KINH HOA NGHIÊM
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

Hán dịch: Sa Môn Thật Xoa Nan Ðà
Hoà Thượng Tuyên Hóa giảng giải
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Ðịnh

 

TẬP 10

QUYỂN MƯỜI CHÍN

PHẨM KỆ KHEN NGỢI TRONG CUNG DẠ MA THỨ HAI MƯƠI

 

Trong điện Bảo Trang Nghiêm cung trời Dạ Ma, có mười vị đại Bồ Tát, dùng kệ để tán thán khen ngợi công đức của Phật Thích Ca Mâu Ni. Phẩm này là phẩm thứ hai mươi trong bổn kinh. Cho nên gọi là Phẩm Kệ Tán Trong Cung Dạ Ma Thứ Hai Mươi.

Bấy giờ, nhờ thần lực của đức Phật, nên mỗi phương trong mười phương, có một vị đại Bồ Tát, cùng với các Bồ Tát số nhiều như hạt bụi cõi Phật tụ hội lại, từ những thế giới ngoài cõi nước mười vạn số hạt bụi cõi Phật mà đến.

Lúc đó, do đại oai thần lực của Phật Thích Ca Mâu Ni. Mỗi thế giới trong mười phương thế giới, có một vị Bồ Tát xuất lãnh các Bồ Tát nhiều như số hạt bụi cõi Phật, cùng nhau đến thế giới Ta Bà tại Ðiện Bảo Trang Nghiêm ở cung trời Dạ Ma, để nghe Phật nói Hoa Nghiêm pháp lớn. Họ đều từ những thế giới ngoài cõi nước mười vạn số hạt bụi cõi Phật mà đến.

Danh hiệu của các Ngài là : Bồ Tát Công Đức Lâm, Bồ Tát Huệ Lâm, Bồ Tát Thắng Lâm, Bồ Tát Vô Uý Lâm, Bồ Tát Tàm Quý Lâm, Bồ Tát Tinh Tấn Lâm, Bồ Tát Lực Lâm, Bồ Tát Hạnh Lâm, Bồ Tát Giác Lâm, Bồ Tát Trí Lâm.

Danh hiệu của mười vị đại Bồ Tát này, đều có chữ Lâm làm đại biểu, vì trí huệ và công đức của các Ngài nhiều giống như tùng lâm, cho nên dùng chữ Lâm, để hình dung sự đặc biệt.
Vị thứ nhất là Bồ Tát Công Ðức Lâm, Ngài là chủ thuyết pháp hội thứ tư, Ngài nhập vào tam muội Bồ Tát thiện tư duy, để diễn nói pháp môn thập hạnh. Vị thứ hai là Bồ Tát Huệ Lâm, trí huệ của Ngài như tùng lâm. Vị thứ ba là Bồ Tát Thắng Lâm, sự hiểu ngộ của Ngài rất thù thắng. Vị Bồ Tát thứ tư là Bồ Tát Vô Úy Lâm, Ngài nghe pháp vô úy, khéo hiểu lý khó. Vị thứ năm là Bồ Tát Tàm Quý Lâm, Ngài thường hồi quang phản chiếu, cầu nơi chính mình. Vị thứ sáu là Bồ Tát Tinh Tấn Lâm, Ngài dũng mãnh tinh tấn, tuyệt đối chẳng giải đãi. Vị thứ bảy là Bồ Tát Lực Lâm, Ngài tu sức lực lục độ, thẳng đến bờ kia. Vị thứ tám là Bồ Tát Hạnh Lâm, Ngài chiếu lý để quán sát Phật mà sinh khởi chánh tu. Vị thứ chín là Bồ Tát Giác Lâm, Ngài giác ngộ tự tâm, minh tâm thấy tánh. Vị thứ mười là Bồ Tát Trí Lâm, Ngài có đại viên cảnh trí, chiếu rõ các pháp thật tướng.

Các Bồ Tát đó, đến từ cõi nước đó là : Thế giới Thân Huệ. Thế giới Tràng Huệ. Thế giới Bảo Huệ. Thế giới Thắng Huệ. Thế giới Đăng Huệ. Thế giới Kim Cang Huệ. Thế giới An Lạc Huệ. Thế giới Nhật Huệ. Thế giới Tịnh Huệ. Thế giới Phạm Huệ.

Mười vị đại Bồ Tát đó, các Ngài đến từ thế giới nào ? Bồ Tát Công Ðức Lâm đến từ thế giới Thân Huệ. Bồ Tát Huệ Lâm đến từ thế giới Tràng Huệ. Bồ Tát Thắng Lâm đến từ thế giới Bảo Huệ. Bồ Tát Vô Úy Lâm đến từ thế giới Thắng Huệ. Bồ Tát Tàm Quý Lâm đến từ thế giới Ðăng Huệ. Bồ Tát Tinh Tấn Lâm đến từ thế giới Kim Cang Huệ. Bồ Tát Lực Lâm đến từ thế giới An Lạc Huệ. Bồ Tát Hạnh Lâm đến từ thế giới Nhật Huệ. Bồ Tát Giác Lâm đến từ thế giới Tịnh Huệ. Bồ Tát Trí Lâm đến từ thế giới Phạm Huệ.

Các Bồ Tát đó, ở chỗ các đức Phật tịnh tu phạm hạnh đó là : Phật Thường Trụ Nhãn, Phật Vô Thắng Nhãn, Phật Vô Trụ Nhãn, Phật Bất Động Nhãn, Phật Thiên Nhãn, Phật Giải Thoát Nhãn, Phật Thẩm Đế Nhãn, Phật Minh Tướng Nhãn, Phật Tối Thượng Nhãn, Phật Cám Thanh Nhãn.

Mười vị đại Bồ Tát đó, từ thế giới trí huệ mà đến. Mỗi vị đại Bồ Tát đều ở tại đạo tràng của Phật tu hành phạm hạnh thanh tịnh. Có vị Phật hiệu là Phật Thường Trụ Nhãn, vì tích hạnh tại thân, công đức viên mãn. Lại có vị Phật hiệu là Phật Vô Thắng Nhãn, vì huệ tối thắng. Lại có vị Phật hiệu là Phật Vô Trụ Nhãn, vì ngộ thắng nghĩa đế. Lại có vị Phật hiệu là Phật Bất Ðộng Nhãn, vì nghe sâu không sợ sệt. Lại có vị Phật hiệu là Phật Thiên Nhãn, vì tông chân cự mê, thành đại quang tịnh. Lại có vị Phật hiệu là Phật Giải Thoát Nhãn, vì sự lý chẳng khác, lìa tướng thân tâm. Lại có vị Phật hiệu là Phật Thẩm Ðế Nhãn, vì tướng chẳng động. Lại có vị Phật hiệu là Phật Minh Tướng Nhãn, vì chiếu lý chánh tu. Lại có vị Phật hiệu là Phật Tối Thượng Nhãn, vì chiếu cố nguồn gốc tâm, thành quả vô thượng. Lại có vị Phật hiệu là Phật Cám Thanh Nhãn, vì giám đạt chư Phật, hồi siêu sắc thanh, đường tâm lời bặt, đắc quả diệu minh.

Các vị Bồ Tát đó, đều đến chỗ đức Phật rồi, đảnh lễ chân Phật, theo phương hướng của mình đến, ai nấy đều hóa làm tòa sư tử Ma ni tạng, ngồi kiết già trên tòa đó.

Những vị đại Bồ Tát đó, đến thế giới Ta Bà cung trời Dạ Ma Ðiện Bảo Trang Nghiêm rồi, hướng về Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đảnh lễ chân Phật. Theo hướng của mình tới, ai nấy đều hóa làm tòa sư tử Ma ni tạng, ngồi kiết già trên tòa đó, tu đủ thứ tam muội, điều thân điều tâm, chuẩn bị lắng nghe Phật nói diệu pháp.

Như trong thế giới này, các Bồ Tát tụ tập đến cung trời Dạ Ma. Tất cả thế giới cũng đều như thế. Các Bồ Tát, thế giới, Như Lai, hết thảy danh hiệu, cũng đều giống nhau không khác.

Cung trời Dạ Ma ở thế giới Ta Bà, các Bồ Tát đều vân tập đến. Cung trời Dạ Ma trong mười phương thế giới cũng như vậy. Hết thảy Bồ Tát, hết thảy thế giới, hết thảy Như Lai, hết thảy danh hiệu, cũng đều giống nhau, chẳng có gì khác biệt.

Bấy giờ, từ hai bàn chân của đức Thế Tôn, phóng ra trăm ngàn ức quang minh sắc đẹp, chiếu khắp mười phương tất cả thế giới. Trong cung trời Dạ Ma, Phật và đại chúng thảy đều hiện ra.

Lúc đó, từ dưới hai bàn chân của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, phóng ra trăm ngàn ức quang minh sắc đẹp, Do đó : ‘’Năm quang mười sắc, rực sáng chói lòa.’’ Lại có thể nói: Vạn luồng hào quang, tận hư không khắp pháp giới. Quang đó chiếu khắp mười phương thế giới, trong cung trời Dạ Ma của mười phương thế giới, đều có Phật Thích Ca Mâu Ni và đại chúng đều hiện ra cảnh giới ở trong đó.

Bấy giờ, Bồ Tát Công Đức Lâm nương oai lực của đức Phật, quán sát khắp mười phương mà nói kệ rằng:

Lúc đó, đại Bồ Tát Công Ðức Lâm, nương đại oai thần lực của Ðức Phật, quán sát khắp mười phương tất cả chúng sinh, mà dùng hai mươi bài kệ để nói rõ cảnh giới của Phật.

Phật phóng đại quang minh
Chiếu khắp trong mười phương
Đều thấy Thiên Nhân Tôn
Thông đạt chẳng chướng ngại.

Phật Thích Ca Mâu Ni thường nói pháp ở trong quang minh, thường phóng đại quang minh, chiếu khắp mười phương. Do đó : ‘’Phật quang phổ chiếu.’’ Nhưng người tự tánh thanh tịnh, mới đắc được Phật quang gia bị mà có đại trí huệ. Phật quang tuy chiếu khắp, nhưng chẳng chiếu chúng sinh có tâm đố kỵ, tâm chướng ngại, tâm ích kỷ, tâm cống cao ngã mạn. Nếu quét sạch hết những tâm đen tối đó, thì mới thấy được Thiên Nhân Tôn (Phật), và hợp với Phật quang mà làm một, quang minh chiếu với nhau, thông đạt chẳng chướng ngại.

Phật ngồi cung Dạ Ma
Khắp cùng mười phương cõi
Việc này rất kỳ đặc
Thế gian rất ít có. 

Phật chẳng động bổn xứ (bồ đề đạo tràng) mà thăng lên cung trời Dạ Ma điện Bảo Trang Trang Nghiêm, ngồi trên tòa sư tử Bảo Liên Hoa Tạng, vì đại chúng nói pháp mười hạnh. Chẳng những ở thế giới Ta Bà là như thế, mà cung trời Dạ Ma trong mười phương thế giới, cũng đều như vậy. Phật đang nói pháp, đại chúng đang nghe pháp. Cảnh giới đó rất kỳ đặc. Do đó, cảnh giới :

‘’Một nơi tức tất cả nơi
Tất cả nơi tức một nơi.’’

