ẤN QUANG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC TỤC BIÊN 
印 光 法 師 嘉 言 錄 續 編
Hậu học Thích Quảng Giác & quy y đệ tử Từ Chí Giác đảnh lễ cung kính biên tập
Pháp sư Đức Sâm giám định
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến & Huệ Trang & Đức Phong

 

VII. Phân Thiền Tịnh giới hạn (Phân định giới hạn giữa Thiền và Tịnh)

* Suốt một đời đức Như Lai đã nói vô lượng vô biên pháp môn, tìm lấy pháp trực tiếp, nhanh chóng nhất thì không gì hơn được tham Thiền. Nếu là bậc thượng căn, nghe một, ngộ được cả ngàn, sẽ đắc Đại Tổng Trì[1], nhưng đấy vẫn còn là ngộ chứ chưa phải là chứng! Người có thể thật sự đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh thì trong đời Mạt quả thật chẳng thấy được mấy ai! Những kẻ khác phần nhiều đều là nhận lầm tin tức. Cái được gọi là Ngộ đó, phần nhiều đều là “thác ngộ” (lầm lẫn), ít có kẻ giải ngộ thật sự! Dẫu thật sự ngộ thì vẫn còn cách xa chuyện liễu sanh tử nhiều lắm! Vì tuy được khai ngộ, vẫn cần phải dùng đủ mọi phương tiện để đối trị phiền não tập khí từ bao kiếp đến nay khiến cho hết sạch không còn sót thì mới có thể liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh. Nếu phiền não đã đoạn được chừng bao nhiêu đó, nhưng vẫn còn mảy may chưa đoạn hết thì vẫn cứ sanh tử y như cũ, không thoát ra được!

Nếu chỉ nghĩ “hiểu được tự tâm chính là đạo”, ngoài ra không tu trì gì cả thì sự hiểu lầm ấy chẳng nhỏ đâu! Nếu hiểu biết, [nhưng không thấy] có phiền não nào để được cả, thì có thể gọi là “đắc đạo”, người như vậy đã có thể chém đứt căn bản sanh tử cho nên có thể liễu sanh thoát tử. Nếu tuy hiểu biết, nhưng phiền não chưa đoạn thì làm sao có thể liễu sanh thoát tử cho được? So với kẻ chẳng nhận biết, tuy người ấy cao trỗi hơn nhiều lắm, nhưng sanh tử chẳng liễu thì lại phải thọ sanh, hoặc đâm ra mê muội, đáng sợ vô cùng! Đó là nói về người thật sự khai ngộ đấy nhé, chứ những kẻ tưởng lầm là ngộ, càng khỏi cần phải nói đến nữa! Ấy là vì pháp Tham Thiền chính là pháp môn cậy vào Tự Lực, cho nên đem so với pháp môn Niệm Phật về mặt lợi ích thì thật chẳng khác nào một trời, một vực! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư gởi cư sĩ Nguyễn Hòa Khanh)

* Ý nghĩa “Tịch – Chiếu bất nhị, Chân – Tục viên dung” thì phần kinh văn tiếp theo đó đã hết sức giảng rành, chỉ rõ, sao ông chẳng suy xét nhận hiểu để cầu liễu giải vậy? Nay trước hết tôi giảng rõ ý nghĩa của bốn chữ ấy, [ông hiểu rõ rồi] thì sẽ tự như thế chẻ tre, một điều đã hiểu rõ thì mọi điều đều rõ.

Phần trên là nói về cái đạo mà tâm ta sẵn có và pháp sẵn có trong tâm ta, vốn là Tịch – Chiếu không hai, Chân – Tục viên dung. Thế nào là Tịch? Chính là tâm thể bất sanh bất diệt của ta; hễ có sanh diệt thì chẳng gọi là Tịch. Thế nào là Chiếu? Chính là tâm tướng thường nhận biết rõ ràng của ta; chẳng thường nhận biết rõ ràng thì chẳng gọi là Chiếu. Thế nào Chân? Chính là tâm thể thường tịch, thường chiếu; vốn là chân không, vô tướng, một pháp chẳng lập. Thế nào là Tục? Tục có nghĩa là giả, tuy nói “một pháp chẳng lập”, nhưng “vạn pháp lại đều có đủ”, vạn đức phô bày trọn vẹn (Vạn pháp, vạn đức chính là sự tướng. Do là Sự nên gọi là Tục).

