NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Châu Thiện Xương
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Châu Thiện Xương

(thư thứ nhất)

Trần Vĩnh Dự gởi thư đến cho biết ông côi cút từ bé. Gần đây, do mẹ qua đời, cảm nhận xác thân lẫn cõi đời vô thường, muốn báo ân cha mẹ bèn ăn chay niệm Phật. Đấy có thể gọi là “đã hiểu được đạo hiếu!” Đạo hiếu do người đời thường thực hành đều tăng thêm tội lỗi cho cha mẹ ([cha mẹ còn] sống thì sát sanh để phụng dưỡng, nếu mất thì sát sanh để cúng tế và đãi đằng những người đến phúng điếu. Chỉ mong sướng tai, khoái mắt, ngon miệng, vừa bụng người khác, chẳng tính đến chuyện gây phiền cho cha mẹ gánh tội nơi chín suối[1], chẳng đáng buồn sao?) Kẻ phàm tục coi làm vậy là hiếu, chứ thật ra là lòng hiếu theo kiểu đại bất hiếu! Hiếu kiểu đó đối với chính mình lẫn cha mẹ đều vô ích, chỉ đổi lấy lời khen ngợi xuông của tục nhân vô tri mà thôi! Nhưng ông vẫn còn có bà nội và bà nội kế, hãy nên khuyên họ đều cùng ăn chay niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì mới có ích. Nếu đợi họ chết rồi mới sẽ vì họ niệm Phật, sao bằng thừa dịp này khuyên họ tự niệm? Lại còn đem công đức niệm Phật của ông để hồi hướng cho họ, mong họ tiêu trừ túc nghiệp, tăng trưởng thiện căn, còn sống thì khỏe mạnh, yên vui, mất liền cao đăng cõi sen; đấy là lợi ích chân thật!

Ông đã phát tâm quy y, nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Xương; nghĩa là dùng trí huệ để làm cho pháp môn Tịnh Độ được hưng thịnh, rạng rỡ, tự lợi, lợi người, cùng sanh về Tây Phương. Người niệm Phật ắt phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, giữ tấm lòng tốt, nói lời lành, làm chuyện tốt, sanh lòng tin, phát nguyện trì danh hiệu Phật cầu sanh Tây Phương. Dùng những điều này để tự hành, lại còn đem những điều ấy dạy cho người khác. Phàm những ai qua lại với ta đều nên đem những điều này giáo hóa họ, nhất là hãy nên khuyên vợ ông tu trì.

Thế đạo hiện thời nguy hiểm muôn bề. Người thường niệm Phật cố nhiên chẳng đến nỗi không tìm được lối thoát trong cảnh nguy hiểm. Hơn nữa, nữ nhân thường niệm Phật sẽ tránh được sản nạn. Nếu gặp lúc sanh nở, hãy nên niệm “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát” ra tiếng rõ ràng thì sẽ an nhiên sanh nở. Dẫu khó sanh tới cùng cực, người đã gần chết, dạy người ấy niệm Quán Âm và những người chăm sóc cũng như mọi người trong nhà đều lớn tiếng niệm thì không một ai chẳng lập tức sanh ngay, an nhiên sanh nở.

Hãy nên đem lời này bảo khắp hết thảy mọi người, chẳng những [người mẹ] không bị khổ vì sản nạn, mà con cái sanh ra đều hiền thiện. Đừng nói “lõa lồ bất tịnh, niệm [danh hiệu Bồ Tát] sợ mắc tội!” Cần biết rằng: Đấy là lúc không làm thế nào khác được, chẳng thể cung kính, khiết tịnh; chứ không phải là không chịu cung kính, khiết tịnh! Chỉ nên giữ lòng Thành trong tâm, đừng quan tâm đến tướng bên ngoài. Lời tôi vốn xuất phát từ kinh Phật, chứ không phải tự nêu ý kiến, tự ức đoán. Mong hãy an tâm hành theo, khiến cho mọi người đều cùng được lợi ích. Những pháp tu trì khác đã được nói tường tận trong Gia Ngôn Lục. Hãy đọc kỹ sẽ tự biết, nên ở đây không cần ghi chi tiết.

