KINH BỔN SANH
(Chuyện Tiền Thân Đức Phật)
Jàtaka
Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch

221. CHUYỆN TẤM Y VÀNG (Tiền thân Kàsàva)
Ai đầy những uế nhiễm…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa.
Một thời, vị Tướng quân Chánh pháp Xá-lợi-phất sống với năm trăm Tỷ-kheo ở Trúc Lâm. Ðề-bà-đạt-đa sống với hội chúng Tỷ-kheo theo ác giới ở tại Gàyasisa.
Lúc bấy giờ dân chúng ở Vương Xá thường chung nhau lại để bố thí. Một thương gia đến đây để buôn bán, đem theo một tấm y vàng đượm mùi thơm có giá trị lớn và nói:
– Xin hãy cho tôi dự phần vào sự cúng dường, tôi xin cúng dường tấm y này.
Dân ở thành Vương Xá tổ chức một cuộc bố thí lớn. Tất cả những phẩm vật tùy nguyện đóng góp đều được phân phát hết, chỉ còn lại tấm y. Quần chúng hội họp lại và bàn tính:
– Chỉ còn tấm y đẹp và thơm tho nầy, chúng ta sẽ cúng dường cho ai? Cúng cho Trưởng lão Xá-lợi-phất hay Trưởng lão Ðề-bà-đạt-đa?
Một số người nói:
– Trưởng lão Xá-lợi-phất chỉ sống ở đây một vài ngày rồi đi tùy theo sở thích. Còn Trưởng lão Ðề-bà-đạt-đa luôn luôn sống gần thành phố của chúng ta trong lúc may mắn cũng như lúc rủi ro. Chúng ta hãy cúng dường Ðề-bà-đạt-đa.
Khi so sánh xem nên cúng cho ai giữa hai Trưởng lão, thì những người muốn cúng cho Ðề-bà-đạt-đa chiếm đa số. Vì vậy, họ cúng dường tấm y ấy cho Ðề-bà-đạt-đa. Vị ấy cắt may và nhuộm tấm y vàng. Sau khi hoàn thành, Ðề-bà-đạt-đa đắp tấm y ấy.
Lúc bấy giờ có ba mươi Tỷ-kheo đi từ Vương Xá về đảnh lễ bậc Ðạo Sư. Sau khi nói những lời chào đón hỏi thăm, các Tỷ-kheo báo tin ấy cho bậc Ðạo Sư:
– Bạch Thế Tôn, Ðề-bà-đạt-đa tự mình không xứng đáng, lại đắp biểu tượng của A-la-hán.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa không xứng đáng đắp biểu tượng của bậc A-la-hán.
Thuở trước, Ðề-bà-đạt-đa cũng đã như vậy rồi.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra làm voi trong một đàn voi, ở khu vực Tuyết Sơn. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát là chúa đàn cùng với 80 con voi sống ở trong rừng.
Một người nghèo khổ sống ở Ba-la-nại thấy các thợ ngà tại một con đường đang làm các loại vòng tay v.v… bằng ngà liền hỏi:
– Nếu ta có ngà voi, các người có mua không?
Họ nói:
– Vâng, chúng tôi sẽ mua.
Rồi anh ta cầm binh khí, mặc một tấm vải vàng, giả dạng một vị Phật Ðộc Giác, buộc một búi tóc giả, đứng nấp tại con đường voi đi, dùng binh khí giết voi, lấy ngà bán tại Ba-la-nại và sinh sống với cách ấy.
Ngày này qua ngày khác, khi đàn voi đi qua, anh ta chỉ rình giết con voi đi cuối cùng đàn voi do Bồ-tát làm chủ. Với thời gian, số voi dần dần giảm thiểu, và chúng hỏi Bồ-tát vì nguyên nhân gì, số voi giảm thiểu. Bồ-tát tìm hiểu và suy nghĩ: “Có thể một người nào đó đội lốt Ðộc Giác Phật, đứng ở cuối đường các con voi đi qua, có thể nó đã giết các con voi. Ta sẽ tìm cho ra manh mối”.
Một hôm, Bồ-tát cho các con voi đi đầu và mình đi sau cùng. Người ấy thấy Bồ-tát, liền cầm binh khí xông ra. Bồ-tát quay lại, đứng dương vòi ra và nghĩ: “Ta sẽ quật nó ngã xuống đất và giết nó!”
Nhưng khi thấy tấm áo vàng người ấy mặc, Bồ-tát nghĩ: “Ta phải kính trọng biểu tượng của bậc A-la-hán mà nó lạm dụng để mặc”.
Bồ-tát cuốn vòi lại và nói:
– Này ngươi, sao ngươi lại mặc biểu tượng của bậc A-la-hán khi ngươi không xứng đáng mặc?
Rồi Bồ-tát đọc những bài kệ này:
Ai đầy những uế nhiễm,
Lại mặc áo cà-sa,
Tự mình không chế ngự,
Không tôn trọng sự thật,
Kẻ ấy không xứng đáng
Ðược mặc áo cà-sa.
Ai gột sạch uế nhiễm,
Vững vàng trong giới luật,
Tự mình có chế ngự,
Biết tôn trọng sự thật,
Vị ấy thật xứng đáng
Ðược mặc áo cà-sa.
Như vậy Bồ-tát nói lên những lời giáo hóa này với người ấy, rồi hăm dọa như sau:
– Bắt đầu từ nay chớ đến đây nữa. Nếu ngươi đến, ngươi sẽ mất mạng.
Và Bồ-tát đuổi anh ta đi.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể Pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, người giết voi là Ðề-bà-đạt-đa, còn chúa voi là ta vậy.
-ooOoo-
222. CHUYỆN CON KHỈ CÙLLANANDIYA (Tiền thân Cùllanandiya)
Ðây là lời sư trưởng…,
Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðại Sư đã kể về Ðề-bà-đạt-đa.
