NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Thang Xương Hoằng
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Thang Xương Hoằng

Nhận được thư, khôn ngăn cảm khái, hổ thẹn. Quang là hạng người như thế nào làm sao kham nổi những lời khen ngợi quá mức như thế? Tuy vậy, người cùng bệnh mến nhau, nên chẳng thể không bày tỏ nỗi lòng cùng nhau. Nay những kẻ học thánh học hiền chỉ học lấy văn ngôn mà thôi! Đối với những chỗ vì sao thánh hiền thành thánh hiền, họ đều coi thường chẳng suy xét tới. Đấy là cái gốc bệnh của mọi người học trong cả thế gian này, chứ chẳng phải chỉ là căn bệnh của một hai người như tôi, như ông đâu! Đã có cái gốc ấy, chắc chắn sẽ chẳng thể thuận theo địa vị mà hành, chắc chắn khi gặp phải những cảnh phú quý, bần tiện, oai vũ ắt sẽ thành dâm, di, khuất[1] vậy!

Đừng nói gì người đời này, ngay những kẻ truyền tâm pháp của thánh nhân trong Tống Nho, đối với hai chữ “cách vật” vẫn còn chưa thể hiểu rõ, huống gì người đời sau! Muốn làm sáng tỏ Minh Đức (minh Minh Đức) mà trước hết chẳng “cách trừ” (trừ khử) “món vật” là sự ham muốn trong tâm con người thì chuyện làm sáng tỏ Minh Đức trở thành nói xuông. Dù có học đến mức văn chương trùm lấp cõi đời vẫn cứ quanh quẩn trong vòng ham muốn của con người, sao không bị chuyển theo cảnh?

Như ông nói “minh Minh Đức giống như chứng Bồ Đề, Nho – Phật cố nhiên không hai; học Khổng, học Phật, lý không ngoài những gì đã nói trong một chương sách Đại Học” chính là người minh bạch cưỡng làm hồ đồ, ấy có phải là muốn thử xem Ấn Quang đối với những chuyện đó có hiểu được phần nào hay chăng? Nếu có thì đủ chứng tỏ cái nhìn sáng suốt của các hạ; nếu không thì tôi muốn phát huy ý nghĩa tột cùng về duyên do vậy. Nhưng đã là đồng bệnh tương lân, nào ngại gì nói lên tình huống khổ sở, ngõ hầu nhẹ bớt nỗi uất ức mà thôi. Bản thể của Nho và Phật cố nhiên không hai, nhưng công phu của Nho và Phật, nếu luận một cách nông cạn thì cũng khá tương đồng; nhưng nếu bàn sâu xa hơn thì khác biệt như trời với đất. Vì sao nói thế? Nho lấy Thành làm gốc, Phật lấy Giác làm tông. Thành chính là Minh Đức, do Thành khởi Minh, do Minh đạt Thành, nên Minh và Thành hợp nhất, ấy chính là “minh Minh Đức” (làm sáng tỏ cái đức sáng). Giác có Bổn Giác và Thỉ Giác[2]; do Bổn Giác khởi Thỉ Giác, do Thỉ Giác chứng được Bổn Giác, Thỉ và Bổn hợp nhất bèn thành Phật. Bổn Giác chính là Thành, Thỉ Giác chính là Minh. Thuyết pháp như vậy thì Nho và Phật trọn chẳng hai.

Như các hạ nói “học Khổng, học Phật, lý chẳng ngoài một chương Đại Học”, đấy chính là lời quyết định không nghi, nhưng chỉ là lời biện luận ở mức độ nông cạn! Đối với việc phát huy thứ lớp công phu tu chứng sâu – cạn theo thì gốc tuy đồng, nhưng cái chứng được, cái đạt đến khác biệt rất lớn! Nho gia làm sáng tỏ Minh Đức há có giống được như nhà Phật đoạn sạch hoàn toàn Tam Hoặc, nhị nghiêm (phước và trí) toàn vẹn chăng? Có được như hàng Bồ Tát chứng Pháp Thân phá từng phần vô minh, thấy được từng phần Phật Tánh hay chăng? Có được như Thanh Văn, Duyên Giác đoạn sạch Kiến Tư hai Hoặc hay chăng? Trong ba hạng trên, chỉ có Thanh Văn đoạn Kiến Tư Hoặc là thấp kém nhất, nhưng đã lục thông tự tại. Vì vậy, ngài Tử Bách[3] nói: “Nếu có thể quên ngay tình kiến thì vách núi còn có thể xuyên thẳng qua được!” Sơ Quả còn phải bảy lần sanh lên trời, bảy lần sanh vào nhân gian, nhưng đã có đạo lực tùy ý chẳng phạm Sát Giới. Do vậy, họ đi đến đâu, các loài trùng tự lìa khỏi chỗ ấy. Nên mới có câu: “Sơ Quả cày đất, trùng tránh xa bốn tấc”, huống gì là hạng Nhị, Tam, Tứ Quả ư?

Hãy gác những người học theo Nho Giáo lại đã, chỉ bàn đến những bậc thánh nhân. Những vị thánh nhân ấy đa phần là bậc Đại Quyền thị hiện, không bàn đến Bổn của họ, nếu chỉ căn cứ theo Tích để luận thì e rằng chưa thể sánh bằng bậc đã đoạn sạch Kiến Tư Hoặc, huống chi bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ phá vô minh, chứng pháp tánh! Cứ cho là “làm sáng tỏ Minh Đức” ngang vai bằng lứa với bậc đã phá vô minh đi nữa, nhưng phá vô minh có bốn mươi mốt địa vị, những kẻ đã làm “sáng tỏ Minh Đức ấy” có bằng vai được với Sơ Trụ là địa vị đầu tiên hay không? Có bằng vai được với địa vị tối hậu là Đẳng Giác hay không? Dẫu cho có bằng vai với bậc tối hậu là Đẳng Giác đi nữa, thì Minh Đức vẫn chưa thể làm sáng tỏ đến cùng cực, còn phải phá một phần vô minh nữa mới có thể nói là Thành và Minh hợp nhất, Thỉ – Bổn không hai vậy! Vì thế, tôi nói: “Về Thể tuy đồng, nhưng phát huy công phu chứng đắc bất đồng!”

Người đời nghe nói là “đồng” bèn cho rằng Nho Giáo hoàn toàn bao trọn Phật giáo, nghe nói là “khác” bèn cho là Phật giáo hoàn toàn chẳng phải là Nho Giáo, chẳng biết duyên do “tuy đồng nhưng bất đồng, bất đồng nhưng đồng” vậy. Do đó, cứ tranh luận lung tung, ai nấy chia vạch môn đình, ai nấy đánh mất bản tâm yên đời, độ người của Phật, Bồ Tát, thánh nhân, chẳng đáng buồn sao? Trong tháng Sáu, ông Dương Lệ Đường người xứ Hương Sơn, Quảng Đông, từ Đàn Hương Sơn (Honolulu) trong Thái Bình Dương gởi thư cho Tạng Quán Thiền ở Sơn Đông nhờ đem cuốn sách hòa hội [những giải thích về] Nho – Phật xưa nay do ông ta biên soạn, đặt tên là Nho – Thích Nhất Quán, muốn dẫn dụ Nho nhập Phật, lầm lẫn ủy thác Quán Thiền nhờ Quang viết bài tựa. Quang thuở nhỏ không gắng sức, đến già vô tri, vì ông ta kèo nài, khó thể thoái thác, bèn nguệch ngoạc hơn ngàn chữ cho xong trách nhiệm. Nay đem bản thảo ấy gởi đi, xin hãy giảo chánh tỉ mỉ.

***

[1] Nho giáo có câu: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, oai vũ bất năng khuất” (Phú quý chẳng phóng đãng, nghèo khó chẳng đổi dời, oai vũ chẳng khuất phục)

[2] Bổn Giác là giác tánh sẵn có. Theo giáo nghĩa Thiên Thai, thông qua tu tập, từ từ nhận biết, khơi mở được tâm nguyên sẵn có, đó gọi là Thỉ Giác. Còn bản tánh sẵn có thường hằng không hề bị nhiễm ô bởi phiền não, trần cảnh, thì gọi là Bổn Giác. Thành Phật Đạo chính là từ Thỉ Giác ngộ được Bổn Giác, Bổn Giác và Thỉ Giác hợp nhất.

[3] Tử Bách đại sư (1543-1603): Húy là Chân Khả, pháp tự Đạt Quan, hiệu là Tử Bách Lão Nhân, là người ở Ngô Giang, sống vào thời Minh. Sư tánh tình mạnh mẽ, quyết đoán, thân thể khôi vĩ, thuở nhỏ thích đi đó đây làm việc nghĩa hiệp. Năm mười bảy tuổi, xin xuống tóc với ngài Minh Giác ở núi Hổ Khâu, thường đóng cửa đọc sách, trọn chẳng ra ngoài phạm vi nơi ấy suốt cả nửa năm. Hễ thấy người xuất gia uống rượu, ăn mặn, Sư quở: “Người xuất gia như vậy đáng giết đi!” Sau khi thọ Cụ Túc Giới, Sư bế quan suốt ba năm tại chùa Cảnh Đức ở Vũ Đường. Hạn kỳ mãn, bèn tham học các nơi. Nghe tụng bài kệ của Trương Chuyết: “Đoạn trừ vọng tưởng càng thêm bệnh, hướng đến Chân Như cũng chỉ tà” càng ôm mối nghi tình lớn. Một ngày nọ thọ trai xong, đang uống nước bỗng đại ngộ, nói: “Nếu ta thuộc tông Lâm Tế, ở dưới tòa ngài Đức Sơn, vỗ một cái liền tỉnh”. Ngài lên kinh đô, y chỉ với Biến Dung đại lão suốt chín năm. Cùng với Hám Sơn Đại Sư, ngài Tử Bách san nhuận tu bổ bộ Đại Minh Truyền Đăng Lục. Năm Vạn Lịch 28 (1600), triều đình đặt ra thuế má nặng nề, quan lại thừa cơ bòn rút dân chúng tàn tệ, Sư phẫn nộ, lên kinh đô kháng nghị. Sẵn có vụ án yêu thư yêu ngôn phát sinh, bọn tham quan vu cáo Sư chủ xướng nên Sư bị hạ ngục. Đến năm 1603, dẫu không bằng chứng, Sư vẫn bị kết tội tử hình. Nghe kết án, Sư thản nhiên nói: “Đời đã đến thế, ở lâu nơi đời làm gì?” Sư tắm gội, đọc kệ, dặn dò thị giả rồi ngồi ngay ngắn qua đời, thọ sáu mươi mốt tuổi. Sư để lại các tác phẩm: Bát Nhã Tâm Kinh Thuyết, Bát Nhã Tâm Kinh Yếu Luận, Bát Nhã Tâm Kinh Lược Đàm, Tử Bách Lão Nhân Tập (15 quyển), Tử Bách Lão Nhân Biệt Tập (4 quyển).