KINH ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG ĐẠI TẬP HIỀN HỘ
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Xà-na-quật-đa, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Phẩm 6: QUAN SÁT

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Bồ-tát Hiền Hộ:

–Này Hiền Hộ! Các Đại Bồ-tát nào muốn suy nghĩ về Tam-muội này thì nên suy nghĩ như thế nào?

Này Hiền Hộ! Các Đại Bồ-tát kia muốn suy nghĩ phải nên suy nghĩ như thế này: Như hôm nay, Thế Tôn ta đang giảng nói chánh pháp cho đại chúng trời, người.

Này Hiền Hộ! Bồ-tát nên một lòng suy nghĩ như vầy: Các Đức Phật Như Lai ngồi tòa Sư tử giảng nói chánh pháp, thành tựu đầy đủ tất cả tướng thù thắng, trang nghiêm tốt đẹp bậc nhất, mọi người ưa nhìn không chán. Quan sát các tướng tốt của bậc đại nhân như vậy, đối với mỗi tướng tốt nên phải hết lòng thì liền được thấy rõ các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, đã được thấy rồi nên đến trước thưa hỏi về “đảnh tướng bất kiến”, thưa hỏi rồi, sau đó lần lượt quán khắp các tướng để được nhận biết rõ ràng, quan sát như vậy rồi lại suy nghĩ: Các tướng của chư Phật Như Lai thật là tốt đẹp, ít có. Ta nguyện vào đời vị lai cũng được thành tựu đầy đủ các thân tướng tốt đẹp như vậy. Ta nguyện nơi đời vị lai cũng được giới cấm thanh tịnh, đầy đủ oai nghi như vậy. Ta nguyện đời vị lai cũng đạt được đầy đủ Tam-muội như vậy. Ta nguyện vào đời vị lai cũng được đầy đủ trí tuệ ấy. Ta nguyện vào đời vị lai cũng được đầy đủ giải thoát này. Ta nguyện vào đời vị lai cũng được đầy đủ giải thoát tri kiến này. Ta nguyện vào đời vị lai thành tựu tròn đủ các thân tướng này rồi, liền được thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, đã thành Phật rồi, cũng sẽ ở trong đại chúng trời, người kia, giảng nói đầy đủ về chánh pháp vi diệu này. Bồ-tát quan sát trọn vẹn về chư Phật Như Lai như vậy, cho đến thành tựu được tất cả rồi, lại phải thực hành những suy nghĩ như vầy: Trong đây người nào là ta? Cái gì là pháp của ta? Ai có thể thành tựu quả Bồ-đề của chư Phật? Là thân chứng được hay là tâm chứng được? Nếu là thân chứng được thì thân này, phần khí chất, là không hiểu, không biết, giống như cây cỏ, đá, gạch, ảnh trong gương. Còn quả Bồ-đề kia thì không sắc, không hình dáng, cũng chẳng phải ảnh tượng, chẳng có tướng, không thể thấy biết, không thể tiếp xúc chứng được. Vậy tại sao lại dùng thân khí chất không biết, không thấy, không hiểu rõ, không phân biệt, không tạo tác mà được quả Bồ-đề? Quả Bồ-đề này đã không hình sắc, chẳng phải tướng, chẳng phải ảnh tượng, không thể thấy biết, không thể tiếp xúc chứng được. Ai ở trong đó mà thực hành chứng đắc. Nếu tâm chứng được thì tâm này vô sắc, không thể thấy, tâm này không hình tướng, không thể biết, tâm này giống như huyễn hóa. Còn quả Bồ-đề thì cũng vậy, không sắc, không thể thấy, không tướng, không thể biết, vô lậu, vô vi, giống như huyễn hóa, làm sao có thể chứng được, làm sao có thể hiểu biết mà nói thân hay tâm chứng được quả Bồ-đề. Khi quán như vậy, Đại Bồ-tát kia phân biệt rõ ràng thân tướng này không chứng được quả Bồ-đề, cũng biết tâm này không chứng được quả Bồđề. Vì sao? Vì các pháp không có lấy sắc chứng sắc, lấy tâm chứng tâm. Tuy nhiên đối với lời giảng thuyết kia, biết tất cả pháp, là không sắc, không hình, không tướng, xa lìa phiền não, không thể quán thấy, không có chứng biết, cũng chẳng phải không chứng. Vì sao? Vì tất cả chư Như Lai, thân không còn phiền não.

