Chuyện Xưa Viên Chiếu
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Xin cảm ơn năm Viên Chiếu tròn 20 tuổi để tôi có thể nói đôi điều về những người chị, người bạn mà thời gian đã nhuộm bạc mái tóc, hằn lên trán đầy những vết nhăn và ngày càng đạo mạo trang nghiêm theo sự già nua của năm tháng.

Có ai nghĩ được rằng đã có một thời khu rừng đầy vắt và tre gai này luôn rộn rã tiếng cười, tiếng hát, tiếng cãi nhau chí chóe và đủ thứ trò nghịch ngợm của mười mấy bộ óc hợp lại? Mảnh đất mà ngày xưa các đấng mày râu đã chấp tay xá dài khi được nhờ cậy vào làm – có phải vì vậy mà nụ cười phải được tận dụng tối đa để xóa bớt sự cơ cực quá đỗi cùng với nỗi thiếu thốn của vùng đất bị bỏ hoang đã lâu, khi chúng tôi bắt đầu tái lập lại, khởi sự khai hoang nó?

Viên Chiếu bao nhiêu năm là tôi bấy nhiêu tuổi. Lúc mới vào đây tôi chỉ độ tuổi tròn trăng mà nay đã quá tuổi… cuối trăng! Thuở sơ nguyên ấy, tôi, Hạnh Khiết, Hạnh Pháp thuộc loại nhỏ nhất Viên Chiếu, người lớn nhất viện chỉ trên ba mươi là cùng.

Những người cũ giờ đã đi tứ tán, đếm lại còn trên đầu ngón tay. Tôi ngắm nhìn những người còn lại để càng thâm nhập lý vô thường của thân xác. Bây giờ dù 20, 30 năm… những người cũ gặp nhau – tôi chắc tia nhìn vẫn rực sáng niềm vui, một cái đập mạnh vào vai hay nụ cười mỉm đầy ý nghĩa và câu chào vẫn là:

– Sao? Khoẻ không? Nhớ hồi đó cực quá hả?… những kỷ niệm cũ sẽ được tuôn ra, những tật tánh nào ngày xưa bạn bè hay càu nhàu nhất nay sẽ được nhắc lại bằng những âm thanh vui nhộn nhất…

Ba mưoi bốn người từ Bát Nhã về Viên Chiếu, sự cực nhọc đã thổi bay đi hết phân nửa chỉ còn lại mười bảy người. Mười bảy người “lì lợm” đã vui vẻ hát câu: “Xin chọn nơi này làm quê hương”… Tôi nhớ lúc ấy chị Huệ còn trẻ măng, giọng chị hát thật hay và hùng hồn, tôi thích nhất khi nghe chị cất giọng: “Đất hoang ta phá, đất hoang ta cày; đất ta ta tới đất ta ta ngồi…” Tiếng hát như tiếng kèn thúc quân, khơi dậy trong lòng người sự hăng hái vốn có của tuổi trẻ.

Ngày đầu đọc Thanh Quy, mỗi thiền sinh chỉ được chứa ba bộ đồ, tôi đã phòng xa tới… bốn bộ. Vậy mà xuống đây, trước sự đón chào của rừng, của ruộng phèn lóc nhóc gốc cây hòa lẫn với gai mây chơm chởm cùng gai mắc cỡ… dường như các tộc họ dòng gai đều nhất loạt rủ nhau xuất hiện để âu yếm và săn sóc chúng tôi? Khiến quần áo chúng tôi càng te tua thê thảm.

Những thời tụng kinh, dù cố hết sức, gắng giữ thật nhẹ từng cử động tôi vẫn giật thót tim khi nghe tiếng quần rách kêu “tẹt… tẹt…” nó mục đến độ trợt té cũng rách, lạy… cũng rách!

Thời ấy đúng là “vải châu, gạo quê”, hai thứ thuộc diện quí hiếm. Nhưng đồ rách không thể cứ mãi xé quần vá áo, mục đùm rách thì có thấm vào đâu? Tôi mừng như mở cờ khi thấy áo cô Đức thấp thoáng điểm vài mảnh vải màu, vải bông chắp vá…

Thế là kỷ nguyên “quần áo vá trăm mảnh” mở màn… Nhưng đồ vá thì nặng nề, Phật tử ra thăm biếu cho mớ vải biểu ngữ, vải phúng điếu đám tang (vải ghi câu liễn, câu hoành gì đó không biết)… Lập tức những bộ rằn ri đầy chữ sơn, chữ ta, chữ tàu… xuất hiện, tuy có hơi quái dị nhưng mặc rất nhẹ nhàng, ít bốc mùi hôi, tôi rất khoái vì giặt mau khô cực kỳ.

