NHÂN QUẢ PHỤ GIẢI LƯƠNG HOÀNG SÁM
TẬP I
Biên giảng: QUẢ KHANH
Hạnh Đoan Lược dịch
CHƯƠNG 7 – NÓI RÕ QUẢ BÁO
Vì ác nghiệp mà phải đọa trong ba đường dữ, đi khắp ác thú, sinh ra ở nhân gian phải chịu quả báo đau khổ. Quả khổ này đều do nhân đời trước chiêu cảm nên xả thân này chịu thân khác cứ trả báo mãi mãi không thôi.
Bởi thế chư Phật và Bồ-tát dùng thiên nhãn xem, thấy chúng sinh trong ba cõi khi hết phước rồi, cứ theo nghiệp mà đọa vào các chỗ khổ. Thấy chúng sinh từ cõi trời vô sắc giới hết phước mạng chung, đọa xuống cõi trời dục giới. Vì hết phước nên có khi cũng đọa làm cầm thú. Những chúng sinh ở cõi trời sắc giới, khi hết phước phải đọa, từ chỗ thanh tịnh đọa xuống dục giới là chỗ không thanh tịnh, từ chỗ không thanh tịnh lại thọ dục lạc. Chúng sinh ở sáu cõi trời dục giới khi hết phước cũng đọa xuống địa ngục chịu vô lượng khổ.
Chư Phật và Bồ-tát nhìn thấy chúng sinh nhân gian, nhờ tu thập thiện được sinh làm người. Nhưng thân người có lắm khổ, khi mạng chung phần nhiều lại đọa vào các đường ác.
Lại thấy chúng trong cõi súc sinh chịu lắm khổ, bị đánh đập, chở nặng, đi xa, nếm đau đớn cắt da, chịu trầy vai trợt cổ, bị sắt nung đóng dấu. Lại thấy cõi ngạ quỷ thường đói khát, hằng bị lửa thiêu thân. Nếu không có chút thiện, vĩnh kiếp không thể giải thoát. Nếu có được chút phước, thì được sinh lên làm người nhưng thân hình gầy yếu, nhiều tật bệnh và bị yểu mạng chết non.
Giải thích:
Do thời gian bất đồng, một ngày ngắn ngủi tại nhân gian thì ở địa ngục có thể là trăm ngàn năm rồi.
Có người lý luận: “Tôi mà chết rồi, thì sẽ nhờ con cái siêu độ cho, nên bây giờ dẫu ăn chút thịt nào có nhằm gì”. Ai mà ôm quan niệm này, xin hãy xem Kinh Địa Tạng, trong đó ghi rõ:
“Đều là do chúng sinh trong cõi Diêm Phù Ðề làm những điều ác mà tùy nghiệp chiêu cảm ra những địa ngục như thế. Nghiệp lực rất lớn, có thể sánh với núi Tu di, có thể sâu dường biển cả, có thể ngăn đạo thánh. Vì thế chúng sinh chớ khinh điều quấy nhỏ mà cho là không tội, sau khi chết đều có quả báo dầu đến mảy mún đều phải chịu lấy. Chí thân như cha với con, mỗi người cũng theo nghiệp của mình mà đi khác đường, dầu có gặp nhau cũng chẳng bằng lòng chịu khổ cho nhau”.
Người sát sinh, tạo nghiệp xấu nhiều, một khi chết đi sẽ lập tức đọa vào địa ngục, không cần mang thân trung ấm trải qua 49 ngày chờ đầu sinh.
Cho nên tôi khuyên các bạn, đã tin Phật rồi thì nên mạnh dạn dứt tuyệt đồ mặn, nguyện ăn chay trường, hãy từ bỏ và đừng ỷ y vào thuyết có thể ăn tam tịnh nhục. Bởi vì đây là phương tiện tạm Phật dành cho người sơ học do không thể một lần dứt tuyệt đồ mặn ăn chay trường nên tạm cho họ phương tiện, để họ dần dần sinh khởi từ tâm. Trước tiên cho họ tịnh tay, nhãn, nhĩ nghĩa là tạm được ăn ba loại thịt không do mình ra tay giết, mắt không thấy người giết, tai chẳng nghe tiếng vật rên xiết lúc bị giết. Gọi đây là tam tịnh nhục và khuyên họ ăn chay mười ngày trai, tất cả đều là phương tiện tạm mà thôi.
Sám văn:
Đại chúng nên biết: Thiện ác như hai bánh xe lăn chưa từng tạm nghỉ, quả báo cũng tiếp nối xoay vần không dứt. Sang quý bần tiện, tùy nghiệp tạo ra, đều do gieo nhân nên mới chiêu quả. Vì vậy kinh nói:
Làm người giàu sang, quốc vương, trưởng giả là do đời trước lễ bái phụng sự Tam bảo.
Làm người đại phú là do đời trước bố thí.
Làm người sống lâu là do đời trước giữ giới bất sát.
Làm người xinh đẹp là do nhẫn nhục.
Làm người có tài, sáng suốt, hiểu rộng thấy xa là do tu trí huệ.
Làm người có âm thanh trong trẻo là do hay ca vịnh tán thán Tam bảo.
Làm người sạch sẽ không bệnh là do có từ tâm.
Làm người cao lớn xinh đẹp là do nhân khiêm cung.
Làm người thấp lùn là do tính kiêu căng, khinh người.
Làm người xấu xí là do hay sân giận.
Làm người ngu si là do không chịu khó học hỏi.
Làm người đần độn là do không chịu dạy bảo người.
Làm người câm ngọng là do đời trước hay nói lời dối gian, hủy báng Tam bảo.
Làm người hạ tiện, bị kẻ khác sai khiến là do đời trước mắc nợ người không trả.
Làm người da đen xấu xí là do đời trước ngăn che ánh sáng quang minh của Phật.
Giải thích:
Để ấn chứng câu làm người đại phú là do bố thí mà nên tôi xin kể câu chuyện Phạm Trọng Yêm:
Lúc Phạm Trọng Yêm hai tuổi thì cha mất. Mẹ ông do nhà nghèo nên bất đắc dĩ phải tái giá. Khi ông tạm lớn chút, hiểu việc rồi, liền gạt lệ từ biệt mẫu thân đến ở nhờ nơi Phật tự khổ học.
Cũng nhờ thiện duyên này, mà từ nhỏ sớm được nghe Phật pháp, nhờ ông cần khổ phấn đấu, siêng năng học tập. Lớn lên lại có tính ưa bố thí hành thiện, rộng gieo phúc điền.