(thư thứ hai)

Thư ông và thư của Trần Huệ Cung đều nhận được cả. Mười hai đồng hương kính cũng nhận được rồi. Chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay ai nấy đều đã gieo thiện căn; do vì không có người đề xướng nên đến nỗi thiện căn chẳng thể phát sanh, đáng tiếc thay! Người đời cầu con, chẳng biết trước hết phải đoạn dục, bảo dưỡng thân thể cho cường tráng. Ngày ngày thường làm chuyện vợ chồng mà chưa chết tức là may mắn quá đấy! Làm như vậy, dẫu có sanh được con thì hoặc là nó chẳng thể sống thọ, hoặc yếu ớt không thể làm được gì, đều là vì chẳng biết vun bồi nơi căn bản vậy! Nếu vợ chồng ông tuân theo nghĩa này, chắc chắn sau này sẽ sanh được đứa con phước đức trí huệ, đừng nên vội vàng! Đoạn dục càng lâu càng tốt. Hai vợ chồng phải cùng vì đại sự kế thừa tổ tông mà vâng giữ điều răn này, chớ đừng chưa đầy một hai tháng liền muốn gần gũi. So với những kẻ chẳng tiết dục tuy tốt hơn, nhưng vẫn là Tiên Thiên chẳng đủ, đứa con quyết chẳng thể có thành tựu được!

Bà nội của ông đã phát tâm niệm Phật, hãy nên thường nói với cụ về lợi ích niệm Phật vãng sanh. Nếu có thể làm cho nhị vị tổ mẫu (tức bà nội ruột và bà nội kế) đều được vãng sanh thì mới đáng gọi là “trọn hết phận làm con!” Nay đặt pháp danh cho bà nội ông là Đức Thuần, nghĩa là tâm tu trì Tịnh nghiệp thuần thành, chuyên dốc, khẩn thiết mong cầu. Pháp danh của bà nội kế là Đức Định, nghĩa là nhất tâm niệm Phật, quyết định cầu sanh, trọn chẳng ngờ vực hay biếng nhác! Vợ ông pháp danh là Huệ An, nghĩa là nhất tâm cầu sanh về thế giới An Lạc, tự lợi, lợi tha. Những điều khác đã nói cặn kẽ trong Văn Sao. Cuối tháng, tôi sẽ gởi bức thư dài đến (tức Một Bức Thư Trả Lời Khắp), ở đây không nói nhiều!

Bà nội ông tâm tha thiết mong có chắt, tôi dạy ông ba cách, nếu vợ chồng ông có thể hành theo đó, chắc chắn sẽ sanh được đứa con có phước, sống thọ, thông minh, trí huệ:

1) Một là vợ chồng hằng ngày thường lễ bái, trì niệm thánh hiệu Quán Âm.

2) Hai là phải giữ lòng từ thiện, làm chuyện lợi người giúp vật cho nhiều.

3) Ba là vợ chồng mỗi người ở riêng một phòng, đoạn tuyệt chuyện ăn nằm. Đợi đến khi thân thể đã được bảo dưỡng mạnh khỏe, chờ cho vợ sạch kinh xong, vào đêm trời trong, khí rạng, sẽ ở với nhau một đêm, ắt sẽ thụ thai. Từ đấy mỗi người vẫn ở riêng phòng, đừng ngủ chung với nhau nữa.

Do niệm Quán Âm nên đứa con ấy ắt có thiện căn, thông minh, trí huệ. Do giữ lòng từ thiện, thường làm những chuyện cứu giúp nên đứa con ấy ắt thọ. Do thân thể được dưỡng cho khỏe mạnh nên thân thể đứa con ắt được mạnh mẽ. Do vừa thụ thai chẳng ở chung phòng nữa, đứa con ấy vĩnh viễn không bị thai độc và ghẻ chốc, lên sởi v.v… Đấy là đạo “cầu con ắt được”!