Một hôm, các Tỷ-kheo ngồi lại Chánh pháp đường, bắt đầu nói chuyện:
– Thưa các Hiền giả, Ðề-bà-đạt-đa khắc nghiệt, độc ác, tàn nhẫn, thúc đẩy tên tướng cướp hại bậc Chánh Ðẳng Giác. Rồi vị ấy xô hòn đá, thúc đẩy con voi Naàlagiri, không có kham nhẫn, từ bi, lân mẫn đối với đức Như Lai.
Bậc Ðạo Sư đến tại Chánh pháp đường và hỏi;
– Này các Tỷ-kheo, các ông hội họp ở đây đang bàn vấn đề gì?
Khi được nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không chỉ nay, mà trước kia cũng vậy, Ðề-bà-đạt-đa đã khắc nghiệt, độc ác, không có từ bi.
Nói xong bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi Brahamadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con khỉ tên là Nandiya (Hoan hỷ), trú ở khu Tuyết Sơn. Con khỉ em của Bồ-tát tên là Cùllanandiya (Tiểu Hoan hỷ), cả hai được tám trăm ngàn con khỉ vây quanh và sống săn sóc mẹ mù.
Chúng đặt mẹ nằm trong bụi cây, và đi vào rừng hái những trái cây ngọt v.v.. gửi về cho mẹ, nhưng những con khỉ đem về không đưa trái cây cho bà nên bà bị đói hành hạ, chỉ còn da bọc xương.
Khi về, Bồ-tát nói với mẹ:
– Thưa mẹ, chúng con có gửi cho mẹ các loại trái cây ngon ngọt, sao mẹ ốm yếu thế này?
Bà mẹ trả lời:
– Này con thân yêu, mẹ không nhận được gì cả.
Bồ-tát suy nghĩ: “Nếu ta săn sóc đàn khỉ, mẹ ta sẽ chết mất. Ta sẽ rời đàn khỉ để săn sóc cho mẹ ta”.
Bồ-tát gọi Cùllanandiya và nói:
– Này em thân, hãy săn sóc đàn khỉ. Còn ta, ta sẽ săn sóc mẹ!
Cùllanandiya nói:
– Thưa anh, em không thể lo lắng cho đàn khỉ. Em chỉ muốn săn sóc mẹ.
Như vậy, cả hai đều đồng một ý muốn, đi xuống Tuyết Sơn, lựa một gốc cây bàng tại biên địa làm chỗ trú ẩn, và nuôi dưỡng khỉ mẹ.
Bấy giờ một thanh niên Bà-la-môn sống ở Ba-la-nại, sau khi học tất cả các nghề với một sư trưởng có danh tiếng nhiều phương ở Takkasilà, anh ta đến xin phép sư trưởng để ra đi.
Vị sư trưởng có tài đoán tướng, biết người đệ tử này độc ác, tàn nhẫn, khắc nghiệt liền nói:
– Này con thân, người độc ác, tàn nhẫn sẽ gặp tai nạn đau khổ lớn. Con chớ nên khắc nghiệt, chớ làm gì ác độc để sau phải hối hận.
Vị sư trưởng khuyên dạy như vậy rồi để đệ tử ra đi. Thanh niên ấy đảnh lễ vị sư trưởng rồi trở về Ba-la-nại và lập gia đình. Anh ta không thể sống với các nghề khác nên quyết định sống nhờ mũi nhọn cung tên. Anh ta trở thành một người thợ săn, và rời khỏi thành Ba-la-nại để kiếm sống tại một làng ở biên địa. Hàng ngày nai nịt với cung tên, anh ta đi vào rừng, giết các loài thú, và đem về bán thịt và sống qua ngày.
Một hôm anh ta không săn được gì trong rừng khi về, anh ta thấy một cây bàng đứng ở cuối một khoảng rừng trống. Anh ta đi đến hướng cây bàng ấy với hy vọng tìm được vật gì ở đấy. Lúc bấy giờ, hai anh em nhà khỉ đang cho bà mẹ các loại trái ngọt, và đặt bà ngồi trên thân cây. Khi thấy người thợ săn đi đến, hai anh em liền núp giữa các cành cây, xem anh ta sẽ làm gì. Con người tàn nhẫn ấy, khi đến gốc cây thấy khỉ mẹ của chúng mù loà, già yếu liền nghĩ: “Sao ta lại về tay không? Bắn con khỉ này xong ta sẽ đi”. Rồi anh ta liền cầm cung lên để bắn. Thấy vậy, Bồ-tát nói:
– Này em Cùllanandiya thân, người này muốn giết mẹ chúng ta. Anh sẽ thay thế mạng sống cho mẹ. Sau khi anh chết, em sẽ săn sóc mẹ.
Nói xong, Bồ-tát từ giữa cành cây đi ra, và nói:
– Này người kia, chớ có bắn mẹ ta. Mẹ ta mù, già yếu, ta sẽ đổi mạng sống cho mẹ ta. Ông chớ giết mẹ ta, hãy giết ta.
Sau khi hứa với kẻ ấy, Bồ-tát liền ngồi xuống tại chỗ. Tên thợ săn ấy không có lòng từ nhắm bắn khỉ mẹ. Cùllanandiya thấy vậy, suy nghĩ: “Người độc ác này muốn bắn cả mẹ ta nữa. Nếu mẹ ta sống thêm một ngày, là một ngày mẹ ta tăng thêm tuổi thọ, vậy ta sẽ cứu sống mẹ ta”. Nó từ giữa cành cây đi ra và nói:
– Này người kia, chớ giết mẹ ta, ta sẽ chết để cứu mẹ được sống. Hãy bắn ta, bắt cả hai anh em chúng ta để mẹ chúng ta được sống.
Sau khi hứa với thợ săn, khỉ em ngồi xuống trong tầm mũi tên. Kẻ săn bắn độc ác giết luôn khỉ em và suy nghĩ: “Ta còn mấy đứa con ở nhà nữa. Ta phải bắn luôn khỉ mẹ, để đem thịt về cho chúng”. Khi đã hạ sát ba mẹ con khỉ, anh ta mang cả ba xác khỉ trên một đòn gánh và về nhà. Trong lúc ấy sấm sét nổi lên đánh xuống nhà kẻ độc ác, thiêu cháy vợ, con và cả cái nhà. Cái nhà bị sét đánh thiêu rụi chỉ còn lại bộ sườn nhà và các cây cột tre cháy đen.
