Sự Tích Linh Nghiệm của Bồ Tát Địa Tạng
Tâm Nhiên biên soạn
Thích Pháp Chánh dịch

 

Giới thiệu 

Trong Phật giáo Đại thừa, có năm vị Bồ tát trứ danh, tượng trưng cho năm ý nghĩa Đại thừa, đó là Đại Trí Văn Thù Sư Lợi, Đại Hạnh Phổ Hiền, Đại Bi Quán Thế Âm, Đại Từ Di Lặc và Đại Nguyện Địa Tạng Vương. Năm vị Bồ tát này biểu hiện cho năm đức: Trí, Hành (hoặc Hạnh), Bi, Từ và Nguyện. Năm đức này là nhân cách cụ thể tối thượng của đức Phật. Do đó, có thể nói rằng năm vị Bồ tát này là năm phân thân của Đức Phật. 

Trong năm vị Bồ tát, đối với tín ngưỡng nhân gian, ngài Quán Thế Âm có thể nói là nổi danh nhất; còn bốn vị Bồ tát kia, trong sự nhận thức thông thường của tín đồ, ít được tín ngưỡng thờ phượng. Hôm nay, nhân ngày ba mươi tháng bảy (AL), vía Đức Bồ Tát Địa Tạng, soạn giả đặc biệt biên tập quyển sách này, với mục đích trình bày, tán dương một phần nào, dù rất ít, công đức bổn sự của Ngài. 

Tập sách này chia làm ba đoạn:

1. Nhân địa của ngài Địa Tạng. Căn cứ vào kinh Địa Tạng Bổn Nguyện để viết về mẫu truyện ngài Địa Tạng lúc còn làm thân người nữ phàm phu. Đức Phật, lúc sắp nhập Niết bàn, lên cung trời Đao Lợi giảng kinh này để báo hiếu cho mẹ là Ma Da Phu Nhân.

2. Sử tích của ngài Địa Tạng. Ở đây căn cứ vào các tác phẩm như Tống Cao Tăng Truyện, Thần Tăng Truyện, Cửu Hoa Sơn Chí, v.v… để biên dịch các mẫu truyện ứng hóa thật sự trong lịch sử của ngài Bồ Tát Kim Địa Tạng.

3. Kinh chứng. Trích lục từ các kinh điển Đại thừa những mẫu truyện liên qua đến công đức lợi ích của ngài Địa Tạng. Trừ phần Kinh chứng ra, hai phần trên toàn bộ là những mẫu truyện phổ thông nhân gian, dùng lời văn bình dị diễn đạt, và cũng sẽ dùng lời kinh để dẫn chứng.

I. Nhân địa của ngài Địa Tạng.
1. Câu chuyện về phát nguyện.
a. Sự phát nguyện của con ông trưởng giả. 

Một thuở rất lâu xa về trước, khi ngài Địa Tạng còn là phàm phu, con của một vị đại trưởng giả. Một hôm, ngài đi du ngoại đến một khu đồng vắng, thấy đức Như Lai Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh, thân tướng hoàng kim, trang nghiêm vô tỷ, trong tâm nảy sanh sự kính trọng, vui mừng, vội sụp xuống chân đức Phật đảnh lễ. Lạy xong, ngài bèn hỏi đức Phật: 

– Bạch Đức Như Lai! Ngài thật vô cùng trang nghiêm, vô cùng khả kính! Xin hỏi Ngài, cần phải tu những nhân lành nào để có được tướng hảo viên mãn trang nghiêm như vậy? 

Đức Phật Sư Tử Phất Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh bèn từ ái trả lời: 

– Nếu con muốn được thân tướng trang nghiêm như vầy, thì phải ở trong sanh tử dài lâu để độ tất cả chúng sanh đang bị khổ đau. Hơn nữa, trong quá trình độ sanh, con phải tiêu trừ vọng niệm ngã tướng, mới có hy vọng thành tựu! 

Nghe xong, ngài cảm thấy vô cùng hân hoan, bèn phát nguyện rằng: 

– Con nguyện từ ngày hôm nay cho đến tận đời vị lai, sẽ vì tất cả chúng sanh tội khổ trong sáu nẻo, dùng tất cả phương tiện, khiến cho họ đều được giải thoát, sau đó con mới thành Phật! 

Đức Phật nghe xong, im lặng tán đồng. Từ đó đến nay, trải qua không biết bao nhiêu số kiếp, không biết có bao nhiêu chúng sanh đã thành Phật, chỉ có Bồ tát Địa Tạng, vì lòng từ bi tha thiết độ thoát vô tận chúng sanh, mãi cho đến nay vẫn chưa thành Phật.

b. Sự phát nguyện của vị vua nước nhỏ. 

Vô số kiếp về trước, có một đức Phật hiệu là Nhất Thiết Trí Thành Tựu. Lúc chưa xuất gia, ngài là vua một nước nhỏ, còn ngài Bồ Tát Địa Tạng (cũng chưa xuất gia) là vua của một nước nhỏ lân cận. Hai vua là bạn thân, đều dùng thập thiện của Phật pháp là không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói lời thô ác, không nói lời đâm thọc, không nói lời vô ích, không tham, không sân, không si, để lãnh đạo quốc gia; không những thế, lại còn nâng cao mực sống của nhân dân trong nước. Thế nhưng, dân chúng của các nước láng giềng, phần lớn đều tạo nghiệp ác, không thể dùng các pháp thiện để trị vì. Hai vị vua thấy thế, cảm thấy rất ưu tư, bèn gặp nhau để tìm biện pháp cứu vãn, khiến những chúng sanh đó bỏ ác làm thiện, thế nhưng, bọn họ tâm tánh cang cường, quen thói làm ác, làm thế nào cũng không cảm hóa được. Một vị vua thấy vậy, rất cảm khái, bèn phát nguyện rằng: “Tôi nguyện sớm thành Phật, độ những chúng sanh cang cường này, không bỏ sót một ai.” Còn vị vua kia thì phát nguyện rằng: “Tôi nguyện rằng nếu tôi không độ tận tất cả chúng sanh tội khổ, khiến cho tất cả đều từ trong sự an lạc thành tựu quả Phật, thì tôi sẽ không thành Phật.” 

Không bao lâu, vị vua phát nguyện sớm thành Phật, xuất gia tu hành, thành Phật hiệu là Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai; còn vị phát nguyện độ tận chúng sanh sau đó mới thành Phật, mãi cho đến nay, vẫn còn trụ trong giai vị Bồ tát, không từ lao nhọc, hóa độ chúng sanh cang cường, vị đó chính là Bồ tát Địa Tạng. (Kinh Tâm Địa Quán xưng là Bồ tát Địa Tạng Vương).