Lúc ông làm quan thì lo tu sửa chùa, cúng dường chư Tăng tại xứ đó.
Hồi Phạm Trọng Yêm còn ở chùa học tập, từng phát hiện ra cái hầm chôn dấu vàng trong chùa nhưng ông không chiếm lấy, mà cho lấp lại che như cũ, chẳng lấy một tơ hào.
Đến lúc ông ra làm quan, khi tăng chúng cần trùng tu chùa hư nát, cầu cứu ông, ông mới bảo tăng nhân trong chùa, hãy lấy vàng này ra tu bổ tự viện.
Vào cuối đời, ông lại hiến nhà mình cho tự viện, bổng lộc mấy mươi năm dành hết vào việc tạo phúc điền, hành thiện tích đức.
Ông từng thiết lập Nghĩa Điền để cung cấp nuôi dưỡng ba trăm hộ con em nhà nghèo. Khi ông nghe thầy phong thủy nói nhà ông tại Tô Châu có phong thủy tốt, đời con cháu ắt sẽ làm nên chức công khanh, thì lập tức cho đổi nhà này thành trường, thu nhiều con em đến học, lấy đây làm cơ sở giáo dục đào tạo nhân tài cho quốc gia. Tục ngữ có câu giàu không quá ba đời, nhưng gia tộc Phạm Trọng Yêm lại hưng vượng 800 năm, 4 con Phạm Trọng Yêm không những quý hiển đến chức công khanh, có đạo đức tột cao, mà còn luôn noi theo phong cách của cha xả tài cứu đời, con cháu họ làm quan tại triều nhiều đời không dứt.
Nhân quả báo ứng chân thật không dối, như bóng theo hình, chưa từng đình chỉ.
Hôm nay chúng ta được tướng mạo cao đẹp, giàu sang phú quý đều nhờ nhân lành đời trước đã gieo, nên mới chiêu cảm quả tốt như thế.
Chỉ có người y theo Phật pháp tu hành, mới có thể chuyển biến vận mệnh không tốt của bản thân, chẳng phải đời này tu đến đời sau mới có thể chuyển, mà là tùy theo sự minh lý của bản thân và mức độ đoạn ác tu thiện, mà vận mệnh sẽ bắt đầu phát sinh thay đổi ngay trong hiện tại. Không những ác bệnh tiêu, sự nghiệp thuận lợi, mà ngay cả dung mạo, thân thể địa vị đều có thể chuyển biến.
Thường giảng Phật pháp, da đen sẽ dần biến thành trắng, thường niệm Phật, xướng danh Phật có thể khiến âm thanh chuyển thành hay, dễ nghe. Người thường dùng hoa tươi cúng Phật, dung mạo sẽ đổi thành mỹ lệ trang nghiêm, người ác cũng sẽ đứng xa mà kính.
Hiện nay trong nước, tôi nghe kể không ít người nhờ ăn chay tụng Kinh Địa Tạng, tuy bệnh hoạn, dù chẳng trị lại không cánh mà bay. Còn có nhiều thai phụ vì thai nhi tụng Kinh Địa Tạng thảy đều sinh con khỏe mạnh, thông minh, như ý. Bạn đừng cho đây là chuyện thần thoại hay là chuyện hoang tưởng, không tưởng! Xin hãy tìm xem các cuốn “Báo Ứng Hiện Đời”, những chuyện tôi kể ghi trong đó toàn là người thực việc thực.
Được người trong cuộc đồng ý, tôi xin đăng thư một vị độc giả cư sĩ gửi cho tôi, mục đích là để chư pháp lữ và người có bệnh hiểu rõ nhân quả, nghiêm túc tuân giữ ngũ giới, dứt mặn ăn chay, chí thành sám hối các tội đã làm, như vậy mới có thể tu hành chánh đạo, khiến ác bệnh hồi phục.
Thư này họ viết cho tôi, nhưng do muốn độc giả tin thư này hoàn toàn là sự thật, nên tôi chép y nguyên văn. Nhưng trước khi in, tôi có cho đổi tên địa điểm và danh tính thực của người trong cuộc, hầu tránh phiền toái cho đương sự.
Hơn nữa có những từ người viết dành cho tôi quá tán dương nhưng tôi biết mình rất rõ, nếu không phải do tôi may mắn được gặp Phật pháp thì có thể tôi sớm đã đọa địa ngục rồi, tôi tuyệt không dám nhận những lời này và không dám có chút tâm kiêu mạn tự đại.
Sau đây là nguyên văn lá thư:
Giáo sư Quả Khanh tôn kính, vạn an!
Tôi năm nay 37 tuổi.
Vào mùa thu năm 2000, tôi phát hiện ngực mình có khối u, bác sĩ chẩn đoán khối u đang phát triển sinh sôi, từ đây tôi bắt đầu chữa trị.
Đến mùa xuân năm 2006, khối u nơi ngực tăng lớn dữ và lan đến phía dưới nách, tôi đi Bệnh viện Nhân dân thành phố khám, kết quả là bị ung bướu tuyến sữa.
Ngày mồng 6 tháng 3 năm 2006, tôi nhập viện tiến hành phẫu thuật cắt bỏ ngực, tổng cộng trị liệu khoảng 6 lần. Trong thời gian trị liệu tôi làm theo lời hướng dẫn của cha mẹ, hằng ngày tụng mười biến Chú Đại Bi, một bộ Kinh Địa Tạng.
Vào ngày 25 tháng 7 thì tôi qui y Phật môn. Đồng thời thỉnh các sư cùng cư sĩ tụng hai đợt Kinh Địa Tạng, mỗi đợt tụng 108 bộ.
Nào ngờ đến trung tuần tháng 8 lại phát hiện mình có thêm mấy khối ung bướu nhỏ. Theo như bệnh viện thành phố chẩn đoán là bướu đã lan đến gáy. Lập tức phải cho xạ trị các vùng gáy, ngực và phối hợp với uống thuốc. Bác sĩ xác định:
– Một khi ung bướu lây lan, muốn trị lành thì hy vọng không cao, cho dù có xạ trị thì cũng không thể tiêu trừ ung bướu.
