Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai
Bổn Nguyện Công Đức Kinh Giảng Ký

Đại sư Ấn Thuận giảng
Tại Chùa Thiện Đạo, Đài Bắc, Đài Loan
Mùa thu năm 1954

Thích Pháp Chánh dịch

 

Huyền Luận

I. Duyên khởi.

Vào năm 1934, ngài Thái Hư đã từng giảng qua Kinh Dược Sư một lần tại Chùa A Dục Vương ở Ninh Ba, pháp duyên rất thịnh. Bài giảng của ngài đã được ghi lại thành một bộ Kinh Dược Sư Giảng Ký rất hay.

Đất nước của chúng ta bị nhiều tai nạn, đặc biệt là năm nay, Đại lục đã bị náo động bởi một trận lụt lớn chưa từng có. Hôm nay chúng ta hoằng dương pháp môn Dược Sư là một sự việc vô cùng có ý nghĩa. Bởi vì tất cả mọi loại tai nạn đều là do nghiệp lực của chúng sinh chiêu cảm. Phật giáo đứng trên lập trường từ bi giải cứu khổ nạn cho chúng sinh, cho nên thiết lập pháp môn tiêu tai, khiến cho chúng sinh tiêu trừ nghiệp chướng, thoát khỏi tai nạn.

Bổn tự (Chùa Thiện Đạo, Đài Bắc, Đài Loan) sẽ tổ chức pháp hội Dược Sư vào tháng 9 này, cầu nguyện cho tất cả mọi người, từ Tổng thống cho đến quan dân, đều được tiêu tai, diên thọ, miễn nạn, được phước, cho nên trước khi khai mạc pháp hội, chúng ta sẽ giảng giải quyển kinh này để mọi người hiểu rõ ý nghĩa. Tương lai mỗi người khi tham gia pháp hội, một mặt nương vào sự gia bị của uy lực của Tam bảo, một mặt tự mình y vào pháp để tiến tu, thì mới có thể chân chánh đạt thành mục đích của sự tiêu tai miễn nạn. Đây là nhân duyên gần của sự giảng giải bổn kinh. Ngài Thái Hư, lúc giảng quyển kinh này, nói có ba nhân duyên lớn:

(1) Loài người thời cận đại chú trọng đến sự an lạc hiện đời. 

Hiện nay mọi người đều xem trọng đời sống thực tế, mong muốn có một cuộc sống lý tưởng, an lạc. Phật pháp nói về “lạc” có ba loại: (a) Hiện pháp lạc (an lạc hiện đời), (b) Hậu thế lạc (an lạc đời sau), và (c) Cứu cánh giải thoát lạc (an lạc của sự giải thoát rốt ráo). Chúng sinh trên thế gian có đủ loại khổ não bức bách, cho nên mong muốn thoát ly đau khổ, đạt được an lạc. Thế nhưng, tất cả mọi sự mong cầu an lạc đều không ngoài ba loại an lạc hiện đời, an lạc đời sau và an lạc giải thoát rốt ráo. Đây là vì căn tính của chúng sinh khác biệt, sinh hoạt trong không gian và thời gian khác biệt, cho nên sự mong cầu cảnh giới an lạc cũng có sự khác biệt. Có những chúng sinh mong cầu sự an lạc đời sau, có những chúng sinh mong cầu sự an lạc giải thoát rốt ráo, thế nhưng loài người hiện nay thì lại đặc biệt xem trọng sự an lạc hiện đời. Đức Thích Tôn khai sáng Phật giáo, tinh thần căn bổn là dẫn dắt chúng sinh đạt được sự an lạc giải thoát rốt ráo, cho nên nói rằng Phật pháp là pháp xuất thế. Thế nhưng, sự mong cầu của chúng sinh không giống nhau, nếu chỉ giảng nói đến sự an lạc giải thoát rốt ráo thì không thể thích ứng rộng rãi đến tất cả chúng sinh có căn tính khác nhau, cho nên đức Phật Thích Ca đã khai sáng pháp môn Dược Sư (Tịnh độ Đông phương) và pháp môn A Di Đà (Tịnh độ Tây phương). Mọi người đều cho rằng đức Phật Dược Sư là “diên thọ” (tăng tuổi thọ), đức Phật A Di Đà là “độ vong” (tiếp dẫn người chết), nhưng thật ra, đây là nói theo người đời. Nếu căn cứ vào Chánh nghĩa của Phật pháp mà nói, pháp môn Tịnh độ của đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang ở phương Đông là thích ứng cho một loại chúng sinh mong cầu “hiện thế lạc” (an lạc hiện đời), còn pháp môn Tịnh độ của đức Phật A Di Đà ở phương Tây là thích ứng cho một loại chúng sinh mong cầu “hậu thế lạc” (an lạc đời sau). Thế nhưng, hai pháp môn này đều là phương tiện để dẫn dắt người tu tiến nhập Đại thừa, để đạt đến mục đích cuối cùng là sự an lạc giải thoát.

Xưa nay, bất luận là thế giới Tây phương Cực Lạc, hoặc thế giới Đông phương Tịnh Lưu Ly, chúng ta đều không biết đến, mà đều là nhờ đức Phật Thích Ca giảng nói cho nên chúng ta mới biết. Cho nên đây đều là phương tiện thiện xảo của đức Thế Tôn đại bi cứu thế. Vì muốn dẫn đạo những chúng sinh yêu cầu “hiện pháp lạc”, cho nên khai thị pháp môn Tịnh độ của đức Phật Dược Sư ở phương Đông, vì muốn dẫn đạo những chúng sinh yêu cầu “hậu thế lạc”, cho nên khai thị pháp môn Tịnh độ của đức Phật A Di Đà ở phương Tây. Hai pháp môn đều là diệu dụng của pháp môn cứu cánh viên mãn (nghĩa là thành Phật). Ngài Thái Hư đặc biệt đề xướng pháp môn Dược Sư này là vì hiện nay mọi người đều quá chú trọng đến pháp môn niệm Phật, cầu sau khi chết được vãng sinh Tây phương Cực Lạc, điều này đưa đến sự hiểu lầm của mọi hàng lớp trong xã hội hiện nay. Thật ra, Phật pháp là dựa trên sự giải thóat lạc của đức Thích Ca, khai phát thành hai Tịnh độ phương Đông và phương Tây để có thể đồng thời hoằng dương hiện sinh lạc và hậu thế lạc. Pháp môn chú trọng hiện thế lạc, trên thực tế, thích ứng với căn tính của nhân loại hiện nay, cho nên ngài Thái Hư mới đặc biệt tuyên dương, để thích ứng với loài người ở thời đại này, đồng thời phát huy đại dụng của Phật pháp.

(2) Tịnh độ Đông phương và Trung Quốc.

