NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Gởi Cư Sĩ Cao Hạc Niên
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư gởi cư sĩ Cao Hạc Niên[1]

(thư thứ nhất)

Quang thuở nhỏ thiếu học vấn, lớn lên chẳng biết gì, chỉ do ở Phổ Đà lâu ngày thường được người khác sai bảo [viết lách] thay cho họ nên ghi đại lược một hai chuyện để tự mình xem. Mùa Thu năm ngoái được các hạ mang [những bài viết ấy] đến Thượng Hải, sao ra bốn bài luận cho đăng trên [Phật Học] Tùng Báo. Trộm nghĩ: [Phật Học] Tùng Báo chính là do các vị đại cư sĩ thổi ốc pháp lớn, đánh trống pháp lớn, nghĩa lý mênh mông, sâu xa như trời cao đất dày, văn từ tuyệt diệu, đẹp đẽ như ngọc chạm, vàng rung. Xếp văn của Quang vào ấy khác gì ném ngói sạn vào rừng châu, rải gai góc nơi vườn quỳnh, chỉ gai mắt nhã, chẳng ích gì cho tấm lòng [độc giả] tán thưởng, [cảm thấy] xấu hổ, thẹn thùng. Thầy Căn Kỳ trở về, lại bảo viết luận, nhưng do sức khỏe yếu ớt, nhãn mục quáng lòa, dẫu muốn, chẳng thể vâng mạng được, nhưng sợ phụ tấm thịnh tình; do vậy đem những bản thảo cũ đã được viết theo lời sai khiến [của người khác] chép lại cho rõ ràng thành năm bài. Thể tài, câu văn vụng về, kém tệ, các hạ đọc đến sẽ bật cười! Nhưng đôi bên quen biết nhau, chắc chẳng đến nỗi quở trách, chứ còn đem đăng báo chỉ sợ chuốc lấy tiếng cười chê của bậc đại thông gia vậy! (Ngày mồng Tám tháng Tư)

Xét ra Ấn Quang đại sư ẩn cư tại Phổ Đà Sơn, thoạt đầu không ai biết đến. Cư sĩ Cao Hạc Niên lên chơi núi, xin được bốn bài luận văn: Một là Tịnh Độ Pháp Môn Phổ Bị Tam Căn Luận (luận về pháp môn Tịnh Độ thích hợp trọn khắp ba căn), hai là Tông Giáo Bất Nghi Hỗn Lạm Luận (luận về chuyện không nên lẫn lộn giữa Tông và Giáo), ba là Phật Giáo Dĩ Hiếu Vi Bổn Luận (bàn về chuyện Phật giáo lấy đạo hiếu làm gốc), bốn là Như Lai Tùy Cơ Lợi Sanh Thiển Cận Luận (lời bàn thiển cận về chuyện đức Như Lai tùy theo căn cơ mà lợi lạc chúng sanh) đều được đăng trên tờ Phật Học Tùng Báo do cư sĩ Địch Bình Tử sáng lập tại Thượng Hải. Bài luận thứ nhất ký tên là Thường Tàm, đăng trên Phật Học Tùng Báo số chín, là số ra ngày Rằm tháng Hai Dương lịch năm Dân Quốc thứ ba (1914), tức là ngày mồng Hai tháng Chín Âm Lịch năm Dân Quốc thứ hai (1913) (chữ Âm Lịch và Dương Lịch ở đây không hiểu rõ, sợ bị chép lầm). Bài luận thứ hai cũng ký tên là Thường Tàm, bài luận thứ ba và thứ tư thì ký tên là Phổ Đà Tăng. Ba bài này cùng đăng trong Phật Học Tùng Báo số thứ mười.

Bốn bài luận văn này có thể gọi là “Ấn Quang đại sư chuyển pháp luân lần đầu tiên”. Từ đấy, long thiên thúc đẩy, tỏa quang minh lớn lao! Được cư sĩ Hạc Niên cho xem lá thư trên đây, không ghi rõ thời gian. Xét ra trong thư có nói: “Mùa Thu năm ngoái được các hạ mang [những bài viết ấy] đến Thượng Hải, sao ra bốn bài luận đăng tải trên [Phật Học] Tùng Báo”, quả thật lá thư trên đây được viết vào ngày mồng Tám tháng Tư Âm Lịch năm Dân Quốc thứ ba (1914). Lá thư này rất có giá trị trong lịch sử Phật giáo, chưa thấy đăng trong Văn Sao Chánh Biên lẫn Tục Biên, bèn xếp vào đây để công bố cùng cõi đời.

Biên tập viên bán nguyệt san Giác Hữu Tình Trần Pháp Hương ghi.

(thư thứ hai)

Hai lần trước đến Thượng Hải đều được ông chiếu cố, khôn ngăn cảm kích, hổ thẹn. Nay nhận được thư như được gặp mặt, vui mừng, an ủi khôn sánh, biết cư sĩ chí mong lợi người, chẳng nề hà nhọc nhằn. Vì thế được Tam Tôn[2] gia bị, thân tâm thường được yên ổn, an vui. Từ bữa các hạ rời đi, Quang bàn với hòa thượng Liễu Dư và ông Trần Tích Châu, nói không biết Chương Gia[3] đến núi ngày nào, chỉ sợ có ông Tăng vô tri nào trong núi cứ chiếu theo lệ thường, bảo [Chương Gia đại sư] quyên góp đôi chút thì rất mất thể thống, họ bảo Quang hãy mau trở về núi để đứng ra làm chủ tiếp đón; do vậy, Ninh Ba, Quán Tông đều chưa đến được! Mồng Tám tháng Chín về đến núi, ngày hôm ấy biển sóng gió khá mạnh, Quang say sẩm ói mửa trúng gió mười mấy ngày, không được khỏe lắm! Sau đấy lại bình phục như thường. Nghe nói [các hạ] muốn đến Kê Túc[4], trộm nghĩ không cần phải đi xa, chỉ cần chọn chỗ có thể an thân, tùy duyên niệm Phật là được rồi! Đi đến núi Kê Túc, nếu theo đường biển rất tốn tiền; nếu theo đường bộ thì khổ sở chẳng thể nói nổi! Sao bằng lật ngã cột phan ngay trước cửa[5], tùy thời tùy xứ gặp gỡ tôn giả Ca Diếp chẳng hay hơn ư? Tiếc cho tinh thần có hạn, lo liệu sự nghiệp cuối cùng [của một đời người] là chuyện khẩn yếu bậc nhất của người cao tuổi vậy! (Ngày Rằm tháng Mười năm Dân Quốc thứ bảy – 1918)

