TÌNH THẾ GIAN
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định

 

MỐI QUAN HỆ BÌNH ĐẲNG GIỮA HAI GIỚI

Hỏi: Có một câu chuyện truyền thuyết nhân gian như sau: con người ta tu hành 500 năm mới có thể biến thành nữ giới. Xin Pháp sư cho biết, về mặt phẩm chất, trí tuệ, tài năng hoặc thành quả tu hành thì nữ giới đều kém hơn nam giới đúng không?

Đáp: Đây là quan niệm nảy sinh trong xã hội trọng nam khinh nữ. Phật giáo nguyên thủy không có khái niệm này, tuy kinh Phật hậu kỳ có nhắc tới nhưng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chưa từng nói đến chuyện này, dù sao đi nữa thì quan niệm này không hợp tình hợp lí.

Hơn thế, chúng ta có thể thấy, thường lui đến cửa chùa thắp hương bái Phật, phát tâm góp của bố thí, thậm chí niệm Phật thông kinh tại gia hay tại chùa chiền đa phần là nữ giới. Vì vậy, thiện căn của nữ giới sâu đậm hơn nam giới.

Trong xã hội cũ coi nam giới làm chủ thì quả thực nữ giới phải chịu nhiều kì thị. Bất luận là người dân tộc Hán, hay người theo đạo Hồi miền Trung Đông, thông thường một nam giới có thể lấy nhiều vợ, trong xã hội như vậy, người chịu thiệt thì nhất vẫn thuộc về phái nữ.

Đây là sự bất công mà ta thấy được trong xã hội hiện thực, nhưng nó không thể hiện việc phẩm chất của nữ giới kém hơn nam giới.

Hỏi: Trong kinh Phật cổ đại có xuất hiện giáo nghĩa trọng nam khinh nữ không, thưa thầy?

Đáp: Kinh Co-ran của đạo Hồi cho phép nam giới có hơn một người vợ, đó là quy định trong tập kinh này, nếu người con gái không có ai chăm sóc, không nơi nương tựa thì nam giới phải có trách nhiệm. Trước kia, do chiến tranh, hay người cha, người chồng qua đời chỉ còn lại người con gái không nơi nương tựa, thì chính quyền giao họ cho những người con trai khác chăm sóc, do vậy mà nhiều người con gái được gả cho cùng một chàng trai. Do vậy, nghĩa gốc của kinh Phật là chăm sóc, bảo vệ nữ giới, còn điều sau này do sự thay đổi của xã hội mà dần dần mất đi nghĩa đó.

Còn trong kinh Phật nguyên thủy không hề xuất hiện trọng nam khinh nữ, mãi sau này do hoàn cảnh xã hội thay đổi mà quan niệm này được hình thành khiến nữ giới thấy mình thật là yếu mềm, như có tội lỗi khiến họ bị đối xử bất công hơn. Nếu trước kia kinh Phật không có quan niệm trọng nam khinh nữ, thì ngày nay, sau khi biết được chân nghĩa Phật Đà, thì nhân gian không thể tái diễn sự nhầm lẫn và sai trái này được!

Hỏi: Tuy Phật Đà nhấn mạnh chúng sinh bình đẳng, nhưng vì sao trong chế độ của Phật giáo, nam giới xuất gia có thể “thất tiến thất xuất – bảy lần xuất gia, bảy lần hoàn tục”, mà nữ giới xuất gia lại chỉ có một cơ hội duy nhất, thưa thầy?

Đáp: Phật giáo từ thời Phật Thích Ca Mâu Ni cho đến 100 năm sau Niết Bàn được gọi là Phật giáo nguyên thủy hoặc cội nguồn Phật giáo, sau đó bước vào giai đoạn tiểu thừa Phật giáo hay còn gọi là thời đại Phật giáo bộ phái.

Trong thời Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật giáo chỉ lưu truyền ở khu vực trung du sông Hằng – một con sông lớn ở phía bắc Ấn Độ. Sau khi bước vào thời kì Phật giáo bộ phái, Phật giáo được truyền bá rộng khắp đất nước Ấn Độ, ở những nơi xa xôi do phong tục tập quán và trung thổ Ấn Độ bất đồng, cho nên về mặt giới luật có một vài điều không nhất quán, về phong tục tập quán cũng có nhiều điểm không tương đồng.

