SỐ 1540/3
LUẬN A TỲ ĐẠT MA GIỚI THÂN TÚC
Tác giả: Tôn giả Thế Hữu
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN THƯỢNG

Phẩm 1: BẢN SỰ

* Nêu tụng tổng quát:

Ba địa đều mười thứ

Năm phiền não, năm kiến

Năm xúc, năm căn, pháp

Sáu, sáu thân tương ưng.

**

* Nêu dẫn các pháp: Mười pháp đại địa, mười pháp đại phiền não địa, mười pháp tiểu phiền não địa, năm phiền não, năm kiến, năm xúc, năm căn, năm pháp, sáu thức thân, sáu xúc thân, sáu thọ thân, sáu tưởng thân, sáu tư thân, sáu ái thân.

Mười pháp đại địa: 1. Thọ. 2. Tưởng. 3. Tư. 4. Xúc. 5. Tác ý. 6. Dục. 7. Thắng giải. 8. Niệm. 9. Tam-ma-địa. 10. Tuệ.

Mười pháp đại phiền não địa: 1. Bất tín. 2. Lười biếng. 3. Thất niệm. 4. Tâm loạn. 5. Vô minh. 6. Bất chánh tri. 7. Tác ý phi lý. 8.

Thắng giải tà. 9. Trạo cử. 10. Phóng dật.

Mười pháp tiểu phiền não địa: 1. Phẫn. 2. Hận. 3. Phú (Che giấu). 4. Não. 5. Tật (Ganh ghét). 6. Xan (Keo kiệt). 7. Cuống (Dối gạt). 8. Siểm (Dua nịnh). 9. Kiêu. 10. Hại.

Năm phiền não: 1. Dục tham (Tham nơi cõi Dục). 2. Sắc tham (Tham nơi cõi Sắc). 3. Vô sắc tham (Tham nơi cõi Vô sắc). 4. Sân. 5. Nghi.

Năm kiến: 1. Hữu thân kiến. 2. Biên chấp kiến. 3. Tà kiến. 4. Kiến thủ. 5. Giới cấm thủ.

Năm xúc: 1. Hữu đối xúc. 2. Tăng ngữ xúc. 3. Minh xúc. 4. Vô minh xúc. 5. Phi minh phi vô minh xúc.

Năm căn: 1. Lạc căn. 2. Khổ căn. 3. Hỷ căn. 4. Ưu căn. 5. Xả căn.

Năm pháp: 1. Tầm. 2. Tứ. 3. Thức. 4. Vô tàm (Không hổ). 5. Vô quý (Không thẹn).

Sáu thức thân: 1. Nhãn thức. 2. Nhĩ thức. 3. Tỷ thức. 4. Thiệt thức. 5. Thân thức. 6. Ý thức.

Sáu xúc thân: 1. Nhãn xúc. 2. Nhĩ xúc. 3. Tỷ xúc. 4. Thiệt xúc. 5. Thân xúc. 6. Ý xúc.

Sáu thọ thân: 1. Thọ do nhãn xúc sinh. 2. Thọ do nhĩ xúc sinh. 3. Thọ do tỷ xúc sinh. 4. Thọ do thiệt xúc sinh. 5. Thọ do thân xúc sinh. 6. Thọ do ý xúc sinh.

Sáu tưởng thân: 1. Tưởng do nhãn xúc sinh. 2. Tưởng do nhĩ xúc sinh. 3. Tưởng do tỷ xúc sinh. 4. Tưởng do thiệt xúc sinh. 5. Tưởng do thân xúc sinh. 6. Tưởng do ý xúc sinh.

Sáu tư thân: 1. Tư do nhãn xúc sinh. 2. Tư do nhĩ xúc sinh. 3. Tư do tỷ xúc sinh. 4. Tư do thiệt xúc sinh. 5. Tư do thân xúc sinh. 6.

Tư do ý xúc sinh.

Sáu ái thân: 1. Ái do nhãn xúc sinh. 2. Ái do nhĩ xúc sinh. 3. Ái do tỷ xúc sinh. 4. Ái do thiệt xúc sinh. 5. Ái do thân xúc sinh. 6. Ái do ý xúc sinh.

**

* Giải thích, biện minh các pháp nêu trên:

Thế nào là Thọ? Là thọ nhận, cùng thọ nhận, đều cùng thọ nhận, đã thọ nhận, sẽ thọ nhận, thuộc về thọ. Đó gọi là Thọ.