Tại cổng làng, một người thấy anh ta liền báo tin ấy cho anh ta biết. Quá sầu khổ vì vợ con, ngay tại chỗ anh ta quăng đòn gánh, thịt, cây cung, bỏ cả áo mặc trần truồng, hoa tay, khóc than đi vào nhà. Khi ấy, một cây cột bị gãy, rơi xuống và đánh vỡ đầu anh ta. Cùng lúc ấy, đất mở rộng, lửa từ địa ngục A-tỳ phun lên đốt tan xác anh ta. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh ta nhớ lời khuyên giáo của vị sư trưởng: “Ðây là lời dạy mà Bà-la-môn Pàràsariya đã cho ta”. Rồi anh ta than khóc và đọc hai bài kệ này:
Ðây là lời sư trưởng,
Pà-rà-sa-ri-ya:
Chớ nên làm điều ác
Khiến ngươi phải hối tiếc.
Việc gì con người làm,
Sẽ thấy nó trên thân;
Làm việc ác, gặp ác.
Như gieo hột giống nào,
Ðem lại quả giống ấy.
Anh ta vừa đọc kệ xong, đất liền vùi lấp anh ta và ngay lúc ấy anh ta đọa vào địa ngục A-tỳ (Vô gián).
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới cay nghiệt, độc ác. Thuở trước, kẻ ấy cũng đã cay nghiệt, độc ác, không có lòng bi như vậy rồi.
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, kẻ đi săn là Ðề-bà-đạt-đa, vị sư trưởng danh tiếng nhiều phương là Sàriputta, Cullanandiya là Ànanda, bà mẹ là Mahàpajàpati, còn khỉ chúa Mahànandiya là Ta vậy.
-ooOoo-
223. CHUYỆN THỨC ĂN ÐI ÐƯỜNG (Tiền thân Puta-Bhatta)
Cung kính người cung kính…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một điền chủ.
Tương truyền một người điền chủ sống ở thành Xá-vệ có giao thiệp buôn bán với một người điền chủ ở thôn quê. Ông ta đem theo vợ, đi đến gặp người có mắc nợ. Người mắc nợ nói:
– Tôi không thể trả được.
Và anh ta không trả gì. Người điền chủ này tức giận đi về, và không ăn cơm.
Trên đường đi, vài người thấy anh ta có vẻ đói quá liền cho một nồi cơm và nói:
– Hãy ăn và cho vợ anh ăn với.
Anh ta lấy nồi cơm ấy, nhưng không muốn chia phần cho vợ ăn nên nói:
– Này em, chỗ này là chỗ trú ẩn của bọn ăn cướp.
Em hãy đi trước.
Anh ta bảo vợ đi trước, rồi ăn hết phần cơm và khi đưa vợ xem cái nồi trống, anh ta nói:
– Này em, người ta cho một cái nồi không có cơm.
Người vợ biết chồng đã ăn hết cơm một mình nên lòng rất buồn bã.
Khi đi đến gần tinh xá Kỳ Viên, cả hai người muốn vào đó và xin nước uống.
Bậc Ðạo Sư ngồi chờ đợi họ đến, dưới bóng mát của Hương phòng, như người thợ săn đang đứng chờ mồi. Thấy bậc Ðạo Sư, hai vợ chồng đi đến, đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo Sư thân mật đón tiếp và hỏi:
– Này nữ cư sĩ, chồng con có thương con, và muốn con được hạnh phúc không?
– Bạch Thế Tôn, con thương chồng con, nhưng chuyện tệ bạc khác, ngay hôm nay, bạch Thế Tôn, giữa đường có một người cho anh ta một nồi cơm, nhưng anh ta không cho con gì cả, mà chỉ ăn một mình.
– Này nữ cư sĩ, con luôn luôn thương chồng con, và con muốn anh ta hạnh phúc. Nhưng chồng con lại không thương con. Tuy vậy, nếu các bậc hiền trí cho chồng con biết các đức tánh quý báu của con, thì anh ta sẽ hết sức thương yêu kính trọng con.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của người vợ, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahamaddatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một vị đại thần. Khi lớn lên, ngài trở thành cố vấn cho vua về các vấn đề thánh sự và tục sự. Lúc bấy giờ vua sợ con mình có âm mưu chống mình, nên đuổi con đi. Hoàng tử đem vợ con theo, đi ra khỏi thành và đến sống tại một ngôi làng nhỏ ở nước Kàsi.
Một thời gian sau, hoàng tử nghe vua cha từ trần, và suy nghĩ: “Nay ta sẽ nhận lấy vương quốc thuộc quyền, sở hữu của gia đình”. Hoàng tử trở về. Giữa đường, có một người cho hoàng tử một nồi cơm và nói:
– Hãy ăn và cho vợ cậu ăn với.
Hoàng tử nhận lấy nồi cơm nhưng không cho vợ, chỉ ăn hết một mình. Vợ chàng suy nghĩ: “Người này thật là cay nghiệt!”, và nàng cảm thấy lòng đầy sầu muộn.
Sau đó, hoàng tử về đến Ba-la-nại, nhận được vương quốc, phong vợ lên địa vị hoàng hậu và nghĩ: “Như vậy là đủ với vợ ta rồi”.
Vua đối với hoàng hậu không tỏ thêm một sự quan tâm, hay tôn trọng gì khác, cho đến độ hoàng hậu đến hầu, vua cũng không hỏi: Hiền thê sống ra sao?
Lúc ấy, Bồ-tát là cố vấn của vua suy nghĩ: “Hoàng hậu này giúp ích vua nhiều và thương yêu vua. Nhưng vua không nghĩ gì đến hoàng hậu. Ta sẽ làm cho vua tôn trọng kính nể hoàng hậu”. Vì vậy, Bồ-tát đi đến gần hoàng hậu chào hỏi cung kính, và đứng một bên.
Hoàng hậu hỏi:
– Này khanh, có việc gì?
