TÌNH THẾ GIAN
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định
ĐỐI THOẠI VỚI CHÍNH MÌNH
Bản chất tâm tư tình cảm con người
Hỏi: Trong kinh Phật, chúng sinh còn gọi là “hữu tình”, tâm tư tình cảm con người rất dễ bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh, vậy phải chăng do con người có tâm tư tình cảm nên gọi là “hữu tình”?
Đáp: Mọi loài chúng sinh “hữu tình” đều có tâm tư tình cảm, trong đó con người nhờ biết tư duy, có khả năng ghi nhớ, có tư tưởng tình cảm nên họ không những có khả năng suy nghĩ về các vấn đề trước mắt, ghi nhớ sự việc trong quá khứ mà còn biết tưởng tượng, suy đoán sự việc trong tương lai thế nên tâm tư tình cảm của con người rất phong phú, phức tạp.
Ví dụ người thất tình hoặc mất đi người thân đều rất đau khổ. Yêu đơn phương, theo đuổi người tình hoàn hảo trong ảo tưởng với trăm phương nghìn kế đều là những thứ tâm tư tình cảm dai dẳng nặng nề đè lên lòng người không thể nguôi ngoai.
Ngoài tình cảm ra còn một số vấn đề khiến người ta mất ngủ, trầm cảm, ức chế như sự nghiệp, gia đình, sức khỏe… cũng thường là những cơn sóng dậy lên trong lòng người, tất cả chúng đều là căn nguyên tâm bệnh của con người.
Hỏi: Bản chất của tâm tư tình cảm con người là gì, nguyên nhân nào khiến tâm tư họ luôn thấp thỏm bất an?
Đáp: Bản chất của tâm tư tình cảm con người là sự theo đuổi chính mình cũng chính là vì sự an toàn và sở thích của bản thân, là trạng thái tâm lí được xảy ra xoay quanh cái tôi. Do thiếu cảm giác an toàn hoặc mong ước cảm giác an toàn hơn mà có trạng thái tâm lí đó. Ngoài ra, tâm lí tự ti hoặc tâm lí tự cao được sinh ra từ tâm lí tự ti (tâm lí học Phật giáo gọi trạng thái tâm lí này là Ti liệt mạn) cũng là một trạng thái của tâm con người. Bất luận nhìn từ phương diện nào, mọi biểu hiện của tâm tư tình cảm con người đều xoanh quanh cái tôi, xem cái tôi là trung tâm.
Cũng giống những biểu hiện của Ngã như ngã tham, ngã sân, ngã si, ngã mạn, ngã nghi… tất thảy đều xuất phát từ cái tôi, nếu buông xả được tâm lí lấy cái tôi làm trung tâm thì sẽ không còn tâm tư gì nữa.
Bất kì một chúng sinh nào đều có tự ngã tương ứng, tuy nhiên, ý thức tự ngã của con người mạnh mẽ hơn bất kì một động vật nào khác. Mọi loài chúng sinh đều chỉ có biểu hiện tâm lí khi tiếp xúc với sự vật, sự việc cụ thể hiện thời, đó chỉ là bản năng sinh tồn, tự vệ. Con người ngoài việc bảo vệ cho bản thân, bảo vệ gia tộc, còn biết bảo vệ danh dự, thậm chí còn biết bảo vệ danh dự cho bản thân khi không còn sống trên cõi đời này nữa. Những trạng thái tâm lí xảy ra xoay quanh cái tôi đó cứ như những con sóng trong biển tâm thức con người, nhấp nhô mãi không thôi. Cũng do như thế mà xảy ra mọi tranh chấp xung đột giữa người với người, giữa người với mọi vật, thậm chí nảy sinh những trạng thái tâm lí tự mâu thuẫn với chính mình. Tất cả đó là nguyên nhân nảy sinh mọi tâm tư tình cảm của con người.
Hỏi: Xin hỏi phải chăng “tình” nhất định là sự cay đắng?
Đáp: Tình nảy nở từ tâm lí lấy cái tôi làm trung tâm, bất luận tình cảm nào của con người đều chứa đủ yếu tố vui trong cái khổ, trong đó, như lời Phật dạy, tình cảm thế gian khổ nhiều vui ít. Khổ là nhân đầu tiên, kết cục của nó cũng chỉ là khổ, niềm vui chỉ thoảng qua rồi nhanh chóng vụt tan. Con người thường vì mưu cầu niềm vui ngắn ngủi mà cứ nếm hết trái khổ này đến quả khổ khác. Chúng ta cần ý thức rõ ràng rằng, chúng sinh thường xem khổ là niềm vui, lấy khổ là chất liệu để vun đắp, tô bồi niềm vui. Khổ trước vui sau, vui trước khổ sau, thảy đều chứng minh rằng, khổ và vui là hai thứ luôn quyện chặt trong nhau.