Thế nào là Tưởng? Là tưởng, cùng tưởng, hiện tưởng, đã tưởng, sẽ tưởng. Đó gọi là Tưởng.

Thế nào là Tư? Là tư duy, cùng tư duy, hiện tư duy, đã tư duy, sẽ tư duy, tạo nghiệp tâm ý do tư dẫn dắt. Đó gọi là Tư.

Thế nào là Xúc? Là xúc chạm, cùng xúc chạm, hiện xúc chạm, đã xúc chạm, sẽ xúc chạm. Đó gọi là Xúc.

Thế nào là Tác ý? Là tâm dẫn dắt, tùy dẫn dắt, cùng tùy dẫn dắt, hiện tác ý, đã tác ý, sẽ tác ý, tâm tỉnh giác. Đó gọi là Tác ý.

Thế nào là Dục? Là ham muốn, tánh phát sinh ham muốn, tánh hiện bày ham muốn, vui mừng, hướng tới, tánh trông mong ham muốn, tánh vui thích tìm cầu, mọi tánh của đối tượng được tạo tác hiện có nơi dục. Đó gọi là Dục.

Thế nào là Thắng giải? Là tánh của tâm hiểu rõ, đã hiểu rõ, sẽ hiểu rõ. Đó gọi là Thắng giải.

Thế nào là Niệm? Là niệm (nhớ nghĩ) tùy niệm, biệt niệm, ức niệm, tánh nhớ lại, tánh không quên, pháp không quên nơi tánh không mất, pháp không mất nơi tánh không quên mất, tâm ghi nhớ kỹ. Đó gọi là Niệm.

Thế nào là Tam-ma-địa (Định)? Là tâm yên trụ, cùng trụ, hiện trụ, trụ gần, không rối loạn, không phân tán, thâu giữ, dừng dứt, vắng lặng, cùng đẳng trì (định), tánh của tâm cảnh hợp nhất. Đó gọi là Tam-ma-địa.

Thế nào là Tuệ? Là đối với pháp đã lựa chọn, lựa chọn tối cực, lựa chọn tận cùng, hiểu rõ tướng, hiểu rõ gần về tướng, cùng hiểu rõ tướng, thông sáng, thấu đạt, suy xét, quyết định lựa chọn, hoạt động của tuệ là tỉnh biết sáng tỏ, hành Tỳ-bát-xá-na (Quán). Đó gọi là Tuệ.

*

Thế nào là Bất tín (Không có tâm tin)? Là không tin, tánh không tin, tánh không hiện tin, không chứng nhận, không vừa lòng, đã không dựa vào tâm tin, sẽ không dựa vào tâm tin, hiện không dựa vào tâm tin, khiến tâm bất tịnh. Đó gọi là Bất tín.

Thế nào là Lười biếng? Là tánh không tinh tấn, tánh tinh tấn thấp, tánh tinh tấn mù mờ, cản trở tinh tấn, làm ngưng nghỉ tinh tấn, tâm không dũng mãnh hăng hái, đã không dũng mãnh hăng hái, sẽ không dũng mãnh hăng hái. Đó gọi là Lười biếng.

Thế nào là Thất niệm? Là tánh không nhớ nghĩ gì, tánh nhớ nghĩ không thật, tánh quên nhớ nghĩ, tánh mất nhớ nghĩ, tánh của tâm không ghi nhớ rõ. Đó gọi là Thất niệm.

Thế nào là Tâm loạn? Là tánh phân tán của tâm, tánh rối loạn của tâm, tánh nghĩ khác của tâm, tánh của tâm mê loạn, tánh của tâm không trụ vào một cảnh, tánh không trụ yên nơi một cảnh. Đó gọi là Tâm loạn.

Thế nào là Vô minh? Là không có trí tuệ về ba cõi. Đó gọi là Vô minh.

Thế nào là Bất chánh tri? Là phi lý dẫn dắt trí tuệ. Đó gọi là Bất chánh tri.

Thế nào là Tác ý phi lý? Là tác ý nhiễm ô. Đó gọi là Tác ý phi lý.

Thế nào là Thắng giải tà? Là tác ý nhiễm ô tương ưng với tâm thắng giải khiến tâm chấp nhận thuận theo. Đó gọi là Thắng giải tà.