2. Câu chuyện về đức hiếu.
a. Đức hiếu của người nữ Bà la môn. 

Khoảng thời gian mà đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương giáo hóa chúng sanh có thể gọi là dài nhất so với các đức Phật khác. Đức Phật ấy thọ mạng bốn vạn ức a tăng kỳ kiếp, đây là điều mà chúng sanh trong thời hiện đại không thể tưởng tượng nổi. 

Trong thời tượng pháp của Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, có một người nữ dòng Bà la môn, trang nghiêm đoan chánh, siêng tu phước thiện, cứu người nghèo đói, được mọi người ngưỡng mộ kính phục. Cha cô đã mất, chỉ còn bà mẹ. Rất tiếc, người mẹ lại tin theo tà giáo, điên đảo thị phi, xem thường chánh giáo, làm cho cô gái cảm thấy vô cùng sầu khổ. Cô gái cũng thường khuyên mẹ làm thiện, cải tà quy chánh. Lần lần, bà mẹ cũng sanh khởi một chút lòng tin. Rủi thay, chưa kịp hưởng được ánh sáng lợi ích của chánh pháp, thì bà đột nhiên bị bệnh qua đời. 

Cô gái Bà la môn biết rằng mẹ mình lúc còn sống không tin nhơn quả, tạo nhiều nghiệp sát sanh, ác khẩu, v.v…, ắt sẽ bị đọa vào ba đường ác. Cô bèn bán tất cả tài sản, lấy tiền mua các loại danh hương, hoa quả, phẩm vật, v.v… đem đến các chùa bố thí cúng dường. Đến một chùa nọ, thấy trong chùa thờ tượng Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, vô cùng trang nghiêm, tướng hảo phi phàm, càng thêm kiền thành cung kính, bèn chí thành đảnh lễ, trong lòng nghĩ thầm: “Đức Phật là bậc thánh đại giác ngộ, có trí tuệ bất khả tư nghì. Nếu như đức Phật còn tại thế gian, con đến hỏi ngài về việc đầu thai của mẹ, ắt ngài sẽ biết rõ.” Nghĩ như thế xong, cô bèn bất giác rơi lệ. 

Cô gái đứng trước tượng Phật chiêm ngưỡng rất lâu, bổng nhiên từ trên không trung có âm thanh vọng xuống: “Này hiếu nữ đang khóc kia! Con không nên bi ai quá lắm. Ta sẽ chỉ chỗ sanh của mẹ con.” Vừa xong, không còn nghe âm thanh nào khác. Cô gái cảm thấy rất phấn khởi, vui mừng chắp tay hỏi vọng lên: “Vị thánh nào có lòng thương tưởng đến con như vậy! Từ khi mẹ con mất đến nay, ngày đêm con thương nhớ vô vàn, nhưng không biết đi hỏi ai chỗ đầu thai của mẹ con!” 

Lúc đó, trên không lại có âm thanh vang lên: “Hiếu nữ! Ta là Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương mà con đang đảnh lễ. Nhân vì thấy con thương tưởng đến mẹ tha thiết, quá hơn người thường, cho nên ta đến bảo cho con biết.” 

Cô gái Bà la môn nghe âm thanh từ bi của đức Phật, cảm động đến đỗi ngã quỵ trên mặt đất, giống như núi đổ. Những người chung quanh bèn đỡ cô dậy, một lúc lâu sau mới tỉnh. Lúc đó, cô gái lại ngước mặt lên không trung thưa rằng: “Nguyện Phật từ bi thương xót! Xin hãy cho biết mẹ con sanh về chỗ nào. Hiện nay, mạng sống của con cũng chẳng còn bao lâu nữa. Xin Phật từ bi thương xót!” 

– Hiếu nữ! Con hãy an tâm. Sau khi cúng dường xong, con hãy về nhà, ngồi ngay thẳng, niệm danh hiệu ta, liền có thể biết được mẹ con sanh về chốn nào. 

Cô gái cúng dường xong, tuân theo lời đức Phật, bèn trở về nhà, dùng lòng hiếu thảo tha thiết nhớ mẹ, ngồi ngay ngắn, niệm danh hiệu của đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Trải qua một ngày đêm, bổng nhiên cảm thấy thân mình đến một bờ biển. Nước trong biển sôi sùng sục. Trên mặt biển có nhiều ác thú, chó sắt, rắn sắt, v.v…, đang chạy tới lui, rượt đuổi vô số nam nữ đang trồi hụp. Lại có những quỷ dạ xoa nhiều tay, nhiều mắt, nhiều đầu, răng nanh chỉa ra như gươm, hành hạ tội nhân làm cho họ cực kỳ thống khổ! Cảnh tượng hãi hùng, không ai dám nhìn lâu. Đang lúc cô gái chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp xảy ra, bổng có một quỷ vương tên là Vô Độc đến gần cung kính vái chào: “Thánh nữ! Cô vì cớ gì mà đến nơi này?” 

Cô gái cảm thấy rất kỳ quái, bèn hỏi quỷ vương: “Xin hỏi đây là chốn nào?” 

– Đây là tầng biển thứ nhất ở phía tây núi Đại Thiết Vi. 

– Nghe nói trong núi Thiết Vi có địa ngục, điều này có đúng không? 

– Dạ đúng như thế! 

– Nếu vậy, tại sao hiện nay tôi lại đến đuợc chốn này? 

– Có hai nguyên nhân đến được địa ngục. Nếu không nhờ uy đức thần lực của chư Phật Bồ tát, thì phải do ác nghiệp lực chiêu cảm. Ngoài ra, không cách nào đến được chốn này. 

– Nước trong biển tại sao lại sôi sùng sục? Những kẻ đang thọ khổ kia, vì cớ gì mà bị ác thú rượt đuổi như vậy? 

– Đây là những chúng sanh tạo ác ở cõi Nam Diêm Phù Đề, vừa mới chết trong vòng bốn mươi chín ngày, không có bà con thân thuộc tu tập công đức để cứu vớt khổ nạn cho họ. Bọn họ lúc sống cũng không tích tập thiện nhân, căn cứ vào những ác nghiệp mà họ đã tạo, chiêu cảm quả báo địa ngục, tự nhiên trước tiên phải đến biển này. Tại phía đông biển này, cách đây khoảng mười vạn do tuần, lại có một biển nữa, những điều thống khổ phải chịu lại còn gấp bội. Qua phía đông nữa, lại có một biển, sự khổ ở đó lại tăng gấp bội. Đây gọi là nghiệp hải, do thân, khẩu, ý tạo nghiệp ác chiêu cảm. 

– Như vậy, địa ngục còn ở nơi nào nữa? 

