LUẬN TẬP CHƯ PHÁP BẢO TỐI THƯỢNG NGHĨA
(Luận tập hợp nghĩa tối thượng các pháp bảo)
Bồ-tát Thiện Tịch tạo luận
Thí Hộ dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN THƯỢNG

Quy mạng nhất thiết Phật.

Quy mạng chư pháp bảo.

Đảnh lễ nhất thiết trí, lý rất sâu rộng lớn.

Con nay tạo luận tên Bảo Thượng. Đó là thắng nghĩa quyết định chân thật cao tột trong các pháp.

Luận nói: Nào người, nào trời và các loài hữu tình từ vô thủy đến nay do si ám, có đường ngôn ngữ là gốc rễ hướng đến nẻo ác. Nếu có người muốn vào cõi nhất thiết trí thanh tịnh, nên quy mạng Phật là sáng suốt.

Trong đây thế nào gọi là lìa tính ngã v.v… và tất cả nhân ? Phải biết tất cả nghiệp phiền não sinh các pháp tạp nhiễm. Không có bắt đầu, không dừng trụ, không thật thể, tuy có sinh nhưng giống như mộng ảo. Giống như mộng ảo nên từ phân biệt khởi lên.

Phải biết các pháp đều từ duyên sinh. Cho nên trong nghĩa duyên sinh, chư Phật tuyên thuyết các pháp, các vật tính không, không có tự tính, mà cũng không nên trong đó có tưởng không thật. Cho nên thanh tịnh A-lại-da thức tuy có thụ mà không thủ trước. Nghĩa này rất sâu và rộng lớn. Trong các kinh giáo đều nói như vậy.

Những người muốn cầu giải thoát phải hiểu rõ như thật đối với các pháp. Phải biết các pháp không tách rời thức. Nếu tách rời thức thì đoạn mất tính. Cho nên trong pháp không có tính thật hữu. Như trong Kinh Pháp Tập có nói.

Nếu pháp là thật, nếu pháp là không thật, nếu có tự tính nếu không tự tính, đó là hai không, cho nên đem huyễn dụ v.v… Các pháp chẳng phải hữu tính cũng chẳng phải vô tính. Trong đây nói nếu thật vô tính thì vô tính là không không, tức thành đoạn. Nếu thật hữu tính thì tính là thường. Phải biết nói không với phi không khác nhau, lìa không, phi không cũng không sở đắc.

Lại nữa sáng tối hai cái không hợp nhau. Lìa tối lìa sáng đều vô sở đắc. Cho nên phải biết trong đây có nói cái sáng không hiện tiền thì làm sao lìa cái tối. Trí và ngu hai cái không hợp nhau. Lìa trí lìa ngu cũng vô sở đắc. Phi trí phi ngu, hai trung gian đó ngã tưởng đều không. Tất cả các pháp không trong không ngoài cũng không trung gian, không có pháp có thể lấy, không có pháp có thể bỏ. Trong Kinh Bảo Tích có nói như vậy.

Nếu nói hữu là một bên, nếu nói vô là hai bên. Hoặc một hoặc hai hoặc trung gian, đều không có tướng có thể thấy. Không có tướng thấy nên cũng không thể nói. Không hình không tượng có thể biểu thị. Pháp không chủng loại không chỗ thâu giữ cũng chẳng phài trung biên có chỗ an lập. Những gì nói trong đây là nói chân thật. Tính và vô tính bản lai như thị. Hiểu như vậy thì chân quán thánh đế có thể lìa tham v.v… các lỗi lầm phiền não. Giả sử có sinh khởi phiền não thì trong thánh đế không có chấp trước. Nếu biết như vậy hiểu như vậy tức được thân Như Lai công đức tụ, rống tiếng rống sư tử, chuyển bánh xe pháp lớn.

Khiến khắp tất cả đều được thấy nghe

Như trong Kinh Lăng-già có nói vậy.

Lời ta vô tướng mà không thể thủ

Như trong Kinh Chuyển Thức có nói vậy.

Lìa thức có pháp: lý chẳng phù hợp

Như trong Kinh Thụ Ký có nói vậy.

Phải biết thức tâm khắp tất cả pháp

Như trong Kinh Thập Địa có nói vậy.

Sắc pháp không thật không thể lấy bỏ

Như Kinh Na-nậu-câu-lê nói vậy.

Nếu hiểu tính các pháp là chẳng phải do trí biết cho nên trong đây vô thật là khả đắc. Phải biết thể của trí là vô thật, như huyễn. Trong các kinh giáo đều có nói như vậy.

Chư Bồ-tát tùy theo các tướng chuyển. Tướng đó không có thật nghĩa, là vô sở đắc. Trong thắng nghĩa đế nói là không thể lập. Như trong Kinh Bảo Vân có nói như vậy.

Nếu vốn là không thì không thể nói là có. Thức lìa phân biệt gọi là không thể lập. Trong thắng nghĩa đế, chân lý là ly ngôn, mà tính của các vật là thật không sở đắc. Nói như vậy là nói quyết định. Ý Phật nói phá các vô trí. Trong Kinh Hiện Ái có nói như vậy.

Nếu nói có vật là không, thì nghiệp báo chúng sinh phải có nhiễm tịnh. Nếu có nhiễm tịnh là có tạo tác. Nếu có tạo tác tức các thứ tướng tùy theo thế gian mà chuyển. Có tướng chuyển nên thấy có tạo thành. Nếu có thể an trụ nơi tưởng không điên đảo, tức biết tính của vật không có thật thể riêng biệt.