Thuở ấy láng giềng là đám khỉ thì sá gì tiếng dị nghị, còn dân thì cũng phải giật gấu vá vai, đầu tối mặt tắt, hơi sức đâu mà để mắt tới chúng tôi? Tụi tôi ở tít phía trong rừng, cũng chẳng có nỗi lo nào cho thân phận con gái là nhà ở phải cửa kín then cài…

Cái nhà tranh lá chỉa tua tủa, trông bù xù như con chó bông ở dơ. Có hai cửa mặt tiền mở ra đóng vào cho có lệ chứ phía sau thì trống hoác. Thế nên nửa khuya nếu ai nổi hứng thao thức chuyện tu hành, trùm tấm y cũ đi lang thang cũng chẳng có gì trở ngại. Chỉ tội cho những người dân hiếm hoi định cư gần đấy bất chợt đi ngoài nhìn thấy, đâm ra phát hoảng… đồn ầm lên là… hay có ma xuất hiện về đêm trong rừng!

Chị Huệ hăng hái luyện thể dục cho chúng tôi bằng mấy được quyền, cốt giúp thao tác nhanh lẹ và cho cơ thể khoẻ mạnh đỡ trúng gió… thì người ta lại bảo nhau: “Mấy cô có võ”…

Những mảnh ván đơn sơ chỉ đóng được mấy cái giường cá nhân ít ỏi, do vậy số còn lại phải ngự trên gác. Hai cái mùng tập thể giăng trên sàn vừa đủ đâu mí nhau, chỗ đâu mà tụng kinh? Tội nghiệp bức hình Tổ Đạt Ma treo khiêm tốn nơi vách, cô đơn ngắm mõ chuông bé tí tẹo nằm trên án thờ.

Tiếng kiểng khuya là vỏ đạn của ai lượm về, âm thanh còn dỡ hơn thùng thiếc bể. Giờ ăn không có bàn Quả đường, mọi người tề tựu nơi mấy cái đơn mặc áo vạt khách cũn cỡn thực hành nghi thức cúng ngọ.

Tối đến tôi khoan khoái nằm bẻ chân tay lắc cắc trong cái mùng tập thể. Khi tiếng kẻng “xèng, xèng” vang lên ai nấy đều ngồi bật dậy, mõ chuông đã được ôm vào mùng. Cuộc hành lễ bắt đầu với buổi hòa âm chói tay hay dịu tai gì chẳng biết… nhưng Phật và chúng sanh, tôi chắc đều hoan hỉ. Hoan hỉ tràn trề như niềm phỉ lạc trong lòng tôi – dù thỉnh thoảng chị Ngọc Hạnh hay Khiết la toáng lên: – “Trời ơi! Con vắt, con vắt nó bò gần mép tai em…”.

Tôi không đặt chuyện cho sự thiếu thốn lúc ấy, đường vào Viên Chiếu hãy còn khó đi lắm, xe đạp vào còn bất tiện và chúng tôi gồng gánh vận chuyển đồ nhiều hơn. Đời sống tu sĩ lạ lẫm và quá mới mẻ. Ở Bát Nhã, chúng tôi có bàn để cúng ngọ, có chánh điện để lễ.. còn ở đây mọi thứ đều không!

Tôi không dám nghĩ là một ngày nào đó mình sẽ có bàn cúng cơm cho trang nghiêm, ngồi ăn trên giường mãi cũng chán và buồn.

Lần đầu tiên tim tôi nở hoa khi cô Từ Thanh mời người vào đóng bàn Quả đường. Sướng hơn nữa cô Hoa không biết bằng cách nào đã tậu được một chiếc xe ba gác mới toanh. “Phước bất trùng lai” nhưng rõ ràng là may mắn đang tới song đôi, tôi muốn reo lên: “vậy là bớt cực gánh đồ, được ngồi trang nghiêm để cúng cơm rồi!”