Tịch chính là Thể, Chiếu là tướng trạng và lực dụng của Thể. Ba thứ Thể – Tướng – Dụng này vốn là một pháp; có đủ ba nghĩa này nên gọi là “Tịch – Chiếu bất nhị”. Chân chính là Lý Tánh. Tục chính là Sự Tu. Lý Tánh ấy sẵn đủ đạo Sự Tu. Do Sự Tu ấy mới hiển lộ được đức của Lý Tánh (đấy gọi là “toàn tánh khởi tu, toàn tu nơi tánh”). Vì thế nói là “Chân – Tục viên dung” vậy.

Tiếp đó, [kinh văn nói] “ly niệm, ly tình; bất sanh, bất diệt” nghĩa là “thể tướng, sự lý Tịch – Chiếu, Chân – Tục ấy đều rời khỏi niệm, lìa khỏi tình, chẳng sanh, chẳng diệt”. Xin hãy đọc kỹ thí dụ tiếp theo đó và mấy câu quyết đoán sẽ có thể hiểu rõ được tâm. Nếu vẫn không hiểu thì chính là đời trước thiếu tu tập, chỉ nên chí thành, khẩn thiết trì danh hiệu Phật, đợi khi nghiệp chướng tiêu rồi, sẽ thấy rõ ràng như nhìn vào ngọn lửa sáng, ắt sẽ có buổi nhìn vào mà bật cười. (Hoằng Hóa Nguyệt San số thứ 5 – Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Diệp Sính Thần)

* Nếu dùng cách tham cứu của nhà Thiền “người niệm Phật là ai?” thì chính là tham Thiền cầu khai ngộ, hoàn toàn đánh mất tông chỉ Tịnh Tông. Điều này quan hệ lớn nhất, quan trọng nhất! Con người thường hay mạo danh Thiền Tịnh Song Tu, nhưng tận lực chú trọng tham cứu sẽ đạt được lợi ích hữu hạn (niệm đến chỗ cùng cực cũng sẽ khai ngộ), đánh mất lợi ích vô cùng, vì chẳng chú trọng tín nguyện cầu sanh sẽ chẳng thể cảm ứng đạo giao cùng Phật. Dẫu có đích thân thấy được “người niệm Phật là ai” cũng khó được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương, vì không có cái tâm tín nguyện cầu sanh! Lại chưa đoạn Phiền Hoặc nên chẳng thể cậy vào tự lực để liễu sanh thoát tử. Kẻ ưa ăn nói lớn lối đều do chẳng biết nghĩa này!

Pháp môn Tịnh Độ vượt trỗi hết thảy các pháp môn ở chỗ cậy vào Phật lực; những pháp môn khác đều cậy vào tự lực. Tự lực há có thể sánh cùng Phật lực mà luận ư? Đấy chính là một mấu chốt quan trọng nhất trong pháp môn Tịnh Độ! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Trần Huệ Tân)