Bất luận là sự nung nấu của khổ hay sự hưởng thụ niềm vui đều được gọi chung là tâm tư tình cảm con người. Do thời gian khổ quá dài mà niềm vui thì quá ngắn nên mọi trạng thái gắn liền với “tình” thì phần nhiều đều là khổ.
Chúng ta xem nhiều vở kịch đẫm nước mắt như “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài”, “Romeo và Juliet”… Những vở kịch diễm tuyệt nhưng đầy bi thương đó đều ngầm nói lên rằng, tình là thứ khổ nhiều vui ít. Nhân vật – chủ thể tình cảm trong tác phẩm đều khổ, hơn nữa thời gian vui vẻ hạnh phúc ngắn ngủi còn đau khổ đắng cay quá dài. Đặc điểm chung của các nhân vật trong các vở kịch đó là họ đều khát vọng niềm vui sau cùng, nhưng kết cục họ đều phải ngậm trái đắng, cho nên đó đều là những bi kịch.
Những tác phẩm nổi tiếng với trung tâm diễn biến câu chuyện là tình cảm như thế là những bức tranh tả chân tình cảm con người. Đời người hưởng hạnh phúc tươi vui đích thực thì quá ít mà đau khổ thì quá nhiều và thường nhen nhúm, nẩy nở phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng môi trường xã hội, vậy đâu là nguyên nhân? Có thể nói rằng, tất cả đều không ngoài chữ “tình”. Tình cảm cha mẹ con cái cũng thế, con cái là nơi gửi gắm tình cảm yêu thương của bố mẹ; tình cảm yêu đương nam nữ cũng hệt như thế, thậm chí cả những tình cảm bạn bè cũng chưa từng ngoại lệ. Thế nên, hễ điều gì có dính đến “tình” đều là trái đắng, đương nhiên niềm vui cũng có nhưng không nhiều.
Do vậy Phật nói, từ “hữu tình” mà thành “Bồ-tát” chỉ khác nhau ở điểm là có ý thức giác ngộ trong “tình” nên Bồ-tát có nghĩa là “Giác hữu tình”.
Hỏi: Có nhiều nhà nghiên cứu y học cho rằng, tâm tư tình cảm của con người là một dạng năng lượng của thân thể, khi chúng ta giàu có tình cảm, thì phải chăng nó sẽ làm giảm bớt năng lượng?
Đáp: Điều này còn cần phải xem thứ “tình” đó phát ra loại năng lượng gì. Bản năng chúng ta vốn là một loại năng lượng, tâm lực cũng là một dạng năng lượng, trong đó năng lượng của thân thường có mối quan hệ mật thiết với năng lượng của tâm. Nếu năng lượng thân thể không tốt, tâm lực cũng sẽ không dễ gì phấn chấn; khi thân thể khỏe mạnh thì tâm lực cũng theo đó mà mạnh lên, ngược lại, thân thể suy nhược thì tâm lực cũng suy giảm rất nhiều.
Năng lượng của thân thể sẽ ảnh hưởng đến tâm lực, ngược lại tâm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng sức khỏe con người. Tuy nhiên đối với người chết thì không thể như thế được, giả sử một người nào đó có năng lượng tinh thần dồi dào thì cũng chỉ phát huy được khi họ còn sống, sau khi chết, nguồn năng lượng đó không còn nữa, nghĩa là người chết thì không thể phát huy năng lượng của mình. Vì thế, tâm tư tình cảm của con người quả thực có mối quan hệ khăng khít với tình trạng sức khỏe thân thể.
Khi một người bệnh nặng đến không đủ sức để nói thì chắc chắn họ không thể nổi cáu được. Chúng ta thường nghe mọi người nói tính cách người già như đá trầm tích, sở dĩ thế là vì họ đã đến độ tuổi mà sức khỏe không cho phép hoặc không đủ sức để quát mắng, nổi lôi đình nữa. Năng lượng của tâm bị suy nhược, không đủ sức để nổi nóng, cáu gắt, nên có muốn cãi cũng không đủ sức để cãi với mọi người nên đành phải dùng cách “cái gì cho qua được thì cho qua”.
Hỏi: Đã biết năng lượng của thân và tâm ảnh hưởng lẫn nhau, vậy chúng làm thế nào để tận dụng chúng một cách hữu hiệu?
Đáp: Mọi người thường dùng cụm từ “can hỏa quá vượng” để chỉ những người xấu tính. Tuy nhiên cũng có không ít trường hợp tuy thể trạng rất yếu nhưng “can hỏa” lại rất vượng, những người như thế nếu sử dụng hết năng lượng của thân thể thì rất dễ tử vong cho nên, người đang bệnh thì tốt hơn hết nên tĩnh dưỡng thân tâm, không nổi cáu, nếu không chỉ làm rút ngắn tuổi thọ của mình mà thôi.