Lại nữa, các Như Lai thân xa lìa phiền não nên tâm cũng xa lìa phiền não, các Đức Như Lai tâm xa lìa phiền não nên sắc cũng xa lìa phiền não.

Lại nữa, các Như Lai sắc xa lìa phiền não nên thọ cũng xa lìa phiền não, cho đến hành thức cũng xa lìa phiền não.

Lại nữa, các Như Lai giới cũng xa lìa phiền não, Tam-muội, trí tuệ cũng xa lìa phiền não, cho đến giải thoát, giải thoát tri kiến cũng xa lìa phiền não. Như vậy cho đến các Như Lai, lời nói của chư Như Lai đã nói, đang nói, sẽ nói và tất cả giáo pháp đều là pháp xa lìa hẳn phiền não.

Này Hiền Hộ! Tất cả giáo pháp như vậy, người trí có thể biết được, người ngu không biết. Khi người nào có thể xem xét như vậy thì tất cả các pháp đều không thể nắm bắt được. Vì sao không thể nắm bắt được? Vì ai có thể chứng nên không thể nắm bắt được. Vì sao chứng nên cũng không thể nắm bắt được. Do đâu chứng nên cũng không thể nắm bắt được. Người kia xem xét như vậy rồi, nhập vào cõi tịch diệt phân biệt các pháp, cũng không phân biệt các pháp. Vì sao? Vì các pháp là không.

Này Hiền Hộ! Như lửa chưa được đốt lên mà có người nói:

“Hôm nay, ta trước tiên dập tắt lửa này.”

Này Hiền Hộ! Ý ông thế nào? Lời nói người kia đúng không?

Hiền Hộ đáp:

–Bạch Thế Tôn! Không.

Phật bảo Hiền Hộ:

–Cũng vậy, các pháp từ xưa đến nay hoàn toàn không thể nắm bắt được. Tại sao bây giờ lại có thể nói: Ta có thể chứng biết tất cả các pháp, ta có thể hiểu rõ tất cả các pháp, ta có thể giác ngộ tất cả các pháp, ta có thể độ thoát tất cả chúng sinh, ở trong sinh tử, lời này không đúng. Vì sao? Vì trong pháp giới kia vốn không có các pháp, cũng không có chúng sinh. Vì sao lại nói độ? Chỉ ở trong Thế đế nên theo nhân duyên mà nói là độ thôi.

Này Hiền Hộ! Ý ông thế nào? Người kia nói như vậy có thật không?

Hiền Hộ đáp:

–Thưa không. Bạch Thế Tôn!

Phật bảo Hiền Hộ:

–Vì vậy, các thiện nam, thiện nữ kia muốn thành tựu Bồ-đề vô thượng, cho đến muốn thành tựu Duyên giác Bồ-đề, Thanh văn Bồđề thì nên quan sát tất cả các pháp. Khi xem xét phải nhập định tịch diệt, không có phân biệt, cũng chẳng phải phân biệt. Vì sao? Này Hiền Hộ! Vì tất cả các pháp kia không thật có sự không sinh, song định có phân biệt tức là một bên, định không phân biệt cũng là một bên, nhưng sở hữu hai bên này là định không tịch diệt, chẳng phải định không tịch diệt, nó không có chỗ suy lường, không có chỗ phân biệt, không có chỗ chứng biết, không có chỗ tạo tác, không có chỗ tập hợp, không có chỗ nhớ nghĩ, không có chỗ phát sinh.