Tức cũng là cảnh giới một nhiều vô ngại, cùng nhau viên dung vô ngại. Cảnh giới đó là hiện tượng lạ lùng ít có, một số phàm phu tục tử nhìn chẳng thấy được.

Trời Dạ Ma Thiên vương
Kệ khen mười Như Lai
Như hội này đã thấy
Tất cả nơi cũng vậy.

Thiên Vương Dạ Ma dùng kệ để khen ngợi tán thán mười vị Phật. Trong pháp hội Hoa Nghiêm Ðiện Bảo Trang Nghiêm, đã thấy Phật Thích Ca Mâu Ni phóng quang minh từ hai bàn chân. Hết thảy cung Dạ Ma trong mười phương thế giới cũng đều như vậy. Quang minh của Phật chiếu khắp đại chúng. Phật đều đang nói pháp mười hạnh, đại chúng đều đang lắng nghe pháp mười hạnh.

Các chúng Bồ Tát đó
Hiệu đồng với chúng tôi
Mười phương tất cả nơi
Diễn nói pháp vô thượng.

Trong pháp hội Hoa Nghiêm cung trời Dạ Ma trong mười phương thế giới, có vô số đại Bồ Tát, giúp Phật hoằng pháp, làm ảnh hưởng chúng. Danh hiệu của các Ngài đều giống chúng tôi (Bồ Tát Công Ðức Lâm cho đến Bồ Tát Trí Lâm). Hết thảy tất cả đạo tràng trong mười phương thế giới, đều đang diễn nói diệu pháp thâm sâu vô thượng.

Đến từ các thế giới
Danh từ cũng không khác
Đều ở chỗ đức Phật
Tu phạm hạnh thanh tịnh.

Các vị đại Bồ Tát đó, đến từ các thế giới, tên gọi đều giống nhau, không khác. Mỗi vị Bồ Tát ở chỗ Ðức Phật đều tu hạnh thanh tịnh. Phạm hạnh thanh tịnh tức là chẳng có tâm tham, tâm sân, tâm đố kỵ, tâm chướng ngại, tâm ngu si, tâm cống cao, tâm ngã mạn, tâm ích kỷ.

Các đức Như Lai đó
Danh hiệu cũng giống nhau
Cõi nước đều giàu vui
Thần lực đều tự tại.

Danh hiệu của hết thảy tất cả chư Phật trong mười phương thế giới, đều hoàn toàn giống nhau. Tất cả cõi nước đều giầu có vui sướng. Sức thần thông của chư Phật đều tự tại vô ngại.

Mười phương tất cả nơi 
Đều nói Phật ở đó
Hoặc thấy tại nhân gian
Hoặc thấy ở cung trời.

Mười phương hết thảy tất cả trong đạo tràng, tất cả Bồ Tát và chúng sinh đều nói như vầy: ‘’Ðức Phật ở trong đạo tràng chúng ta, diễn nói diệu pháp.’’ Hoặc thấy Phật thị hiện ở nhân gian, vì chúng sinh nói pháp. Hoặc thấy Phật trụ ở cung trời, vì chúng trời nói pháp.

Như Lai khắp an trụ
Tất cả các cõi nước
Chúng ta nay thấy Phật
Nơi điện cung trời này.

Ðức Phật Thích Ca an tọa khắp mười phương thế giới, mười phương thế giới các cõi nước, đều có Phật đang nói pháp. Chúng ta (Bồ Tát Công Ðức Lâm và các Bồ Tát khác) nay thấy Phật ở tại điện Bảo Trang Nghiêm diễn nói diệu pháp.

Xưa phát nguyện bồ đề
Khắp cùng mười phương cõi
Thế nên oai lực Phật
Khắp hết không nghĩ bàn.

Phật Thích Ca Mâu Ni thuở xưa đã từng phát đại nguyện bồ đề, nguyện nguyện vì lợi ích chúng sinh. Ðại nguyện đó khắp cùng mười phương thế giới. Vì vậy cho nên đại oai thần lực của Phật sung mãn khắp mười phương thế giới, thật là cảnh giới không thể nghĩ bàn.

Lìa sự tham ở đời
Đầy đủ vô biên đức
Nên được sức thần thông
Chúng sinh thảy đều thấy.

Tại sao Phật có sức thần thông đại oai đức ? Vì Ngài xả bỏ tất cả danh lợi của thế gian, lại chẳng tham vui năm dục, cho nên mới đầy đủ vô biên đức hạnh. Có đức hạnh thì sẽ đắc được sức thần thông diệu dụng. Chúng sinh có duyên đều thấy được Phật đang nói pháp.
Năm dục có hai lối nói:
1). Tài sắc danh thực thùy.
2). Sắc thanh hương vị xúc.
Ðây là năm trần. Phật pháp chủ yếu nhất là dạy người đừng tham năm dục. Do đó :

‘’Tài sắc danh thực thùy,
Địa ngục ngũ điều căn.’’

Xa lìa năm dục thì sẽ thoát khỏi sinh tử.

Du hành mười phương cõi
Như không chẳng chướng ngại
Một thân vô lượng thân
Tướng thân bất khả đắc. 

Tuy Phật thường du hành mười phương thế giới, song bổn thể chẳng động, vẫn ngồi dưới cội bồ đề, (đây là cảnh giới diễn nói kinh Hoa Nghiêm pháp lớn) đi đến mười phương thế giới giáo hóa chúng sinh, giống như hư không, đến đi chẳng chướng ngại. Một báo thân Phật có thể hóa trăm ngàn ức ứng thân. Tóm lại, có bao nhiêu thế giới, thì Phật hóa bấy nhiêu thân. Chúng sinh trong mỗi thế giới, đều thấy Phật đang nói pháp. Song, tướng thân bất khả đắc, không thể chỉ định vị nào là Phật Thích Ca Mâu Ni. Dùng tướng để cầu Phật, đây là hành đạo tà. Trong kinh Kim Cang có nói:

‘’Nếu dùng sắc thấy ta
Dùng âm thanh cầu ta
Người đó hành tà đạo
Chẳng thấy được Như Lai.’’

Ðây là đạo lý chẳng minh bạch Phật pháp. Vì Phật là vô tướng, vô tướng vô bất tướng.

Công đức Phật vô biên
Làm sao dò biết được
Chẳng trụ cũng chẳng đi
Vào khắp nơi pháp giới.

Thuở xưa Phật làm nhiều công đức. Ngài chẳng làm các điều ác, cho nên chẳng có tội nghiệt; Ngài làm các điều lành, cho nên có vô biên công đức, không thể nào dò biết được công đức của Phật có bao nhiêu ? Trong phẩm Vào Pháp Giới có nói:

‘’Sát trầm tâm niệm khả sổ tri
Đại hải trung thủy khả ẩm tận
Hư không khả lượng phong khả kế
Vô năng tận thuyết Phật công đức.’’

Nghĩa là:

Tâm niệm bụi cõi đếm biết được
Nước trong biển lớn uống hết được
Hư không lường được gió buộc được
Không thể nói hết công đức Phật.

Phật chẳng đến, cũng chẳng có đi. Do đó :

‘’ Không đến không đi, gọi là Như Lai.’’

Pháp thân của Phật vào khắp trong pháp giới. Phật là dùng pháp giới làm thể. Pháp giới phân làm bốn pháp giới của bậc Thánh và sáu pháp giới của phàm phu. Do đó :

‘’Mười pháp giới chẳng lìa một tâm niệm,
Một tâm niệm đầy đủ mười pháp giới.’’

Phật và chúng sinh đều ở trong mười pháp giới, tâm đó đây thông đạt với nhau, cho nên gọi :

‘’Tâm, Phật, chúng sinh,
Cả ba chẳng khác nhau.’’

Tâm của chúng ta có thể thông với pháp giới của Phật, pháp giới của Bồ Tát, pháp giới của Thanh Văn, pháp giới của Duyên Giác (bốn pháp giới của bậc Thánh). Lại có thể thông với pháp giới của trời, pháp giới của loài người, pháp giới của A tu la, pháp giới của súc sinh, pháp giới của ngạ quỷ, pháp giới của địa ngục (sáu pháp giới phàm phu). Hết thảy pháp giới thông đạt với nhau. Thân Phật là pháp giới, có thể vào khắp pháp giới. Nếu chúng ta chúng sinh tu hành, thì cũng có thể thấy, ai ai cũng có Phật tánh, ai ai cũng có thể thành Phật. Song, ai ai cũng chẳng biết tu hành, cho nên ai ai cũng chẳng thành Phật.

Bấy giờ, Bồ Tát Huệ Lâm nương oai lực của đức Phật, quán sát khắp mười phương mà nói kệ rằng.

Lúc đó, vị đại Bồ Tát Huệ Lâm, nương đại oai thần lực của Phật Thích Ca Mâu Ni, quán khắp tất cả chúng sinh trong mười phương, dùng kệ để nói rõ cảnh giới của Phật.

Đại Đạo Sư thế gian
Đấng lìa cấu vô thượng
Kiếp không thể nghĩ bàn
Khó có thể gặp được.

Thế gian phân làm ba thứ:

1). Hữu tình thế gian: Tức là chúng sinh thế gian. Tất cả chúng sinh có sự chấp trước ngã chấp và pháp chấp. Thế gian này chẳng bình đẳng, có sự khác nhau trí ngu, giàu nghèo, quý tiện, yểu thọ, đủ thứ.

2). Khí thế gian: Tức là quốc độ thế gian. Tất cả sự vật đều ở tại thế gian như núi sông đất đai, nhà cửa phòng ốc .v.v… Thế gian này cũng chẳng bình đẳng, có nhà đẹp ruộng tốt, cũng có nhà dột đất xấu.

3). Trí chánh giác thế gian, tức là Phật thế gian. Chân chánh giác ngộ chân lý vũ trụ vạn hữu, cũng giác ngộ tâm thanh tịnh của mình, tức cũng là giác ngộ tất cả pháp thế gian và xuất thế gian. Thế gian này bình đẳng nhất, chẳng có gì phân biệt. Pháp môn có y, chánh, hai báo. Y báo tức là sông núi đất đai, nhà cửa phòng ốc, chỗ chúng ta nương tựa để ở. Chánh báo là thân thể của chúng ta, đời trước tạo nghiệp thiện, thì đời này chỗ ở tốt đẹp; đời trước tạo nghiệp ác, thì đời này chỗ ở thấp kém. Ðây là luật nhân quả, tơ hào chẳng sai.

Phật là đại đạo sư tiếp dẫn tất cả mọi người thế gian và xuất thế gian. Phật đã lìa khỏi tất cả trần cấu (nhiễm ô), nên đắc được bổn thể thanh tịnh.

Cấu là gì ? Nói đơn giản là vô minh, ngu si. Tham danh tham lợi đều là cấu. Người tham danh muốn làm nhân vật nổi tiếng của thế giới, lưu danh thiên cổ, tức là lưu truyền đời đời, lại như thế nào ? Ðây là pháp nhiễm ô. Người tham lợi thì muốn được của cải cho nhiều, để lại cho con cháu, song, dù có trở thành phú ông giàu có, khi hai mắt nhắm lại, hai chân duỗi ra, thì tay không đi chầu Diêm Vương, gì cũng chẳng mang theo được, chỉ có nghiệp chướng theo mình mà đi.

Ðức Phật nhìn thủng giả danh, giả lợi, hư vọng không thật, buông xả hết, cho nên đắc được tự tại, trở thành đấng chí tôn vô thượng. Thời gian dài không thể nghĩ bàn, rất khó gặp được Phật.

