THÁNH ĐỨC VÀ SỰ LINH ỨNG CỦA BỒ TÁT ĐỊA TẠNG
Nhiều tác giả
BỒ-TÁT ĐỊA TẠNG ĐỘI NÓN
Cao Ngọc Mĩ
Rất lâu xa về trước, có hai vợ chồng nghèo sống nơi xa xôi hẻo lánh, cuộc sống hết sức khó khăn. Năm nọ, gần đến đêm giao thừa, lão ông thở dài nói với lão bà:
– Bà nó ơi! Ngày mai là năm mới, nhà mình chẳng có bánh tổ28!
– Đúng vậy! – Bà lão buồn bã đáp.
– Nếu có thứ gì đó thay thế bánh tổ, vậy cũng còn coi được! – Cụ ông vừa nói vừa lục lọi tìm kiếm, lục tung cả nhà, song vẫn không tìm thấy thứ gì.
– Có phải ông chẳng tìm thấy gì không? – Cụ bà hỏi. Bỗng nhiên trong đống đồ đạc bị bới tung lên đó, có một bó cỏ tranh cắt từ mùa hạ, cụ bà gọi lớn:
– Ông à! Ông à! Mình sẽ đan cỏ tranh thành nón, đem vào thành bán có thể kiếm được tiền đấy!
– Ừm! Ừm! Cách này hay đấy! – Cụ ông gật đầu đồng ý.
Thế là họ gom tất cả cỏ tranh, cẩn thận lựa từng sợi một để đan nón. Hai vợ chồng làm hơn 5 giờ đồng hồ, cụ ông cầm nón lên nói:
– Tôi đem bán lấy tiền, mua nhiều bánh tổ, mua thêm bồ đào, cỏ ngưu bảng.
Nói xong cầm nón đem đi bán.
Đúng lúc trong thành mở gian hàng tết, người mua kẻ bán tấp nập. Có một số người từ trên miền cao xuống bán, tiếng mời gọi khách hàng:
– Nè nè nè! Mua tùng đi, mua đồ trang sức làm bằng gỗ tùng đi.
Cụ ông không chịu thua họ, cũng lớn tiếng rao bán:
– Nè nè nè! Nón đây, nón đây, mau vào mua nón mới đi!
Cụ ông mời khan cả tiếng, chẳng ai chịu dừng lại ngó. Chẳng còn cách nào khác, đành tính mang nón trở về. Ông nghĩ: “Năm mới chẳng ai muốn mua nón cả. Ây! Về không có bánh tổ, chẳng biết bà lão buồn không? Thôi mình ráng đứng bán thêm tí nữa đi”. Rao rao mời mời, trời tối lúc nào không hay. Cụ ông thở dài ngao ngán, đội nón lững thững bước ra khỏi thành. Vừa đến thôn ngoài, gió ào ào thổi đến, sắp mưa tuyết. Bỗng, ông thấy bên đường có sáu pho tượng Địa Tạng, ai đó bỏ dưới gốc cây, tuyết ngập hơn một nửa.
Ây! Thật tội lỗi, chắc Bồ-tát lạnh rồi!
Cụ ông hất hết tuyết trên đầu các tượng Bồ-tát Địa Tạng xuống. “Mặt của các tượng Bồ-tát đều bị đóng băng rồi, còn tượng này nữa, lỗ mũi cũng bị đóng băng!” Cụ vừa xoa xoa trên lưng các tượng Bồ-tát. “Đúng rồi! Mình lấy số nón này đội cho Bồ-tát!” Cụ ông đem toàn bộ số nón đội cho mỗi tượng một cái, cẩn thận buộc chặt cho gió khỏi rơi. Song, có cả thảy sáu tượng, mà nón thì chỉ năm, một vị thiếu nón.
– Tấm vải trên tay mình tuy đã cũ, song vẫn có thể cản được tuyết. – Cụ ông vừa nói với mình vừa tháo tấm vải cũ trên tay xuống, che tượng Bồ-tát còn lại. “Như vậy được rồi, như vậy được rồi!” Cụ ông an tâm, hoan hỉ trở về.
– Bà ơi! Bà ơi! Tôi về rồi. – Vừa bước tới cổng cụ ông đã gọi lớn.
– Vâng! Vâng! Ông về đó hả? Lạnh lắm phải không, nón bán hết chưa? – Cụ bà trong nhà vừa nói vọng vừa vội vã đi ra.
– Có thể nói bán hết rồi.
Cụ ông kể lại đầu đuôi chuyện bán nón không được, về gặp sáu tượng Bồ-tát bị tuyết lấp cho vợ nghe:
– Cho nên, tôi đã cúng dường hết nón cho các Ngài rồi!
Cụ bà nghe xong, chẳng những không biểu hiện chút gì khó chịu, lại còn mừng rỡ:
– Hay quá! Ông đã làm được việc rất tốt, nghĩ chắc Bồ-tát cũng rất lạnh! Thôi, ông vào bếp hơ lửa cho ấm!
Cụ ông ngồi bên bếp lửa, đưa tay hơ hơ cho nóng rồi áp vào mặt và cổ…
– Ây! Cuối cùng lại thêm một đêm giao thừa không có bánh tổ, thế mà tôi sang đặt bánh trước rồi.
Cụ ông lẩm bẩm, sang lò bánh nói lời xin lỗi, lò bánh cũng hoan hỉ bỏ qua. Ông về, cả hai ông bà uống nước nóng rồi vui vẻ đi ngủ.
Đến nửa đêm, tiếng tuyết rơi càng thêm nặng hạt, bỗng có tiếng gõ cửa. Cụ ông nói:
– Bà nó ơi! Giờ này ai còn gõ cửa chứ? Có phải chủ nợ đến đòi không?
– Rất có thể! – Cụ bà đáp.
Có tiếng chân người càng lúc càng tới gần, lắng tai nghe kĩ, tiếng người hát:
– Cúng nón cho sáu tượng Bồ-tát Địa Tạng đội, cụ ông có nhà không? Cụ bà có nhà không?
Cụ ông trả lời ra:
– Ra đây, ra đây.
Nhưng, tiếng hát đó liền tắt, lát sau nghe hình như có tiếng rơi của vật gì đó rất nặng, hai vợ chồng mở cửa ra xem, năm tượng Bồ-tát Địa Tạng đội nón rơm và một tượng che mảnh vải bó tay cũ, đạp tuyết ra đi.
Mở túi vải xem, bên trong có bánh tổ cùng ngũ cốc, ngoài ra còn có đậu, bồ đào, cỏ ngưu bảng, đồ trang sức làm bằng gỗ thông… Cuối cùng vợ chồng già có thể đón năm mới thật sung túc, tràn đầy niềm vui và đức tin.