NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Pháp Sư Như Sầm
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời pháp sư Như Sầm

Vừa nhận được thư xong, lại nhận được Tư Quy Tập, khôn ngăn cảm thán! Do tọa hạ đề xướng pháp môn Tịnh Độ mà Quang mục lực lẫn tinh thần cả hai đều chẳng đủ, chẳng thể phụ giúp, thật là thiếu sót, tiếc nuối! Vì vậy bèn đọc các điều được đề xướng và những điều đã bàn định. Trong những điều được bàn định, những chữ tôi khoanh một vòng tròn nhỏ bên cạnh là tán thành, hoặc có phê đại lược một hai câu, xin hãy châm chước thêm. Chỉ có phần nói về cách niệm truy đảnh[1] của sư [Hán Nguyệt] Pháp Tạng thì trong chỗ lợi người có ẩn tàng cái họa gây lầm lạc cho người, vàn muôn phần chớ nên sao lục. Dẫu bài thơ ấy hay, cũng xin nên gạt bỏ đi.

Ông ta (tức Hán Nguyệt Pháp Tạng) là kẻ oán đối trong nhà Phật, lúc đầu thân cận tổ Mật Vân [Viên] Ngộ chùa Thiên Đồng, ngộ được đôi chút, bèn muốn làm bậc đệ nhất cao nhân muôn đời, tự nói mình không có thầy mà tự ngộ. Ngài Mật Vân muốn phó chúc pháp của mình cho ông ta, ông ta không chịu tiếp nhận bỏ đi. Mật Vân đuổi theo, đuổi đến chỗ nọ thì bắt kịp, ông ta vẫn không chịu nhận. Mật Vân ép buộc, ông ta bèn dùng Tam Huyền, Tam Yếu[2] buộc Mật Vân đáp lời rồi mới miễn cưỡng tiếp nhận dòng pháp. Những chuyện ông ta nói đều là xằng bậy bịa ra, nhưng bọn sĩ đại phu lại tin thờ như Phật sống; kẻ nào bàn đến những chỗ phá hoại của Pháp Tạng ắt sẽ mắc đại họa! Vì thế trong ngữ lục của ông ta cũng như trong ngữ lục của bọn học trò là Hoằng Nhẫn, Cụ Đức toàn là những lời nói nhăng nói cuội đề cao thầy, miệt thị Tổ, được lưu truyền cho đến thời Khang Hy bèn được ghép thêm vào Minh Tạng[3] (Đại Tạng Kinh bản đời Minh).

Đến năm Ung Chánh 11 (1733), [vua Ung Chánh] soạn các ngữ lục, hiểu rõ [ngữ lục của bọn Pháp Tạng, Hoằng Nhẫn, Cụ Đức] là sai lầm, xằng bậy, liền hạ lệnh hủy bản khắc và cấm ngặt lén lút cất giữ, lưu truyền. Vua chép lại những lời bịa đặt xằng bậy nghịch lý, trái đạo, trái luân thường của Pháp Tạng, Hoằng Nhẫn, Cụ Đức gồm hơn tám mươi đoạn, mỗi mỗi đều quở trách [tạo thành một cuốn sách] đặt tên là Giản Ma Biện Dị Lục, gồm bốn quyển, hơn hai trăm trang. Văn ấy phàm những ai đọc sách xem đến đều tăng trưởng học thức lớn lao không chi hơn được, đối với người tham Thiền lại càng hữu ích (nay những Thiền giả phần nhiều chẳng hiểu lời nói của cổ nhân, cứ hiểu theo kiểu chia chẻ mặt chữ thì khí vị nhà Thiền còn chưa được nghe nữa là!) Đến năm Ung Chánh 13 (1735) mới hoàn thành bản thảo. Vua truyền dụ đưa bản ấy nhập tạng để lưu thông, nhưng chưa bao lâu đã lên làm khách cõi trời. Càn Long kế vị, chưa thể đích thân lo liệu được, liền sai [người khác] chép lại cho rõ ràng để khắc ván.