Do đó:

‘’Pháp vi diệu thâm sâu vô thượng
Trăm ngàn vạn kiếp khó gặp được
Nay con nghe thấy được thọ trì
Nguyện hiểu nghĩa chân thật của Như Lai.’’

Ðây là nói pháp khó nghe được. Lại có thể nói như vầy:

‘’Phật vi diệu chí tôn vô thượng
Trăm nghìn vạn kiếp khó gặp được
Nay con nghe thấy được đảnh lễ
Nguyện được Như Lai thường gia bị.’’

Chúng ta gặp nạn sau Phật (một trong tám nạn), hôm nay vẫn còn nghe được Phật pháp, đây có thể nói là nhờ đại quang minh của Phật chiếu soi.

Phật phóng đại quang minh
Thế gian thảy đều thấy
Vì chúng rộng diễn nói
Lợi ích các quần sinh.

Phật phóng đại quang minh, chiếu khắp mười phương tất cả chúng sinh. Hết thảy chúng sinh thảy đều gặp Phật. Phật vì tất cả chúng sinh rộng diễn nói pháp vi diệu thâm sâu vô thượng. Phật vì lợi ích tất cả chúng sinh mà nói pháp, khiến cho họ lìa khổ được vui.

Như Lai hiện thế gian
Vì đời trừ si tối
Như Lai đèn thế gian
Ít có khó gặp được.

Tại sao Phật xuất hiện ra đời ? Ở cõi Thường Tịch Quang ngồi thiền nhập định chẳng tốt lắm sao ! Bất tất phải đến thế gian, đó chẳng phải không có việc tìm việc làm chăng ? Chẳng phải ! Phật có tâm từ bi, thương xót chúng sinh, cho nên nương thuyền từ bi trở lại thế gian, để diệt trừ ngu si đen tối của chúng sinh. Phật là đèn sáng của thế gian, hay chiếu phá tất cả đen tối. Phật là trăm ngàn kiếp khó gặp được, chẳng dễ gì gặp được Phật. Các vị muốn gặp được Phật chăng ? Vậy thì phải nỗ lực tham thiền đả tọa, đến được hỏa lò trừng thanh, thì chứng được ngũ nhãn, mới thấy được pháp thân của chư Phật và tất cả Bồ Tát.

Đã tu bố thí nhẫn
Tinh tấn và thiền định
Bát Nhã Ba La Mật
Nhờ đây chiếu thế gian.

Phật đã tu hành viên mãn bố thí, Do đó : ‘’Ðầu mắt tủy não nội tài), đất nước vợ con (ngoại tài),‘’ đều đem bố thí cho người cần. Lúc bố thí thì tâm bố thí đều chẳng có. Do đó : ‘’Tam luân thể không.’’ chẳng có kẻ bố thí, cũng chẳng có người nhận, cũng chẳng có vật thí. Có tư tưởng như thế mới thật là bố thí.

Phật đã tu trì giới viên mãn, chẳng những chẳng giết hại, chẳng trộm cắp, chẳng dâm, chẳng nói dối, chẳng uống rượu. Và còn giữ Bát Quan giới, giới Bồ Tát, ở trên là giới luật của người tại gia thọ. Lại giữ giới Sa Di mười giới, giới Tỳ Kheo hai trăm năm mươi giới.

Phật đã tu hành nhẫn nhục viên mãn. Nhẫn tức là nhẫn thọ không được cũng phải nhẫn. Gặp cảnh giới không như ý cũng phải nhẫn, có người mắng bạn, đánh bạn, cũng phải nhẫn. Do đó :

‘’Nhẫn là báu vô giá
Người người xử không tốt
Nếu hay dùng được nó
Mọi việc đều tốt đẹp.’’

Nhẫn có sinh nhẫn, pháp nhẫn, vô sinh pháp nhẫn. Phật đã tu hành tinh tấn viên mãn. Chỉ có tinh tấn, chẳng thối lùi. Dũng mãnh tinh tấn, tuyệt đối chẳng giải đãi. Chẳng những ngày tinh tấn, đêm tinh tấn; mà thân cũng tinh tấn, tâm cũng tinh tấn. Tóm lại, thời khắc tinh tấn. Do đó :

‘’Vào sâu tạng kinh, trí huệ như biển.’’

Phật đã tu hành thiền định viên mãn. Thường ở trong định, cảnh giới gì đến cũng chẳng động tâm. Bộ kinh Hoa Nghiêm này, là Phật ở trong định đến bảy nơi nói chín hội.

Phật đã tu hành Bát Nhã viên mãn. Bát Nhã dịch là trí huệ, tu viên mãn năm pháp Ba La Mật ở trên, thì mới đắc được đại trí huệ, có trí huệ hiện tiền thì sẽ đến được bờ kia.

Tu hành lục độ được viên mãn, thì trí huệ đại quang minh sẽ chiếu khắp tất cả thế gian. Lục độ là hạnh môn tu hành của Bồ Tát, tức cũng là pháp đại thừa, tự giác giác tha, tự lợi lợi tha. Chẳng phải là tự liễu hán “độc thiện kỳ thân”, mà là tư tưởng “kiêm thiện Thiên hạ”. Tức cũng là tinh thần hy sinh tiểu ngã để hoàn thành đại ngã. Bồ Tát vì chúng sinh an vui, mà tự mình cam tâm tình nguyện chịu khổ.

Như Lai chẳng ai bằng
Muốn sánh không thể được
Chẳng rõ pháp chân thật
Không thể thấy được Phật.

Ai cũng không thể so sánh với Phật được, muốn tìm cũng tìm chẳng được. Tại sao ? Vì trí huệ của Phật là vô thượng nhất, tướng tốt trang nghiêm của Phật, thần thông rộng lớn vô biên của Phật, pháp thân tận hư không biến pháp giới của Phật, trên thế gian có người nào chí tôn như vậy chăng ?

Nếu chẳng minh bạch tánh chân thật của Pháp, đạo lý các pháp thật tướng, thì không thể nào thấy được Phật. Nếu thấu rõ được tánh chân thật của pháp, thì mới thấy được Phật.

Thân Phật và thần thông
Tự tại khó nghĩ bàn
Chẳng đến cũng chẳng đi
Thuyết pháp độ chúng sinh.

Pháp thân và thần thông của Phật tự tại vô ngại, biến hóa vô cùng, có cảnh giới không thể nghĩ bàn. Pháp thân Phật là chẳng đến cũng chẳng đi, song Ngài luôn luôn nói pháp để giáo hóa tất cả chúng sinh.

Nếu ai được thấy nghe
Thanh tịnh Thiên Nhân Sư
Mãi thoát các đường ác
Xả lìa tất cả khổ.

Nếu như có người được thấy nghe đấng Thanh Tịnh Thiên Nhân Sư (Phật), thì mãi mãi thoát khỏi bốn đường ác, xả lìa ba khổ, tám khổ, vô lượng khổ. Bốn đường ác tức là: A tu la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Ba khổ là: Khổ khổ, hoại khổ, hành khổ. Tám khổ là: Sinh, già, bệnh, chết, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc, ngũ ấm sí thạnh. Vô lượng khổ tức là tất cả sự khổ não, có tám vạn bốn ngàn thứ khổ.

Vô lượng vô số kiếp
Tu tập hạnh bồ đề
Không biết được nghĩa này
Không thể thành Phật được.

Phải trải qua vô lượng vô số đại kiếp thời gian, chuyên tâm tu tập hạnh bồ đề, thì mới thấu rõ nghĩa chân thật của Phật pháp. Bằng không thì không thể nào minh bạch được đạo lý Phật pháp, không thể nào được thành quả vị Phật.

Kiếp không thể nghĩ bàn
Cúng dường vô lượng Phật
Nếu biết được nghĩa này
Công đức hơn người đó.

Trải qua thời gian kiếp số không thể nghĩ bàn, để cúng dường vô lượng vô số chư Phật. Công đức này rất lớn. Song, nếu biết được nghĩa lý giảng trong Phẩm Thập Hạnh này, thì vượt hơn công đức cúng dường vô lượng Phật bội phần.

Châu báu vô lượng cõi
Đem cúng dường đức Phật
Không biết được nghĩa này
Trọn không thành bồ đề.

Dùng châu báu vô lượng cõi Phật, để cúng dường bố thí cho Phật, công đức này có thể nói là vô lượng. Song chẳng minh bạch nghĩa chân thật của Phẩm Thập Hạnh này, thì dù bố thí tu hành bao lâu, cũng không thể thành tựu Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Bấy giờ, Bồ Tát Thắng Lâm nương oai lực của đức Phật, quán sát khắp mười phương mà nói kệ rằng:

Lúc đó, đại Bồ Tát Thắng Lâm, nương đại oai thần lực của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, quán sát khắp tất cả chúng sinh trong mười phương, mà dùng kệ để nói rõ cảnh giới của Phật.

Ví như tháng mùa hạ
Trời xanh không mây mù
Mặt trời tỏa chiếu khắp
Sung mãn khắp mười phương.

Giống như lúc mùa hạ, bầu trời trong xanh, chẳng có bợn mây nào. Ánh sáng của mặt trời chiếu khắp mười phương. Trong mười phương đều sung mãn ánh sáng mặt trời.

Ánh sáng vô hạn lượng
Không ai dò biết được
Có mắt còn như thế
Hà huống kẻ mù lòa.

Nhiệt độ của ánh sáng mặt trời chẳng có hạn lượng, chẳng có ai dò lường được nhiệt độ của ánh sáng mặt trời, cứu kính có bao nhiêu độ. Có thể nói là không ai biết được. Hà huống là kẻ mù lòa, họ làm sao biết được. Ðương nhiên họ chẳng biết được.

Chư Phật cũng như vậy
Công đức không bờ mé
Kiếp không thể nghĩ bàn
Không thể phân biệt biết.

Công đức của mười phương chư Phật, giống như độ nóng của ánh sáng mặt trời, chẳng có bờ mé. Dù trải qua thời gian đại kiếp không thể nghĩ bàn, cũng chẳng có ai phân biệt được cứu kính là bao nhiêu ? Biết số lượng tỉ mỉ.

Các pháp chẳng chỗ đến
Cũng chẳng có tác giả
Chẳng có chỗ sinh ra
Không thể phân biệt được.

Tất cả pháp chẳng có chỗ đến, cũng chẳng có người làm ra pháp. Bản thể của pháp như hư không, chẳng phải từ nơi nào sinh ra, cho nên bản thể của pháp không thể phân biệt được. Gốc rễ của pháp chẳng có một bản thể nào cả. Do đó :

‘’Các pháp chẳng tự sinh
Cũng chẳng từ nó sinh
Chẳng cùng chẳng không nhân
Cho nên biết không sinh.’’

Tất cả pháp chẳng đến
Cho nên chẳng có sinh
Do vì không có sinh
Nên diệt bất khả đắc.

Các pháp tức nhiên chẳng đến, thì nó làm sao sinh ? Vì nó không thể tự sinh, thì sao lại có diệt ? Pháp là không sinh không diệt, cho nên sinh bất khả đắc, diệt cũng bất khả đắc.

Tất cả pháp không sinh
Cũng lại không có diệt
Nếu hiểu được như vậy
Người đó thấy Như Lai.