Với người đang bệnh, chúng ta nên khuyên họ niệm Phật A-di-đà hoặc niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm nhiều hơn, nên nghĩ đến chuyện tốt, mặt tốt của mình, của người, nên thả lỏng thân tâm, không nên lo nghĩ điều gì và nhất là không nên quá bận tâm đến tình trạng sức khỏe của chính mình. Dù sao bệnh cũng đã bệnh rồi, điều cần làm là đối diện thực tế, nhìn thẳng vào hiện tại, nên tập trung tĩnh dưỡng khám bệnh thường xuyên như vậy thì thời gian sống có thể kéo dài hơn nhờ không tiêu phí năng lượng của thân tâm.
Có người mắc bệnh ung thư, biết rõ mình không còn sống được bao nhiêu nữa, họ dốc hết sức khỏe có được của thân tâm để làm việc, dường như người đó đang cố gắng tập trung sức khỏe để làm phần việc còn lại của đời mình trong vài tháng, cuối cùng cũng chỉ làm tổn thương thêm sức khỏe của mình mà thôi. Thế nên, chúng ta phải biết cách điều tiết như kiểu “đèn càng nhỏ lửa càng lâu hết dầu”, như thế ắt có thể sống dài hơn. Nếu dùng hết năng lượng trong thoáng chốc, thể lực cạn kiệt, tâm lực cũng theo đó mà hao mòn.
Cho nên, chúng ta cần biết khống chế, điều tiết, quản lí tâm tư tình cảm của mình. Nếu không, chúng ta sẽ gặp rắc rối.
Làm sao điều chỉnh cảm xúc?
Hỏi: Dưới góc nhìn y học và tâm lí học thì cảm xúc là một loại phản ứng tự nhiên, vậy Phật giáo có cái nhìn ra sao với vấn đề này?
Đáp: Cảm xúc được chia làm hai loại, cảm xúc lành mạnh và cảm xúc không lành mạnh. Cảm xúc lành mạnh chỉ sự hưởng thụ, thưởng thức, và vui vẻ. Đó là một loại cảm giác hạnh phúc, trong lòng cảm thấy khoan khoái.
Thỉnh thoảng ta thấy có người nói: “Anh đang quá phấn khích!”. Trong trường hợp này, “quá phấn khích” ở đây chỉ cảm xúc không lành mạnh, bao gồm sự phẫn nộ, oán hận, trách móc hoặc là căm ghét, mệt mỏi. Do không lành mạnh nên không những ảnh hưởng đến thể xác và tinh thần của người đó mà còn ảnh hưởng đến gia đình, sự nghiệp, thậm chí cả mối quan hệ giữa bằng hữu với nhau.
Theo quan điểm của Phật giáo, thế gian này có cảm xúc tạo nghiệp ác, và cảm xúc tu nghiệp thiện. Đối với người bình thường, phương pháp và quan niệm nêu trên là điều tốt, nhưng trên lập trường của Phật giáo, sau khi hưởng hết phúc rồi sẽ đến hồi chịu khổ, đó không phải là sự giải thoát triệt để. Điều tốt nhất là có được giải thoát ngay từ khi cái tôi trung tâm xuất hiện, có nghĩa là sẽ không còn cảm xúc nữa, chỉ còn lại trí tuệ năng lực và lòng từ bi.
Hỏi: Cảm xúc có năng lượng riêng của nó, ta có thể chuyển hóa năng lượng tiêu cực thành tích cực không?
Đáp: Năng lượng của cảm xúc có thể chuyển hóa được. Phật giáo có một danh từ mang tên “tinh tiến” (chỉ sự nỗ lực hướng thiện, có chí tiến thủ) và một danh từ chỉ sự liên quan đến người tham thiền ngộ đạo – mang tên “Đại Phẫn Tâm”, hay còn gọi là Đại Phẫn Nộ Tâm. Đại Phẫn Tâm có nghĩa là sự tự lực tự cường, quyết chí vươn lên; “Phẫn” chỉ sự phấn đấu, tinh tiến, hạ quyết tâm, bản thân nhất định phải hoàn thành mục tiêu, đó là một loại cảm xúc – cảm xúc chính diện, phát triển theo chiều hướng tốt.
Nếu một người không có sự tự lực tự cường, quyết chí vươn lên thì làm bất cứ việc gì cũng sẽ phải bỏ dở nửa chừng, không đầu không đuôi, làm việc không chuyên sâu, không thể hoàn thành nghiệp lớn.
Dù là mặt chính diện hay cái tôi trung tâm, đều xuất phát từ chủ thể “tôi” để hoàn thành sự việc, còn nếu muốn trở thành Phật thì nhất thiết phải có lòng tinh tiến. Thực tế, lòng tinh tiến là một kiểu tịnh hóa cảm xúc, nó không làm tổn thương người khác, cũng không gây tổn hại cho bản thân. Đó là lòng quyết tâm luôn hướng về phía trước trên con đường tu hành. Dường như đó là một nguồn năng lượng mà nếu không có nó con đường tu hành sẽ không thể trở thành hiện thực được.