Nếu hằng ngày ngủ chung với vợ, thường cùng ăn nằm, chắc sẽ đến nỗi mất mạng. Dẫu có sanh con, chắc khó trưởng thành được, không làm gì được; bởi lẽ, Tiên Thiên chẳng đủ, tinh thần lẫn tài trí đều chẳng sung túc. Người đời chẳng hiểu rõ lý này, ắt sẽ nghĩ thường chung đụng với vợ để sanh được con. Lầm lẫn quá lớn! Xin hãy đem nghĩa này nói với bà nội của ông ngõ hầu hơn một năm sau sẽ sanh được con vậy!

(thư thứ ba)

Thư và trước sau hai mươi đồng đều nhận được đầy đủ, pháp danh của mười bốn người được viết trong tờ giấy khác. Hãy nên bảo bọn họ ai nấy giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, kiêng giết, ăn chay, niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì mới là đệ tử Phật thật sự. Quang mục lực chẳng đủ, gởi cho họ một gói Niệm Phật Khẩn Từ, xin hãy đưa cho mỗi người một quyển, bởi trong sách ấy có quy tắc niệm Phật và Một Lá Thư Trả Lời Khắp, có ích rất lớn! Cúng giỗ tổ tông đổi sang dùng cỗ chay, công đức rất lớn. Quang từ Thượng Hải trở về đã hơn một tháng mà trọn chẳng được rảnh rỗi chút nào! Lời tựa cho cuốn sổ [quy định] Tế Lễ [của dòng họ][2] hiện thời không rảnh rỗi [để viết]. Nếu sau này được rảnh, sẽ viết rồi gởi tới. [Khi nhận được, ông hãy] nhờ người viết chữ đẹp chép [lại bài tựa ấy] cho ngay ngắn, rõ ràng, khuyên, điểm, chấm câu để người đọc vừa xem liền hiểu rõ ngay. Lại còn đem bản thảo ấy gởi cho Phật Học Thư Cục ở Thượng Hải để đăng trên bán nguyệt san, may ra sẽ có người tiếp tục hành theo!

 (thư thứ tư)

Hôm trước, ông Nhậm đến đây, cầm theo thư của ông và hai món thức ăn, cảm ơn! Đãi khách bằng món chay ấy là đại kính; dùng sát sanh để đãi khách thật rất thiếu ý cung kính, nhưng thế tục quen thói, ngược ngạo coi đấy mới là kính, đáng thương xót lắm thay! Người đời nay phần nhiều thích xây cất lớn, cứ hở ra là muốn xây dựng. Do muốn xây dựng nên đụng chạm đến quan chức địa phương, người lo việc lại ngạo mạn, cứ suy ra cũng biết. [Địa phương ra lệnh] ngăn cấm cũng là điều tốt. Nếu không, thanh thế ngày càng lớn, có thể bị đại họa. Do con người hiện thời chẳng rõ nhân quả, quan lớn phần nhiều chẳng xét kỹ. Nếu đắc tội với kẻ tiểu nhân, hắn liền bịa đặt gán ghép, không cách nào chống đỡ được! Từ trước đến nay, Quang chẳng đề xướng xây dựng một cơ sở nào! Dẫu có ai muốn nhờ vào đấy để đề xướng thì cũng nên xây nhỏ đừng xây lớn để kẻ đố kỵ khỏi mượn cớ vu vạ! Trong Văn Sao có bức thư gởi cho ông Vương Dữ Tiếp[3], hãy đọc sẽ biết.

