NGƯỜI LỊCH SỰ
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Chị Diệu Thuận dáng người nặng cân, mỡ nhiều hơn xương. Chị có nụ cười dịu dàng và đôi mắt phúc hậu được che phủ bởi rèm mi dài. Giọng nói chị trầm trầm nhỏ nhẹ như kịch sĩ, lời tuôn ra khỏi miệng lúc nào cũng đủ chủ từ, túc từ: chầm chậm, từ tốn, trang trọng, lễ nghi. Vì vậy mà chị được dân Viên Chiếu tặng cho mỹ danh “Người Lịch Sự”. Thế danh chị là Vũ Thị Xuyến, nhưng thời đi học chị được bạn bè gọi là “Xuyến xàng xê”. Tôi cảm thấy thật thú vị khi nghe chị bật mí biệt danh này, nó quá hợp với chị, bởi chị có dáng đi rất giống với điệu Val, bước xoay nhiều hơn bước thẳng, dáng bước không vội vã, vô cùng tương ưng với cách nói năng, hành động của chị.

Chầm chậm, chầm chậm, đó là tính cách chị, nhưng không thiếu chu đáo. Nhà Hạnh Khiết với gia đình chị ngoài tình pháp lữ còn tình đồng hương, đồng chí, hai bên vốn là bạn thiết trước khi xuất gia. Vào năm 1986, Hạnh Khiết làm Tri khố, bận túi bụi.

Một buổi sáng tinh mơ ngày cuối năm, thấy Thuận đem y áo đi giặt, Khiết nở nụ cười cầu tài, bước tới nhờ vả:

– Chị Thuận ơi, giặt giùm Khiết cái y nha!.

Thuận làm thinh không nói không rằng, mắt ngó xuống, thản nhiên hạ cần vọt múc nước, chẳng biểu hiện mình có đồng ý hay không? Trạng thái này được Viên Chiếu gọi là “làm eo”, chỉ riêng Thuận mới có. Đợi đối tượng năn nỉ một hồi, tất nhiên là lời ngọt ngào êm ái đến mềm lòng:

– Thôi mà, giặt giùm Khiết đi mà! Khiết làm khố cuối năm bận dữ lắm…

Đổ nước vào thau xong, Thuận từ tốn nhìn đối phương, nhếch mép một chút (có vẻ là nụ cười nhưng chưa nở hết) bên ngoài vẫn còn cố duy trì trạng thái nghiêm nghị (dù trong lòng đã sẵn sàng giúp), Thuận chậm rãi hỏi:

– Y… để ở đâu?

Khiết mừng rỡ:

– Gần cái đơn Hạnh Bửu đó, nhớ lấy giặt giùm em nha? Cảm ơn nhiều nha!

*

Ném cái y Hạnh Khiết vào thau, nhồi xà mấy lượt mà nước vẫn còn đen hù. Thuận càu nhàu:

– Y này, chắc ba năm rồi chưa giặt…

Kiểng công tác đã vang lên. Thuận đổ thật nhiều xà bông vào thau, tạm thời ngâm y đợi đến trưa giặt tiếp. Cuối cùng chiếc y đen hù, cũ mèm đã được giặt sạch sẽ, thơm tho. Khi phơi y lên, Thuận giật mình vì không nhìn thấy cái Bần bà, chị vội đến hỏi chủ nhân nó:

– Khiết ơi! Sao y không có Bần bà?

– Cái gì? Làm sao lại không có được? Chị này nói ngộ chưa?…

– Thiệt mà, không tin thì ra xem thử đi…

Hai người dẫn nhau đến sào phơi kiểm tra. Khiết la lên thảng thốt:

– Không phải y của Khiết, đây là tấm y cũ của ai được thải ra làm chăn đắp nên mới không có Bần bà…

Vậy sao? – Thuận có vẻ bối rối, ân hận lẫn tẻn tò, chi thở ra một hơi dài:

– Kể như là công cốc rồi!

Hóa ra Thuận đã giặt nhầm cái chăn đắp của chị Như Lý. Đúng là: “Cố ý trồng hoa hoa chẳng nở, vô tình cắm liễu liễu xanh tươi”…

Đại chúng cười ha hả. Mặt Như Lý tươi như hoa, còn Thuận và Khiết nhìn nhau, lắc đầu…

Đêm đã khuya. Bên nhà báo vẫn còn chong đèn làm việc ráo riết. Chị Thuần Chánh hiện rất cần một cây bút lông đen, do cây bút hiện tiền đã hết mực. Trong lúc gấp vội, chị chợt nhớ tới Thuận liền bước qua Tăng đường, thò tay qua cửa sổ, khều chân Thuận (lúc này đang nằm mơ màng trên giường), Chánh thì thào:

– Mở cửa cho em vào với…

Thuận dụi đôi mắt ngái ngủ, tháo chốt cửa…

Chánh lên tiếng:

– Chị có cây bút đen nét đậm không?