(thư thứ ba)

Cách biệt từ mùa Đông năm ngoái, nào hay đã tròn một chu kỳ nóng lạnh! Quang âm vùn vụt thật đáng kinh sợ! Từ khi nhận được thư vào tháng Giêng mùa Xuân năm nay, hoàn toàn chẳng biết tin tức đích xác. Đến tháng Bảy, do sang Dương Châu khắc kinh, tìm đến thư cục ở Thượng Hải để hỏi thăm, họ nói ông đã sang tu trong lều tranh trên Thái Sơn[6] rồi. Quang đoán rằng đất Tần (Thiểm Tây) loạn lạc, chẳng thể sống yên được, đến nỗi các hạ phải bỏ đi. Người Tần Xuyên từ đây trở đi không có ai dẫn dắt để được tắm gội, thấm nhuần Phật pháp nữa, lòng hết sức xót xa! Nay nhận được thư, biết ông đang ở Hoa Sơn, vẫn mong sau khi yên ổn, trở về Chung Nam[7], khôn ngăn vì người đất Tần vui mừng sung sướng trước!

Quang không ra gì, đạo chẳng tăng trưởng, mắt ngày càng thêm lòa. Năm trước khuyên ông Ưng Quý Trung bỏ tiền khắc in sách [Ngự Chế Giản Ma] Biện Dị Lục. Do cõi đời chẳng thái bình nên chậm trễ đến mùa Thu năm nay mới tới Tàng Kinh Viện, nhờ cậy chủ nhân viện ấy lo liệu. Trước hết khắc Giản Ma Biện Dị Lục (tổng cộng hơn hai trăm sáu mươi trang giấy), rồi khắc in Tam Thập Nhị Tổ Truyện (khoảng chừng sáu mươi trang). Hai cuốn sách này đều là di trước của [Thanh] Thế Tông (Ung Chánh), đều do ông Ưng Quý Trung bỏ tiền thuê khắc [ván]. Tiếp đấy, khắc in An Sĩ Toàn Thư (khoảng sáu trăm sáu mươi, bảy mươi trang, trong ấy có tăng thêm mấy chục trang mới nữa). Sách ấy do ông Lưu Cần Phố thuộc thôn Lưu Môn, Triều Ấp tỵ nạn đến đất Thân (Thượng Hải) phát tâm bỏ tiền ra in. Vị này khá thuần hậu, thành thật, tiếc là còn kém duyên với Phật pháp, vào ngày Mười Chín tháng Chín bèn tạ thế. Nếu sống thêm được mấy năm nữa thì thiện căn Tịnh Độ sẽ được phát sanh, nẩy nở vậy. Nhưng nhờ vào công đức khắc in sách ấy, dẫu chẳng thể vãng sanh thì quả báo trong đời sau cũng sẽ chẳng đến nỗi kém hơn đời này. Đợi đến tháng Tư năm sau, tôi sẽ lại qua Dương Châu để trông nom, nếu sách đã khắc xong bèn cho ấn tống, nếu chưa khắc xong sẽ giảo chánh, đối chiếu. Năm sau nhất quyết phải hoàn tất chuyện ấn tống hai cuốn sách về Thiền ấy.

Quang thấy biết hẹp hòi, học vấn quẩn quanh, do các hạ đa sự lôi kéo các ông Từ Úy Như, Châu Mạnh Do, Trương Vân Lôi v.v… phô truyền vẻ xấu [của Quang], hết sức hổ thẹn sâu xa. Mùa Thu năm ngoái, người cùng quê là ông Vương Ấu Nông đến núi, trông thấy những bài viết hủ bại [của Quang] liền muốn bỏ tiền khắc ván. Quang cho rằng những bài viết hủ bại ấy chẳng đáng lưu truyền trong cõi đời nên cố từ chối. Mùa Xuân năm nay, Úy Như in ra năm trăm cuốn, hạ tuần tháng Ba lên núi, lại cầm đi những bài viết hủ bại còn lại, biên tập, trình bày, đem khắc ván tại Bắc Kinh, ước chừng cuối Hạ năm sau chắc sẽ in xong. Ấu Nông tuy biết Úy Như đã khắc, vẫn muốn khắc in, sẽ chờ hai cuốn sách [nói trên] in xong sẽ cho khắc [Văn Sao]. Tháng Năm năm nay, có người cầm bộ Văn Sao hủ bại do Úy Như đứng in đến chùa Nghênh Giang ở An Huy, Giám Viện là thầy Trúc Am gởi thư nói muốn khắc ván và muốn có những bản gốc còn lại. Quang bảo thầy ấy hãy để thong thả, chờ cho sách được khắc ván hoàn tất tại Bắc Kinh vào năm sau, in xong sẽ gởi tới ngay.

Mấy chục năm qua, Quang chẳng dám để lộ ra hai chữ Ấn Quang, vì các hạ đa sự đến nỗi cái tên hèn hạ, tác phẩm kém cỏi nhức tai gai mắt khắp mọi người nhã, thẹn thùng chi xiết! Năm ngoái, tôi vọng tưởng mong đích thân chứng được Niệm Phật tam-muội, nhưng rồi toàn thể Niệm Phật tam-muội vẫn là nghiệp lực! Năm nay tự biết hổ thẹn, giữa tháng Chín sẽ khởi thất tới cuối tháng Hai mùa Xuân năm sau mới thôi. Niệm Phật tam-muội chẳng dám vói cao, chỉ mong sám hối cho sạch hết túc nghiệp. Ai biết túc nghiệp rốt cuộc cùng với Chân Như Pháp Tánh đồng nhất bất sanh bất diệt! Phật quang chiếu khắp pháp giới, nhưng tôi vì nghiệp chướng chẳng thể thân cận được, khổ sở lắm thay! Biết làm sao đây? Viết ra những điều chính mình ngu muội ôm ấp để mong người tri kỷ sẽ thay tôi chia sẻ nỗi buồn mà thôi! (Mồng Bốn tháng Chạp năm Dân Quốc thứ tám – 1919)