– Địa ngục ở trong ba biển vừa nói. Mỗi biển đều có trăm ngàn đại địa ngục khác nhau. Trong mỗi đại địa ngục có mười tám đại địa ngục, hình phạt thống khổ nhất, lại có năm trăm trung địa ngục và trăm ngàn tiểu địa ngục. Trong mỗi ngục đều có vô lượng sự thống khổ. 

– Mẹ tôi mới chết chưa được bao lâu, không rõ thần hồn hiện ở chốn nào? 

– Thánh nữ! Mẹ cô tên họ là gì? 

– Cha mẹ tôi dòng dõi Bà la môn. Cha tôi tên Thi La Thiện Hiện, mẹ tôi tên Duyệt Đế Lợi. 

Vô Độc nghe đến tên Duyệt Đế Lợi, bèn vội chắp tay thưa: “Thánh nữ! Xin cô hãy an tâm trở về, không cần phải lo lắng nữa. Tội nhân Duyệt Đế Lợi đã được sanh lên trời ba ngày rồi. Nghe nói nhờ cô tu phước cúng dường chùa tháp thờ đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương. Ngày hôm đó không những bà ấy được thoát khổ, mà nhiều tội nhân trong địa ngục cũng được sanh lên trời. 

Vô Độc nói xong, bèn chắp tay cáo từ. Cô gái Bà la môn dường như tỉnh mộng. Nhớ lại câu chuyện trong giấc chiêm bao, bèn đến trước tháp thờ đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, thành kính phát nguyện: 

– Nguyện cho đến cùng tận đời vị lai, con sẽ thiết lập mọi phương tiện, cứu độ tất cả tội khổ chúng sanh đều được giải thoát. 

Sau khi phái nguyện, cô ta bèn chuyên tâm tinh tiến tu tập phước đức. Người con gái ấy, hiện nay là đức Bồ Tát Địa Tạng. Còn quỷ vương Vô Độc, hiện nay là Bồ Tát Tài Thủ.

b. Đức hiếu của nàng Quang Mục. 

Quá khứ, vào thời tượng pháp của đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, có một vị A la hán thường dùng phương tiện ứng cúng để hóa độ chúng sanh. Một hôm, trong lúc đi giáo hóa, gặp một cô gái tên là Quang Mục, thỉnh ngài đến nhà thọ cúng dường. Sau khi thọ trai, vị La hán hỏi cô gái có tâm nguyện gì. Cô gái trả lời: “Hôm nay là ngày giỗ mẹ, con thiết trai cúng dường. Hy vọng nhờ nhân duyên này, cứu được mẹ con. Không biết mẹ con hiện giờ sanh về chốn nào? 

Vị La Hán liền nhập định quán sát, thấy mẹ của cô gái đang đọa trong địa ngục, chịu nhiều thống khổ. Sau khi xuất định, bèn hỏi Quang Mục: “Mẹ con lúc sanh tiền đã tạo nghiệp gì mà hiện nay phải đọa vào địa ngục chịu nhiều thống khổ?” 

Quang Mục nghe xong nghẹn ngào trả lời: “Mẹ con lúc còn sống, có thói quen ưa ăn cá và ba ba sống, đặc biệt thích ăn cá con và ba ba con. Cách ăn rất là cầu kỳ, thảm khốc. Hơn nữa, số sanh mạng bị giết hại nào chỉ có ngàn muôn! Cúi xin tôn giả nhỏ lòng từ bi thương xót, cứu vớt mẹ con!” 

Vị La Hán an ủi Quang Mục: “Nếu con muốn cứu mẹ, phải nên khởi lòng chí thành niệm danh hiệu đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai. Hơn nữa, nên tạo vẽ hình tượng của ngài mà cung kính cúng dường, không bao lâu nữa, con sẽ thấy được sự linh ứng.” 

Quang Mục nghe xong, liền bèn bán tất cả những vật quý báu, lấy tiền tạo vẽ hình tượng của đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục, sắc tướng hoàng kim, vô cùng trang nghiêm mỹ lệ. Sau đó dùng tâm tha thiết, thành kính lễ bái. 

Một hôm, Quang Mục nằm mộng, thấy đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai hiện đến, ngài nói: “Chẳng bao lâu nữa, mẹ con sẽ đầu thai vào nhà này. Khi đứa trẻ vừa biết đói lạnh, sẽ nói cho nghe những gì nó đã trải qua.” 

Chẳng bao lâu sau, một tớ gái trong nhà sanh một bé trai. Chưa đến ba ngày, đứa bé khóc ròng, chắp tay nói với Quang Mục: “Sinh tử nghiệp duyên đều là tự làm tự chịu. Tôi là mẹ của cô, từ lúc biệt ly đến nay, tôi bị đọa vào địa ngục thọ khổ. Hiện nay, nhờ phước của cô bố thí cúng dường Phật pháp, mà tôi được đầu thai làm con một người hạ tiện. Nhưng chỉ sống được mười ba tuổi, sau đó lại phải bị đọa vào địa ngục. Quang Mục! Hiện giờ cô có biện pháp nào khác để cứu tôi hay không?” 

Quang Mục nghe xong, biết đứa bé là mẹ mình đầu thai, cảm thấy nghẹn ngào, bèn hỏi: “Nếu đã là mẹ tôi, ắt phải biết nguyên nhân đọa vào địa ngục. Như vậy mẹ đã tạo những tội ác nào mà phải chịu quả báo này?” 

Đứa bé trả lời: “Chỉ phạm hai tội sát sanh và hủy báng Tam bảo là đủ để bị quả báo địa ngục. Nếu không nhờ phước bố thí cúng dường của cô, tôi không cách nào ra khỏi địa ngục!” 

Quang Mục lại hỏi: “Quả báo địa ngục, rốt ráo thế nào?” 

Đứa bé trả lời: “Sự việc ở địa ngục, không nỡ nói ra. Giả như có nói, thì trăm ngàn vạn kiếp cũng không nói hết.” 

Quang Mục nghe nói, nức nỡ nghẹn ngào, hướng lên không trung phát nguyện: “Nguyện mẹ con được vĩnh viễn thoát khổ địa ngục, sau mười ba tuổi không còn bị đọa vào ba đường ác, không sanh vào nhà hạ tiện, và cũng không bị đầu thai làm người nữ. Từ ngày hôm nay trở đi cho đến cùng tận đời vị lai, con nguyện sẽ cứu độ tất cả chúng sanh tội khổ trong địa ngục và ba đường ác, khiến cho chúng sanh thoát ly địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, v.v… Sau khi tất cả đều thành Phật đạo, con mới chứng quả Vô thượng Bồ đề.” 