– Viết mực hả?

– Không, dạng giống như bút lông đó…

– Vậy thì… lấy cây chân nhang bằm bằm cái đầu rồi chấm mực viết đỡ đi!

(Trời! Bảo tường trang trọng hoành tráng, trưng bày cho trăm mắt nhìn vào, vậy mà bảo… bằm cái chân nhang quết lên trang trí, chịu nổi không?…)

Ngoài óc sáng tạo tầm cỡ như trên, Thuận còn là một người rất chịu khó, hào hiệp. Trong chúng ai cảm mạo, nhờ cạo gió, là Thuận sốt sắng giúp liền. Bất kể ngày, đêm, khuya, sáng… Tấm lòng nhiệt tình ấy đã khiến người bệnh cảm động, tinh thần phấn chấn, nhờ vậy mà sức khỏe được nhanh chóng phục hồi.

Trong mùa truy đuổi viết báo, chị Thủy cần hộp hồ (vì chưa mua tiếp kịp) nên nó trở thành khan hiếm. Chị Hạnh Giác đã thừa cơ giải nguy với điều kiện: Chị Thủy phải trả công bằng một bài văn, đề chị Giác được lưu “tai tiếng” với đời và có được bài đem nộp…

Chị Thủy do cần gấp hồ nên phải…bấm bụng gật đầu, nhưng khi quay lưng đi, chị rên rỉ:

– Nói ra sợ người ta cười chứ sao bài nào của mình cũng đáng đem dự giải Nobel hết. Quân tử của nhà nho còn phải “nhất ngôn thủ tín”, huống nữa là đệ tử Phật như mình? – Bài của mình đáng giá… ngàn vàng chứ đâu phải chỉ một hộp hồ? Con nhỏ cao nhồng đó đúng là ép người quá đáng!… Thôi Tết nhứt, đành hỉ xả “bá thí” cho xong…

Chị Thủy về tòa soạn, ráng viết dư thêm một bài và tối đó chị phụ chú:

“Bài văn này đã được sang bản quyền cho Hạnh Giác từ trứng nước nên ai muốn sao, chép, trích, dịch phải có sự đồng ý của đương sự. Xin quý vị hãy tìm người nào có nhân dáng cao lêu nghêu, nói giọng Đồng Tháp, âm thanh bà chả bà chẹt để… liên lạc, ký hợp dồng”…

Nhưng sáng hôm sau, bài văn bỗng đổi chủ, chị Giác vì muốn đáp tạ ân nhân Thuận đã bỏ công bỏ sức, hi sinh thời giờ vàng bạc ngồi bóp vai, cạo gió cho mình, nên đã ưu ái chuyển nhượng tác quyền bài văn, thế là thông báo được chỉnh sửa lại:

“Ai muốn sao, chép, ấn tống… xin liên lạc với cô nào lịch sự nhất Viên Chiếu, nhớ thảo hợp đồng thật lễ độ, cư xử cho phải phép và kín đáo… để xứng với nhân vật cực kỳ lịch sự này”.

Vài chục năm trôi qua, chùa không còn cảnh thúc ép bắt làm báo nữa. Vì Tết không còn cảnh chưng báo tường. Nhưng việc phiên dịch, in ấn sách đang nở rộ.

Thuận vẫn là nhân vật quan trọng không thể thiếu, vì chị rất chịu khó dò lỗi, cần cù tìm chỗ sai, chỉnh sửa kỹ lưỡng, dẫu sách có dày lê thê.

Thời gian có thể làm thay đổi mọi điều, nhưng tấm lòng hào hiệp, tử tế, vị tha nơi Thuận không hề đổi thay, nó hiện hữu thường hằng như bản chất lịch sự của chị. Vì vậy mà tôi có thể ngâm:

Ngậy nào vắng Xuyến xàng xê,
Đất trời hoang vắng, buồn thê thiết buồn!

Hi vọng bao nhiêu đây đã đủ để phác họa và miêu tả chân dung chị rõ nét. Thuận chẳng bao giờ biểu lộ cơn thịnh nộ hay lớn tiếng la lối, cãi rầy. Suốt mấy mươi năm trong chúng chị chưa bao giờ có biểu hiện thô tháo, nóng nảy. Đây là ưu điểm quý, hiếm của chị. Ngoài việc nhỏ nhẹ góp ý, không đặng thì thôi, chị luôn phản ứng hiền lành, dẫu bất bình vẫn làm thinh.

Xin được chia sẻ với mọi người về nết hạnh nhu hòa của người bạn chưa thành Phật này.