Thường Chiếu Trong Mắt Tôi
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Chớp mắt chưa qua đời khác, người một phần tư thế kỷ đã trôi qua với biết bao thay đổi. Cõi mộng dù có đủ nước mắt nụ cười vẫn tồn sinh nhiều giấc mơ đẹp. Tôi có thể nói như vậy khi đặt bút viết mừng hai mươi lăm năm thiền viện Huynh Trưởng: Thường Chiếu.

Tôi vốn không ưa các vị tăng. Có lẽ do thuở bé chứng kiến nhiều điều trái đạo đã in sâu vào tâm trí non nớt; có lẽ vì “tăng” luôn được ưu đãi và có thể vì máu đố kị thấm sâu nơi bản chất khiến tôi thành vậy. Nhưng ngày đầu tiên lên Chân Không, tôi đã ngây người đứng ngắm những tà áo vàng của các tăng sĩ nơi đây, màu hoàng y nổi bật giữa núi đồi, cảnh biển xanh trải dài trước mặt và chung quanh núi, đá dựng chập chùng khiến Chân Không có một nét siêu thoát riêng, khó tìm thấy ở nơi phố thị.

Cho đến khi giải phóng, Chân Không tách thành Thường Chiếu, tà áo vàng không đủ “mê hoặc” như ở núi đồi nhưng “Hồn Thường Chiếu” vẫn là “Hồn Chân Không” – có khác chăng là cảnh sống phải lao tác nhiều hơn. Trong cái đầu ngạo mạn của tôi lúc ấy đã biết thế nào là thán phục khi lần đầu tiên đọc Thanh Qui của Thầy: “Tăng sĩ không được hút thuốc uống rượu, kể cả rượu bia và phải chú trọng vào việc chuyên tu…” Nhiêu đây đủ để tôi kính lễ trong lòng rồi!

Thường Chiếu sinh sau Chân Không nhưng trách nhiệm và công việc vất vả hơn bội phần, lại còn phải “trông chừng”” em, tức Viên Chiếu chúng tôi… Lúc ấy chưa có Huệ Chiếu, Linh Chiếu, Phổ Chiếu… Vậy mà Thường Chiếu cực rất nhiều. Bởi “chăn” một đứa em có lắm chứng tật thì vất vả bằng mấy đứa em ngoan, may là ba thiền viện sau đều hiền, dễ dạy, chứ nếu không Thường Chiếu sẽ nhập “Nát bàn” sớm vì chịu hết thấu!

Ngày đầu tiên giã từ núi, “dân” Chân Không về Thường Chiếu “hùng cứ” ở ngay mặt tiền. Nói vậy chứ trú xứ đó cũng còn khá hoang vu, đường lộ xe chạy hiếm hoi. Còn dân Bát Nhã dời về Viên Chiếu “đóng quân” ở tít trong rừng. Thầy tội nghiệp nên cho Thường Chiếu vào giúp đỡ.

Gặp chúng tôi ngơ ngác chưa từng quen làm ruộng nên quý thầy phải vào đập lúa dùm. Quý thầy đóng cái bồ thật to, hình dáng như đài ra đa trên đỉnh núi Chân Không. Mỗi lần di dời, khiêng bồ đi rất nặng, chúng tôi dẫu mươi người chưa chắc đã khiêng nổi – vậy mà quý thầy chỉ có hai người – khiêng bồ mệt, đập lúa càng mệt hơn – Vì chúng tôi không rành gặt, cắt lúa chẳng vừa khiến quý thầy khó đập. Gặp hôm lúa dài quá thầy Phước Tịnh tức mình nói lẫy:

– Nè, mấy cô cắt ngắn qua, cắt dài thêm nữa đi!

Tưởng bở, chúng tôi xúm nhau cắt dài gần tới gốc. Cọng lúa dài ngoằn nằm giữa ruộng ướt sũng nước. Khi bó lúa được vác tới, thầy Phước Tịnh ngao ngán than:

– Hết biết mấy bả! Đập như vậy chắc có nước chết!

Chúng tôi hiểu ra vội cắt ngắn, ngắn quá quý thầy đập cũng khó khăn.