Thời đại Phật giáo bộ phái, tương truyền có hơn 20 bộ phái khác nhau, tức có hơn 20 tông phái nằm rải rác nhiều khu vực khác nhau. Về mặt nguyên tắc, mỗi tông phái tự có giới luật lưu truyền lại của riêng mình, 20 tông phái sẽ có 20 loại giới luật khác nhau. Mặc dù giới luật nguyên thủy cùng đồng bộ nhưng sau khi phân chia ra nhiều nơi, do ngôn ngữ các vùng không giống nhau và hoàn cảnh truyền sao khác nhau nên dần dần hình thành giới luật các bộ phái riêng biệt.

Sau này, lưu truyền vào Trung Quốc có giới luật của năm bộ phái, trong đó có một loại đề cập tới vấn đề nam – nữ xuất gia, nói rõ nam giới xuất gia có bảy cơ hội được hoàn tục, cũng có nghĩa là sau sáu lần hoàn tục thì còn duy nhất một cơ hội lần thứ bảy là xuất gia trở lại; còn nữ giới chỉ có duy nhất một cơ hội mà thôi, nếu đã hoàn tục một lần rồi thì không còn cơ hội trở lại làm người xuất gia nữa. Đây chỉ là quan điểm của một bộ phái, không phải giới luật của tất cả các bộ phái đều như vậy. Tôi không rõ trong thời đại Phật giáo nguyên thủy có quy định về điều kiện nam nữ xuất gia hay không.

Trong thời đại Phật Thích Ca Mâu Ni, giới luật được đính chính sửa đổi rất nhiều lần do nhân tố con người, thời gian, và sự việc, thậm chí khi Đức Thích Ca Mâu Ni chuẩn bị nhập Niết Bàn, giới luật cũng có thể bị sửa đổi. Việc thay đổi này cần dựa vào tình hình lúc bấy giờ, mỗi một điều luật cần sửa đổi phải sửa đổi ngay, cho nên, sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn, giới luật cũng chưa hoàn thành việc đính chính.

Vậy mà, sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, không có ai thay thế việc sửa đổi giới luật. Bởi giới luật không phải là pháp lệnh mọi người cùng thảo luận đưa ra quy định, mà đó là sự chế định của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, do đó ta chỉ có thể tiếp tục truyền đạt lại kinh Phật cho người đời sau. Dù chỉ có một bộ phái quy định việc nam nữ xuất gia, nhưng chúng ta cũng tận mắt thấy được giới luật này, dù sao cũng phải tiếp tục tuân thủ quy định đó.

Còn về việc vì sao lại có điều luật quy định này, rất có thể trong một thời khắc nào đó địa vị của nữ giới quá thấp bé, rất dễ dàng xuất gia, còn nam giới địa vị lại rất được coi trọng, việc xuất gia với họ không phải là điều dễ dàng gì. Nguyên nhân bộ phái đó đưa ra quy định này, hoặc là phụ nữ thời đó bị áp bức nhưng lại có được sự bảo hộ, nếu họ có thể tùy tiện xuất gia – hoàn tục nhiều lần như thế thì số lượng tăng lữ quá nhiều. Trong giới luật có quy định, nam giới có quyền và nghĩa vụ bảo hộ nữ giới xuất gia, nữ giới quá đông cũng vẫn cần sự bảo hộ này, như vậy sẽ không cân bằng giữa tỉ lệ nam – nữ trong chuyện đó.

Do số lượng nam giới xuất gia ít, nên cần phải động viên họ xuất gia, sau khi hoàn tục vẫn có thể trở lại với cửa chùa. Nếu không cho họ cơ hội quay lại thì e rằng số lượng nam giới xuất gia ngày càng ít đi, sẽ không có ai bảo vệ phụ nữ xuất gia nữa! Theo hiểu biết của tôi, quy định này được hình thành theo cách đó. Do vậy, những việc ta tận mắt nhìn thấy, trước tiên không nên nhấn mạnh công bằng hay không công bằng, mà ta nên xem xét nguyên nhân hình thành lên sự việc đó với hoàn cảnh của xã hội đương thời.

Hỏi: Trong “Pháp hoa kinh” có nói: “Thị pháp chủ pháp vị, thế gian tướng thường trú” – tức chỉ tất cả mọi sự vật trên thế gian này đều là hiện thân của pháp thân (theo Phật giáo, pháp thân là thân thể đã được thanh tịnh, trở về chính mình, công đức viên mãn, là bất tử bất diệt, tuy vô hình nhưng có thể hiện hữu bất cứ nơi đâu). Vậy xin thầy cho biết, đây có phải là cách giải thích của Phật giáo về vấn đề bình đẳng không?

