LUẬN A TỲ ĐẠT MA CÂU XÁ THẬT NGHĨA SỚ
Tác giả: Tôn giả Tất Địa La Mạt Để (An Huệ)
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ 1
QUYỂN 5
Phẩm thứ 2: PHÂN BIỆT CĂN
Tụng viết:
Truyền nói năm nơi bốn
Bốn căn nơi hai thứ
Năm, tám trong nhiễm, tịnh
Đều riêng là tăng thượng.
Luận nêu: Năm căn như mắt v.v… cho đến nghe tiếng đều riêng biệt. Tụng viết:
Ví như người mắt sáng
Tránh được nạn hiện có
Đời có kẻ thông minh
Tuệ có thể lìa khổ.
Đa văn hay biết pháp
Đa văn lìa được tội
Đa văn bỏ vô nghĩa
Đa văn đắc Niết-bàn.
Lại tụng viết:
Thân do ăn trụ
Mạng nhờ ăn còn
Ăn rồi khiến tâm
An vui thư thái.
Nếu là con trai khi nhập thai, đối với mẹ sinh ái, đối với cha sinh giận. Nếu là con gái khi nhập thai, đối với cha sinh ái, đối với mẹ sinh giận. Do như thế nên biết năng lực nối tiếp hữu sau đều là tâm nhiễm, là do ý căn nên nối tiếp đến đời sau.
Kinh nói: “Nhập thai cùng với tinh huyết của cha mẹ, có thức thâu giữ mới có thể thành tựu yết-lạt-lam”.
Giải thích: Đây là nêu rõ nghĩa thân ngữ theo tâm chuyển. Như Khế kinh nói: “Tâm có thể dẫn dắt thế gian. Tâm có thể gồm thâu khắp các thọ. Một pháp tâm như thế đều tự tại tùy hành”.
Tụng viết:
Rõ tự cảnh tăng thượng
Lập chung nơi sáu căn
Từ thân lập hai căn
Nữ nam tình tăng thượng.
Tôi đồng trụ tạp trụ
Vì thanh tịnh tăng thượng
Nên biết mạng, năm thọ…
Cùng tín… lập làm căn.
Vị đương tri, dĩ tri
Cụ tri căn cũng vậy
Nơi đạo sau sau đắc
Niết-bàn cùng tăng thượng.
Tụng của Luận viết:
Thân không vui gọi khổ
Tức vui ấy gọi lạc
Cùng ba định, tâm vui
Xứ khác đấy gọi hỷ.
Tâm chẳng vui là ưu
Trung bỏ hai, không riêng
Đạo kiến, tu, vô học
Dựa chín lập ba căn.
Tụng viết:
Ba sau chỉ vô lậu
Có sắc, mạng ưu khổ
Thường biết chỉ hữu lậu
Chín căn khác chung hai.
Nói ba căn sau cùng nhất định là vô lậu. Ngoại trừ ba căn ấy, không còn căn nào chung nơi vô lậu. Khế kinh nói: Bấy giờ Đức Thế Tôn thành Chánh giác rồi, khởi suy nghĩ như thế này: “Pháp của Ta chứng đắc là rất sâu xa vi diệu, khó thấy, khó hiểu, không thể luận bàn, không phải là cảnh giới của tầm tứ. Là đối tượng nhận biết của người trí. Kẻ phàm ngu không thể đạt tới. Các chúng sinh này từ lâu đã quen với giáo pháp tà, tham đắm các hữu, bị các kiến chấp làm mê hoặc, nhiễu động, nên không thể hiểu rõ. Do không hiểu rõ nên không thể tin nhận, cùng sinh khởi não loạn. Những lời Ta giảng nói sẽ chẳng có lợi ích gì, uổng phí công sức. Không như ở nơi pháp tịch tĩnh, thọ nhận an lạc giải thoát”. Nghĩ như thế xong, liền yên lặng trụ trong định.
Bấy giờ, chủ thế giới Sa Bà là Đại Phạm Thiên vương, nhận biết Đức Thế Tôn đã suy nghĩ như thế, bèn tự tư duy: “Đúng là các chúng sinh nơi thế giới này phần nhiều tạo tác lầm lỗi, hủy hoại, nay Đức Phật Thế Tôn đã chứng pháp vô thượng sâu rộng vi diệu, lo lắng các chúng sinh không thể tin nhận, nên ở chốn nhàn tịch thọ hiện pháp lạc. Ta nên đi đến nơi ấy khuyên thỉnh Ngài chuyển pháp luân thâm diệu”.