Vì tất cả pháp chẳng có sinh, cho nên cũng chẳng có diệt. Tức cũng chẳng có tướng sinh, cũng chẳng có tướng diệt. Nếu minh bạch đạo lý các pháp không sinh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm, thì người đó thấy được Như Lai.

Vì các pháp không sinh
Tự tánh không chỗ có
Phân biệt biết như vậy
Người đó đạt nghĩa sâu.

Tất cả pháp chẳng có sinh, sao lại có tự tánh ? Nếu có tự tánh, thì sẽ có sinh. Nếu phân biệt được như vậy, biết chân lý của tất cả pháp, thì người đó sẽ được như như chẳng động, thông đạt được nghĩa lý thâm sâu.

Vì nhờ pháp không tánh
Chẳng ai biết rõ được
Thấu hiểu pháp như vậy
Rốt ráo chẳng chỗ hiểu.

Vì các pháp chẳng có thể tánh, cho nên chẳng có ai thấu hiểu biết được. Thấu hiểu được tất cả pháp không tánh, thì rốt ráo đạt đến cực điểm, tức là gì cũng chẳng có, đều chẳng chỗ hiểu.

Nói rằng có sự sinh
Hiện ra các cõi nước
Biết được tánh cõi nước
Người đó chẳng mê hoặc.

Nói rằng có chúng sinh, hoặc có pháp sinh, hiện ra nơi các cõi Phật. Nếu minh bạch được tánh của tất cả cõi nước như hư không, thì tâm của người đó, chẳng bị cảnh giới hư vọng không thật làm mê hoặc.

Tánh cõi nước thế gian
Quán sát đều như thật
Nếu biết được như vậy
Khéo nói tất cả nghĩa.

Hết thảy tánh cõi nước chư Phật thế gian, quán sát tất cả đều là cảnh giới chân như thật tướng. Nếu minh bạch được chân lý như vậy, biết tất cả đều là không sinh, không diệt, thì mới khéo léo diễn nói tất cả nghĩa chân thật của Phật pháp.

Bấy giờ, Bồ Tát Vô Úy Lâm nương oai lực của đức Phật, quán sát khắp mười phương, mà nói kệ rằng.

Lúc đó, vị đại Bồ Tát Vô Úy Lâm, nương đại oai thần lực của Ðức Phật. Quán sát khắp mười phương tất cả chúng sinh, dùng kệ để nói rõ cảnh giới của Phật.

Thân Như Lai rộng lớn
Rốt ráo nơi pháp giới
Chẳng lìa khỏi tòa này
Mà khắp hết mọi nơi.

Pháp thân của Như Lai là tận hư không biến pháp giới, cho nên chẳng đến chẳng đi. Trong kinh Kim Cang có nói:

‘’Chẳng từ đâu đến
Cũng chẳng về đâu
Gọi là Như Lai.’’

Thân rộng lớn của Như Lai, dùng pháp giới làm thể, thân trí huệ của Như Lai chứng được cực giới. Cho nên ứng thân của Như Lai, chẳng lìa khỏi tòa ngồi mà đầy khắp tất cả mọi nơi. Tức cũng là chẳng lìa khỏi tòa Kim Cang dưới cội bồ đề ở thế giới Ta Bà, chẳng lìa khỏi tòa sư tử Bảo Liên Hoa Tạng cung điện bảo Trang Nghiêm cung trời Dạ Ma, mà đầy khắp tất cả dưới cội bồ đề và tất cả cung trời Dạ Ma trong mười phương.

Nếu nghe pháp như vầy
Cung kính tin mừng vui
Mãi thoát ba đường ác
Tất cả các khổ nạn.

Nếu nghe được pháp viên dung vô ngại trùng trùng vô tận của kinh Hoa Nghiêm, mà sinh tâm cung kính, sinh tâm tín ngưỡng, sinh tâm hoan hỷ vui mừng, thì người đó nhất định vĩnh viễn thoát khỏi ba đường ác, thoát khỏi tất cả khổ nạn chẳng cát tường.

Như qua các thế giới
Vô lượng không thể đếm
Chuyên tâm muốn lắng nghe
Sức tự tại Như Lai.

Nếu như muốn đi qua tất cả thế giới, gần gũi Phật, cúng dường Phật. Qua vô lượng vô biên thế giới nhiều không thể đếm, đều muốn chuyên tâm để lắng nghe Phật pháp, đó là nhờ sức thần thông tự tại của Như Lai, mới có được cảnh giới như vậy.

Các Phật pháp như vậy
Là vô thượng bồ đề
Giả sử muốn tạm nghe
Không ai có thể được.

Các Phật pháp như vậy, đều là phương pháp thành tựu Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Giả sử muốn tạm thời nghe pháp, thì không thể nào nghe được diệu pháp. Chẳng phát tâm bồ đề lâu dài, phải ngày ngày nghe kinh nghe pháp, thì mới đắc được lợi ích Phật pháp.

Nếu ở trong quá khứ
Tin Phật pháp như vậy
Đã thành đấng Lưỡng Túc
Mà làm đèn thế gian.

Nếu như trong quá khứ, tín ngưỡng kinh Hoa Nghiêm pháp vi diệu thâm sâu vô thượng, hoặc đã thành đấng Lưỡng Túc (phước cũng đầy đủ, huệ cũng đầy đủ). Ðấng Lưỡng Túc tức là Phật, mà làm đèn sáng cho thế gian, hay chiếu phá tất cả đen tối thế gian, tức cũng là chẳng có tất cả thống khổ.

Nếu có ai được nghe
Sức tự tại Như Lai
Nghe rồi sinh niềm tin
Họ cũng sẽ thành Phật.

Nếu có ai sẽ nghe được diệu pháp kinh Hoa Nghiêm, đó là nhờ sức thần thông tự tại của chư Phật gia bị. Ðó là nhờ thuở xưa đã trồng căn lành, cho nên hôm nay mới có nhân duyên nghe kinh Hoa Nghiêm. Nghe pháp rồi, sinh tâm tin, thì mới có thể thành Phật được. Bằng không, nghe pháp rồi như gió thoảng qua tai, chẳng lưu lại, thì trong ruộng thức thứ tám, chẳng trồng xuống hạt giống căn lành. Ðây là nghe mà chưa nghe, chẳng có ích gì.

Nếu ai trong hiện tại
Nghe được Phật pháp này
Cũng sẽ thành Chánh Giác
Nói pháp chẳng sợ hãi.

Nếu như trong hiện tại, tin sâu diệu pháp kinh Hoa Nghiêm, mà chẳng sinh tâm hoài nghi, thì cũng sẽ được thành Phật. Lúc vì chúng sinh nói pháp oai đức đầy đủ, tơ hào chẳng sợ hãi. Tóm lại, chẳng bị uy của đại chúng nhiếp phục mà bị chướng ngại.

Vô lượng vô số kiếp
Pháp này rất khó gặp
Nếu có ai được nghe
Nên biết nhờ nguyện xưa.

Trong vô lượng vô số đại kiếp, phải phát đại nguyện bồ đề, thì mới nghe được Phật pháp. Hôm nay chúng ta nghe được pháp lớn Hoa Nghiêm, chẳng những ở tại một vị Phật, hoặc hai vị Phật, gieo trồng căn lành. Diệu pháp Hoa Nghiêm này, thật là trăm ngàn vạn kiếp khó gặp được. Nếu như có người nghe được pháp này, đó là nhờ thuở xưa phát nguyện lực bồ đề.

Nếu ai hay thọ trì
Các Phật pháp như vậy
Trì rồi rộng tuyên nói
Người này sẽ thành Phật.

Nếu như có người hay thọ trì diệu pháp của kinh Hoa Nghiêm, người đó hay đọc tụng, giải nói, rộng vì mọi người tuyên nói, thì người đó sẽ thành Phật. Chúng ta nghe được diệu lý của kinh Hoa Nghiêm rồi, phải nghiên cứu, mới minh bạch được. Minh bạch rồi, phải y pháp tu hành, thì mới chứng được quả vị Diệu Giác.

Huống lại siêng tinh tấn
Tâm kiên cố chẳng bỏ
Nên biết người như vậy
Quyết định thành bồ đề.

Huống là người đó lại hay thân tinh tấn, tâm tinh tấn, ngày đêm sáu thời luôn tinh tấn. Có tâm kiên cố, tâm kiền thành, tâm hằng thường tinh tấn, mà chẳng giải đãi. Dùng tâm kiên, thành, hằng, ba tâm để tu lục độ vạn hạnh, vĩnh viễn chẳng xả bỏ. Nên biết người như vậy, quyết định sẽ thành tựu Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Giống như Bồ Tát Dược Vương, đốt thân cúng dường Phật, đó là thật tinh tấn. Tinh thần đó, thật là vĩ đại, khiến cho người kính phục.

Bấy giờ, Bồ Tát Tàm Quý Lâm nương oai lực của đức Phật, quán sát khắp mười phương mà nói kệ rằng.

Lúc đó, vị đại Bồ Tát Tàm Quý Lâm nương đại oai thần lực của Phật Thích Ca Mâu Ni, quán sát khắp mười phương tất cả chúng sinh, dùng kệ để nói rõ cảnh giới của Phật.
Tàm quý là gì ? Tàm quý là biết hổ thẹn. Cảm thấy hành động của mình chẳng đối xử tốt với người, lại chẳng tốt đối với chính mình. Tức cũng là chẳng có lợi ích đối với người, cũng chẳng có lợi ích đối với mình. Phải sinh tâm tàm quý, cải ác tự tân. Nếu làm việc quấy thì nên đến trước Phật để sám hối. Do đó :

‘’Tội nhiều như núi
Sám hối tiêu tan.’’

Nếu chẳng sinh tâm sám hối, thì tội nghiệp vĩnh viễn tồn tại.
Tôi thường nói với các vị:

‘’Hãy nhận thật lỗi mình
Đừng luận bàn lỗi người
Lỗi người tức lỗi mình
Đồng thể gọi đại bi.’’

Phàm là người có tâm đại bi, thì tuyệt đối chẳng nói lỗi thị phi của người khác, chẳng bình luận thiện ác của người. Nên nhớ ! Nên nhớ ! Bất cứ là người xuất gia, hoặc tại gia, đừng nói dối, dừng tạo thị phi, nên lấy từ bi làm gốc, dùng phương tiện làm cửa. Nơi nơi vì người phương tiện, đừng tìm phiền não của người. Bằng không thì, tu đến thuở vị lai, vẫn là chúng sinh, vĩnh viễn chẳng thành công.

Nếu ai được nghe pháp
Hy hữu tự tại này
Hay sinh tâm hoan hỷ
Sớm dứt lưới nghi hoặc.

Nếu có người nào nghe được bộ kinh Hoa Nghiêm pháp kỳ diệu ít có này, thì nhất định hay sinh tâm hoan hỷ. Vì đạo lý của Bộ kinh Này vừa viên dung vừa tự tại. Cảnh giới của bộ kinh này, trùng trùng vô tận, vô tận trùng trùng. Nghe được pháp này, thì sẽ mau chóng dứt trừ lưới nghi hoặc.

Tại sao chúng ta có tâm tham, tâm sân, tâm si ? Vì không được nghe Phật pháp. Muốn chẳng còn tâm ba độc, thì hãy mau buông xả tất cả, chân thật đến học Phật pháp. Cho dù không mặc y áo, không ăn cơm, không ngủ nghỉ, cũng phải học Phật pháp. Tại sao ? Vì y áo, cơm, ngủ nghỉ, là sự hưởng thụ tạm thời. Nhưng học Phật pháp, có thể đắc được an vui vĩnh viễn, đó mới là an vui chân chánh.