Nghĩa này Bồ-tát Từ Thị hỏi: Thế Tôn ! Như thật nói ngã vốn vô biên thì Bồ-đề cũng vô biên. Bồ-đề vô biên nên không thể có được Bồ-đề. Ngã là vô biên nên không có người cầu Bồ-đề, cũng không có một chút pháp nào trí biết được. Chỉ có Phật trí mới có thể chiếu rõ. Pháp chân như là vô tính. Vô tính tức là Như Lai. Như Lai tức là tính vô sinh. Trong Kinh Táp-bát-đa-thiết-đa có nói như vậy.

Tất cả pháp nếu nói có là nói thường, nếu chấp không tức thành đoạn kiến. Nếu chẳng có chẳng không thì trung gian cũng chẳng lập. Như trong Kinh Bảo Tinh có nói như vậy.

Tham v.v… phiền não tất cả nhiễm pháp nếu giải thoát là tướng vô tận. nếu có thể hiểu rõ tự tính phiền não bản lai thanh tịnh, trong thắng nghĩa đế là thoát vô sở thoát. Nếu muốn chân thật quán Như Lai thì phải quán Như Lai giải thoát sở sinh, không từ nhân sinh không từ duyên sinh, chẳng phải có tướng sinh, chẳng phải phân biệt sinh, xa lìa tất cả danh ngôn sai biệt, chẳng phải sắc tướng chẳng phải sắc chân như, cho đến chẳng phải thức tướng chẳng phải thức chân như, chẳng phải tối chẳng phải sáng, phi tức phi ly, phi kiến phi tri, lìa các pháp thức, chẳng phải chỗ liễu biệt, không trụ ở trong tất cả pháp thức. Nếu có thể quán Như Lai được như vậy gọi là chính quán. Nếu quán khác là tà quán. Bởi tà quán nên không thể thấy được Như Lai chân thật. Trong đây nói nghĩa chân thật là ly hữu ly vô, phi tính phi vô tính. Như vậy là chân thật thấy Như Lai. Như trong Kinh Vô Cấu Xứng có nói như vậy.

Trong Kinh Hoa Nghiêm có một nhà thông thái hỏi Bồ-tát Diệu Cát Tường: Thế nào là lời nói thật, lời nói không thật ? Làm sao điều phục tất cả phiền não ?

Diệu Cát Tường đáp: Như người chiêm bao thấy một con rắn lớn. Người ấy tuy thấy nhưng không bị độc làm hại. Phiền não tuy sinh nhưng không có thật tính, mà tính thanh tịnh tự điều phục. Đó là lời nói thật, chẳng phải lời nói không thật.

Lại nữa, Bồ-tát Hải Tuệ hỏi Phạm thiên Bất Tư Nghị: Pháp vốn không chứng cũng không có pháp nói ra. Vì sao có Phật và các pháp của Phật ?

Phạm thiên Bất Tư Nghị đáp: Nếu Phật Như Lai xuất hiện ra đời và nói pháp phần của chư Phật, hoặc có hoặc không vốn tự như vậy. Bản lai không nói pháp cũng không pháp được chứng. Không nói nên không nghe. Không chứng nên không đắc. Chỉ vì nghiệp phiền não của chúng sinh, sinh tính quả báo, dẫn sinh tâm Đại Bồ-đề của chư Phật, trụ nơi cảnh giới bi tâm của chư Bồ-tát. Nếu các chúng sinh tự có thể điều phục các tính phiền não, có các hành mà không thường hành, không cầu, không nguyện mà tính phiền não đều thanh tịnh thì chư Phật cũng không chứng, không thuyết pháp.

Lại nữa Đồng tử Thiện Tài nói: Phải biết các pháp đều như huyễn. Ta ở trong huyễn mà cầu giải thoát. Các nghĩa như vậy có nói trong Kinh Hoa Nghiêm.

Phải biết các pháp như huyễn, như chiêm bao, như sóng nắng, như đám bọt nước, như thành Càn-thát-bà. Tất cả các pháp trong ba cõi từ tâm thức sinh ra. Tâm như huyễn nên ba cõi như huyễn. Nếu có một vật có thật thể thì nói thế không phù hợp với lý huyễn dụ. Trong Kinh Tam-ma-địa Vương có nói như vậy.

Các nghĩa trên đây có nói trong các kinh.

Lại nữa, nay tôi dựa vào kinh sơ lược giải thích các nghĩa khác.

Như Bồ-tát Diệu Cát Tường nói: Bồ-đề không dùng thân được, không dùng tâm được. Nếu không tâm tức không thân. Lìa thân tâm nên vô vi vô tác, như huyễn như hóa. Nếu nói như vậy là Bồ-đề tức là chư Phật nói là Bồ-đề này có thể nhập vào cảnh giới bình đẳng của chư Phật. Cho nên mới có thể gọi là trí trang nghiêm mà không trang nghiêm nhất thiết trí. Vì tính của nhất thiết trí là bất khả đắc. Bồ-đề không sinh cũng không diệt, không một không khác, chẳng phải đây chẳng phải kia. Chư Phật Như Lai đều nói như vậy.