Đáp: Phật pháp giảng giải “pháp chủ pháp vị” ý nói, mỗi pháp đều bình đẳng và có vị trí nhất định của riêng nó. Nhưng anh có vị trí của anh, họ có vị trí của họ, các vị trí này không thể hoàn toàn giống nhau được. Dù ngồi ở phía trước, phía sau, phía trên, phía dưới, bên trái, bên phải hay ở giữa đều là vị trí khác biệt. Chỉ có duy nhất một vị trí ở giữa trung tâm, ta không thể vì mưu cầu bình đẳng mà đặt tất cả mọi người cùng ngồi vào vị trí đó. Nếu làm vậy thì xã hội không còn trật tự của riêng nó nữa! Vì thế, mọi người cần làm tròn trách nhiệm và bổn phận của mình, tôn trọng lẫn nhau, đó mới gọi là bình đẳng.

Hiện nay thế giới đã bước sang con đường toàn cầu hóa, cái mà người ta quan tâm đến không chỉ là giới tính, mà đó còn là sự bình đẳng của cộng đồng loài người, bình đẳng ở đây chỉ bình đẳng về quyền lợi chứ không phải bình đẳng về năng lực. Quyền lực tuyệt đối là bình đẳng, nhưng sau khi cạnh tranh công bằng hợp lí, như lẽ tự nhiên thì mỗi thứ đều có vị trí riêng của nó.

Nữ giới trong thời đại mới

Hỏi: Thưa thầy, có người cho rằng “chủ nghĩa nữ quyền” ra đời dưới diễn biến chống đối lại “chủ nghĩa sô-vanh” của phe nam giới, xét về quan điểm giới tính và quyền tự chủ áp dụng tuyệt đối trong vấn đề này thì chủ trương đó có đúng đắn không?

Đáp: Người xưa có câu “vật cực tất phản” – tức chỉ sự vật phát triển đến đỉnh điểm, cực điểm thì sẽ chuyển hóa theo hướng ngược lại. Sau khi chủ nghĩa trọng nam phát triển đến một trình độ nào đó, do sự thay đổi hoàn cảnh của thời đại, quan niệm cũng thay đổi theo, còn nữ giới tự nhận thấy được mình bị áp bức bèn bắt đầu nổi dậy giành lại địa vị cho mình, do đó mà có chủ nghĩa nữ quyền.

Sự xuất hiện của những người theo chủ nghĩa nữ quyền kéo theo sự xuất hiện bối cảnh của sự trưởng thành, của gia đình và xã hội, tập hợp tất cả các yếu tố của phương Đông và phương Tây.

Những người phụ nữ mạnh mẽ quyết liệt sẽ tìm người bạn đời hoặc là tình nguyện theo cô ta, thừa nhận nữ giới thật vĩ đại, hoặc là anh chàng đó phải sống dựa dẫm, đồng thời trở thành vật sở hữu phụ thuộc vào họ. Nếu không, những người phụ nữ này khó có thể tìm được nửa kia của đời mình, bởi họ căm hận, chán ghét, thậm chí muốn áp chế nam giới. Phàm chỗ nào có nam giới họ đều tỏ thái độ phản đối, như vậy là uốn nắn quá tay rồi!

Hỏi: Chủ nghĩa nữ quyền và sự kỳ vọng vai trò của nữ giới trong quan niệm truyền thống dường như mâu thuẫn nhau, vậy những người phụ nở giữa hai trào lưu này cần phải tự giải quyết ra sao?

Đáp: Về vấn đề này, tôi xin lấy ví dụ về xã hội của đất nước Nhật Bản. Trước kia, xã hội

Nhật Bản là xã hội “trọng nam”, nữ giới không hề có vị trí trong xã hội. Nhưng tại đất nước Nhật Bản ngày nay, hiện tượng xã hội đó đã thay đổi, phụ nữ trẻ vô cùng mạnh mẽ, những việc nam giới có thể làm thì họ cũng có thể làm, nam giới tham gia được thì họ nhất định phải tham gia, không hề nhượng bộ cánh mày râu.

Sau khi họ kết hôn, sinh con và bước vào giai đoạn trung niên thì phải trở về với quy củ phép tắc truyền thống. Do phải chăm sóc con cái cho nên họ rất cần một mái ấm gia đình, chỉ cần người chồng kiếm tiền nuôi con là họ có thể chuyên tâm chăm nom cho tổ ấm đó. Phụ nữ trung niên ở Nhật Bản sẽ trở về vai diễn truyền thống như một lẽ tự nhiên.