Lúc này tôi và thân nhân đều rơi vào kinh hoàng, tôi như người không còn hồn vía đang rơi vào hố thẳm tuyệt vọng, cảm giác như tử thần đang từng bước tiến đến sát bên uy hiếp mình. Đã tiêu tốn hơn tám vạn rồi, mà không thể trị lành bệnh. Cha mẹ tôi đều là người tin Phật, niệm Phật. Họ đã nhiều lần suy nghĩ: Vì sao đã niệm Phật, tụng biết bao kinh chú, cũng đã tổ chức lễ siêu độ cho các oan gia trái chủ rồi, nhưng do đâu mà không đạt được cảm ứng? Nhất định là chúng tôi có làm sai chỗ nào đó.
Trong lúc lâm vào đường cùng, tâm rối như tơ, vô phương giải quyết, thì cha tôi sực nhớ đến người bạn đạo là Chu cư sĩ, ông quyết định dù thế nào cũng phải tìm cho bằng được Giáo sư Quả Khanh, để cầu ngài giúp đỡ, giải thích cho chúng tôi hiểu nguyên nhân là do đâu?
Nhờ nhóm cư sĩ Thượng Hải giúp cho nên cuối cùng hôm mồng 6 tháng 4 thì chúng tôi liên lạc được với ngài.
Khi Chu cư sĩ kể bệnh tình của tôi, ngài rất nhiệt tình, rất từ bi, cho ngay đáp án rằng:
1. Hãy bảo bệnh nhân phải lập tức bỏ mặn ăn chay, nếu vừa ăn mặn vừa tụng kinh thì không thể nào đạt được lợi ích.
2. Phải chân thành tha thiết sám hối, những tội sát, đạo, dâm, vọng đã tạo trong đời này, đặc biệt là các mối quan hệ tình ái lăng nhăng phải sám hối triệt để.
3. Phải liên tục quỳ tụng Kinh Địa Tạng.
4. Người nhà nếu ai bỏ mặn ăn chay cũng có thể tụng Kinh Địa Tạng trợ giúp.
Cơ hội chỉ có một lần, bảo bệnh nhân ngàn vạn lần không nên bỏ qua, đừng làm lỡ mất cơ hội này.
Khi chúng tôi được ngài khai thị như thế rồi, cả nhà đều mừng rỡ và hổ thẹn. Mừng vì gặp được giáo sư cứu tinh chỉ điểm, mạng tôi ắt được cứu. Hổ thẹn là rõ ràng mình biết không nên ăn mặn, đã hiểu rõ tội mình sâu nặng nhưng lại không chân thành sám hối.
Từ lúc được ngài chỉ dạy rồi, hằng ngày tôi tụng Chú Đại Bi, Kinh Địa Tạng. Đêm đến vào buổi khuya yên tĩnh, tôi quỳ trước Phật, Bồ-tát chí thành chắp tay rơi lệ đau khổ thống thiết, sám hối từng tội lỗi mình đã tạo trong đời này, kể ra hết những việc mà không ai hay biết, đồng thời tôi lễ bái ngài Tuyên Hóa, cầu ngài từ bi gia hộ, cứu vớt tôi.
Tôi cứ làm như vậy, thì chưa đến mười ngày, vô tình phát hiện ung bướu của mình đã tiêu, đúng là tật bệnh không cánh mà bay, Phật pháp quả là huyền diệu vô biên, không thể nghĩ lường. Phật lực cũng huyền diệu không thể nghĩ lường!
Tôi đến bệnh viện thăm một số bạn bệnh, bọn họ đều xạ trị nhưng không thể tiêu trừ ung bướu. Bác sĩ khám cho tôi tỏ vẻ vui mừng và vô cùng kinh ngạch, các bạn bệnh thảy đều mừng cho tôi, các bạn đạo đều chúc mừng tôi.
Giáo sư Quả Khanh! Ngài đúng là bác sĩ tài ba đã ban cho toa thuốc thần giúp chữa lành bệnh tôi, thông qua quá trình phát bệnh và lành bệnh này, tôi đã hiểu rõ và tin chắc rằng lời Phật dạy là chân ngữ, thật ngữ, bất vọng ngữ.
Muốn được Phật pháp từ bi gia trì, ắt cần phải tu đúng pháp, y giáo phụng hành. Phải nghiêm trì giới luật, đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện. Chỉ cần đối với những điều mình đã tạo, đã làm trong quá khứ thành tâm ăn năn, hổ thẹn phát lồ sám hối quyết lòng sửa sai không tái phạm, được vậy mới có thể tiêu diệt mọi tai ương bệnh tật, mới có thể chiêu phúc vô lư8ợng.
Giáo sư tôn kính, cảm tạ ngài đã ban cho tôi mạng sống lần thứ 2. Ngay đây tôi xin thay mặt toàn gia đình kính chúc ngài khang kiện trường thọ, gia đình hạnh phúc. Tôi nhất định chăm chỉ tu theo Phật pháp, nguyện làm người thuần thiện, chân chính, thệ nghiêm trì giới luật, tinh tấn tu hành, làm một đệ tử đúng nghĩa, xứng đáng trong Phật môn hầu có thể báo đáp ân ngài và ân chư Phật, Bồ-tát.
Ngày 5 tháng 12 năm 2006
Phật tử Trí Tân xin kính thành đảnh lễ.
Sám văn:
Làm người sinh vào nước lõa hình là do ăn mặc mỏng manh suồng sã, tự cho mình hơn người.
Giải thích:
Chúng ta xem báo đài, thấy đăng tin hiện nay trên thế giới còn vài bộ lạc sống lõa thể, gần giống như người thời nguyên thủy. Vì sao họ có tập quán này?
Ấy là do đời trước họ có tính ưa khỏa thân phô bày trước người, còn kiêu ngạo tự cho là cơ thể mình đẹp, gợi cảm. Họ rất thích hở hang và ưa phơi bày quá mức, thường mặc y phục rất mỏng, ngắn đến nỗi có mặc mà như không mặc, nghĩa là nhìn thấu hết, trông rất suồng sả cẩu thả. Có thể dùng từ đường đột, đường là cẩu thả, đột là đột phá quan niệm thể diện liêm sĩ của con người. Họ luôn tự cho mình là có thân thể khỏe đẹp, khêu gợi hấp dẫn hơn ai hết.
Điều này cũng cảnh báo giới trẻ chúng ta rằng mặc y phục chẳng nên hở hang khoe thân bao gồm mặc bikini của nữ và chỉ mặc quần tam giác của nam. Những dạng ảnh chụp khỏa thân quảng cáo nơi hình bìa hay phụ trang hoặc tờ rơi, mục đích nhằm khơi gợi dâm tâm của người. Nếu bạn không cẩn thận, đời này sau khi chết rồi, trước tiên sẽ phải vào địa ngục, thoát kiếp địa ngục thì làm súc sinh, mãn kiếp súc sinh thì đầu thai vào địa phương ưa sống lõa thể. Trả báo đến lúc nào mới xong? Phải đợi nhưng người do bị các hình ảnh khỏa thân gợi dục của họ mà sinh khởi dâm tâm tu đến không còn dâm tâm nữa thì tội kia mới tiêu!