Hơn nửa tháng trời có quý thầy giúp đỡ mới xong vụ mùa. Mùa lúa bội thu được hai trăm giạ (Ấy, chẳng phải Viên Chiếu hay đâu, vì trước lúc chúng tôi “hạ sơn” thầy đã lo xa chuẩn bị sẵn, nhờ người gieo trồng trước, khi chúng tôi đến Viên Chiếu thì chỉ phải nhổ cỏ, chăm sóc chờ gặt lúa thôi. Do đất bỏ hoang lâu, mới trồng lần đầu nên trúng mùa dữ vậy!) Năm sau đích thân chúng tôi gieo trống, chỉ thu được… ba mươi lăm giạ! Nhưng chuyện tệ hại ấy kể ra làm gì kia chứ? Tôi chỉ muốn nhắc cảnh bội thu thôi. Nghĩa là Viên Chiếu đã nấu một nồi chè xôi nước thiệt bự để ăn mừng và sau đó cười lỏn lẻn chở lúa đến kho Thường Chiếu gởi cất dùm. Chỗ chúng tôi cửa nẻo trống hoác, ở còn chưa đủ lấy chỗ đâu cất lúa? Gởi Thường Chiếu là chắc ăn nhất!

Thấy tôi và Hạnh Khiết còn nhỏ, thầy Nhật Quang và thầy Giác Thanh liền hăm he:

– Nè, lúa mấy cô đem gởi tụi tôi hết rồi, không giấy tờ có gì mấy cô đói!

Hạnh Khiết ngẩn mặt, ngơ ngác hỏi:

– Tụi con gởi quý thầy đàng hoàng mà?

– Không biết! Không có gì làm chứng hết!

Tôi cười đáp:

– Tụi con sẵn sàng chịu chết!

Quý thầy bật cười – nụ cười vui vẻ đó khiến tôi hiểu xác định của mình là đúng. Quý thầy hy sinh lo cho em út không hết có đâu lại…? “Ngu” lắm mới tin lời dọa của quý thầy là thiệt. Phải vậy không?

Lúc thầy Phước Tịnh và thầy Phước Hiện vào đập lúa dùm, Viên Chiếu thuở ấy bếp núp cái gì cũng dở. Có cô Hải Liên nấu đỡ hơn nên cô giữ việc chăm sóc các “cứu tinh đập lúa” – Cô lo chu đáo, để dành toàn đồ ngon (ngon với chúng tôi lúc ấy). Mà nói phải tội, hình như chúng tôi (đa số?) đều ngầm ước quý thầy ăn không được để chúng tôi hưởng ké. Vào lúc quý thầy thọ thực cô Giải Thiện cứ tụng mãi câu: “Lục hòa thì phải phân chia cho đồng!…”

Mà có lẽ quý thầy nuốt không trôi thật, ăn trước bao nhiêu cặp mắt “đợi chờ” của chúng tôi thì thà… nhịn đói sướng hơn!

Mùa đậu, chúng tôi phải ra làm tận Viên Chiếu 2, (chỗ Linh Chiếu bây giờ). Thêm một cái nhà nhỏ dựng lên để chúng tôi ở tạm làm suốt mùa đậu. Khi nào “rút quân” thì chừa lại một người coi rẫy.

Thầy Minh Dũng có lần qua thấy cảnh chúng tôi sống liền bình phẩm:

– Mấy cô giống mấy con cá mòi sắp lớp trong hộp quá!

Tiểu Thu lúc ấy bé nhất nên được tự do ra vào vương quốc… nhà bếp Thường Chiếu! Con nhỏ giống như gián điệp! Thường Chiếu ăn gì cũng mách chúng tôi nghe, quý cô thường xúi Tiểu Thu qua xin dừa về nấu canh bí rợ hầm. Thầy Nhật Quang lúc ấy là Huynh trưởng Thường Chiếu, rất giàu lòng bi mẫn, thường rỉ rả cho đồ… “cứu đói”.

Chúng tôi được thể, cuốc sút, phảng hư, rựa gãy… nhất nhất đều nhờ quý thầy tra hộ. Vật gì không có thì mượn tới tấp đến đỗi thầy Minh Dũng phải rên:

– Mấy cô là con gái, tay yếu chân mềm… mà sao xài đâu gãy đó vậy?