Tuy nhiên, hiện tượng này có thể tiếp tục lại thay đổi nữa không, ngay bản thân tôi cũng không dám chắc. Nhưng chắc chắn rằng giới trẻ Nhật Bản vẫn còn có người theo chủ nghĩa nữ quyền, khi đến tuổi trung niên sẽ không xuất hiện nữ nhi quá mạnh mẽ nữa, thay vào đó là thế hệ thanh niên đời sau sẽ đề xướng tới chủ nghĩa nữ quyền.

Hỏi: Xã hội ngày nay có rất nhiều người phụ nữ kiệt xuất được biểu dương, bởi họ có con mắt nhìn xa trông rộng, quan tâm nhiều đến toàn thể xã hội và nhân loại, vậy xin thầy cho biết, điều này có khác biệt gì về mặt trình độ so với những người phụ nữ theo chủ nghĩa nữ quyền?

Đáp: Trong xã hội phương Tây, thử hỏi có bao nhiêu người theo chủ nghĩa nữ quyền đích thực? Thực ra, số lượng đó rất ít, trong bất cứ ngành nghề nào thì những người phụ nữ xuất sắc đa phần không phải là người theo chủ nghĩa nữ quyền hoặc chủ nghĩa trọng nữ. Ví dụ như, số lượng người theo chủ nghĩa nữ quyền cực đoan sau một vài năm cố gắng có thể trở thành nhân vật xuất chúng của một ngành nghề nào đó không nhiều. Muốn trở thành lãnh đạo một lĩnh vực nào đó, trước tiên cần yêu mến, tôn trọng người cùng ngành. Đã gọi là bình đẳng rồi thì không thể chỉ quan tâm đến nữ giới mà phớt lờ các đấng mày râu. Nếu chỉ giữ thái độ ưu tiên phái nữ thì việc trở thành lãnh đạo trong xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo quan điểm và lập trường của tôi, tôi đồng tình với chủ nghĩa nữ quyền, và nhận thấy rằng sự hình thành của nó là có nguyên nhân, một xã hội nhất thiết phải có những người như thế, ngược lại, nếu không có, thì nam giới luôn là kẻ mạnh trong xã hội, điều này không ổn lắm!

Sự hy sinh trong hôn nhân gia đình

Hỏi: Do chịu sảnh hưởng của phương Tây, nữ giới bắt đầu phải làm việc gánh đỡ một phần trách nhiệm tài chính của gia đình, đồng thời bổn phận công việc của người phụ nữ truyền thống phương Đông cũng không thể giảm bớt được. Điều này đã gây ra áp lực lớn cho người phụ nữ, xin thầy cho biết ý kiến của ngài về vấn đề này?

Đáp: Đây là vấn đề rất lớn đáng để lưu tâm. Tôi lấy ví dụ, một đơn vị nghiên cứu nào đó cần chiêu sinh, thường thì thành tích học tập của nữ sinh tốt hơn nam sinh, sau thời gian lên lớp và thi cử, thành tích của họ thậm chí còn cao hơn rất nhiều. Nhưng một khi nảy sinh tình cảm nam nữ, lúc này biểu hiện và thành tích của bạn gái có phần kém hơn trước kia, và ngược lại, thành tích của bạn trai thì ngày càng tốt hơn.

Sau khi tốt nghiệp, vốn hai người có thể cùng làm nghiên cứu, nhưng do quá yêu chồng mình nên người phụ nữ đó có thể hy sinh công việc mà dốc hết sức chăm sóc chồng con, gia đình, giúp người chồng yên tâm công tác. Những ví dụ như vậy còn rất nhiều trên thực tế. Phải chăng nữ giới chịu thiệt thoài quá? Cũng chưa hẳn, bởi đó là cô ấy cam tâm tình nguyện làm, không ai ép buộc, tôi không cho đó là sự hy sinh của cô ấy.

Hơn thế, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều hiện tượng rõ ràng hơn vậy, khi tuyển dụng nhân viên cấp cơ sở, số lượng nam nữ đáp ứng được yêu cầu của công việc là ngang bằng nhau, nhưng khi đảm nhận vị trí chủ quản cao cấp thì số nam giới là chủ quản thường lại nhiều hơn. Theo lý mà nói, năng lực của hai phái đều ngang sức ngang tài, vậy vì sao khi tiếp nhận các chức vụ cao cấp thì số lượng nhân viên nữ lại ít đi, còn số lượng nhân viên nam lại nhiều hơn? Liệu công ty đó có cái nhìn kỳ thị với nữ giới? Thực ra tình hình không hẳn là vậy.