Đức Phật nói: “Từ đây qua phương Tây hơn mười vạn ức cõi Phật có thế giới tên là Cực Lạc”, đồng thời cũng nói: “Từ đây qua phương Đông hơn mười hằng hà sa cõi Phật có thế giới tên Tịnh Lưu Ly.” Đức Thế Tôn khai thị hai pháp môn lớn, đương nhiên là hai Tịnh độ Đông phương và Tây phương đều có ý nghĩa chân thực, thế nhưng, đức Thế Tôn xuất sinh ở Ấn Độ, nếu từ tiểu thế giới của chúng ta mà nhìn, thì điều này lại vô cùng thích hợp, và có nhiều ý nghĩa sâu xa phong phú. Như các giống người ở về phía Tây Ấn Độ, phần lớn có khuynh hướng tư tưởng giống như Tịnh độ A Di Đà, và các giống người ở về phía Đông Ấn Độ, phần lớn có khuynh hướng tư tưởng giống như Tịnh độ Dược Sư. Điều này nói rằng, từ Ấn Độ đi về phía Tây, tư tưởng tôn giáo của các giống dân ở vùng đó, bất luận là Hồi giáo hoặc Cơ Đốc giáo (Christianity), đều là tín ngưỡng Nhất thần, sau khi chết cầu sinh về cõi Trời, chú trọng đến tín ngưỡng và hậu thế lạc. Còn từ Ấn Độ đi về phía Đông, như Trung Quốc, thì không phải như vậy. Khổng Tử nói: “Chưa biết sinh, làm sao biết tử.” Tư tưởng văn hóa phương Đông đặc biệt chú trọng đến hiện sinh lạc, thực sự gần gũi với Tịnh độ của Phật Dược Sư. Cho nên quyển kinh này thích ứng nhất với tâm trạng của người Trung Quốc (Nd: văn hóa Đông phương nói chung).

(3) Y vào Tịnh độ Dược Sư để sáng lập “Nhân gian tịnh độ.”

Chúng ta đối với pháp môn Dược Sư, bình thường chỉ chú trọng đến việc “tiêu tai diên thọ”, mà không biết rằng đức Như Lai Dược Sư trong những đời quá khứ đã từng phát Bồ đề tâm, tu hành hạnh Đại bi, rồi sau đó mới thành tựu quả Phật Vô thượng, thành tựu thế giới Lưu Ly thanh tịnh quang minh. Đối với vấn đề này, trong Kinh Dược Sư nói rất tỉ mỉ, chúng ta tham gia pháp hội Dược Sư thì cần phải: một mặt, cầu nguyện ân đức của đức Như Lai Dược Sư gia bị, một mặt khác, noi theo nhân địa của Phật Dược Sư đã phát những Đại nguyện, tu hành những hạnh Đại bi, mà tinh tiến thực tiển tu tập để vun bồi việc “tự tịnh hóa tha” (thanh tịnh chính mình, cải hóa người khác), hoàn thành nhân gian tịnh độ. Vào năm 1933, ông Viện trưởng Đái Quý Đào (戴季陶) tổ chức pháp hội Dược Sư tại Hoa Sơn, đã lãnh đạo mọi người phát Mười hai Đại nguyện giống như đức Phật Dược Sư[1]. Nếu như có thể y theo Đại nguyện này mà tu hành, thì không những những tai nạn nhỏ nhặt của chúng ta được tiêu trừ, mà ngay cả toàn thể quốc  gia, xã hội, nhẫn đến toàn thể thế giới đều có thể chuyển thành Tịnh độ trang nghiêm. Bởi vì Tịnh độ Đông phương của đức Phật Dược Sư là y vào công đức của bổn nguyện mà thực hiện. Nếu chúng ta có thể thực hiện pháp môn này, thì cái thế giới ác trược đầy dẫy vô biên khổ nạn, cùng đất nước Trung Hoa Dân Quốc đang lâm nguy tai ách này, sẽ chẳng chuyển thành thế giới Tịnh Lưu Ly thanh tịnh hay sao? Cho nên chúng ta nghe giảng bộ kinh này thì cần phải hiểu rõ và thực hành đúng như lời dạy trong kinh, mà mong cầu sự thiết lập nhân gian tịnh độ.

 

II. Giải thích đề kinh.

Tựa đề của kinh này, căn cứ vào lời dạy của đức Phật có ba tên gọi: (1) Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức, (2) Mười Hai Thần Tướng Lợi Ích Hữu Tình Kết Nguyện Thần Chú, và (3) Diệt Trừ Tất Cả Nghiệp Chướng. Bản kinh đang lưu hành hiện nay dùng tên gọi thứ nhất làm tựa đề, bởi vì “diệt trừ tất cả nghiệp chướng” tức là lực lượng của công đức bổn nguyện của Như Lai Dược Sư, còn sự lợi ích hữu tình của mười hai thần tướng chỉ là pháp hộ trì công đức của Như Lai Dược Sư, khiến cho hữu tình đạt được sự lợi ích của công đức này. Cho nên dùng “bổn” (gốc) dung nhiếp “mạt” (ngọn), thiết lập đề kinh là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức.

(1) Dược Sư. 

Hiện nay nói đến “dược sư”, thường là chỉ cho những người bào chế thuốc, nhưng thời xưa thì không phải như vậy, hàm nghĩa của “dược sư” và “y sĩ” (thầy thuốc) giống nhau. Nhân vì đức Phật trị liệu tất cả mọi loại bệnh hoạn của tất cả chúng sinh, nên trong Phật pháp thường gọi Ngài là Vô Thượng Y Vương, hoặc Đại Dược Sư. Trong kinh nói: Đối với loài người, sinh lý có ba loại là già, bệnh, chết; tâm lý có ba loại là tham, sân, si. Đức Phật Đại Giác ra đời cứu tế chúng sinh, tức là muốn trừ diệt tất cả mọi loại bệnh hoạn thân tâm của chúng sinh, cho nên tán thán đức Phật là Đại Y Vương, Đại Dược Sư. Chúng ta không thể đem tên gọi “Dược Sư” với ý nghĩa cao quý này mà xem giống như ý nghĩa “người bào chế thuốc” thông thường.

Bệnh là gì? Dược là gì? Bệnh là hiện tượng sinh khởi bởi sự bất điều hòa (của thân tâm). Như kinh nói: “Một đại không điều hòa, sinh ra một trăm lẻ một chứng bệnh.” Thân thể của con người, một bộ phận nào không điều hòa thì sẽ phát sinh ra bệnh, và còn ảnh hưởng đến sự bất điều hòa của toàn thân thể. Tâm không điều hòa cũng giống như vậy. Tâm lý của chúng ta nếu có hiện tượng khác thường, hoặc có phiền não, thì sẽ khiến cho toàn bộ tinh thần cảm thấy bất an. Nói như vậy, bệnh hoạn của thế gian sẽ rất nhiều, từ thân tâm của mỗi chúng sinh mà khuếch đại đến quốc gia, xã hội, nhẫn đến toàn thể thế giới, không đâu là không có đủ thứ bệnh hoạn. Nếu như cha con, vợ chồng, anh em trong một gia đình không hòa thuận, thì gia đình này đang có bệnh, nếu như những phần tử trong một đoàn thể không hòa thuận, thì đoàn thể này đang có bệnh. Nói rộng ra, chánh trị không đi đúng quỹ đạo thì quốc gia có bệnh, nhân loại không hòa thuận với nhau thì thế giới có bệnh. Có bệnh tức là có khổ, cho nên có đủ loại tai nạn, đủ loại thống khổ, đưa đến những sự xung đột, bất hòa mà sản sinh đủ thứ loại bệnh. Nói về phương diện cá nhân, lúc bình thường, chúng ta có thể cho rằng mình không có bệnh, nhưng thật ra, y theo Phật pháp mà nói: “Đời người không có lúc nào không có bệnh”, chẳng qua là vi tế nên chúng ta không biết mà thôi. Đời người xưa nay không thể tách rời khỏi sự bệnh hoạn. Chúng ta đã sinh làm người, nhất định có thân có tâm, có tổ chức sinh lý “ngũ tạng lục phủ[2]”, v.v…, nhưng những nguyên nhân của tổ chức nay thường phát sinh mâu thuẫn, thường ở trong trạng thái bệnh hoạn. Chẳng qua, nếu có thể khiến cho chúng được điều hòa, hoặc đa số thành phần được điều hòa, thì thân thể được gọi là khỏe mạnh. Từ ý nghĩa này mà nhìn, tất cả mọi sự vật trên thế gian, có thống khổ, có tai nạn, tức là không có gì mà không phải bệnh.