Thế nào là Trạo cử? Là tâm không tịch tĩnh, không tịch tĩnh cùng cực, tánh không có tịch tĩnh, cử động ồn ào, cùng cử động ồn ào, tánh của tâm cử động ồn ào. Đó gọi là Trạo cử.

Thế nào là Phóng dật? Là đối với việc đoạn trừ pháp bất thiện đưa đến việc gom góp pháp thiện đã hành tác không bền chắc, hành tác không thường xuyên, không thân cận, không tu, không tập. Đó gọi là Phóng dật.

*

Thế nào là Phẫn? Là giận, cùng giận, giận khắp, giận hết sức, đã giận, sẽ giận.

Thế nào là Hận? Là tâm kết hận, kết hận cùng khắp, tánh kết oán của tâm.

Thế nào là Phú? Là che giấu mọi tội lỗi đã làm.

Thế nào là Não? Là tâm phẫn nộ, bực bội, cố chấp càng tăng, là tánh của tâm hung dữ.

Thế nào là Tật (Ganh ghét)? Là tâm không nhẫn chịu trước lợi lộc, vinh hoa của kẻ khác.

Thế nào là Xan (Keo kiệt)? Là tâm tham chấp nơi tiền của và giáo pháp, không buông xả.

Thế nào là Cuống (Dối gạt)? Là lừa dối khiến kẻ khác mê lầm. Thế nào là Siểm (Dua nịnh)? Là tâm không ngay thẳng.

Thế nào là Kiêu? Là như có người nghĩ như vầy: Ta có đủ về sắc diệu, tiếng tăm, tiền của, địa vị, tài nghệ công đức tịnh mạng, hình dáng đoan nghiêm, tươi đẹp, ai cũng ưa nhìn. Do nhân duyên ấy, kẻ nầy liền khởi kiêu ngạo, kiêu ngạo cùng cực, tâm say mê, hoa mắt, tâm tánh lúc nào cũng như thế.

Thế nào là Hại? Là ưa việc đánh đập, gây tổn hại cho người khác. *

Thế nào là Dục tham? Là đối với các dục dấy khởi tham, cùng tham, nên cất giấu, phòng giữ, yêu thích, tham đắm. Đó gọi là Dục tham.

Thế nào là Sắc tham? Là đối với các sắc dấy khởi tham, cùng tham, nên cất giấu, phòng giữ, yêu thích, tham đắm. Đó gọi là Sắc tham.

Thế nào là Vô sắc tham? Là đối với các thứ vô sắc dấy khởi tham, cùng tham, nên cất giấu, phòng giữ, yêu thích, tham đắm. Đó gọi là Vô sắc tham.

Thế nào là Sân? Là đối với các hữu tình muốn gây bức hại, nội tâm sinh khởi mãi, giận dữ cùng cực, giận dữ khắp, cùng giận dữ, giận dữ hết sức, đã giận, đang giận, sẽ giận. Đó gọi là Sân.

Thế nào là Nghi? Là do dự đối với những sự thật (Đế). Đó gọi là Nghi.

*

Thế nào là Hữu thân kiến? Là đối với năm thủ uẩn theo chỗ quán xét để chấp ngã, ngã sở, do đấy khởi thọ nhận ưa thích theo kiến chấp của tuệ quán. Đó gọi là Hữu thân kiến.

Thế nào là Biên chấp kiến? Là đối với năm thủ uẩn theo chỗ quán xét để chấp hoặc chấp đoạn, hoặc chấp thường, do đấy khởi thọ nhận ưa thích theo kiến chấp của tuệ quán. Đó gọi là Biên chấp kiến.

Thế nào là Tà kiến? Là hủy báng nhân quả, hoặc hủy báng tác dụng của nhân quả, hoặc phá hoại sự thật, do đấy khởi thọ nhận ưa thích theo kiến chấp của tuệ quán. Đó gọi là Tà kiến.

Thế nào là Kiến thủ? Là đối với năm thủ uẩn theo chỗ quán xét để chấp, cho là tối thắng, là tối diệu, do đấy khởi thọ nhận ưa thích theo kiến chấp của tuệ quán. Đó gọi là Kiến thủ.

Thế nào là Giới cấm thủ? Là đối với năm thủ uẩn theo chỗ quán xét để chấp, cho đó là thanh tịnh, là giải thoát, là xuất ly, do đấy khởi thọ nhận ưa thích theo kiến chấp của tuệ quán. Đó gọi là Giới cấm thủ.