Sau khi nữ giới bước sang tuổi trung niên, rất có thể thái độ làm việc của họ chịu sự chi phối và ảnh hưởng của hai nhân tố sau: thứ nhất, con cái họ bắt đầu bước vào giai đoạn mới lớn, bướng bỉnh, họ cần phải trở về mái ấm của mình chăm sóc con cái, và chấp nhận từ bỏ công việc; thứ hai, khi bước vào tuổi trung niên đồng nghĩa với việc tình trạng sinh lí của họ cũng đang trong thời kỳ thay đổi, họ cần phải tiêu tốn nhiều thời gian, công sức, và tâm huyết vào công việc, khiến cho họ không còn đủ sức cạnh tranh với nam giới. Kết quả là tỉ lệ nữ giới đảm nhận chức vụ chủ quản cao cấp chiếm số ít hơn. Điều này chứng tỏ rằng không hề có sự kỳ thị nào đối với nữ giới, mà có rất nhiều nguyên nhân khác gây ra tình trạng này.

Phải chăng nữ giới làm như vậy là không hợp lí? Thực tế không phải như vậy. Vì phụ nữ phải chăm sóc gia đình, chồng, con mà phải hi sinh hết mình, thành công của chồng con chính là nguồn động viên và cũng là thành công của họ. Đằng sau những người nam giới thành công nhất định đều có bàn tay vĩ đại của người phụ nữ; nếu không có sự trợ giúp và nâng đỡ này, chắc chắn phái nam không có được nhiều thành công lớn.

Hỏi: Quan niệm truyền thống trọng nam khinh nữ, thêm vào đó là việc người con trai phải ra ngoài xã hội làm ăn còn phụ nữ chỉ ngồi nhà chăm nom việc bếp núc khiến cho quyền làm chủ và địa vị xã hội của nam – nữ có sự chênh lệch khác xa nhau. Nếu phụ nữ thật sự gây ảnh hưởng lớn hơn nam, thì sự khác biệt từ xưa đến nay nảy sinh như thế nào? Liệu có phải thiên sinh phụ nữ đã phải “chi trả” để sống không?

Đáp: Xã hội Trung Quốc trước kia có câu tục ngữ “gia hữu hiền thê, phu tại ngoại bất chiêu hoạnh họa” – tức là nếu nhà có vợ hiền giúp đỡ nâng giấc thì người chồng ở ngoài xã hội sẽ làm lên sự nghiệp, gặp nhiều thuận lợi và không gây tai họa ngang trái. Nếp sống phong tục và quan niệm này hình thành một cách tự nhiên, nhưng xã hội ngày nay có một số chị em phụ nữ không tình nguyện suốt ngày ở nhà chăm sóc chồng con.

Khi còn ở Mỹ, tôi từng thấy một vài cặp vợ chồng, cả hai đều có thu nhập ổn định, đều đang công tác, cùng nhau gánh vác chi phí tiêu dùng cho cả gia đình, cùng làm việc nhà, chỉ trừ việc sinh con cái – bởi chỉ có phụ nữ mới có thiên chức này! Tất cả mọi việc họ đều chia sẻ cùng nhau làm, và tôi thấy họ đối xử với nhau rất công bằng. Khi người phụ nữ vừa phải làm việc ngoài xã hội, vừa phải làm việc nhà, còn người chồng giao hết trọng trách cho họ thì quả là phi lí.

Tôi cũng đã từng biết một gia đình người Trung Quốc, cả hai vợ chồng đều làm bác sĩ, họ có cha mẹ già và hai đứa con. Khi làm việc thì ông chồng là một vị bác sỹ, cứ hễ về đến nhà thì lại trở thành một “lão gia”, chỉ xem sách, xem báo, xem ti vi; trong khi người vợ vừa tan ca làm phải trở về nhà nấu cơm, chăm con và chăm sóc cha mẹ già. Tôi thấy vậy liền hỏi người vợ này: anh chị đều là bác sỹ cả, vì sao chị lại tình nguyện chịu khổ như vậy? Cô ấy nói: Biết làm sao được, tôi cũng chỉ vì yêu anh ấy mà kết hôn, anh ấy cũng rất yêu các con và gia đình, thân là phận nữ nhi thì cần phải làm tròn bổn phận của nữ nhi. Cô ấy vui vẻ gánh vác nỗi vất vả này mà không hề cảm thấy thiệt thoài, tôi thấy như vậy cũng rất tốt!