Lại như tất cả hạt giống trong thế gian có thể sinh trưởng mầm chồi, nếu không hạt giống mầm chồi không sinh. Bồ-tát Thích-ca ngồi Bồ-đề tràng thành đẳng chính giác, nghĩa đó cũng như vậy. Chỉ theo duyên pháp mà sinh khởi. Tuy có chỗ chứng nhưng không có thật. Đó tức là nói thần thông du hý. Cho nên phải biết không có pháp bên ngoài. Chư Phật Như Lai cũng không có tính. Cho nên lìa thức thật không có một pháp. Nếu lìa thức thì pháp không sinh, nên nếu tâm có thể sinh tâm tức là vô sinh. Nếu pháp sinh pháp cũng là vô sinh. Chính vì nghĩa đó chư Phật Như Lai ở trong tâm vô sinh nói nghĩa Bồ-đề.

Phật nói thức tâm có thể sinh Bồ-đề, cũng chẳng phải thức tâm mà có thể sinh.

Bởi vì sao ? Vỉ tính của thức là không.

Diệu Cát Tường nói cái chân thật tối thượng này là từ trong tự Phật cảnh giới mà nói như thật.

Lại nữa các pháp đều từ duyên sinh, mà cái được sinh kia cũng không tự tính. Cho nên các pháp thảy đều như huyễn. Nói như huyễn là nói như thật.

Bồ-tát Từ Thị hiện trụ trong như huyễn Tam-ma-địa. Cho nên Thế Tôn ở trong Tam-ma-địa đó mà thụ ký để biểu thị.

Lại nữa Thế Tôn trong vô số kinh tuyên thuyết các pháp từ thức biến hiện, lìa sinh lìa diệt, chẳng có tướng, chẳng thâu giữ, không khởi tạo tác, không dừng nghỉ, chẳng có chẳng không, chẳng phải thường chẳng phải đoạn. Phải biết tính của trí đều như huyễn huống chi là các pháp còn có phân biệt. Nếu có chấp trước đoạn thường, thì đó chẳng phải chính hạnh, Phật không chấp nhận.

Nếu biết các pháp chẳng phải đoạn chẳng phải thường, đó là chính phù hợp gọi là chân thật. Ngoài tự phần không có pháp nào có thể chấp trước, cũng chẳng có pháp nào là đối tượng của tâm. Tuy có nhiều cách nói về pháp, nhưng đó là tùy theo các pháp mà biểu thị. Phải biết là tự thức mà không phải thức nào khác. Đối với nghĩa bên ngoài, không có chút pháp nào đáng được yêu thích. Tự thức vô tính, tha thức vô tính, với tự với tha đều không có tính khác. Trí chân thật lìa hữu lìa vô. Phải biết thức của ta cũng phi hữu, mà nó thâu giữ trong uẩn ngữ của Bổ-đặc-già-la. Cho nên phải biết tất cả Phật, tất cả pháp đều có tự phần. Nếu lìa tự phần không thể tìm được, tức đây nói lìa hữu lìa vô. Đó là nghĩa rất sâu. Chư Phật đều nói pháp vi diệu này, xa lìa tất cả chấp thủ chấp trước phân biệt. Lìa đây rối cũng không có gì khác để nói. Những kẻ mê lầm nếu chấp nơi hữu tức có hai thứ giới thú thiện ác sai biệt. Nếu chấp nơi vô tức không có tưởng sát-na sinh khởi. Cho nên chấp hữu chấp vô đều không phù hợp. Chư Phật Như Lai phương tiện bi tâm tuyên thuyết nghĩa này. Nghĩa là tất cả pháp lìa hữu lìa vô. Như vậy đã nói câu tối thượng. Cho nên đây nói các pháp chân thật. Tính của pháp là không bám dính, chẳng phải các sở quán. Cái tính không đeo bám ấy lìa hữu lìa vô. Nếu biết như vậy là người đại trí. Phải quán hư không, không tăng giảm, không phân lượng, không giới hạn. Hư không này sinh ra tất cả. Tâm thức thanh tịnh cũng như vậy. Cái tâm vô tâm này sinh ra tất cả. Cũng như ngọc báu tịnh ma-ni, vì nó vô tâm nên ánh hiện tất cả.

Nếu có người hỏi vì sao phần vị mà không thể thủ ?

Nên đáp như thế này. Nghĩa là hư không kia không tạo ra ranh giới nên không thể thủ.

Nếu hư không không tạo ra biên giới thì làm sao có lượng ?

Phải biết tất cả cõi chúng sinh như đống vi trần tụ lại. Một hư không có thể dung chứa mà các chúng sinh như cõi hư không không có tăng giảm. Nếu tất cả hữu tình và tất cả phương phần, tất cả chúng loại, tất cả hình tướng, mỗi mỗi phân biệt, trong đó thật không có một tính có sinh khởi. Chính vì nghĩa đó nên chẳng phải một tính, chẳng phải nhiều tính, một, nhiều, trung gian cũng đều vô tính. Nếu nói một tính, nhất định có sở đắc, tức các thứ tính có sai biệt. Có tính sai biệt tức sinh phân biệt. Cho nên một tính nhiều tính, tính đó bình đẳng. Nếu đối với ngoại nghĩa không chấp thủ chấp trước thì đối với trí cũng không có sở đắc. Nếu đối với ngoại nghĩa không chấp thủ chấp trước thì đối với trí cũng không sinh khởi. Nếu biết thức tâm lìa các hữu tướng thì ngoại pháp nào có phân lượng gì ? Nếu biết thức tâm là các hữu tướng thì ngoại pháp là phân lượng gì ? Cho nên biết rằng ngoại pháp kia thật không có một tính có thể sinh khởi. nhw chiêm bao v.v… pháp không có tác dụng thật. Nếu nói các pháp là đây, đây không có tự tướng. Nếu nói các pháp là kia, kia cũng không thật. Nếu nơi tự tâm có liễu tri, tức tự tâm này cũng là không thật. Nếu biết như thật, gọi là giác liễu thức tướng. Nếu có tất cả tâm thô trọng phân biệt khởi, phải biết đều là phiền não sai biệt sinh. Nếu có thể biết tính phiền não lìa tâm phân biệt thì sinh tử Niết-bàn cả hai đều thanh tịnh. Tính thanh tịnh này tức tính của các pháp. Tính này cũng gọi là chân như, gọi là thật tế, cũng gọi là không. Trong các tính này họac nhiễm hoặc tịnh, quán bằng thật trí đều thấy bình đẳng.