Kính cẩn xét rằng trong Vân Thê Di Cảo có bài kệ như sau:
Nhị thập niên tiền sự khả nghi,
Tam thiên lý ngoại ngộ hà kỳ?
Phần hương trịch kích hồn như mộng,
Ma Phật không tranh thị dữ phi,
(Hai mươi năm trước sự hồ nghi,
Ngoài ba ngàn dặm chuyện sao kỳ?
Thắp hương, quăng kích dường như mộng,
Ma – Phật tranh xuông thị lẫn phi)
Ngài Hám Sơn nói: “Đây chính là bài kệ ngộ đạo của Vân Thê lão nhân”. Nay đại sư đích thân thấy được túc nghiệp và Chân Như Pháp Tánh đồng nhất bất sanh bất diệt, trộm cho rằng đây chính là ý nghĩa của bài kệ ấy chăng?

(thư thứ tư)

Hôm qua nhận được thư vui mừng, an ủi khôn sánh! Quang cho rằng giữa đường gặp chuyện trở ngại, nhưng cư sĩ một mực mong mỏi, dũng mãnh tiến thẳng lên trước, trọn chẳng vướng mắc gì. Một đằng là tâm lực chẳng thể nghĩ bàn, một đằng là người lành được trời giúp sẽ tự được không chuyện gì chẳng thuận lợi, hâm mộ lắm! Cư sĩ Nhậm Tâm Bạch cũng gởi thư đến, nói sau một tháng rưỡi nữa chắc chắn sách sẽ xin xong. Ở chỗ Quang là một trăm hai mươi bộ, cũng đủ dùng rồi, không cần phải tiếp tục thỉnh nữa. Tôi sẽ sang Dương Châu vào trung tuần tháng Bảy vì tập sách nêu duyên khởi khắc in Đại Tạng Kinh vẫn chưa được khắc xong; hễ cuốn sách này khắc xong liền có thể qua đấy lo liệu ấn loát. Cuốn sách này chỉ gồm năm mươi mấy trang, thuộc loại sách [biên soạn vào] đời Minh [tập hợp] những bài tựa nêu duyên khởi quyên mộ khắc in Đại Tạng Kinh. Nguyên văn chỉ gồm mười tám bài, Quang lại cho khắc thêm bài tựa phát khởi đầu tiên của Tử Bách đại sư vào ấy, gồm hai thiên nữa. Vì sao trong nguyên văn không có bài tựa phát khởi đầu tiên? Đấy là do trong bài văn ấy có những câu nói đến chuyện thế đạo biến loạn, sợ chánh quyền căm ghét, nên [người biên tập] chẳng sao lục vào đấy! Nay đã cách biệt thời ấy, trọn chẳng trở ngại gì! Thiên Thai là đạo tràng hoằng pháp của ngài Trí Giả, núi ấy thường có La Hán cư ngụ, Quang do sức khỏe mòn mỏi chẳng thể đến lễ bái được, hổ thẹn khôn cùng! Biên nhận Văn Sao đã nhận được rồi, đừng lo!

  (thư thứ năm)

Nhận được thư hôm Hai Mươi Ba như gặp được bạn cũ, khôn ngăn vui mừng, an ủi. La Phù, Bôi Độ, Nhạn Đãng[8], Thiên Thai là những cuộc đất danh thắng trong thiên hạ đều lọt vào tầm mắt của cư sĩ, đúng là do đời trước vun bồi mà ra! Quang sức khỏe mòn mỏi chẳng thể đi xa được, ngồi chết già trên hòn núi ngoài biển, chẳng thấy biết gì! Mỗi phen nghĩ đến thẹn thùng, cảm khái không chi sánh ví được! Cư sĩ đã đến núi Bôi Độ ắt phong cách, đức độ sẽ được phát khởi mạnh mẽ, an ủi lắm! Ngày Hai Mươi Bốn tháng Chín, Quang về đến Pháp Vũ, đến hôm Hai Mươi Chín liền đem bài khai thị cho vị phu nhân ở Hà Đông gởi qua Thượng Hải giao cho cư sĩ Cam Bích Sanh. Ngày mồng Sáu tháng Mười, ông ta gởi thư đến nói: “Kính sao thành một bản để tự giữ, đem nguyên bản của Quang gởi trả lại kèm theo thư”. Ngày mồng Hai tháng Mười Một, lại gởi thư cho biết: “Đã đem pháp ngữ của Quang chép lại theo lối chữ Khải thành hai bản, một bản gởi cho cư sĩ Chiếu Nam, một bản gởi cho vị phu nhân ở Hà Đông, nhưng pháp ngữ đã gởi đi trước đó vẫn chưa thấy hồi âm. Nếu nhận được hồi âm sẽ liền trình cho thầy biết”. Pháp ngữ gần hai ngàn chữ, khi khắc Văn Sao sẽ đưa thêm bài ấy vào.

An Sĩ Toàn Thư giao cho ba vị Vưu Tích Âm, Trương Vân Lôi, Đinh Phước Bảo lo liệu, nhưng Tích Âm muốn cho sách ấy được lưu truyền khắp hai ngàn bốn mươi mốt huyện trong cả nước. Bạn ông Tích Âm là Lưu Mộc Sĩ có cùng ý nguyện với ông Tích Âm, tính kêu gọi những nhà buôn giàu có quen biết ở Nam Dương bỏ tiền giúp in. Một nửa [số sách in được] sẽ gởi về Nam Dương, Tân Gia Ba, đảo Tân Lang (Penang), để biếu tặng các thuộc địa của Hà Lan. Các trường học tại các đảo ở Nam Dương lấy cuốn Dục Hải Hồi Cuồng làm tài liệu giảng dạy về sự tu thân. Một nửa [số sách ấy] sẽ dùng để biếu tặng tại tổ quốc để cho ai nấy đều vun bồi đất nước quê hương. Tâm chân thành, rộng lớn ấy có được thỏa nguyện hay chăng vẫn chưa thể biết chắc!