Đây thực rất đáng sợ. Tôi hoàn toàn không nói dối hay bịa đặt chi đâu! Vì vậy tha thiết xin cảnh báo các nam nữ thanh niên, tuyệt đối không nên vì muốn chinh phục, muốn quyến rũ, muốn chơi nổi mà khoe thân ăn mặc hở hang. Nếu ai có tính này thì cần phải sám hối cho diệt tội, nên kiên quyết sửa đổi ngay.
Sám văn:
Làm người sinh vào nước móng ngựa là do nhân đời trước mang giày dép đi thẳng vào chỗ thờ phụng, tôn nghiêm, luôn tự cho mình cao, ngon hơn người.
Giải thích:
Vào thập niên 80, báo chí có đăng ở miền Tây Trung Quốc có một thanh niên hai chân hướng ra sau, hình dạng giống như móng ngựa, đi rất nhanh.
Năm 2000 truyền hình cũng đưa tin, có một nữ nhi hai bàn chân hướng ra sau, phải lên thành phố làm phẫu thuật.
Đây chính là quả báo sinh nước móng ngựa như trong kinh đề cập. Do những người này đời quá khứ không tin nhân quả, bất kính Tam bảo, từng tỏ thái độ kiêu mạn, để chân còn mang guốc, giày xồng xộc đi thẳng vào đạo tràng, giảng đường, nơi thờ phụng, lộ vẻ ngang nhiên cao ngạo đứng trước người. Hiểu rõ điều này rồi, quý vị nhất định phải cẩn trọng chú ý, không nên tại đạo tràng, giảng đường hoặc nơi tôn nghiêm có những hành vi vô lễ hoặc nói năng ồn ào làm ảnh hưởng tới việc nghe pháp của người, bởi quả báo rất đáng sợ, không thể nghĩ lường.
Sám văn:
Làm người sinh vào nước xuyên ngực là do đời trước bố thí làm phước xong rồi sinh tâm hối hận tiếc của.
Giải thích:
Đến nay trên thế giới vẫn có những bộ tộc mà nam nữ, ưa đeo khoen trước ngực giống như kiểu xỏ lổ tai và cho đó là đẹp. Vì sao họ ưa trang sức kiểu như thế? Là do bởi đời trước người này từng dùng tài vật bố thí cho người, đây vốn là việc tốt tạo phúc điền, nhưng bố thí xong rồi lại hối hận, do có tâm hối hận này mà bị sinh vào nước xuyên ngực. Há chẳng nghe kinh nói khởi tâm động niệm không chi mà chẳng phải là tội hay sao, chỉ một niệm hối hận đó thôi mà cũng lãnh quả báo, nhưng e là những người có tâm hối hận không ít đâu.
Nếu không sám hối thì sao có thể an được?
Sám văn:
Làm người sinh trong loài hưu nai là do đời trước hay dọa nạt, làm người khiếp sợ.
Giải thích:
Câu này rất dễ hiểu, nghĩa là kẻ ưa hành ác, hay bắt nạt khủng bố người, tương lai sẽ sinh vào loài nai, hoẵng nhát gan sợ sệt. Nếu có ý khiến người kinh hoàng, tức phải làm nai, là do tội khủng bố người.
Sám văn:
Sinh trong loài rồng là do cái nhân đời trước ưa trêu chọc (đùa tình).
Giải thích:
Người dâm tâm nặng thường thích trêu hoa ghẹo nguyệt (quấy rối phụ nữ), rất ưa chuyện tình ái lăng nhăng. Chỉ một điểm này thôi, thì kiếp sau khi mất thân người phải đọa vào trong loài rồng. Không phải làm rồng là không hay, nhưng rồng tuy có thần lực, khéo biến hóa làm mưa, song cũng chỉ là loài súc sinh ở trên trời hoặc trong sông biển thôi. Các Long vương hiện hữu ở cõi Ta bà này luôn có ba điều sợ hãi:
1. Rất sợ gió, cát nóng dính thân, nung đốt da thịt, xương tủy.
2. Sợ Long cung bị cuồng phong bão tố nổi lên thổi bay mất y phục trang sức quý, khiến thân rồng phải hiện bày.
3. Sợ lúc vui vẻ khoái lạc tại Long cung bị chim đại bàng cánh vàng đến bắt ăn thịt.
Làm rồng cũng chẳng được tự tại, do lúc làm người có tu, nên loài rồng ưa hộ pháp, rộng hành bố thí. Song cho dù tu thành rồng vàng, có thể trở lại nhân gian làm đế vương, nhưng tâm dâm vẫn rất hừng thịnh. Bằng chứng là vua rất ưa tuyển mỹ nữ, ham chứa gái đẹp đầy tam cung lục viện, nếu cứ mê buông thả tà dục thì sau khi chết rồi phải sa vào ác đạo, trầm luân trong biển khổ sinh tử. Vì vậy phải cẩn trọng lưu ý không nên có tính ưa bỡn cợt đùa tình, mà ngay cả ý niệm tà dâm cũng phải khắc phục không để sinh khởi, luôn giữ tâm đoan chính.
Sám văn:
Thân sinh ghẻ lở dữ là do ưa đánh đập, ngược đãi chúng sinh (đời quá khứ hay dùng roi vọt đánh đập hành hạ người và vật).
Người thấy mình sinh hoan hỷ là do mình thấy người hay sinh hoan hỷ.
Giải thích:
Trong xã hội hiện nay, có nhiều người tính khó cảm thông hay ôm hận nên thường bị cô độc, khó sống hài hòa với người. Chi bằng nên cười hỷ xả, hằng giờ hằng phút dùng tâm hoan hỷ, mỉm cười đối với bất kỳ người nào mình gặp. Dần dà sẽ phát hiện ra giữa mình và người các mối giao hảo đã chuyển tốt và cũng thay đổi được thái độ ưa nhăn nhó, lạnh nhạt vốn có của mình. Đây là diễn tiến theo tự nhiên của luật nhân quả. Thực ra đối với tất cả chúng sinh phải nên từ bi hỷ xả, đây cũng là lời dặn dò của chư vị minh sư dành cho chúng ta.