Quang mục lực càng suy kém hơn là vì tuổi già, tinh thần suy nhược; chứ còn ăn uống, cử động vẫn chẳng khác gì trước kia. Thầy Minh Đạo mất, Hoằng Hóa Xã cũng giao về cho Quang chủ trì. Thầy ấy khéo mộ duyên, Quang cả đời chẳng thích mộ duyên. Tùy theo sức của tôi, nếu có người giúp đỡ tiền tài thì làm lớn, không có ai giúp đỡ thì làm nhỏ, miễn sao ta – người đều thoải mái là được rồi. Thời cuộc nguy hiểm, hãy nên khuyên người nhà và người làng cùng niệm Phật hiệu và danh hiệu Quán Âm để làm kế dự phòng. Mối họa lúc này khác với thuở xưa, trốn tránh cũng không được, đề phòng cũng không xong; trừ cách niệm Phật và niệm Quán Âm ra, không có cách thức tốt đẹp nào khác! Lại còn phải nghiêm túc dạy dỗ con cái, lúc chúng mới bắt đầu hiểu biết liền chú ý ngay, chứ để chúng lớn hơn một chút sẽ chẳng nghe theo lời dạy đâu!

Người thông minh trong thế gian thường cho là mình thông minh hơn đời, không chi chẳng biết! Vì thế, xưa kia đã có câu: “Nhất sự bất tri, Nho giả sở sỉ” (Một chuyện không biết, nhà Nho hổ thẹn). Lời ấy vẫn là lời nói xuông! Vì sao vậy? Nếu chuyện gì cũng biết, ai có thể tự biết chính mình? Chính mình còn không biết, sao lại tự phụ là không chuyện gì chẳng biết? Hiền Anh đời trước cũng có thiện căn, vì thế sanh vào gia đình có chánh tín. Các chị đều quy y, cô ta cũng bắt chước quy y; sau này sẽ trở thành một vị hướng dẫn tốt lành trong chốn khuê các. Nay đặt pháp danh cho cô ta là Tông Hiền. Tông là chủ, là gốc, Hiền chính là Tư Tề Thật Hiền đại sư, vị Tổ thứ chín của Liên Tông[4]. Bài Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn của đại sư cực hay. Quang đặt tên cho cô ta là Tông Hiền là vì muốn cho cô thường nương theo bài [Khuyến Phát] Bồ Đề Tâm Văn mà phát tâm. Đã có thể nương theo bài văn ấy để phát tâm thì tất cả những chấp trước Thường Kiến, Đoạn Kiến sẽ chẳng cần phải phá mà tự tiêu diệt không còn sót.

Nay gởi cho cô ta một bộ An Sĩ Toàn Thư, xin hãy đọc kỹ càng, cẩn thận phần chú giải và dẫn chứng của đoạn văn “ta mười bảy đời làm thân sĩ đại phu”[5] và những đoạn vấn đáp để giải trừ nghi ngờ trong các sách Vạn Thiện Tiên Tư, Dục Hải Hồi Cuồng, Tây Quy Trực Chỉ, sẽ chẳng đến nỗi biến mình thành kẻ không có căn bản, tuy tạm sống mấy chục năm, hễ chết liền tiêu diệt chẳng còn, há chẳng đáng thương đến tột cùng ư? Nếu biết thân chết mà thần thức chẳng diệt, coi đó như tuổi thọ, thì [tuổi thọ] nào phải chỉ dài lâu như trời với đất? Nếu chịu tu trì cầu sanh Tây Phương thì đến tột cùng đời vị lai sẽ làm đại đạo sư cho hết thảy chúng sanh, há chẳng phải là bậc đại trượng phu vĩ đại ư? Những câu vấn đáp ấy đều cực xác đáng, ở đây không viết đầy đủ. Lại gởi một bộ Bát Đức Tu Tri[6] gồm hai tập, nếu có thể chiếu theo đó mà giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận thì mới là đệ tử chân thật của đức Phật. Xin hãy nói với cô ta.

Gởi tới chỗ vợ chồng con cái ông Vương Dần Oai tổng cộng bốn gói kinh sách các thứ. Nói đến cùng cực, sự thành tựu của một con người hoàn toàn nhờ được khéo dạy dỗ từ thuở bé, nhưng sự dạy dỗ của mẹ lại chiếm quá nửa. Nếu thuở bé đã mặc kệ cho quen thói thành tánh thì lớn lên khó thể thành tựu chánh khí được!