Gần đây, [khoản tiền] do những người quyên tặng để ấn hành tại nước nhà đã đến con số vạn, đợi đến mùa Xuân năm sau khi đem in, chắc là sẽ gom được hai ba vạn bộ! Nếu Hoa Kiều ở Nam Dương chịu phát tâm giúp đỡ thì in được một hai chục vạn bộ không chừng! Tùy duyên mà làm vậy! Nếu người trong nước ta và người ở Nam Dương xưa đã có thiện căn, được nghe đạo “tu chân trong cõi tục, tùy theo căn cơ có thể nhập đạo” của Phật pháp thì trời – rồng sẽ cảm động, người có tâm lo cho thế đạo sẽ hùa nhau dấy lên cùng khen ngợi thì phân phát cho các huyện trong cả nước, mỗi huyện một trăm mười bộ cũng chẳng khó. Nếu quốc dân chẳng có pháp duyên này tức là người ta cho Ấn Quang là kẻ không đạo, không đức, chẳng chịu tin tưởng để cùng nhau cảm kích, phát khởi, chỉ đành dùng một hai vạn bộ đã quyên mộ được để thỏa tâm sự này mà thôi!

Chuyện này tuy là chuyện riêng, nhưng thật ra có quan hệ lớn với quốc kế dân sanh! Được thành công lớn lao hay không đều có vận số nhất định. Quang cùng bốn vị cư sĩ Vưu, Lưu, Trương, Đinh làm sao có thể chuyển kẻ vô duyên thành hữu duyên để [An Sĩ Toàn Thư] được lưu truyền rộng khắp cho được? Nay tôi gởi cho ông một tờ trình bày chương trình biện pháp để an ủi tấm lòng mong mỏi xa vời. Bài văn bia cho Trinh Tiết Đường[9] tôi chưa viết. Từ lúc về đến núi tới nay trọn chẳng được rảnh rỗi. Quang đính chánh An Sĩ Toàn Thư (do bản in rút nhỏ có các hạng mục đồ hình và mục lục, phải sắp xếp theo dạng riêng). Kế đó là giảo chánh, đối chiếu An Sĩ Toàn Thư. Lại còn có các sách Dục Hải Hồi Cuồng, Vạn Thiện Tiên Tư và Ấn Quang Văn Sao, Cách Ngôn Liên Bích v.v… từ Dương Châu không hẹn cùng gởi tới, phải giảo chánh đối chiếu, cũng như phải trả lời thư tín gởi tới, gởi đi. Buổi tối mắt không nhìn được, ban ngày quả thật không lúc nào được rảnh! May được Tam Bảo gia bị, mắt vẫn còn nhìn được lúc ban ngày, thật là chuyện may mắn vạn phần!

Chúng sanh đời Mạt Pháp phần nhiều đều chẳng biết nhân quả, Phật kinh sâu thẳm, huyền áo, dẫu đọc cũng chẳng thể lãnh hội được, nên mới thành ra hiện tượng như ngày nay. Quang thường nói: “Nhân quả là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gian lẫn xuất thế gian bình trị thiên hạ, chuyển phàm thành thánh”. Cõi đời hiện nay nếu chẳng làm cho nhân quả được sáng tỏ, phổ biến, mà muốn cho thế đạo thái bình, Phật pháp hưng thịnh thì chẳng thể nào đạt được đâu! (năm Dân Quốc thứ chín – 1920).

(thư thứ sáu)

Đã lâu rồi chưa được gặp gỡ các hạ, cũng như chẳng biết hành tung của các hạ, do vậy chưa từng gởi thư. Trước đây, cư sĩ Trương Thụy Tăng gởi thư đến nói “do có chuyện nọ, ông ta được cư sĩ yêu mến nồng hậu xoay sở [cho vẹn toàn], chẳng đến nỗi bị kẻ xấu gây rắc rối; vì thế, muốn đến đất Hỗ (Thượng Hải) để tỏ lòng cảm tạ”. Do vậy, Quang bèn gởi thư kèm theo để thăm hỏi. Rồi nhận được thư của ông Mai Tôn nói cư sĩ và cư sĩ Bá Nông sẽ đến Ninh Ba vào ngày Mười Tám, vừa trông thấy hình thế của chùa Pháp Vân đã xác định [chỗ đặt] nền đại điện; rồi lại hứa khi nào xây dựng đại điện sẽ trở lại, khôn ngăn mừng rỡ, an ủi. Nay nhận được thư mới biết ông vẫn còn đang nghe kinh tại Nam Viên.

Nói đến chuyện đem tràng hạt hổ phách[10] cúng dường Bồ Tát, quả thật đã xả được thứ khó xả, công đức không gì lớn hơn! Nhưng chùa ấy là nơi cúng bái nhộn nhịp, người lui tới rất tạp, chớ nên đeo [chuỗi ngọc ấy] vào cổ Bồ Tát, chỉ nên cất trong phòng chứa y bát hay giữ trong kho. Những món bảo vật ấy đã chẳng thể dùng được, mà sau này ắt sẽ khiến cho kẻ thiếu hiểu biết lấy trộm, nên chưa có lợi ích thật sự, lại còn khiến cho kẻ ăn trộm ấy bị tổn hại oan uổng, chẳng thà xin lại từ chỗ hòa thượng Chân Đạt, hoặc tặng cho người khác, hoặc bán đi để làm công đức thì mới có ích thật sự vậy. [Quang có] ý kiến tệ lậu như vậy đó, chẳng biết cư sĩ có cho là đúng hay chăng?

(thư thứ bảy)

Miễn cưỡng soạn bài văn bia hơn chín trăm chữ[11], lời lẽ chất phác, vụng về, ý nghĩa hời hợt, nông cạn, sợ chẳng đáng khắc vào đá, xin hãy thỉnh vị cao minh nào đấy soạn [bài khác]. Nếu chỉ mong đỡ tốn sức, vẫn xin [cư sĩ] hãy bỏ công sức sửa chữa, gọt giũa, để khỏi đến nỗi bị người khác chê cười. Hơn nữa, quy củ [của Trinh Tiết Viện đã nêu] trong [bài văn bia] ấy chẳng qua là phỏng đoán, đại khái, cần phải châm chước cho ổn thỏa, thích đáng rồi hãy sửa đổi những gì đã định.