Bồ-tát nói:
– Thưa hoàng hậu, làm sao chúng thần có thể hầu lệnh bà được? Lệnh bà phải cho các người già cả một miếng vải hay một vắt cơm chứ?
– Này khanh thân, chính ta cũng không hề có một vật gì, làm sao ta có thể cho các người được? Khi ta có của, ta đâu có hà tiện? Nhưng nay đức vua không cho ta gì cả. Ðừng nói cái gì khác, ngay khi đức vua đi về để nhận quốc độ, giữa đường được người cho một nồi cơm, đức vua cũng không cho ta một chút cơm, chỉ một mình ăn hết!
– Thưa hoàng hậu, lệnh bà có thể đi đến yết kiến vua, và nói lên như vậy không?
– Này khanh thân, ta có thể nói.
– Vậy hôm nay, khi thần đứng gần vua và khi thần hỏi, lệnh bà hãy trả lời như vậy. Thần sẽ làm cho vua biết được công hạnh của lệnh bà.
Nói vậy xong, Bồ-tát đi đến đứng một bên vua. Hoàng hậu cũng đến và đứng gần vua. Rồi Bồ-tát hỏi:
– Thưa hoàng hậu, lệnh bà thật là keo kiệt. Ðúng ra, lệnh bà nên bố thí cho những người cha già một miếng vải hay một vắt cơm chứ?
Bà liền đáp:
– Này khanh, ta không nhận được từ đức vua một cái gì cả, làm sao ta có thể cho các người được?
– Phải chăng lệnh bà không phải là hoàng hậu chánh cung?
– Này khanh, khi không được một chút tôn trọng, thì địa vị chánh cung hoàng hậu để làm gì? Nay đức vua có thể cho gì ta được nữa? Khi về nước, giữa đường đức vua được cho nồi cơm nhưng đức vua không cho ta một chút gì, chỉ ăn một mình!
Bồ-tát hỏi:
– Thưa Ðại vương, có phải như vậy chăng?
Vua xác nhận là có. Bồ-tát nghe vua xác nhận liền thưa:
– Thưa hoàng hậu, khi đức vua không yêu thương lệnh bà, sao lệnh bà còn ở đây? Ở đời, khổ thay là chung sống không có tình thương! Khi lệnh bà ở đây, hết lòng chung thủy với đức vua, nhưng đức vua không có tình thương, việc ấy chắc chắn sẽ đem lại khổ đau cho lệnh bà.
Bồ-tát khuyên dạy tiếp.
– Các loài chúng sanh san sẻ với những ai biết san sẻ. Ngay khi biết ai không có tánh san sẻ, ta cần phải bỏ đi chỗ khác vì còn có rất nhiều người sống ở đời này!
Nói vậy xong, Bồ-tát đọc các bài kệ này:
Cung kính người biết kính,
Chia với người biết chia,
Với ai làm bổn phận,
Hãy làm đủ bổn phận,
Với ai làm lợi mình,
Hãy làm lợi người ấy.
Với ai không san sẻ,
Chớ nên san sẻ lại!
Hãy xử sự khinh xuất
Với những ai khinh xuất,
Chớ giữ lòng thương yêu
Với ai hết thương yêu,
Phải có lòng chia sẻ,
Chung sống để an ủi.
Khi loài chim biết được
Cây không còn trái nữa,
Chúng bay đến cây khác,
Thế giới thật lớn thay!
Nghe nói vậy, vua Ba-la-nại liền dành cho hoàng hậu tất cả sự kính trọng và uy quyền. Từ đó trở đi, vua và hoàng hậu sống hòa hợp, hoan hỷ và thương yêu nhau hơn.
*
Sau khi thuyết Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, hai vợ chồng ấy đắc quả Dự lưu. Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Hai vợ chồng này là hai vợ chồng thuở trước, còn vị đại thần hiền trí là Ta vậy.
-ooOoo-
224. CHUYỆN CON CÁ SẤU (Tiền thân Kumbhila)
Ai đủ bốn pháp này…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa. (Như Tiền thân số 57 Chương một).
Ai đủ bốn pháp này,
Hỡi vua các loài khỉ,
Chân thật và chánh nghĩa,
Kiên trì và xả thí,
Vị ấy vượt thắng lên
Các tà kiến bất chánh.
Ai không có đủ
Công đức thiện thù thắng,
Chân thật và chánh nghĩa,
Kiên trì và xả thí,
Vị ấy không vượt lên
Các tà kiến bất chánh.
-ooOoo-
225. CHUYỆN ÐỀ CAO TÍNH KHAM NHẪN (Tiền thân Khanti-Vannana)
Thưa Thiên tử, thần có…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðại Sư kể về vua Kosala.
Bấy giờ một vị đại thần giúp ích nhiều cho vua đã lợi dụng chức vụ và thông gian trong nội cung. Vua biết được kẻ phạm tội nhưng vì đại thần ấy giúp nhiều cho vua, nên vua chịu đựng tội lỗi kia và thưa chuyện với bậc Ðạo Sư. Ngài nói:
– Các vua thuở trước, thưa Ðại vương, cũng chịu đựng như vậy.
Rồi theo lời vua yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở trước, khi vua Brahmadata trị vì ở Ba-la-nại, có một đại thần thông gian trong nội cung. Vị đại thần ấy cũng có một người hầu cận thông gian trong nhà mình. Ðại thần ấy không thể chịu đựng tội phạm ấy, vì thế đã đem nó đến trước vua và hỏi:
– Thưa Thiên tử, thần có một người hầu cận làm tất cả mọi việc cho thần nhưng nó lại thông gian tại nhà thần. Nay phải làm gì với nó?
Và vị ấy đọc bài kệ đầu:
Thưa Thiên tử, thần có
Một người giỏi nhiều việc,
Người ấy đã phạm tội,
Ngài nghĩ phải làm gì?
Nghe vậy, vua đọc bài kệ thứ hai:
Và chính ta cũng có
Người như vậy đứng đây.
Người tốt thật khó tìm,
Nên ta cần kham nhẫn!
Vị đại thần biết lời vua nói ám chỉ mình, và từ đấy trở đi không dám thông gian trong nội cung nữa. Còn người hầu hạ ấy biết vấn đề đã được tâu với vua, nên từ đấy trở đi không dám hành động sai quấy nữa.