*

Thế nào là Hữu đối xúc? Là năm thức tương ưng với xúc.

Thế nào là Tăng ngữ xúc? Là ý thức tương ưng với xúc.

Thế nào là Minh xúc? Là xúc vô lậu.

Thế nào là Vô minh xúc? Là xúc nhiễm ô.

Thế nào là Phi minh, phi vô minh xúc? Là xúc hữu lậu không nhiễm.

*

Thế nào là Lạc căn? Là xúc thuận theo lạc thọ. Người tiếp xúc đã khởi những an vui nơi thân và tâm thọ nhận bình đẳng, đều thuộc về thọ. Đó gọi là Lạc căn.

Thế nào là Khổ căn? Là xúc thuận theo khổ thọ. Người tiếp xúc đã khởi những khổ não nơi thân thọ nhận không bình đẳng, đều thuộc về thọ. Đó gọi là Khổ căn.

Thế nào là Hỷ căn? Là xúc thuận theo hỷ thọ. Người tiếp xúc đã khởi những vui mừng nơi tâm thọ nhận bình đẳng, đều thuộc về thọ. Đó gọi là Hỷ căn.

Thế nào là Ưu căn? Là xúc thuận theo ưu thọ. Người tiếp xúc đã khởi những lo buồn nơi tâm thọ nhận không bình đẳng, đều thuộc về thọ. Đó gọi là Ưu căn.

Thế nào là Xả căn? Là xúc thuận theo thọ không khổ không vui. Người tiếp xúc đã khởi những xả bỏ nơi thân và tâm thọ nhận không bình đẳng, không phải không bình đẳng, đều thuộc về thọ. Đó gọi là Xả căn.

*

Thế nào là Tầm? Là tâm suy tìm, suy tìm khắp, hiển bày, hiển bày hết mực, hiển bày hiện tiền, tìm cầu, tìm cầu khắp, tính toán, tính toán khắp, phân biệt, phân biệt khắp, tánh luôn phân biệt. Đó gọi là Tầm.

Thế nào là Tứ? Là tâm tuần hành, tuần hành khắp, tùy tuần hành khắp, dò xét, dò xét khắp, tùy dò xét khắp, tùy thuận chuyển lưu, tùy thuộc nơi tánh kia. Đó gọi là Tứ.

Thế nào là Thức? Là sáu thức thân, là nhãn thức cho đến ý thức.

Thế nào là Vô tàm? Là không hổ, không có điều hổ, không hổ riêng, không xấu hổ, không có điều xấu hổ, không có xấu hổ riêng, không tôn kính, không có điều tôn kính, không có tôn kính riêng, không tự tại, không có điều tự tại, không có tự tại riêng, không biết sợ hãi, cứ như thế mà chuyển. Đó gọi là Vô tàm.

Thế nào là Vô quý? Là không thẹn, không có điều thẹn, không thẹn riêng, không hổ thẹn, không có điều hổ thẹn, không có hổ thẹn riêng, tánh đối với tội không sợ, không hãi, ở trong các tội không thấy sợ hãi. Đó gọi là Vô quý.

*

Thế nào là Nhãn thức? Nghĩa là nhãn (Mắt) cùng sắc làm duyên sinh ra nhãn thức, trong đó nhãn là tăng thượng, sắc là đối tượng duyên. Nơi sắc do mắt nhận biết hiện có đã phân biệt rõ, đều phân biệt rõ. Đó gọi là Nhãn thức.

Thế nào là Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý thức? Nghĩa là ý cùng với pháp làm duyên sinh ra ý thức, trong đó ý là tăng thượng, pháp là đối tượng duyên. Nơi pháp do ý nhận biết hiện có đã phân biệt rõ, đều phân biệt rõ. Đó gọi là Ý thức.

*

Thế nào là Nhãn xúc? Nghĩa là mắt và sắc làm duyên sinh ra nhãn thức, ba thứ ấy hòa hợp gọi là xúc, trong đó mắt là tăng thượng, sắc là đối tượng duyên. Nơi sắc do mắt nhận biết có các xúc, cùng xúc, hiện xúc đã và sẽ xúc. Đó gọi là Nhãn xúc.