Tối tối, tôi vẫn ngắm lén chiếc xe ba gác, cứ sợ mình nằm mơ. Còn cô Hoa chẳng biết có mừng hơn tôi chăng? Chỉ thấy cô ngủ hai cái chân thò ra khỏi mùng khoèo chặt lấy song sắt xe. Chùa vẫn chưa có cửa, cô đã nghĩ ra cách “chống mất cắp” bằng đôi chân mình. Song giỏi lắm là vài đêm đầu, cô không thể cứ thò chân ra cho muỗi đòn xóc ve vuốt, chưa mất cắp nhưng đã mất máu và sẽ còn mất… sức nữa kia!

Dần dà rồi cũng có chỗ lễ lạy tươm tất. Thầy thỉnh thoảng vào thăm chỉ chúng tôi cách gặt lúa, phân biệt cỏ để nhổ, vì chúng tôi cứ nhè lúa mà nhổ bỏ (do cỏ và lúa quá giống nhau).

Tối đến, kiểng chỉ tịnh vang lên lâu rồi mà chị Nhã vẫn còn say sưa bàn rùm về cách trồng lôm chôm, hoạch định chương trình lập vườn cây ăn trái cho kinh tế mai sau.

Xin nói nhỏ, chị Nhã là một người rất thông minh; điều này thể hiện khi chị gắng sức nạy bật mấy gốc cây trước chùa để thiết lập sân phơi lúa. Đất xới tứ tung, muốn đầm cho dẽ lại cũng cực. Mà dễ gì dụ chúng tôi, những người đã thấm mệt sau cả ngày phơi mình ngoài ruộng rẫy? Sau giờ thiền mặc chị nằn nì ra đi kinh hành dùm cho cái sân “của chị”, chúng tôi cứ im như thóc, chỉ có vài người hưởng ứng lẻ loi. Cuối cùng chị nghĩ ra diệu kế, mời mọc:

– Nào, mời đại chúng ra đây em bày cho múa “Một mẹ trăm con”!

Tất cả đều ùa ra, với máu sư phạm sẵn có, chị Nhã chỉ đạo rất nhuần nhuyễn điệu nghệ. Chị lên giọng, xuống giọng hát, ra dấu tay lẫn chân – “mẹ” điều hành mười sáu “con” nhảy loi choi loạn xạ. Tất cả cùng nhảy cùng hát, màn biễu diễn kết thúc bằng tiếng hét của cô Đức (lúc đó đang tức vị Trụ trì hay Huynh trưởng):

– Trời đất ơi! Tụi nó nhảy lung tung chị không biết đường nào mà ra…

Tiếng cười nhộn vang lên, người đắc chí nhất vẫn là chị Nhã vì cái sân đã dẽ xuống như ý nguyện.

Khách ra thăm mang cho bịch kẹo thơm. Người chia vô ý làm văng xuống sàn giường một viên kẹo. Lập tức trận thư hùng xảy ra. Chị Nhã và chị Huệ đều “xuất chiêu” mong trói tay đối phương để giành quyền sỡ hữu viên kẹo tự do ấy. Cả hai cùng chui xuống gầm đơn tranh tài, tôi không biết ai thắng, chỉ thấy hai chị từ gầm giường chui ra, mặt dính đầy máng nhện, tiếng cười giòn giã của họ hòa lẫn vào nụ cười mỉm của tôi.

Cận tết, những ngày cuối đông rừng lạnh kinh khủng. Cô “Hạnh mắt kiếng” (có biệt danh đó vì cô cận rất nặng). Cô ngủ nơi chiếc đơn kê sát vách nhà bếp. Đêm đến chỗ cô tối thui. Tôi đi ra sau bếp rửa chân, khi ngang qua cô, cô gọi lại bảo:

– Đoan nì, chị lượm đôi vớ rớt dưới kẹt giường lên mà sao nó lạ rứa hè?

Cây đèn dầu được thắp lên, cô Hạnh thất kinh khi thấy tay mình đang nắm ngang lưng cón rắn bự, nó nằm thõng thượt như bị gấp đôi, ốm xẹp đi, bèo nhèo vì đói…

Cô Hạnh buông vội nói, mắt hãy còn mở to, ngơ ngác. Đại chúng kéo đến xem cười ồ, con rắn bình thản bò ra ngoài như không có chuyện gì đáng động tâm (dường như nó cũng tu… thiền? Hay nó đói quá không còn sức để gây chuyện).