Chúng tôi cũng chẳng hiểu tại sao? Thường Chiếu phải vào rừng đốn củi, công việc rất nặng nhọc và vất vả. Chúng tôi lại ngóng ké… mấy củi chà. Nhờ hoài xin mãi, thầy Minh Dũng phải la lên:

– Bộ mấy cô… cùi sao mà cái gì cũng xin hết vậy?

Thầy nói thật đúng. Vậy mà chúng tôi giận (bị chê dù đúng cũng dễ nổi giận lắm!). Tự ái, không ai dám qua xin gì. Thường Chiếu tội nghiệp đẩy qua cho mấy xe chà (nói chà cho đỡ mắc cỡ chứ có củi bự nữa!)

Thuở đầu chúng tôi còn lóng ngóng, việc cuốc rẫy, bang đất quý thầy phải tiếp sức. Thầy Minh Dũng được cử qua ủng hộ. Thấy tôi cắm cúi cuốc, thầy nói:

– Cô cuốc gì mà khom như muốn nằm xuống đất? Coi tôi làm nè!

Thầy lấy thế, đúng thẳng người hất mạnh lưỡi cuốc chạy nghiêng về phía hông – Đất vỡ bung xa và vạt áo hò của thầy không chịu nổi “thần lực”quá mạnh cũng vuột hết nút bay dạt theo hướng cuốc. Chúng tôi che miệng cố nín cười. Nhưng nói thật tình, nhờ thầy chỉ mà tôi cuốc thuần thục.. Thầy bang đất rất tài, nhanh gấp đôi, gấp ba tôi, thầy thuyết giáo huyên thuyên:

– Mấy cô biết không? Người ta mà không cho tu hả, tôi móc “guột” tôi để trên bàn thạch.

Lần nào qua giúp thầy cũng thường hay đòi móc “guột”, tôi nghe riết đâm quen. Từ lúc chị Thủy nhận xét: “Dám sống hay hơn dám chết!” thầy mới hết đòi “phơi” ruột.

Có lần thầy hí hửng mang tấm hình mình chụp chung với người em trai qua khoe, chị Thủy hóm hỉnh bình:

– “Đầu lòng hai ả tố nga…!”

Thầy cụt hứng đem hình về.

Sau này lúc tôi về thành phố đổi cho chị Phượng ta “học tập” Viên Chiếu. Một thời gian sau chị hỏi tôi:

– Em có nhớ ông Minh Dũng không?

– Nhớ! Sao hả chị?

– Ổng đẩy xe ba gác với tụi chị bị đạn lạc vô ruột, ổng ôm bụng kêu rên ai cũng tưởng ổng giỡn. Tới hồi nhìn thấy máu đầm đìa ai nấy mới hoảng hồn vội gọi xe chở đi cấp cứu…

– Tội thầy quá hả! – Tôi chợt nhớ đến câu hăm he móc “guột” của thầy. Có lẽ hăm hoài ruột cũng bị tai ương chăng? Sau này thầy đi nghĩa vụ rồi tử nạn ở chiến trường, cũng bị đạn đâm vào ruột – Tổ quốc ghi công và tuyên dương thầy.

Thầy Minh Dũng tính chất phác, thật thà. Hay nói hay cằn nhằn, nhưng tôi biết thầy chỉ cằn nhằn cho có, chứ rất tốt bụng và nhiệt tình giúp chúng tôi.

Vô thường là vậy, người còn kẻ mất đến bùi ngùi.

Mỗi tháng chúng tôi về Chân Không học kinh một tuần. Nhân mùa đậu đã tỉa xong, cô Từ Thanh đề xướng:

– Bữa nay nghỉ công tác, mình làm bánh ăn để ngày mai lên núi học cho thư thái!

Thế là chị em xúm nhau làm bánh quai vạt. Chị Ngọc giữ việc luộc bánh. Nhà lụp xụp, bếp và chỗ ở cách nhau một vách tranh, ở trên không thấy được dưới bếp làm gì.