*
Sau khi nói Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Ta là vua Ba-la-nại.
Còn vị đại thần ấy biết vua đã thưa với bậc Ðạo Sư câu chuyện về mình, nên từ đấy trở đi, không dám hành động sai quấy nữa.
-ooOoo-
226. CHUYỆN CON CÚ (Tiền thân Kosiya)
Lành thay, nếu xuất hành…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về vua Kosala.
Vua ấy đi dẹp loạn ở biên địa, nhưng xuất hành không đúng thời. Câu chuyện đã được kể ở số 176, Chương hai.
Cũng như trước, bậc Đạo Sư kể câu chuyện quá khứ theo lời yêu cầu của vua.
*
Thuở xưa, vua Ba-la-nại xuất hành phi thời cắm trại ở một khu ngự viên. Lúc bấy giờ, một con chim cú bay vào một khóm tre và nấp tại đấy. Một đàn quạ cũng đến, vây quanh nó với ý định: “Khi nào nó ra, chúng ta sẽ bắt nó”.
Không chờ đợi mặt trời lặn, chim cú đi ra không đúng thời và bắt đầu chạy trốn. Các con quạ vây quanh, lấy mỏ đánh nó, làm nó rơi xuống đất. Nhà vua gọi Bồ-tát và hỏi:
– Này bậc Hiền trí, vì sao những con quạ lại tấn công và đánh ngã con cú?
– Thưa Ðại vương, hễ ai đi ra khỏi trú xứ của mình không đúng thời, đều phải gặp khổ nạn như vậy. Do vậy, chớ nên đi ra khỏi trú xứ của mình phi thời.
Và để nêu lên ý nghĩa này, Bồ-tát đọc hai bài kệ:
Lành thay nếu xuất hành
Ðúng thời, không phi thời,
Khi xuất hành phi thời,
Nhiều người hay chỉ một
Thế nào cũng gặp nạn,
Vì không rõ nghĩa này,
Như con cú khốn khổ
Phải chết vì quạ bầy.
Bậc trí biết quy luật,
Biết nhược điểm người khác,
Chinh phục mọi kẻ thù,
Như cú, nếu khôn ngoan
Sẽ được nhiều an lạc.
Vua nghe lời Bồ-tát, liền quay về nhà, không đem quân đi đánh nữa.
*
Khi bậc Ðạo Sư thuyết pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vua là Ànanda, và vị đại thần Hiền trí là Ta vậy.
-ooOoo-
227. CHUYỆN CON BỌ ĂN PHÂN (Tiền thân Gùthapàna)
Anh hùng địch anh hùng…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo.
Lúc bấy giờ cách xa Kỳ Viên khoảng hơn nửa dặm, tại một thị trấn, có nhiều đồ ăn được phát theo thẻ và theo hạn kỳ. Ở đây có một kẻ thô lỗ hay hỏi khiêu khích. Những ai đến để lãnh món ăn được phát theo thẻ hay định kỳ đều bị nó hỏi:
– Những ai nhai, những ai uống, những ai ăn?
Nếu không trả lời được, họ sẽ bị nó làm cho xấu hổ. Vì sợ kẻ ấy, nhiều người không đi đến làng ấy để lấy phần ăn nữa:
Một hôm, một Tỷ-kheo đi đến chỗ phát thẻ và nói:
– Thưa các Tôn giả, tại làng kia có đồ ăn phát theo thẻ và định kỳ phải không?
Có người trả lời:
– Thưa Hiền giả, có. Nhưng tại đấy có một kẻ cật vấn thô lỗ hỏi các câu và nếu ai không trả lời được sẽ bị nó mắng nhiếc chửi rủa. Vì sợ nó, nên không ai đi.
Tỷ-kheo ấy nói:
– Thưa các Tôn giả, hãy cho tôi đi lấy đồ ăn tại đấy, tôi sẽ nhiếp phục kẻ ấy, làm cho kẻ ấy khiêm tốn, khiến từ đây trở đi, khi thấy các Tôn giả, kẻ ấy sẽ xấu hổ và bỏ trốn.
Các Tỷ-kheo chấp thuận cho vị ấy đi lấy đồ ăn tại chỗ kia. Tỷ-kheo ấy đắp y đi đến cửa hàng. Thấy Tỷ-kheo ấy, tên cật vấn thô lỗ liền đi mau đến như con cừu điên, và nói:
– Này Sa môn, hãy trả lời ta.
– Này cư sĩ, sau khi đi vào làng lấy cháo và trở lại phòng đợi này, tôi sẽ trả lời.
Khi Tỷ-kheo ấy lấy cháo và trở lại phòng đợi, kẻ ấy cũng hỏi như trước. Tỷ-kheo ấy nói:
– Hãy để ta ăn cháo xong ta quét phòng và đi lấy phần cơm phát theo thẻ của ta!
Sau đó Tỷ-kheo ấy đi lấy phần cơm về rồi đưa bình bát cho người ấy cầm và nói:
– Hãy đi theo ta, ta sẽ trả lời câu hỏi của anh. Tỷ-kheo ấy dắt nó ra ngoài làng, xếp y lại, đặt y trên vai, lấy bình bát từ tay nó và đứng chờ đợi. Nó nói:
– Này Sa-môn, hãy trả lời câu hỏi của ta.
– Này cư sĩ, ta trả lời cho anh đây.
Tỷ-kheo ấy nói xong, với một cú đấm, đánh ngã tên ấy, đánh nó nhừ xương rồi quăng phân vào mặt nó, và dọa nó:
– Từ nay trở đi, nếu có Tỷ-kheo nào đến làng này, và anh còn hỏi câu nào thì anh biết ta.
Tỷ-kheo ấy nói vậy rồi bỏ đi.
Từ đấy chỉ vừa thấy bóng các Tỷ-kheo, nó liền chạy trốn.
Sau một thời gian, việc này được chúng Tăng biết rõ. Một hôm, tại Chánh pháp đường, họ bắt đầu nói chuyện ấy:
– Này các Hiền giả, nghe nói Tỷ-kheo đánh tên này, quăng phân vào mặt kẻ thô lỗ rồi bỏ đi.
