GIÀ LIỄU
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Dạo chị Hạnh Phước làm Tri sự – trong lúc gặt lúa, chị đã cẩn thận chọn nếp ngon không lộn gạo, cất ở bao riêng, cố ý để dành cho già Liễu nấu sôi sầu riêng. Chị, thận trọng dặn già Liễu ngót mấy lượt:

– Nhớ lấy bao nếp này nấu nhen, nếp rặt đó! – Chưa yên lòng, chị nhắc lại:

– Bao kia là nếp tạp, nhớ nghen!

Tới giờ lỡ bữa, tận ngoài ruộng, mọi người đều vọng ngóng già Liễu, đồng tơ tưởng lát nữa sẽ được thưởng thức món xôi sầu riêng thơm lừng, béo ngọt…

Chúng tôi ngóng dài cả cổ mà không thấy tâm hơi, tới trưa trời trưa trật mới thấy “da nhăn” (không phải giai nhân) Liễu xuất hiện với nụ cười… méo mó:

– Lấy nhằm nếp lộn gạo, nấu lâu thấy mồ, xôi hạt sượng, hạt chưa chín…

Đúng là sợ gì bị nấy. Chị Hạnh Phước đã lo xa dặn kỹ mà vẫn không thoát nạn, bao nếp thuần chủng chị lựa để riêng, già Liễu không lấy, lại nhè bao nếp tạp mà xúc nấu, có chịu thấu không?…

Thế danh của già Liễu là Quýt, già từng làm cán sự rất đảm đang nơi bệnh viện Nguyên Văn Học.

Thuở còn cư sĩ, già là tay hộ pháp đắc lực.

Hồi ấy mới giải phóng, đi khám bệnh tiền thuốc rất rẻ, nhưng vô được bệnh viện để khám thì cực kỳ khó. Thời điểm này, già Quýt trở thành cứu tinh quan trọng – vì các tu sĩ đa số đều nhờ già nâng đỡ, dắt vô bệnh viện khám. Lúc này tuy là cư sĩ nhưng già Quýt đã thọ Bồ tát giới và ăn chay trường. Do các tu sĩ tới lui riết thành quen, thành thân thiết; cuối cùng “Quýt” cũng bị lây nhiễm tinh thần xuất tục, mò ra Viên Chiếu xin thầy thế phát và có được pháp danh Hạnh Liễu. Do lớn tuổi nhất Viên Chiếu nên mọi người đều gọi là “già”, gọi riết thành biệt danh luôn.

Trước khi vào Ni đoàn, già Liễu vốn là tay “nữ công da cá” có hạng, nấu nướng nêm nếm rất ngon. Tôi nhớ ngày đầu tiên ra thăm Viên Chiếu, già Quýt đã làm ổ bánh khoai mì nướng thơm phức mang ra. Viên Chiếu là dân rừng rú, hiếm khi được ăn đồ ngon. Mà hôm ấy không phải là ngày lễ gì để lấy cớ mở “tiệc”, sực nhớ ngày mai là 25 tháng 12 dương lịch, thế là Viên Chiếu mừng rỡ bảo nhau:

– Vậy tụi mình… ăn mừng… Lễ Giáng sinh!

Chúng tôi xúm nhau đốt lửa trại, cùng thưởng thức ổ bánh béo ngậy, ngọt lịm của già Quýt làm. Chị Huệ cao hứng hát to:

Đêm đông lạnh lẽo chúa sinh ra đời, nằm trong hang đá nơi máng lừa…

Vừa hát dứt câu, chị nhét ngay miếng bánh thật lớn vào miệng, trong khi dân Viên Chiếu vỗ tay hát đều:

Cầu cho lửa thiêng bừng bừng cháy
Cầu cho lửa thiêng bừng cháy to…

Vậy đó, Viên Chiếu ban ngày làm mệt, đêm vẫn dư sức hát hò. Trụ trì chưa đến ba mươi, chúng nhỏ nhất mới 15-16, không “hét” hò mới là chuyện lạ.

Già Liễu tuy xuất gia nhưng nghề xưa không lụt, được chùa trọng dụng đề cử làm khán bệnh1 Chùa nghèo, dù theo chính sách “Đường đong dầu lường”, nhưng “kho của già Liễu” thì lúc nào cũng phong nhiêu, đầy đù. Già có đặc quyền được xài mọi thứ rộng rãi để bồi dưỡng phục sức cho bệnh nhân.

Vin vào điểm này, Chị Hạnh Như là người rất biết lợi dụng thời cơ, mỗi lần nấu canh chua, do đường tri khố phát ít như “muối bỏ biển”, nêm nếm chẳng thấm tháp gì, thế là chị liền nảy ra một sáng kiến, bèn lân la đến gần già Liễu thủ thỉ nhờ và:

– Già ơi! Già nêm khéo, chịu khó nếm giùm em nồi canh chua đi, vị nó… nhàn nhạt làm sao ấy!

