LUẬN A TỲ ĐẠT MA CÂU XÁ THẬT NGHĨA SỚ
Tác giả: Tôn giả Tất Địa La Mạt Để (An Huệ)
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ 1
QUYỂN 3
Ba khoa, một tụ, hai môn sinh, ba chủng tộc:
Tụ là nghĩa của uẩn (tích tụ). Nghĩa môn sinh là nghĩa của cửa vào để tâm tâm sở pháp sinh trưởng. Như sinh khởi nhãn thức lấy mắt làm cửa vào. Kinh này làm rõ nghĩa của môn có sáu, nhưng tâm sở pháp có mười hai. Nên Khế kinh nói: Mắt, sắc làm duyên sinh nhãn thức. Ba thứ (Mắt, sắc, thức) hòa hợp, xúc khởi cùng với thọ, tưởng, tư cũng như thế. Cho đến ý pháp làm duyên sinh ý thức. Ba thứ hòa hợp, ý xúc khởi. Nghĩa chủng tộc là nghĩa của giới. Như trong một ngọn núi có nhiều chủng tộc (giới) như vàng, bạc, đồng, thiếc v.v…, gọi là nhiều giới. Như thế, một thân người, hoặc một chuỗi tương tục có mười tám loại. Chủng tộc của các pháp gọi mười tám giới, là nhãn căn v.v… nơi hiện tại, quá khứ, vị lai. Về vô minh điên đảo, tụng viết:
Như cá ở trong bùn
Phóng nhảy khiến càng đục
Tưởng đảo trong vô minh
Nhiễm ô cũng như thế.
Về danh tưởng của uẩn, tụng viết:
Mâu-ni nói pháp uẩn
Số có tám mươi ngàn
Thế kia ngữ hoặc danh
Đây tất thuộc hành uẩn.
Tụng của luận viết:
Không giới là khoảng trống
Truyền nói là sáng tối
Thức giới: Thức hữu lậu
Chỗ dựa hữu tình sinh.
Luận, quyển thứ hai nói: Trong mười tám giới: Bao nhiêu thứ là có thấy, bao nhiêu thứ là không thấy? Bao nhiêu thứ là có đối, bao nhiêu thứ là không đối? Bao nhiêu thứ là thiện, bao nhiêu thứ là bất thiện, bao nhiêu thứ là vô ký?
Tụng viết:
Một có thấy là sắc
Mười có sắc có đối
Đây tám, trừ sắc, thanh
Vô ký được ba loại.
Nói năm không phân biệt
Do suy lường theo niệm
Vì ý địa tuệ tán
Ý: Các niệm làm thể.
Luận nêu: Nói phân biệt lược có ba thứ: (1) Phân biệt tự tánh. (2) Phân biệt xét tính. (3) Phân biệt tùy niệm.
Do năm thức thân tuy có phân biệt tự tánh nhưng không có hai thứ kia, nên nói có tám thứ phân biệt là không đúng. Chỉ có phân biệt tự tánh nhưng không có phân biệt xét tính và tùy niệm. Chỉ có một thứ phân biệt gọi là không phân biệt.
HẾT – QUYỂN 3