Chúng ta có bệnh thì cần phải dùng thuốc để trị bệnh. Thuốc men của thế gian, cùng với chánh trị, pháp luật, đều có thể gọi là thuốc. Thế nhưng, trong Phật pháp, thuốc tức là Phật pháp – pháp dược. Chỉ có Phật pháp mới có thể trị liệu tất cả bệnh tật. Vừa rồi, chúng ta nói bệnh có đủ loại khác nhau: thân tâm, gia đình, đoàn thể, quốc gia, thế giới. Hễ là có thể giảm trừ sự khổ đau, khiến cho sự thống khổ biến thành an lạc, đều có thể gọi là “dược” (thuốc)! Nhân đây có thể nói rằng thế gian cái gì cũng là thuốc, chẳng qua chúng ta không biết mà thôi. Nếu như biết được thì sự vật gì cũng có thể trị bệnh. Thuở xưa có một người học nghề thuốc, lúc sắp sửa tốt nghiệp, vị thầy muốn khảo nghiệm xem học lực của người học trò như thế nào bèn bảo ông ta lên núi, hễ thấy thuốc thì hái đem về. Người học trò đi lên núi cả một ngày, rốt cuộc trở về tay không. Vì thầy hỏi ông ta tại sao lại trở về tay không? Người học trò trả lời là tất cả cây cỏ, đất đá trên núi, món nào cũng đều là thuốc. Thuốc quá nhiều, thành thử không biết hái thứ nào! Điều này muốn nói rằng, tất cả sự vật trên thế gian đều là thuốc, đều có thể trị bệnh, vấn đề là người sử dụng thuốc có hiểu rõ tính chất của thuốc hay không? Có biết tùy bệnh mà cho thuốc hay không? Phật pháp là “bất định pháp”, chúng sinh có đủ loại bệnh, đức Phật dùng đủ loại pháp dược để đối trị. Nhân vì Phật pháp là y vào bệnh của chúng sinh mà thi thiết, cho nên chúng sinh có tám vạn bốn ngàn phiền não, đức Phật bèn nói tám vạn bốn ngàn pháp môn. Có căn bệnh nào thì dùng loại thuốc đó dể trị liệu, nếu như cố chấp cho rằng đây là “thuốc”, kia không phải là “thuốc”, thì đây là đã xa lìa Phật pháp.

Đối với vấn đề “thuốc” và “bệnh”, như đã nói ở phần trên. Hiện nay bàn đến “dược sư”, tức là người có thể biết được căn bệnh, có thể sử dụng thuốc để trị bệnh. Phật pháp nói có hai loại “dược sư”, một là tiểu dược sư, hai là đại dược sư. Y thuật của tiểu dược sư không được cao minh, mà kho thuốc cũng chỉ có một vài món thuốc, chỉ có thể trị liệu một vài loại bệnh. Còn đại dược sư thì lại khác, trong kho thuốc của ông ta có đầy đủ các loại thuốc, hơn nữa, y thuật lại cao minh, có thể biết rõ bệnh tình, sử dụng thuốc men một cách tinh vi chính xác. Đây là ví dụ cho chư Phật Bồ tát, đầy đủ trí tuệ thâm sâu, nguyện lực vĩ đại, bi hạnh rộng lớn, có đủ loại pháp môn, đủ các loại “diệu dược”, chúng sinh có loại bệnh nào thì sẽ có loại thuốc đó để chữa trị. Đối với các loại bệnh hoạn đủ các triệu chứng kỳ dị quái gỡ đều có thể bào chế trăm ngàn các loại thuốc thích nghi, đều có thể vận dụng tự tại, không hề sai lầm, quyết chắc không phải các “tiểu dược sư” cố chấp một phương một pháp mà có thể so sánh được!

Dược sư trị bệnh có hai phương pháp là “tiêu trị” và “bổn trị.” Tiêu trị là đau đầu trị đầu, đau chân trị chân; bổn trị là cứu xét căn bệnh để tiêu trừ căn bệnh một cách triệt để. Lối điều trị căn bệnh tốt nhất là một mặt bồi dưỡng nguyên khí, một mặt đề phòng những nguyên nhân gây bệnh, cũng tức là điều trị khi căn bệnh chưa phát sinh, đây mới là phương pháp trị liệu thượng đẳng. Trên phương diện tâm lý, chẳng hạn như dạy bảo những tri kiến chính đáng, tin nhân quả, tin Tam bảo; đối với vấn đề khỏe mạnh sinh lý, chỉ dạy việc chú trọng vệ sinh, siêng năng vận động, sinh hoạt điều hòa chừng mực. Thân tâm nếu như dự phòng đúng mức, trên căn bổn sẽ không bị bệnh. Nếu như không chịu dự phòng, đợi đến khi có bệnh thì mới dùng thuốc trị liệu, thì đây chỉ là phương pháp trị liệu hạ đẳng. Sự trị liệu này tuy cần thiết, nhưng rốt cuộc cũng không bằng lối trị liệu (dự phòng) trước. Tục ngữ có nói: “Trị liệu bằng mổ xẻ tuy tốt, nhưng không mổ xẻ thì càng tốt hơn.” Nói đến phương pháp “bổn trị” (trị gốc), tức là bồi dưỡng sự khỏe mạnh của thân tâm, khiến cho lúc bình thường, thân thể được phát triển quân bình, tiêu trừ nguyên nhân của bệnh tật. Trị căn bệnh cho gia đình, trị căn bệnh cho quốc gia cũng giống như vậy. Nếu như để cho bệnh phát sinh rồi mới đi tìm cách trị liệu, thì đã trễ một bước. Các dược sư “thượng đẳng” có thể tiêu trị, bổn trị, vấn đề là tại bổn thân của người bệnh. Nếu như thầy thuốc bảo họ chú trọng vệ sinh, đề phòng nguyên nhân của sự bệnh hoạn, họ lại không chịu nghe lời, kết quả là bị ngã bệnh.

Đức Phật trị bệnh cho chúng sinh cũng có hai phương pháp: tiêu trị và bổn trị. Sau khi quy y Tam bảo, có thể y vào giáo pháp mà tuần tự tu tập, từ trong nguyện hạnh dần dần thể nghiệm. Các loại phiền não, các loại thống khổ tự nhiên sẽ dần dần giảm thiểu cho đến lúc hoàn toàn tiêu diệt, để đạt đến sự thực hiện lý tưởng tối cao. Thế nhưng, người bình thường không thể làm như vậy, không biết tuần tự tiến tu, không biết bảo trì, khuếch sung những điều thiện, không biết giảm trừ những điều xấu, mà lại để cho chúng ngày càng tăng trưởng. Không biết tự điều phục thân tâm, không biết cách xử lý việc gia đình, không biết khéo trị lý quốc gia, làm cho phát sinh vấn đề, vô biên thống khổ! Phật pháp vì muốn cứu trị mọi loại bệnh khổ thân tâm của chúng sinh nên mới có pháp môn “tiêu trị” tiêu tai miễn nạn. (Đối với) người bệnh, họ không tránh khỏi bị quở trách là “lúc bình thường không đốt nhang (tưởng nghĩ đến Phật), đợi đến lúc cần kíp thì mới ôm chân Phật (cầu khẩn).” Thế nhưng, nếu người bệnh thành khẩn hối lỗi, khẩn thiết cầu Tam bảo gia bị, thì cũng không bị mất cơ hội được “tiêu tai tăng phước.” Chỉ sợ họ không biết mình có bệnh, không tìm cầu sự trị liệu thì mới bị chết mà thôi. Cho nên, nếu như có thể thiết thực y giáo phụng hành, khổ nạn không tiêu trừ cũng sẽ tự nhiên được tiêu trừ, phước tuệ không tăng trưởng cũng sẽ tự nhiên được tăng trưởng. Nếu mọi người muốn cầu “miễn nạn diên thọ, tiêu tai chướng”, thì cần phải phụng hành cả hai pháp “tiêu trị” và “bổn trị.”