Hoặc có người hỏi trong tất cả pháp pháp gì là không hoại diệt ? Nên đáp rằng tự nhân các pháp không hoại.

Sao không hoại ?

Vì nhân tính không hoại. Dầu pháp là hữu tính dầu pháp là vô tính, không lìa tự tính.

Nơi hai nghĩa, nghĩa nào có thể an lập ?

Nếu nhân các pháp và các tác dụng có hoại, thì lý không phù hợp ở tất cả mọi nơi.

Thật tính các pháp làm sao tùy chuyển ?

Nghĩa là vì thật tính kia không có chỗ trụ.

Các pháp vô tính làm sao có nhân ?

Vì lìa nhân cũng không có tính nào khác.

Lại nữa, thật tính các pháp không hoại, thì cái tên gọi là hoại cũng không trụ. Trong đây cũng không có tính nhân sai biệt, vì tính hoại diệt kia không có phần vị. Chân thật các pháp là tính thường trụ. Tính thường trụ kia chẳng phải là tính vô thường. Nếu lìa thật tính thì lý biệt nghĩa tác dụng không phù hợp. Nhưng tính của các vật cũng không giảm. Lại nữa, tính phi vô thường là tính chân thật.

Trong tính chân thật có nghĩa gì ?

Là tính tác dụng không sai biệt, không thể phân biệt. Nó thường phổ biến tất cả mọi nơi.

Lại nữa, tính phi vô thường là tính chân thật.

Trong tính chân thật làm sao được tướng ? Các không chân thật làm sao lập ? Các tính dị biệt làm sao hiện ? Cho nên tính phi vô thường nên biết như vậy.

Lại nữa, phải biết tính vô thường là ở trong tính của các vật tự loại mà chuyển, vì là nhân sai biệt hiện các tụ loại, vì dục là nhân của sinh khởi. Hoặc nếu lấy các tính vô thường kia mà nói quyết định ở đây thì không phù hợp với nghĩa lý duy thức. Tính vô thường kia là không quyết định nên nếu pháp không hoại cũng chẳng phải không hoại, vì hữu pháp sát-na sinh khởi. Nếu nói không hoại thì sao gọi là tính vô thường ? Nếu chẳng phải không hoại, sao lại gọi là tính nhân ? Pháp quá khứ vị lai cũng như vậy, đều không vật tính định thật phân biệt các pháp tùy chuyển.

Tùy theo phần vị, đây là nhân gì ?

Nghĩa là vì không trụ, nên trong các hữu vi hiện tiền có sự diệt. tức kia sau lại có sự sinh khởi lại. Trước không thể phân biệt dẫn sinh phần sau. Sau không thể phân biệt, từ phần trước sinh. Nếu nói các pháp đây có sở đắc, tức trong đây khởi nhân phân biệt. Nếu nói các pháp kia có sở đắc, tức trong kia khởi nhân phân biệt. Quá khứ vị lai không trụ cũng như vậy. trong đó không nên có phân biệt. Trong pháp sát-na có thể nói về nghĩa có hoại không hoại chẳng phải là phãp sát-na. Nếu hiểu biết nhân kia như vậy thì không thể phân biệt trước sau khoảng giữa.

QUYỂN THƯỢNG HẾT

 

QUYỂN HẠ

Lại nữa, nay nói về sinh trụ dị diệt. Bốn tướng này chuyển từng mỗi sát-na, nên tướng chẳng tương ưng và không thật. Trong cái tướng chẳng tương ưng không thật, không thể khởi hai phân biệt, không thể nói là cùng một thời, không thể nói là khác thời, vì một thời khác thời không sinh khởi.

Lại nữa, không thể nói là không có thời, vì lý trái nhau. Nếu khi nói hoại thì hoại tức không sinh. Cho nên phải biết khi sinh không trụ, khi trụ lại cũng không sở đắc.

Tính không trụ kia làm sao có diệt ?

Sinh và trụ kia gọi là dị.

Nếu vốn không sinh làm sao có trụ ? Nếu pháp không trụ thì làm sao được ? Bởi không sinh và không trụ nên trong nghĩa nào mà nói có diệt ?

Nếu pháp có trụ thì trong tụ pháp có thể nói dị tính.

Pháp đã không trụ làm gì có dị tính ?

Trong tính vô dị không nên phân biệt. Phải biết dị tính mà không phải trụ tính. Thật không có một tính có thể phân biệt. Cho nên các tướng và tâm phân biệt, đây là hai loại. Nếu không các tướng tức không phân biệt. Nếu các tướng kia nếu tâm phân biệt có phân biệt thì cả hai đều phân biệt. Nghĩa như thật là không tướng không phân biệt. Nếu sinh trụ dị diệt mà có tính thì trong mọi lúc, mọi nơi, tất cả pháp sơ trung hậu phần không thể an lập. Nếu có thể tư duy như lý như vậy, Phật gọi người đó là đại trí.