Khi ấy, bọn ngoại hộ của Pháp Tạng rất đông, Tăng, tục không dám bàn đến, vì thế [Giản Ma Biện Dị Lục] chưa được nhập tạng; chỉ đem lời thượng dụ [của Ung Chánh] đặt vào đầu sách để làm lời tựa, nhưng chuyện triều đình chẳng sai khiến tới mình, đâu ai dám lạm bàn, mà người sao chép lại không hiểu rõ [ý nghĩa] lắm, [cho nên] gạn lọc không rõ ràng đến nỗi lời văn mâu thuẫn lý, hoặc có chỗ [trong nguyên cảo] viết tắt nhưng không xét kỹ nên chép thành sai ngoa. Như theo lối chữ Thảo, chữ Vị (謂: nói) được viết thành Vi (為: làm), rốt cuộc hơn một trăm chữ Vị đều bị khắc thành chữ Vi cả! Những kinh sách của Thế Tông đã được khắc in đều giảo chánh đích xác, chỉ có mình sách này bị sai lầm chẳng thể đếm xiết. Ván in đã khắc hoàn chỉnh rồi, in ra bao nhiêu đó bộ, ban cho những vị đại thần mang tước vương và các cao tăng. Nhưng do bọn ngoại hộ của Pháp Tạng thế lực mạnh mẽ, Tăng chúng sợ mang họa, đều chẳng dám lưu truyền, đến nỗi hàng Tăng – tục học rộng nghe nhiều đời sau đều chẳng biết đến tên sách ấy!

Năm Quang Tự 30 (1904), ngài Đế Nhàn thỉnh tạng kinh, sai Quang đi theo trông nom. Kinh đã in xong, còn phải chờ mấy ngày mới đi được; do vậy, tôi đến viếng các tiệm sách ở Lưu Ly Xưởng[4], thấy trong một tiệm có hai bộ đều thỉnh hết, đem một bộ tặng cho ngài Đế Nhàn mong Ngài sẽ lưu thông, một bộ tự giữ. Năm Quang Tự 31 (1905), Quang tới chỗ ông Dương [Nhân Sơn] cư ngụ tại Nam Kinh, biết Hoằng Giáo Thư Viện của Nhật Bản đang ấn hành Đại Tạng Kinh, bèn cậy tiên sinh [Dương] Nhân Sơn đem bộ của Quang gởi sang Nhật Bản. Năm Dân Quốc thứ ba (1914), ông Địch Sở Thanh đến Phổ Đà, Quang khuyên ông ta lưu thông sách này, bảo ông ta nên xin bộ sách ấy từ chỗ ngài Đế Nhàn. Ông ta thưa: “Con có!” Hỏi do đâu mà có, ông ta cho biết mua được từ tiệm ve chai ở Bắc Kinh. Ông ta trở về đất Thân (Thượng Hải), liền giao cho nhà in, chiếu theo cách trình bày của sách ấy in ra một ngàn bộ theo lối thạch bản, gởi cho Quang tám bộ, giữ lại hai bộ, còn bao nhiêu tặng cho người hữu duyên. Quang bèn lắng lòng dựa theo ý nghĩa câu văn để giảo chánh.

Năm Dân Quốc thứ bảy (1918), cho khắc ván tại Dương Châu Tàng Kinh Viện, in ra ba trăm bộ tặng cho người khác. Nếu như khi đường bưu điện thông suốt thì sẽ thỉnh thêm sách ấy mấy bộ nữa để tặng cho những vị Tăng – tục có đủ chánh kiến. Đọc sách ấy sẽ biết Pháp Tạng là người như thế nào và lời lẽ của bọn pháp đồ ông ta phần nhiều là đặt điều bịa chuyện. Quang cho rằng tọa hạ chẳng biết ông ta là chân hay ngụy, nên mới đưa [trước tác của ông ta] vào trong Tư Quy Tập, đời sau sẽ lại hoằng dương rộng lớn pháp của ông ta, sẽ gây tổn thất lớn lao cho cả Thiền lẫn Tịnh! Nay tôi cũng chẳng nói đến hành vi của ông ta, nhưng dù không nhắc đến, nếu đọc Giản Ma Biện Dị Lục ai nấy sẽ biết rõ liền! Bưu phiếu đã quên mất số, xin gởi trả lại để giảm bớt lỗi của tôi!

Trong bản thảo Tư Quy Tập, những đoạn sao lục được viết theo lối chữ thông tục (Tục Thể) quá nhiều, chẳng thể nêu trọn. Nhưng chữ Đoạn (段), theo tương truyền, chữ ấy phần nhiều bị viết sai thành 叚, ở đây cần phải sửa cho đúng: Chữ 叚 tức là chữ Giả (假), [chứ không phải chữ Đoạn]. Phàm những lối chữ Tục Thể, Phá Thể, Thiếp Thể, Cổ Thể[5] đem dùng vào kinh sách, tôi cảm thấy rất không cung kính, khiến cho hàng sĩ đại phu có học thức khinh mạn người viết lẫn người in, chẳng phải là chuyện nhỏ nhặt đâu!