Già Liễu trúng kế “ nhẽo nhân”… liền nếm thử ngay, sau đó cấp tốc vào kho, lấy hủ đường khán bệnh ra, múc vài muỗng bỏ vào nồi canh, thế là chị Như có ngay nồi canh chua đạt tiêu chuẩn đúng như ý nguyện…

Bệnh đế

Một thời gian sau, già Liễu chớm bệnh, nghe nói bị bướu độc. Bác sĩ phán: .

– Bụng, cổ gì cũng phải mổ tất!…

Tôi thắc mắc, hỏi:

– Này, hồi xưa ở nhà già có hay cắt cổ, mổ bụng gà vịt hôn vậy?

– “Một cây” đấy! – Già Liễu đáp gọn hơ.

Rồi già nhập viện. Chị Hạnh Như được cử làm khán bệnh, túc trực chăm sóc.

Tuy nằm trên giường bệnh nhưng Già Liễu vẫn không quên “nghề nghiệp phụ” của mình: Già tự ra thực đơn, bảo chị Như “y giáo phụng hành”. Chị Hạnh Như và già Liễu đều là những người rất có tài bếp núc, giỏi chế biến nấu nướng nên lúc này khán bệnh và bệnh nhân lại càng thuận thảo tương đắc, càng có dịp phát triển “chí lớn”, cùng tha hồ trổ tài ẩm thực… để mà… thưởng thức chung.

Mấy mươi năm sau, chúng tôi đồng ngồi trên chuyến xe đi thăm một pháp lữ bệnh nặng. Chuyện xưa được nhắc lại:

Chị Hạnh Giác mở đầu:

– Già Liễu bệnh vậy mà liều lắm nha. Mới mổ xong, đang nằm ngáp ngáp mà cứ đòi uống nước dừa, còn luôn miệng bảo đảm không sao. Em nhẹ dạ tin, cho “già” uống, ai dè già bị “sock”, co giật thấy ghê, báo hại em suýt… đứng tim.

Chị Hạnh Như kể thêm:

– Em nấu súp mang vô, vừa múc ra chén đưa già ăn thì già ngúng nguẩy, nói:

– Sau múc nhiều vậy?…

– Em không thèm trả lời, điềm nhiên đưa chén súp lên miệng… húp cái rột! Già thấy vậy thất kinh, lật đật đưa tay giằng lấy… ăn liền, chẳng dám hó hé gì thêm nữa.

Rồi chị tùm tỉm nói:

– Mới mổ bướu bụng xong, già lại mổ tiếp… cái cổ. Lúc đó tự đoán là… “chắc mình không sống được lâu”, nên già sốt sắng lục lọi tài sản, moi ra được cái đồng hồ… trịnh trọng đưa… tặng em, làm quà kỷ niệm…

Một người bình:

– Cái này gọi là “xả bỏ gia bảo để ra đi, bỏ thân… cho nhẹ nhàng” đó mà!

Chị Hạnh Như thủng thẳng kể tiếp:

– Nhưng mà… sau đó, già bình phục. Thấy mình vẫn chưa… chết, nên già ráng… đợi một thời gian lâu, rồi mới… mon men tới gần em, ướm tiếng dọ hỏi:

– Cái… đồng hồ tui… cho, sao… “ông” không đeo? Nếu không đeo thì… đưa lại tui!

Tôi hỏi chen vào:

– Cái đồng hồ già cho chị có tốt, quý… không?

– Quý giá “iếc” gì! – Cái đồng hồ bằng bạc, cũ xì! Đeo vô ngứa gần chết… nên mình không đeo, vậy mà già Liễu thích nó lắm, nên thôi… trả phứt cho rồi!…

Im lặng một lúc chị Hạnh Như kể tiếp:

– Sau đó, ngẫm nghĩ thế nào, chắc là cảm thấy áy náy, “cắn rứt lương tâm” nên già lại túm, vét… trong mớ tài sản, lôi ra một xấp vải xoa tặng em… coi như là đền bù… vớt vát!….

Mọi người đều phá lên cười, già Liễu thì tủm tỉm. Ánh mắt của bà già hơn bảy mươi vẫn còn nét nghịch ngợm hồn nhiên. Nhìn già Liễu, tôi thấy vui, nhưng cảm giác nao lòng chợt đến: Năm nay già có vẻ yếu đi rất nhiều. Một dây thanh quản bị hư nên giọng nói “xuyên lục địa lảnh lót” của già đã biến thành thì thào. Tất cả chúng tôi đều đang ở vào trạm cuối của chuyến xe đời – chẳng biết ai xuống trước và ai sẽ xuống sau? – Nên những giờ phút còn ngồi cạnh nhau, cười đùa với nhau như thế này, thật quý hiếm và đáng trân trọng!

Khi tôi hoàn thành bài viết này thì già Liễu đã an lành xả báo thân. Nên những dòng này xin thay cho lời tống biệt gởi tặng người đã ra đi…