Các tính sơ phần trung phần hậu phần, trong ba phần thật không có một tính có sinh khởi. Cho nên các pháp chẳng phải một tính chẳng phải nhiều tính. Một hay nhiều hay khoảng giữa đều không sở đắc.

Nếu tất cả pháp lìa một tính, lìa nhiều tính, tức thường cùng vô thường không có chỗ phân biệt. Cho nên phi vô thường, phi phi vô thường. Không nên trong đó khởi hai phân biệt. Phải biết sơ phần trung phần hậu phần không câu sinh, không câu hữu. Như tính của người khác tức mình không có. Nếu thể tính của mình, người khác làm sao có ? Trong đây có nói tự tính còn không, tha tính làm gì có. Cho nên tự cũng vô tính, tha cũng vô tính.

Phải biết các pháp hành động tạo tác không lìa nhân tính. Hoặc hoại diệt không hoại diệt chẳng phải do tâm tư duy, không thể phân biệt. Sơ trung hậu phần như thật tư duy đều là tướng vô vi, tướng vô dị biệt.

Không nên phân biệt các pháp kia mỗi mỗi chủng tử đều có mỗi mỗi tính . Mỗi mỗi không lìa chủng tử trí sinh, sát-na sát-na thời phần chuyển dịch. Cho nên tính của tất cả pháp kia làm sao tâm có thể tư duy sinh khởi sự tướng sai biệt trong tất cả pháp ? Phải biết không nhân cũng không sai biệt.

Các pháp bản lai không tạo tác. Mặc dù tác dụng liên tục làm sao có thật. Cho nên các pháp sở tri và người năng tri, hai cái này trong sát-na không thể hòa hợp.

Tính như vậy, thật không thể thủ. Trong đó không có sở hữu cũng không có sở đắc. Phải quán các pháp sinh rồi liền hoại. Nếu pháp không hoại tức không phải sinh pháp. Bởi pháp hoại nên không sở đắc. Không hoại là tính thường trụ. Tức tính thường trụ cũng lìa. Tức nói lìa là trong đó cũng lìa. Nếu biết như vậy tức rõ các pháp tính sai biệt là nhân thường trụ. Tính không sai biệt cũng như vậy.

Các pháp hữu vi liền sinh liền diệt, nên gọi là không trụ. Nếu có trụ thì phải có sở đắc. Bởi tướng không trụ là không sở đắc, nên pháp không trụ kia tương ưng với các hành sai biệt trong tất cả hành. Nếu tính kia có sở đắc thì làm sao đối trị với hành không sai biệt ? Cho nên trong hành sai biệt không có tính nào sinh.

Lại nữa, phải biết nhãn v.v… các thức có tính hiện lượng. Đức thầy Đại Mâu-ni đã nói rõ điều đó. Nếu lìa tính hiện lượng mà riêng lấy lượng, phi lượng thì làm sao được ? Ở thế gian trước khi làm việc gì đều không có sở y. Nếu như các việc làm không có tính tác dụng, những việc như vậy hiện tiền, cho dầu hiện tiền cũng không thành. Trong đó nếu có làm và chẳng phải làm, đều mâu thuẫn với nghĩa tác dụng. Cho nên tất cả những việc làm không thật, đều như hư không, thường với vô thường đều không nên chấp.

Phải biết các pháp đều từ duyên sinh. Tuy sinh cũng không chút pháp nào đáng gọi là đắc. Duyên như huyễn nên cái sinh ra cũng như huyễn. Tức các pháp xuất sinh như vậy. Vì ý nghĩa đó, các pháp là vô tính mà cũng chẳng phải vô tính. Đấng Chính đẳng chính giác tuyên thuyết nghĩa như thật.

Phải biết tất cả pháp là vô trước vô ngại. Đây là nghĩa chân thật nói trong Đại thừa. Biết như vậy tức tâm Bồ-đề bản lai bình đẳng. Mười phương thế giới tất cả Như Lai biết như thật, nên xuất sinh phương tiện tuyên thuyết tất cả pháp môn rất sâu. Như tùy chỗ thích ứng mà có danh ngôn phân biệt. Cho nên mỗi mỗi tuyên thuyết là biểu thị các pháp sinh xuất. Như là pháp tứ đế, pháp duy thức.

Tuy có dùng ngôn thuyết nhưng thường chân thật. Tất cả các pháp ấy đều như huyễn. Bởi như huyễn nên không thể tìm, không thể xét, không thể biết, không biểu thị, không thâu giữ. Nếu lìa tất cả như vậy tức biết pháp chân thật. Do biết chân thật mà tâm Bồ-đề mau được giải thoát. Nếu tâm Bồ-đề giải thoát như vậy tức chư Phật cũng vậy, chúng sinh cũng vậy, sinh tử cũng vậy, Niết-bàn cũng vậy, pháp giới cũng vậy. Cho nên Phật với chúng sinh cả hai đều bình đẳng. Sinh tử Niết-bàn cũng bình đẳng.

Nếu trong đó hiểu được nghĩa như thật như vậy, Phật nói đó là chư Phật Bồ-đề. Thế mới làm xong tất cả sở hành sở tác. Nghĩa nói đó là đệ nhất nghĩa. Lìa đây không có đệ nhất nghĩa nào khác. Đệ nhất nghĩa này bao gồm tất cả pháp. Đó là ngữ hành chân thật, không thể nghĩ bàn, ly hữu ly vô, phi trí phi ngu, phi thiểu phi đa, vô tướng vô tính, không chỗ soi tới, trí không thể biết, thức không thể nhận ra, không tức tự tính không lìa tự tính, không lấy không bỏ, lìa tướng lấy bỏ, từ trí như thật sinh ra, tùy chỗ sinh ra, tùy chỗ nói năng, không có tướng chấp thủ, không thâu giữ, chẳng phải do tâm tư duy, vì không thể biết, chẳng phải do mắt thấy, vì không thể thấy.