Vì vậy, khái niệm “Phật” còn được gọi là Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi, có thể đại giải thoát cho chúng sinh. Cái gọi là “đại giải thoát” ở đây chỉ năng lực và trí tuệ, còn từ “đại” được ra đời dựa trên lòng tinh tiến.
Hỏi: Hoà thượng có nói rằng, chúng ta có cảm xúc tạo nghiệp ác, và cảm xúc tu nghiệp thiện, vậy thì “lòng tinh tiến” có được coi là cảm xúc tu nghiệp thiện không?
Đáp: Từ “thiện” trong tu thiện được hiểu theo hai nghĩa, thứ nhất là tu thiện của cái tôi trung tâm, và cái còn lại là tu thiện vì chúng sinh. Cái vì chúng sinh gọi là từ bi, còn cái vì bản thân mình gọi là tu thiện cho lòng tự tư.
Nếu muốn có được phúc báo về sau, thì cần hành thiện theo kiểu trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, gieo nhân nào gặp quả nấy, đây là cái thiện của cái tôi trung tâm, mong muốn đạt được lợi ích cũng coi là việc tốt nên làm, và thường thì chúng tôi cũng khích lệ chúng sinh làm vậy.
Một loại thiện nữa được gọi là thiện tuyệt đối, vượt qua cái thiện của cái tôi trung tâm, trong lòng chỉ có chúng sinh mà quên đi bản thân mình, nguyện chịu khổ chịu nạn vì chúng sinh. Đây được coi là cái thiện thanh tịnh, mà chúng tôi thường hay gọi là “từ bi”, là “tâm bồ đề”.
Hỏi: Xin Hoà thượng cho biết, khi cảm xúc đang hình thành và chưa bộc phát, thì có cách nào quan sát và hóa giải nó không?
Đáp: Đây là điều thật khó! Có thể một vài người tu hành sẽ làm được. Do đó mà thường xuyên phải luyện tập ngồi thiền, tĩnh tọa, khi thấu qua quá trình tu luyện này ắt sẽ quan sát được phản ứng tâm lí của bản thân.
Thông thường, con người không ai có cách phát hiện ra phản ứng tâm lí của bản thân, khi phát giác tâm lí có phản ứng thì cũng không nhận ra được, đó chính là cảm xúc. Một trường hợp khác, dù biết trong lòng không thoải mái, không nói năng chi, nhưng trên mặt đã lộ ra hết sắc thái cảm xúc rồi. Và ta có thể dùng một số phương pháp khống chế hoặc tránh sự bộc phát những kiểu cảm xúc này.
Gặp phải tình trạng như vậy, cách tốt nhất là thể nghiệm sự hít thở, cảm nhận sự ra vào của từng hơi thở qua mũi, hoặc cải thiện bằng cách niệm A-di-đà Phật.
Khi nghe được chuyện không hay, chuyện không thích hay một câu chuyện bất hạnh nào đó, không ngừng niệm A-di-đà Phật nhiều lần sẽ có thể hóa giải cảm xúc đó.
Khi biết trong lòng không thoải mái vui vẻ, thì Phật hiệu “A-di-đà Phật” hay “Nam Mô Quan Thế Âm Bồ-tát” là phương pháp hữu hiệu hóa giải cảm xúc đó trong ta. Bởi khi niệm, ta sẽ tưởng tượng ra Đức Phật đang hiện hữu ngay trước mắt, trong lòng sẽ yên tĩnh trở lại.
Khi vấn đề phát sinh ta không nên giải quyết chúng bằng thái độ nóng nảy, mà cần phải dùng lí trí để giải quyết. Luyện tập theo phương pháp này sẽ giúp bản thân an tịnh lại và xử lí sự việc hợp lí hơn, hiệu quả hơn.
Hỏi: Thông thường con người ta tự trách bản thân vì tính tình không ổn định, có thể dùng phương thức chuyển niệm – tức thay đổi ý nghĩ để thay đổi sao? Phật pháp có thể giúp ích gì trong chuyện này?
Đáp: Tình trạng cảm thấy tự trách còn đau khổ hơn cả bị người khác mắng chửi! Do cảm xúc bị mắng chửi có thể tìm nơi trút giận, hoặc tìm lí do hóa giải, nhưng tự trách bản thân sẽ âm ỉ sâu trong lòng gây bức xúc bực bội, không dễ phát tiết ra ngoài, và cũng không dễ hóa giải.
Ví như một người con gái đi nạo phá thai vài lần sẽ cảm thấy vô cùng day dứt bản thân, tự trách mình làm tổn hại đến thai nhi chưa chào đời. Khi gặp chuyện không may liền liên tưởng đến việc nạo phá thai đó, cho rằng thai nhi đã chết đó đang tìm cách báo thù mình, trong khi bản thân cô ta không thể hận đứa trẻ đó được, chỉ biết tự trách mình, do vậy mà truyền thuyết về “anh linh tác lụy” (anh linh gây phiền lụy) và tín ngưỡng về chuyện này xuất hiện.