* “Chỉ có đường tắt tu hành”. Đây chính là giáo nghĩa, có thể chiếu theo văn tự để hiểu. “Y theo như cũ đi nhiễu”, đây chính là ý nghĩa trong nhà Thiền, phải có chỗ ngộ thì mới biết triệt để được. Tào Lỗ Xuyên[2] tự cho là bậc đại thông gia thông Tông thông Giáo còn hiểu lầm ý này. Các hạ muốn tôi giảng ý nghĩa này, đúng là lời hỏi giỡn chơi! Các hạ hãy buông xuống hết thảy tri kiến thừa thãi, nhất tâm niệm Phật, niệm cho đến khi tâm lẫn Phật đều mất cả rồi, sẽ tự phát ra một tràng cười to, hoàn toàn hiểu rõ. Khi chưa đạt đến, dẫu người khác có giảng cho vẫn chẳng biết được! Ví như đã đến điện Hàm Nguyên[3], mọi thứ trong điện ấy đều biết hết. Nếu vì người chưa đến đấy [mà nói] thì dù có nói rõ ràng, vẫn mờ mịt không biết y như cũ. Những câu nói trong nhà Thiền đều nhằm dạy người khác tham cứu. Nếu hiểu theo ý nghĩa văn tự thì chẳng những không được lợi ích, mà còn có thể coi “hiểu lầm” là ngộ, tội ấy cực lớn. Dẫu ngộ thật sự nhưng liễu sanh thoát tử vẫn còn cách xa lắm! Do kẻ ấy chỉ cậy vào tự lực, phải là sau khi đại ngộ rồi, phiền não, Hoặc nghiệp đoạn sạch không còn sót gì thì mới liễu được. Nếu không, chẳng do đâu mà liễu được!

Pháp môn Niệm Phật nếu đầy đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Căn tánh của các hạ cũng chỉ có thể học theo cách tu trì của hàng ngu phu ngu phụ. Nếu lầm lẫn bắt chước thân phận của Tào Lỗ Xuyên thì chẳng những liễu sanh tử trọn chẳng có phần mà còn thật sợ rằng đọa lạc ba ác đạo ắt đã sẵn phần! Vì sao vậy? Do “chưa được bảo là được, do chưa chứng nói là chứng”; do vậy, hoại loạn Phật pháp, khiến cho chúng sanh lầm lạc, nghi ngờ. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Thôi Đức Chấn  – 2)

* Cần biết rằng: Pháp môn Tịnh Độ lấy “tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương” làm tông chỉ. Người đời thường nghĩ điều này là chuyện tầm thường, không có chi kỳ lạ, bèn coi pháp tham cứu trong nhà Thiền mới là thù thắng, chú trọng nơi khai ngộ, chẳng chú trọng tín nguyện cầu sanh. Đặt tên hoa mỹ là Thiền Tịnh Song Tu, nhưng xét tới thực chất thì hoàn toàn là không Thiền, không Tịnh Độ! Vì sao nói vậy? Do chẳng đạt đến đại triệt đại ngộ thì chẳng gọi là “có Thiền”. Người tham Thiền bây giờ ai thật sự đạt đến địa vị đại triệt đại ngộ? Do chú trọng vào tham cứu nên đem sự trang nghiêm của y báo, chánh báo Tây Phương quy hết vào tự tâm, chẳng có mảy may ý niệm tín nguyện cầu sanh. Tuy gọi là niệm Phật nhưng thực chất là trái nghịch đạo niệm Phật!

Hoặc nói ra vẻ cao xa là “niệm Thật Tướng Phật”. Tuy Thật Tướng là cái gốc của các pháp, nhưng phàm phu nghiệp chướng sâu nặng làm sao đạt đến được? Ra vẻ “quy Tông” (quy kết mọi thứ về Thiền) nhưng Thiền cũng không nương tựa được, mà Tịnh cũng không nương tựa được luôn! Cậy vào tự lực, dẫu đạt đến địa vị đại triệt đại ngộ, nhưng vì chưa đoạn Hoặc nghiệp sẽ chẳng thể liễu sanh tử được! Chưa ngộ đến mức đại triệt [đại ngộ] thì khỏi cần phải bàn chi nữa! Cậy vào Phật lực, chỉ cần đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì mới [có thể liễu sanh tử] được. Do một mực đem Tây Phương Tịnh Độ, Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, mỗi thứ đều quy hết vào tự tâm, nhưng tự tâm chỉ là chấp xuông cái danh, chưa chứng được cái thật, [cho nên] đức Phật ở phương Tây do không cảm sẽ chẳng thể có ứng, đức Phật nơi tự tâm do còn đang ở trong nhân nên không có oai đức!