Thế nào là Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý xúc? Nghĩa là ý cùng với pháp làm duyên sinh ra ý thức, ba thứ ấy hòa hợp gọi là xúc, trong đó ý là tăng thượng, pháp là đối tượng duyên. Nơi pháp do ý nhận biết có các xúc, cùng xúc, hiện xúc đã và sẽ xúc. Đó gọi là Ý xúc.

*

Thế nào là Thọ do nhãn xúc sinh ra? Nghĩa là nhãn cùng với sắc làm duyên sinh ra nhãn thức, ba thứ ấy hòa hợp gọi là xúc, xúc làm duyên cho thọ, trong đó nhãn là tăng thượng, sắc là đối tượng duyên, nhãn xúc là nhân, là tích tập, là chủng loại, là duyên, những gì do nhãn xúc sinh ra tương ưng với tác ý. Nơi sắc do mắt nhận biết có các thọ cùng thọ đều cùng thọ riêng, đã và sẽ thọ, đều thuộc về thọ. Đó gọi là Thọ do nhãn xúc sinh ra.

Thế nào là Thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc sinh ra? Nghĩa là ý và pháp làm duyên sinh ra ý thức, ba thứ ấy hòa hợp gọi là xúc, xúc làm duyên cho thọ, trong đó ý là tăng thượng, pháp là đối tượng duyên, ý xúc là nhân, là tích tập, là chủng loại, là duyên, những gì do ý xúc sinh ra tương ưng với tác ý. Nơi pháp do ý nhận biết có các thọ cùng thọ đều cùng thọ riêng, đã và sẽ thọ, đều thuộc về thọ. Đó gọi là Thọ do ý xúc sinh ra.

*

Thế nào là Tưởng do nhãn xúc sinh ra? Nghĩa là mắt và sắc làm duyên sinh ra nhãn thức, ba thứ ấy hòa hợp gọi là xúc, xúc làm duyên cho tưởng, trong đó mắt là tăng thượng, sắc là đối tượng duyên, nhãn xúc là nhân, là tích tập, là chủng loại, là duyên, những gì do nhãn xúc sinh ra tương ưng với tác ý. Nơi sắc do mắt nhận biết có các tưởng, cùng tưởng, đều cùng tưởng riêng, hiện tiền cùng tưởng, đã tưởng, sẽ tưởng. Đó gọi là Tưởng do nhãn xúc sinh ra.

Thế nào là Tưởng do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc sinh ra? Nghĩa là ý và pháp làm duyên sinh ra ý thức, ba thứ ấy hòa hợp gọi là xúc, xúc làm duyên cho tưởng, trong đó ý là tăng thượng, pháp là đối tượng duyên, ý xúc là nhân, là tích tập, là chủng loại, là duyên, những gì do ý xúc sinh ra tương ưng với tác ý. Nơi pháp do ý nhận biết có các tưởng, cùng tưởng, đều cùng tưởng riêng, hiện tiền cùng tưởng, đã tưởng, sẽ tưởng. Đó gọi là Tưởng do ý xúc sinh ra.

*

Thế nào là Tư do nhãn xúc sinh ra? Nghĩa là mắt và sắc làm duyên sinh ra nhãn thức, ba thứ ấy hòa hợp gọi là xúc, xúc làm duyên cho tư, trong đó mắt là tăng thượng, sắc là đối tượng duyên, nhãn xúc là nhân, là tích tập, là chủng loại, là duyên, những gì do nhãn xúc sinh ra tương ưng với tác ý. Nơi sắc do mắt nhận biết có các tư, cùng tư, đều cùng tư riêng, hiện tiền cùng tư, đã tư duy, sẽ tư duy, đều thuộc về tư duy, tạo ra nghiệp tâm ý. Đó gọi là Tư do nhãn xúc sinh ra.

Thế nào là Tư do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc sinh ra? Nghĩa là ý và pháp làm duyên sinh ra ý thức, ba thứ ấy hòa hợp gọi là xúc, xúc làm duyên cho tư, trong đó ý là tăng thượng, pháp là đối tượng duyên, ý xúc là nhân, là tích tập, là chủng loại, là duyên, những gì do ý xúc sinh ra tương ưng với tác ý. Nơi pháp do ý nhận biết có các tư cùng tư đều cùng tư riêng, hiện tiền cùng tư, đã tư duy, sẽ tư duy, đều thuộc về tư duy tạo ra nghiệp tâm ý. Đó gọi là Tư do ý xúc sinh ra.