Vừa phát nguyện xong, trên không vang lên tiếng của đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai: “Quang Mục! Con quả thật là đại từ bi. Vì muốn cứu mẹ mà phát đại thệ nguyện. Ta thấy mẹ con sau khi thọ mười ba tuổi, sẽ đầu thai làm người Phạm chí, sống lâu trăm tuổi, kế đó vãng sanh về cõi Vô Ưu, thọ mạng lâu dài, không thể nghĩ bàn. Cuối cùng sẽ được thành Phật, quảng độ vô số chúng sanh. Hiếu nữ, con hãy an tâm!” 

Vị La Hán thuở đó, hiện nay là Bồ Tát Vô Tận Ý, còn mẹ của nàng Quang Mục, là Bồ Tát Giải Thoát. 

Những mẫu truyện về phát nguyện và đức hiếu của ngài Địa Tạng, thật sự nhiều như cát sông Hằng, không thể kể xiết. Hiện nay chỉ y vào Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, trích lục bốn đoạn vừa kể ở trên.

II. Sử tích ngài Địa Tạng. 

Ngài Địa Tạng trong lịch sử (Kim Địa Tạng , còn có tên Kim Kiều Giác), sanh vào năm 696 TL, tại nước Tân La, hiện nay là Hán Thành, thuộc Nam Hàn. Ngài vốn là một hoàng tử, hưởng thụ cuộc sống vàng son nhung lụa, thế nhưng, tính ngài đạm bạc, không bị ảnh hưởng bởi nếp sống hào nhoáng, mà chỉ chăm lo học hỏi sách vỡ thánh hiền. Mặc dù tướng mạo không quá phi phàm, nhưng lòng từ bi thuần hậu của ngài thì khó có ai sánh kịp. 

Vào năm Vĩnh Huy đời Đường Cao Tông, một hôm, ngài đọc hoàn tất kinh điển của bách gia chư tử, bèn buông lời cảm thán: “So với lục kinh của Nho gia, đạo thuật của Tiên gia, thì lý đệ nhất nghĩa đế của nhà Phật là thù thắng hơn hết, hợp với chí nguyện của ta nhất.” Sau đó lập chí xuất gia, năm đó ngài mới hai mươi bốn tuổi. 

Sau khi xuất gia, ngài ưa đến chỗ vắng tu tập thiền định, nhân đây bèn nghĩ đến việc lữ hành, tìm một nơi thanh vắng để tĩnh tu. Ngài chuẩn bị thuyền bè, đem theo một ít hành trang và lương thực, đồng thời dắt theo con trắng chó tên Thiện Thính, đã theo ngài từ lúc xuất gia. Một mình ngài lái thuyền rời bến Nhân Xuyên, trương buồm ra khơi, tùy theo hướng gió mà đi, sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, ngài đến cửa sông Dương Tử (Trung Hoa). Thuyền bị mắc cạn trên bãi cát, ngài bèn bỏ thuyền đi bộ lên bờ, tiếp tục cuộc hành trình. Sau nhiều ngày lang thang, ngài đến chân núi Cửu Tử ở huyện Thanh Dương, tỉnh An Huy. Thấy phong cảnh nơi đây hùng vĩ, tú lệ, ngài bèn quyết định ở lại. Ngài đi dọc theo triền núi lên phía trên cao dọ thám, phát giác khoảng giữa các ngọn núi là một vùng đất bằng phẳng, quang đãng, vô cùng tịch mịch, bèn trèo lên mỏm đá bên cạnh một khe nước trong vắt ngồi tĩnh tọa. 

Một hôm, đang lúc tĩnh tọa, bổng có một con rắn độc con đến cắn vào đùi, nhưng ngài vẫn an nhiên bất động. Giây lát sau, một người đàn tuyệt đẹp từ trên vách núi bay xuống, đến bên cúi lạy, đưa thuốc cho ngài và nói: “Đứa bé trong nhà rắn mắt, xúc phạm tôn nhan. Thiếp xin tạo một con suối mới để đền bù lỗi lầm của cháu nhỏ.” 

Nói xong biến mất. Chưa đầy một sát na, trong vách núi phụt ra một dòng suối cuồn cuộn chảy xuống. Từ đó, ngài không còn phải lao nhọc đi xa gánh nước về. (Đây là dòng suối Long Nữ Tuyền nổi danh ở núi Cửu Hoa). 

Tương truyền, dưới chân núi có vị trưởng giả tên Mẫn Công, là người ưa thích bố thí cúng dường chư tăng. Ông thường tổ chức cúng dường trai tăng trăm vị. Thế nhưng, mỗi lần như thế, đều thiếu một vị. Vì vậy, mỗi lần tổ chức ông đều tự thân lên núi mời ngài. Nếu không, công đức cúng dường không được viên thành. 

Không bao lâu sau, vì muốn mở rộng đạo trường để quảng độ chúng sanh, ngài Địa Tạng bèn đến xin Mẫn Công cúng dường một mảnh đất. Mẫn Công nói: “Tùy ngài muốn bao nhiêu con xin cúng bấy nhiêu.” 

Ngài Địa Tạng nghe thế, tung tấm cà sa lên không. Tấm cà sa tỏa rộng bao trùm toàn núi Cửu Hoa. Mẫn Công thấy thế bèn vô cùng hoan hỷ, đem toàn bộ núi Cửu Hoa cúng dường. Mẫn Công có một người con trai, ngưỡng mộ đức hạnh của ngài, bèn đến xuất gia, hiệu là Đạo Minh. Sau đó, Mẫn Công, vì muốn thuận tiện trong việc nghe pháp, bèn bái Đạo Minh làm thầy. Việc này trở thành một giai thoại nổi tiếng trong chốn thiền môn. 

Hiện nay, trong các chùa thờ tượng đức Điạ Tạng, phần lớn đều có tượng của cha con Mẫn Công (một nhà sư trẻ và một ông lão) đứng hầu hai bên. 

Ngài Địa Tạng ưa thích tu tập thiền định. Ngoài việc giảng kinh thuyết pháp, ngài thường mướn người sao chép bốn bộ kinh lớn của Đại thừa, đem đi bố thí khắp nơi. 

