NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Dương Thận Dư
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Dương Thận Dư

Thư nhận được đầy đủ, cảnh tượng khi cha ông lâm chung vẫn còn tốt đẹp. Hãy nên thường niệm Phật cho cụ, cầu cho cụ chưa được vãng sanh liền được vãng sanh, đã vãng sanh liền cao thăng phẩm sen. Còn như ông nhiều năm [cho đó là chuyện] hoang đường, chẳng sanh lòng tín niệm là do túc nghiệp của ông [gây ra]; mà cũng là do lúc ông còn bé, cha mẹ chẳng thật sự bỏ công giáo huấn ông về luân lý, nhân quả, [cho nên ông] “thường thường bậc trung” cũng không ra “thường thường bậc trung”, mà giỏi giang cũng chẳng thành giỏi giang. Vì vậy, người ta thường vui mừng vì có cha anh hiền đức. Nay ông may mắn biết sai, sửa lỗi, cũng là do thiện căn từ đời trước. Hãy nên chú trọng trọn hết bổn phận làm cha mẹ đối với con cái thì con cháu nối tiếp nhau đều là người hiền, không bị chìm đắm trong đường hiểm như thế nữa.

Ông nói đến chuyện “hễ lễ bái bèn có các thứ rung động và trong chốn tối tăm có đốm sáng xẹt ra”, đấy đều là vì ông căng thẳng tinh thần quá mức mà nên nỗi. Từ nay hễ lễ tụng chỉ chí thành khẩn thiết là được rồi, bất tất phải căng thẳng tinh thần. Tâm hãy nên tưởng hướng xuống phía dưới, hoặc tưởng ngồi trên tòa sen. Chỉ tưởng nơi hoa sen đang ngồi, trọn chẳng cần so đo thân mình có ở trên hoa sen hay không. Lâu ngày những tập khí hư phù ấy sẽ tiêu diệt không còn nữa! Có hiện tượng ấy phần nhiều là vì [cái tâm] bộp chộp, lao chao mà ra, còn chưa dụng công mà đã muốn mau được thành tựu! Kẻ chẳng biết tốt – xấu tưởng [những hiện tượng rung động, đốm sáng xẹt ra] là công phu [đắc lực], sẽ bị ma dựa phát cuồng. Nhưng đối với cảnh giới tốt cũng chẳng sanh lòng vui mừng, đối với cảnh giới xấu cũng không sanh lòng kinh sợ. Hễ kinh sợ thì tà ma bèn thừa dịp, hễ vui mừng ắt trước hết sẽ bị mất chánh niệm. Ông vẫn là loại tiểu tử khinh cuồng, [cho nên] ngày nay có tướng ấy. Nhắm mắt cũng là cái gốc gây ra bệnh! Từ nay chẳng những không nhìn chi khác mà cũng đừng nhắm mắt. Bình thường niệm Phật quyết chớ nên niệm quá gấp gáp. Hễ gấp sẽ bị tổn khí. Hễ tổn khí chắc sẽ có chấn động. Cũng đừng niệm quá rề rà, quá rề rà chẳng tiếp hơi được, cũng dẫn đến tổn khí.

Phẩm [Phổ Hiền] Hạnh Nguyện, phẩm Phổ Môn, kinh Kim Cang đều nên thọ trì. Hoặc mỗi ngày trì mỗi thứ một biến, hoặc hằng ngày chỉ trì một loại, luân phiên trì tụng; học chú Lăng Nghiêm hay không đều tùy ý. Cần nên biết: Bất luận tụng kinh hay trì chú đều phải lấy cung kính chí thành làm gốc, đều phải hồi hướng Tây Phương cho khắp bốn ân ba cõi pháp giới chúng sanh thì lợi ích lớn lắm. Như kẻ vô tri trong thế gian chuyện gì cũng vì mình thì lợi ích sẽ thuận theo tâm lực mà hèn kém. Ví như một ngọn đèn đem thắp cho trăm ngàn ngọn đèn khác, ánh sáng của ngọn đèn ấy trọn chẳng bị tổn giảm. Nếu chẳng thắp cho ngọn đèn khác, ánh sáng của nó cũng chẳng tăng mạnh hơn và sáng lâu hơn được! Khi hồi hướng hãy nên biết đến ý này. Chẳng những vì cha mẹ, ân nhân của chính mình mà [hồi hướng] như thế, ngay cả đối với oán gia cũng [hồi hướng] như thế thì mới có thể trên khế hợp với tâm Phật, dưới kết các duyên, giải các oán thù.