Y vào phương tiện trị bệnh của đức Phật, còn có thể phân làm hai loại là: (a) chánh trị và (b) kỳ trị. Chánh trị là lối trị liệu thông thường, còn kỳ trị là lối trị liệu đặc biệt. Chất độc là một loại làm tổn hại con người, thế nhưng, đối với một danh y, ngay cả tỳ sương (một loại chất độc cực mạnh) cũng có thể dùng làm thuốc, đây là một loại “kỳ trị.” Thế nhưng, kỳ trị không phải dễ dàng, thường hay phát sinh nguy hiểm, còn lối trị liệu thông thường (chánh trị) thì tương đối thỏa đáng, an toàn, không đến nổi phát sinh dị chứng. Phương pháp trị liệu của đức Phật cũng có “chánh thường đạo” và “biện pháp đặc thù.” Như đức Phật nói “vô ngã”, là pháp “chánh trị” căn bổn, thế nhưng, có những chúng sinh không hiểu rõ, sinh tâm sợ hãi, hoặc là hiểu sai ý của Phật, bèn mạt sát nhân quả, theo ác chống thiện, đức Phật nhân đây, không thể không nói “hữu ngã” để chỉnh đốn sự lầm lạc của họ. Trong việc từ bi tế độ chúng sinh, có rất nhiều loại phương tiện “chánh dụng”, “phản dụng” như vậy. Nói chung, toàn là quán sát chúng sinh mắc loại bệnh nào thì dùng loại thuốc đó để trị liệu. Đường chánh (chánh trị – trị liệu theo lối thông thường) tuy xa nhưng bằng phẳng dễ đi, còn đường tắt (kỳ trị – trị liệu đặc biệt) tuy gần nhưng lại gập ghềnh nguy hiểm. Đối với điều này, người tu học Phật pháp không thể không hiểu rõ trước hết.

“Dược sư”, vốn là tên gọi chung cho tất cả chư Phật, bởi vì chư Phật đều có thể khéo trị liệu tất cả các căn bệnh của chúng sinh. Chư Phật xem xét các loại bệnh tình của chúng sinh, có thể thi thiết vận dụng các loại pháp dược – tám vạn bốn ngàn pháp môn tức là tám vạn bốn ngàn pháp dược. Nếu như phân biệt khái quát, thì có pháp dược cho trời người, pháp được cho Thanh văn, cùng pháp dược cho Bồ tát, v.v… Ước định ý nghĩa này, tất cả chư Phật đều là “Vô thượng y vương”, đều là “Đại dược sư”, chẳng qua, đức Như Lai của Tịnh độ Đông phương, đặc biệt xem trọng vấn đề “tiêu tai miễn nạn”, đặc biệt xem trọng vấn đề chữa trị “thân bệnh” cho chúng sinh, cho nên đặc biệt gọi tên ngài là Dược Sư. Chỉ có đức Phật là vị Dược sư cứu cánh vô thượng, nhưng các đệ tử của Phật, y vào Phật pháp tu học, hoặc giảng thuyết để lợi lạc, hóa độ hữu tình, ít nhiều cũng đã học tập “pháp dược” của đức Phật, ít nhiều cũng có thể trị liệu bịnh khổ của chúng sinh, cho nên cũng có thể gọi là “Dược sư.”

(2) Lưu Ly Quang.

Lưu Ly Quang cũng là một tên gọi của đức Phật phương Đông. Trong đây nói đến “lưu ly”, không phải là loại lưu ly của “đèn lưu ly”, “ngói lưu ly”, v.v…, mà là lược dịch tiếng Phạn “bích lưu ly”, là một loại báu vật, màu sắc giống như bầu trời màu xanh lơ hoàn toàn không một áng mây. Lại giống như màu nước biển trong vắt hoàn toàn không vẫn đục. Thể chất cứng rắn, giống như đá kim cương, là một loại trân bảo rất hiếm có. Đây là dùng sự rực rỡ sáng sạch để ví dụ cho Phật đức, cho nên Phật Dược Sư ở phương Đông, cũng được gọi là Lưu Ly Quang.

“Lưu ly bảo”, hoặc được dịch là “viễn sơn bảo” (báu ở núi xa). Y theo Phật giáo mà nói, thế giới này của chúng ta, ở chính giữa là núi Tu Di, chung quanh núi là bốn bộ châu. Bốn sườn của núi Tu Di là do các chất báu làm thành. Sườn núi đối diện với Nam Thiệm Bộ Châu là do chất lưu ly bảo tạo thành. Ánh sáng của sườn núi phản chiếu lên không trung nên bầu trời trở thành màu xanh lơ, cho nên “lưu ly” dịch nghĩa là “viễn sơn bảo.” Hiện nay các nhà khoa học đối với lý do tại sao bầu trời có màu xanh lơ, dĩ nhiên là có sự giải thích của riêng họ. Nhưng Phật giáo xuất phát từ Ấn Độ cho nên sử dụng kiến thức của người Ấn Độ vào thời bấy giờ, giải thích là do ánh sáng của lưu ly bảo chiếu lên không trung mà phản ánh thành màu xanh.

Chư Phật và Bồ tát đều y vào đức hạnh mà thiết lập danh hiệu. Thế nhưng Phật đức cao vời, không có ngôn từ nào có thể diễn tả đầy đủ, cho nên chỉ có thể từ một đặc tính của Phật đức (tự lợi lợi tha), hoặc dùng ví dụ để miễn cưỡng diễn tả. Chẳng hạn như Tu Di Sơn Vương Phật, là dùng sơn vương (núi vua) nguy nga cao vút để so sánh với sự vĩ đại cao vời của Phật đức; hoặc như Chiên Đàn Hương Phật, là nhân vì mùi hương (tiếng tốt) của Phật đức truyền xa (mọi người đều nghe biết), cho nên dùng (ví dụ) Chiên Đàn Hương để lập danh; lại như Lôi Âm Vương Phật, là hình dung pháp âm của Phật chấn động khắp nơi, giống như tiếng sấm trên không trung chấn động lòng người. Danh hiệu của Phật, hoặc dùng đức tính, hoặc dùng ví dụ để an lập. Ở đây, Lưu Ly Quang cũng là dùng sự so sánh để tán thán đức tính của Phật. Hàm nghĩa của Lưu Ly Quang, hiện nay nói lược hai điểm:

(a) Y vào tâm cảnh chúng sinh mà nói: 