Luộc bánh xong chị Ngọc lên nhà trên tán gẫu với vài cô bạn. Đa số chúng tôi đều tản mác đi chơi hoặc qua Thường Chiếu ngắm cảnh, coi làm bánh xèo. Hôm nay Thường Chiếu cũng ăn bánh xèo, do nhóm quý cô “Bảy Huệ” phụ bếp.

Chị Ngọc đang ngồi trong nhà, chợt quý thầy ào vô chụp đồ vụt ra ngoài sân, chị ngơ ngác hỏi:

– Sao quý thầy lại quăng đồ tụi con?

– Trời đất! Nhà cháy mà không hay, còn hỏi!

Vâng! Đúng là Viên Chiếu 2 bị cháy đến buồn cười. Người trong nhà chưa phát hiện kịp vì lửa chưa bén tới nhà trên mà còn đi đường vòng quanh bếp. Nhưng từ bên Thường Chiếu thì đã có thể thấy lửa bốc trên mái lá tỏa khói mù mịt. May mà quý thầy nhanh chân chạy qua cứu kịp. Đồ đạc chúng tôi được quăng ra ngoài hết nên an toàn, chỉ có căn nhà cháy rụi, rổ bánh nằm bẹp dí trong tro than.

Thường Chiếu tội nghiệp, mời chúng tôi qua ăn bánh xèo. Lúc nào cũng vậy, hoạn nạn hay cơ cực đều có bàn tay Thường Chiếu nâng đỡ trợ giúp.

Thầy Nhật Quang những khi thấy tôi ốm bệnh liền nói lên kinh nghiệm của người đi trước:

– Mỗi lần khắc phục, vượt qua một phiền não là phải bệnh…

Lời thầy dạy tuyệt hay, tràn đầy thông cảm. Nhưng tôi thường hay lãng đi. Tôi sợ thầy mổ xẻ phiền não, kiết sử của mình. Thật xấu hổ khi không trình được Phật tâm mà bị người phân tích tâm chúng sanh.

Bây giờ nhìn thầy mập mạp, tôi đoán thầy đã triệt tiêu hết phiền não. (Nếu thầy muốn ốm chắc phải lưu chút trần sa hoặc?…)

Ngày tháng trôi qua, lâu lắm rồi tôi không ra Thường Chiếu. Nghe tả cảnh Thường Chiếu khang trang, tôn nghiêm và đẹp như thiên đường!

Để có được ngày hôm nay, bao mồ hôi công sức đã đổ ra cho ngày đầu tiên. Bao người đã đến và đi nơi Thường Chiếu. Nhưng Thường Chiếu trong tâm trí tôi vẫn còn phảng phất nét xa xưa: luôn mộc mạc, giàu lòng hi sinh và bi mẫn. Nếu ngày nay Viên Chiếu đứng vững vàng cũng là nhờ những bước chập chững đầu tiên có thầy và Thường Chiếu trợ giúp.

Trong trang giấy giới hạn, tôi chỉ có thể nhắc lại đôi điều. Bước chân của những người thuở xưa nay đã trưởng thành, nhưng nét son Thường Chiếu để lại trong lòng chúng tôi thật khó phai nhạt. Chuyện nghĩa ân nói đến bao giờ cho đủ? – Thôi thì câu chuyện này xin được viết thay lời chúc mừng Thường Chiếu tròn tuổi hai mươi lăm vậy!

* * * * * *
Thương

Thương sư tính nết hiền hòa
Lòng băng tuyết tựa Phật Đà trên cao
Thiền đường trống lốc trước sau
Gió thầm ngưỡng mộ thả vào hương hoa
Thương sư từ ái vị tha.
Tâm vằng vặc sáng hơn là trăng sao
Bụi hồng trần thế lao xao
Có vào cũng phải… bay mau ra ngoài
Thương sư bận rộn tối ngày
Những mong độ khắp muôn loài chúng sinh
Đưa người vào cõi tâm linh
Hưởng vui pháp lạc an bình thiên thu
Đạo, đời có khác gì đâu?
Cũng cùng nguồn cội, tâm mầu như nhau
Mê lầm dứt, hết lao đao
Ngồi yên ngắm gió ào ào thổi qua

2004