NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Đại Sư Đạo Truyền
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời đại sư Đạo Truyền

(thư thứ nhất)

Ông nhìn cao nhưng không thật, tâm ông lớn nhưng vô dụng. Đọc Văn Sao, nghe Yếu Giải mà vẫn còn hỏi câu ấy! Đủ biết ông một mực rong ruổi bên ngoài, chỉ biết cầu rộng rãi chứ không biết giữ lấy chỗ giản ước. Pháp Hoa tam-muội[1] ông không thể tu được đâu! Dẫu cho ông tu được cũng sợ rằng chẳng thể giải thoát ngay trong đời này. Nếu chịu tin lời Quang, xin hãy tạm thời đem những giáo pháp của tông Thiên Thai cất trên gác cao, chuyên tâm nghiên cứu Tịnh Độ. Xét tâm tánh của ông, lâu ngày chầy tháng sợ rằng sẽ có chuyện bị ma dựa phát cuồng, chẳng thể không đề phòng! Nếu không, mặc cho ông làm bậc đại thông gia, đừng gởi thư đến nữa, có gởi cũng không trả lời!

(thư thứ hai)

Đọc thư gởi đến lần này, bế quan chưa lâu mà đã làm bài tụng như thế (tức bài ca tụng kinh Vô Lượng Thọ, tuy chẳng liên quan tới kinh văn, nhưng khá có sự khích lệ, cổ vũ cho người sơ tâm tu Tịnh nghiệp, nên tôi đặc biệt tán thành), đủ biết ông dụng tâm tinh ròng, siêng năng. Nay tôi đem bài tụng văn ấy gởi đi, đợi khi đóa sen trong tâm ông nở bừng, lại đem kinh văn phân tích, phân khoa, phán giáo. Nếu viết lời chú giải, hãy đem bài tụng ấy ghép vào dưới kinh văn, thấp hơn một chữ, phía trên lại để thêm chữ “tụng rằng” để người khác dễ biết đây không phải là kinh văn. Nếu không, sẽ khiến cho người không hiểu biết tưởng đấy là kinh, sẽ mắc tội chẳng cạn. Đợi khi nào ông viết xong bài tụng, lúc chép lại cho rõ ràng thì viết những chữ ấy cho to để mắt Quang dù chẳng tỏ vẫn có thể giảo duyệt, giảo duyệt xong sẽ giao cho Hoằng Hóa Xã in ra lưu truyền.

***

[1] Pháp Hoa Tam Muội (Saddharma-Pundarīka-Samādhi) là một trong bốn thứ tam-muội do Tông Thiên Thai đề xướng, còn gọi là Pháp Hoa Sám Pháp hay Pháp Hoa Sám. Cách tu trì dựa theo giáo nghĩa của hai kinh Pháp Hoa và Quán Phổ Hiền Hạnh, lấy hai mươi mốt ngày làm hạn, đi kinh hành, tụng kinh, hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, không được nằm, tư duy quán tưởng sâu xa lý Trung Đạo. Do pháp này lấy sám hối diệt tội làm chủ nên trong sáu thời phải sám hối. Trong suốt thời gian ấy, hành nhân không được nằm, miệng ngoài lúc tụng kinh ra không được nói đến sự duyên nào khác, trong mọi lúc tâm luôn tưởng theo từng câu từng chữ trong kinh Pháp Hoa và luôn nghĩ sám hối những tội chướng nơi sáu căn; lại còn tùy lúc thâm nhập Thiền Định để liễu đạt lý Tam Đế của Thật Tướng.