NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Huệ Thanh
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Huệ Thanh

Ông đã đến tuổi cổ hy (bảy mươi), lại còn phải dạy học kiếm ăn, nhưng cuồng tâm vẫn chẳng dứt! Muốn nghiên cứu Lăng Nghiêm, Thiền Tông, muốn được vang danh “có Thiền, có Tịnh”. Thật có thể gọi ông là kẻ “chưa đến suối vàng chưa chết lòng” (Thế tục nói: “Chẳng đến Hoàng hà chẳng cam lòng”, đấy chính là đã khéo léo dùng Hoàng Hà thay cho hoàng tuyền (suối vàng). Nếu đến suối vàng, dẫu chẳng chịu nguội lạnh tấm lòng thì cũng đành nguội lạnh cõi lòng mà thôi). Những kẻ biết tà thấy lầm hiện thời nhan nhãn khắp thế giới. Ai có tinh thần để biện luận với bọn họ? Đã biết lời phê phán Bát Thức là sai, sao vẫn gởi cho người khác?

Tri thức hiện thời mỗi người đề cao một pháp, ông hãy nên đọc kỹ các sách Tịnh Độ, lấy cổ nhân làm thầy để khỏi đến nỗi bị mê muội. Nếu thân cận những tri thức theo kiểu trẻ trung, hiện đại[1] hiện thời, chắc sẽ có kẻ mê mà chẳng biết mình đang mê! Đối với sách Yếu Giải mà ông còn chưa mãn ý, bảo [ngài Ngẫu Ích] học vấn chẳng bằng ngài Liên Trì, nhưng lũ ta há dám suy đoán xằng bậy sở chứng của cổ nhân ư? Nếu bàn đến chỗ mấu chốt, trọng yếu về mặt nghĩa lý của sách Yếu Giải thì quả thật là ngàn đời chưa hề có. Tàng Kinh Viện có sách Tịnh Độ Thập Yếu, Bảo Vương Luận cũng nằm trong bộ sách ấy, sao lại bảo là tìm [Bảo Vương Luận] không ra?

Bản chú giải Khai Mông[2] có cũng được, không cũng được. Cái học của ngài Thông Trí có chỗ thông mà cũng có chỗ chưa thông. Những bản chú giải cổ của kinh Lăng Nghiêm nhiều vô số, cần gì phải đọc bản Khai Mông ấy? Khai Mông cũng sao lục văn của người xưa, nhưng sư [Thông Trí] sắp xếp không theo thứ tự. Ông thử đọc lá thư gởi cho hòa thượng Tịch Sơn chùa Vạn Thọ trong Văn Sao sẽ hiểu ý. Muốn thấy được đại ý kinh Lăng Nghiêm thì cần phải tìm tòi, phân tích từng câu kinh văn, chú thích tường tận thì mới [thấy rõ ràng] như nhìn vào đường chỉ tay trong lòng bàn tay.

Ông tuổi đã gần bảy mươi mà vẫn chưa hiểu rõ pháp môn Tịnh Độ, cứ si tâm vọng tưởng muốn nghiên cứu Lăng Nghiêm, lại muốn biết mùi vị của Thiền Tông. Đừng nói chưa biết mùi vị nhà Thiền; dẫu biết rồi cũng chẳng thể gọi là “có Thiền”! Sao ông không đọc bài Tịnh Độ Quyết Nghi Luận và Tông Giáo Bất Nghi Hỗn Lạm Luận của Quang vậy? Ông muốn được “có Thiền” thì ông phải nằm mộng! Nếu không, chẳng thể “có Thiền” được! Tâm phải đặt nơi “cầu không thể được”; nếu đích thân thấy được điều này thì may mắn lớn. Nếu không, hãy nhất tâm niệm Phật, niệm đến mức cùng cực sẽ tự biết ngay. Dẫu chẳng biết, nhưng được vãng sanh Tây Phương thì lo gì không biết?