Suy nghĩ xong, chỉ trong khoảnh khắc như một tráng sĩ co duỗi cánh tay, từ nơi Phạm cung ẩn mất, liền hiện đến bên Đức Phật, đảnh lễ nơi chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra đứng qua một bên, chắp tay cung kính bạch Phật: “Thưa Đức Thế Tôn! Các chúng sinh trong thế giới này từ lâu đã hành tập giáo pháp tà dị, bị kiến hoặc trói buộc, lưu chuyển nơi sinh tử, không chốn quay về, nương dựa, không nơi cứu giúp. Đức Thế Tôn đã trải qua bao nhiêu kiếp vì các chúng tu hành dẫn dắt, hôm nay đã thành tựu đạo quả Chánh giác, chứng pháp vô thượng, xuất hiện ở đời, như hoa Ưu-đàm, mà không vì chúng hữu tình tùy cơ diễn giảng, lại ở nơi nhàn tịch, im lặng an trụ. Cúi mong Đức Phật hiện tâm đại bi, thương xót thế gian, vì các hữu tình thuyết giảng chánh pháp cốt yếu. Như có các chúng sinh kiết sử mỏng ít, căn cơ thành thục, lợi căn dễ hóa độ, vì không được nghe pháp nên tự nhiên tổn giảm mất lợi pháp lớn. Kính xin Đức Thế Tôn, vì các chúng sinh, mở cửa cam lộ, nói pháp vi diệu, khiến các hữu tình được lợi ích an lạc”.
Khuyến thỉnh xong, Đại Phạm Thiên vương nói kệ:
Thế Tôn xuất hiện là Ưu-đàm
Bao kiếp khó gặp, nay được gặp
Vì khắp hữu tình đạt pháp lợi
Nguyện xin rộng mở cửa cam lộ.
Đức Thế Tôn nghe kệ khuyến thỉnh của Đại Phạm Thiên vương xong, liền khởi tâm đại bi, dùng đạo nhãn quán xét các hữu tình: Hoặc có loại độn căn chấp trước các hữu. Hoặc có loại trung căn ít chán lìa sinh tử. Hoặc có loại lợi căn nhưng không phóng dật. Như thế, tất cả hữu tình ở tại thế gian, hoặc sinh, hoặc trưởng căn có lợi độn, hoặc có dễ hóa độ, đắc đạo. Quán biết như thật rồi, Đức Phật bèn nhận lời thỉnh của Đại Phạm Thiên vương hành chuyển pháp luân, nói kệ:
Đại Phạm Thiên vương khéo lắng nghe
Pháp Ta chứng đắc rất vi diệu
Nay vì chúng sinh rộng mở diễn
Khiến nơi sinh tử được an lạc.
Tụng viết:
Mạng chỉ là dị thục
Ưu và tám sau không
Sắc ý, còn bốn thọ
Mỗi một đều chung hai.
Luận nêu: “Chỉ một mạng căn nhất định là dị thục”.
Giải thích: Không một mạng căn nào không phải dị thục.
Tụng viết:
Châu Bắc định ngàn năm
Tây, Đông ngày giảm nửa
Châu này thọ bất định
Mười sau đầu chẳng lường.
Thế gian hữu tình, do các phước nghiệp còn lại đều phát nguyện nói: “Xin cho con được trường thọ”. Cũng không nguyện nói: “Xin cho con trụ thọ đến một trăm năm, hoặc trụ chín mươi năm, tám mươi năm v.v… ”. Hoặc có người tôn quý cùng thân hữu, thường chúc nhau nói: “Mong cho ông trường thọ” Cũng không nhất định nói mong sống lâu được chừng ấy. Vì người châu này làm việc gì, mong ước điều gì đều cùng có tâm tham đi kèm.
Khế kinh nói: “Bí-sô nên biết! Thời Đức Phật Tỳ Bà Thi, con người thọ tám vạn tuổi, cho đến thời Đức Phật Ca Diếp Ba, con người thọ hai vạn tuổi. Ta nay xuất hiện ở thế gian, con người chỉ thọ một trăm tuổi, ít người vượt hơn, phần nhiều là giảm bớt”. Thọ mạng nếu không hạn định, vì sao Đức Thế Tôn lại nói như thế? Trong kiếp đầu, đại chủng của các căn là thù thắng, nên thọ mạng lâu dài. Thời nay, dần dần kém thua, nên thọ mạng khó kéo dài hơn mười năm.
Phước hết tức chết, không nhân ở thọ mạng. Vì tu sửa chùa, tháp cũ nên có thể kéo dài thêm tuổi thọ.
Tụng viết:
Phạm hạnh khéo thành lập
Thánh đạo đã khéo tu
Khi thọ tận, hoan hỷ
Cũng như xả các bệnh.
HẾT – QUYỂN 5