Tất cả người tri kiến
Tự nói lời như vầy
Như Lai biết tất cả
Cho nên khó nghĩ bàn.

Tất cả người có chánh tri chánh kiến, tự nói như vầy:

‘’Phật là bậc Thánh nhân đại trí huệ
Chẳng gì mà không biết,
Chẳng gì mà không thấy.’’

Do đó cho nên không thể nghĩ bàn. Tư tưởng của phàm phu không thể minh bạch lời lẽ ở trên.

Không có từ vô trí
Mà sinh ra trí huệ
Thế gian thường tối tăm
Cho nên không thể sinh.

Bổn lai chẳng có trí huệ, thì không thể sinh ra trí huệ, phải học pháp môn Bát Nhã, mới có thể sinh ra trí huệ. Do đó: ‘’Vào sâu tạng kinh, trí huệ như biển.’’ Vì thế gian luôn luôn là đen tối, cho nên không thể sinh ra trí huệ.

Như sắc và phi sắc
đây hai chẳng phải một
Trí vô trí cũng vậy
Thể đó đều khác biệt.

Ðạo lý có trí huệ và không có trí huệ, giống như vàng và màu vàng. Tuy là một, nhung vàng là vàng, màu là màu. Vàng và màu trên danh từ là hai, cho nên nói đây hai chẳng phải một. Có trí huệ và chẳng có trí huệ cũng đạo lý ấy, thể của nó khác nhau.

Như tướng và vô tướng
Sinh tử và Niết Bàn
Phân biệt đều khác nhau
Trí vô trí cũng vậy.

Lại giống như có tướng và không có tướng, có hình tướng là tướng, không hình tướng vẫn là tướng. Nhưng tướng và vô tướng khác nhau, một là có, một là không có. Sinh tử và Niết Bàn, phân biệt đều có sự khác nhau. Sinh tử phải thọ luân hồi, Niết Bàn thì chấm dứt sinh tử. Nhưng, Niết Bàn thì chẳng còn sinh tử, sinh tử chẳng phải là Niết Bàn, mỗi cái có danh từ khác nhau. Ðạo lý có trí huệ và chẳng có trí huệ cũng như vậy.

Thế giới mới thành lập
Chẳng có tướng bại hoại
Trí vô trí cũng vậy
Hai tướng chẳng một thời.

Thế giới là do thành, trụ, hoại, không, bốn trung kiếp thành lập. Trong mỗi kiếp có hai mươi tiểu kiếp. Thời kỳ thành lập thì chẳng có tướng bại hoại hiện ra. Có trí huệ và chẳng có trí huệ cũng như vậy. Hai tướng này không thể đồng thời cùng có.

Như Bồ Tát sơ tâm
Chẳng cùng với hậu tâm
Trí vô trí cũng vậy
Hai tâm chẳng cùng thời.

Giống như Bồ Tát ban đầu phát tâm bồ đề, chẳng cùng với tâm kim cang cuối cùng. Có trí huệ và chẳng có trí huệ cũng như vậy. Hai thứ tâm đó không thể đồng thời cùng có.

Ví như các thức thân
Mỗi mỗi chẳng hòa hợp
Trí vô trí cũng vậy
Rốt ráo chẳng hòa hợp.

Các thức tâm tức là sáu căn đối với cảnh giới sáu trần, cho nên sinh ra sáu thứ tâm phân biệt, gọi là sáu thức. Nhãn thức và nhĩ thức, tĩ thức và thiệt thức, thân thức và ý thức, đều có tướng của nó, đều có công dụng của nó, không thể hòa hợp. Có trí huệ và chẳng có trí huệ cũng như vậy, hoàn toàn không thể hòa hợp, vì chẳng cùng một dạng, cho nên chẳng hòa hợp với nhau.

Như thuốc A già đà
Hay giải tất cả độc
Có trí cũng như vậy
Hay tiêu diệt vô trí.

A già đà dịch là phổ khử. Nó hay khử trừ hết tất cả bệnh độc, còn gọi là thuốc bất tử, hay tiêu trừ tất cả độc, cho nên không thể chết. Thuốc A già đà hay giải trừ tất cả độc. Có trí huệ cũng như vậy, hay trừ khử tất cả độc. Ðộc gì ? Ðó là độc tham sân si, độc tà kiến, độc đố kỵ, độc phiền não, độc ngu si. Có trí huệ quang minh, thì sẽ phá tan tất cả ngu si đen tối.

Như Lai chẳng ai hơn
Cũng chẳng ai bằng được
Tất cả không thể sánh
Cho nên khó gặp được.

Phật là Vô thượng chánh đẳng chánh giác, chẳng có ai cao hơn Phật, cho nên Phật gọi là Vô Thượng Sĩ. Cũng chẳng có ai bằng Phật. Tất cả, tất cả không thể nào sánh với tướng tốt của Phật. Do đó, cho nên trăm ngàn vạn kiếp khó gặp được pháp thân của Phật.

Bấy giờ, Bồ Tát Tinh Tấn Lâm nương oai lực của đức Phật, quán sát khắp mười phương mà nói kệ rằng.

Lúc đó, vị đại Bồ Tát Tinh Tấn Lâm nương đại oai thần lực của Phật Thích Ca Mâu Ni, quán sát khắp mười phương tất cả chúng sinh, dùng kệ để nói rõ cảnh giới của Phật.

Các pháp không khác biệt
Chẳng có ai biết được
Chỉ Phật với Phật biết
Vì trí huệ rốt ráo.

Các pháp chẳng có tánh khác biệt. Một pháp tức là tất cả pháp, tất cả pháp trở về một pháp. Ðến nơi rốt ráo thì một pháp chẳng lập, vạn pháp đều không. Phật pháp như hư không, chẳng ai thấu hiểu Phật pháp. Chỉ có Phật mới biết rõ nghĩa vi diệu của tất cả pháp. Phật Phật đạo đồng, Phật Phật một thể. Do đó :

‘’Mười phương Phật ba đời
Đều cùng một pháp thân.’’

Tại sao Phật với Phật biết nghĩa chân thật của pháp ? Vì trí huệ của Phật đã đạt đến cảnh giới rốt ráo.

Như vàng và màu vàng
Tánh đó chẳng khác biệt
Pháp phi pháp cũng vậy
Thể tánh chẳng gì khác.

Pháp và phi pháp giống như vàng và màu vàng, tánh đó chẳng có gì phân biệt. Vì thể và tánh đều là không, chẳng có gì khác biệt.
Pháp là pháp lành, phi pháp là pháp ác. Trong bách luận có nói:

‘’Pháp còn phải xả bỏ,
Hà huống là phi pháp.’’

Trong kinh Kim Cang có nói: ‘’Pháp còn phải xả bỏ, hà huống là phi pháp.’’ Ðây là dạy người đừng chấp trước vào tất cả pháp.

Chúng sinh phi chúng sinh
Hai đều chẳng chân thật
Các pháp tánh như vậy
Thật nghĩa đều chẳng có.

Chúng sinh là chúng duyên hòa hợp mà sinh, chúng sinh phân tán mà diệt, đều là hư vọng không thật. Cho nên nói ‘’Chúng sinh phi chúng sinh, hai đều chẳng chân thật.’’ Giống như ở trước có nói về thể tánh đủ thứ pháp, nhưng có lời nói, đều chẳng thật nghĩa. Phàm là pháp nói ra được, thì thật nghĩa đều chẳng có.

Ví như đời vị lai
Chẳng có tướng quá khứ
Các pháp cũng như vậy
Chẳng có tất cả tướng.

Ví như đời vị lai chưa đến. Tức nhiên chưa đến thì chẳng có tướng quá khứ, cũng chẳng có tướng hiện tại. Quá khứ đã qua rồi, vị lai thì chưa đến, hiện tại vẫn không ngừng, cho nên chẳng có hình tướng quá khứ. Các pháp và đạo lý ba đời là như nhau, chẳng có tất cả tướng.

Ví như tướng sinh diệt
Đủ thứ đều chẳng thật
Các pháp cũng như vậy
Tự tánh chẳng chỗ có.

Ví như tướng sinh và diệt. Sinh cũng chẳng nhất định là sinh, diệt cũng chẳng nhất định là diệt. Sinh diệt chẳng có một thật tướng. Nếu là thật có, thì không thể diệt, nếu không thể diệt, thì không thể sinh. Phàm là có sinh có diệt, thì đều chẳng chân thật. Các pháp cũng như vậy, tự tánh chẳng chỗ có, tức cũng chẳng có một thể tướng.

Niết Bàn không thể lấy
Nói thời có hai thứ
Các pháp cũng như vậy
Phân biệt có thù khác.

Niết Bàn là không, lấy thời không thể được. Nói thời có hai thứ, một là có Hữu Dư Niết Bàn (của hàng nhị thừa), hai là Vô Dư Niết Bàn (của Bồ Tát). Ðây bất quá là danh từ mà thôi, rốt ráo là liễu bất khả đắc. Các pháp cũng như vậy, nếu phân biệt nó thì có sự thù đặc khác biệt.

Như nương sở đếm vật
Mà có sự năng đếm
Tánh đó không chỗ có
Biết rõ pháp như vậy.

Giống như nương theo vật tính đếm. Có vật tính đếm thì mới có người hay đếm. Vật tính đếm và người hay đếm, tánh đó chẳng chỗ có, thấu rõ tất cả pháp như vậy, thì như vậy.

Ví như pháp toán số
Thêm một đến vô lượng
Pháp đếm không thể tánh
Vì trí huệ khác biệt.

Ví như phương pháp toán số, một khi bắt đầu thì có một, lại thêm một tức là hai, lại thêm một là ba, cho đến thêm vô lượng một, thì số vô lượng. Do đó :

‘’Một làm vô lượng
Vô lượng làm một.’’

Trở về nguồn cội, vẫn là một. Pháp toán số vốn chẳng có thể tánh. Song, vì người dùng trí huệ tính đếm để phân biệt, cho nên mới có sự khác biệt.

Ví như các thế gian
Kiếp thiêu có hết sạch
Hư không chẳng tổn hại
Phật trí cũng như vậy.

Hữu tình chúng sinh và vô tình chúng sinh thế gian, đều có tánh mạng. Mỗi loài chúng sinh có thọ mạng dài, hoặc ngắn, đều chẳng giống nhau. Thế gian (quả địa cầu) lúc thành thì sinh trưởng, lúc trụ thì khoẻ mạnh, lúc hoại thì bệnh hoạn, lúc không thì chẳng còn nữa. Thế gian đến lúc kiếp lửa, ba nạn lớn thì nước biển tự động sẽ khô cạn, sơn hà đại địa thiêu thành tro. Song, hư không chẳng có tướng tổn hại, vì hư không vốn chẳng có một vật. Trí huệ của Phật cũng như vậy, như hư không, chẳng có tổn hại gì.

Như mười phương chúng sinh
Đều lấy tướng hư không
Chư Phật cũng như vậy
Thế gian vọng phân biệt.