Trong tình hình đó, nếu có một ai giúp cô ấy giải oan, đãi lại công bằng, khuyên cô ấy cần làm cuộc cách mạng cho bản thân, chẳng phải gia đình nhỏ bé ấy phải chịu một trận sóng gió mới sao? Vốn gia đình đó bình an vô sự, đó là điều rất tốt, trong lòng người chồng không thấy mắc nợ, còn người vợ thì thấy cuộc sống thật vui vẻ, không có vấn đề gì lớn lao, cũng không có sự mất cân bằng ở đây. Có người hay quan tâm tới chuyện của người khác lại cho rằng người phụ nữ ấy thật ngốc, hoặc kém cỏi, sao cô ta không đấu tranh đãi lại công bằng. Đây là gia đình của mỗi cá nhân, cô ấy tình nguyện cống hiến cho gia đình, cho chồng con, người ngoài không nên có ý kiến bàn tán.

Những gia đình làm kinh doanh không cần tính toán mình bỏ ra bao nhiêu, chỉ cần tự mình cống hiến một cách vui vẻ cũng thấy hạnh phúc và viên mãn rồi.

Hỏi: Thầy từng nói, người người nên cống hiến, chúng ta cũng từng thấy gia đình cả hai vợ chồng cùng kiếm tiền nảy sinh mâu thuẫn thì người chồng thường yêu cầu người vợ từ bỏ công việc về chăm sóc gia đình, vậy lúc này người vợ nên lựa chọn thế nào? Nếu hai bên cùng cố chấp thì vợ chồng nên nói chuyện bàn bạc với nhau theo cách nào?

Đáp: Khi gặp phải trường hợp này, vấn đề cần được giải quyết dựa trên sự tự nguyện của cá nhân. Cần xem đối phương có tình nguyện cùng hợp tác với mình không, nếu không được thì đành tự hỏi bản thân mình có tình nguyện hợp tác với đối phương không.

Nữ thủ tướng nổi tiếng Anh quốc – bà Margaret Hilda Thatcher được gả cho ngài Thatcher và mang họ nhà chồng. Bà có thể thành công trên con đường chính trị là do có sự hợp tác của phu quân mình.

Một ví dụ khác, đó là cựu Tổng thống Mỹ, ngài Clinton. Khi còn đương nhiệm, phu nhân của ngài rất ủng hộ ngài, bà không tham gia ứng cử nghị sĩ mà chỉ muốn làm phu nhân Tổng thống. Sau khi phu nhân Clinton trở thành nghị sĩ, ngài Tổng thống nói rằng: tôi chỉ là phu quân của một vị nghị sỹ nào đó. Điều đó chứng tỏ vợ chồng Tổng thống có thể hỗ trợ giúp đỡ nhau, cùng cố gắng tạo điều kiện để phù hợp với nửa kia. Bà Clinton có thể giữ chức Tổng thống, và lúc này ngài Clinton trở thành phu quân của Tổng thống Hoa Kỳ, điều này không có gì là xấu cả.

Những vấn đề nảy sinh trong gia đình đều là việc của cả vợ chồng, cả hai phải cùng nghĩ cách giải quyết, cam tâm tình nguyện lựa chọn việc thích hợp với nửa kia, đây gọi là chồng xướng vợ họa hoặc vợ xướng chồng họa, chỉ cần giữ được sự bình yên hoà hợp trong gia đình thì làm gì cũng có thể làm được.

Hướng tới bình đẳng giới không khó

Hỏi: Phật dạy chúng sinh bình đẳng, vậy xin thầy cho biết cái gọi là “chúng sinh bình đẳng” ở đây thực chất là gì?

Đáp: “Chúng sinh bình đẳng” chỉ quyền cơ bản của con người. Theo quan điểm của Phật pháp giả dụ tất cả chúng sinh đều tình nguyện học Phật pháp, thì có nghĩa là tất cả loài người đều ngộ được sự giải thoát, thậm chí có thể tu thành chánh quả, đó là sự bình đẳng cơ bản.

Dù nói chúng sinh bình đẳng, nhưng đạo lí này có phần mơ hồ. Trong số tất cả chúng sinh, phương thức sống, điều kiện sinh tồn của mỗi loài sinh vật đều khác nhau, có loài sống dưới nước, có loài sống dưới bùn lầy, có loài lại sống trên cây; thậm chí có loài sinh sống ở những vùng ẩm thấp, nhưng có loài lại sinh sống trong điều kiện lạnh giá.