Bậc Ðạo Sư đi đến và hỏi:
– Này, các Tỷ-kheo, các ông họp tại đây đang bàn vấn đề gì?
Và khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Tỷ-kheo này tấn công kẻ ấy với đồ dơ. Thuở trước, vị này cũng đã như vậy rồi.
Nói xong, bậc Ðạo Sư kể lại câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, dân chúng hai nước Anga và Magadha thường hay đi qua lại thân thiết với nhau. Một ngày nọ, họ đến ở tại một ngôi nhà giáp ranh giữa hai nước để uống rượu, ăn thịt, cá suốt đêm. Vào buổi sáng, khi tỉnh rượu, họ thắng bò vào xe rồi ra đi.
Khi họ đi rồi, một con bọ ăn phân, vì mùi phân bay đến, thấy rượu còn đọng lên đống phân, bèn uống cho đã khát. Rồi say rượu, nó leo lên đống phân nằm. Trong khi nó leo lên, một viên phân nhỏ rơi xuống, nó la to:
– Trái đất không có thể đỡ ta nổi!
Ngay lúc ấy có một con voi điên đi đến, ngửi thấy mùi phân, ghê tởm bỏ đi lui. Con bọ ăn phân thấy vậy tưởng rằng con voi sợ mình, liền nghĩ: “Nay ta phải đánh con vật lớn xác này một trận mới được”, nó liền gọi con voi ấy qua bài kệ đầu:
Anh hùng địch anh hùng,
Dũng mãnh, ta đánh nhau,
Hãy quay lại, voi kia,
Sao sợ, và bỏ chạy?
Hãy cho dân hai nước
An-ga, Ma-ga-dha,
Thấy được sức hùng mạnh
Của bác và của ta.
Con voi lắng tai nghe tiếng con bọ nói, rồi trở lại gần nó, và mắng trách nó với bài kệ thứ hai:
Ta không cần giết bọ
Bằng chân, ngà hay vòi,
Ta giết bọ bằng phân,
Hỡi vật đầy hôi thối,
Hãy chết với đồ dơ!
Rồi con voi trút xuống một bãi phân lớn ngay trên đầu con bọ và đái trên đó. Con bọ bị giết ngay tại chỗ ấy. Rồi con voi rống lên như tiếng kèn và chạy vào rừng.
*
Khi bậc Ðạo Sư thuyết Pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con bọ ăn phân là kẻ thô lỗ này. Con voi là Tỷ-kheo và vị thần cây trong rừng tận mắt chứng kiến việc ấy là Ta vậy.
-ooOoo-
228. CHUYỆN BÀ-LA-MÔN KÀMANÌTA (Tiền thân Kàmanìta)
Ta tham muốn ba thành…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Bà-la-môn có tên Kàmanìta (Dục tham chi phối). Hoàn cảnh chuyện này sẽ được nêu rõ trong Tiền thân Kàma số 467, Chương mười hai.
*
Thuở xưa, vua Ba-la-nại có hai hoàng tử. Trong hai hoàng tử ấy, người anh cả đi đến Ba-la-nại và làm vua còn người em làm phó vương. Người anh làm vua ham mê của cải, dục lạc, và tham lam thắng lợi.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát làm Thiên chủ Ðế Thích nhìn xuống cõi Diêm-phù-đề, biết vua đắm say các loại dục lạc này, liền nghĩ: “Ta sẽ khiển trách vua, và làm cho vua xấu hổ”.
Bồ-tát hiện thân làm một thanh niên Bà-la-môn, và đi đến đứng nhìn vua. Vua hỏi:
– Này thanh niên Bà-la-môn, ngươi đến với mục đích gì?
Thiên chủ Ðế Thích trả lời:
– Thưa Ðại vương, thần thấy ba thành phố an ổn, phú cường, nhiều voi, ngựa, cỗ xe, bộ binh, đầy những thứ trang sức bằng vàng ròng. Ba thành ấy có thể được chiếm lấy chỉ với một đội quân rất nhỏ. Thần sẽ đến lấy những thành ấy và dâng Ðại vương:
Vua hỏi:
– Này thanh niên, khi nào chúng ta khởi binh?
– Ngày mai, thưa Ðại vương!
– Vậy ngươi hãy đi và mai đến.
– Thưa vâng, Ðại vương. Hãy mau chóng chuẩn bị quân đội.
Thiên chủ Ðế Thích nói vậy rồi đi về trú xứ của mình.
Ngày hôm sau, vua truyền đánh trống chuẩn bị quân đội, rồi gọi các đại thần và nói:
– Hôm qua, có một thanh niên Bà-la-môn đến và nói: Thần sẽ chiếm đất của ba thành Uttarapancàla, Indapatta và Kekaka dâng ngài. Nay ta sẽ đem nó đi để chiếm lấy ba thành ấy. Hãy gọi nó đến mau!
– Thưa Thiên tử, Thiên tử đã cho nó ở nơi nào?
– Ta không cho nó ở nơi nào hết.
– Nhưng Thiên tử đã cho nó tiền để trả nhà trọ không?
– Ta cũng không cho.
– Vậy sao chúng thần kiếm nó được?
– Hãy tìm nó tại những con đường trong thành.
Họ đi tìm nhưng không thấy vị ấy, liền trở về trình vua:
– Thưa Ðại vương, chúng thần tìm không thấy nó.
Vua suy nghĩ: “Một vinh quang lớn như vậy đã bị tiêu tan”. Nỗi sầu muộn khủng khiếp khởi lên, tâm vua trở thành nóng bức, máu bị dao động, và bệnh kiết lỵ phát ra tấn công vua, các thầy không thể chữa trị được.
Sau ba bốn ngày, Ðế Thích nghĩ đến vua, biết vua bị bệnh, ngài tự bảo: “Ta sẽ chữa trị cho vua”.
Ðế Thích giả dạng một Bà-la-môn đi đến đứng trước cửa cung và báo tin: Một thầy thuốc Bà-la-môn xin đến chữa bệnh Ðại vương.