Lại nói đến ông La X…. Ba bốn năm trước, lão sư Lai Nhất Tiêu [tự khoe] có thể dùng tay hướng về người khác để trị bệnh, sau không có hiệu nghiệm gì vì ông ta dùng tà thuật để huyễn hoặc người đời. Người tin theo ông Tiêu còn ít, sau khi họ La đến [nhập bọn] lại càng được thần thánh hóa hơn: Trong tay [ông La] có thể hiện ra hình tượng Phật, Bồ Tát cho đồng nam, đồng nữ thọ pháp được thấy. Cả một thời, những tri thức có học vấn ở Tô Châu đều học theo pháp ấy. Thoạt đầu [ông La chữa bệnh] hoặc có hiệu quả hoặc không, loại tà thuật ấy gây ra lắm nỗi hiềm nghi. Không giống như ông Tiêu đưa tay hướng về bệnh nhân, họ La dùng hai tay nắn bóp trên thân người bệnh khoảng một tiếng đồng hồ. Về sau, chánh phủ cấm đoán. Họ nói Quang cũng học pháp này, đủ biết họ đã mạo nhận chiêu bài của người khác. Một đệ tử của Phổ Đà đề xướng [cách tu] Mật tông theo kiểu sư Nặc Na[7] tại Nam Xương, bảo hết thảy mọi người rằng Quang cũng quy y Nặc Na! Người nghe liền tới hỏi pháp sư Đức Sâm, mới biết bọn họ dựng chuyện bịa đặt. Hiện nay là lúc tà ma xuất hiện trong cõi đời, chúng ta chỉ nên tự giữ đạo mình, quyết chẳng qua lại với họ. Nếu so đo một phen, bọn chúng sẽ càng thêm quấy nhiễu, báng bổ. Anh là anh, tôi là tôi, anh chẳng phạm đến tôi, tôi quyết chẳng phạm đến anh. Nếu không, chắc chắn chúng nó sẽ muốn bịa đặt, đồn thổi!

[Những sách vở được lưu hành bởi] Minh Thiện Thư Cục do các ông Thái Chấn Thân, Trương Tải Dương v.v… thành lập, quá nửa là các kinh sách ngụy tạo. Ai có tinh thần để quan tâm đến chuyện của họ cho được? Nếu Thượng Phong Quan có chánh tri kiến thì quan tâm đến còn có ích. Nếu không, sẽ đâm ra bị hại, sao lại khổ sở muốn tìm chuyện khổ như vậy?

***

[1] Chín suối (Cửu tuyền): Theo quan niệm thời cổ, Cửu là con số lớn nhất trong những con số căn bản, nên chữ Cửu thường được dùng để hình dung sự nhiều, lớn, cùng cực. Chẳng hạn trong bộ Tố Vấn có câu: “Thiên địa chi chí số, thỉ vu nhất, chung vu cửu yên” (Con số tột cùng của trời đất, khởi đầu bằng một, kết thúc bằng chín). Do đào sâu xuống đất thường thấy mạch nước ngầm nên người xưa tin tưởng dưới mặt đất là những dòng suối chảy ngầm, nên họ gọi chốn sâu thẳm dưới đất là “cửu tuyền”. Hơn nữa, chất đất vùng Hoa Bắc thường có màu vàng xậm nên nước ngầm cũng có màu vàng. Vì thế, chốn âm phủ còn được gọi là “hoàng tuyền”. Cũng có cách giải thích khác là trong Dịch Học, Thổ có màu vàng, thuộc Âm, nên chốn âm phủ gọi là “hoàng tuyền”.

[2] Xin đọc bài “Lời tựa [giãi bày ý nghĩa việc] Cúng Tế Tổ Tiên Bằng Cỗ Chay” trong Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, cuốn Hạ.