Nếu năng lực và thể lực ngang bằng nhau thì việc gánh vác trách nhiệm cũng phải được chia đều. Hiện nay không có việc gì chỉ có nam giới làm được còn nữ giới thì không thể. Dù là Quốc vương, Tổng thống, hay Thủ tướng, nữ giới đều có thể đảm nhiệm, chỉ cần có năng lực không việc gì là không thể.

Theo báo cáo tổng kết điều tra hàng năm của tạp chí Forbes, trong số 100 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, tuy tỉ lệ nữ giới nắm vai trò Tồng giám đốc hay doanh nhân với số lượng ít nhưng điều đó không có nghĩa các doanh nhân là nữ giới ít, thực tế không hề có sự kì thị về việc không cho phép phụ nữ làm kinh tế hay không thể tự mở doanh nghiệp kinh doanh.

Hỏi: Tuy nói chúng sinh bình đẳng, nhưng xã hội ngày nay vẫn còn hiện tượng trọng nam khinh nữ. Xin thầy cho biết, chúng ta cần làm thế nào để phá vỡ quan niệm bất bình đẳng này?

Đáp: Quan niệm trọng nam khinh nữ là vấn đề thuộc về phong tục tập quán. Trong xã hội phụ hệ lấy nam giới làm chủ thì đó chính là việc chủ yếu tôn sùng nam nhân. Còn trong xã hội mẫu hệ, nam giới chỉ là vật sở hữu và phụ thuộc, họ không có địa vị xã hội, và hiện nay trên thế giới vẫn còn tồn tại một số bộ lạc vẫn duy trì được xã hội mẫu hệ như xưa. Tuy nhiên, nữ giới vẫn được tôn trọng, chỉ có điều họ phải nhượng bộ một chút trước mặt nam giới, bởi đó dường như là quy ước của phong tục tập quán rồi.

Lật lại lịch sử quá khứ, một tộc người có số lượng nữ giới nhiều hơn nam giới thì sẽ không được an toàn, bởi rất khó chống đối lại sự xâm lược từ bên ngoài. Khi chiến tranh xảy ra, thông thường nam giới đều bị giết sạch, còn phụ nữ và trẻ em thì bị bắt đưa về làm nô lệ. Tại sao nam giới lại bị giết sạch? Bởi vì họ có thể nổi dậy chống kháng lại bất cứ lúc nào, Còn nữ giới thường hay ngoan ngoãn thuận theo.

Nhưng thật sai lầm khi nam giới nghĩ rằng nguyên nhân lịch sử và hoàn cảnh xã hội đó khiến họ ưu việt hơn nữ giới. Bởi nam hay nữ thì mỗi người một việc, một trách nhiệm khác nhau, đó chính là sự bình đẳng. Dù công tác trong ngành nghề hay lĩnh vực nào, chỉ cần làm tốt nhiệm vụ và bổn phận của mình, không phân biệt giới tính thì lúc đó chúng ta đã tạo ra được sự bình đẳng rồi.

Xã hội này rất cần bàn tay phụ nữ, gia đình cũng cần đến họ, phụ nữ có ưu điểm và năng lực riêng của mình, vì đó mà họ cũng nên được tôn trọng như nam giới. Do thế mà nữ giới cần tôn trọng nam giới, và ngược lại, nam giới cũng cần tôn trọng nữ giới, như thế xã hội chúng ta mới thật sự bước sang xã hội bình đẳng giới.

Hỏi: Xin thầy cho biết, xã hội bình đẳng thực sự là xã hội như thế nào?

Đáp: Do công nghệ thông tin phát triển, giao thông thuận lợi, sự giao tiếp hỗ trợ giữa người với người thuận lợi hơn, rộng rãi hơn; do vậy mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa, xã hội khác nhau đều có thể quan sát học hỏi nhau và ảnh hưởng lẫn nhau, hình thành lên một thời đại đa nguyên hóa, hay còn gọi là toàn cầu hóa. Dù trong lĩnh vực kinh tế, quân sự, văn hóa, tôn giáo hay các lĩnh vực khác, mọi người đều có thể đạt đến nhận thức chung và chung sống với nhau hoà hợp hơn, chứ không phải là sự kì thị nhau.