Bổn kinh lấy Tịnh độ phương Đông là thế giới Tịnh Lưu Ly, đức Phật tên là Lưu Ly Quang Như Lai, phụ giúp đức Phật tuyên dương chánh pháp là hai vị Bồ tát Nhật Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu. Phần trên đã nói qua, Lưu ly bảo tức là viễn sơn bảo, Lưu ly quang là do ánh sáng của viễn sơn bảo ánh hiện lên không trung, hơn nữa, hai vị Bồ tát này dùng tên để ví dụ cho đức tính, đương nhiên giống như Nhật, Nguyệt du hành trên bầu trời, chiếu sáng tất cả. Chúng sinh – nhân loại, trong quá trình sinh tử luân hồi, đều có khuynh hướng và mong mỏi hướng thượng, hướng quang minh. Đức Phật tùy thuận thích ứng với tâm cảnh của chúng sinh, cho nên cũng dùng bầu trời trong sáng và mặt trời mặt trăng (Nhật Nguyệt) để tượng trưng đức tính của Như Lai. Sự hướng thượng, hướng quang minh là niềm hy vọng căn bổn chung của toàn thể nhân loại. Các tôn giáo đa thần sùng bái Mặt trời, Mặt trăng; Thượng đế của đạo Ky Tô, tuy nói là vô hình vô ảnh, nhưng thấy Thượng đế cũng vẫn là ánh sáng rực rỡ. Lại như tôn giáo Ấn Độ sùng bái chư Thiên, ý nghĩa của Thiên (tiếng Phạn là Deva) cũng là quang minh. Cho nên sự ngưỡng vọng của nhân loại đối với ánh sáng mặt trời mặt trăng, hoặc bầu trời trong sáng, cũng chỉ là biểu hiện sự mong cầu quang minh và thanh tịnh của nội tâm. Bổn tính của nhân loại là hướng về quang minh, chẳng qua, như những người tri thức ấu trĩ (bán khai), tin vào các thần (Mặt trời, Mặt trăng), tin vào quỷ, mà không thể tự giác ý nghĩa chân thực của sự ngưỡng vọng quang minh – là quy hướng về đức Phật, dẫn phát sự thực hiện sự minh tịnh của Phật tánh. Cho nên pháp môn Dược Sư là dùng quang minh của bầu trời xanh và mặt trời mặt trăng để biểu trưng công đức của chư Phật Bồ tát, hiển thị cảnh giới lý tưởng tối cao của nhân loại.

Quang minh trên thế gian không gì hơn là Nhật quang và Nguyệt quang. Hai loại quang minh này đều là thanh tịnh, tượng trưng cho hy vọng và hạnh phúc, thế nhưng ít nhiều có sự khác biệt. Nhật quang thì ấm áp, có nhiều sức nóng. Tất cả mọi vật, dưới ánh sáng mặt trời, đều có thể phát triển một cách rõ rệt. Đây ví dụ cho ánh sáng trí tuệ, có thể cung cấp sức nóng (nhiệt lực) cho thế gian, có thể phá thủng sự ngu muội, chiếu soi tất cả, thông đạt chân tướng của pháp thế gian và pháp xuất thế gian. Còn nguyệt quang thì mát mẽ, an ninh, tĩnh lặng, ánh trăng trong đêm tối, phát ra ánh sáng mát mẽ, dẫn đạo nhân sinh đi trên con đường chân chánh, tránh khỏi sự nguy hiểm, có đầy đủ ý nghĩa “đại từ đại bi tế độ.” Nhật quang đem đến cho loài người nhiệt lực, ánh sáng, hạnh phúc và hy vọng, nguyệt quang đem đến cho loài người cảnh giới mát mẽ, an ninh, và tĩnh lặng. Ánh sáng và sức nóng có thể kích phát chúng ta phấn chấn hướng thượng, nhưng mát mẽ và tĩnh lặng có thể đào luyện “tính linh” của chúng ta, đạt đến tự tại và an định. Cả hai đều là đối tượng cần thiết cua nhân sinh.

Trong thế giới hiện nay, mọi người đều có ý nguyện hướng về quang minh, nhân sinh cần phải có quang minh của nhân sinh, xã hội cần phải có quang minh của xã hội. Trung Quốc thời xưa có bốn chữ “Quang thiên hóa nhật”, là hình dung một xã hội quang minh. Hiện nay, Trung Hoa Dân Quốc dùng dấu hiệu “Bầu trời xanh, mặt trời trắng, đất màu hồng”, là tượng trưng quốc gia dân tộc (Trung Hoa) sẽ được sinh sống trong quang minh hạnh phúc, dưới sự tự do bình đẳng của “bầu trời xanh, mặt trời trắng” (Hán: thanh thiên bạch nhật). Vào đời Đường, hoàng đế Võ Tắc Thiên, có hoài vọng là đem tư tưởng Phật giáo vào chánh trị, bà ấy muốn chánh trị vận hành theo chánh pháp, để mọi người có được một cuộc sống hạnh phúc an lạc, cho nên đặc biệt tạo ra chữ (曌) làm danh hiệu riêng cho mình, chữ (曌) đọc là chiếu, có ý nghĩa là “nhật nguyệt lâm không” (mặt trời mặt trăng trên không).

Do đây, có thể thấy được sự khát khao của bà ấy đối với một viễn cảnh quang minh hạnh phúc.

Phần trên chỉ là khuynh hướng quang minh của những người bình thường, thế nhưng, chỉ có Phật pháp mới có thể chân thật dẫn đạo chúng ta đạt đến mục tiêu rốt ráo, khiến cho chúng ta đạt đến quang minh rốt ráo của đời người (nhân sinh). Cho nên, chỉ khi nào mọi người đều cùng nhau bước đi trên con đường lớn (Hán: đại đạo) của Phật pháp, thì mới có thể hoàn thành sự viên mãn cứu cánh của đời người, mới có thể khiến cho chúng ta đạt đến cảnh giới quang minh vĩnh cửu, quang minh vô hạn.

(b) Ước định cảnh giới chứng đắc của đức Phật mà nói.

Cảnh giới chứng đắc của đức Phật, vốn không thể dùng tâm để suy ngẫm, dùng miệng để luận bàn (Hán: tâm tư khẩu nghị), bình đẳng bình đẳng, không có sự sai biệt, xa lìa tất cả cảnh tướng. Ước định từ “sự xa lìa vô minh che chướng để đạt đến sự chứng ngộ của Phật” mà nói, gọi cảnh giới tự chứng của đức Phật là pháp giới thanh tịnh tối cao, giống như hư không thanh tịnh, gọi là “tất cánh không”, hoặc gọi là “không tánh”, đều là từ sự hiện chứng “chân tánh” mà nói. Lưu Ly Quang tức là cảnh giới tự chứng của đức Phật. “Như như trí” khế hợp “như như lý”, trong “nhất pháp giới” bình đẳng, hiển phát vô biên quang minh (công đức thanh tịnh), rực rỡ trong sạch, bình đẳng vô sai biệt (không phải là một tổ hợp hỗn độn tạp nhạp), cho nên dùng Lưu Ly Quang ví dụ cảnh giới tự chứng của chư Phật. Cảnh giới viên mãn của Phật quả, thực tại bất khả tư nghì, bất khả ngôn thuyết, cho nên trong Kinh thường dùng “nhân đức” của Bồ tát để diễn tả “quả đức” của Như Lai. Như đức Phật Tỳ Lô Giá Na (có nghĩa là Quang Minh Biến Chiếu), dùng hai vị Đại sĩ Văn Thù và Phổ Hiền để biểu trưng Đại trí và Đại hạnh của đức Phật. Hoặc dùng bốn vị Đại bồ tát để biểu trưng: bi (Quán Âm), trí (Văn Thù), hạnh (Phổ Hiền), nguyện (Địa Tạng). Bổn kinh dùng hai vị Bồ tát Nhật Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu để biểu trưng Đại trí tuệ (Nhật Quang) và Đại từ bi (Nguyệt Quang) của đức Phật Dược Sư, giống như ánh sáng mặt trời mặt trăng chiếu khắp thế gian, cứu độ tất cả. Vô lượng vô biên công đức của đức Như Lai Dược Sư được biểu hiện một cách đầy đủ bởi đức tính của hai vị Bồ tát này. Nhân đây, đức Phật Dược Sư còn có tên là Lưu Ly Quang, cõi nước của ngài là thế giới Tịnh Lưu Ly, Bồ tát (thị giả) là Nhật Nguyệt Quang Biến Chiếu là đầy đủ ý nghĩa thâm sâu này.