Thông thường, cảm giác tự trách mình không những khó hóa giải mà còn kéo dài dai dẳng, thậm chí kéo dài đến cả đời. Những người như vậy một khi nghĩ đến lỗi lầm liền trầm lòng lại, không biết xử trí ra sao, đôi khi còn kèm theo cảm giác sợ hơi hoảng hốt, sợ bản thân lại tiếp tục phạm tội lần nữa hoặc tội lỗi mình gây ra không có cách bù đắp lại được, không biết làm thế nào, vì thế mà nhiều khi tự lâm vào đường cùng.
Loại cảm xúc này, ngay cả bác sỹ tâm lí cũng khó giải quyết được, chỉ còn cách dùng đến quan niệm của Phật pháp, phương pháp tu hành của Phật pháp giúp đỡ họ. Quan niệm của Phật pháp chính là nhắn nhủ bản thân lúc đó còn ngu si mê muội, khiến cho tâm xấu hổ mà phải sám hối, đồng thời sửa chữa sai lầm, hướng tới cái thiện; hy vọng làm được nhiều điều có ích cho xã hội và kết thiện duyên, có như vậy tâm can mới cảm thấy an định, cảm xúc cũng dần dần được hóa giải. Còn về phương pháp tu hành thì có thể niệm Phật nhiều hơn, làm nhiều việc tốt, kết nhiều thiện duyên, đấy cũng là cách lấy công chuộc tội. Chỉ có làm nhiều việc tốt mới có thể bù đắp cho những sai lầm mắc phải.
Hỏi: Cảm xúc tiêu cực có thể biến thành động lực tốt bằng chuyển hóa, thăng hoa được không, thưa thầy?
Đáp: Đối với tín đồ Phật giáo, cảm xúc không tốt có thể được hóa giải nhờ việc sám hối, sau khi sám hối có thể làm lại từ đầu những việc giúp ích cho những người khác. Tất cả những việc như niệm Phật, đọc kinh sám hối, học thuộc kinh Phật hay như niệm Phật cầu tu, làm nhiều việc trượng nghĩa không chỉ có thể cải biến ý niệm của bản thân, mà còn điều khiển được cảm xúc của mình.
Một cảm xúc vốn xấu xa, do sự chuyển biến quan niệm và phương thức sống, trở thành sức mạnh tốt, trở thành động lực của tu hành, trợ lực của việc tu đạo, có thể nói đây là nghịch tăng thượng duyên – duyên giúp làm điều thiện (hoặc điều ác) bằng cách ngược lại.
Tục ngữ có câu “lòng tử hồi đầu kim bất hoán” – tức chỉ người có lỗi biết hối lỗi còn quý hơn cả vàng kim. Lòng tử vốn chuyên làm chuyện xấu xa, nhưng khi quan niệm của anh ta thay đổi, mục đích sống thay đổi thì cuộc sống cũng thay đổi theo. Vì vậy, khi cảm xúc xấu xa biến thành sức mạnh tu hành thì được coi là một bước tiến tốt.
Hỏi: Khi nghe câu “lão tăng nhập định” – tức sư cụ tĩnh tọa, trong lòng tôi thấy rất tò mò, liệu có phải những người tu hành lâu năm có thể trở thành “bát phong xuy bất động”, tự do tự tại không, thưa thầy?
Đáp: Cái gọi là “lão tăng nhập định” chỉ việc tĩnh tọa không có bất cứ cảm xúc nào, nhưng trong cuộc sống thường nhật có thể nảy sinh một số loại cảm xúc nào đó, nhưng đó không phải là cảm xúc đó không thể dao động một lão tăng có tu hành, trước khi cảm xúc vẫn chưa nổi lên, thì trong lòng ngài đã có cảm giác rồi, khi đó ngài sẽ áp dụng một vài phương pháp không để cảm xúc đó dao động nữa.
Dù cho sự vật sự việc có công bằng hay không, thì cao tăng đắc đạo tu hành sẽ dùng phương pháp và quan niệm để chuyển biến, điều chỉnh bản thân. Do đó, về vẻ bề ngoài ta thấy lýo tăng một khi dày công tu luyện sẽ không để lộ cảm xúc ra bên ngoài, điều mà ta khó có thể nhận ra được.
Nhưng họ có cảm xúc gì không? Câu trả lời là có thể có, nhưng cảm xúc đó không hề gây tổn thương bản thân hay những người khác, cũng không phải mở miệng là mắng nhiếc người khác hay thích là tỏ thái độ phẫn nộ, đó mới chính là người có tu dưỡng đạo đức, có thái độ đúng mực.