(thư thứ tám)

Xưa kia Tử Bách đại sư sau khi đại ngộ đã dạo khắp các danh sơn để mở rộng kiến thức. Phàm tất cả những danh sơn, thánh đạo tràng trong Trung Quốc, không chỗ nào Ngài chẳng đích thân đến tận nơi là do thể lực Ngài mạnh mẽ, mỗi ngày đi được hơn ba trăm dặm. Sau này chưa nghe nói ai có thể đi được như vậy. Trong đời gần đây, đa số là hạng lười nhác sống ăn bám vào Phật, Thiền, Giáo, Luật, Tịnh chẳng hề phụng sự một tông nào, chỉ bôn ba Nam – Bắc mua bán những món đồ vặt vãnh để cầu chút lợi hòng thỏa lòng ham muốn. Tuy có đến danh sơn, thánh đạo tràng, trọn chẳng có một tâm niệm hổ thẹn, ngưỡng mộ!

Cư sĩ tu chân ngay trong cõi tục, tùy duyên tấn đạo, giữ gìn một câu Di Đà làm bổn mạng nguyên thần, ôm ấp hai chữ “hổ thẹn” dùng làm bậc thang nhập đạo. Chẳng chán nhiều phen trèo lên thánh địa, sao chép những tông tích để mở rộng tai mắt cho người khác. Vị Tăng [Tri Khách] thuở ấy (tức thuở ngài Tử Bách đi thăm khắp các danh sơn) nếu tiếp kiến, sẽ thay mặt [vị Trụ Trì] nói lời chống giữ môn đình nhà Phật. Tìm một vị Tăng chân thật thiết tha, chí thành như thế trong đời Mạt quả thật chẳng được mấy người; huống là một vị đại phương gia (người thông suốt giáo lý) đã ăn thịt đẫy bụng đến tìm Tăng nhân nói chuyện Thiền ư? Mùa Thu năm ngoái, sau khi tôn giá đã rời đi, thường nghĩ cư sĩ vì môn đình nhà Phật mà nhọc nhằn thành bệnh, không lâu nữa sẽ đến Thiểm Tây, ở yên nơi cuộc đất đức Quán Âm đã hàng phục rồng (tức đại thảo am ở Nam Ngũ Đài), nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, “xoay cái niệm lại để niệm tự tánh, tánh thành vô thượng đạo”. Sự vui sướng ấy chẳng thể nào ví dụ được! Đến mồng Bảy tháng Giêng nhận được thư, mới biết năm ngoái ông vẫn du hành khắp các tỉnh Hàng, Hoán (An Huy) v.v… muốn đến Bắc Kinh, do trời lạnh bị bệnh nên đành phải trở lui. Thật có thể nói là cư sĩ đã “vì pháp quên mình”, nhưng trong sự thấy biết ngu muội của Quang thì có lẽ nên dừng bước nghỉ ngơi, nếu vẫn muốn du hành rộng khắp thì hãy nên dùng thần thức để du hành, chẳng cần phải dùng thân.

Ba kinh Di Đà, một bộ Hoa Nghiêm dùng làm lộ trình để du hành, tham phỏng, ngồi yên trong ao bảy báu mà dạo khắp thế giới Hoa Tạng thì thần thức càng dạo đi, thân càng mạnh mẽ, niệm càng trọn khắp mà tâm càng chuyên nhất. Tịch thì một niệm cũng chẳng thể được, mà Chiếu thì vạn đức cũng vốn sẵn đủ, Tịch – Chiếu viên dung, Chân – Tục chẳng hai. Mười đời xưa nay hiện trong đương niệm, vô biên sát hải[12] nhiếp về tự tâm. So với chuyện khoác sao đội trăng, xông mưa đột gió, kinh sợ khi vào chốn vực sâu, hãi hùng trong cảnh nguy hiểm thì còn gấp mấy lần [sự sai khác] giữa một ngày và cả kiếp! Tôi thấy biết hèn tệ như thế đó, chẳng biết cư sĩ nghĩ sao?

Hơn nữa, trong thư ông gởi đến đã dạy: “Quang âm vùn vụt, còn hơn nước xoáy qua tảng đá Diễm Dự ở Cù Đường[13], đúng là như vậy đó! Cổ nhân đã dạy rằng: “Người chứng Vô Sanh mới thấy được sát-na[14]”. Cư sĩ nói lời ấy sẽ thấy được sát-na chẳng lâu nữa đâu, [tôi cảm thấy] lòng được an ủi lắm, xin chúc mừng! Cư sĩ lại nói những lời lẽ hủ bại của Bất Huệ là pháp thích hợp cho căn cơ hiện tại, vừa mở sách ra đã khiến cho người ta như ngư phủ lạc bước chốn Đào Nguyên[15] v.v… sao mà nói quá lố thế? Ông muốn dẫn Bất Huệ tiến lên, nhưng Bất Huệ tuy thân chưa già mà tâm lực đã sớm suy, mắt nhìn ngày càng kém, khó tiến được trong gang tấc! Ông lại còn đem trình với Lê công (cư sĩ Lê Đoan Phủ), được Ngài thương cho lòng ngu thành, cho sao chép giữ lại để đem in, càng làm cho Quang cảm thấy hổ thẹn không chốn [ẩn mình]! Nếu làm như vậy chính là đem cỏ mục chất vào núi báu, đem canh thừa để lẫn trong cỗ vua, trái tai gai mắt người khác, khiến tôi sượng mặt, bị người đọc chán ghét, làm nhơ pháp đạo!

Huống chi ba bài luận đầu vốn là do hòa thượng Khai Như sai Quang viết vào mùa Đông năm ngoái để làm bản nháp cho buổi diễn thuyết tại Thượng Hiền Đường. Bài luận về pháp môn Niệm Phật thích hợp khắp ba căn đã được chép vào trong Kỷ Yếu của tòa điện đường [do Ngài quản thủ], còn hai bài luận kia có dùng hay không thì không biết. Nếu bảo là văn tuy hèn tệ, vụng về, nhưng ý thật đáng thương thì nên đề tên tác giả ba bài luận ấy là Thích Khai Như. Bài “luận về Tông và Giáo chẳng nên xen tạp” thì đề tên Thích Thường Tàm, ngàn lần xin chớ đề hai chữ Ấn Quang.