Thế giới Tịnh Lưu Ly ở phương Đông biểu thị đức Phật hiện chứng pháp giới thanh tịnh, Lưu Ly Quang biểu thị đức tính của Vô thượng Bồ đề khế chứng pháp giới. Lại nữa, Lưu Ly Quang (bầu trời xanh) là bổn thể, Nhật Nguyệt vận hành trên bầu trời xanh, phóng ra ánh sáng, có thể nói là từ Lưu Ly Quang phát khởi diệu dụng. Người Trung Quốc xưa nay xem trọng mặt trời, ít biết thưởng thức mặt trăng, cho nên xem trọng sự ấm áp, nhiệt lực, quang minh, hy vọng, nên nói “Quang thiên hóa nhật”, v.v… Thế nhưng, người Ấn Độ lại đặc biệt có nhiều hứng thú đối với mặt trăng. Ấn Độ (India) có thể giải thích là “mặt trăng”; tư tưởng văn hóa Ấn Độ (trong đó có Phật giáo), đều đặc biệt xem trọng đức tính của sự an ninh, tĩnh lặng, mát mẽ. Những năm gần đây, cục diện thế giới càng lúc càng khẩn trương, trào lưu văn hóa càng lúc càng sôi động, đức tính an ninh, tĩnh lặng, mát mẽ của nhân sinh càng lúc càng suy thoái. Xưa nay, động và tĩnh, nhiệt liệt và an tĩnh, ánh sáng rực rỡ và ánh sáng le lói, ấm áp và mát mẽ, cần phải điều hòa và quân bình với nhau. Những điều này đối với sự phát triển của nhân sinh, đối với sự an định của thế giới đều là vô cùng cần thiết. Chúng ta học Phật, từ phàm phu đạt đến bậc thánh – cảnh giới của Phật, cần phải phát huy đức tính của cả hai mặt này. Để đối trị sự kiêu cuồng, hỗn loạn của loài người, thì cần phải xem trọng sự mát mẽ và tĩnh lặng. Đức Như Lai Lưu Ly Quang đã biểu hiện đầy đủ cả hai phương diện này, cho nên ngài là một đấng cứu tế trị liệu tất cả khổ nạn bệnh hoạn của thế gian.

(3) Như Lai.

Dược Sư Lưu Ly Quang là tên riêng của một vị Phật, còn Như Lai là tên gọi chung của chư Phật. Phàm là chứng đắc Phật quả Vô thượng, đều có thể gọi chung là Như Lai. Tiếng Phạn Tathāgata có ba nghĩa: Như Lai, Như Giải và Như Thuyết.

– Như Lai: Như, có nghĩa là như vậy, không có sự sai khác. Bồ tát khi đạt đến công hạnh viên mãn, dùng trí tuệ tối cao, thể chứng chân lý cứu cánh, chân lý này tức là “như.” Chư Phật là từ sự khế hợp với chân như bình đẳng bất nhị này mà đến, cho nên gọi là Như Lai.

– Như Giải: Đức Phật có trí tuệ vô thượng, đối với tất cả pháp tướng thế gian xuất thế gian, không pháp nào mà không thông đạt chính xác, tuyệt nhiên không có sự điên đảo sai lầm, vì hiểu rõ thực tướng của các pháp cho nên gọi là Như Giải.

– Như Thuyết: Đức Phật không những thấy hiểu chính xác, mà khi thuyết pháp, ngài cũng giảng nói như thực, cần phải nói thế nào thì ngài nói như thế ấy, “có”, như thực nói có, “không”, như thực nói không, nói đúng với những gì đáng nói, cho nên trong kinh xưng tán đức Phật là bậc “nói thực”, “nói đúng”, “không nói dối”, “không nói khác.”

Như Lai, Như Giải, Như Thuyết đều là công đức của đức Phật, nhưng người phiên dịch vì không thể dịch ba nghĩa cùng một lúc nên phải dịch chung là Như Lai.

(4) Bổn Nguyện Công Đức.

Nguyện là “lòng mong cầu” (Hán: nguyện dục), “bổn nguyện”, tức là những đại nguyện mà Bồ tát tuyên thệ khi phát Bồ đề tâm. Tu học Phật pháp, trước tiên cần phải phát nguyện. Có thể nói phát nguyện là căn bổn cho sự tu hành thành Phật. Bồ tát lúc tu nhân, phát nguyện có thông (nguyện) và biệt (nguyện). Như nguyện thành Phật đạo, nguyện độ chúng sinh, và Tứ hoằng thệ nguyện (Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ, v.v…), gọi là thông nguyện. Còn như đức Phật A Di Đà phát Bốn mươi tám nguyện, đức Phật Dược Sư phát Mười hai đại nguyện, đây là biệt nguyện. Mọi người chớ nên hiểu lầm, cho rằng phát nhiều nguyện thì công đức lớn, phát ít nguyện thì công đức nhỏ. Nên biết, nguyện lực của chư Phật là bình đẳng bình đẳng. Nguyện là động lực khiến cho phàm phu tiến hướng đến Phật quả, nếu không có nguyện thì sẽ không thành tựu được gì cả. Không chỉ tu học pháp môn Đại thừa, mà ngay cả tu học pháp môn Tiểu thừa, nếu không có nguyện cũng không thể thành tựu. Cho nên tu học Bồ tát, trước tiên cần phải lập định chí nguyện, sau đó từ nguyện khởi hạnh, y vào hạnh mà chứng đắc. Phật A Di Đà và Phật Dược Sư lúc còn là Bồ tát tu nhân, đã phát thệ nguyện rộng lớn, đến lúc tu hành đạt được mục đích, thì nguyện cũng được thành tựu viên mãn. Tựa đề của kinh chỉ nêu “Bổn Nguyện Công Đức”, nhưng trong kinh lại nói đến hạnh nguyện rộng lớn, đủ thấy “hạnh” là tâm yếu của việc thực tiển chí nguyện. Chúng ta mỗi ngày phát nguyện, thế nhưng, phần lớn đều chỉ phát nguyện mà không chịu thực hành, cho nên không thể thực hiện mục đích học

Phật là tự lợi và lợi tha.

Công đức, không phải chỉ là làm những “công quả” ở trong chùa chiền. “Công”, là công lực, như thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, lạy Phật, ngồi thiền, v.v…, tất cả đều cần phải một phen nỗ lực. “Đức”, là đắc (được), tu hành mà đạt được thành tích, làm một phần được một phần, thì gọi là công đức. Y vào bổn nguyện mà thực tiển, thì công đức được thành tựu, gọi là “bổn nguyện công đức.”

(5) Kinh.

Kinh, tiếng Phạn là tu đa la (sutra), vốn có nghĩa là sợi dây dùng để “giữ gìn không cho rời rạc.” Lúc đức Phật còn tại thế, ngài tùy cơ thuyết pháp, kinh điển lưu hành hiện nay là, (sau khi đức Phật diệt độ), do đệ tử của đức Phật tập thành. Các loại pháp môn được quán xuyến lại với nhau một cách có tổ chức, giống như các đóa hoa rời rạc được xâu lại với nhau thành vòng hoa thì sẽ không bị lạc mất. Kinh cũng giống như vậy, khi đức Phật còn tại thế, ngài tùy địa phương mà thuyết pháp, nếu không biên tập lại thì khó mà bảo tồn được lâu dài. Pháp mà đức Phật giảng thuyết là chân lý và đức hạnh cứu cánh, có thể cung cấp cho chúng ta sự học tập lâu dài, sự theo đuổi lâu dài, cho nên kinh cũng bao hàm ý nghĩa “pháp tắc thường hằng.” Đức Phật giảng nói gọi là kinh, còn đệ tử Phật luận thuật (những lời Phật dạy) thì không gọi là kinh, mà gọi là luận. Đây là biểu thị sự tôn kính đức Phật. Như Trung Quốc thời cổ, những sách vở có giá trị như Thư, Thi, Dịch cũng được gọi là kinh.