Giống như mười phương hết thảy chúng sinh, đều muốn thủ lấy tướng hư không. Song, chẳng màng lấy hư không như thế nào ? Vẫn là tướng hư không, chẳng có tổn hoại. Chư Phật cũng như vậy, lấy chẳng hết, dụng chẳng cạn. Chúng sinh thế gian, vì có phân biệt hư vọng, mới sinh ra pháp và phi pháp đủ thứ sự phân biệt khác nhau.

Bấy giờ, Bồ Tát Lực Lâm nương oai lực của đức Phật, quán sát khắp mười phương, mà nói kệ rằng.

Lúc đó, vị đại Bồ Tát Lực Lâm, Ngài nương đại oai thần lực của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, quán sát khắp nhân duyên của tất cả chúng sinh trong mười phương, dùng kệ để nói rõ cảnh giới của Phật.

Tất cả chúng sinh giới
Đều ở trong ba đời
Ba đời các chúng sinh
Đều ở trong năm uẩn.

Chín pháp giới chúng sinh, đều ở trong ba đời. Chẳng màng là chúng sinh quá khứ, chúng sinh hiện tại, chúng sinh vị lai, hoàn toàn đều ở trong năm uẩn ràng buộc, chẳng được giải thoát.

Các uẩn nghiệp là gốc
Các nghiệp tâm là gốc
Tâm pháp giống như huyễn
Thế gian cũng như vậy.

Tất cả uẩn dùng nghiệp làm gốc, tạo nghiệp thì sinh ra sắc thọ tưởng hành thức năm uẩn. Tất cả nghiệp, dùng tâm làm gốc. Nghiệp là từ tâm chúng sinh mà sinh ra. Do đó : ‘’Tất cả do tâm tạo.’’ Tâm pháp chẳng phải là chân thật, nó giống như huyễn hóa. Tất cả hết thảy thế gian cũng là hư huyễn, chẳng có thật thể. Tất nhiên biết là hư vọng không thật, sao lại chấp trước ?

Thế gian chẳng tự làm
Cũng chẳng phải họ làm
Mà nó được hình thành
Cũng lại có hủy hoại.

Thế gian này chẳng phải mình tự làm ra, cũng chẳng phải riêng người nào làm ra. Nó có lúc thành, cũng có lúc hoại. Vì thế gian cũng có mạng sống, cho nên có thành tất có hoại. Thành trụ hoại không bốn tướng, chấm dứt rồi bắt đầu, tuần hoàn không ngừng.

Thế gian tuy có thành
Thế gian tức có hoại
Người thấu đạt thế gian
Cả hai không đáng nói.

Tuy thế gian có thành, có hoại, nhưng nếu thấu rõ thông đạt hiện tượng của thế gian, cũng biết đó là hư vọng không thật. Kỳ thật, thế giới cũng chẳng có thành, cũng chẳng có hoại, cho nên không đáng nói có tướng thành hoại.

Thế nào là thế gian
Thế nào phi thế gian
Thế gian phi thế gian
Chỉ là tên khác biệt.

Thế nào mới là thế gian ? Thế nào mới là phi thế gian ? Nói là thế gian, hoặc phi thế gian, bất quá có tên gọi khác nhau mà thôi. Kỳ thật, bổn thể là hư vọng, chẳng thật.

Pháp ba đời năm uẩn
Nói tên là thế gian
Đó diệt phi thế gian
Chỉ tên giả như vậy.

Pháp ba đời và năm uẩn, là phương tiện giả mượn cho nó tên gọi, mà gọi là thế gian, nó hay diệt, chẳng phải thế gian, là tên giả mà thôi.

Thế nào nói các uẩn
Các uẩn có tánh gì ?
Tánh uẩn không thể diệt
Cho nên nói không sinh.

Nói pháp năm uẩn như thế nào ? Năm uẩn lại có thể tánh gì ? Tánh của năm uẩn không thể diệt, tức nhiên chẳng có diệt, sao lại có sinh ? Có sinh thì có diệt, chẳng có diệt thì chẳng có sinh. Cho nên nói pháp thế gian và năm uẩn đều là hư vọng không thật, đừng chấp trước nó.

Phân biệt các uẩn này
Tánh nó vốn không tịch
Vì không chẳng thể diệt
Đây là nghĩa không sinh.

Phân biệt pháp năm uẩn, thể tánh của nó vốn là không tịch, chẳng có hình tướng. Vì là không, cho nên không thể diệt. Tức nhiên không thể diệt, thì sao lại có sinh ? Ðây là đạo lý không sinh không diệt.

Chúng sinh tức như vậy
Chư Phật cũng như thế
Phật và các Phật pháp
Tự tánh chẳng chỗ có.

Chúng sinh tức nhiên là như vậy, đều là không, vậy bổn thể của chư Phật cũng là không. Do đó :

‘’Nếu ai muốn biết cảnh giới Phật
Hãy tịnh ý mình như hư không.’’

Phật và các Phật pháp cũng như hư không, tự tánh chẳng chỗ có.

Biết được các pháp này
Như thật chẳng điên đảo
Người thấy biết tất cả
Thường thấy ở trước họ.

Nếu minh bạch được chúng sinh, thế gian, năm uẩn, các pháp, đều là hư vọng không thật, thì còn chấp trước vào cái gì ? Nếu chấp trước thì bất quá chấp trước vào hư không mà thôi. Vậy hư không có gì để chấp trước ? Nếu minh bạch đạo lý này, thì chẳng bị tất cả mọi điên đảo. Người nào thấy biết như vậy, thì chư Phật thường hiện ở trước mặt họ.
Ðây là dạy người đừng chấp trước tướng. Do đó :

‘’Chấp tướng đầu đầu si
Vô vi lại lạc không.’’

Phàm là chấp tướng gì ? Chấp gì cũng đều sai; nếu nói gì cũng chẳng có, thì đó là lạc vào không vọng. Chẳng lạc về không, chẳng lạc về có, mới là trung đạo. Do đó :

‘’Chân không chẳng ngại diệu hữu
Diệu hữu chẳng ngại chân không.’’

Vì chân không chẳng không, cho nên mới có diệu hữu. Diệu hữu chẳng hữu, mới là chân không.

Bấy giờ, Bồ Tát Hạnh Lâm, nương oai lực của đức Phật, quán sát khắp mười phương mà nói kệ rằng.

Lúc đó, vị đại Bồ Tát Hạnh Lâm, Ngài nương đại oai thần lực của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni. Quán sát khắp nhân duyên của tất cả chúng sinh trong mười phương, dùng kệ để nói rõ cảnh giới của Phật.

Ví như mười phương giới
Tất cả các đất đai
Tự tánh chẳng chỗ có
Chẳng đâu mà không có.

Phật pháp giống như các đất đai của đại địa trong mười phương tất cả thế giới. Bổn thể của nó chẳng chỗ có, song, chẳng có một nơi nào mà chẳng có đất. Hết thảy tất cả thế giới đều có đất đai.

Thân Phật cũng như vậy
Khắp hết các thế giới
Đủ thứ các sắc tướng
Chẳng trụ chẳng nơi đến.

Pháp thân của Phật, giống như đất đai, khắp hết thảy mọi nơi. Trong mười phương thế giới, thân Phật đều khắp hết. Phật hiện ra các sắc tướng, ba mươi hai tướng tám mươi vẻ đẹp. Chẳng có chủ tể, cũng chẳng có đến, cũng chẳng có đi. Như hư không, chẳng trụ chẳng nơi đến.

Nhưng vì nhờ các nghiệp
Gọi tên là chúng sinh
Cũng chẳng lìa chúng sinh
Mà đắc được các nghiệp.

Chúng sinh là do nghiệp báo mà thành tựu. Nghiệp chẳng phải riêng một thứ nghiệp, mà là có đủ thứ nghiệp. Có đủ thứ nghiệp, nên thọ đủ thứ báo. Vì phải thọ báo, cho nên làm chúng sinh. Nghiệp thì ở trong chúng sinh, chứ chẳng phải lìa khỏi chúng sinh, mà riêng ngoài có nghiệp. Sự thành tựu của nghiệp là năm uẩn, chẳng phải năm uẩn lại tạo nghiệp, mà là tạo nghiệp sinh ra năm uẩn.

Tánh nghiệp vốn không tịch
Chỗ chúng sinh y chỉ
Khắp làm các sắc tướng
Cũng lại chẳng chỗ đến.

Tánh nghiệp vốn là không tịch. Do đó :

‘’Rõ được nghiệp chướng vốn là không
Chẳng rõ thì phải trả nợ nghiệp cũ.’’

Nếu như thấu rõ giác ngộ, thì nghiệp chướng vốn không tịch. Một niệm mê hoặc, thì bị nghiệp chướng che đậy, nên không thể không tịch. Do đó phải thọ quả báo, trả nợ tội nghiệt đời trước. Chúng sinh y chỉ tánh nghiệp, mới có tất cả sắc tướng. Chúng sinh cũng chẳng đến, chẳng đi, vì tánh nghiệp vốn không tịch, cho nên chẳng có chỗ đến.

Các sắc tướng như vậy
Nghiệp lực khó nghĩ bàn
Thấu đạt gốc rễ nghiệp
Trong đó chẳng chỗ thấy.

Ðủ thứ sắc tướng như vậy, là do nghiệp lực tạo thành, cũng là khó nghĩ bàn. Minh bạch đạo lý gốc rễ của nghiệp, là không tịch, thì trong nghiệp chẳng tìm được gì để thấy.

Thân Phật cũng như vậy
Bất khả đắc tư nghì
Đủ thứ các sắc tướng
Khắp hiện mười phương cõi.

Pháp thân của Phật cũng như vậy, không thể suy tư, không thể luận bàn. Ðủ thứ các sắc tướng của Phật, thị hiện nơi mười phương các cõi Phật. Nhưng, bản thể của Phật chẳng động, chẳng lìa khỏi Bồ Ðề Ðạo Tràng tòa kim cang dưới cội bồ đề.

Thân cũng chẳng phải Phật
Phật cũng chẳng phải thân
Chỉ dùng pháp làm thân
Thông đạt tất cả pháp.

Tuy Phật thị hiện đủ thứ sắc thân, nhưng chẳng chấp trước nơi sắc tướng. Sắc thân của Phật, chẳng phải là Phật thật. Phật chân thật thì chẳng đến chẳng đi, khắp hư không cùng pháp giới, vô tại mà vô bất tại. Lấy báo thân nhận là Phật, đó là sai lầm; không thể chấp trước về thân thể ? Buông xả chẳng đặng nó ? Phật dùng pháp thân làm thân, pháp thân là khắp tất cả mọi nơi. Tất cả pháp đều thuộc về pháp thân của Phật. Nếu thông đạt được tất cả, thì tức cũng là thấy được thân Phật.

Nếu thấy được thân Phật
Thanh tịnh như pháp tánh
Người đó nơi Phật pháp 
Tất cả chẳng nghi hoặc.

Nếu như có người thấy được chân thân của Phật. Chân thân của Phật là thanh tịnh, giống như pháp tánh. Do đó :

‘’Các pháp tướng vắng lặng
Không thể dùng lời giải.’’

Hết thảy pháp tánh là vắng lặng, chẳng động. Người đó nếu minh bạch đạo lý này, thì tất cả chẳng chấp trước. Ðối với tất cả Phật pháp, sẽ chẳng sinh tâm nghi hoặc. Tại sao ? Vì pháp vô định pháp, cho nên pháp cũng không thể chấp trước. Nếu chẳng chấp trước, thì còn có gì hoài nghi ? Còn có gì chẳng minh bạch ? Tất cả chẳng chấp thì tất cả sẽ thấu rõ.