Các nước tiên tiến không nên cao ngạo, còn các khu vực phát triển chậm không nên tự ti do lạc hậu hơn các nước khác, cần xem xét nhân quyền của con người trên lập trường bình đẳng, dù nam hay nữ, già hay trẻ, ốm đau hay khỏe mạnh, tất cả đều phải được bình đẳng như nhau và có quyền lợi như nhau.

Còn về tôn giáo, có nhất thần giáo, đa thần giáo, Phật giáo thuộc loại vô thần, những tôn giáo này đều có ưu điểm riêng của mình. Trước kia chúng ta cho rằng những tôn giáo khác đều là ngoại đạo, là tà giáo, đây là quan niệm này đã lỗi thời rồi. Trong thời đại ngày nay, chúng ta cần tôn trọng tất cả các tôn giáo khác nhau.

Về mặt nhân quyền, trong xã hội phương Tây trước kia vị trí của người da trắng là đệ nhất, còn người da đen hơn một nửa dân số thuộc tầng lớp nô lệ, căn bản không được ngồi cùng người da trắng, đây là điều hết sức bất công xảy ra trong xã hội loài người.

Hiện nay, bất luận là kì thị chủng tộc, kì thị giới tính, kì thị tôn giáo hay kì thị nền văn hóa, kì thị nền kinh tế, tất cả đều đã bị phá vỡ, xem xét dưới góc độ lập trường cơ bản thì mỗi một con người đều được tôn trọng năng lực của mỗi người khác nhau, có người thì thiên sinh đã có năng lực tốt, có người thì kém hơn một chút, nhưng không có nghĩa là ai ai cũng có thể làm ông chủ, làm giám đốc hay thậm chí làm tổng thống. Mọi người đều nên được tôn trọng bình đẳng như nhau, mỗi người có một vị trí khác nhau, cùng nhau nỗ lực làm việc.

Hỏi: Trong xã hội tự do dân chủ, việc nam nữ bình đẳng có thể trở thành hiện thực trong một ngày nào đó không, thưa thầy?

Đáp: Từ “Bồ-tát” mà Phật giáo nói tới là danh từ kính trọng chỉ sự hiến dâng, họ không mưu cầu đạt được gì hay được đền đáp ra sao, đó là trách nhiệm mà người tu hành theo đạo Bồ-tát phải làm, có cơ hội cống hiến họ sẽ thấy cảm tạ bởi tu theo đạo Bồ-tát giúp họ trưởng thành hơn; nếu không được cống hiến, và không có việc gì làm có nghĩa là họ không thể trưởng thành được. Nếu muốn có được công đạo dựa trên quan niệm công bằng hay không công bằng, liệu ta có phải nói với Bồ-tát rằng: ngài cũng nên yêu cầu có được bình đẳng như chúng sinh, cần gì phải lao công cống hiến nhiều như vậy? Người ta không đền đáp lại, sao ngài vẫn tiếp tục giúp đỡ họ? Chúng ta cũng nên nghĩ vậy, không phân biệt nam nữ người có năng lực cần phục vụ người kém hơn mình hoặc thậm chí là người vô năng.

Chúng ta cũng thường nghe nói “xảo giả, chuyết chi nô dã” (người khéo giỏi là nô lệ của người thiểu năng), ý nói người thông minh có năng lực cần giúp đỡ và phục vụ người không có năng lực, như vậy mới thể hiện được hết bản chất năng lực, tầm quan trọng và mục đích tồn tại của mình. Nếu cả người nam người nữ không ai muốn cống hiến nhưng lại muốn có công bằng thì ắt hẳn thiên hạ không có ai là người vĩ đại!

Vĩ nhân (dù là nam giới hay nữ giới) chỉ biết tận tâm cống hiến cho quần chúng, họ không hề nghĩ hay để ý đến việc mình có được đối xử công bằng hay không. Sự tiến bộ của nền văn minh thế giới cùng sự phát triển của xã hội sẽ trở nên lạc hậu mấy chục nghìn năm nếu không ai muốn là vĩ nhân, chỉ mong làm người bình thường, nhưng việc gì cũng mưu cầu đến công bằng.

Những người cống hiến nhiều cho xã hội là những nhà lãnh đạo có trí tuệ, năng lực cao siêu, và có trách nhiệm, có như vậy xã hội mới tiến bộ trưởng thành, văn hóa cũng được nâng cao. Ngược lại, bất kể sự việc gì cũng yêu cầu bình đẳng tuyệt đối, thì xã hội sẽ không còn không gian để phát triển nữa.