Năm Chí Đức thứ nhất (TL 765), có danh sĩ Gia Cát Tiết, ngụ tại một làng dưới chân núi, hướng dẫn các kỳ lão trong làng, lên núi thưởng ngoạn. Đến vùng đất bằng trên núi, thấy mây trôi bàng bạc, ánh nắng chan hòa, tiếng suối từ khe núi chảy ra nghe róc rách. Mọi người bị phong cảnh tú lệ làm mê hoặc, đi dần vào rừng sâu, chợt thấy có một vị thiền sư ngồi trên mõm đá bên cạnh dòng suối, đang nhắm mắt tĩnh tọa. Bên cạnh là một cái đảnh cổ gảy một chân, trong đó có một ít gạo trộn lẫn đất trắng. Một lát sau, vị thiền sư xuất định, lấy gạo đất nấu chín rồi ăn. Ăn xong, ngài lại tiếp tục tĩnh tọa. Những người trong nhóm thấy thế, vô cùng cảm động bèn đến thưa với ngài: “Thưa ngài! Ngài tu khổ hạnh như vầy, đây là lỗi của dân làng chúng con!” 

Chẳng bao lâu, mọi người trong làng cùng nhau xây cất một ngôi thiền đường rộng lớn, hơn nữa, quanh năm đều cúng dường thực phẩm không hề gián đoạn. 

Năm Kiến Trung thứ nhất (TL. 780), ông Quận thú Trương Nghiêm, nhân vì kính ngưỡng đạo hạnh sùng cao, cùng công nghiệp hoằng pháp của ngài, bèn tâu lên Hoàng Đế Đức Tông, ban sắc dụ chính thức kiến tạo tự viện. Bấy giờ, đạo trường của ngài Địa Tạng mới thực sự hùng vĩ trang nghiêm. 

Lúc ấy, các vị tăng nước Tân La nghe danh, có đến vài trăm người tìm đến thân cận tu học với ngài. Dần dần, số người càng lúc càng đông, thực phẩm trở nên thiếu thốn. Một hôm, ngài ra phía ngoài chùa, cho đào rất nhiều đất trắng nhuyễn như bột, dự dịnh bổ túc vào phần ăn. Mọi người trong chùa, cảm hóa bởi đức hạnh của ngài, đều cùng nhau lên tiếng: “Nguyện dùng pháp thực nuôi sống tuệ mạng, không dùng vật thực nuôi sống thân mạng”. Điều này chứng tỏ mọi người trong chùa không lấy thân mạng làm trọng. Thời đó, mọi giới trong Phật giáo đều tỏ lời khen ngợi, ca tụng họ là “Nam mô Các Vị Tăng Gầy Ốm phương nam”. 

Một hôm vào mùa hạ, năm Trinh Nguyên thứ mười (TL. 795), ngài triệu tập tăng chúng vào chánh điện để từ giả. Mọi người cảm thấy hoang mang không rõ lý do gì. Lúc ấy, các ngọn núi phát ra tiếng gào thét, những tảng đá lớn ầm ầm rơi xuống vực sâu, mặt trời mặt trăng đều biến đổi màu sắc, nhưng ngài vẫn an tường ngồi kiết già thị tịch. Năm đó ngài vừa đúng chín mươi chín tuổi. 

Sau khi viên tịch, nhục thân của ngài được đặt trong một động đá. Ba năm sau, tăng chúng mở động ra, thấy nhục thân vẫn còn nguyên vẹn, tướng mạo giống hệt như lúc sanh tiền. Đại chúng đem nhục thân đến bảo tháp trên ngọn Thần Quang Lãnh. Dọc đường, nghe văng vẳng như có tiếng tích trượng vàng khua động theo nhịp chân của mọi người. Kinh dạy: “Bồ tát bị nạn, hình hài vang động1 ”. Đây là một dữ kiện chân chánh, không chút hoài nghi, chứng minh sự ứng hóa của ngài Bồ Tát Địa Tạng. Hơn nữa, nếu như cung kính lễ bái nhục thân của ngài Kim Địa Tạng, thì sẽ được lợi ích giống như Kinh Địa Tạng đã nói. 

Mấy trăm năm nay, tín đồ Phật giáo, không ngại gian lao, lũ lượt đến núi Cửu Hoa, triều bái nhục thân của ngài Kim Địa Tạng. Đặc biệt, mỗi năm vào ngày vía của ngài (ba mươi tháng bảy AL), tại thánh địa Cửu Hoa Sơn, trong vòng mấy mươi dặm, chen chúc những khách hành hương, nam nữ lão ấu, đến tham dự nhất bộ nhất chiêm (một bước một xá) hoặc nhất bộ nhất bái (một bước một lạy), đủ chứng tỏ Bồ tát đã kết duyên rộng rãi, sức cảm hóa sâu dày! 

III. Kinh Chứng

1. Bồ Tát Địa Tạng thành tựu đại nguyện độ sanh 

Phẩm Thần Thông Tại Cung Trời Đao Lợi trong kinh Địa Tạng nói: … Khi ấy, đức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo ngài Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: “Ông quán xét thấy tất cả chư Phật, Bồ Tát, cùng tất cả long, thiên, quỷ thần, từ thế giới này hoặc thế giới khác, từ cõi này hoặc cõi khác, hôm nay đến tập hội tại cung trời Đao Lợi, ông có biết là bao nhiêu hay không?” Ngài Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Nếu dùng thần lực của con, suy lường đến trăm ngàn kiếp, cũng không thể nào tính được.” 

Phật bảo ngài Văn Thù Sư Lợi: “Ta dùng Phật nhãn quán xét, cũng không thấy rõ hết. Đây đều là do Bồ Tát Địa Tạng, từ kiếp lâu xa đến nay, hoặc đã độ, đang độ, sẽ độ, hoặc đã thành tựu, đang thành tựu, sẽ thành tựu!”

2. Bồ Tát Địa Tạng Đại Nguyện Vô Tận 

Phẩm Địa Thần Hộ Pháp trong Kinh Địa Tạng nói: “Bạch Đức Thế Tôn! Ngài Bồ Tát Địa Tạng, có đại nhân duyên đối với chúng sanh cõi Diêm Phù Đề! Như ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Di Lặc, thị hiện trăm ngàn thân, hóa độ chúng sanh trong lục đạo, nhưng thệ nguyện của các ngài cũng có lúc cùng tận, riêng ngài Bồ Tát Địa Tạng giáo hóa tất cả chúng sanh trong lục đạo, những thệ nguyện độ sanh của ngài trải qua số kiếp như số cát trong trăm ngài vạn ức sông Hằng, không bao giờ cùng tận!”

3. Bồ Tát Địa Tạng Bất Khả Tư Nghì
a. Chư Phật tuyên dương tán thán bất tận bất khả tư nghì. 

Phẩm Chúc Lụy Nhơn Thiên trong Kinh Địa Tạng nói: Bấy giờ, Đức Thế Tôn đưa cánh tay sắc vàng, xoa đảnh đầu Bồ Tát Địa Tạng, bảo rằng: “Này Bồ Tát Địa Tạng! Thần lực của ông bất khả tư nghì, từ bi của ông bất khả tư nghì, trí tuệ của ông bất khả tư nghì, biện tài của ông bất khả tư nghì! Giả như mười phương chư Phật tán thán, tuyên thuyết sự bất khả tư nghì của ông, trăm ngàn vạn kiếp cũng không nói hết!”

b. Định lực của Bồ Tát bất khả tư nghì. 