Sám văn:
Làm người hay bị bắt giam, là do đời trước hay giam nhốt chúng sinh trong lồng trong chậu.
Giải thích:
Đã có người vô duyên vô cớ bị án liên lụy và bị bắt tống giam oan, sau đó qua điều tra họ được phán vô tội và phóng thích. Đây là do đời quá khứ hoặc hiện tại bản thân họ từng giam nhốt chúng sinh.
Tôi từng gặp một nữ Viện trưởng Viện ấu nhi, chồng bà là lãnh đạo một cơ quan nọ. Mấy năm trước, ông bị người vu cáo tham ô nên bị bắt tống giam 3 năm. Sau nhờ điều tra phán ông vô tội và được thả về nhà. Tuy được cấp lương lại nhưng cũng đã nên ba năm tù tội. Bà muốn biết nguyên nhân là do đâu? Tôi hỏi:
– Nhà bà có ưa nuôi chim cảnh không?
Bà kể lúc họ kết hôn, nơi nhà mới có treo lồng chim đủ loài đủ dạng, mãi đến khi chồng bị giam, bà mới tặng hết cho người. Tôi quán sát tìm xem nguyên nhân do vì sao chồng bà bị giam ba năm khổ sở thì thấy rõ từ đời quá khứ đến hiện tại ông rất ưa nuôi chim, do dùng lồng giam cầm chúng sinh mà phải thọ quả báo này!
Ngày 4/7/2007 Thời báo Hoàn Cầu đăng tin như sau:
Ở thôn Êkati thuộc nước Ấn Độ, có một người dân không làm sai bất kỳ điều gì, cũng không phạm lỗi gì với ai, nhưng lại bị giam trong ngục tới 53 năm.
Sau khi được thả ra, ông được bồi thường 1 Ru-bi (tương đương 2,5 USD hoặc 2 hào Nhân dân tệ).
Xin kể thêm câu chuyện do đệ tử ngài Hư Vân là Thích Quán Bổn ghi:
CON CHỒN TRẮNG
Năm Dân Quốc 25, Bính Tý. Sau khi Nam Hoa đã mở Đại giới đàn, truyền ba đàn xong. Lúc sắp giải giới, thì Lâm Quốc Canh – Đoàn trưởng Sư đoàn 16 đang đóng quân tại Tào Khê đến thăm, tay xách cái lồng, trong nhốt một con vật, toàn thân trắng tuyết, điểm lấm chấm đen, lông mướt rượt, mõm nhô, đuôi dài, đích thị là một con chồn. Đoàn trưởng nói:
– Con vật này có lý lịch ly kỳ lắm, mới đầu nó bị thợ săn ở núi Bạch Vân – Quảng Châu bắt được. Người ta kể rằng khi phá bức tường thành Quảng Châu để mở con đường cái thì thấy nó từ trong thành phóng ra và bị bắt.
Bạn tôi mua nó với giá 40 đồng, tính đem về nấu ăn cho bổ và khoái khẩu. Nhưng nhìn thấy mắt nó linh động, long lanh, có vẻ hiểu được ý người nên ông ta không nỡ làm thịt, bèn nhốt lại và đem bán cho Vườn Sở Thú Quảng Châu. Rồi sau đó, tự nhiên ông ta bị bắt, bị tống vào tù mà không rõ nguyên do tội trạng, án cứ lưu như thế mãi mà không ai giải quyết.
Tình cờ, vợ ông ta tham dự một buổi cầu cơ, chưa mở miệng hỏi gì thì đã thấy quẻ chạy, đề cập đúng chóc điều bà đang thắc mắc trong lòng và giải thích rằng ông nhà hiện đang bị nhốt, là do chiêu cảm quả báo của việc bán con chồn cho sở thú giam giữ, còn chỉ cho bà rằng hiện có bậc cao tăng đang chủ trì hoằng pháp tại chùa Nam Hoa, hãy mau đem con chồn đến đó phóng sinh thì người chồng ắt sẽ được thoát nạn.
Bà vợ giật mình cả kinh, vội đem tiền chuộc con chồn. Do Lâm Đoàn trưởng là bạn thân của chồng bà, sẵn dịp ông đang đóng quân ở Tào Khê nên bà nhờ ông mang con chồn đến chùa phóng sinh giùm.
Ngài Hư Vân nghe kể chuyện, liền thu nhận con chồn. Ngài thuyết Tam Quy Ngũ giới cho nó xong thì thả nó ra khu rừng rậm phía sau chùa. Hằng ngày, nó đều vào chùa để Tăng chúng cho ăn. Từ khi thọ giới xong, nó không chịu ăn thịt nữa, chỉ ăn chay và rất thích ăn trái cây. Những người thợ xây chùa muốn trêu chọc nó, họ nhét thịt vào chuối đưa cho nó ăn. Con chồn khi biết mình ăn nhầm liền nhổ ra. Nó dùng móng chân trước cào vào thức ăn, kiểm soát mấy lượt, nhìn tới nhìn lui, mắt lườm mấy ông thợ, tỏ vẻ giận dữ bất bình, vì họ đã dối gạt nó. Sau đó nó bỏ đi thẳng suốt mấy ngày mà không trở về.
Một hôm, do bị người trong làng đuổi bắt, nó leo lên một ngọn cây cao chót vót ngót mấy chục trượng, ôm cành kêu khóc. Chú Sa-di thấy vậy vào bạch với Phương trượng. Ngài Hư Vân liền đi ra đến dưới gốc cây đứng nhìn lên. Vừa thấy Ngài, con chồn liền tuột xuống, đeo ngay vào tay áo Ngài, vẻ rất mừng rỡ. Hòa thượng đem nó về. Sợ nó bị người rình bắt, Ngài đóng cho nó một cái chuồng. Sau đó khi thả vào rừng, nó chỉ đi quanh quẩn trong chùa, không vào rừng nữa.
Một hôm, ông Tưởng Giới Thạch đi cùng mười lính hầu đến thăm chùa nhưng không thấy báo trước. Họ vừa đến cổng Tào Khê thì thấy con chồn, thị vệ định bắn nhưng ông Tưởng ngăn lại. Chồn lúc lắc đầu, ve vẫy đuôi, dắt ông Tưởng đi vào. Đến đại điện, nó chạy như bay vào Phương trượng, cắn áo Hòa thượng kéo xuống lầu gặp ông Tưởng. Nghe kể chuyện đó, ai cũng cười.