Mỗi tối khi đến tủ thuốc (là cái thùng cây treo sát vách), tôi ngạc nhiên nhìn màu dạ quang sáng rực khoanh tròn trên thùng – một con rắn lục – các chị giải thích: – “Rắn lục độc lắm, cắn chết người, phải cẩn thận”…

Rắn nhan nhản khắp nơi, tại sao con rắn nguy hiểm ấy lại đẹp lạ lùng vậy chứ? Tôi thích cái màu dạ quang tỏa rực trong đêm đen của nó. Nó có vẻ chưa muốn hại ai. Nhắc đến thời lập quốc Viên Chiếu thì không thể quên con rắn lục, vì nó là “trang sức” duy nhất trong chùa. Nó rất khoái nằm trên thùng thuốc. Đêm đêm, tôi thường hay ngắm nó, nó tự đến, tự đi, chẳng “ai” làm phiền “ai”.

Cuộc sống tập thể mới này chúng tôi không thân nhau quá cũng chẳng sợ đến lạt lẽo. Một người đau cả nhóm đều lính quýnh. Có phải sợ bạn bịnh, thiếu người công tác mình phải làm gấp đôi? – Không! Không phải thế! – những nỗi niềm lo âu cứ chân thành bộc phát. Tôi không hiểu sao trong cơ cực người ta thường đối nhau chí tình? Có lẽ vì sự nhọc nhằn quá lớn nên niềm vui phải tranh thủ kiếm tặng nhau? Bây giờ gặp lại, những người cũ đều ca ngợi tình bằng hữu thắm thiết chia ngọt xẻ bùi thuở ấy nhưng người ta không ai muốn hai điều đi đôi: “cực” và “có tình” mà chỉ muốn “có tình “ chứ không “cực”.

Mỗi thời điểm đều có nét hay riêng của nó, nếu giống nhau hết thì giờ này tôi đâu phải viết chuyện này cho bạn đọc?

Mùa xuân đến, Viên Chiếu rộn rã tươi tắn hơn – dù sao cũng có mấy ngày nghỉ ngơi “thiên đường” – còn có bánh ăn nữa chứ? Tôi nhớ mùa Trung thu sư bà Vĩnh Bửu ra thăm, ủy lạo cho mấy cái bánh. Bánh Trung thu nhưn đậu đỏ mà sao ngon lìm lịm. Chúng tôi đã ăn toàn “cỏ” ngót mấy tháng nay rồi còn gì??

Nghe nói lá mồng gà, bông thọ, lá ớt… đều ăn được tôi rất mừng. Bởi vì tất cả rau trái ở ruộng đều đã được “vặt” sạch để cung cấp cho mấy cái miệng hạm ăn của chúng tôi. Mà muốn đổi khẩu vị thì chỉ điền vào những thứ chưa biết. Lá mồng gà, bông thọ… ăn đắng thí mồ! Ăn một lần là ngán ngược. Chỉ có rau mồng tơi là được xào, trộn, luộc, chế biến đủ kiểu… Và bây giờ nếu muốn tặng mồng tơi, xin bạn hãy tìm đến chị Thủy, chị Trạm, chị Tánh… để biết thế nào là nhăn nhó, không chừng còn bị điếc tai vì nghe càu nhàu. Tôi còn nhớ chị Trạm đã rên rỉ: – Ôi! Trời ơi! “mùng”… nữa hả?? Sao ngày nào cũng là “mùng” hết vậy?? Phần tôi nghe tới mồng tơi là muốn phát lãnh, mồng tơi bảy món mà ăn ngày này qua ngày khác, hỏi ai mà không ớn?

Ta trở lại chuyện mùa xuân. Mồng một tết mọi người được chia nửa đòn bánh. Chúng tôi đang bu quanh cô Đức để chúc tết và tán gẫu thì giật mình vì tiếng la hoảng của chị Huệ. Chị đang nhàn nhã nhâm nhi khẩu phần mình thì bị một kẻ háu ăn nào đó tấn công. Xin mách bạn thủ thuật bảo vệ quyền sở hữu của chị: cứ le lưỡi liếm quanh cái bánh là an toàn. Cái bánh được bảo vệ bằng vòng đai nước miếng vậy mà vẫn chưa đủ sức “đẩy” lui đối phương. Thấy nguy cơ bị cướp giựt tới nơi, chị Huệ vừa chạy vừa ngốn thật nhanh nửa đòn bánh. Tôi chỉ thấy đôi mắt chị trợn ngược… Ơn Phật! Tôi đã lo hơi xa, vì tới giờ chị vẫn còn… sống, sống thật dai và thật hùng. Biết đâu lại chẳng nhờ hơi hướm tươi trẻ thuở xưa? Ngay chính tôi bởi cứ làm khán giả nên tha hồ cười, để rồi mập càng thêm mập!…

