NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Gởi Ông Đoàn Chấp Chánh
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư gởi ông Đoàn Chấp Chánh[1]

Vốn khâm phục ngài đức sâu dầy, hiểu biết chân chánh rạng rỡ, hiện thân làm quốc chủ để hành chuyện Như Lai, hộ trì Phật pháp, công đức khó lường, dõi nghe tiếng tăm, vui mừng khen ngợi không thể nào diễn tả được.

Nghe nói gần đây bộ Nội Vụ sắp thuận theo lời thỉnh cầu của Tiết đô trưởng[2], ban hành điều lệ đăng ký tài sản chùa miếu. Trong ngu kiến của kẻ ở chốn núi non, rẫy bái, trộm nghĩ làm như vậy không nên. Phàm là người có lòng nhân thì chẳng thực hiện những pháp hà khắc quấy nhiễu dân. Huống chi tài sản của chùa miếu vốn để cúng dường Tam Bảo, quả thật là phước điền cho chúng sanh, những tài sản tầm thường thật chẳng thể sánh bằng! Trong văn bản Điều Lệ Quản Lý Chùa Miếu đã tu chỉnh được ban hành vào năm Dân Quốc thứ mười (1921) có ghi rõ [tài sản chùa miếu] được bảo vệ bình đẳng như [tài sản] của những người dân bình thường. Đã nói là “cùng được bảo vệ bình đẳng”, há nên định riêng điều lệ khắc nghiệt ư?

Vả nữa, nói trên phương diện tôn giáo, có lẽ cũng không nên có cái nhìn lệch lạc chút nào. Điều lệ đăng ký tính áp dụng hiện thời chuyên áp dụng vào chùa miếu, chứ không ảnh hưởng tới tài sản của giáo hội [Thiên Chúa giáo], cho thấy luật lệ của chánh quyền không thật sự hết sức công bằng. Tra trong văn bản điều lệ quản lý chùa miếu đã ban hành trước đây thì lại thấy nói tài sản của chùa miếu sẽ đăng ký nơi ty hành chánh cai quản địa phương ấy, tuy chưa nói rõ phương pháp đăng ký nhưng đã ghi là “các tôn giáo và những người dân bình thường đều cùng được bảo vệ”, như vậy thì đương nhiên cũng phải áp dụng cùng một điều lệ đăng ký như tài sản của người dân [bình thường]. Văn bản đã được công bố rõ ràng, sao lại vụng về dùng quy định do bộ Nội Vụ ban hành sau này đến nỗi mâu thuẫn với mệnh lệnh trước kia? Do vậy, chẳng nề mạo muội, quấy nhiễu tâu trình. Khẩn cầu ngài hãy rộng vận Từ tâm, mau truyền lệnh cho bộ Nội Vụ bãi bỏ điều kiến nghị ấy để [dân chúng] khỏi bị quấy nhiễu khốn khổ, lòng nhân sâu đậm, ân trạch sâu dầy ấy nào phải chỉ có tăng chúng cảm kích, vâng đội chẳng quên, mà hết thảy chư Phật cũng sẽ đồng thanh khen là lành, kẻ không có trách nhiệm hết sức bứt rứt mong chờ ngài ra lệnh.

Tăng sĩ Đế Nhàn, Ấn Quang kính bạch.

 

* Đính kèm thư trả lời

Kính trình các ngài,

Chúng tôi được ngài Chấp Chánh giao xuống một lá thư, trong ấy nói: “Bộ Nội Vụ sắp chấp thuận lời thỉnh cầu của Tiết Đô Trưởng ban hành lệnh điều lệ đăng ký chùa miếu, khẩn khoản thỉnh ra lệnh cho bộ Nội Vụ bãi bỏ lệnh ấy”. Do vâng theo lời phê [của ngài Chấp Chánh]: “Đã thẩm tra, ra lệnh ngưng lại…” ngoài việc tống đạt văn thư cho bộ Nội Vụ, chúng tôi còn gởi thư này trả lời, mong quý ngài thấu hiểu.

Bí Thư Sảnh thuộc phủ Chấp Chánh Lâm Thời kính báo.

***

[1] Đoàn Chấp Chánh chính là Đoàn Kỳ Thụy (1864-1936), một tay quân phiệt dưới thời Dân Quốc, từng làm Quốc Vụ Tổng Lý và Tổng trưởng Lục Quân, kiêm nhiệm nhiều bộ dưới thời Dân Quốc. Ông này vốn có tên là Khải Thụy, tự là Chi Tuyền, người Hợp Phì (tỉnh An Huy), từng được huấn luyện quân sự tại Đức Quốc, là tay chân của Viên Thế Khải. Ông ta luôn tích cực phát động chiến tranh để tranh giành quyền bính. Do họ Đoàn giữ chức Lâm Thời Chấp Chánh (tương ứng với chức Đại Tổng Thống) từ năm 1924 đến năm 1926 nên lá thư này phải được viết trong khoảng thời gian đó.

[2] Nguyên văn “Tiết kinh triệu doãn”: Tiết là tên họ, còn Kinh Triệu Doãn chức vụ được đặt ra từ thời Tần giữ nhiệm vụ quản lý hành chánh và trị an ở kinh đô. Về sau, tất cả những vị trưởng quan quản trị hành chánh và trị an ở thủ đô đều được gọi là Kinh Triệu Doãn. Chúng tôi dùng chữ Đô Trưởng để tạm dịch vì người Việt thường gọi chức vụ này bằng danh xưng Đô Trưởng. Tiết Kinh Triệu Doãn là ông Đô Trưởng họ Tiết.