Bởi vì sao ? Vì tâm không tự tính. Do tâm không tự tính tức tất cả pháp không tự không tha. Do không có hai thứ tự tha sai biệt tức tất cả pháp tự tính tương ưng không sinh không diệt, không tụ không tan, chẳng phải trí chẳng phải ngu, không có một chút pháp nào có biểu thị có soi tới.

Phải biết các chủng tử Bồ-đề mà biểu thị rõ rệt tướng của chúng, nếu có thể nơi chúng quán tướng vô ngã thì chủng tử Bồ-đề cũng không sinh. Chư Bồ-tát Ma-ha-tát tự tính chân thật, dùng phương tiện khéo léo xuất hiện thế gian, khởi tâm đại bi thị hiện có chứng đắc. Nhưng chư Bồ-tát tự tính chân thật không sinh không diệt.

Phải biết thức pháp xa lìa nghi hoặc, không có một chút pháp nào có thể sinh khởi. Ngã ngã sở là không, không có tướng hiển rõ biểu thị. Thức tướng sáng suốt mà không có tự tính, nhưng tính sáng suốt kia tính tự thường như vậy. Cho nên tính ngã tướng là không có sáng suốt.

Trong cái không sáng suốt làm sao có thể nói có tướng sáng suốt ?

Như các thứ ánh sáng có thể phá trừ tối tăm. Nhưng sáng và tối không gần nhau, không hợp nhau.

Không gần thì sáng làm sao phá, không họp thì tối làm sao bị phá ?

Nếu sáng tối cách xa nhau thì lại cả hai đều không sở đắc. Cho nên phải biết cái sáng có thể phá tối là bất tức bất ly, không thể trong đó quyết định thật phân biệt. Tối tuy có phá nhưng không có pháp năng phá. Pháp năng phá kia không có phân lượng nào cả. Bởi vì sao ? Vì cái gọi là phá đó không trụ. Do đó phải biết tất cả pháp do nhân duyên hòa hợp mà có sinh. Do duyên sinh nên thành như huyễn.

Trong pháp như huyễn các si ám kia v.v… cũng chẳng phải phiền não. Chỉ vì trí chướng nên không hiểu rõ. Cho nên lìa thức phân biệt cũng chẳng phải có sinh khởi sáng suốt. Hai thật tính này đều vô phân biệt. Trong đây bên chấp kiến mà thật là không sở đắc.

Lại nữa, phải biết xúc tác ý thụ tưởng tư, dục thắng giải niệm định tuệ, các tâm sở hữu pháp đó đều là tướng của Bồ-đề, và mỗi mỗi tự tính của chúng là thanh tịnh. Nếu có một pháp nào chẳng phải tướng Bồ-đề thì lý không hợp với tự thể. Phải như hư không, tự tính thanh tịnh, và trí tính của nó cũng thanh tịnh như vậy. Nếu biết tướng của ngã là vô sở hữu thì tâm thức của nó cũng không sinh.

Nếu thức không sinh thì làm sao có tất cả các pháp ?

Cho nên phải biết các pháp đều từ chân thật sinh ra. Nhân duyên hòa hợp thì các pháp sinh. Tuy sinh mà không thật, không sở hữu.

Các pháp như huyễn. Thức tâm như huyễn. Duyên cũng như huyễn. Do như vậy nên thức theo duyên sinh.

Phải biết trí tính cũng như huyễn, không có phân biệt, không có liễu tri. Tự tướng các pháp chẳng phải trí có thể biết. Chỉ là ngôn thuyết, đều không phù hợp. Trong đây nếu có thể lìa các phân biệt, nào sinh nào diệt đều xa lìa hết.

Duyên sinh như huyễn. Cái được sinh ra cũng như huyễn. Làm sao trong cái như huyễn mà thật có sinh ?

Phải biết thức tâm như huyễn nên trí cũng như huyễn. Trí như huyễn nên cái biết cũng như huyễn. Trí và sở tri đều như huyễn nên pháp sinh ra cũng vậy. Sinh pháp như huyễn nên các pháp cũng vậy. Như người trông thấy huyễn thuật tạo các hình tượng, nếu có sinh ra tức có ba việc. Các hành của thế gian cũng vậy, nếu có sinh cũng có ba việc. Nếu nơi tâm này có thấy, tức có ngôn thuyết và có sở tác sự. Nếu hoàn toàn vô tâm, không tư duy.

Vô tâm vô tư làm sao có pháp ?

Nếu có ngã tướng và có ngã sở, có thể nói có thấy. Không ngã ngã sở làm sao nói thấy ? Tướng Bồ-đề kia cũng làm sao chứng ?

Phải biết tướng vô ngã này là như vậy. Tất cả huyễn pháp là vô sở hữu. Như huyễn hiện ra gọi là có. Tính có, tính không, tính tự tính của nó, tính này không đeo bám, mà hiện khắp mọi nơi.

