Ngũ căn đã cùng gom vào một câu Phật hiệu, lẽ đâu Thân căn chẳng cung kính, nghiêm túc ư? Vì thế, biết “nhiếp trọn sáu căn” được thực hiện nơi Nghe. Nhiếp trọn được sáu căn thì tâm thức ngưng lặng, chẳng chao động, tán loạn nên gọi là “tịnh niệm” bởi lẽ sáu căn đã nhiếp, những niệm tạp vọng v.v… ngầm tiêu. Lại có thể thường giữ cho tịnh niệm liên tục chẳng bị gián đoạn thì sẽ liền đắc Niệm Phật tam-muội. Vì thế, [ngài Đại Thế Chí] nói tiếp: “Đắc tam-ma-địa, ấy là bậc nhất”. Đấy chính là giáo hóa của Đại Thế Chí Bồ Tát dành cho hết thảy chúng sanh trong chín pháp giới, thật sự thích hợp khắp ba căn, chỉ có lợi ích, không có tệ hại. Nếu chịu y theo đó để tu, ắt sẽ đạt được lợi ích như Quán Hạnh, Tương Tự[5] v.v…

***

[1] “Tài cao tám đấu” (tài cao bát đẩu) là một thành ngữ xuất phát từ câu nói đầy tự phụ về tài văn chương của Tạ Linh Vận đời Nam Tống: “Tài năng của thiên hạ được một thạch thì Tào Tử Kiến chiếm hết tám đấu, ta chỉ được một đấu, thiên hạ chia nhau một đấu”. Tạ Linh Vận là một thi gia nổi tiếng đời Nam Tống, lời thơ rất đẹp, được người đương thời tán thưởng, đua nhau sưu tập. Ông còn rất giỏi thư pháp, nên thơ và chữ viết của ông được xưng tụng là Nhị Bảo thời ấy. Tào Tử Kiến chính là Tào Thực, con trai thứ của Tào Tháo, là một thi nhân lừng danh thời Tam Quốc, được xưng tụng là “thất bộ thành thi” (chỉ trong bảy bước chân đã làm xong thơ).

“Học giàu năm xe” (học phú ngũ xa) là một thành ngữ xuất phát từ một câu nói trong phần Thiên Hạ trong thiên Tạp Biên sách Trang Tử: “Huệ Thi hữu phương, kỳ thư ngũ xa” (Huệ Thi hiểu rộng, sách đến năm xe). Huệ Thi là một nhà triết học thời Chiến Quốc, nổi tiếng học rộng, thông thạo rất nhiều lãnh vực. Do thời cổ, chưa có giấy, sách được viết trên những thẻ tre nên phải dùng xe để chở.

Cả hai thành ngữ này thường được ghép chung để ca ngợi người vừa có tài văn chương vừa học rộng.

[2] Theo Tả Truyện, quan đại phu nước Tấn tên Hồ Cúc Cư được phong thái ấp ở đất Tục, nên con cháu lấy họ là Tục.

[3] Ngũ quan: năm bộ vị trên khuôn mặt, tức hai gò má, cằm, trán và mũi.

[4] “Chi, hồ, giả, dã” (之乎者也) là bốn hư tự (chữ đệm không có nghĩa lý gì) dùng trong Hán văn để âm vận câu văn được êm tai, réo rắt hơn, hoặc tăng thêm ngữ khí, hoặc dùng để nối kết các thành phần của một câu. Cho nên “chi, hồ, giả, dã” thường được dùng để chỉ những lời lẽ sáo rỗng, chẳng có nghĩa lý gì.

[5] Tức những thứ lợi ích theo khái niệm Lục Tức của tông Thiên Thai, Quán Hạnh là do tu hành mà thấy được Phật Tánh, Tương Tự là đã chứng một phần Pháp Thân.