Mỗi khi Hòa thượng ngồi thiền, chồn thường nằm dưới thiền sàng. Thấy Hòa thượng nhắm mắt ngồi lâu quá thì nó bắt đầu táy máy, kéo râu Ngài đùa nghịch. Hòa thượng mở mắt nhìn nó, bảo:
– Con có linh tánh, chớ vào rừng, đừng ra ngoài sơn môn hay tới gần nhà dân mà bị bọn trẻ quấy phá!
Một hôm, chẳng biết nó đi đâu mà bị xe cán trọng thương, nằm nhẹp, không đứng dậy nổi. Thấy Hòa thượng đến thăm, nó ráng chìa vết thương ra cho Ngài xem. Hòa thượng biết không cứu được, thương nó đau đớn, bèn khai thị:
“Cái túi da này, không đáng để lưu luyến nữa! Con đừng bám víu vào, hãy buông xả và sám hối tất cả nghiệp duyên quá khứ. Khởi một niệm sai thì phải đọa, phải nhận lấy ác báo, chịu nhiều thống khổ. Giờ đây, quả báo của nghiệp xưa đã mãn, ta mong con nhất tâm niệm Phật, để sớm được giải thoát”.
Chồn hiểu ý, gật gật đầu, kêu lên mấy tiếng, rồi tắt hơi. Thi thể nó để hai ngày vẫn không biến đổi. Hòa thượng nhớ đến câu chuyện Tổ Bách Trượng độ chồn hoang, nên cho tổ chức tang lễ nó như một vị Tăng, chôn nó ở phía Nam núi.
Việc này xem ra ly kỳ, nhưng sở dĩ những điều đó phát sinh trong cuộc sống, nguyên nhân cũng giống như trong sám văn đã tả thôi.
Chúng ta là phàm phu, thường hay lý luận việc nuôi chim, cá là trò tiêu khiển cực kỳ thú vị. Đa số còn có quan niệm ngu muội rằng hễ đã phát tài chút ít thì có quyền ra ngoài giải trí chơi bời hưởng lạc tha hồ bằng cách mua hoa, bao gái và họ lập luận rằng nhà thổ lầu xanh vốn là chốn mua vui, để mình tiêu khiển giải trí. Họ nào biết hưởng phúc kiểu này chính là tạo họa, đâu hay rằng chính hành vi mê tối này đã vô tình tạo nhân xấu khiến họ phải sa vào địa ngục vô biên vô tận, đợi đến khi ác báo trổ trên thân, vô thường ập tới, lúc đó có hối cũng đã muộn!
Sám văn:
Nghe thuyết pháp mà cứ trò chuyện ồn ào làm loạn tâm người thính pháp, sau sẽ đọa vào loài chó tai dài.
Giải thích:
Có nhiều người đến dự pháp hội, không phải vì muốn nghe pháp mà vì muốn trò chuyện bình luận, ưa làm pháp quan, phân tích mổ xẻ. Chỉ cần vừa nghe lời không thuận lỗ tai mình, thì vội vàng luận tam thuyết tứ. Hoặc đến đạo tràng mà không chú tâm nghe, toàn nói chuyện phiếm, gây ồn náo vày quấy nhiễu người nghe pháp. Những người này tương lai sẽ đọa làm chó trong cõi súc sinh, bởi vì loài chó vừa nghe tiếng động, không kịp phân biệt xanh hồng trắng đen chi đã há miệng sủa to, khuấy động sự yên tĩnh bốn bề.
Nếu như đối với người thuyết pháp bị nhiều đàm tiếu thị phi thì nên y pháp chẳng y người. Phải nghiên cứu giáo lý giảng cho đúng lễ, thái độ nên đoan trang cung kính, phương pháp và thời cơ đề phải thích nghi. Đệ tử Phật tuyệt không nên có thái độ bới lông tìm vết hay lộ vẻ vui thích hả hê khi thấy lỗi người. Càng không thể nhân vì một số vấn đề vụn vặt mà đi quấy rối đại chúng đang chăm chú nghe chánh pháp.
Trong xã hội hiện nay, có nhiều người tham dự thảo luận Phật pháp trên mạng và mối liên lạc theo cảnh nói một câu ngàn người nghe, tạo thành ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy điều cần chú ý là phải hết sức cẩn trọng ngôn hạnh, chớ tạo lỗi đàm thoại làm nhiễu loạn người đang cần tập trung nghe pháp.
Sám văn:
Xan tham bỏn sẻn ăn một mình, bị đọa trong ngạ quỷ, sinh làm người thì bần cùng đói khổ.
Giải thích:
Do xan tham bủn xỉn giành ăn lén một mình, bị đọa vào cõi ngạ quỷ, ác báo hết thì chuyển sinh vào nhân gian, sống rất bần cùng, đói khổ.
Năm 1990 ngày nọ, một người bạn đến nhà tôi kể là chị dâu ông vừa chết, tang sự làm xong mới một tuần.
Ông mới nói đến đây thì tôi lập tức thấy ngày một nữ nhân gầy như que củi, đầu rối bù, dập đầu cúi lạy như tế sao, van cầu tôi cứu bà.
Tôi định tĩnh, dòm kỹ hóa ra đây là bà chị dâu đã chết, đi theo ông bạn đến tận nhà tôi. Bởi bà biết rõ về tôi, nên mới đi theo chú em chồng mà đến, mục đích cầu xin tôi cứu bà (những người an chay niệm Phật đều có một vầng kim quang bao phủ, hễ tu càng giỏi, thì kim quang càng dày, càng tỏa ánh sáng ngũ sắc khiến bất kỳ yêu tà quỷ thần gì cũng đều phải kính sợ, không dám xâm phạm).
Tôi hỏi bà:
– Có biết vì sao mình bị đọa vào cõi quỷ chăng?
Bà kể sau khi mình được gả cho nhà đó, bình thường hay nhín ăn nhịn thèm để có được danh tiếng tốt, khiến mọi người chấp nhận cảnh ăn uống đạm bạc. Nhưng tối đến bà và chồng thường lén cùng nhau dùng đồ ngon, ngay cả tết đến cũng chỉ cho mẹ chồng ít đầu cá, cẳng gà.
Do mẹ chồng thoái hưu lương ít, nên hễ cho có một xu thì bà liền nổi nóng gây gỗ cùng chồng, lại do bà sát sinh thái quá, nên mới 40 tuổi thì đã bạo tử tại nhà.
Sau 49 ngày, bà đọa vào cõi quỷ, bây giờ chịu đói tới hai con mắt nổ lửa, khổ hết chỗ nói, chỉ biết cầu xin chúng tôi cứu bà.
Lúc này Quả Lâm vừa nhìn thấy bà, thì đã nhận ra do phạm tội gì rồi, thế là nó liền dạy bà niệm “Nam mô A Di Đà Phật!”. Chỉ niệm ba câu thì bà được đi đầu thai.
Do lúc sống làm người tham lam bỏn sẻn, nên dù được đầu thai vào nhân gian, bà phải sinh làm một người dân nghèo, cả đời sống túng thiếu. Nhưng có điều an ủi là bà sẽ gặp được Phật pháp tu hành và nhờ đây mà chuyển biến vận mệnh. Nếu như không nhờ đi theo chú em chồng, được Quả Lâm dạy niệm Phật và ngay đó thoát thân ngạ quỷ, thì bà phải chờ đến lúc thọ báo kiếp quỷ tận, mới được sinh vào nhân gian, làm kẻ bần cùng khốn khổ, phải đi xin ăn.
Sám văn:
Kẻ đem đồ ăn xấu tệ (ác thực) cho người, sẽ bị sinh làm heo lợn, bọ hung.
Giải thích:
Ác thực là thức ăn ôi thiu biến chất, những ai lấy đồ thúi, cũ… ngụy trang giả làm thức ăn ngon tốt đem cho hoặc bán, tiêu thụ thì tương lai sẽ bị làm heo, bọ hung, chịu quả báo ăn đồ thiu dơ, ôi thúi. Cuối cùng heo còn bị giết ăn thịt.
Bọ hung là loài chuyên vùi đầu ăn phân.
Ác thực là từ ngữ chỉ tất cả thực phẩm có hại cho sức khỏe con người.
Hiện nay đa số người tín ngưỡng kém, đạo đức suy đồi, chỉ biết có tiền, không quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, họ dùng đủ thứ phụ gia hay hóa chất có hại bỏ vào trong thực phẩm, thuốc men khiến vấn đề an toàn thực phẩm trở thành nguy hại nghiêm trọng, rất đáng lo.
Chúng ta cần nỗ lực tuyên truyền nhân quả trong xã hội, cảnh tỉnh và đánh thức lương tâm những người tỉnh bơ đem đồ ác cho người dùng, nếu họ cứ làm vậy, tương lai sẽ bị đọa và cõi xấu thọ khổ báo.
Sám văn:
Cướp đoạt của người, sau đọa làm dê, bị thế gian lột da ăn thịt.
Ưa trộm cướp tài vật của người, sau sinh làm trâu, bò, ngựa bị người sai khiến, hành hạ.
Giải thích:
Làm trâu ngựa chở nặng đi xa, hứng chịu đòn roi của người, đến già không còn làm được, thì bị giết ăn thịt, để trả nợ kiếp trước trộm cướp tài vật của người.
Sám văn:
Ưa nói dối, rêu rao điều xấu của người, sau đọa địa ngục, bị rót nước đồng sôi nóng đỏ vào miệng, bị kéo lưỡi ra cho trâu cày. Đền tội xong thì sinh làm chim cú, ai nghe tiếng nó kêu cũng ghét sợ, cho là yêu quái đem điềm gở tới, đa số đều nguyền rủa mong nó chết.
Giải thích:
Kẻ ác hạnh ưa nói dối, thêu dệt, bịa đặt, rêu rao điều xấu cho người, là tự tạo quả báo đọa địa ngục nặng nề, mãn kiếp địa ngục rồi thì chuyển sinh làm loài chim cú có âm thanh khó nghe, khiến người hoảng sợ chán ghét, họ xếp loại chim này mang điềm bất tường, nên hay nguyền rủa trù chết. Tội ác ngữgian dối, vu rao lỗi người, nếu là bịa đặt vu khống rao lỗi tứ chúng đệ tử Phật (chư Thiện tri thức, đại đức, cao tăng của Phật môn), thì tội này càng nặng, Phật xếp việc nói lỗi tứ chúng là tội nặng trong Bồ tát giới, tuyệt đối phải tránh không phạm.
Có nhiều đoạn trong “Lương Hoàng Bảo Sám” viết “Cù dục” (鴝鵒) là chim bát ca (八哥) là loài chim sáo, nhưng sáo là loài con người rất ưa nuôi, thông minh lanh lợi, giỏi bắt chước tiếng người, rất được yêu thích, nên văn viết cù dục là sai, không hợp. Tôi đã tra trong sách cổ, thấy ghi có loài chim tên cù các (tiếng kêu the thé chói tai). Vậy từ “các” này mới là đúng! Có thể khẳng định rằng chữ “cù các” bị viết thành “cù dục”. Do người cầm bút trong khi sao chép kinh đã viết sai nét nên mới biến chữ “các” (各鳥) thành chữ “dục” (谷鳥) gây ra nhầm lẫn, xin nhắc nhở mọi người lưu ý chỉnh lại cho đúng.
Sám văn:
Người ưa uống rượu say, sau đọa vào địa ngục phẩn trào. Tội hết rồi sinh vào loài đười ươi. Mãn nghiệp, được sinh làm người ngu si, không ai thu dùng.
Giải thích:
Người ưa uống rượu, cả ngày ở nơi bàn nhậu, nếu thích say sưa không bỏ được, thì đời này đa số chết vì rượu, chết rồi lập tức đọa vào ngục phẩn cuộn. Ở nhân gian cũng có những chỗ giống như vậy, là hầm phân của những vùng nông thôn chưa phát triển chứa đầy giòi, giòi cả ngày say sưa bầu bạn với phân giống như người uống rượu, cho rượu là thứ cực ngon, nhưng người không ưa rượu thì nghe hơi xông ra từ kẻ nhậu rất khó ngửi, tanh hôi. Nhất là uống rượu mà còn ói mửa, thì hôi thối không cùng. Do tham đắm vị rượu, bị quả báo chết rồi ăn phân, uống nước giải. Nhân như thế thì quả như thế, tự làm tự chịu. Ác báo này hết, thì đọa làm đười ươi, sau được sinh vào nhân gian, nhưng ngu muội vô trí, bị người khinh khi chán ghét.
Sám văn:
Kẻ tham lam bóc lột sức người, bị sinh làm voi.
Giải thích:
Hay sai khiến, lạm dụng sức người, trả lương ít cho công nhân hoặc mượn tiền mà không trả, chết rồi làm voi. Là loài chỉ ăn cỏ nhưng phải làm việc chuyên chở nặng và còn phải nhẫn nhục chịu đựng.