Cái tên “Ngũ Thập Tam Tham” (năm mươi ba lần tham học) quyết chẳng nên dùng vì coi đức Thế Tôn hai cõi ngang hàng phàm phu đời Mạt, đánh mất tôn ty quá lớn. Những lời nguyện được sao lục dưới tên đức A Di Đà Phật hãy nên đánh số thứ tự là nguyện thứ mấy, mỗi nguyện đều như thế, xin hãy chú ý! Pháp Ngũ Hội Niệm Phật của Tứ Tổ[6] tôi chưa hề thấy nghe, ngờ là do người đời sau ngụy tạo. Ông Trương Quán Bổn cho rằng pháp này có thể khiến cho Tịnh Tông hưng thịnh, Quang trọn chẳng cho như vậy là đúng. Mong hãy châm chước cẩn thận để quyết định giữ hay bỏ. Tôi vốn chẳng thể soạn lời tựa cho sách này vì không có tinh thần làm sao nêu tỏ được nghĩa lý mầu nhiệm của Tịnh Độ? Kế đó, sợ tọa hạ quở trách, chỉ viết những gì Quang tin tưởng để mong khỏi bị trách mắng, cho nên khác với những điều đã nói trong thư.

***

[1] Truy Đảnh là cách niệm Phật liên tiếp, chưa dứt câu này đã niệm tiếp ngay câu khác, không xen hở chút nào, giống như câu này gối đầu lên câu kia nên gọi là “truy đảnh”. Cách này chỉ có thể áp dụng trong chốc lát khi vọng tưởng quá mạnh mẽ, không nên niệm trong một thời gian dài sẽ bị tổn khí thành bệnh.

[2] Tam Huyền, Tam Yếu là phương pháp được Tông Lâm Tế áp dụng để tiếp dẫn học nhân. Tam Huyền là:

1) Thể Trung Huyền: Lời nói hoàn toàn không bóng bẩy, chỉ căn cứ theo chân tướng và đạo lý của sự vật để diễn tả.

2) Cú Trung Huyền: Lời nói chân thật chẳng dính dấp vào tình thức phân biệt, không câu nệ vào ngôn ngữ với mục đích khiến người học hiểu được ý nghĩa huyền diệu.

3) Huyền Trung Huyền (Dụng Trung Huyền): Những câu nói huyền diệu xa lìa hết thảy những đối đãi và gông cùm ngôn ngữ.

Tam Yếu là “lời lẽ không phân biệt, tạo tác; vào thẳng chỗ huyền áo, dứt bặt ngôn ngữ”.

[3] Minh Tạng, gọi đủ là Minh Bản Đại Tạng Kinh, hoặc Minh Bản, gồm có năm loại:

1) Hồng Vũ Nam Tạng (Sơ Khắc Nam Tạng), được khắc theo lệnh của Minh Thái Tổ, mãi cho đến năm đầu niên hiệu Vĩnh Lạc (1402) mới xong, có thuyết nói là tới năm Hồng Vũ 31 (1398) đã khắc xong. Bản khắc xong được giữ tại chùa Báo Ân ở Nam Kinh, gồm 1.612 bộ kinh. Bản này cũng được bảo tồn tại chùa Khoái Hữu thuộc quận Phong Phố, Nhật Bản.

2) Vĩnh Lạc Nam Tạng, khắc từ năm Vĩnh Lạc thứ 10 (1412) đến năm Vĩnh Lạc 15 (1417) mới xong, bản này cũng khắc tại Nam Kinh, nội dung giống bản Hồng Vũ nhưng được giảo chánh cẩn thận hơn và tăng thêm một số kinh nữa thành 1.625 bộ kinh, chia thành 6.331 quyển.

3) Vĩnh Lạc Bắc Tạng: cũng được khắc theo lệnh của Minh Thành Tổ, bắt đầu khắc vào năm Vĩnh Lạc 18 (1420) mãi cho đến năm Chánh Thống thứ năm (1440) đời Minh Anh Tông mới xong, gồm 1.615 bộ, tức là đã lược bỏ một số trước tác ra khỏi tạng. Về sau, tuân lệnh của mẹ vua Minh Thần Tông, đưa thêm 35 bộ như Hoa Nghiêm Huyền Đàm Hội Huyền Ký v.v… vào tạng, trở thành 1.660 bộ kinh sách.

4) Vũ Lâm Tạng: được khắc in dưới niên hiệu Gia Tĩnh, được khắc ván tại Vũ Lâm tỉnh Chiết Giang, tạng này nay đã thất truyền.

5) Lăng Nghiêm Tự Bản, còn gọi là Vạn Lịch Bản, Mật Tạng Bản, Gia Hưng Bản, Kính Sơn Bản v.v… được khắc in vào năm Vạn Lịch 14 (1586), do ngài Mật Tạng Đạo Khai phát nguyện đứng ra khắc in tại Kính Sơn (Chiết Giang), cuối cùng đem bản khắc về in tại chùa Lăng Nghiêm huyện Gia Hưng (Chiết Giang), hoàn thành cuối đời Vạn Lịch (1620). Bản này được lưu truyền rộng rãi nhất. Sau này, vào cuối đời Thanh còn bổ sung thêm những trước tác được triều đình chấp thuận cho nhập tạng gọi là Tục Tạng, rồi Hựu Tục Tạng gồm 185 bộ nữa. Như vậy, bản Minh Tạng được Tổ Ấn Quang nói đến ở đây chính là phần Tục Tạng của tạng kinh này.