Nhưng đôi khi vào những lúc cần thiết thì lão tăng cũng cần phải biểu lộ ra cảm xúc nóng giận phẫn nộ, thực chất trong lòng ngài không hề bực tức, mục đích làm cho chúng sinh bình tĩnh hơn, phá vỡ sự ngu muội, mà người ta hay gọi đó là đòn cảnh tỉnh. Rất có thể đây là phương pháp thuận tiện nhất, hữu hiệu nhất để răn đe lòng người. Tôi cũng từng gặp trường hợp lão tăng mắng đồ đệ với thái độ rất hung hãn, nhưng sau khi quay mặt đi tôi lại thấy được nét hiền từ đôn hậu của ngài, ngài không tức giận nữa. Đó là một kiểu biểu hiện cảm xúc ra bên ngoài của ngài, chứ không phải cảm xúc thực xuất phát từ trong tâm.
Điều phục và chuyển hóa
Hỏi: Khi cảm xúc không còn nữa, thì có thể nảy sinh ra trí tuệ, năng lực và lòng từ bi. Vậy xin thầy cho biết, có thể nói khi có tài năng trí tuệ và từ bi thì sẽ biết cách khống chế và ổn định cảm xúc không?
Đáp: Ổn định cảm xúc của bản thân là điều rất khó làm, nếu cảm xúc phát tác rồi thì việc nghĩ cách khống chế nó không hề đơn giản. Lúc này, phương pháp tốt nhất là tìm cách rời xa hoàn cảnh gây ra cảm xúc đó, tránh xa trạng thái không thoải mái, cố gắng để cái tâm được yên tĩnh, giữ cho đầu óc tỉnh táo, và dần dần cảm xúc đó sẽ ổn định lại. Ngược lại, nếu không nhanh chóng né tránh nó, ta sẽ rơi vào tình trạng mất cân bằng cảm xúc.
Khi đối mặt với trạng thái không bình thường, có thể khiến bản thân đau khổ hay giận dữ, thì lúc này phương pháp tốt nhất là tránh xa tình trạng đó. Nếu xảy ra mâu thuẫn tranh chấp với người khác, hai bên sẽ tự cho mình là đúng và tiếp tục cãi lí, khi đó những người khuyên ngăn phải tìm mọi cách tách rời hai bên, khiến họ không thể nghe thấy tiếng của nhau, không nhìn thấy vẻ mặt tức giận của nhau, đợi cho đến khi hai bên bình tĩnh trở lại thì cảm xúc cũng sẽ an định hơn.
Vì thế cho nên khi phát sinh mâu thuẫn, tốt nhất nên có người thứ ba khuyên nhủ. Nếu bản thân có trí tuệ thì xin lỗi đối phương trước và nói: xin lỗi anh, tôi tin anh có là của anh, nhưng tôi thấy không vui, tôi đã rất bực tức, có lý thì nói cũng không rõ ràng, anh có thể đợi một lúc nữa sau khi chúng ta bình tình trở lại thì nói chuyện tiếp được không? Cách giải quyết như vậy sẽ tốt hơn là hai bên đánh nhau.
Hỏi: Nhiều người không biết cách điều chỉnh và khống chế cảm xúc của mình, xin thầy cho chúng tôi biết làm thế nào để làm tốt việc này không?
Đáp: Đối với cảm xúc, cách tốt nhất có thể là hóa giải. Chúng ta đang nói đến ở đây chính là cách làm tiêu tan cảm xúc đó chứ không phải khống chế, chế ngự nó.
Khống chế cảm xúc chỉ việc ta có cảm xúc nhưng không để cho nó thể hiện ra, ra sức kìm nén nó, mà kết quả là nén lâu quá nó sẽ tự nổ tung. Một khi nổ tung nó sẽ trở thành điên dại, ngông cuồng, thậm chí có thể gây ra việc làm hại cho bản thân và nhiều người khác. Cũng giống như một chiếc nồi đựng đầy nước bên trong, nhưng bên dưới vẫn nhen nhóm ngọn lửa lớn, khiến nó sủi trào lên cao trong khi ta đang đậy một chiếc vung nồi rất kín, khiến cho khí không thể thoát ra được và có khả năng nổ tung. Cho nên cần áp dụng biện pháp khai thông để nó có chỗ phát tiết, trút hết mọi khó chịu trong lòng.
Có hai phương pháp làm tiêu tan cảm xúc, thứ nhất là phát tiết cảm xúc – tức trút hết cảm xúc bực bội, thứ hai là phương pháp khai thông cảm xúc. Khai thông là cách tạo ra cho cảm xúc lối mở dịu dàng, mà lối mở đó dùng để hóa giải cảm xúc, không phải nơi để nó bộc phát tung hoành.
Vậy làm sao để hóa giải nó? Tôi cũng thường khuyên răn mọi người không nên chỉ nhìn, chỉ nghe, chỉ nghĩ, mà cần nhanh chóng tránh xa tình cảnh gây nên cảm xúc đó, sau đó tập trung bằng cách niệm Phật, ngồi thiền, bái Phật hay tập hít thở. Đó là cách ta đang hóa giải, không phải khống chế cảm xúc.