Phẩm Tự của Kinh Địa Tạng Thập Luân nói: “…. Nói tóm lại, vị thiện nam tử này (Bồ Tát Địa Tạng), vào mỗi buổi sáng, đều nhập vào hằng hà sa số thiền định, sau khi ra khỏi định, phân thân đi khắp mười phương cõi Phật, giáo hóa thành tựu tất cả chúng sanh, tùy mỗi trương hợp, đều khiến an lạc lợi ích. … Hoặc có thế giới, khởi kiếp đao binh, tổn hại hữu tình, vị thiện nam tử này, thấy điều như vậy, vào mỗi buổi sáng, dùng các định lực, trừ diệt đao binh, khiến cho hữu tình từ bi thương xót lẫn nhau, …. Dùng các định lực, trừ các tật bệnh, khiến cho chúng sanh đều được an lạc, …. Dùng các định lực, trừ diệt đói khát, khiến cho chúng sanh đều được no đủ. Vị thiện nam tử này, dùng các định lực, làm vô lượng vô biên bất khả tư nghì việc an lạc lợi ích cho tất cả chúng sanh.”

c. Thọ trì kinh Địa Tạng và danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng bất khả tư nghì. 

Phẩm Tổng Trì trong Kinh Kim Cang Tam Muội nói: … Lúc ấy, Đức Như Lai bảo đại chúng: “Vị Bồ Tát ấy thật bất khả tư nghì, thường dùng lòng đại từ cứu bạt tất cả chúng sanh khổ não; nếu có chúng sanh nào, thọ trì kinh Địa Tạng hoặc thọ trì danh hiệu của Bồ Tát ấy, thì không bị đọa vào ba đường ác, tất cả chướng nạn đều bị trừ diệt; nếu có chúng sanh, chuyên tâm thọ trì kinh ấy, không có tạp niệm, tu tập đúng pháp, khi đó, hóa thân của Bồ Tát Địa Tạng sẽ thường đến thuyết pháp, ủng hộ người ấy, không lúc nào rời, khiến người ấy sớm chứng đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.”

4. Bồ Tát Địa Tạng Lợi Ích Chúng Sanh.
a. Lợi ích trời người 

Phẩm Kiến Văn Lợi Ích trong kinh Địa Tạng nói: “Phật bảo ngài Quán Thế Âm Bồ Tát: Trong các thế giới, vào đời hiện tại hoặc vị lai, có người hoặc trời nào, hưởng phước đã hết, năm tướng suy hiện ra, hoặc sẽ bị đọa vào ba đường ác. Những người, trời đó, hoặc nam hay nữ, giả như thấy được hình tượng, hoặc nghe danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng, chỉ cần một lần chiêm ngưỡng, hoặc lễ lạy, thì những người hoặc trời đó, phước đức càng thêm tăng trưởng, tiếp tục hưởng thọ phước báo người, trời, vĩnh viễn không còn bị đọa vào ba đường ác. Huống chi là thấy hình tượng, hoặc nghe danh hiệu Bồ Tát, rồi đem hoa, hương, quần áo, thức ăn, trân báu, anh lạc, bố thí cúng dường, thì sẽ được vô lượng vô biên công đức phước lợi.

b. Lợi ích chúng sanh sắp mất. 

Lại nữa, này Quán Thế Âm! Trong các thế giới, vào đời hiện tại hoặc vị lai, những chúng sanh trong sáu nẻo, lúc sắp mạng chung, nếu như nghe được danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng, thoáng qua tai một lần, thì những chúng sanh đó vĩnh viễn không bị đọa vào ba nẻo ác thọ khổ. Huống chi lúc mạng chung, cha mẹ họ hàng, đem những tài vật của người sắp mất, như là nhà của, tài vật, trân báu, quần áo, v.v… bán đi lấy tiền tô vẽ hình tượng của ngài Bồ Tát Địa Tạng; hoặc khiến cho người bệnh lúc sắp mất, mắt thấy tai nghe, biết rằng những người thân thuộc đem nhà cửa, trân báu, v.v… của mình bán đi lấy tiền tô vẽ hình tượng Bồ Tát Địa Tạng. Người bệnh nếu bị nghiệp báo phải mang bệnh nặng, thì nhờ công đức này liền đưọc lành mạnh, tuổi thọ thêm lâu, giả như số mạng đã hết, lại còn phải bị đọa vào ác đạo, thì nhờ công đức này, sau khi mạng chung, sẽ được sanh vào cõi người, cõi trời, hưởng thọ quả lành thù thắng, tất cả tội chướng thảy đều dứt sạch.

c. Lợi ích cho người nghĩ đến việc báo hiếu. 

Lại nữa, này Quán Thế Âm! Trong đời vị lai, nếu có người nam người nữ nào, lúc còn thơ bé, hoặc ba tuổi, năm tuổi, mười tuổi trở xuống, mồ côi cha mẹ, hoặc anh em bị mất sớm, sau khi trưởng thành, tưỏng nhớ đến cha mẹ hoặc thân quyến, không biết họ đọa vào nẻo nào, hoặc sanh về thế giới nào, hoặc sanh vào cõi trời nào? Người đó, nếu có thể tô vẽ hình tượng Bồ Tát Địa Tạng, nhẫn đến nghe danh hiệu, hoặc một lần chiêm ngưõng, hoặc đảnh lễ tôn tượng của ngài, hoặc một ngày cho đến bảy ngày, không thoát thất tâm ban đầu, nghe tên thấy hình, chiêm ngưỡng, lễ bái, cúng dường, thì họ hàng quyến thuộc của người đó, những kẻ đáng lẽ bị đọa ác đạo nhiều kiếp, nhờ nhân duyên công đức tô vẽ lễ lạy hình tượng Bồ Tát Địa Tạng, mà được thoát khổ, sanh vào cõi người, trời, hưởng thọ khoái lạc vi diệu, còn những kẻ có sẵn phước lực, đã được sanh về cõi trời, thì cũng nhờ công đức này mà được tăng trưởng nhân duyên xuất thế, hưởng thọ vô lượng khoái lạc. Người nam người nữ đó, nếu lại có thể trong hai mươi mốt ngày, nhất tâm cung kính đảnh lễ hình tượng, xưng niệm danh hiệu đủ một vạn lần, thì Bồ tát Địa Tạng sẽ hiện vô biên thân, đến bảo cho người đó, quyến thuộc sanh về chốn nào, hoặc trong giấc mộng, Bồ tát dùng sức thần thông, dẫn người đó đến gặp quyến thuộc mình ….

d. Lợi ích cho người cầu nguyện. 