[4] Lưu Ly Xưởng là tên một “phố văn hóa” nổi danh ở Bắc Kinh, dọc theo con đường này toàn là những cửa tiệm chuyên bán các sản phẩm văn hóa và sách vở rất có giá trị.

[5] Tục Thể là một lối viết chữ Hán cho nhanh gọn phổ biến trong dân gian. Lối viết này đã hình thành từ thời Lục Triều, phổ biến nhất vào thời Tùy – Đường. Tục Thể về sau được áp dụng chủ yếu trong công cuộc xây dựng chữ Hán giản thể tại Hoa Lục. Đặc điểm của Tục Thể là bỏ bớt nét nếu có thể, chẳng hạn chữ Đáp (答) được viết thành 荅, Thư (書) viết thành 书, hoặc sử dụng những chữ có âm gần giống nhưng ít nét hơn để thay thế như Đăng (燈) viết thành 灯, Phần (墳) viết thành 坟.

Có hai cách hiểu chữ Phá: một là không hoàn chỉnh, hai là vượt ra ngoài khuôn khổ quy định một cách táo bạo, sáng tạo. Đa phần chữ Phá Thể được dùng với ý nghĩa thứ hai. Theo Thư Pháp Tiểu Từ Điển (Tạ Đức Hoa, Tôn Đôn Tú biên soạn, Bắc Kinh Xuất Bản Xã ấn hành) thì: “Phá Thể là những chữ viết theo lối Tục Thể, hoặc vận dụng âm nghĩa giống nhau mà thành. Hoặc là biến thể của lối Hành Thư, do Vương Hiến Chi đời Tấn (con của Vương Hy Chi) biến đổi lối viết Hành Thư, sáng chế một lối viết riêng, biến đổi tự dạng”. Nói cách khác, Phá Thể là những kiểu viết tung hoành, bay bướm, tùy hứng không tuân thủ những nguyên tắc của những lối chữ truyền thống như Chân, Hành, Triện, Thảo, Lệ đến nỗi nếu không nghiên cứu về lối chữ này sẽ không thể đọc được!

Thiếp Thể là một lối viết chuyên biệt để dành viết thiếp, gần giống với Phá Thể.

Cổ Thể là lối viết chữ Hán theo thời cổ, thường là những chữ được viết thời Tần – Hán, thường rất khác với chữ hiện thời, chẳng hạn chữ Nhân (人) viết theo lối Cổ Thể sẽ giống như chữ Nhập (入), còn Nhập lại viết giống như chữ Bát (八).

[6] Tứ Tổ Pháp Chiếu có soạn một tác phẩm mang tựa đề Tịnh Độ Ngũ Hội Niệm Phật Tụng Kinh Quán Hạnh Nghi Quỹ (thường gọi tắc là Ngũ Hội Pháp Sự Nghi), ba quyển, nhưng bị thất truyền từ lâu. Mãi đến năm 1908, ông Pelliot người Pháp tìm được hai quyển trung và hạ của tác phẩm này tại Đôn Hoàng, gồm hai mươi mốt bài tán tụng. Theo truyền thuyết, Tứ Tổ từng được Văn Thù Đại Sĩ dạy cách niệm Phật theo Ngũ Hội khi triều bái Ngũ Đài, nhưng cách này đã thất truyền từ lâu; người đời sau phỏng theo những lời dạy trong bộ Ngũ Hội Pháp Sự Nghi chế ra lối niệm Phật gồm năm khúc, từ chậm rãi uyển chuyển đến nhanh dần, âm thanh cao dần lên, đến hội thứ năm chỉ còn niệm bốn chữ hồng danh. Sở dĩ chia thành ngũ hội là nhằm thể hiện ý nghĩa trừ Ngũ Khổ, đoạn Ngũ Cái, tịnh Ngũ Nhãn, đủ Ngũ Căn, thành Ngũ Lực, đắc Bồ Đề, giải thoát trọn vẹn… Giai điệu của Ngũ Hội niệm Phật quá du dương nên dễ khiến người nghe say đắm nhạc điệu, không chú trọng nhiếp niệm. Do giai điệu Ngũ Hội Niệm Phật được lưu hành cho tới hiện thời vẫn là mạo danh Tứ Tổ nên bị Tổ chê trách.