Mẹ ông có ăn chay được hay không? Đừng nghĩ đem huyết nhục phụng dưỡng mẹ là tận hiếu. Cắt đùi kẻ khác để thể hiện lòng hiếu, đấy là đại nghịch, huống là giết hại ư? Chính mình cũng nên kiêng giết, ăn chay. Nếu nói “ở trong giới buôn bán, mọi chuyện chẳng tiện” thì đấy là vì miệng bụng chưa quên được [cảm giác thỏa thích khi ăn thịt]. Nếu chẳng mong mỏi vị ngon thì rau xanh, dưa muối một hai thứ, chẳng lẽ người ta không bằng lòng xếp dọn cho ông ư?

Nói đến chuyện vọng ngữ thì chẳng được coi hệt như nhau. Nếu là chuyện không quan trọng khẩn yếu thì vẫn chưa phạm lỗi lớn; chứ nếu là chuyện quan trọng khiến cho người khác bị hỏng việc thì quyết chẳng thể [nói dối]. Chuyện nặng đã không nên làm, cớ sao đối với chuyện nhẹ lại đặc biệt làm? Do vậy biết rằng: Gọi là “vọng” vì hoàn toàn xuất phát từ vọng tâm.

Ông muốn quy y, nay đặt pháp danh cho ông là Tông Thận. “Thận” (愼) tức là giữ gìn, nuôi dưỡng tấm lòng phản tỉnh, quán sát, khắc chế ý niệm. Xưa kia do mất niệm nên thành cuồng, nay há chẳng thể khắc chế ý niệm để thành thánh ư? Tâm thể của thánh hay cuồng vốn tương đồng, nhưng tâm tướng, tâm dụng của thánh và cuồng khác biệt vời vợi như trời với đất. Cho nên nói: “Thánh mất niệm thành cuồng, cuồng khắc chế được ý niệm bèn thành thánh”. Mạnh Tử nói: “Nhân giai khả dĩ vi Nghiêu – Thuấn; dĩ Nghiêu – Thuấn chi sở dĩ vi Nghiêu – Thuấn, hiếu đễ nhi dĩ” (Ai cũng có thể là Nghiêu Thuấn. Sở dĩ Nghiêu – Thuấn có thể trở thành Nghiêu – Thuấn chỉ vì hiếu đễ mà thôi!) Phật dạy: “Nhất thiết chúng sanh giai đương tác Phật” (Hết thảy chúng sanh đều sẽ thành Phật). Ví như một trang giấy trắng, vẽ hình Như Lai thì chính là Như Lai, vẽ hình kẻ ăn mày thì là ăn mày! Hãy nên thận trọng từ lúc ban đầu sẽ chẳng đến nỗi trên là cô phụ sự giáo hóa của Phật, dưới chẳng phụ bạc tánh linh của chính mình.

Cõi đời gần đây nguy hiểm muôn phần, hãy nên khuyên người nhà niệm Phật và niệm Quán Âm để làm kế dự phòng. Đối với mẹ ông, hãy nên cực lực khuyên cụ chuyên tu Tịnh nghiệp, cầu sanh Tây Phương. Quang già rồi, tinh thần chẳng đủ, chớ nên thường gởi thư đến. Thường đọc Văn Sao, Gia Ngôn Lục thì chẳng cần phải viết thư xin tôi khai thị. Nhưng đấy là ước theo chuyện tu Tịnh Độ mà nói; nếu không giết chết cái tâm vọng tưởng, cứ muốn làm một vị đại thông gia, mong ở trước mặt người khác tuyên nói, phô diễn trí thức của chính mình thì chuyên theo [học hỏi với] một vị pháp sư chắc vẫn chưa thể mãn ý, huống là [chỉ đọc] mấy cuốn sách ấy ư? Trộm sợ rằng ông không thể làm một vị đại thông gia được, mà sự tu trì của ngu phu ngu phụ cũng bỏ luôn thì kết quả chẳng thể nào tưởng tượng nổi đâu! Xin hãy rất cẩn thận!