[3] Đây là lá thư được đánh số 152 trong Ấn Quang Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên (quyển 2). Xin trích một đoạn Tổ dạy về việc xây dựng như sau: Trộm nghĩ hiện nay thế đạo nhân tâm chìm đắm đến cực điểm, lại thêm quốc khố trống rỗng, thuế má nặng nề hơn trước biết bao lần, vật giá đắt đỏ, dân không lẽ sống, thiên tai, nhân họa liên miên xảy ra. Gặp thời buổi này, muốn hoằng dương pháp đạo thì đối với khắp những người đến hỏi, chỉ nên dạy họ hãy học lấy những nghĩa trọng yếu của Phật. Với cha nói đến từ, với con nói đến hiếu, anh nhường, em kính, chồng xướng, vợ theo, ai nấy tận hết bổn phận để lập nền tảng. Từ đấy, lại thêm trọng lòng kính, giữ lòng thành, đánh đổ ham muốn xằng bậy để khôi phục lễ nghĩa, hiểu nhân rõ quả, mong khỏi luân hồi, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Dù thiên tư cao cũng vẫn cứ hành theo đó. Lúc có dư sức, chẳng ngại nghiên cứu hết thảy kinh luận, dạy cho họ ở trong gia đình, tùy phận tu trì, chẳng cần phải tạo dựng điện đường cho nhiều, cắt đặt nhân viên cho đông, hai bên qua lại bận bịu chức vụ, tốn kém thời gian. Đây thật là cách tương kế tựu kế thích hợp nhất để hoằng pháp hiện thời”.

[4] Ấn Quang Văn Sao Tam Biên ghi ngài Thật Hiền là vị Tổ thứ chín của Liên Tông, trong khi theo các ghi chép về Tịnh Tông hiện thời, Tổ Thật Hiền là vị thứ mười một, Tổ thứ chín chính là ngài Ngẫu Ích. Có lẽ khi ấy hai vị Ngẫu Ích và Hành Sách chưa được đại chúng công cử là Tổ sư của Tịnh Tông chăng?

[5] Đây là một câu nói trong Âm Chất Văn khi Văn Xương Đế Quân tự thuật tiền thân. Trong bộ An Sĩ Toàn Thư, cuốn đầu là Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn Quảng Nghĩa Tiết Lục.

[6] Bát Đức Tu Tri, còn gọi là Đức Dục Cố Sự do tiên sinh Thái Văn Long (tự Chấn Thân) biên soạn vào năm đầu Dân Quốc, bao gồm những câu chuyện đề cao tám đức “hiếu, đễ, lễ, nghĩa, trung, tín, liêm, sỉ”.