Thêm nữa, cái hại của giấy Tây còn quá nước lũ, mãnh thú: Khiến cho đất nước khốn cùng, làm dân kém cỏi, đoạn diệt thánh giáo đạo Nho, đạo Thích, mối họa ấy chẳng có cùng tận! Hôm mồng Bốn tôi đã thưa đại khái điều này với Lê công, mong cư sĩ chẳng tiếc sức từ bi, nói với khắp các cư sĩ. Nay lập một chương trình: Phàm là kinh luận của Phật, của Tổ, nhất loạt chẳng in bằng thứ giấy ấy! Lại cần phải báo cho các chỗ khắc kinh để họ đều cùng biết rõ, ngõ hầu chẳng đến nỗi do lưu thông mà trở thành mau chóng diệt mất! Đây là điều Bất Huệ đau lòng nhức óc, không lối kêu van vậy. Nay muốn nhờ cư sĩ giới thiệu để khẩn cầu các đại cư sĩ ai nấy hãy phát Bồ Đề tâm, hiện tướng lưỡi rộng dài ngăn cấm thói quen này để pháp đạo được [tồn tại] vĩnh viễn, đều thương xót cho lòng ngu thành của tôi mà bảo ban rộng khắp.

Cuốn báo đăng tải lời lẽ hủ bại đáng hổ thẹn của Quang đã đưa cho hòa thượng Khai Như. Bức họa Ngũ Thập Tam Tham (năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử) do trước kia đã được thầy Dẫn Duyên tặng cho bức họa mà thầy ấy nhận được, nên tôi đem bức họa nhận được lần này tặng cho hòa thượng Liễu Nhất vì cư sĩ đã từng nói với Ngài về chuyện ấy, nhưng về sau quên khuấy đi! Đãy chú Lăng Nghiêm của Quang đem tặng cho thầy Liễu Thanh để thầy ấy đem tới Quảng Đông hòng kết pháp duyên. Những thứ khác đều chiếu theo danh sách mà trao ra. Thầy Ngộ Khai đã mất vào giờ Mùi ngày Hai Mươi Hai tháng Mười Một năm ngoái. Quang cảnh lúc thầy ấy mất đã thuật rõ trong thư gởi cho Lê cư sĩ, nay không viết chi tiết nữa. Trường An tuy tốt, nhưng mọi chuyện gian nan, nếu không gặp trở ngại lớn lao hãy nên chuyên tu Tịnh nghiệp, hộ trì pháp đạo ở phương Nam. So với phương Bắc thì giảm bớt một nửa công sức mà công lại gấp bội. Cớ gì phải cố gượng đặt tấm thân suy lão vào nơi khốn khổ rồi mới tu đạo vậy?

***

[1] Cao Hạc Niên (1872- không rõ năm mất) là người huyện Hưng Hóa, tỉnh Giang Tô, tên thật là Hằng Tùng. Mộ đạo từ nhỏ, thấu hiểu sanh tử là chuyện lớn, nên đã phát nguyện hành cước, tham phỏng thiện tri thức khắp các danh sơn. Trong số các cư sĩ cận đại, ông là người đi tham học rộng khắp nhất. Năm 1921, để đáp tạ ơn vợ thay mình phụng dưỡng bố mẹ trong khi ông rong ruổi tham học, ông đã biến nhà mình thành Trinh Tiết Tịnh Độ An Lão Viện để làm chỗ cho vợ và những phụ nữ đức hạnh tu tập Tịnh nghiệp. Ông tích cực tham gia công tác từ thiện, nhất là trong vụ lụt lớn tại các huyện phía Bắc tỉnh Giang Tô, đã tận tụy đi cứu tế hơn mười mấy chỗ. Năm Dân Quốc 37 (1948), ông về ẩn tu tại Chung Nam Sơn, không rõ mất năm nào. Tác phẩm nổi danh nhất của ông là Danh Sơn Du Phỏng Ký.

[2] Tức Tây Phương Tam Thánh, đôi khi còn gọi là Di Đà Tam Tôn.

[3] Chương Gia (Lcan-skya) là một trong bốn vị Đại Hô Đồ Khắc Đồ (Khutuktu: hóa thân) của Nội Mông Cổ. Vị này thuộc Tông Gelupa (Hoàng giáo, Hoàng Mạo phái) theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, thường được gọi là Chương Gia Cách Căn (Lcan-skya Gegen: Chương Gia Quang Minh). Người Mông Cổ tin Chương Gia là hóa thân của Văn Thù Bồ Tát. Vị Chương Gia nói ở đây thuộc đời chuyển thế thứ mười chín (thật ra, chỉ từ đời thứ mười ba trở đi, vị hóa thân này mới có tên là Chương Gia, nên đa số các sách vở thường gọi vị này là Chương Gia Hoạt Phật đời thứ bảy. Chương Gia vốn là một địa danh tại Tây Tạng). Sư có tên là Lịch Nghinh Diệp Tích Đạo Nhĩ Tế (Ye-śes rdo-rje), còn gọi là Tang Kết Trát bố (Sans-rgyas-skyabs), sanh vào năm Quang Tự mười bảy (1891) tại Thanh Hải, lên ngôi Pháp Vương năm Quang Tự 22 (1896). Năm Quang Tự 25 (1899), theo lệnh vua Quang Tự đến Bắc Kinh hoằng pháp, phụng chỉ quản trị các chùa thuộc hệ thống Phật giáo Tây Tạng tại Bắc Kinh, Ngũ Đài như Côn Chúc, Pháp Uyên… được sắc phong danh hiệu Quán Đảnh Phổ Thiện Quảng Từ Đại Quốc Sư. Khi Dân Quốc thành lập, Sư được mời làm ủy viên của Mông Tạng Ủy Viên Hội, kiêm nhiệm Lý Sự Trưởng hội Phật Giáo Trung Hoa. Sư từng được cử làm trưởng đoàn nghênh đón xương đỉnh đầu ngài Huyền Trang từ Nhật Bản về Trung Hoa. Sau khi Trung Hoa Dân Quốc thành lập, Sư sang Đài Loan và mất ở Đài Bắc năm 1978. Sau khi Sư mất, dòng chuyển thế này bị chấm dứt. Hòa thượng Tịnh Không từng theo học pháp với vị này khi còn là tại gia cư sĩ.