Ông muốn người khác chỉ cho ông [chân tâm] nhất định ở chỗ nào thì chính là kẻ si “dán trụ gảy đàn Sắt”[3] vậy. Ông hoàn toàn chẳng có khí phận Thiền môn, lầm lạc bảo những lời cổ nhân nói như “đem cái tâm [của ông lại đây], ta sẽ an cho ông”[4] là mờ mịt, chẳng sợ mắc tội báng pháp ư? Đấy chính là cổ nhân vận dụng tâm tham cứu đến cùng cực, cho nên từ một lời liền đích thân thấy được bản lai như người uống nước, lạnh – nóng tự biết. Ông dùng cái tâm dò đoán suy lường để lãnh hội nơi văn tự bề ngoài, nên mới cho là mờ mịt, không thân thiết, phân minh! “Thuần tưởng tức phi”[5] nghĩa là bay lên, sao lại lầm lạc bảo là “tâm ở trên đảnh”[6]? Đúng là tri kiến ngoại đạo nói nhăng nói càn! Kinh được dẫn trong Cảm Ứng Vựng Biên chưa từng giảo chánh, đối chiếu, nhưng ý nghĩa chánh yếu là “thiên thần giám sát chẳng hề xa lìa”, cũng chẳng cần phải chấp chết cứng từng câu từng chữ.

“Tâm như nước lặng, gương sáng” là ước theo bản thể để nói. “Gương sáng chẳng phải đài” chính là thánh tình và phàm tình đều tận, Năng – Sở lưỡng vong (chủ thể và đối tượng được nhận biết đều mất). Ông chỉ sợ người khác chấp trước, nhưng [chính ông lại] lầm lạc khác nào vạn dặm. Sách Kim Cang Bàng Chú là do ngoại đạo nói ra, ông coi đó là Phật pháp, đáng than tột cùng! Cái được cầu chính là tâm, nhưng cần phải hiểu được cái tâm ấy thì mới tốt. Nếu không, chẳng những cái được cầu chính là tâm mà ngay cả cái bị buông bỏ cũng chưa hề chẳng phải là tâm! Ngay như làm chuyện giết – trộm – dâm, có bao giờ chẳng phải là tâm? Có thể nói ông [là hạng người] biết nhiều, hiểu nhiều, nhưng đối với chuyện này lại chẳng biết quy hướng về đâu để được thọ dụng! Ông hãy nên chết lòng sốt sắng niệm Phật, đừng làm [ra vẻ] một vị đại thông gia giỏi phân biệt pháp nghĩa kiểu đó, sẽ chẳng uổng đời này, chẳng phí dịp gặp gỡ này. Nếu không, sanh tử xảy đến, vẫn theo nghiệp thọ báo y như cũ! Mong gặp được pháp môn Tịnh Độ lần nữa, e rằng chẳng được may mắn như thế đâu!

***

[1] Nguyên văn “thời mao” có nghĩa là những trào lưu thời thượng, thích lập dị, chạy theo thời trang, coi đó là trẻ trung, tiến bộ, không cổ hủ, bảo thủ.

[2] Đây là bộ Lăng Nghiêm Khai Mông của sư Thông Trí Tầm Nguyên.

[3] “Giao trụ cổ sắt” (dán trụ, gảy đàn Sắt) là một thành ngữ cổ thường được dùng để chỉ những kẻ chấp chặt một cách mù quáng, không biết quyền biến. Theo Hán Ngữ Thành Ngữ Tự Điển, Sắt là một loại đàn cổ, giống như đàn Cầm (cả hai loại đàn này đều trông từa tựa như đàn tranh nhưng nhỏ hơn và thanh nhã hơn), nhưng tiếng vang và cao hơn. Trụ là những con sáo (tức những miếng gỗ nhỏ hình tam giác đặt trên mặt đàn có thể di động để biến đổi độ căng của dây đàn). Theo sách ấy, có một người nước Tề sang đất Triệu học đàn Sắt. Do người nước Triệu chỉnh dây đàn rất khéo, người nước Tề bèn dùng keo dán chặt con sáo xuống mặt đàn cho khỏi lạc điệu rồi trở về nước. Suốt ba năm anh ta tập đàn nhưng không đàn thành khúc nào, đâm ra oán trách người nước Triệu giấu nghề. Có người từ đất Triệu đến thăm, anh ta bèn hỏi ra mới biết mình quá xuẩn ngốc: Những con sáo không thể di chuyển thì làm sao biến đổi xoang điệu cho được!

[4] Khi Nhị Tổ Thần Quang Huệ Khả của Thiền Tông cầu Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma dạy cho cách an tâm, Tổ Đạt Ma đã dạy: “Ông đem cái tâm của ông lại đây, ta sẽ an cho”. Tổ Huệ Khả thưa: “Con không tìm được cái tâm”, Tổ Đạt Ma liền dạy: “Ta đã an tâm cho ông rồi đó”.