Thật là một thiếu sót lớn nếu như tôi không kể về cô Đức (có lẽ phải gọi là cô Trụ trì, song tôi thích nhắc đích danh cô với bất kỳ Trụ trì nào khác). Cô thường ra ruộng làm và kể chuyện đời xưa cho chúng tôi quên cực. Những ngày không ra ruộng, cô ở nhà gắng sức làm bếp đãi chúng tôi. Sự chăm sóc của cô biểu hiện qua các món ăn rất khác người – thiên tài của cô chăng? – dạo ấy cứ thấy cô lui cui trong bếp là tôi thích mê, vỉ biết rằng thế nào từ ruộng về cũng sẽ có món gì đó lạ miệng lạ mắt.

Buổi sáng trước khi tôi ra đồng, cô tuyên bố:

– Chị sẽ đãi mấy đứa món rất khoái khẩu…

– Món gì hở cô? – Tôi hí hứng hỏi.

– Bánh bò! Cô vui vẻ đáp.

Tôi cầm cuốc ra đi, âm thanh ngọt dịu của cô như đang quyện vào cái bánh bò thật to trong trí tưởng tượng của tôi.

Trưa về, chúng tôi vừa ngồi vào bàn, cô dọn ra một dĩa… xẹp lép, bột nhão nhẹt.

– Gì đây cô?

– Bánh lết! “Bò” không được thì lết!

Không ai nhịn được cười. Nhưng có lẽ đó là những cái bánh chúng tôi ăn ngon nhất trong tháng ngày ấy.

Khi cô mừng “thập chu niên” của mình, chị Thủy hỏi:

– Già định đãi món gì đây?

– Chè Trôi nước! – Cô đáp gọn.

Đúng là “trôi bềnh bồng” thật! Tôi ngắm tô chè: bột vỡ ra trôi lềnh bềnh như hình những cụm mây, nước chè vàng đục lợn cợn nhưn; rõ ràng là bột đi đường bột nhưn đi đường nhưn!

Mặt cô xìu đi vì tiếng châm chọc dai dẳng của đại chúng. Với tôi, đó là tô chè dễ thương nhất, khó quên nhất – tô chè nồng ấm tình người.

Tới giờ tôi vẫn mường tượng được dáng cô lui cui trong bếp. Tôi hiểu một điều: cô muốn săn sóc bọn tôi để làm dịu bớt phần nào nỗi cơ cực. Xin trân trọng giới thiệu, cô cũng chính là “thầy” dạy nấu ăn của tôi. Nhờ hồng phúc đời trước, tôi được truyền thừa hết mọi kỹ năng “khéo léo” của cô, và trò… không thua thầy mấy.

Thành tích của cô không chỉ có bấy nhiêu – Hạnh Pháp vốn tính siêng năng, trồng bông thiệt nhiều và khoe rằng bông bán được giá lắm – Thế là cô, chị Thủy, Hạnh Pháp cùng ôm bông trực chỉ tới chợ tìm mối tiêu thụ…

Tôi không mục kích chuyện buôn bán của ba người, chỉ nghe chị Thủy về kể:

– Nè, Hạnh Pháp bán đắt nhất, mỗi người chia nhau đi mời khách, tìm mối… chị bán được mấy bó, còn già Đức hả? Hi hi!…

– Sao hả chị??

– “Giả” đi tới đi lui, ôm bụi bông to chần dần mời không ai mua mà còn bị bà thu thuế thộp.. áo bắt đóng tiền chỗ nữa chứ!..

Quay sang cô Đức, chị Thủy sỉ vả:

– Cái mặt già “dzô dziên” đã bán không được mà còn làm tốn tiền thêm!…

Nhìn cô Đức cười hiền lành, tôi ngắm mấy bó bông mà thấy tội. Xin giải thích: bông đem bán chỉ có Mồng Gà, Vạn Thọ… chứ nào phải những loài hoa hương sắc như bây giờ?

Những khi tôi ho hen cảm cúm, cô đều đến xoa dầu, nhắc mặc thêm áo, đắp chăn… Thỉnh thoảng có ai mời ăn cỗ, cô kéo tôi theo. Nhìn cái mặt ngơ ngáo của tôi cô phì cười dạy luôn cách ẩm thực cho biết “văn minh” với người.