Hỏi: Nhiều người do sự việc không theo ý muốn, không thoát khỏi áp lực, khi cảm xúc vừa dâng trào thì hành động không có lí trí, khi gặp phải những người như vậy ta nên khuyên họ thế nào, thưa thầy?
Đáp: Khi cảm xúc chuẩn bị bộc phát cần thay đổi quan niệm ngay, như Đức Phật từng nói, lùi một bước trời cao biển rộng. Cần nhìn nhận vấn đề và giải quyết khó khăn trước mắt một cách có lí trí. Tôi cũng thường nói: núi không thể dời thì đường chuyển hướng, đường không chuyển thì người phải chuyển, người không chuyển ắt tâm phải chuyển. Có nghĩa là ta không nên nghĩ việc nào đó nhất định phải làm thế này, cách này không được thì dùng cách khác, như vậy tâm mới chuyển được.
Ví như trong số những người thất tình, vì sao lại có kẻ tự sát, giết người và gây ra tội ác bằng nhiều thủ đoạn dã man? Đó là vì họ nghĩ: nhất định phải có được đối phương, nếu không có được ta sẽ chết; hoặc: nếu mình không có được đối phương thì đừng ai mơ có được người đó, sau khi giết hại đối phương liền tự sát. Đây gọi là ngọc nát đá cũng tan, hoàn toàn không có đất dung thân.
Nếu có thể thay đổi quan niệm thì mới có lợi cho bản thân, tự cứu mình khỏi bể khổ, và sẽ thấy được trời đất mênh mông! Mọi người có thể nói ghìm cương ngựa bên bờ vực thẳm, quay đầu là bờ, nhưng khi cảm xúc đến thật sự thì việc ghìm cương ngựa rất khó, và quay đầu lại bờ rất ít, họ dường như không có ý nhiệm quay đầu là bờ, cứ đi thẳng về phía trước, về phía con đường chết!
Muốn thay đổi bản thân thì phải thay đổi cách tư duy. Đây được gọi là lùi một bước để suy ngẫm, là sự thay đổi ý niệm, núi không dời thì đường phải chuyển, đường không chuyển thì người phải chuyển, mà người không chuyển ắt tâm phải chuyển. Chỉ cần chuyển tâm, ắt con đường thắng lợi ở ngay trước mắt ta rồi.
Hỏi: Chỉ cần thường xuyên thay thế những ý niệm xấu bằng ý niệm tốt thì có thể điều chỉnh cảm xúc tốt hơn không, thưa thầy?
Đáp: Cảm xúc không nhất định có ý niệm xấu, có lúc việc mong muốn đạt được mục tiêu nào đó là ý niệm tốt, nhưng do gặp phải trở ngại và việc không thuận lợi cho nên sản sinh ra cảm xúc bất thường, khiến tâm không vui vẻ. Sau khi cảm xúc đó hình thành, hơn một nửa số người thấy mình làm đúng; nếu tự bản thân nhận thấy đó là lỗi của mình thì mình sẽ không thể giận dữ được. Do tự mình nhận là nên mới không có biện pháp nào kiềm chế cảm xúc nóng giận, tiêu cực.
Trong tình trạng đó, ta chỉ cần nghĩ: dù việc ta làm là đúng, nhưng duyên cớ không đủ, dù có năng lực bảo vệ mình khỏi bị tổn thương nhưng ta không có cách khống chế sự biến hóa ngoại tại xảy ra, lúc này đành tiếp tục nỗ lực theo cách khác mà thôi. Nếu con đường ta đi không còn hanh thông nữa thì ta đi con đường khác. Quan niệm như vậy sẽ khiến cảm xúc an định, bình tĩnh lại.
Vì vậy, ta không nên coi cảm xúc là một ý niệm gì đó xấu, những ý niệm tạo ra cảm xúc không phải lúc nào cũng xấu. Động cơ ẩn giấu được coi là không tốt, chỉ có điều là phát sinh nhiều hiện tượng khác khi gặp phải yếu tố bên ngoài, khiến cho bản thân không thể tiếp thu được, kết quả là cảm xúc xấu xa xuất hiện. Lúc này, khi mới bắt đầu có ý niệm tốt, liền kéo theo những ảnh hưởng mới khiến ta không thể tiếp tục được nữa. Biện pháp tốt nhất lúc này là tự thân phải thay đổi quan niệm.
Hỏi: Trong cuộc sống cũng như trong công việc, ta luôn cảm thấy không công bằng khi nảy sinh sự cạnh tranh và so bì. Khi bản thân ta không thể cân bằng được cảm xúc thì cần phải điều chỉnh bản thân mình như thế nào để tốt hơn, thưa thầy?