Khi nghe vậy vua nói:
– Các đại danh sư của triều đình cũng không thể chữa lành trẫm được. Thôi hãy cho nó một số tiền lộ phí rồi bảo nó đi.
Ðế thích nghe vậy, liền đáp:
– Ta không cần tiền trả nhà trọ, ta không lấy tiền chữa trị, ta sẽ chữa bệnh cho vua mau lành. Hãy để ta gặp vua.
Khi nghe vua nói:
– Vậy hãy để nó đến.
Ðế Thích đi vào, chúc vua thắng trận và đứng một bên. Vua hỏi:
– Ngươi muốn chữa bệnh cho trẫm đó ư?
– Thưa Thiên Tử, vâng.
– Vậy hãy chữa đi!
– Thưa Thiên tử, vâng. Hãy cho thần biết triệu chứng bệnh trạng. Do nhân duyên nào bệnh khởi lên. Do Ðại Vương ăn gì, uống gì hay do Ðại Vương thấy gì, nghe gì?
– Này khanh, bệnh của trẫm phát ra do nghe một chuyện.
– Thiên tử nghe chuyện gì?
– Này khanh, một thanh niên Bà-la-môn đến và nói: Thần sẽ lấy ba thành dâng Ðại vương. Nhưng trẫm không cho nó trú xứ ở, cũng không cho tiền để trả nhà trọ, chắc nó giận trẫm, và đã đi đến một ông vua khác rồi! Trẫm nghĩ rằng một sự vinh quang lớn như vậy đã bị tiêu tan, nên chứng bệnh phát ra. Nếu có thể, khanh hãy chữa trị chứng bệnh do tâm trẫm tham muốn.
Ðể rõ ý nghĩa này, vua đọc bài kệ đầu:
Ta tham muốn ba thành,
Mỗi thành xây trên núi,
Thành tên Pan-ca-la,
Cu-ru, Ke-ca-ca,
Hỡi chàng Bà-la-môn,
Ta còn muốn hơn nữa,
Hãy chữa ta căn bệnh,
Nô lệ của dục tham.
Ðế Thích nói:
– Thưa Ðại vương, bệnh của ngài không thể chữa bằng thuốc rễ cây v.v… bệnh của ngài chữa bằng thuốc tri kiến.
Rồi Ðế Thích đọc bài kệ thứ hai:
Có người chữa trị được,
Vết cắn của rắn đen,
Bậc hiền trí chữa trị,
Người bị ma quỷ ám,
Không ai chữa trị được
Người nộ lệ dục tham.
Làm sao chữa trị được,
Kẻ thối thất tinh cần?
Như vậy, bậc Ðại Sĩ nêu rõ ý nghĩa này rồi nói thêm như sau:
– Thưa Ðại vương, nếu ngài có lấy được ba thành ấy, và cai trị đất nước của bốn thành này, Ðại vương có thể mang bốn bộ áo một lần chăng? Có thể ăn trong bốn đĩa bằng vàng chăng? Và nằm ngủ trên bốn long sàng lộng lẫy chăng? Thưa Ðại Vương, không nên để dục tham chi phối. Dục tham là cội gốc của tội ác. Ai để dục tham tăng trưởng sẽ bị đọa vào tám địa ngục lớn, mười sáu địa ngục nhỏ cùng với nhiều loại khổ đau khác.
Như vậy, bậc Ðại Sĩ dọa vua ấy với những cảnh địa ngục rồi thuyết pháp cho vua nghe. Vua nghe pháp, hết sầu muộn, và trong chốc lát được khỏi bệnh.
Ðế Thích khuyến giáo vua xong, an trú vua vào giới luật, và đi về thiên giới. Còn vua, từ đấy về sau làm các công đức bố thí v.v… và khi mệnh chung, đi theo nghiệp của mình.
*
Khi thuyết Pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân:
– Lúc bấy giờ, nhà vua bị tham dục chi phối là Tỷ-kheo này, còn Ðế Thích là Ta vậy.
-ooOoo-
229. CHUYỆN DU SĨ PALÀYI (Tiền thân Palàyi)
Với các voi tối thắng…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về du sĩ ngoại đạo Palàyi. Vì mục đích biện luận, vị này đi khắp mọi nơi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ) và không gặp ai có khả năng đối thoại, liền đi đến Xá-vệ và hỏi các người tại đây:
– Có ai đủ khả năng biện luận với ta không?
Họ nói:
– Có một người đủ khả năng biện luận với một ngàn người như ông. Vị ấy là bậc Nhất thiết trí, bậc tối thắng giữa những loài hai chân, Ðạo Sư Gotama, bậc Pháp Vương, bậc nhiếp phục mọi đối thủ ngoại đạo trong toàn cõi Diêm-phù-đề, không người ngoại đạo nào có khả năng biện luận với bậc Thế Tôn ấy. Như các ngọn sóng tràn vào bờ biển, tất cả biện luận ngoại đạo chạm đến gót chân Ngài đều bị tan tác vỡ vụn.
Họ nói lên các công đức của các đức Phật như vậy.
Du sĩ ngoại đạo ấy hỏi:
– Vị ấy nay ở đâu?
– Ở Kỳ viên.
– Nay ta sẽ có cuộc đối thoại với vị ấy.
Rồi được vây quanh với một đám đông người, du sĩ ấy đi vào Kỳ viên, thấy cửa thành ngoài do vương tử Jeta (Kỳ-đà) đã dùng chín mươi triệu đồng vàng để xây dựng liền hỏi:
– Ðây có phải lâu đài trú xứ của Sa-môn Gotama không?
Khi được trả lời đây chỉ là cửa thành ngoài, du sĩ ấy nói:
– Cửa thành còn như vậy, thì trú xứ của vị ấy để như thế nào nữa?
Khi nghe nói các Hương phòng thật là vô lượng, vị ấy liền nghĩ: “Với một Sa-môn như vậy, ai có thể biện luận được”. Nói vậy xong, vị ấy liền bỏ trốn. Quần chúng la ó và ùa vào Kỳ Viên. Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Các ngươi đến phi thời như vậy vì mục đích gì?