Nếu pháp là có, tức không được là không. Cái có này cũng hiện tiền vô thể. Nếu pháp là không, tức không được là có. Cái không này lại cũng hiện tiền có thật. Cho nên không sinh cũng không thâu giữ. Do đó phải biết nếu pháp mà nói có thì không phải như thị hữu. Nếu không như thị hữu, tức phải là không. Trong đây nói có, lại cũng không thể ghi nhận nhất định. Tự tính của pháp giới nên nói như vậy.

Nếu các sắc pháp là thật hữu thể, nhưng đối với đệ nhất nghĩa là vô sở hữu. Cho nên trong đây các việc ra làm đều do từ huyễn hóa phân biệt khởi. Cho nên nếu pháp là hữu tính, nếu pháp là vô tính, vốn tự như vậy. Nếu phi hữu tính, nếu phi vô tính cũng như vậy. Hữu tính, vô tính, tự tính tương ưng. Tính với vô tính chẳng phải tâm phân biệt.

Hoặc có thuyết nói các pháp là mỗi mỗi không có tự tính. Hoặc có thuyết nói các pháp là khác nhau không có tự tính. Trong tất cả pháp tính vô tự tính là không thế nói được. Chư Phật tùy theo ba đời mà chuyển, khiến tất cả chúng sinh trong thế gian đều được giải thoát mà các cõi Phật không có nhân tăng trưởng, kia cũng không có tính tăng trưởng, trong tính chân thật chư Phật thường hữu.

Phải biết tất cả pháp có bốn thứ phân biệt là có, không, hai, chẳng phải hai. Thế gian như huyễn, tâm cũng như huyễn. Sao không thuyết mà có sở thuyết ? Tất cả pháp không, lìa các chấp trước. Không cũng không lìa tính chân như của nó. Trong đó không nên phân biệt hý luận. Vì ý nghĩa đó các pháp vô tính nên nói như vậy.

Phải biết chư Phật chính đẳng chính giác, phi tính phi vô tính, vì tính với vô tính đều lìa chấp trước. Đây tức phi không cũng phi bất không, không có trung gian cũng không chỗ lập. Cho nên tất cả pháp vô sinh vô tính. Do vô sinh vô tính nên tùy theo hữu tướng mà biểu thị nơi nơi.

Nhưng nghĩa chấp tướng là vô sở đắc. Thủ tính vô thật tức là chân thật. Các pháp không sinh cũng không diệt. Tất cả các pháp đều đồng một tướng. Trong đây do đồng một tướng nên tất cả pháp không nhiễm không tịnh.

Nếu nói các pháp có sinh có diệt thì phải biết là đều từ chủng tử phiền não hư vọng sinh khởi. Nếu nói các pháp là không sinh, nói thế là đoạn kiến tăng ngữ. Nếu nói các pháp là không diệt, nói thế là thường kiến tăng ngữ. Cho nên phải biết các pháp là ly ngôn, không thể nói sinh không thể nói diệt.

Trong tất cả pháp hoặc sinh hoặc diệt, thật không có một chút pháp nào có sở đắc. Nếu có thể lìa hai thứ tăng ngữ thì tất cả pháp chẳng phải đoạn chẳng phải thường. Tính hữu tính vô tính tự chân thật. Trong đây không có một chút pháp nào là tướng sở đắc. Không có một sự việc thật có thể chuyển. Các pháp tuy sinh mà vô sở hữu, trong đó cũng là cảnh giới vô thật. Trí như hư không lìa các hữu tướng. Trí với hư không đều bình đẳng.

Phải biết tất cả phân biệt sai biệt là lưới phiền não chướng ngại tính thanh tịnh. Chân như vô tướng lìa các sở duyên, tự tính thanh tịnh có đại quang minh. Cho nên phải biết chư Phật Thế Tôn bản tính chân như là Phật bảo. Lấy nhân thanh tịnh chỉ bày pháp thanh tịnh, khai sinh chính giải, tự tính nhiệm trì, đó là pháp bảo. Chỉ cho thấy con đường chân thật, tự thể tương ưng, đó là tăng bảo. Như vậy Tam Bảo đều là tướng vô vi, chẳng phải uẩn pháp, không nhóm họp, không sở hữu, không hữu tướng, không phân biệt.

Cho nên chư Phật Thế Tôn trụ nơi thắng nghĩa đế, từ con đường như thật mà đến một cách như thật, nên gọi là Như Lai. Như thật hiểu rõ các pháp vô ngã v.v… cho nên hiện các sắc tướng và pháp công đức. Từ sơ phát tâm tu các thắng hạnh được không thoái chuyển, cho đến tối hậu nhất sinh bổ xứ, thành đẳng chính giác. Sở nhân này từ chân như vô cấu hiện các Phật thân. Các hiện thân này là phương tiện sinh. Tuyên thuyết các pháp mà là vô thuyết tướng.

Bởi vì sao ? Vì vô tính, vô sở hữu, thức tâm thanh tịnh. Thức này tức có các việc sở tác cũng hiện như vậy. Tuy hiện vô thủ mà cũng vô thuyết, vì thắng nghĩa đế là bất khả thủ, bất khả thuyết. Tức vô thủ vô thuyết này tính thể tự chân thật cũng bất khả thuyết. Bởi bất khả thuyết tức vô phân biệt. Tính vô phân biệt là thắng nghĩa đế.

Trong thắng nghĩa đế tùy sự phân biệt sở hữu sở hữu các pháp thanh, như thị như thị các pháp thuyết.