[4] Núi Kê Túc (Kukkutapāda-giri) còn dịch là Kê Cước, Tôn Túc, Lang Túc, Lang Tích, là một ngọn núi thuộc nước Ma Kiệt Đà, cách Già Da (Gayā) hơn 25 km về phía Đông Bắc là nơi ngài Ma Ha Ca Diếp nhập diệt. Đại Đường Tây Vực Ký quyển chín đã mô tả: “Núi cao chót vót, hang sâu thăm thẳm không đáy, cây to phủ kín hang núi… Sau này, tôn giả Ca Diếp Ba nhập diệt nơi ấy nên [người ta] không dám gọi thẳng tên núi mà gọi là Tôn Túc”. Do tại huyện Bảo Xuyên tỉnh Vân Nam cũng có một hòn núi mang tên Kê Túc nên Phật giáo Trung Hoa đã đồng nhất núi này với núi Kê Túc tại Ấn Độ, và nơi ấy cũng được coi là đạo tràng ứng hóa của ngài Ma Ha Ca Diếp.

[5] Đây là một công án Thiền (được đánh số 22) trong bộ Vô Môn Quan với nhan đề Ca Diếp Sát Can (Cột phan của Ca Diếp). Theo đó, ngài A Nan hỏi tôn giả Ca Diếp: “Ngoài y ca-sa vàng truyền lại cho ngài, đức Thế Tôn còn để lại vật gì nữa hay không?” Ngài Ca Diếp liền gọi: “A Nan!” A Nan thưa: “Dạ!”, ngài Ca Diếp bảo: “Lật đổ cái cột phan trước cửa đi” (Đảo khước môn tiền sát can). Theo ngu ý, ở đây Tổ Ấn Quang khuyên ông Cao Hạc Niên hãy lắng lòng tu tập, lãnh hội lời dạy của Tổ Ca Diếp thì chẳng khác gì ngày ngày gặp gỡ Ca Diếp tôn giả, hơn là bôn ba đến núi Kê Túc.

[6] Thái Sơn, còn gọi là Đại Sơn, Đại Tông, Đại Nhạc, Đông Nhạc, Thái Nhạc… cùng với Hành Sơn, Hằng Sơn, Hoa Sơn, Tung Sơn hợp thành Ngũ Nhạc, tức năm ngọn núi thiêng phân định ranh giới của Trung Nguyên. Thái Sơn nằm trong tỉnh Sơn Đông, chạy dọc từ huyện Tế Nam đến tận huyện Khúc Phụ, cao đến 1.545m. Hoa Sơn (Tây Nhạc) thuộc huyện Hoa Dương, tỉnh Thiểm Tây, cao đến 2.154m.

[7] Chung Nam (còn gọi là Trung Nam Sơn, Thái Ất Sơn, Địa Phế Sơn, hay Nam Sơn) là một quả núi hữu danh thuộc rặng Tần Lĩnh ở huyện Trường An, tỉnh Thiểm Tây, có quan hệ mật thiết với Phật giáo. Năm Kiến Đức thứ hai (573) nhà Bắc Châu, sư Pháp Tạng lên ngọn Tử Cái của núi này kết thảo am tu hành. Khi Châu Vũ Đế phế Phật, hơn ba trăm vị danh tăng đã phải ẩn cư trong núi này. Sơ Tổ Tông Hoa Nghiêm là pháp sư Đỗ Thuận cũng ẩn tu tại núi này vào thời Đường. Tổ Trí Nghiễm của Tông Hoa Nghiêm cũng hoằng dương giáo nghĩa Hiền Thủ tại nơi này. Ngài Đạo Tuyên luật sư cũng hoằng dương Tứ Phần Luật Tông tại đây (Sử sách thường gọi là Chung Nam Luật Tông, hoặc Nam Sơn Luật Tông).

[8] La Phù là một ngọn núi nổi tiếng vùng Lĩnh Nam, núi nằm trong rặng La Phù, thuộc huyện Bác La, tỉnh Quảng Đông, có rất nhiều đạo tràng nổi tiếng. Ngài Đạo Khai là người đầu tiên đến dựng thảo am thờ Phật tại núi này. Các vị danh tăng như Chi Pháp Phòng, Tăng Cảnh, Đạo Tiệm, Huệ Trì, Huệ Lãm, Trí Dược, Hy Thiên, Duy Nghiễm, Đại Điên (vị sư hóa độ Hàn Dũ), Hành Minh đều từng tu tại đây. Sách Thái Bình Ngự Lãm còn cho biết: Theo truyền thuyết Cát Hồng từng tu tiên nơi đây. Do vậy, núi này được coi là thánh địa của cả Phật Giáo lẫn Đạo Giáo.

Núi Bôi Độ thuộc huyện Bảo An, tỉnh Quảng Đông, còn có tên là Độn Môn, tức ngọn Thanh Sơn ở Hương Cảng hiện thời. Sau chùa Thanh Sơn trên núi còn có Bôi Độ Nham thờ tượng đá của Bôi Độ thiền sư, tương truyền đây là nơi ngài từng ngồi Thiền. Theo truyền thuyết, chính vị này đã quăng một cái chén xuống biển, đạp lên đó, vượt biển đến núi này nên có tên là Bôi Độ. Trong bài tán Tăng Bảo đã nhắc đến chuyện này: “Phù bôi quá hải sát na thời” (Chén nổi vượt biển trong khoảng sát-na).

Núi Nhạn Đãng thuộc thành phố Ôn Châu tỉnh Chiết Giang, chia ra thành ba rặng Bắc, Trung, Nam. Bắc Nhạn Đãng nổi danh nhất, có nhiều đạo tràng cổ nhất.

