THỜI “LẬP QUỐC”
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Viên Chiếu lúc nào cũng bận lết bết với vụ mùa, từ đầu năm đến cuối năm. Tay làm – nhưng không kịp cung cấp cho mấy cái hàm thực như beo – Cảnh cuốc đất dãi dầu phong sương, tắm mình với bùn đất khiến dân Viên Chiếu trúng gió liên miên

Tôi nhớ vào năm 1975, chúng tôi trồng dưa leo, (dưa không làm giàn mà đào lỗ trồng trên đất hệt dưa hấu). Kết quả, dưa leo tuy có mập tròn, nhưng trái nào trái nấy chỉ bằng cái trứng vịt, nom rất buồn cười.

Còn dưa hấu, chị Hạnh Thanh bảo chúng đào hố (sâu năm tấc, dài năm tấc, ngang ba tấc), chị đi tận Phước Lễ, Bà Rịa… mua phân cá về bỏ xuống hố chôn kín và hạ dưa. Dù đất Viên Chiếu là đất phèn, đến lúc dưa kết trái quả to nhất chỉ bằng trái dừa khô, nhưng ngọt lìm lịm, ngon mê hồn.

Năm sau, chùa đổi chiến thuật không bón phân cá mà bón phân u-rê. Kết quả: Dưa to nhưng vị lạt, lờ lợ, thua xa bón phân cá.

Mùa dưa nở rộ, chị Từ Lộc giữ trách nhiệm coi vườn dưa, có lần chị vừa đi vào vừa tấm tức mách mọi người:

– Trời ơi, mấy con khỉ!… Có chịu nổi chúng không chứ?

Hồi mới “lập quốc”, dân ngụ chung quanh chúng tôi rất hiếm, chỉ có lũ khỉ là đông. Bầy khỉ Viên Chiếu vóc dáng nhỏ thó như con chó, thường xuất hiện ven rừng, rất khoái trộm dưa chúng tôi. Đầu tiên, một con mon men bò đến gần vườn dưa thám thính, hái dưa xong thì “thân đơn thế cô” nên rinh đi không nổi. Thế là con khỉ ngoắc bạn nó đang rình chực sẵn trên cây xuống… Hai con cùng hợp sức khiêng dưa đi, chị Lộc rình xem, vừa mắc cười vừa tức, nhưng chị rượt theo bọn khỉ chẳng kịp, mà có thét lên chúng cũng không sợ, nhất quyết ôm khư khư trái dưa chạy biến vào rừng.

Những ngày đầu tiên làm ruộng, do kỹ thuật chưa rành, nên trồng lúa, trồng rau đều không có kết quả tốt.

Đêm giao thừa, sau một màn họp mặt, xúm nhau tổng kết tình hình cả năm xong, mọi người cùng đổ thừa: “Tất cả là…tại buổi khuya ngồi thiền ngoài hiên, sáng sớm xả thiền, mở mắt ra đã thấy… sao chổi mọc trước mặt”…

Lúc này, cô Trụ trì vội vàng lên tiếng, đính chính là mỗi lần xả thiền, khi mở mắt ra cô hoàn toàn không có dòm vào sao chổi, như vậy thì kể như là cô chẳng trông thấy nó, hi vọng làm thế cô sẽ có được biệt nghiệp không xui xẻo… (do trong kinh Phật nói nhật thực, nguyệt thực, sao chổi v.v… là điềm bất tường). Có lẽ nhờ vậy mà cô được lúc thúc ờ trong nhà lom khom nấu nướng chăng?

Khi vụ mùa rượt chúng, cô chỉ bị bếp rượt, tha hồ đổ bánh bò thành bánh lết, tha hồ nắn viên trôi nước thành trôi… lung tung, vì bột vỡ ra, trôi trong nước (nhìn giống hệt những cụm mây trời), do chè xôi nước nấu bằng đường tán, nước được hòa quyện với nhưn, bể ra lợn cợn chưa tan, nên có màu rất ngộ, nửa vàng nửa nâu…