Có hôm lao tác mệt mà chưa tới bữa ăn, tôi lẻn vào bếp bốc ít cơm nguội ăn cho đỡ đói. Ai ngờ bị cô bắt gặp tại trận mình đang ăn vụng… khi tim tôi mặc tình đập loạn nhịp vì sợ thì cô đã mỉm cười bao dung, đặt thêm vào tay tôi mấy củ sắn… tôi hiểu tại sao mỗi lúc cô đi đâu xa, có người than thở:

– Cô Trụ trì đi, chùa vắng dễ sợ!…

Quả thật vắng một người như vậy cũng đáng buồn lắm chứ!

Mùa đậu chúng tôi tập trung ra làm ở Linh Chiếu 2, tức chỗ Linh Chiếu bây giờ (hồi đó chưa có Linh Chiếu) lúc ấy hãy còn hoang vu lắm, chỉ có nhiều nắng gió và mưa giông.

Gặp buổi nhổ đậu, để dụ khị chúng tôi hăng hái làm, chị Thủy đề xướng:

– Bây giờ mình nhổ đua, ai tới đích trước là thắng!

Giải Thanh vừa nhổ vừa chạy thật nhanh, người “anh hùng” ấy vừa “đáo bỉ ngạn” đã khóc rống lên:

– Con bò cạp nó chích em!

Con bò cạp nằm lẫn trong lá đậu đã “hại” Giải Thanh, có ai ngờ phút chiêế thắng lại đưa Giải Thanh về miền nhức nhối. Nhìn kẻ “có công” nằm rên rỉ, ai nấy đều tức cười và tội nghiệp.

Không phải lúc nào cũng bận rộn. Buổi chiều, sau khi công tác xong, dòm Hạnh Khiết mập mạp tôi ngứa mắt, rủ rê:

– Ê! Lấy xe ba gác đi chơi Khiết!

Hạnh Khiết làm tài xế đèo tôi sau lưng, cô Đức ngồi chễm chệ trong xe.

Tôi sung sướng tận hưởng giây phút thảnh thơi được mơn man bởi cơn gió chiều mát rượi thì cả ba chúng tôi đồng bắt gặp thầy đang tập xe đạp trờ tới (thầy tập chạy xe đạp để tiện việc vào dạy kinh cho chúng tôi). Thấy vẻ hớn hở của chúng tôi thầy từ tốn hỏi:

– Mấy đứa đua xe hôn?

Lập tức chúng tôi hưởng ứng liền. Chiếc xe ba gác cồng kềnh, dù nhỏ Khiết ráng đạp trối chết vẫn cứ tụt lại phía sau (dù chúng tôi đã cỗ vũ liên hồi), thầy đã bỏ rơi chúng tôi một quãng xa, còn ngoái lại xác nhận:

– Mấy đứa thua rồi nghen!

Hạnh Khiết nói nhỏ:

– Hồi nảy ham đua vô tình ép xe thầy vào lề, thấy thầy đảo tay lái em hết hồn không dám đạp nữa…

Thua thắng gì cũng vinh dự, có mấy ai được đua xe với thầy đâu?

Gặp khi đẩy xe đi xay lúa, mùa mưa chân bết bùn, tới thiền thất tôi ngần ngại không dám bước tới chỗ thầy thì thầy đã ngoắc:

– Mấy đứa lại đây, thầy cho ổi ăn nè!

Tới giờ thiền vẫn không quên nụ cười hiền hòa cùng cung cách dạy dỗ đặc biệt của thầy, thầy đã nương tay khá nhiều cho bọn nhỏ chúng tôi vào thời “rừng rú” đó. Nét hồn nhiên được nuôi dưỡng cho chúng tôi lớn mạnh để đủ sức vượt qua buổi đầu đầy khó khăn…

Kỷ niệm xưa còn rất nhiều, vì hai mươi năm dồn lại phút giây này thì có biết bao điều để nói?

Bây giờ tôi chỉ là một người đứng bên rào Viên Chiếu. Dù vậy tôi vẫn ăn mừng hai mươi năm của mình. Tôi có vẻ như – muốn bước ra khỏi thầy, khỏi vòng tay của bè bạn – sống như người quên cội nguồn và bạc bẽo nhất trần đời! Nhưng tận đáy lòng vẫn có điều không thể quên – Tôi không bao giờ quên được bè bạn cùng vị thầy khả kính đã dìu dắt mình.