Những kẻ ham cao chuộng xa trong cõi đời thường đều hay trở thành biến khéo thành vụng, cầu thăng hóa đọa, nhưng kẻ tri thức muốn được người khác ca ngợi mình là viên dung, vẫn trọn chẳng chịu nói như vậy, đến nỗi đức Như Lai do tâm đại từ bi muốn làm cho hết thảy chúng sanh liễu sanh tử ngay trong đời này, nhưng họ vẫn cứ y như cũ chẳng thể liễu được!

Đời này đã chẳng thể liễu, tương lai may ra có thể liễu, nhưng vẫn phải luân hồi trong lục đạo còn nhiều hơn số lượng từ trần sa kiếp này sang trần sa kiếp khác. Nếu thật sự hiểu được sự lợi – hại này, lại lắng lòng xem các kinh sách Tịnh Độ, mới biết một pháp Niệm Phật cầu sanh Tây Phương này không gì lớn lao ra ngoài được, mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh không vị nào chẳng nhờ vào pháp này để thành tựu lúc khởi đầu, thành tựu khi kết thúc! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Trương Thuần Nhất)

 

[1] Tổng Trì (Dhāranī), còn dịch là Đà Ra Ni, Năng Trì, Năng Giá (có khả năng ngăn che), đều có nghĩa là huệ lực có khả năng gìn giữ, ghi nhớ hết thảy vô lượng Phật pháp chẳng quên mất. Hiểu theo nghĩa rộng, Tổng Trì có nghĩa là khả năng ghi nhớ không quên mất. Từ một nghĩa, một pháp có thể liên tưởng, nhớ được hết thảy pháp, hết thảy nghĩa, không quên mất, không sai sót. Theo Đại Trí Độ Luận, Tổng Trì gồm có bốn loại là Văn Trì Đà Ra Ni (năng lực nghe không quên mất), Phân Biệt Tri Đà Ra Ni (năng lực phân biệt biết hết thảy tà – chánh, tốt – xấu), Nhập Âm Thanh Đà Ra Ni (khả năng nghe hiểu hết thảy mọi ngôn ngữ âm thanh, nhưng không đắm trước, sân hận), Tự Nhập Môn Đà Ra Ni (nghe những chú ngữ bí mật liền có thể thông đạt Thật Tướng hết thảy các pháp). Du Già Sư Địa Luận lại nêu lên bốn loại khác là Ngữ Đà Ra Ni, Chú Đà Ra Ni, Nhẫn Đà Ra Ni và Nghĩa Đà Ra Ni. Do có nhiều loại Tổng Trì nên kinh luận thường nói là “vô lượng tổng trì môn”. Đại Tổng Trì là thông đạt bốn môn Tổng Trì nói trên.

[2] Tào Lỗ Xuyên là một vị cư sĩ sống cùng thời tổ Liên Trì. Khi tác phẩm A Di Đà Kinh Sớ Sao của đại sư Liên Trì được phổ biến trong cõi đời, Tào Lỗ Xuyên đôi ba phen cật vấn, cho là Tổ phế bỏ Tam Tạng kinh điển, coi căn khí của mọi người đều hèn kém như nhau, buộc tất cả mọi người đều phải tu pháp thiển cận, lên án Tổ coi thường kinh Hoa Nghiêm, đề cao kinh Di Đà quá đáng, toan dùng pháp môn Tịnh Độ chèn ép các tông khác, coi thường chư Phật, chỉ đề cao riêng mình Phật Di Đà v.v…

[3] Điện Hàm Nguyên là tiền điện của cung Đại Minh thuộc kinh đô Trường An (nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây) đời nhà Đường. Căn cứ trên phế tích và những di vật được khai quật, người ta biết điện này hùng vĩ và tráng lệ hơn điện Thái Hòa thuộc Tử Cấm Thành Bắc Kinh đời Minh rất nhiều. Do được dùng chủ yếu để thiết đại triều, nên trong điện Hàm Nguyên tập trung mọi thứ quý báu, hoa mỹ nhất của đế quốc Đại Đường.