[5] Đây là một câu kinh trích từ kinh Lăng Nghiêm thuộc phần biện định về Ngũ Ấm Ma. Sau khi nghe đức Phật nói các danh hiệu của kinh, ngài A Nan liền hỏi về nguyên nhân có các nẻo luân hồi. Đức Phật dạy nguyên nhân “do tình hay tưởng khác nhau mà có thăng hay đọa”. Chúng tôi xin trích dẫn nguyên văn đoạn kinh ấy và lời giảng của pháp sư Viên Anh trong sách Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa:

Chánh kinh: “Thuần tưởng tức phi, tất sanh thiên thượng. Nhược phi tâm trung kiêm phước kiêm huệ, cập dữ tịnh nguyện, tự nhiên tâm khai, kiến thập phương Phật, nhất thiết Tịnh Độ, tùy nguyện vãng sanh”.

Giảng: Tưởng là lắng lòng quán tưởng, chẳng phải là loạn tưởng. Tưởng ở đây khác với tưởng của loài noãn sanh. Ước theo lúc chúng (tức loài noãn sanh) thọ sanh thì Tưởng của chúng là tưởng vọng nhiễm, còn Tưởng [được nói đến trong đoạn kinh văn] ở đây là ước theo [người ấy] lúc còn sống đã quen tu tập Tưởng thắng diệu. Do thuần tưởng có cảnh giới thắng diệu nên có thể bay lên, chẳng đến nỗi đọa lạc, ắt sanh lên cõi trời, sống trong cõi trời… “Thuần tưởng” ở đây thuộc về [tưởng] của chư thiên trong tam giới, nên thấy được chư thiên, đều do thiện nghiệp từ trong cái tâm quán tưởng ấy cảm thành. Nếu trong cái tâm thuần tưởng bay lên ấy, lúc bình thời có kiêm tu phước, tu huệ, chẳng hạn như cúng Phật là phước nghiệp, nghe pháp là huệ nghiệp và những người có tịnh nguyện, vẫn thường nguyện học theo Phật, được Phật thọ ký, và những ai muốn cầu vãng sanh nguyện được thấy Phật. Phàm [những người bình thường không tu tập] khi thọ mạng sắp hết, thần thức hôn ám, trông khắp mười phương giống như một vùng tối, mờ mờ, mịt mịt, chẳng biết đi về đâu. [Còn người do tu tập thuần tưởng], nay do tưởng thuần tịnh và sức phước huệ cùng với sức tịnh nguyện, tự nhiên tâm địa khai thông, thấy mười phương Phật, hết thảy Tịnh Độ, như cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà, cõi Lưu Ly của Phật Dược Sư v.v… mười phương đều hiện, hơn – kém rành rành. Vì thế, được tùy nguyện vãng sanh”.

[6] Bọn Đạo Sĩ đã soạn ra cuốn Thái Ất Kim Hoa Tông Chỉ, mạo danh tác giả là Thuần Dương Lã Tổ (Lã Động Tân) để xuyên tạc kinh Lăng Nghiêm như sau: “Các thầy vâng giữ diệu dụng, vẫn còn có bí quyết nhanh chóng nhất trong các bí quyết, tức là lúc buông xuống muôn duyên, chỉ dùng chữ Y của Phạm Thiên (tức là Nhật Nguyệt Thiên Cương, đấy chính là mắt trái, mắt phải và chính giữa hai chân mày trong thân người. Tiên thiên thần nhân đều có đủ ba mắt như Đẩu Mẫu Lôi Tổ vậy. Con người biết tu luyện, mi tâm (chính giữa hai mày) liền mở ra, con mắt được mở ra ấy gọi là Thiên Mục)… Các thầy tuân hành pháp, chẳng có pháp nào khác để cầu tiến, chỉ thuần tưởng ở nơi đó. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Thuần tưởng tức phi, tất sanh thiên thượng”. Thiên [ở đây] không phải là trời xanh thẳm, mà chính là Càn cung (đảnh đầu) trên thân, lâu ngày tự nhiên sẽ được thân ở ngoài cõi trời”. Do bọn Đạo Sĩ xuyên tạc kinh Phật để chứng minh phép luyện đan vận khí nên Tổ mới chê là “hồ thuyết ba đạo” (nói nhăng, nói càn).