*

Thế nào là Ái do nhãn xúc sinh ra? Nghĩa là mắt và sắc làm duyên sinh ra nhãn thức, ba thứ ấy hòa hợp gọi là xúc, xúc làm duyên nên có thọ, thọ làm duyên cho ái, trong đó mắt là tăng thượng, sắc là đối tượng duyên. Nơi sắc do mắt nhận biết khởi các tham cùng tham, rồi cất giấu, phòng giữ, yêu thích, vướng mắc. Đó gọi là Ái do nhãn xúc sinh ra.

Thế nào là Ái do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc sinh ra? Nghĩa là ý và pháp làm duyên sinh ra ý thức, ba thứ ấy hòa hợp gọi là xúc, xúc làm duyên nên có thọ, thọ làm duyên cho ái, trong đó ý là tăng thượng, pháp là đối tượng duyên. Nơi pháp do ý nhận biết khởi các tham cùng tham, rồi cất giấu, phòng giữ, yêu thích, vướng mắc. Đó gọi là Ái do ý xúc sinh ra.

***

Phẩm 2: PHÂN BIỆT

* Nêu tụng tổng quát:

Môn có tám mươi tám

Đầu, khác loại ba môn

Là thọ và thức thân

Cùng vô tàm vô quý.

Môn khác tám mươi lăm

Là thứ lớp của thọ

Tương ưng, không tương ưng

Một hành giới, xứ, uẩn.

*

* Môn thứ 1: Năm thọ căn: Đó là lạc căn, khổ căn, hỷ căn, ưu căn, xả căn. Thọ của pháp đại địa cùng với năm thọ căn: Có bao nhiêu thứ tương ưng, bao nhiêu thứ không tương ưng? Cho đến: Ái do ý xúc sinh ra cùng với năm thọ căn: Có bao nhiêu thứ tương ưng, bao nhiêu thứ không tương ưng?

Thọ của pháp đại địa không tương ưng với năm thọ căn: Tức đều không tương ưng. Tưởng của pháp đại địa tương ưng hết với năm thọ căn. Như tưởng, các pháp tư, xúc, tác ý, dục, thắng giải, niệm, Tam-ma-địa (định), tuệ cũng như vậy.

Bất tín đối với năm thọ căn: Tương ưng với năm căn, không tương ưng với năm căn. Như bất tín, các pháp đại phiền não địa khác cũng như vậy.

Phẫn, hận, não, tật, hại không tương ưng hết với năm căn, chỉ tương ưng với hai căn là ưu, xả căn. Phú, cuống, siểm không tương ưng hết với năm căn, chỉ tương ưng với ba căn, trừ khổ, lạc căn. Kiêu không tương ưng hết với năm căn, chỉ tương ưng với bốn căn, trừ khổ căn. Xan không tương ưng hết với năm căn, chỉ tương ưng với hai căn là hỷ, xả căn.

Dục tham, sắc tham không tương ưng hết với năm căn, chỉ tương ưng với ba căn, trừ khổ, ưu căn. Vô sắc tham không tương ưng hết với năm căn, chỉ tương ưng với một căn là xả căn. Sân không tương ưng hết với năm căn, chỉ tương ưng với ba căn, trừ lạc, hỷ căn. Nghi không tương ưng hết với năm căn, chỉ tương ưng với bốn căn, trừ khổ căn.

Trong năm kiến chấp: Tà kiến không tương ưng hết với năm căn, chỉ tương ưng với bốn căn, trừ khổ căn. Bốn kiến chấp kia không tương ưng hết với năm căn, chỉ tương ưng với ba căn, trừ khổ, ưu căn.

Hữu đối xúc chỉ tương ưng với ba căn, trừ hỷ, ưu căn, không tương ưng với bốn căn, trừ khổ căn. Tăng ngữ xúc chỉ tương ưng với bốn căn, trừ khổ căn, không tương ưng với ba căn, trừ hỷ, ưu căn. Minh xúc chỉ tương ưng với ba căn, trừ ưu, khổ căn, không tương ưng hết với năm căn. Vô minh xúc và Phi minh phi vô minh xúc tương ưng với năm căn, không tương ưng với năm căn.

Lạc căn không tương ưng: Tức đều không tương ưng. Như lạc căn, thì khổ căn, hỷ căn, ưu căn, xả căn cũng như vậy.