Phần trên, đối với tựa đề của kinh phân ra để giải thích, hiện nay đem tựa đề tổng hợp trở lại. “Kinh”, là tên gọi chung của tất cả kinh điển Phật giáo, là “giáo”, là “pháp năng thuyên”. “Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức”, là “lý hành quả”, là “pháp sở thuyên.” Trong sở thuyên, “Bổn Nguyện Công Đức” là ước định hạnh nguyện của nhân địa mà nói, “Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai” là ước định quả đức mà nói. Trong phần quả đức, Như Lai là tên gọi chung của tất cả Phật, Dược Sư Lưu Ly Quang là tên gọi riêng của đức Phật giáo chủ của cõi Tịnh độ Đông phương. Trong phần tên gọi riêng, Dược Sư ví dụ cho Đại từ bi, Lưu Ly Quang nêu lên Đại trí tuệ của đức Phật. Trong tựa đề của kinh có đủ: nhân, quả, bi, trí. Phần kinh văn phía dưới tức là sự khai thị đầy đủ của bi, trí, nhân, quả, v.v…

 

III. Phiên dịch.

Phật pháp tuy được giảng nói ở những khu vực khác nhau, vì những chúng sinh khác nhau, thế nhưng, đức Thế Tôn xuất hiện ở Ấn Độ, tất cả kinh điển Phật giáo đều dùng văn tự Ấn Độ để ghi chép. Dùng văn tự Ấn Độ biên thành kinh điển, cần phải phiên dịch thành Trung văn thì chúng ta mới có thể hiểu được. Cho nên tham gia vào công tác phiên dịch là một sự kiện vô cùng quan trọng. Trong quá khứ có nhiều vị đại đức đã nỗ lực hiến thân cho sự nghiệp phiên dịch, như người dịch bản kinh này là ngài Tam tạng Huyền Trang, trong lịch sự phiên dịch kinh điển đã có một kỳ công rạng rỡ.

Kinh này truyền đến Trung Quốc, tổng cộng có năm bản dịch. (1) Bản dịch thứ nhất là vào đời Đông Tấn, do ngài Bạch Thi Lê Mật Đa La phiên dịch, kinh tên là Phật Thuyết Quán Đảnh Bạt Trừ Quá Tội Sinh Tử Đắc Độ Kinh. Đây không phải là một bản kinh lưu hành riêng rẽ, mà phụ thuộc trong Phật Thuyết Quán Đảnh Đại Thần Chú Kinh. Quán Đảnh Kinh thuộc về pháp điển của Mật bộ, có mười hai quyển, kinh này là quyển cuối. Thi Lê Mật Đa La, dịch là Cát Tường Hữu (người bạn tốt lành), Bạch là họ của nhà vua xứ Quy Tư, cho nên gọi ngài là Tam tạng Bạch Thi Lê Mật Đa La, có thể ngài là người xứ Quy Tư. (2) Bản dịch thứ hai là do pháp sư Tuệ Giản dịch vào đời Lưu Tống, kinh tên là Dược Sư Lưu Ly Quang Kinh, hiện nay đã bị thất lạc. Căn cứ vào truyền thuyết từ các bậc cổ đức thì văn nghĩa của bản dịch này chưa được hoàn thiện. (3) Bản dịch thứ ba là vào thời Tùy Dương Đế, do ngài Đạt Ma Cấp Đa dịch, kinh tên là Phật Thuyết Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Kinh. Bản kinh này vẫn tồn tại. Đạt Ma Cấp Đa, dịch là Pháp Tạng hoặc Pháp Hộ. Ngài cũng đã từng dịch Nhiếp Đại Thừa Luận của ngài Vô Trước, Kinh Cương Kinh Luận, v.v… Có thể nói ngài là một nhà Duy thức học. Thế nhưng không phải chỉ một mình ngài dịch mà còn có sự trợ giúp của nhiều người khác, cho nên đề kinh nói do ngài Đạt Ma Cấp Đa, v.v… dịch. (4) Bản dịch thứ tư, tức là bản dịch đang được giảng giải hiện nay, do ngài Tam tạng Huyền Trang dịch vào đời Đường. (5) Bản dịch thứ năm là vào thời Võ Tắc Thiên, do ngài Pháp sư Nghĩa Tịnh dịch sau ngài Huyền Trang khoảng hai ba mươi năm. Pháp sư Nghĩa Tịnh khởi hành từ Quảng Châu, theo đường thủy qua các xứ Việt Nam, Tích Lan, v.v…, cũng trải qua nhiều gian khổ mới đến Ấn Độ tìm cầu học hỏi với các học giả nổi danh ở khắp nơi. Sau khi trở về nước, ngài phiên dịch bộ kinh này, tên là Phật Thuyết Dược Sư Lưu Ly Quang Thất Phật Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh, gồm có hai quyển, nội dung rộng hơn so với bốn bản dịch trước.

Hiện nay quyển kinh đang được giảng giải này là do ngài Huyền Trang dịch. Nói đến ngài Huyền Trang thì hầu như ai cũng biết. Chẳng qua, phần lớn những câu chuyện bình dân về ngài Huyền Trang đều xuất phát từ Tây Du Ký, một mẫu truyện ly kỳ quái đản, nhưng không phù hợp với sự thật. Hiện nay chúng ta nếu muốn biết lịch sử chính xác đáng tin cậy, có thể tìm đọc Từ Ân Truyện trong Đại tạng kinh. Ngài Huyền Trang là người tỉnh Hà Nam. Sau khi xuất gia đi tìm học với nhiều vị cổ đức nổi danh, nghiên cứu kinh luận, phát hiện kinh điển truyền dịch sang Trung Quốc có nhiều điểm rất khác biệt, nghĩa lý cũng có nhiều chỗ đáng nghi ngờ, do đây ngài quyết định đi qua Ấn Độ. Ngài lưu học tại Ấn Độ mười bảy năm, đi qua một trăm mười quốc gia, học hỏi tất cả kinh điển Đại thừa, Tiể thừa. Đến đời Đường Thái Tông, năm Trinh Quán thứ 19, thì mới mang kinh điển trở về. Lúc đó, trên từ nhà vua, dưới đến nhân dân, không ai mà không nhiệt liệt nghinh đón ngài, cung kính lễ bái. Sau khi về nước, ngài bỏ hết công lao vào sự phiên dịch, và đã phiên dịch được một số lượng lớn kinh điển. Đây là một sự kiện vĩnh viễn được ghi khắc trong lịch sử phiên dịch kinh điển của Trung Quốc.

Truyện Tây Du Ký nói Đường Tăng (Huyền Trang) đi Tây Thiên thỉnh kinh, trải qua (9×9=) 81 ách nạn, nếm tận mùi gian khổ của thế gian. Tuy sự thật không phải như vậy, nhưng trong cuộc hành trình, xuyên qua sa mạc, vượt đèo lội suối, thật sự cũng đã nếm không biết bao nhiêu gian khổ. Các bậc cổ đức, giống như trường hợp ngài Huyền Trang, vì sao sẳn sàng nhận chịu bao nhiêu gian khổ như vậy để đi đến Ấn Độ thỉnh kinh? Đây là vì họ biết rằng Phật pháp có thể cứu tế chúng sinh, khiến cho chúng sinh lìa khổ được vui, do đó, họ không quản sự hiểm nạn, phó mặc sự sống chết, do tâm đại bi sai khiến, hy vọng thành tựu chúng sinh, dù có phải hy sinh thân mạng cũng không màng. Cổ Thi có câu: “Người đi hàng trăm, về chưa được mười”, có thể thấy được sự nguy hiểm của việc đi thỉnh kinh! Cho nên những kinh điển được phiên dịch, hoàn toàn là do các bậc cổ đức dùng thân mạng của chính họ để đổi lấy. Chúng ta hiện nay có thể đọc được các kinh điển này, cần phải “uống nước nhớ nguồn”, cảm niệm ân đức của người xưa.