Nếu thấy tất cả pháp
Bản tánh như Niết Bàn
Đó là thấy Như Lai
Rốt ráo chẳng chỗ trụ.

Nêu thấy được bản thể của pháp, là tướng vắng lặng. Bản tánh của tất cả pháp là không sinh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm. Nếu minh bạch đạo lý này, thì thấy được pháp thân của Phật, thấy pháp thân chẳng chỗ trụ, thì rốt ráo chẳng chỗ chấp trước.

Nếu tu tập chánh niệm
Rõ suốt thấy chánh giác
Không tướng không phân biệt
Đó gọi Pháp Vương tử.

Nếu tu tập chánh niệm chẳng có chấp trước, thì sẽ thông đạt tất cả các pháp thật tướng, mà đắc được quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác. Quả vị đó, không tướng, không phân biệt. Danh tự đó gọi là Pháp Vương tử (con của đấng Pháp Vương), tức là sẽ kế thừa vị Pháp Vương (Phật). Phật là Pháp Vương, Bồ Tát là con của đấng Pháp Vương. Muốn làm Phật thì trước làm Bồ Tát, phát tâm bồ đề, hành đạo Bồ Tát.

Bấy giờ, Bồ Tát Giác Lâm nương oai lực của đức Phật, quán sát khắp mười phương mà nói kệ rằng.

Lúc đó, vị đại Bồ Tát Giác Lâm nương đại oai thần lực của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, quán sát khắp mười phương tất cả chúng sinh, dùng kệ để nói rõ cảnh giới của Phật.

Ví như nhà họa sĩ
Phân bày các màu sắc
Hư vọng lấy tướng khác
Đại chủng chẳng khác biệt.

Tâm của con người giống như họa sĩ. Lúc muốn họa thì trong tâm trước hết muốn họa trên giấy những gì ? Làm thế nào để phối hợp các màu sắc xanh vàng đỏ trắng đen ? ‘’Phân bày các màu sắc,’’ đây là nương sự vật khởi tánh. Nương tờ giấy trắng và đủ các màu sắc, vẽ ra nương sự vật họa khởi tánh. ‘’Hư vọng lấy tướng khác,’’ Ðây là biến kế chấp tánh. Họa như thế nào ? Họa những gì ? Kỳ thật họa gì cũng đều hư vọng chẳng thật. ‘’Ðại chủng không khác biệt,’’ đây là viên thành thật tánh, căn bản chẳng có gì phân biệt.
Vị họa sĩ đó muốn vẽ sơn thủy ? Hoặc vẽ nhân vật ? Hoặc vẽ cây cỏ ? Hoặc vẽ cầm thú ? Chim cá ? Các tướng khác nhau. Song, tờ giấy trắng đó chẳng có gì phân biệt, mà là dùng màu sắc khác nhau, sự lấy tướng khác nhau, cho nên sự họa vẽ ra cũng khác nhau.
Ðại chủng đó, ví như chân như, hình sắc của chúng sinh, điên điên đảo đảo, chẳng lìa khỏi thường trụ chân tâm. Tức cũng chẳng lìa khỏi tánh Như Lai tạng. Ở đây có chân không diệu hữu. Chúng sinh tức là tướng điên đảo, không nên làm mà làm, nên làm mà chẳng làm; không nên lấy mà lấy, nên lấy mà không lấy; không nên nói mà nói, nên nói mà không nói. Giống như trời mưa đá, hột nào cũng trong suốt, kẻ ngu si cho rằng là trân châu, thấy nó lóng lánh đẹp đẽ, bèn lượm rất nhiều hột, để vào trong rương, chẳng bao lâu thì đá tan thành nước. Ðó là lỗi lầm không nên lấy mà lấy. Sau đó, kẻ ngu si đó gặp hạt châu thật, anh ta lại nghĩ: ‘’Ðây là hạt đá, sẽ tan thành nước, không thể lấy.’’ Ðây là đạo lý đáng lấy mà không lấy. Chúng sinh là điên đảo như thế, chẳng phân được thị phi, trắng đen. Khởi cảm, tạo nghiệp, thọ báo, luân chuyển không ngừng.

Trong đại chủng không sắc
Trong sắc không đại chủng
Cũng chẳng lìa đại chủng
Mà có được màu sắc.

Trong giấy vốn chẳng có màu sắc. Hoặc dùng nhiều màu sắc, hoặc dùng ít màu sắc, thì họa ra sẽ có màu sắc. Ðây là đạo lý y chân khởi vọng. Trong chân như tự tánh, bổn lai gì cũng chẳng có, là trắng không. Song, nương chân mà sinh ra vọng. Bổn lai trong chân chẳng có vọng, Do đó : ‘’Chân chẳng khởi vọng,’’ cho nên mới nói : ‘’Trong sắc không đại chủng.’’ Vọng này không thể sinh chân. Càng họa thì màu sắc càng chẳng giống, che lấp tờ giấy trắng nguyên thủy của nó. Giống như từ chân như sinh ra vô minh. Vô minh sinh ra phiền não, thì tham sân si đều hiện ra. Tuy nhiên nói : ‘’Trong đại chủng không sắc, trong sắc không đại chủng.’’ Song, sắc này cũng chẳng lìa khỏi đại chủng này. Tức cũng là lìa khỏi chân cũng chẳng có vọng. Nếu lìa khỏi đại chủng, lìa khỏi chân như tự tánh, thì tất cả hết thảy phiền não vô minh đều chẳng còn. Ðây là chân tâm của chúng ta hiện ra một thứ vọng tưởng. Song, trong vọng tưởng không thể hiện ra chân tâm. Vọng tưởng cũng chẳng lìa khỏi chân tâm. Ðây giống như đạo lý phiền não tức bồ đề, sinh tử tức Niết Bàn. Ðó là đạo lý nói rõ về chân như, cho nên mới nói ‘’Cũng chẳng lìa đại chủng, mà có được màu sắc.’’ Chẳng phải lìa khỏi chân như tự tánh mà có phiền não và vọng tưởng. Vọng tưởng là nương chân khởi vọng. Song, vọng chẳng hiện chân, vì có vọng rồi chân cũng chẳng hiện.

Trong tâm không màu vẽ
Trong màu vẽ không tâm
Nhưng chẳng lìa nơi tâm
Mà có được màu vẽ.

Trong tâm vốn chẳng có màu vẽ gì, rõ là bất khả đắc. Tuy nhiên trong tâm tìm chẳng ra màu vẽ, song, trong màu vẽ cũng tìm chẳng ra tâm. Tâm vẽ vẫn không lìa khỏi, nếu lìa khỏi tâm thì vẽ chẳng ra vẽ; lìa khỏi vẽ thì cũng chẳng có tâm họa vẽ. Cho nên không thể lìa khỏi tâm, riêng ngoài có màu vẽ. Họa màu vẽ là dùng tâm để họa vẽ, tuy nhiên dùng tâm họa vẽ; nhưng trong họa vẽ chẳng có tâm.

Tâm đó luôn không trụ
Vô lượng khó nghĩ bàn
Thị hiện tất cả sắc
Thảy đều chẳng biết nhau.

Tâm họa vẽ, thường chẳng chỗ trụ, họa vẽ vô lượng vô biên, nhưng nghĩ chẳng được rốt ráo họa vẽ bao nhiêu ? Trong đại chủng thị hiện tất cả màu sắc, mỗi trang họa vẽ với trang họa vẽ chẳng biết nhau, chẳng nhận thức nhau được.

Ví như nhà họa sĩ
Không thể biết tâm mình
Vì chỉ do tâm vẽ
Các pháp cũng như vậy.

Giống như nhà họa sĩ khéo vẽ họa, khi ông ta vẽ họa thì chỉ biết vẽ họa. Cứu kính họa vẽ gì ? Cũng chẳng biết rõ, bất quá tùy duyên ứng họa vẽ mà thôi. Do tâm nghĩ họa thì họa. Tất cả các pháp tánh cũng giống như tâm họa vẽ.

Tâm như nhà họa sĩ
Hay vẽ các thế gian
Năm uẩn từ tâm sinh
Không pháp gì chẳng tạo.

Tâm của con người, giống như nhà họa sĩ, hay họa ra tất cả cảnh giới của thế gian, sơn hà đại địa, sum la vạn tượng, đều họa vẽ ra được. Sắc thọ tưởng hành thức năm uẩn cũng từ tâm sinh ra, giống như họa vẽ. Trước hết sinh ra sắc pháp, sau đó đủ thứ pháp đều sinh ra, cho nên nói không pháp gì chẳng sinh. Do đó :

‘’Tâm sinh đủ thứ pháp sinh
Tâm diệt đủ thứ pháp diệt.’’

Tâm sinh diệt này chẳng phải là chân tâm. Chân tâm thì chẳng sinh chẳng diệt. Ðó là vọng tâm, do vọng tâm mà khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ báo. Vốn phiền não gì cũng đều chẳng có. Vì một niệm vọng, dùng vọng theo đuổi vọng, truy đuổi với nhau thì sẽ cách chân càng xa. Nếu trở lại, bỏ mê trở về giác, trở về nguồn cội, thì sẽ về đến nhà cố hương vốn có.

Như tâm Phật cũng thế
Như Phật chúng sinh vậy
Nên biết Phật với tâm
Thể tánh đều vô tận.

Do đó :

‘’Phật nói tất cả pháp
Vì độ tất cả tâm.
Nếu không tất cả tâm
Đâu dùng tất cả pháp.’’

Bài kệ này là nói về tâm của chúng sinh trùng trùng vô tận, Phật mới nói pháp trùng trùng vô tận. Giống như tâm và Phật, giống như tâm với chúng sinh cũng như vậy. Nên biết Phật và tâm sinh diệt của mình, thể tánh đều vô cùng vô tận.

Nếu người biết tâm hành
Khắp tạo các thế gian
Người đó tức thấy Phật
Rõ Phật chân thật tánh.

Nếu như có người biết tâm và tư tưởng là như vậy, khắp tạo ra tất cả cảnh giới thế gian. Nếu ở trong tục đế mà tìm được chân đế, ở trong vọng tìm được chân, thì trở về nguồn cội, người đó sẽ thấy được Phật, mà minh bạch thể tánh chân thật của Phật.

Tâm chẳng trụ nơi thân
Thân chẳng trụ nơi tâm 
mà làm được Phật sự
Tự tại chưa từng có.

Do đó :

‘’Thường trụ chân tâm
Tánh tịnh thể sáng.’’

Tức cũng là chân như, tức cũng là tánh Như Lai tạng. Tâm này chẳng ở trong thân, chẳng ở ngoài thân, cũng chẳng ở giữa, cho nên mới nói: ‘’Tâm chẳng trụ nơi thân.’’ Thân thì có hình tướng, tâm thì chẳng có hình tướng, khắp mọi nơi. Tức cũng là đạo lý :

‘’Trong đại chủng không sắc
Trong sắc không đại chủng.’’

Chẳng lìa đại chủng mà có được màu sắc. Cũng có thể nói:

‘’Trong tâm chẳng màu vẽ
Trong màu vẽ không tâm.’’

Con người chẳng lìa nơi tâm, mà có được màu vẽ. Lại có thể nói :

‘’Băng chẳng trụ nơi nước
Nước chẳng trụ nơi băng.’’