Tầm, tứ tương ưng với năm căn, không tương ưng với ba căn, trừ khổ, ưu căn. Thức đều tương ưng với năm căn, không phải là không tương ưng. Vô tàm, vô quý tương ưng với năm căn, không tương ưng với năm căn.

Nhãn thức chỉ tương ưng với ba căn, trừ hỷ, ưu căn, không tương ưng hết với năm căn. Như nhãn thức, các pháp nhĩ, tỷ, thiệt, thân thức cũng như vậy. Ý thức chỉ tương ưng với bốn căn, trừ khổ căn, không tương ưng với ba căn, trừ hỷ, ưu căn.

Như sáu thức thân, sáu xúc thân, sáu tưởng thân, sáu tư thân cũng như vậy.

Thọ do nhãn xúc sinh ra không tương ưng với năm thọ căn, tức đều không tương ưng. Như thọ do nhãn xúc sinh ra, các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc sinh ra cũng như vậy.

Ái do nhãn xúc sinh ra chỉ tương ưng với hai căn là lạc, xả căn, không tương ưng hết với năm căn. Như ái do nhãn xúc sinh ra, các ái do nhĩ, tỷ, thiệt, thân xúc sinh ra cũng như vậy. Ái do ý xúc sinh ra không tương ưng hết với năm căn, chỉ tương ưng với ba căn, trừ khổ, ưu căn.

*

* Môn thứ 2: Sáu thức thân: Đó là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Thọ của pháp đại địa cùng với sáu thức thân: Có bao nhiêu thứ tương ưng, bao nhiêu thứ không tương ưng?

Cho đến: Ái do ý xúc sinh ra cùng với sáu thức thân: Có bao nhiêu thứ tương ưng, bao nhiêu thứ không tương ưng?

Thọ của pháp đại địa tương ưng với hết thảy sáu thức thân, tức đều tương ưng. Như thọ của pháp đại địa, các pháp đại địa khác cũng như vậy.

Bất tín tương ưng với sáu thức thân, không tương ưng với sáu thức thân. Như bất tín, các pháp đại phiền não địa khác cũng như vậy.

Phẫn chỉ tương ưng với một thức là ý thức, không tương ưng hết với sáu thức thân. Như phẫn, các pháp tiểu phiền não địa khác cũng như vậy.

Dục tham tương ưng với sáu thức thân, không tương ưng với sáu thức thân. Như dục tham, sân cũng như vậy. Sắc tham không tương ưng hết với sáu thức thân, chỉ tương ưng với bốn thức thân, trừ tỷ, thiệt thức. Vô sắc tham, nghi không tương ưng hết với sáu thức thân, chỉ tương ưng với một thức là ý thức.

Năm kiến chấp không tương ưng hết với sáu thức thân, chỉ tương ưng với một thức là ý thức.

Hữu đối xúc chỉ tương ưng với năm thức thân, trừ ý thức, không tương ưng với một thức là ý thức. Tăng ngữ xúc chỉ tương ưng với một thức là ý thức, không tương ưng với năm thức thân, trừ ý thức. Minh xúc chỉ tương ưng với một thức là ý thức, không tương ưng hết với sáu thức thân. Vô minh xúc và phi minh phi vô minh xúc tương ưng với sáu thức thân, không tương ưng với sáu thức thân.

Lạc căn, xả căn tương ưng với sáu thức thân, không tương ưng với sáu thức thân. Khổ căn chỉ tương ưng với năm thức thân, trừ ý thức, không tương ưng hết với sáu thức thân. Hỷ căn, ưu căn chỉ tương ưng với một thức là ý thức, không tương ưng hết với sáu thức thân.

Tầm, tứ tương ưng với sáu thức thân, không tương ưng với một thức là ý thức. Thức pháp không tương ưng với sáu thức thân, tức đều không tương ưng. Vô tàm, vô quý tương ưng với sáu thức thân, không tương ưng với sáu thức thân.

Nhãn thức không tương ưng với sáu thức thân, tức đều không tương ưng. Như nhãn thức, các thứ nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức cũng như vậy.

Nhãn xúc chỉ tương ưng với một thức là nhãn thức, không tương ưng với năm thức thân, trừ nhãn thức. Như nhãn xúc, các thứ nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc tùy chỗ ứng hợp cũng như vậy.

Như sáu xúc thân, sáu thọ thân, sáu tưởng thân, sáu tư thân cũng như vậy.