Họ trình Ngài chuyện ấy. Ngài nói:
– Này các cư sĩ, không phải chỉ nay, nhưng thuở trước cũng như vậy, chỉ thấy cửa thành ngoài trú xứ của Ta, vị ấy cũng bỏ chạy rồi.
Rồi theo yêu cầu của các cư sĩ, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, tại xứ Gandhàra, Bồ-tát làm vua ở Takkasilà, còn Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại. Brahmadatta quyết định lấy Takkasilà, và mang đến một đạo quân lớn, cắm trại không xa thành bao nhiêu.
Brahmadatta truyền lệnh bày binh bố trận xa như sau:
– Ðây là chỗ các con voi, đây là chỗ các con ngựa, đây là chỗ các con xe, đây là chỗ các bộ binh. Như vậy các ngươi hãy tấn công và đánh phá với mọi vũ khí. Như trời đổ mưa xuống, các ngươi hãy làm một trận mưa tên đổ xuống.
Rồi vua đọc hai bài kệ này:
Với các voi tối thắng,
Như mây bão trên trời!
Với các ngựa tối thắng,
Quây tròn như vòng hoa!
Với xe như đợt sóng,
Với tên như mưa rào,
Với quân kiếm cầm tay,
Bủa vây chém dữ dội,
Chúng bao vây trọn vẹn,
Thành Tak-ca-si-là,
Cho đế khi địch quân
Phải ngã nhào xuống đất!
Hãy xông tới đánh chúng,
Hãy nhào tới đạp chúng!
Hãy la lớn khởi binh,
Hãy hát khúc hành quân!
Trong khi các đàn voi,
Ðồng thét lên vâng dội.
Hãy cất cao giọng nói
Náo động giữa chiến trường,
Như sấm chớp lóe sáng,
Ầm ầm giữa không gian.
Như vậy, vua la hét cho quân chuyển động, và tiến đến gần cửa thành. Khi thấy cửa thành với lâu đài, tháp canh, Brahmadatta liền hỏi:
– Ðây có phải cung điện của vua chăng?
Họ trả lời:
– Ðây là cửa thành với lầu tháp.
Vua ấy liền nói:
– Tháp ở cửa thành như vậy thì cung điện của vua sẽ như thế nào?
Họ trả lời:
– Cung điện giống như lâu đài Vejayanta của Thiên chủ Ðế Thích!
Vua nghe vậy liền kết luận:
– Ta không bao giờ có thể chiến đấu với một vị vua vinh quang như vậy!
Và chỉ thấy lầu tháp ở cửa thành ngoài, vua liền quay trở lui, bỏ chạy về Ba-la-nại.
*
Sau khi thuyết pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vua Ba-la-nại là du sĩ ngoại đạo Pa-là-yi, còn vua Takkasilà là Ta vậy.
-ooOoo-
230. CHUYỆN DU SĨ PALÀYI THỨ HAI (Tiền thân Palàyi)
Cờ xí ta vô lượng…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một du sĩ ngoại đạo. Trong câu chuyện này, du sĩ ngoại đạo ấy đi vào Kỳ Viên. Lúc bấy giờ, bậc Ðạo Sư được hội chúng đông đảo vây quanh, ngồi trên pháp tọa được trang hoàng rực rỡ trên tấm thảm đỏ, đang rống tiếng rống sư tử. Du sĩ ngoại đạo thấy thân hình bậc Ðạo sư như thân hình Phạm Thiên, thấy mặt Ngài sáng chói như trăng rằm, với cái trán như một dĩa bằng vàng, liền nghĩ: “Ai có thể chiến thắng một người như vậy”, liền quay trở lui, lẫn vào trong đám đông và bỏ chạy. Ðại chúng đuổi theo kẻ ấy rồi quay vào, báo cáo câu chuyện cho bậc Ðạo Sư rõ. Ngài nói:
– Không phải chỉ nay du sĩ ngoại đạo ấy làm như vậy. Thuở trước, thấy mặt ta sáng chói, kẻ ấy cũng bỏ chạy như vậy rồi.
Rồi Ngài kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, Bồ-tát làm vua trị vì Ba-la-nại. Còn tại Takkasilà, có một vị vua của xứ Gandhàra. Vua ấy nói:
– Ta sẽ đánh chiếm Ba-la-nại.
Rồi vua đi đến vây thành với bốn loại binh chủng. Ðứng trước cửa thành, nhìn quân đội của mình. Vua tự bảo:
– Ai có thể đánh thắng được một quân đội như vậy?
Rồi vua tán thán quân đội của mình với bài kệ:
Cờ xí ta vô lượng,
Không ai đối địch nổi,
Dầu quạ bay từng đàn,
Ðâu chận đứng được biển!
Chẳng khác gì ngọn núi
Không bị bão thổi bạt,
Nay ta cũng như vậy,
Không ai chinh phục ta.
Bồ tát nghe lời khoe khoang của vua xứ Gandhàra như vậy, liền xuất hiện trước cửa thành với gương mặt chói sáng như trăng rằm, và nói:
– Này kẻ ngu si kia, đừng nói lảm nhảm vô ích! Nay ta sẽ đạp nát quân đội của ngươi như con voi điên đạp nát cánh rừng cây lau.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Chớ nói lời ngu muội
Chẳng có ai bằng ngươi!
Ngươi lảm nhảm mất trí,
Sao chế ngự được ta?
Chẳng khác ngươi tấn công
Con voi dữ độc hành,
Với chân chà ngươi nát
Như chà nát cọng lau!
Khi vua xứ Gandhàra nghe lời Bồ-tát dọa chà nát, liền ngẩng đầu lên, thấy vầng trán của Bồ-tát như cái dĩa bằng vàng, ông hoảng hốt vì sợ bị bắt liền quay lùi, bỏ chạy về thành của mình.
*
Khi bậc Ðạo Sư thuyết pháp thoại này xong. Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, vua xừ Gandhàra là du sĩ ngoại đạo Palàyi, còn vua Ba-la-nại là Ta vậy.
Hết phần Phẩm Khāsāva (Khāsāva)