Các kinh điển cũng như bao sách minh triết đã hằng nhắc: Một cái tâm còn phiền não sẽ không giúp ích gì được cho ai. Muốn giúp ai, trước phải tự điều phục tâm mình. Khi tâm tư mình an lạc người chung quanh cũng được hạnh phúc lây… còn bây giờ dù có muốn “hà hơi yêu thương” chăng nữa… thì độc khí của tham sân si cùng bao nhiêu phiền não chướng sẽ giành nhau mà tuôn ra… mói là rủi ro biết bao nhiêu? Khi không kiểm soát được mình bảo đảm tôi sẽ trút hết “giông gió” từ tật tánh mình cho người bên cạnh lãnh đủ rồi còn đổ thừa: tại sao họ làm mình giận, tại họ làm mình phiền não nữa kia!?

Tôi nhắc chuyện Viên Chiếu ngày xưa không phải để hoài niệm, tiếc nuối… thời nào tâm vẫn vậy – không thêm bớt điều gì lạ lẫm – có chăng mừng mùa xuân con heo này xin chúc nhau: chúng ta sẽ khéo điều phục được tâm mình, tận hưởng niềm an lạc bất tuyệt của nội tâm, rồi từ đó có thể giúp ích được cho người.

Nếu chưa có tí tẹo giác ngộ nào (giây giác), mà chung quanh bạn vẫn có nhiều người xác nhận: “Vắng bạn trời đất trống rỗng!…” thì hãy nên mỉm cười đi vì bạn thực sự sống có ích – hay bắt đầu có ích rồi đấy! – Còn như gặp mình mà người ta nín thở cười gượng, chia tay mình họ thở ra nhẹ nhỏm… thì ta nên về “đóng cửa” nhìn lại tâm mình, cố hiểu câu: “Mọi người là phóng ảnh của chính mình” để khỏi trách hờn: “Trần gian này sao ta cô đơn quá, ai cũng “xấu” nên không hiểu được một kẻ “cao thượng” như mình!…

Tìm ra được những khiếm khuyết còn ẩn nấp trong tâm, có nghĩa là ta đã thuộc bài: “Cá nhân cũng là đại thể…” và trong mối tương quan “trùng trùng duyên khởi này”, giúp người chẳng bằng giúp mình! Ta hãy cùng nhau: – bình cái tâm đa sự này trước – rồi mọi việc sẽ ổn, phải vậy chăng??..

11-1-95

* * * * * *
Bên Nớ… Bên Này

Người khép cửa giã từ trò chơi giỡn
Đứng bên lề ta len lén ngó qua
Hai mươi năm… tưởng chừng một sát na
Nhìn tóc bạc da nhăn… mà thấy lạ
Đã hết thuở giành ăn la chí choé
Mừng trăng thu cùng bách bộ ngoài đường
Đi bên nhau dàn hàng dưới mù sương
Nghe hạnh phúc mênh mang về tỏa khắp
Đã hết thuở quần chằm, áo vá…
Mái nhà tranh tua tủa chẳng then cài
Nét hồn nhiên rừng lá cũng đâm say
Thân thiến quá, dù bốn phương gặp gỡ…
Thương Viên Chiếu cái gì cũng dỡ!
Dở nấu ăn, dở cung cách trang đài!
Giỏi nước lì! Giỏi quậy phá, ba gai!
Ai từng ghé một lần mà không nhớ?
Giòng thời gian chuyển mình bao thay đổi
Người hôm nay lo làm Phật đương lai
Ta bên rào dệt một chút trần ai
Mừng Viên Chiếu ngày tròn hai mươi tuổi…

* * * * * *
Lời Ngu Ngơ

Khi ánh sáng gọi hồn mê mở mắt
Vào chiêm bao bằng tiếng khóc chào đời
Cho áo hạ lay nguyền xưa thức giấc
Thoáng chao hồn qua từng hạt sương rơi
Ta đã diễn trăm nghìn lần khuôn mộng…
Cười ngu ngơ và khóc cuộc vô thường
Nghe chơi vơi vì trần gian ảo bóng
Xác thân hòa trong bãng lãng khói sương
Từ lên non… pháp âm ôi trầm lắng
Hồn thiên thai, bóng tiền kiếp hiện về
Gió, biển, núi… trao bình an tĩnh lặng
Giọt lệ nào, thổn thức… rớt trong mơ!

1977