Ái do nhãn xúc sinh ra chỉ tương ưng với một thức là nhãn thức, không tương ưng hết với sáu thức thân. Như ái do nhãn xúc sinh ra, các ái do nhĩ, tỷ, thiệt thân, ý xúc sinh ra tùy chỗ ứng hợp cũng như vậy.

*

* Môn thứ 3: Hai pháp là vô tàm, vô quý: Thọ của pháp đại địa cùng với hai pháp nầy: Có bao nhiêu thứ tương ưng, bao nhiêu thứ không tương ưng? Cho đến: Ái do ý xúc sinh ra cùng với hai pháp nầy: Có bao nhiêu thứ tương ưng, bao nhiêu thứ không tương ưng?

Thọ của pháp đại địa tương ưng với hai pháp bất thiện ấy, tức đều tương ưng. Thọ của pháp đại địa không tương ưng với các thứ khác, tức đều không tương ưng. Như thọ của pháp đại địa, những pháp đại địa khác cũng như vậy.

Bất tín tương ưng với hai pháp bất thiện ấy, tức đều tương ưng. Bất tín không tương ưng với các thứ khác, tức đều không tương ưng.

Như bất tín, các pháp đại phiền não địa khác cũng như vậy.

Phẫn, hận, phú, não, tật, xan, hại đều tương ưng với hai pháp bất thiện ấy, tức đều tương ưng. Cuống, siểm, kiêu đều tương ưng với hai pháp bất thiện ấy, tức đều tương ưng. Cuống, siểm, kiêu không tương ưng với các thứ khác, tức đều không tương ưng.

Dục tham, sân đều tương ưng với hai pháp bất thiện ấy, tức đều tương ưng. Sắc tham, Vô sắc tham không tương ưng với hai pháp bất thiện ấy, tức đều không tương ưng. Nghi tương ưng với hai pháp bất thiện ấy, tức đều tương ưng. Nghi không tương ưng với các thứ khác, tức nhất định không tương ưng.

Trong năm kiến chấp: Có hai kiến chấp không tương ưng với hai pháp bất thiện ấy, tức đều không tương ưng. Ba kiến chấp tương ưng với hai pháp bất thiện ấy, tức đều tương ưng. Ba kiến chấp ấy không tương ưng với các thứ khác, tức đều không tương ưng.

Hữu đối xúc, tăng ngữ xúc, vô minh xúc đều tương ưng với hai pháp bất thiện ấy, tức đều tương ưng. Ba xúc ấy không tương ưng với các thứ khác, tức đều không tương ưng. Minh xúc, phi minh phi vô minh xúc không tương ưng với hai pháp bất thiện ấy, tức đều không tương ưng.

Lạc căn tương ưng với hai pháp bất thiện ấy, tức đều tương ưng. Lạc căn không tương ưng với các thứ khác, tức nhất định không tương ưng. Như lạc căn, các căn khổ, hỷ, ưu, xả cũng như vậy.

Tầm, tứ, thức pháp đều tương ưng với hai pháp bất thiện ấy, tức đều tương ưng. Tầm, tứ, thức pháp không tương ưng với các thứ khác, tức đều không tương ưng. Vô tàm cùng với vô quý quyết định tương ưng, tức đều tương ưng. Cùng với vô tàm quyết định không tương ưng, tức không tương ưng. Vô quý cùng với vô tàm quyết định tương ưng, tức đều tương ưng. Cùng với vô quý quyết định không tương ưng, tức không tương ưng.

Nhãn thức tương ưng với hai pháp bất thiện ấy, tức đều tương ưng. Nhãn thức không tương ưng với các thứ khác, tức đều không tương ưng. Như nhãn thức, các thứ nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức cũng như vậy.

Như sáu thức thân, sáu xúc thân, sáu thọ thân, sáu tưởng thân, sáu tư thân cũng như vậy.

Ái do nhãn, nhĩ, thân, ý xúc sinh ra đều tương ưng với hai pháp bất thiện ấy, tức đều tương ưng. Ái do nhãn, nhĩ, thân, ý xúc sinh ra không tương ưng với các thứ khác, tức đều không tương ưng. Ái do tỷ, thiệt xúc sinh ra đều tương ưng với hai pháp bất thiện ấy, tức đều tương ưng.

HẾT – QUYỂN THƯỢNG

Trang: 1 2 3