Đường, là triều đại nhà Đường, quốc vương họ Lý. Tam tạng là ba tạng: kinh, luật, luận. Pháp sư Huyền Trang tinh thông cả ba tạng giáo điển, cho nên được tôn xưng là Tam tạng pháp sư. Kinh này phụng theo ý chỉ của hoàng đế mà được dịch ra, cho nên còn gọi là “phụng chiếu dịch.”

Hiện nay phân biện sơ lược sự đồng dị (giống và khác) của năm bản dịch. Bốn bản dịch đầu của quyển kinh này phần lớn giống nhau, chỉ có bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh là hơi khác. Bốn bản dịch đầu chỉ nói Tịnh độ của Phật Dược Sư, còn bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh có bảy cõi tịnh độ của bảy vị Phật. Như nói: “Phương đông cách đây hơn bốn căng già sa số cõi Phật, có thế giới tên là Vô Thắng, đức Phật hiệu là Thiện Danh Xưng Cát Tường Vương Như Lai…”, cho đến “Phương đông cách đây hơn chín căng già sa số cõi Phật, có thế giới tên là Thiện Trụ Bảo Hải, đức Phật hiệu là Pháp Hải Thắng Tuệ Du Hý Thần Thông Như Lai….” Sáu đoạn kinh này đều khác với bốn bản dịch đầu. Phần nói về Tịnh độ của đức Như Lai Dược Sư, tuy cũng tương tự như bốn bản dịch đầu, nhưng có vài điểm khác biệt là: (1) Bốn bản dịch đầu, sau khi đức Phật nói thần chú, chỉ nói đại chúng nghe danh hiệu của Phật Dược Sư được lợi ích, còn trong bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh lại nói nghe danh hiệu của bảy đức Phật được lợi ích. (2) Trong bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh có những đoạn văn như: “Dược xoa thần tướng nghe danh hiệu của bảy vị Phật bèn phát nguyện hộ pháp”, “bảy vị Phật đáp ứng lời triệ thỉnh bèn đến chứng minh”, v.v…, mà trong các bản dịch khác không có. (3) Bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh tăng thêm phần bảy vị Phật nói chú tên là Định Lực Lưu Ly Quang. (4) Bản dịch của ngài Huyền Trang không có phần Kim Cương và các vị trời Đế Thích, Phạm Vương nói chú. Trong bản dịch của ngài Huyền Trang hiện nay, đoạn kinh văn đức Như Lai Dược Sư nói chú, cũng là trích từ bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh. Bản dịch của ngài Bạch Thi Lê Mật Đa cũng có bài chú, chẳng qua là không phải trong phần kinh văn, mà được thêm vào ở cuối kinh.

Đối với những điểm này, ngài Thái Hư cũng đã từng bàn luận đến: Phật pháp, không những Tiểu thừa, mà ngay trong Đại thừa, cũng tùy từng địa phương, tùy từng thời đại mà có sự khác biệt. Chẳng hạn như sau khi đức Phật diệt độ một trăm năm, Tiểu thừa hưng thạnh, Đại thừa tiềm ẩn. Từ khoảng năm trăm năm đến khoảng tám trăm năm, Đại thừa hưng thạnh, Mật giáo còn đang ở trong giai đoạn manh nha, sau đó mới dần dần trở nên hưng thạnh. Đây là nhân thời đại mà khác biệt.

Nói về bản dịch của ngài Bạch Thi Lê Mật Đa La. Ngài là người xứ Quy Tư, và vào thời đó, Mật pháp đã sớm lưu truyền ở Quy Tư, cho nên ngài đã phiên dịch Quán Đảnh Đại Thần Chú Kinh. Ngài Nghĩa Tịnh đến Ấn Độ đúng vào thời đại giáo điển của Mật tông Ấn Độ đang thịnh hành, cho nên bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh có sắc thái Mật tông tương đối nồng hậu, còn bản dịch của các ngài Huyền Trang, Đạt Ma Cấp Đa, v.v…, thì sắc thái Mật tông tương đối ít.

Ở đây nói thêm về sự quan hệ giữa pháp môn Tịnh độ và pháp môn Bí mật. Trong quá khứ, có một số hành giả Tịnh độ bất mãn với Mật giáo, mà học giả Mật giáo cũng ít nhiều xem thường Tịnh độ. Thật ra Tịnh và Mật, quan hệ rất là mật thiết, mà tính chất cũng rất tiếp cận. Ví dụ bản kinh này, nếu loại bỏ mật chú ra, thì thuần túy là pháp môn Tịnh độ, nếu thêm thần chú vào thì thông với Mật bộ. Lại như kinh A Di Đà là một bộ kinh thuần túy Tịnh độ, nhưng Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bổn Đắc Sinh Tịnh Độ Đà La Ni thì lại thông với Mật bộ. Điều này tương đồng với kinh Dược Sư, bởi vì thần chú mà Phật Dược Sư nói cũng là Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng. Lại nữa, bất luận là Tịnh độ hay Mật giáo, Phật hoặc Bổn tôn, sự gia bị rất được xem trọng. Lại như nguyện lực của Phật A Di Đà và bổn nguyện lực của Như Lai Dược Sư đều rất quan trọng. Hành giả đối với lực bất khả tư nghì của Phật và Bổn tôn, cần phải có đầy đủ lòng tin kiên cố, tuyệt đối không được khởi một tơ hào nghi niệm. Lại như niệm chú của Mật bộ và niệm Phật của Tịnh độ, đều là dùng miệng phát ra âm thanh, dùng đó làm phương tiện tu hành. Mật tông tu quán, quán tưởng đối tượng sùng bái (Bổn tôn), như Đại Nhật Như Lai, các Bồ tát Quán Âm, Văn Thù, v.v…, và các vị kim cương như Bất Động, Diêm Man Đức Ca, v.v…, đến lúc pháp quán thành tựu, Bổn tôn hiện tiền, thì có thể nói chuyện với hành giả, khai thị pháp ngữ. Còn nế tu tập thành tựu pháp quán Phật trong Tịnh độ, đức Phật cũng hiện ra trước mặt (giống như bên Mật tông), như kinh Bát Chu Tam Muội đã có nói. Hai loại pháp môn này vô cùng gần gũi. Hiện nay giảng Kinh Dược Sư, dạy chúng ta tụng kinh, niệm Phật, hoặc trì chú, đều có thể nói là thuộc về pháp tu hành của Hiển giáo. Các thượng sư Mật giáo như Kim Cang Trí, Bất Không, Nhất Hành, v.v…, đều đã từng có nghi quỹ Dược Sư, cho nên bản kinh này thông với pháp môn Tịnh độ và pháp môn Bí mật, thông với cả Hiển giáo và Mật giáo.

***

[1] Xem Phụ lục I.

[2] Ngũ tạng: Tim, gan, lá lách, phổi, thận. Lục phủ: dạ dày (bao tử), mật, tam tiêu (thượng, trung, hạ), bàng quang, ruột non, ruột già.