Các pháp vô thuyết tướng kia, pháp tính các pháp đều bình đẳng. Các pháp vô ngã cũng vô tự tính. Hữu tính vô tính, các tự tính kia lìa hữu lìa vô, bất khả thủ mà cũng bất khả thuyết. Trong đây như vậy hoặc hữu hoặc vô, ngữ nghĩa rất sâu, lìa tướng mà nói. Các pháp không có chứng tướng. Đó gọi là chính đẳng giác.

Các pháp lìa thuyết tướng, đó gọi là chân thật thuyết. Không sinh cũng không diệt, các pháp nghĩa rất sâu, mỗi mỗi các cảnh giới vô ngã và không chuyển. Ngoại pháp không thể chuyển. Ngoại pháp không thể thủ. Các pháp thí, giới v.v… tuy nói mà vô tưỡng. Cho nên trong tất cả pháp không có tướng sở thủ, tức vô sở trước.

Trong đây cũng không có tác dụng nào khác. Dẫu có sở tác sự cũng gọi là không. Tác dụng không, cho nên vô thật hành tướng. Trong vô thật hành tướng, pháp không tăng không giảm. Nếu đối với các pháp hư vọng phân biệt, phải biết tâm ấy chuyển trong chấp tướng, khởi nơi tâm ấy. Cho nên người ngu si chấp trước tính phiền não, không giải thoát. Nếu không khởi các hư vọng phân biệt thì các sở tác đều vắng lặng, có thể như thật được giải thoát. Không phân biệt cho nên tâm tâm tính thường vắng. Cho nên các pháp từ duyên mà sinh, tuy có sinh mà gọi là không. Phải quán tự pháp mà không có tướng. Đấng Chính đẳng chính giác đã nói như vậy.

Phải biết các pháp không tụ tập không tan rã, không tự không tha, không có chút pháp nào có thể thủ tướng, như trước cũng như sau, trước sau tương ưng, mà tính chân như kia chiếu sáng.

Nếu có thể chiếu thấu tính chân như kia thì các pháp duyên sinh hiện mà không chướng ngại. Như huyễn sinh, cũng nói như vậy. Đây nói Đại thừa xuất sinh, phải biết tất cả pháp hoặc sinh hoặc diệt, chẳng phải do tìm kiếm dò xét có thể biết.

Bởi vì sao ? Vì không chấp trước nơi ngữ nghĩa, vì tính chân thật kia là bất khả tri. Cho nên hiện tiền không chấp thủ chấp trước. Người trí như thật lìa các ngôn thuyết.

Tâm phân biệt là lưới vướng mắc, lìa phân biệt tức được giải thoát. Tâm giải thoát kía bình đẳng như hư không. Nói như vậy là nói pháp rất sâu.

Nếu trong đây như thật tin hiểu, đó là người đại trí. Cái tâm tin hiểu kia sánh bằng ba cõi. Tâm ấy thanh tịnh lìa các trần cấu, lại có thể xa lìa tất cả nhiễm trước, tức đối với các pháp không lấy không bỏ, tất cả chấp trước ngu si đều xa lìa, có thể đạt được mười thứ tự tại.

Đối với tự pháp giác liễu tự tính. Trong vô tự tính cũng vô sở trụ, đối với các pháp như thật tin hiểu, như chỗ tin hiểu mà trụ như thật. Ví như hư không phổ biến khắp tất cả không thiếu nơi nào. Tất cả pháp viên mãn xuất sinh cũng như vậy. Pháp đó bình đẳng phổ biến khắp tất cả. Trong đó không có pháp hoặc đến hoặc đi. Không đến không đi nên các pháp hiện tiền. Biết được nghĩa này là thông đạt Phật giáo.

Tất cả sinh pháp đều không chấp trước. Khác đây cũng không có một pháp nào khác. Đây là con đường trọng yếu của các pháp Đại thừa, tối thượng thậm thâm như thật mà chuyển. Thức tâm tịnh nên không chấp trước tất cả, lý không mâu thuẫn với tất cả pháp. Cho nên phải biết tất cả chấp tâm đều ở nơi hữu pháp.

Pháp rất sâu kia chẳng phải trí quán, chẳng phải chỗ liễu tri. Hữu vô hai chỗ đều không thể lập. Vì ý nghĩa nghĩa ấy chư Phật Bồđề không có người năng chứng, không có chỗ sở chứng. Trong pháp Bồ-đề không có chỗ an lập. Nếu có thể như thật chứng Phật nơi tự mình thì tự tương ưng cùng tất cả pháp.

Các pháp không nhân cũng không sở tác, những kẻ ngu si tư duy phân biệt nếu chấp không nhân thì lại không thể tập họp các việc phúc, khởi tâm nhiễm trước cảm báo ác thú. Cho nên người trí trong pháp vi diệu rất sâu này như thật tin hiểu tôn trọng cung kính tức được vô lượng phúc tụ cao tột. Đó gọi là người chân thật tu Đại thừa.

Cho nên nếu người giác liễu đường lối này là con đường như thật, con đường không chấp trước, tối thượng tối thắng mà có thể phát sinh lòng tin thanh tịnh thì được chư Phật ngợi khen. Nếu có những người vô trí, tà kiến, ngoại đạo không thể xả bỏ tâm chấp trước, thì không nên vì họ mà nói pháp rất sâu này. Nói cũng chẳng lợi ích gì vì lý không thích ứng.

Con đã ngợi khen pháp tối thượng,

Sơ trung hậu thiện lý tương ưng.

Gồm thâu chân thật câu cao tột,

Vi diệu rất sâu không nghĩ bàn.

Gồm các công đức thật vô biên,

Thí cho chúng sinh tất cả cõi./

QUYỂN HẠ HẾT