[9] Tức Trinh Tiết Tịnh Độ An Lão Viện. Do Cao Hạc Niên chí muốn xuất gia nhưng vì cha mẹ ép buộc, phải lấy vợ. Vợ chồng ông coi nhau như bạn, ông đi tham học khắp nơi, vợ ở nhà thủ tiết phụng dưỡng bố mẹ chồng. Hai người không có con cái. Khi về già, ông biến nhà riêng thành Tịnh nghiệp đường để làm nơi tu trì Tịnh nghiệp và dưỡng lão cho những bà góa hoặc những phụ nữ không chồng.

[10] Nguyên văn “Hổ phách triều châu”. Triều Châu (xâu chuỗi đeo khi chầu vua) là một thứ trang sức bắt buộc của các quan lại dưới triều Thanh khi mặc triều phục. Do các đế vương khai sáng nhà Thanh sùng phụng Phật giáo, họ cho rằng chữ Mãn Châu (Manchu) vốn là biến âm của chữ Văn Thù và dân tộc Mãn Châu là hậu duệ của Bồ Tát Văn Thù (Mạn Thù Sư Lợi: Manjushri) nên hoàng đế nhà Thanh được coi như hóa thân của Bồ Tát Văn Thù. Quan viên vào chầu vua như triều kiến Bồ Tát, đương nhiên phải đeo tràng hạt. Theo điển chế nhà Thanh, vương công, đại thần, mệnh phụ khi mặc triều phục bắt buộc phải đeo Triều Châu. Triều Châu phải gồm đủ 108 hạt, thường làm bằng Hổ Phách, cứ cách hai mươi bảy viên lại xâu thêm một hạt ngọc, hạt ngọc ấy gọi là Phật Đầu. Viên Phật Đầu nằm ngay chính giữa ngực phải được xỏ lớn hơn các viên khác, thường bằng Lục Ngọc, và được gọi là Phật Đầu Tháp. Cuối viên Phật Đầu Tháp phải có đuôi hình quả hồ lô để gắn tua trang trí. Hai bên Phật Đầu Tháp phải gắn thêm ba sợi dây xâu ngọc mỗi bên, mỗi dây gồm mười viên.

[11] Tức bài văn cho Trinh Tiết Tịnh Độ An Lão Viện đã nói trong lá thư thứ năm.

[12] Sát Hải: nói đủ là “sát độ đại hải”, từ ngữ dùng để chỉ mười phương thế giới hay vũ trụ. Sát tức là chữ Ksetra (sát-độ) nói gọn. Một Ksetra nhỏ nhất là một tam thiên đại thiên thế giới, tức khu vực giáo hóa của một đức Phật. Do sát-độ của chư Phật vô lượng vô biên nên dùng chữ Hải (biển) để hình dung số lượng rộng lớn không thể tính xuể được.

[13] Diễm Dự là một hòn đá to ở ngay cửa vào kẽm núi Cù Đường (còn gọi là Quỳ Hiệp) đầu nguồn Trường Giang, thuộc huyện Phụng Tiết, tỉnh Tứ Xuyên. Nước sông chảy rất xiết, xoáy rất mạnh khi vỗ qua hòn đá này, tạo thành một cảnh quan hùng vĩ nên thường được thi nhân ngâm vịnh, và dùng như một hình ảnh để mô tả thời gian trôi qua quá nhanh.

[14] Sát-na (Ksana), còn được phiên âm là Xoa Noa, có nghĩa là khoảnh khắc, trong vòng một niệm, thường được hiểu là khoảng thời gian đủ cho một tâm niệm dấy khởi lên hay trong một cái chớp mắt. Tuy thế, một chớp mắt vẫn lâu hơn một Sát-na rất nhiều. Có nhiều cách giải thích chữ Sát-na:

1) Theo Câu Xá Luận quyển 12 thì một trăm hai mươi Sát-na là một Đát-sát-na (Tat-ksana), sáu mươi Đát-sát-na là một Lạp-phược (Lava), ba mươi Lạp-phược là một Mâu-hô-lật-đa (Muhūrta), ba mươi Mâu-hô-lật-đa là một ngày đêm. Như vậy, một Sát-na là 0.013 giây.

2) Theo Ma Ha Tăng Kỳ Luật quyển 17, một Sát-na là một Niệm, hai mươi Niệm là một Thuấn, hai mươi Thuấn (chớp mắt) là một Đàn Chỉ (khảy ngón tay), hai mươi Đàn Chỉ là một Lạp Phược, hai mươi Lạp Phược là một Tu Du, ba mươi Tu Du là một ngày đêm. Như vậy, một sát-na bằng 0.018 giây.

3) Theo phẩm Quán Không kinh Nhân Vương quyển thượng thì chín mươi Sát-na là một Niệm. Theo Vãng Sanh Luận Chú quyển thượng thì sáu mươi Sát-na là một Niệm (tức là một niệm theo như Ma Ha Tăng Kỳ Luật lại được chia thành 60 phần hay 90 phần, nên càng nhỏ hơn nữa).

4) Cũng theo phẩm Quán Không kinh Nhân Vương, trong một Sát-na có chín trăm lần sanh diệt. Còn theo Vãng Sanh Luận Chú thì trong một Sát-na có một trăm lẻ một lần sanh diệt.

[15] Điển tích Đào Nguyên (gọi đủ là Đào Hoa Nguyên) xuất phát từ bài ký Đào Hoa Nguyên Ký của Đào Tiềm thời Tấn. Theo đó, vào niên hiệu Thái Nguyên đời Tấn, có một người đánh cá ở Vũ Lăng ven theo dòng suối lạc bước vào rừng hoa đào, đến một hang núi ở đầu nguồn dòng suối. Anh chàng đánh cá đi vào trong hang núi đến một khu đất trù phú bình yên, người dân sống trong ấy thong dong, đẹp đẽ vượt ngoài cõi tục. Hỏi ra mới biết họ là những người lánh nạn đời Tần, không hề giao thiệp với thế giới bên ngoài nữa. Anh ta được đãi đằng trọng hậu, ở chơi mấy ngày ra về, ghi dấu kỹ càng, báo lên quan Thái Thú. Quan Thái Thú sai người dõi theo dấu đã ghi nhưng không tìm được chốn Đào Nguyên nữa.