Đáp: Không công bằng là cảm giác nhất thời lúc đó, muốn tìm đến căn nguyên gốc rễ không phải là điều dễ dàng. Cuộc sống của chúng ta có vô số việc bất bình. Giữa con người với nhau vốn đã không bình đẳng, như người xưa thường nói, bàn tay ta có ngón ngắn ngón dài. Cùng chung sống ăn ở dưới một mái nhà, nhưng có người ăn ít, người ăn nhiều; trong khi người ăn nhiều chưa chắc lượng công việc nhiều, chất lượng công việc cũng chưa chắc tốt. Trong cùng một tập thể, có thể chất lượng công việc của một số cá nhân không tốt, những người có biểu hiện tốt chưa chắc được ông chủ đánh giá cao hay khen thưởng, thậm chí những kẻ thấp kém có thể thăng quan phát tài, đó đều là ví dụ về hiện tượng không công bằng trong xã hội.
Trong một gia đình, bậc cha mẹ cũng khó có thể đối đãi công bằng với các con, bởi chúng đều có yêu cầu và nhu cầu riêng của mình. Nếu bố mẹ cư xử theo cách đứa không có nhu cầu lại đáp ứng nó, còn đứa có nhu cầu lại bỏ lơ thì quả thật là không đúng. Ví như có đứa trẻ thường hay mắc bệnh, ốm đau, có đứa lại rất cường tráng khỏe mạnh, thì nhất định cha mẹ sẽ dành nhiều thời gian chăm sóc, cưng chiều cho đứa ốm yếu hơn.
Liệu đây có phải là điều không công bằng không? Trên thực tế, thế giới của chúng ta không hề có cái gọi là công bằng thực sự. Do đó chúng ta cần suy xét dưới một góc độ khác, không công bằng ắt phải có nguyên do. Khi ta nhìn nhận chỉnh thể sự việc từ ngọn nguồn của nó, thì bản chất nó vốn đã công bằng rồi. Ví như người ốm phải uống nhiều thuốc, các công ty bảo hiểm phải chi trả một khoản tiền nhất định, khi người không có bệnh uống ít thuốc hơn, tần suất khám bệnh cũng giảm hơn, phúc lợi xã hội ít đi, nhưng vẫn phải chi trả từng ấy mức tiền. Thử hỏi cái nào công bằng, cái nào không công bằng? Điều này cần phải xem bản thân mình có muốn mắc bệnh hay muốn khỏe mạnh?
Vì thế, ranh giới giữa công bằng và bất công không rõ ràng, rất khó phân chia, sự bất công và công bằng thường được nhìn nhận trên lập trường chủ quan, nếu chúng ta có thể nhìn thấu bản thân của từng cá thể khác nhau và đứng dưới góc độ lập trường của chúng thì sự công bằng sẽ xuất hiện.
Hỏi: Xin thầy cho biết đối với người bình thường, cần làm gì để phát huy mặt tích cực của cảm xúc đối với sinh mệnh con người?
Đáp: Điều này cần có năng lực tự thức tỉnh. Giá như có năng lực này, ta có thể nhìn thấu cảm xúc của mình, sau đó sẽ tự cảm thấy hổ thẹn, và ngay lập tức muốn sám hối, hối cải ngay.
Vậy mà muốn có được khả năng tự thức tỉnh, trước tiên cần có khả năng quan tâm chăm sóc dưới nền tảng là việc tu hành nhờ phép tĩnh tọa. Sau đó mới có thể quan tâm chăm sóc đến cảm xúc của mình được. Tuy nhiên, chỉ có như vậy thì công phu vẫn chưa đạt độ tinh túy, vẫn cần phải có cảm xúc, chỉ cần khi nó sắp bộc phát mạnh thì tự nhủ: xin lỗi, tôi thấy rất hổ thẹn! Nếu có thể làm được như thế có nghĩa là ta đã có được khả năng quan tâm chăm sóc và tự thức tỉnh rồi.
Ví như việc cha mẹ quản lí con cái, bình thường kèm cặp con không chặt có thể lớn tiếng chửi bới chúng, sau khi mắng xong sẽ tự thức tỉnh bản thân và dặn dò chúng: mẹ/cha xin lỗi con, thân làm cha mẹ mà ngu muội, ta không nên mắng các con, mong các con tha thứ cho ta! Bậc người lớn do tâm trạng không tốt mà mắng nhiếc con cái, nếu có khả năng tự thức tỉnh thì chắc chắn lũ trẻ sẽ không thấy đau lòng, buồn phiền.
Nếu tình hình này thường xuyên xảy ra, dù đánh mắng xong rồi xin lỗi, không hề có khả năng tự kiềm chế bản thân, thì cũng được coi là chưa có tu tập. Lời xin lỗi của bậc cha mẹ nhằm để các con không giận mình sau khi đánh mắng chúng, nhưng thực chất bên trong họ vẫn thấy hậm hực bực bội, điều này không nên làm. Suốt ngày cáu bẳn, không tỉnh ngộ sửa chữa, vẫn ngoan cố u mê, loại người này được coi là không có khả năng tự quan tâm chăm sóc cảm xúc của mình.