Lại nữa, này Quán Thế Âm! Nếu trong đời sau, có thiện nam thiện nữ nào, muốn cầu trăm ngàn vạn ức lời nguyện, trăm ngàn vạn ức sự việc, chỉ cần quy y, chiêm ngưỡng, đảnh lễ, cúng dường, tán thán hình tượng ngài Bồ tát Địa Tạng. Như vậy, tất cả nguyện cầu đều sẽ thành tựu.

e. Lợi ích cho chúng sanh phát tâm Bồ đề. 

Lại nữa, này Quán Thế Âm! Trong đời vị lai, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào, muốn phát tâm từ rộng lớn, cứu độ tất cả chúng sanh, muốn tu tập Vô thượng Bồ đề, ra khỏi ba cõi, những thiện nam thiện nữ đó, nếu thấy được hình tượng Bồ Tát Địa Tạng, hoặc nghe được danh hiệu ngài, chí tâm quy y, hoặc dùng hoa, hương, y phục, trân báu, thức ăn cúng dường, chiêm ngưỡng, lễ bái, thì những điều nguyện cầu của họ sẽ mau thành tựu, không bao giờ bị chướng ngại.

f. Không thể nói hết sự lợi ích của việc thấy hình, nghe tên Bồ tát Địa Tạng. 

Đức Phật bảo Bồ tát Quán Thế Âm: “Bồ tát Địa Tạng có nhân duyên lớn với chúng sanh cõi Diêm Phù Đề. Nếu nói lợi ích của việc thấy hình, nghe tên Bồ tát Địa Tạng, v.v… thì trong trăm ngàn kiếp, cũng không thể nói hết …”

5. Lễ Kính Bồ Tát Địa Tạng Được Lợi Ích 

Phẩm Địa Thần Hộ Pháp trong Kinh Địa Tạng nói: “…Trong đó vẽ hình, hoặc tạc tượng Bồ Tát Địa Tạng, bằng vàng, bạc, đồng, sắt, rồi thắp hương cúng dường, chiêm ngưỡng, lễ bái, tán thán thì người đó được mười điều lợi ích: Một là đất đai mầu mỡ, hai là nhà cửa luôn được bình an, ba là người mất được sanh lên trời, bốn là người sống được tăng tuổi thọ, năm là cầu chi được nấy, sáu là không bị nạn nước lửa, bảy là không bị hao tổn, tám là không còn ác mộng, chín là được quỷ thần bảo hộ, mười là thường gặp nhân duyên tu thánh đạo. 

Phẩm Phó Chúc Người Trời trong Kinh Địa Tạng nói: “ Trong đời vị lai, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào, thấy hình tượng Bồ tát Địa Tạng, và nghe kinh này, nhẫn đến đọc tụng, dùng hương hoa, thức ăn, y phục, trân báu bố thí, cúng dường, ngợi khen, chiêm ngưỡng, lễ bái, thì người đó được hai mươi tám điều lợi ích: 1. trời, rồng thường hộ trì, 2. quả lành ngày thêm lớn, 3. tăng trưởng nhân lành Vô thuợng, 4. không thoái đạo Bồ đề, 5. ăn mặc dồi dào đầy đủ, 6. không bị bệnh tật, 7. không bị nạn nước lửa, 8. không bị nạn trộm cướp, 9. mọi người đều kính trọng, 10. quỷ thần hộ vệ giúp đỡ, 11. chuyển thân nữ thành nam, 12. làm con gái vua chúa, quý tộc, 13. thân tướng xinh đẹp, 14. thường sanh cõi trời, 15. thưòng sanh làm vua chúa, 16. có túc mạng thông, 17. mọi sự mong cầu đều toại ý, 18. quyến thuộc vui vầy, 19. tránh mọi tai ương, 20. không đọa ác đạo, 21. đến đâu cũng không bị trở ngại, 22. chiêm bao an ổn, 23. tổ tiên được xa lìa sự khổ, 24. sanh vào chỗ an lạc, 25. chư thánh hiền khen ngợi, 26. thông minh lanh lợi, 27. giàu lòng từ mẫn, 28. rốt ráo thành Phật.

6. Bồ Tát Địa Tạng Tùy Cơ Thuyết Pháp 

Phẩm Diêm Phù Đề Chúng Sanh Nghiệp Cảm trong Kinh Địa Tạng nói: “…. Bồ Tát Địa Tạng gặp người sát sanh, thì nói quả báo chết yểu; gặp người trộm cướp, thì nói quả báo bần cùng khổ sở; gặp người tà dâm, thì nói quả báo sanh làm chim sẻ, bồ câu, uyên ương; gặp người nói lời thô ác, thì nói quả báo quyến thuộc bất hòa; gặp người huỷ báng, thì nói quả báo không lưỡi, lở miệng; gặp người nóng giận, thì nói quả báo thân hình xấu xí, tật nguyền; gặp người bỏn sẻn, thì nói quả báo mong cầu không toại; gặp người ăn uống vô độ, thì nói quả báo đói khát, đau cổ; gặp người đặt bẩy, săn bắn, thì nói quả báo sợ hãi, điên cuồng, mất mạng; gặp người bất hiếu cha mẹ, thì nói quả báo trời tru đất triệt; gặp người phóng hỏa đốt rừng, thì nói quả báo điên cuồng mà chết; gặp cha mẹ ghẻ ác độc, thì nói quả báo đời sau bị roi vọt; gặp người bẩy chim non, thì nói quả báo cốt nhục chia lìa; gặp người hủy báng Tam bảo, thì nói quả báo đui, điếc, câm, ngọng; gặp người khinh thường giáo pháp, thì nói quả báo ở mãi trong ác đạo; gặp người phung phí của thường trụ, thì nói quả báo ức kiếp đọa vào địa ngục; gặp người phá phạm hạnh và vu khống tăng ni, thì nói quả báo ở mãi trong loài súc sanh; gặp người giết hại bằng nước sôi, lửa đốt, đâm chém, thì nói quả báo đời đời thường mạng; gặp người phá giới phạm trai, thì nói quả báo làm cầm thú đói khát; gặp người phung phí vô độ, thì nói quả báo thiếu hụt đói khát; gặp người cống cao ngã mạn, thì nói quả báo tôi đòi hèn hạ; gặp người đâm thọc gây hấn, thì nói quả báo không lưỡi, nhiều lưỡi; gặp người u mê tà kiến, thì nói quả báo sanh nơi biên địa.