Băng chẳng phải nước, nước chẳng phải băng. Song, do nước mà biến thành băng, do băng mà biến thành nước. Cho nên nói:

‘’Trong chân tâm có vọng
Vọng không hiện chân.’’

Trong chân tâm có vọng tâm, trong vọng tâm không thể hiện ra chân tâm. Cho nên mới nói: ‘’Thân chẳng trụ nơi tâm.’’ Song, thân và tâm cùng nhau nương giữ, mà có thể làm đủ thứ Phật sự. Ðây là pháp sự lý vô ngại, viên dung cùng khắp, cảnh giới tự tại chưa từng có.

Nếu người muốn biết rõ
Tất cả Phật ba đời
Nên quán tánh pháp giới
Tất cả do tâm tạo.

Nếu như có người muốn thấu rõ tất cả chư Phật mười phương ba đời, thì hãy quán sát tánh pháp giới. Pháp giới là chân như thật quán, chỉ tâm thức quán. Tất cả hết thảy cảnh giới đều do tâm tạo ra.
Hiện tại kể về câu chuyện vào đời Ðường Tống Văn Minh nguyên niên (năm 684 tây lịch), có người xuất gia tên là Vương Minh Cán, là người Lạc Dương. Tuy xuất gia tu hành, nhưng chẳng có giới hạnh, lại chẳng tu việc thiện. Một ngày nọ, do bệnh mà qua đời, bị hai con quỷ vô thường dẫn đến trước cửa địa ngục. Ông ta gặp một vị hòa thượng (Bồ Tát Ðịa Tạng) dạy ông ta một bài kệ:

‘’Nếu ai muốn biết rõ
Tất cả Phật ba đời
Hãy quán sát như vầy
Tâm tạo các Như Lai.’’

Khiến cho ông ta tụng niệm, cho nên thoát khỏi khổ địa ngục. Do đó, ông ta chuyên tâm tụng niệm, lúc đến điện Diêm Vương, thì vua Diêm Vương thấy ông ta trên đầu phóng quang, bèn hỏi ông ta:

– ‘’Ông lúc sinh tiền làm những công đức gì ?‘’

– Ðáp: ‘’Tôi chỉ niệm bài kệ bốn câu.’’

– Vua Diêm Vương lại hỏi: ‘’Bốn câu gì ? Niệm cho tôi nghe thử xem‘’.

Ông ta đọc lên bài kệ đó, thì nơi nào nghe được, phàm là người thọ khổ, đều được giải thoát. Vua Diêm Vương vì thấy ông ta có công đức này, bèn cho ông ta trở lại dương thế, tuyên nói bài kệ này. Dương Minh Cán chết rồi ba ngày sau lại sống dậy, nhớ rõ bài kệ này, bèn hỏi Pháp sư Tăng Ðịnh ở chùa Không Quán rằng, bài kệ này ở trong kinh nào ? Thì tìm thấy ở trong Kinh Hoa Nghiêm. Các bạn hãy nghĩ xem, chỉ niệm một bài kệ của kinh Hoa Nghiêm mà có công đức lớn như thế; nếu niệm tụng toàn bộ bài kệ trong kinh, thì đương nhiên có công đức không thể nghĩ bàn !

Bấy giờ, Bồ Tát Trí Lâm nương oai lực của đức Phật, quán sát khắp mười phương, mà nói kệ rằng.

Lúc đó, vị đại Bồ Tát Trí Lâm, nương đại oai thần lực của Ðức Phật, quán sát khắp nhân duyên của tất cả chúng sinh trong mười phương, dùng kệ để nói rõ cảnh giới của Phật.

Chỗ lấy không thể lấy
Chỗ thấy không thể thấy
Chỗ nghe không thể nghe
Một tâm không nghĩ bàn.

Chúng sinh vì có sự chấp trước, chấp trước có lấy, thấy, nghe, nghĩ, bốn thứ chấp trước, cho nên không đắc được lợi ích của pháp. Nếu chỗ lấy không thể lấy, chỗ thấy không thể thấy, chỗ nghe không thể nghe, chỗ nghĩ không thể nghĩ. Vậy thì vẫn chấp trước gì ? Bốn câu kệ này là dạy bạn đừng chấp trước vào sự, cũng đừng chấp trước vào lý. Sự lý vô ngại, vì tất cả cảnh giới đều là hư vọng không thật, đừng chấp trước. Cho nên mới nói ‘’Một tâm không nghĩ bàn.’’

Hữu lượng và vô lượng
Cả hai không thể lấy
Nếu có người muốn lấy
Rốt ráo không chỗ được.

Có số lượng hay không có số lượng, cả hai pháp này đều có sinh diệt, cho nên mới nói ‘’Cả hai không thể lấy.’’ Nếu như có người chấp trước hữu lượng và vô lượng làm quy tắc, thì cuối cùng hữu lượng cũng chẳng có, vô lượng cũng chẳng có. Ðều là một pháp chẳng lập, vạn pháp chẳng sanh. Nếu minh bạch đạo lý các pháp thật tướng, thì tất cả đều không thể lấy.

Không nên nói mà nói
Đó là tự khi dối
Việc mình chẳng thành tựu
Chẳng khiến chúng hoan hỷ.

Không nên nói mà nói, đây là nói dối. Không nên nói dối mà nói dối, đây là tự lừa gạt mình. Nên nói mà không nói, cũng là nói dối, cũng là lừa gạt mình.
Việc lớn của mình chưa rõ, thì không thể có sự thành tựu. Vì mình chẳng chứng quả, thiếu đức hạnh, thì không thể khiến cho chúng sinh sinh tâm hoan hỷ. Phật Bồ Tát vì có oai đức lớn, cho nên khiến cho chúng sinh thấy mà sinh tâm đại hoan hỷ.
Chúng ta người tu đạo thì nhất định phải nói lời chân thật. Thấy thì nói thấy, nghe thì nói nghe, không được nói dối. Nếu không nói lời chân thật, thì dù giảng kinh thuyết pháp cũng chẳng có ai đến nghe. Dù có người đến nghe, cũng chẳng sinh tâm hoan hỷ.
Do đó :

‘’Sinh tử của mình tự mình lo
Mình ăn cơm thì mình no.’’

Việc của mình thì tự mình làm, không thể quên đi việc của mình (sinh tử) mà không làm, mà đi ‘’Bỏ gốc tìm ngọn.’’ Nếu xả bỏ gốc rễ, đi truy tìm ngọn ngành thì chẳng có ích gì.
Phương pháp tu hành, là siêng tu giới định huệ, tiêu diệt tham sân si. Phải diệt trừ tâm ích kỷ, tâm đố kỵ, tâm ngã mạn. Ở trong đạo tràng, đừng tồn tại những tâm tà chẳng chánh thường đó. Phải đem việc có lợi ích, nhường cho mọi người; việc chẳng có lợi ích thì để lại cho mình. Ðây tức là hành đạo Bồ Tát.

Có người khen Như Lai
Vô biên diệu sắc thân
Hết cả vô số kiếp
Không thể thuật khen hết.

Có người muốn khen ngợi Phật, khen ngợi ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp diệu sắc thân của Phật. Song, Phật chẳng động tâm. Khen ngợi Ngài thì Ngài cũng như như chẳng động; phỉ báng Ngài thì Ngài cũng như như chẳng động. Tại sao ? Vì Phật chẳng chấp trước, Do đó: ‘’Tám gió thổi chẳng lay.’’ Dù có hết trọn vô số kiếp thời gian để khen ngợi Phật, cũng không thể nào nói hết được cảnh giới tướng tốt trang nghiêm của Phật.

Ví như châu như ý
Hay hiện tất cả sắc
Không sắc mà hiện sắc
Chư Phật cũng như vậy.

Tâm của chúng ta giống như châu như ý, hay toại tâm mãn nguyện, lại hay hiện ra tất cả cảnh giới. Tất cả cảnh giới chẳng lìa khỏi tâm mình. Trong tâm vốn chẳng có cảnh giới gì có thể hiện, song, trong sự chẳng có cảnh giới, mà hiện ra cảnh giới, đây là diệu không thể tả. Mười phương ba đời tất cả chư Phật, cũng đều như vậy.

Lại như tịnh hư không
Chẳng sắc không thể thấy
Tuy hiện tất cả sắc
Chẳng thấy được hư không.

Chân tâm của chúng ta, lại ví như hư không thanh tịnh, chẳng có tất cả sắc tướng có thể thấy. Tuy nhiên hư không chẳng có màu sắc, song, trong chân không có diệu hữu, hay hiện ra tất cả sắc. Tất cả sơn hà đại địa nhà cửa phòng ốc, đều ở trong hư không hiện ra. Chẳng có ai thấy được bổn tướng của hư không là như thế nào ? Hư không chẳng có tướng mạo, chẳng có thể tánh. Tánh Như Lai tạng (chân tâm) cũng như vậy.

Chư Phật cũng như vậy
Khắp hiện vô lượng sắc
Chẳng phải chỗ tâm hành
Tất cả không thấy được.

Mười phương chư Phật cũng là không tướng hiện tướng, không sắc hiện sắc. Giống như hư không chẳng có màu sắc mà hiện ra màu sắc, đây là đạo lý chân không diệu hữu. Phật có thể trong mười phương thế giới thị hiện thành Phật, mỗi vị Phật đều đầy đủ tướng tốt trang nghiêm thân. Cảnh giới này chẳng phải tâm lượng của chúng sinh biết được. Tất cả chúng sinh không thể thấy được pháp thân của Phật.

Tuy nghe tiếng Như Lai
Tiếng chẳng phải Như Lai
Cũng chẳng lìa nơi tiếng
Biết được Chánh Đẳng Giác.

Tất cả chúng sinh, tuy đều nghe được âm thanh của Phật nói pháp, nhưng âm thanh đó chẳng phải là Phật. Song, âm thanh thuyết pháp chẳng lìa khỏi Phật, cũng không thể trụ âm thanh tức là Phật, cũng không thể lìa khỏi âm thanh của Phật nói pháp. Minh bạch được đạo lý này, thì biết được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Bồ đề chẳng đến đi
Lìa tất cả phân biệt
Sao lại ở trong đó
Tự nói hay thấy được ?

Tâm giác đạo cũng chẳng đến, chẳng đi. Nó lìa khỏi tất cả tâm thức phân biệt. Sao lại có thể nói ở trong bồ đề đắc được bồ đề ? Hoặc thấy được Phật. Nếu người nào có sự suy nghĩ như thế, thì vĩnh viễn chẳng đắc được bồ đề.

Chư Phật chẳng có pháp
Phật nơi nào có nói
Chỉ tùy theo tâm mình
Rằng nói pháp như vậy.

Các Pháp từ xưa nay, thường tại tướng tịch diệt. Pháp vốn là không nói, không truyền, hãy nên quán như vậy. Song, vì chúng sinh chấp trước có tướng, cho nên Phật ở trong tình hình không pháp có thể nói, mới đến nói pháp.
Chư Phật tức nhiên không pháp có thể nói, vậy tại sao lại phải nói pháp ? Vì tùy thuận tâm ý của chúng sinh và tâm ý của mình mà nói pháp. Do đó : ‘’Quán căn cơ thí giáo,’’ vì người mà nói pháp, theo bệnh cho thuốc, mới nói pháp không thể nói.