[7] Nặc Na Hô Đồ Khắc Đồ (1865-1936) là người huyện Xương Đô, Tây Khang, vốn là người Hán, con trưởng nhà họ Từ ở Xương Đô. Họ Từ là một gia đình nhiều đời theo Hồi giáo. Ông ta được công nhận là Hoạt Phật đời thứ mười bốn của chùa Nặc Na (Nuona) ở Kim Đường thuộc Hồng Giáo Tây Tạng (Cổ Mật – Nyingmapa) lúc mới ba tuổi; được tăng sĩ chùa ấy rước lên ngôi Pháp Vương chùa Nặc Na năm bảy tuổi. Tương truyền, ông ta đã bế quan hơn hai mươi năm để tu Mật Pháp. Do vùng Khang Tạng, Hắc Giáo (đạo Bon – một tôn giáo bản địa cổ truyền của Tây Tạng, người Hoa thường gọi là Bổng giáo) hoạt động rất mạnh, Nặc Na liền suất lãnh quân binh đánh nhau với họ nhiều lần nhưng không thắng. Theo môn đồ, để báo thù, ông ta đã lập đàn Đại Phẫn Nộ Kim Cang Pháp trong vòng sáu năm để sát hại năm vị pháp sư của Hắc Giáo và hơn một ngàn “thổ phỉ” Hắc giáo (Sic! Không rõ đây là loại Mật giáo nào! Nếu là Mật Tông Phật giáo thì vẫn phải tuân theo tông chỉ từ bi của Phật giáo. Khi hành nhân Mật Tông khởi lên tâm tàn độc, dù đã đạt thành tựu thì những thành tựu ấy đều mất hết! Cũng không thể nào nói “vì tâm từ bi mà sát hại người khác” được!) Tổng Đốc Tứ Xuyên thời ấy là Triệu Nhĩ Tốn trọng dụng Nặc Na, giao toàn thể vùng Xương Đô cho Nặc Na cai trị. Sau Cách Mạng Tân Hợi (1911), Trung Hoa Dân Quốc thành lập, Tây Tạng tuyên bố độc lập, chánh quyền Lhasa muốn tách Xương Đô khỏi ảnh hưởng Trung Hoa. Chính Nặc Na đã cùng với các tướng Bành Nhật Thăng, Trương Nghị Tướng v.v… liên minh đánh bại quân đội của Đại Lai Lạt Ma thứ 13. Do Bành Nhật Thăng đột ngột trở giáo đầu hàng quân Đại Lai Lạt Ma, Nặc Na bại trận, phải trốn khỏi Xương Đô, tập hợp tàn quân, liên kết với đại lạt-ma Giang Kha Tùng Minh tiếp tục đánh nhau với quân Tây Tạng, nhưng lại thua trận, bị giải về Lhasa, bị giam cầm dưới địa huyệt nhiều ngày. Về sau, Nặc Na thừa cơ trốn thoát qua Nepal (Các tín đồ bịa chuyện ông ta dùng thần thông tàng hình ra khỏi nhà lao). Trong quá trình lang thang khất thực, do dâng thuốc chữa lành bệnh cho con gái tiểu vương trong vùng nên được vị vua ấy giúp đỡ đưa sang Ấn Độ. Ở Ấn Độ một thời gian, ông ta ngồi thuyền sang Trung Hoa tới Hương Cảng rồi lên Bắc Kinh vào năm 1924. Nặc Na nhiều lượt đến cầu cạnh Mông Tạng Viện và Chấp Chánh Phủ của Trung Hoa Dân Quốc, xin họ cấp viện binh để giành lại Tây Khang, nhưng do không thông tiếng Hán, quần áo rách nát nên Nặc Na luôn bị đối xử lãnh đạm, xua đuổi. Về sau, gặp được Lý Huyền của Chấp Chánh Phủ giúp đỡ, đưa về sống ở Ung Hòa Cung, tiến cử lên Đại Chấp Chánh Đoàn Kỳ Thụy. Cũng trong năm ấy, do tranh chấp quyền bính với Đại Lai Lạt Ma, Ban Thiền Lạt Ma phải tỵ nạn sang Trung Hoa. Liên kết với Ban Thiền, Nặc Na vận động, dựa vào thế lực quân đội Quốc Dân Đảng, trở về Trùng Khánh (Tứ Xuyên) để mưu chiếm lại Tây Khang. Năm 1928, Nặc Na được chánh quyền Nam Kinh cử làm Ủy Viên của Mông Tạng Ủy Viên Hội tại Bắc Kinh. Rồi được cử làm Tây Khang Tuyên Úy Sứ vào năm 1935 và mất vào năm sau tại Trùng Khánh trước khi hoàn thành giấc mộng tái chiếm Tây Khang. Hiện thời, những môn đồ của ông ta tạo thành một tông phái riêng với danh xưng Tây Tạng Hồng Giáo Viên Giác Tông. Thủ lãnh hiện thời của giáo phái này là thượng sư Trí Mẫn và Huệ Hoa, hoạt động rất mạnh tại Đài Loan và Bắc Mỹ nhờ tuyên truyền nhị vị Thượng Sư có thể chú nguyện khiến cho tín đồ được vãng sanh Cực Lạc, lưu xá-lợi đủ màu. Phái này sùng bái Thượng Sư đến mức đặt hình họ ngang hàng với các vị Phật, Bồ Tát trên bàn thờ!