NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Hai Vị Cư Sĩ Liễu Phàm Và Dã Công
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời hai vị cư sĩ Liễu Phàm và Dã Công

Thư và truyện sư Ngọc Trụ đều nhận được cả. Truyện ấy văn từ tường thuật sự việc quá rườm rà, nhưng cũng không trở ngại gì. Chỉ có điều Thiên Lãng và ma vương ngoại đạo sáng lập ra thuyết Lục Bộ Thiền[1], [hai ông] đưa kẻ ấy vào trong truyện thì chắc rằng kẻ hiểu biết sẽ tưởng thuyết “Lục Bộ Thiền” là cao diệu. Gã ấy còn chưa biết đến hơi hướng nhà Thiền! Nếu biết, sao đã tham thấu triệt [bộ sách] thứ nhất rồi lại cần phải [tham thấu bộ sách] thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm cho tới bộ thứ sáu[2] ư?

Đoạn văn ngầm [so sánh sư Ngọc Trụ] với ngài Trí Giả và đoạn văn so sánh rõ ràng [ngài Ngọc Trụ chẳng kém] ngài Vĩnh Minh chính là đem phàm lạm thánh, tội ấy chẳng nhỏ! Quang sợ kẻ vô tri ai nấy đều bắt chước theo thì Phật pháp sẽ do đấy mà bị diệt, chẳng thể không nói rõ với các ông. Quang suốt một đời chẳng khen xằng người khác, mà cũng hết sức ghét kẻ khác khen ngợi tôi bừa bãi! Các ông do khen ngợi thầy Ngọc Trụ mà nói như vậy thì chính là bày trò cho kẻ học Phật làm chuyện dối trá, chẳng thể không cẩn thận ư? Báo ân thầy Ngọc Trụ kiểu ấy, nếu thầy Ngọc Trụ biết được, chắc sẽ đau đớn khóc lóc!

Quang đã bảy mươi chín tuổi rồi, hai mươi bữa nữa sẽ tròn tám mươi, hoặc là chết trong năm nay, hoặc phải chịu tội mấy năm nữa! Quang chết rồi chỉ mong các ông sốt sắng dùng pháp môn Tịnh Độ để tự lợi, lợi tha. Nếu lo viết tiểu sử tán dương, soạn văn phúng điếu cho Quang để đưa tặng khắp xa – gần thì chính là oán gia của Quang. Quang một đời chẳng nhận tiếng khen rỗng tuếch của người khác, bởi chết rồi sẽ chẳng biết đến tiếng khen xuông nữa; [làm như thế] chính là [mang lòng] lừa dối. Quang chỉ mong từ phụ A Di Đà chịu rủ lòng thương xót, ngoài ra chẳng muốn nghe chuyện gì khác!

***

[1] Lục Bộ Thiền là một thuyết cho rằng để lãnh hội được tinh tủy của Thiền Tông phải lần lượt đọc và thấu hiểu được sáu bộ sách được coi là quan trọng nhất trong nhà Thiền (Hoàng Bá Truyền Tâm Pháp Yếu, Tông Kính Lục, Đại Huệ Ngữ Lục, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, Thiên Thánh Quảng Đăng Lục, Thiên Thánh Tục Đăng Lục).

[2] Theo các bộ truyện tường thuật hành trạng của các thiền sư, các vị ấy đại triệt đại ngộ chỉ cần nhờ tham thấu một công án. Khi đã thấu triệt một công án thì hết thảy công án đều thông. Do đó nếu bảo là “tham thấu xong một bộ sách lại phải tiếp tục tham thấu cho đến trọn sáu bộ ngữ lục” thì sự tham thấu ấy chỉ là thấu hiểu, suy lường nghĩa lý theo mặt văn tự, chứ không thể là đại triệt đại ngộ được.