Này Hiền Hộ! Đó gọi là trung đạo. Các việc có được như vậy chỉ nương vào đạo lý thế gian mà nói.

Lại nữa, này Hiền Hộ! Ở trong nghĩa chân thật đệ nhất ấy hoặc ở giữa, hoặc ở một bên đều không thể nắm bắt được. Vì sao? Này Hiền Hộ! Vì tất cả các pháp cũng như hư không, xưa nay vốn vắng lặng, chẳng đoạn, chẳng thường, không có tích tụ, không có chỗ trụ, không thể nương tựa, vô tướng, vô vi, không thể tính đếm.

Này Hiền Hộ! Không thể tính đếm làm sao gọi là có, không thể tính đếm nên không nhập vào số, không nhập vào số nên cuối cùng cũng không có trí, tính toán, danh ngôn.

Này Hiền Hộ! Đại Bồ-tát khi xem xét chư Như Lai như vậy là không thể chấp trước. Vì sao? Vì tất cả pháp là không chấp trước, vì không có chỗ để có thể chấp trước, cũng không có nguồn gốc để có thể cắt đứt, nguồn gốc đã trừ diệt nên không có chỗ để nương.

Này Hiền Hộ! Đại Bồ-tát ấy thường suy nghĩ về Tam-muội Chư Phật hiện tiền như vậy. Nếu thấy chư Như Lai như vậy rồi thì không nên chấp trước, không nên nắm giữ. Vì sao? Này Hiền Hộ! Vì tất cả các pháp là không thể nắm giữ, cũng như hư không, thể tánh tịch diệt.

Này Hiền Hộ! Ví như chùy vàng đặt vào trong lửa đốt lò, nấu chảy ra để luyện thì sức nóng của nó là rất ghê gớm. Lại như có hòn sắt mới lấy từ trong lửa ra nó sáng rỡ, nóng rực, người có trí không nên cầm nắm. Vì sao? Vì sắt nóng chảy, vàng nóng, tiếp xúc vào sẽ bị thiêu đốt.

Cũng vậy, này Hiền Hộ! Bồ-tát quán Phật không nên chấp trước. Việc này cũng như vậy. Vì thế Bồ-tát khi quán sắc tướng của Phật, không nên sinh tâm chấp trước. Như vậy quán thọ cho đến quán hành, thức cũng không nên sinh tâm chấp trước.

Lại nữa, Bồ-tát kia khi quán giới cũng không nên chấp trước. Như vậy quán định cho đến quán trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến cũng không nên chấp trước. Vì sao? Vì hễ chấp trước thì rốt cuộc không thể nào xa lìa khổ sinh tử. Vì pháp khổ này đều do sự chấp trước mà có. Vì vậy, Bồ-tát khi quan sát các Như Lai không nên sinh nhớ tưởng về chấp trước.

Này Hiền Hộ! Tuy không chấp trước nhưng phải hết lòng mong cầu công đức tốt đẹp nhất của chư Phật Thế Tôn, nghĩa là trí Phật, trí Như Lai, trí rộng lớn, trí tự nhiên, trí tự tại, trí không thể nghĩ bàn, trí khó so lường, trí không có gì bằng, trí Nhất thiết trí. Nếu mong cầu được nhập các trí này thì phải luôn siêng năng suy nghĩ về Tam-muội Quan sát thấy Phật.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ để làm rõ nghĩa này:

Ví như gương sáng và phấn son
Người nữ trang sức đẹp hình thể
Người ngu thấy lại sinh tâm nhiễm
Rồi mong cầu theo đuổi khắp nơi.
Ở trong không, mang tưởng đảo điên
Không biết pháp này hư vọng sinh
Lòng ham muốn ấy như lửa đốt
Trở lại khởi dục người nữ đó.
Nếu Bồ-tát nào nghĩ như vậy
Gọi là tâm vô trí chấp ngã
Quả ngọt Bồ-đề ở vị lai
Ta cứu chúng sinh khỏi khổ lớn.
Trong nghĩa đệ nhất không chúng sinh
Thế gian chỉ có sinh lão tử
Các pháp không hình như trăng nước
Đâu có Bồ-đề mà cầu mong.
Sắc hình dung mạo như bóng gương
Như huyễn, như dợn nắng hư không
Phàm phu tưởng chấp bị ràng buộc
Tuy bị buộc vào không, không thật.
Nhưng Bồ-tát, những người có trí
Biết đời điên đảo, tìm chánh kiến
Thấu rõ không người, ai thọ khổ
Được vậy sẽ thành vô thượng giác.
Ý không phân biệt Phật Bồ-đề
Tâm ý xưa nay vốn thanh tịnh
Không bị các cặn đục sinh tử
Chứng đắc quả chân thật tối thắng.
Tất cả sắc pháp các vô lậu
Không thể phân biệt vọng và chân
Trừ diệt các dục tâm giải thoát
Người biết như vậy chứng Tam-muội.
Lúc đầu nghĩ Phật không hình tướng
Sau nghe các pháp vốn thanh tịnh
Suy nghĩ như vậy không hề khác
Chứng Tam-muội này chẳng khó gì.
Thường hay suy nghĩ tạo tướng không
Để diệt được hết vi trần tụ
Không phân biệt thành hay là hoại
Tất cả ngoại đạo đều bỏ qua.
Không phân biệt tất cả các sắc
Mắt tuy thấy, tâm không lệ thuộc
Thấy chư Phật như vầng thái dương
Vượt lên trên pháp giới thế gian.
Tâm ấy thanh tịnh, mắt trong sáng
Siêng năng tinh tấn, thường trụ định
Được học rộng không thể nói hết
Chứng Tam-muội này, nghĩ chân thật.
Nếu không thấy mà chứng Tam-muội
Tất cả người mù đều chứng biết
Không phải lấy thấy hay không thấy
Trong đấy ngoại đạo đều mê mờ.
Thường hay suy nghĩ tưởng lìa tướng
Thấy chư Phật ấy tâm thanh tịnh
Thấy như vậy rồi quán tất cả
Người ấy mau chứng Tam-muội này.
Không có đất, nước và gió lửa
Chẳng phải cõi không trụ ở trước
Nếu muốn xem xét tất cả Phật
Nên tưởng ngồi tòa nói âm diệu.
Như ta ngày nay giảng pháp mầu
Người ưa thích pháp thấy thân ta
Không nên suy nghĩ điều gì khác
Chỉ nên tưởng Phật đang thuyết pháp.
Chuyên nghĩ như vậy không thấy khác
Mong cầu được học rộng như thế
Ta nói định này một lòng quán
Nắm bắt điều chư Phật đã giảng.
Không có Phật nào ở quá khứ
Cũng không hiện tại và vị lai
Chỉ có thiền định: Đẹp, sáng, trong
Không thể nói chứng và người chứng.
Ta là vô thượng trong ba cõi
Vì lợi thế gian nên xuất hiện
Chứng biết quả Bồ-đề chư Phật
Giảng Tam-muội này không ai bằng.
Nếu muốn thân, tâm đều an vui
Cầu công đức Phật không nghĩ bàn
Cho đến chứng quả Bồ-đề ấy
Nên tu Tam-muội thù thắng này.
Muốn biển học rộng sâu lớn sạch
Vì chúng sinh nên phải mong cầu
Phải mau xả bỏ hết dục trần
Quyết tu Tam-muội thù thắng này.
Nếu muốn một đời thấy nhiều Phật
Thấy rồi cung kính và thưa hỏi
Nên mau xa lìa chớ vướng mắc
Quyết quán Tam-muội tốt đẹp ấy.
Đó là chỗ không dục không sân
Cũng không ngu si và ganh ghét
Lại không vô minh và lưới nghi
Quyết trụ ở định sâu lắng ấy.