Sám văn:
Kẻ có địa vị giàu sang, làm người trên mà đánh đập kẻ dưới. Kẻ dưới không biết thưa kiện với ai. Những người giàu ác này, chết rồi vào địa ngục, chịu quả báo đau khổ cả ngàn vạn năm.
Từ địa ngục thoát ra, lại đọa làm trâu, bị xỏ mũi lôi thuyền kéo xe, hứng chịu đòn roi nặng nề khổ sở, để đền lại nợ oán trái xa xưa.
Giải thích:
Người giàu sang hay kẻ có quyền thế, làm chủ xí nghiệp hoặc tư gia, hay đánh mắng ngược đãi tôi tớ hoặc công nhân, thuộc hạ, mà người bị đánh do sợ quyền lực hoặc sợ bị mất việc mà không dám tố cáo. Hoặc do họ không tìm được ai bênh vực mình. Đối với những chủ nhân bắt nạt khinh người này, đến một ngày phúc báu hưởng tận thì họ sẽ đọa vào địa ngục, thọ khổ mấy ngàn vạn năm, mãn kiếp địa ngục thì sinh làm trâu, bị người xỏ mũi bắt lao động nặng, còn phải hứng chịu đòn roi đau đớn để trả nợ xưa.
Sám văn:
Làm người ăn ở dơ bẩn là từ trong loài heo mà ra.
Người xan tham keo kiết, không biết tự tính là từ trong loài chó mà ra.
Những người độc dữ, tự dụng một mình là từ trong loài dê mà ra.
Người có tánh hiếu động, nóng nảy, không giỏi nhẫn là từ trong loài khỉ, vượn mà ra.
Người có thân thể tanh hôi là từ trong loài cá, ba ba mà ra.
Người có tâm hiểm ác là từ trong loài rắn độc mà ra.
Người không có từ tâm, tàn nhẫn, bạo hại là từ trong loài hổ báo, sài lang mà ra.
Giải thích:
Tập khí tính tật mỗi người, đều có quan hệ với đời quá khứ. Xin kể câu chuyện như sau:
NAM CƯ SĨ X
Nam cư sĩ X là pháp lữ của tôi, vốn là nhân vật có tiếng tăm gốc người Bắc Kinh, dung mạo kỳ lạ, đang độ tuổi trung niên. Ông tu hành tinh tấn, dốc lòng hoằng dương Phật pháp. Tướng người cao lớn, uy mãnh oai hùng, nhất là ngũ quan kỳ dị, ẩn hình bóng xà. Những lúc ông nổi giận, trông hung mãnh lắm, ai cũng sợ.
Tôi từng nghe ông kể qua, tiền kiếp mình là đệ tử của sư phụ, ngài giao ông giữ nhiệm vụ hộ pháp.
Hôm nọ tình cờ ông thổ lộ: Tiền kiếp ông tuy là một vị tu hành, nhưng kiếp trước đó nữa thì lại là mãng xà. Kiếp trước của mãng xà thì làm báo biển, ông còn nhớ rất rõ lúc làm báo biển đã từng giao đấu với gấu bắc cực ra sao.
Do kiếp vừa rồi ông là người tu hành, nên đời nay mới mấy tuổi đã biết rành nghi thức hành trì Mật tông và nhận ra rất nhiều pháp khí. Thậm chí còn am tường mọi cấm kỵ trong tông môn. Hiện tại, ông vẫn nhớ rõ chuyện ba kiếp trước của mình. Ở kiếp thứ hai ông làm mãng xà, nhờ nhân duyên đặc biệt may mắn nên sau khi xả báo thân mãng xà thì chuyển lên làm người, được quy y Tam bảo tu hành. Nhưng do ông sống quá lâu trong kiếp mãng xà nên đời này vẫn còn lưu nhiều tập khí mãng xà, chẳng hạn như từ nhỏ đến lớn đều rất ưa ăn trứng gà, hễ nhìn thấy gà là phấn chấn. Mỗi năm vào mùa đông, đôi tay ông vẫn còn bị lột da ba lần. Hiện nay nhờ tu hành nhiều năm nên nét hung tợn nơi ngũ quan ông đã giảm bớt. Đối với thế gian huynh X không có hứng thú với danh lợi, bất kể là thức ngon, mỹ sắc, ông không hề động tâm. Ông chỉ có tập khí rất ưa ăn thịt, nhưng từ khi phát tâm tu hành thì đã bắt đầu trường trai.
Qua đây đủ thấy, bất kể chúng ta từ đâu tới nhân gian, nhưng hôm nay được gặp Phật pháp, có thể hành trì bái sám, chứng tỏ đời quá khứ chúng ta từng là đệ tử Phật, nếu không thì đâu thể tiến vào đại môn để tham dự bái sám này.
Bạn xem, hiện tại tứ chúng đệ tử không phải là mỗi người đều có tập khí tật riêng hay sao? Nếu như ngay trong đời này có thể thệ nguyện nghiêm trì giới luật Phật chế, bỏ hết thói xấu, thì nhất định đạo nghiệp sẽ thành.
Còn nếu đến phút lâm chung, tật xấu của mình vẫn chưa sửa đổi, thì tánh tật đó sẽ thành nhân tệ ác, chết rồi ắt phải theo nhân mà thọ quả xấu. Từ vô thỉ đến nay, mỗi người chúng ta đã có vô số lần vào thai lừa bụng ngựa, từng xuống địa ngục, lên thiên đường, làm người vô số lần, học Phật cũng vô số lượt, nhưng chính do không chịu đoạn dục khử ái, không buông hết vọng tưởng chấp trước, bị vô minh che lấp, nên cứ trầm luân thọ khổ vô tận trong tam giới, quay đầu chẳng thấy bờ. Hiện nay chúng ta đã hiểu sâu lý này, nếu như không khéo buông bỏ, không ném hết những ân oán thế gian, thì biết đâu một khi vô thường đến, mình chết đi, đâu ai bảo đảm là ta có thể quay trở lại làm người.
Sám văn:
Sinh ra làm người bị nhiều bệnh, chết sớm, chịu bao thống khổ không thể kể xiết, như thế là do ba nghiệp ác gây ra, khiến ta mắc phải quả báo trong ba đường dữ.
Giải thích:
Kiếp người chúng ta nhiều bệnh, đoản thọ, thống khổ trùng trùng, đều là do ba nghiệp thân, khẩu, ý tạo ra, làm người mà có khẩu ác, tâm ác, thân ác tất phải bị ác báo.