7. Đức Phật Giao Phó Bồ Tát Địa Tạng Trách Nhiệm Trọng Đại 

Phẩm Nghiệp Cảm trong Kinh Địa Tạng nói: “…. Con nay lại được Đức Thế Tôn giao phó trách nhiệm, trước khi Đức Di Lặc thành Phật, phải độ thoát chúng sanh trong sáu đường. Bạch Đức Thế Tôn, xin ngài chớ lo, con xin vâng lời Phật dạy. Lúc đó Đức Phật bảo Bồ Tát Địa Tạng: Những chúng sanh chưa được giải thoát, tâm tánh không định, quen làm ác thì kết nghiệp ác, quen làm thiện thì kết nghiệp lành, làm thiện làm ác, tùy cảnh thọ sanh, luân hồi năm nẻo, không bao giờ ngừng, trải qua nhiều kiếp, như số vi trần. Mê hoặc chướng nạn, qua nhiều đời kiếp, giống như cá sa vào lưới, vừa tạm ra khỏi, lại sa trở lại. Ta rất lo lắng cho những kẻ đó. Nay ông theo lời nguyện xưa, trải qua số kiếp như vi trần, rộng độ tất cả chúng sanh, thì ta cũng không còn phải lo lắng gì nữa.”

8. Một Niệm Cung Kính Đều Được Giải Thoát 

Phẩm Chúc Lụy Nhân Thiên trong Kinh Địa Tạng nói: “…. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ: 

Đời này đời sau, chúng trời người Nay ta giao phó hết cho ông Hãy dùng thần thông cứu độ họ Đừng để ác đạo lọt vào trong. 

Bấy giờ, Bồ Tát Địa Tạng quỳ gối chắp tay bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Xin Đức Thế Tôn chớ nên lo lắng. Trong đời vị lai, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, chỉ cần khởi một niệm cung kính đối với Phật pháp, thì con cũng sẽ dùng trăm ngàn phương tiện để độ thoát, khiến họ mau ra khỏi sanh tử. Huống chi những người nghe việc thiện, tinh tiến tu hành, thì những người đó sẽ không bao giờ thoát thất đạo Bồ Đề.”

9. Bồ Tát Địa Tạng Diệt Định Nghiệp Chơn Ngôn 

Án Bát La Mạt Lân Đà Nãnh Ta Bà Ha 

(Vào đời Minh, ngài Đại sư Ngẫu Ích, lúc ở núi Cửu Hoa, đã từng kết đàn một trăm ngày, trì tụng chú này năm trăm vạn (5.000.000) lần, sau đó dạy các hàng xuất gia, tại gia, cùng nhau trì tụng mười vạn vạn (1.000.000.000) lần. Việc này rất có linh ứng trong việc tiêu trừ giặc cướp, như bọn Truơng, Lý nỗi loạn vào những năm đời Sùng Trinh, lại còn tiêu trừ nạn đói ở Trung Nguyên, cũng xảy ra vào những năm đó. Thời đại hiện nay, không biết hiểm họa nguyên tử sẽ xảy ra lúc nào, chúng ta lại cần phải tụng trì, hy vọng giảm bớt nghiệp ác của chúng sanh. Đang lúc tôi đang soạn tập sách này, cư sĩ Uông Giác Định đôi lần gởi thư đến, tha thiết ân cần, dặn tôi nên ghi thần chú này vào đây, nay xin đặc biệt cung kính ghi lại.)

10. Chỉ thị của Bồ Tát Địa Tạng Vào Lúc Sanh Và Lúc Mất 

Có một quỷ vương tên Chủ Mạng, bạch với Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Bổn phận của con là cai quản tuổi thọ loài người cõi Diêm Phù Đề, lúc sanh lúc mất, con đều biết rõ. Bổn nguyện của con là làm lợi ích, thế nhưng, họ lại không rõ ý con, thành thử lúc sanh lúc mất, đều không được an ổn. Vì sao? Người Diêm Phù Đề, lúc sắp sanh đẻ, bất luận trai gái, nếu làm các việc thiện, tăng thêm sự an lành cho gia trạch, lại khiến cho thổ địa vô cùng hoan hỷ, ủng hộ cả mẹ lẫn con, được nhiều an lành, gia quyến cũng được lợi ích. Lúc sắp sanh đẻ, cẩn thận chớ nên sát hại, lấy vị béo bổ cho người mẹ ăn, lại còn tụ tập quyến thuộc, ăn thịt uống rượu, đàn ca hát xướng, điều này làm cho mẹ con đứa bé không được an ổn. Vì sao? Lúc mới sanh sản, có vô số ác quỷ cùng các tinh mỵ vây quanh, muốn ăn máu dơ, nhưng con đã sớm sai các vị thổ địa linh kỳ đến bảo hộ mẹ con đứa bé, khiến họ an ổn, lợi ích. Những người như vậy, đã được an vui, đáng lẽ nên làm việc phước thiện, báo đáp công ơn của các thổ địa, ngược lại, làm việc sát hại, tụ tập quyến thuộc, vì lý do này chịu những tai ương, mẹ con đều tổn. 

Lại nữa, người Diêm Phù Đề, đến lúc mạng chung, bất luận thiện ác, con đều muốn cho người đó, không bị đọa vào đường ác, huống chi những người tu thiện, tăng trưởng lực lượng cho con. Người Diêm Phù Đề làm thiện, đến lúc lâm chung, còn bị trăm ngàn quỷ thần ác, biến hiện thành cha mẹ, họ hàng, dẫn dụ đọa vào ba đường ác, huống chi những kẻ xưa nay vốn làm ác. Bạch Đức Thế Tôn! Những người Diêm Phù Đề lúc mạng chung, thần thức hôn mê, không còn phân biệt thiện ác, nhẫn đến mắt tai không còn thấy nghe, lúc ấy, họ hàng quyến thuộc phải nên cúng dường rộng rãi, đọc tụng kinh này, niệm danh hiệu Phật Bồ Tát. Nhờ duyên lành này, có thể khiến cho vong linh ra khỏi đường ác, các quỷ thần ác tự động lánh xa. Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả chúng sanh lúc sắp mạng chung, nếu nghe được danh hiệu Phật, hoặc danh hiệu Bồ tát, hoặc đọc tụng kinh điển Đại thừa, một câu một kệ, con quán xét thấy người đó, ngoại trừ năm tội vô gián, tất cả tội đọa ác đạo khác, thảy đều tiêu diệt, sẽ được giải thoát.” 

Cung kính ghi đến nơi đây, kính thỉnh mọi người chắp tay cùng nhau hồi hướng: 

Nguyện đem công đức này
Cúng dường khắp chúng sanh
Nguyện hồi hướng tất cả
Sớm viên thành Phật đạo! 

Nam mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát …