TRUNG LUẬN 
(MADHYAMAKA SASTRA) 
Tác giả: Nagaruna 
Dịch và chú giải: HT Thích Thiện Siêu 
Nhà xuất bản: TP. Hồ Chí Minh 2001

PHẨM VIII

QUÁN VỀ TÁC, TÁC GIẢ

(Gồm 12 bài kệ)

Hỏi: Hiện có tác nghiệptác giả và thân miệng ý dùng để tạo tác; ba việc ấy hòa hiệp nên có quả báo. Thế nên có tác nghiệp và tác giả thật ?

Đáp: Ở trên kia trong mỗi mỗi phẩm đã phá bỏ hết thảy pháp không thừa thứ gì, như phá bỏ ba tướngBa tướng không có nên không có pháp hữu vipháp hữu vi không có nên không có pháp vô viPháp hữu vi vô vi không có nên hết thảy pháp đều không. Ông nói tác nghiệp và tác giả nếu là pháp hữu vi, thì đối với hữu vi đã phá, nếu nó là pháp vô vi, thì đối với vô vi đã phá, không nên hỏi nữa. Song tâm chấp đắm của ông quá sâu, còn muốn hỏi nữa, nên tôi sẽ nói tiếp.

1. Nếu trước đã quyết định có (thật có) tác giả, thời không thể làm nghiệp đã quyết định (thật có); nếu trước quyết địnhkhông có tác giả, thời không thể làm nghiệp không quyết định.

Nếu trước đã quyết định có tác giả, tức là đã quyết định có tác nghiệp, thời không thể có tạo tác. Nếu trước đã quyết định không có tác giả, tức đã quyết định không có tác nghiệp, thời cũng không thể tạo tác, vì sao ?

2. Nghiệp quyết định sẵn có rồi, thời không có tạo tác; như vậy, nghiệp ấy không có tác giả. Còn tác giả quyết định đã có rồi, thời không có tạo tác; như vậy, tác giả ấy không có tác nghiệp.

Nếu trước đã quyết định có tác nghiệp rồi, thời không thể lại phải có tác giả; (vì nghiệp đã thành rồi thì làm gì nữa), lại tách lìa tác giảvẫn có tác nghiệp, như vậy không đúng. Nếu trước quyết định có tác giả, thời không thể lại phải có tác nghiệp; (vì đã có tác giả tức là đã có tạo tác rồi thì còn tạo tác gì nữa), lại tách lìa tác nghiệp vẫn có tác giả, như vậy không đúng. Thế nên trước đã quyết định có tác giả, đã quyết định có tác nghiệp, thời không thể có tạo tác; trước không quyết định có tác giả, không quyết định có tác nghiệp cũng không thể có tạo tác, vì sao ? Vì xưa nay vốn không có. Có tác giả có tác nghiệp còn không thể có tạo tác, huống gì không có tác giả không có tác nghiệp.

Lại nữa,

3. Nếu quyết định thật có tác giả, cũng quyết định thật có tác nghiệp, thời tác giả và tác nghiệpấy bị rơi vào tà kiến vô nhân.

Nếu trước quyết định có tác giảquyết định có tác nghiệp, mà ông cho rằng tác giả có tạo tác; thế tức là không có nhân duyên, lìa tác nghiệp có tác giả, lìa tác giả có tác nghiệp, như vậy là không do nhân duyên mà có.

Hỏi: Nếu không do nhân duyên mà có tác giả có tác nghiệp, thời có lỗi gì ?

Đáp:

4. Nếu rơi vào tà kiến vô nhân, thời không có nhân không có quả, không có tác nghiệp, không có tác giả, cũng không có pháp dùng để tạo tác.

5. Nếu không có sự tạo tác v.v… thời không có tội phước. Tội phước không có, nên quả báo tội phước cũng không có.

6. Nếu không có quả báo tội phước, thời cũng không có Niết-bàn; có tạo tác gì, tất cả đều không có kết quả.

Nếu rơi vào tà kiến chấp vô nhân, thời cho tất cả pháp không nhân không quả. Pháp sinh ra pháp khác gọi là nhân, pháp được sinh ra gọi là quả. Nhân và quả không có nên không có tác nghiệp, không có tác giả, cũng không có thân miệng ý là pháp dùng để tạo tác, cũng không có tội phước, tội phước không có nên cũng không có quả báo tội phước, và đạo đại Niết-bàn. Thế nên không thể từ vô nhân sinh ra.

Hỏi: Nếu tác giả bất định (không thật có) mà tạo nghiệp bất định (không thật có), có lỗi gì ?

Đáp: Một sự không có còn không thể tạo nghiệp, huống gì cả hai là tác giả và tác nghiệp đều không thậtcó, ví như người biến hóa dùng hư không làm nhà, thời đây chỉ có ngôn thuyết, chứ tác giả không có mà tác nghiệp cũng không có.

Hỏi: Nếu không có tác giả không có tác nghiệp nên không thể tạo tác gì, còn nay có tác giả có tác nghiệp, thời có thể có tạo tác ?

Đáp:

7. Tác giả cũng định (có thật) cũng bất định (không thật), không thể tạo tác hai nghiệp, là định và vô định, vì có và không trái nhau, nên nơi một chỗ tác giả, thì không thể có hai thứ ấy.

Tác giả quyết định (thật có) và không quyết định (không thật có), không thể làm hai nghiệp là quyết địnhvà không quyết định, vì sao ? Vì quyết định có và quyết định không có trái nhau, ở một chỗ không thể có hai. Có là quyết định, không có là không quyết định, một người chỉ làm một việc, chứ làm sao một người mà làm cả hai nghiệp quyết định có và quyết định không có được.

Lại nữa,

8. Tác giả định thật có, không thể tạo bất định nghiệptác giả định không có, không thể tạo định nghiệp. Nếu thật có tác nghiệp và tác giả, thì lỗi lầm ấy trước đã nói rồi.

Nếu có tác giả mà không có tác nghiệp thì đâu có thể làm gì; nếu không tác giả mà có tác nghiệp, thì cũng không thể làm gì, vì sao ? Vì như trước nói. Có tác giả, nhưng nếu trước đã có tác nghiệp rồi thì tác giả còn làm được gì, nhưng nếu không có tác nghiệp, thì tác giả làm sao làm được. Như vậy thời phá hoại cả nhân duyên tội phước quả báo. Thế nên trong bài kệ nói: Có tác giả không thể làm được gì, nếu không có tác nghiệp; không có tác giả không thể làm được gì, nếu đã có tác nghiệp. Nếu có tác nghiệp và tác giả, thì lỗi ấy như trước đã nói.

Lại nữa,

9. Tác giả không tác định nghiệp, không tác bất định nghiệp. Cũng không tác định bất định nghiệp, lỗi ấy trước đã nói rồi.

Định nghiệp đã bị phá, bất định nghiệp cũng phá; định bất định nghiệp cũng đã phá, nay muốn tổng phá cùng trong một lúc. Cho nên nói kệ. Thế nên tác giả không thể làm ba thứ nghiệp, nay ba thứ tác giảcũng không thể tạo tác nghiệp, vì sao ?

10. Tác giả quyết định, không quyết định, vừa quyết định vừa không quyết định, đều không thể tạo tác các sự nghiệp, lỗi ấy trước đã nói rồi.

Tác giả quyết định có, không quyết định có, cũng quyết định cũng không quyết định có, không thể tạo tác nghiệp, vì sao ? Vì lý do của ba thứ lỗi như trước. Trong đây nên nói, như vậy khắp mọi nơi tìm tác giả và tác nghiệp đều không thể có được.

Hỏi: Nếu nói không có tác nghiệp, không có tác giả, thời bị rơi tà kiến chấp vô nhân ?

Đáp: Nghiệp từ các duyên sinh, giả gọi là có, mà không có tự tính quyết định như lời ông nói, vì sao ?

11. Nhân tác nghiệp mà có tác giả, nhân tác giả mà có tác nghiệpý nghĩa thành lập về nghiệp là như vậy, ngoài ra không còn việc gì khác.

Nghiệp trước không có tự tính quyết định, nhân người ta khởi động tạo nghiệp, nhân nghiệp mà có tác giảTác giả cũng không có tự tính quyết định, nhân có tạo tác nghiệp mà gọi là tác giả. Hai việc ấy hòa hợp nên được thành tác nghiệp và tác giả. Nếu nó do hòa hợp mà có như vậy, thời không có tự tính; vì không có tự tính nên “không”, không thời không sinh, chỉ tùy theo kẻ phàm phu ức tưởng phân biệt nên nói có tác nghiệp có tác giả, chứ trong đệ nhất nghĩa không có tác nghiệp không có tác giả.

Lại nữa,

12. Giống như phá bỏ tác nghiệp và tác giả, phá bỏ lãnh thọ và người lãnh thọ cũng như vậy, và đối với tất cả các pháp, cũng nên phá bỏ như đây.

Như tác nghiệp và tác giả không được lìa nhau, vì không lìa nhau nên không quyết định; không quyết định nên không có tự tínhLãnh thọ và người lãnh thọ cũng như vậy. Lãnh thọ là thân năm uẩn, người lãnh thọ là người. Như vậy, lìa người không có năm uẩn, lìa năm uẩn không có người, chỉ do các duyên sinh. Giống như lãnh thọ và người lãnh thọ, tất cả pháp khác cũng đều bác bỏ như vậy.

*

Tóm tắt phẩm VIII: Quán về tác, tác giả.

Phẩm này xét về việc làm và người làm, chỉ có giả danh chứ không thật có tự tính. Trước hết xét về việc làm và người làm thật có, thật không, không thành (kệ 1 đến kệ 6). Tiếp xét về việc làm và người làm cũng có cũng không không thành (kệ 7). Xét về việc làm và người làm một có một không, không thành (kệ 8 đến kệ 10).