LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Năm trăm Đại A-la-hán cùng tạo luận
Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang dịch Phạn sáng Hán
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

CHƯƠNG V: ĐẠI CHỦNG UẨN

Phẩm Thứ Ba: LUẬN VỀ CỤ KIẾN

(Từ cuối quyển 134 – đầu quyển 137)

Đã có đủ Kiến đế, đệ tử của Đức Thế Tôn chưa lìa nhiễm cõi Dục mà thành tựu sắc của nghiệp thân-ngữ hệ thuộc cõi Sắc, do Đại chủng nào đã tạo ra? Các chương như vậy và giải thích về nghĩa từng chương đã lĩnh hội rồi, nay sẽ phân biệt rộng ra.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Bởi vì muốn làm cho người nghi có được quyết định. Nghĩa là trong kinh nói: “Đức Phật bảo với Tỳ kheo: Nếu trong thân này Ly sinh hỷ lạc, tưới nhuần-khắp nơi tưới nhuần, vui sướng dễ chịu- khắp nơi vui sướng dễ chịu, thì ở trong thân này không có phần ít Ly sinh hỷ lạc mà không đầy đủ khắp nơi.”

Trong kinh này nói đến địa Căn bản, chớ cho rằng chỉ trong địa Căn bản này có pháp có thể lìa bỏ, chứ không phải là địa Cận phần. Bởi vì đoạn dứt mối nghi này, cho nên hiển bày trong Cận phần cũng có pháp thiện có thể lìa bỏ tương tự.

Có Sư khác nói: Muốn ngăn chặn Luận giả Phân Biệt, nói Dự lưu- Nhất lai cũng đạt được Tĩnh lự Căn bản. Vì sao vị ấy đưa ra cách nói này? Bởi vì dựa vào trong kinh, như nói: “Tuệ thiếu thì không có Tĩnh lự, Tĩnh lự thiếu thì không có Tuệ, người có đầy đủ hai loại này, thì cách cõi Niết-bàn không xa.” Dự lưu-Nhất lai, bởi vì đều có Tuệ cho nên họ cũng có Tĩnh lự Căn bản. Vì ngăn chặn ý chấp ấy để hiển bày hai quả đầu chưa đạt được Tĩnh lự.

Hỏi: Nếu như vậy thì bài tụng mà vị ấy đã dẫn ra nên hiểu thế nào?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu đưa ra cách nói như vậy: “Tụng ấy nói tư duy chọn lựa đúng đắn gọi là Tĩnh lự, nếu không như vậy thì ngoại đạo cũng đạt được Tĩnh lự Căn bản, lẽ nào vẫn chấp nhận là họ cũng có Tuệ hay sao? Luận giả Phân Biệt đưa ra cách nói này: Chấp nhận họ có Tuệ lại có gì sai? Cách nói ấy không đúng. Nguyên cớ thế nào? Bởi vì đầy đủ hai loại này thì đối với Niết-bàn đã là không xa, chứ không phải là các ngoại đạo cách Niết-bàn gần, bởi vì họ không có pháp giải thoát.”

Có người nói: Vì ngăn chặn ý của phái Thí Dụ, họ nói các địa Cận phần chỉ có pháp thiện. Nay nói rõ Cận phần có đủ ba loại, đó là thiệnnhiễm ô và vô ký. Nếu địa Cận phần chỉ có pháp thiện, thì đệ tử của Đức Thế Tôn chưa lìa tham cõi Dục, dựa vào Vị chí Định khởi lên đạo thế tục, luật nghi tùy chuyển ấy do Đại chủng của địa nào tạo ra? Tôn giả Thí Dụ đưa ra cách nói như vậy: Là do Đại chủng của Tĩnh lự thứ nhất đã tạo ra. Lẽ nào không phải các ông nói: Dự lưu-Nhất lai chưa đạt được Tĩnh lự hay sao? Vị ấy đưa ra cách nói này: Tôi ngăn chặn pháp thiện của Tĩnh lự không phải là nhiễm ô và vô ký. Cách nói ấy phi lý, bởi vì chưa lìa tham cõi Dục, hãy còn không có thể dấy khởi pháp thiện của Tĩnh lự thứ nhất, huống gì có thể dấy khởi pháp vô phú vô ký của địa ấy? Vì vậy để ngăn chặn tông chỉ của người khác và hiển bày về chánh lý, cho nên soạn ra phần luận này.

Hỏi: Đã nói là đã có đủ Kiến đế, vì sao lại nói đến đệ tử của Đức Thế Tôn?

Đáp: Đã có đủ Kiến đế, là bởi vì muốn phân biệt về Tùy tín-Tùy pháp hành; đệ tử của Đức Thế Tôn, là bởi vì muốn phân biệt về các dị sinh.

Hỏi: Đây là ai vậy?

Đáp: Đây là quả Dự lưu và quả Nhất lai chứ không phải là gì khác, bởi vì nói là chưa lìa nhiễm cõi Dục.

Hỏi: Tùy tín-Tùy pháp hành vì sao không gọi là đã có đủ Kiến đế?

Đáp: Có người đưa ra cách nói này: Đã thấy rõ bốn Đế và đã làm hại tà kiến, thì gọi là đã có đủ Kiến đế. Tùy tín-Tùy pháp hành, không phải là đã thấy rõ bốn Đế, bởi vì nay đang thấy rõ; không phải là đã làm hại tà kiến, bởi vì nay đang làm hại. Vì vậy không gọi là đã có đủ Kiến đế.

Có Sư khác nói: Nếu trong sự nối tiếp nhau, đã loại trừ tất cả cách nhìn trái ngược- hành ác- nẽo ác- phiền não, thì mới được gọi là đã có đủ Kiến đế. Tùy tín-Tùy pháp hành, nay đang có thể loại trừ chứ không gọi là đã loại trừ, bởi vì vẫn còn thành tựu. Vì vậy không gọi là đã có đủ Kiến đế. Như trong thửa ruộng tốt không có tất cả các loại cỏ dại-mưa đá và tai họa bất ngờ, gọi là thửa ruộng đầy đủ cho các việc đồng áng.

Lại có người nói: Nếu trong sự nối tiếp nhau đã loại bỏ bốn nghi, sinh ra bốn quyết định, thì lúc bấy giờ gọi là đã có đủ Kiến đế. Tùy tín- Tùy pháp hành, đang loại bỏ bốn nghi, sinh ra bốn quyết định, cho nên không gọi là đã có đủ.

Có người nói: Nếu trong thân đã loại bỏ bốn tối tăm, đã phát khởi bốn sáng suốt; đã loại bỏ bốn vô trí, đã phát khởi bốn trí, thì gọi là đã có đủ Kiến đế. Tùy tín-Tùy pháp hành thì không như vậy, cho nên không gọi là đã có đủ.

Có người nói: Đã thuần phục châu-đảo của bốn Đế, đã loại bỏ giặc thù phiền não ở trong đó, mới gọi là đã có đủ. Tùy tín-Tùy pháp hành, đang thuần phục- đang loại bỏ, cho nên không gọi là đã có đủ.

Hỏi: Vì sao dị sinh không gọi là đệ tử của Đức Thế Tôn?

Đáp: Nếu chỉ thuận theo lời dạy của Đức Phật chứ không tiếp nhận lời dạy nào khác, thì gọi là đệ tử của Đức Thế Tôn. Dị sinh có lúc thuận theo lời dạy của Đức Phật, có lúc thuận theo lời nói tà vạy, cho nên không gọi là đệ tử của Đức Thế Tôn.

Có người nói: Các hữu tình do nghe đúng đắn mà điều phục chứ không phải là do nghe tà vạy, mới gọi là đệ tử của Đức Thế Tôn. Dị sinh thì không như vậy.

Có người nói: Nếu thành tựu bốn loại Chứng tịnh, thì gọi là đệ tử của Đức Thế Tôn. Dị sinh không có bốn loại Chứng tịnh, cho nên không gọi là đệ tử của Đức Thế Tôn.

Có người nói: Nếu chỉ tôn xưng Đức Phật để làm bậc Đại Sư, thì gọi là đệ tử của Đức Thế Tôn. Dị sinh có lúc tôn xưng ngoại đạo tà ma để làm thầy, cho nên không gọi là đệ tử của Đức Thế Tôn.

Có người nói: Nếu chỉ quy y cung kính Tam Bảo để làm ruộng phước, thì gọi là đệ tử của Đức Thế Tôn. Các loại dị sinh, hoặc là lấy tà thần- các ngoại đạo… để làm ruộng phước, cho nên không gọi là đệ tử của Đức Thế Tôn.

Có người nói: Nếu tin chỉ có Đức Phật là bậc Nhất thiết trí, chỉ có pháp do Đức Phật đã nói mới có năng lực vượt qua sinh tử, chỉ có Tỳ kheo Tăng là người phạm hạnh, thì gọi là đệ tử của Đức Thế Tôn. Các loại dị sinh trái ngược với điều này, vì vậy không gọi là đệ tử của Đức Thế Tôn.

Có người nói: Đối với Thánh giáo của Đức Phật, tâm ý vững bền như cột cao của Đế Thích, thì gọi là đệ tử của Đức Thế Tôn. Các loại dị sinh ở trong giáo pháp của Đức Phật, tâm không vững bền giống như bông tơ theo gió lên xuống, chuyển động không ngừng, cho nên không gọi là đệ tử của Đức Thế Tôn.

Hỏi: Đã có đủ Kiến đế, đệ tử của Đức Thế Tôn chưa lìa nhiễm cõi Dục mà thành tựu sắc của nghiệp thân- ngữ hệ thuộc cõi Sắc, do Đại chủng nào đã tạo ra?

Đáp: Hệ thuộc cõi Sắc. Đây là dựa vào tướng chung của chủng loại mà nói. Nếu nói riêng biệt, thì nên nói là do Đại chủng của địa Vị chí mà tạo ra. Đây là ngăn chặn nói về Dự lưu-Nhất lai cũng đạt được Tĩnh lự. Ý nói: Bởi vì chưa lìa nhiễm cõi Dục, cho nên không có người nào chưa lìa nhiễm cõi Dục mà có thể đạt được Tĩnh lự. Lại cũng ngăn chặn nói đến trong địa Vị chí không có vô ký. Ý nói: Bởi vì Đại chủng của cõi Sắc tạo ra, cho nên không có người nào chưa đạt được địa Tĩnh lự mà có thể khởi lên Đại chủng của địa ấy.

Hỏi: Vì sao trong này chỉ hỏi về nghiệp thân- ngữ tùy theo đạo thế tục chứ không phải là vô lậu?

Đáp: Đó là ý của người soạn luận muốn như vậy, tùy theo ý muốn ấy mà soạn ra phần luận này, nhưng làm cho không trái với pháp tướng, vì vậy không cần phải vặn hỏi về nguyên cớ điều ấy.

Có người nói: Phải hỏi đầy đủ mà không hỏi, thì nên biết là nghĩa này có khác.

Có người nói: Nghiệp thân-ngữ vô lậu quyết định không tách rời, nghiệp thân-ngữ tùy theo đạo thế tục. Nếu hỏi về thế tục thì nên biết là đã hỏi đến vô lậu.

Có người nói: Luật nghi vô lậu lấy giới thế tục làm gia hạnh, làm môn loại, làm nương tựa, làm nơi dừng chân yên ổn. Nếu hỏi về gia hạnh ấy thì đã hỏi đến điều ấy.

Có người nói: Giới vô lậu dựa vào giới thế tục mà đạt được, cho nên hỏi về thế tục thì hỏi đến vô lậu.

Có người nói: Luật nghi thân- ngữ tùy theo đạo thế tục, chắc chắn cùng chung chủng loại với tự động tạo(năng tạo), nay chỉ hỏi đến cùng loại tùy theo địa sai biệt, vô lậu khác loại vì vậy không hỏi.

Có người nói: Sắc này tùy theo đạo thế tục có sự tranh luận khác nhau. Nghĩa là có người nói: Là do Đại chủng của địa Vị chí mà tạo ra; có người nói: Là do Đại chủng của Tĩnh lự thứ nhất mà tạo ra. Vì vậy mà hỏi đến. Vô lậu nhất định là do Đại chủng của cõi Dục mà tạo ra, vì vậy không hỏi đến. Bởi vì những duyên này, cho nên chỉ hỏi về nghiệp thân-ngữ thế tục, chứ không hỏi đến vô lậu.

Hỏi: Sinh ở cõi Dục tiến vào bốn Tĩnh lự hữu lậu, sắc của nghiệp thân-ngữ do Đại chủng nào đã tạo ra?

Đáp: Hệ thuộc cõi Sắc. Đây là dựa vào tướng chung của chủng loại mà nói. Nếu nói riêng biệt thì sắc thuộc đạo thế tục tùy theo Tĩnh lự thứ nhất tức là Đại chủng sở tạo hệ thuộc Tĩnh lự thứ nhất, cho đến sắc thuộc đạo thế tục tùy theo Tĩnh lự thứ tư tức là Đại chủng sở tạo hệ thuộc Tĩnh lự thứ tư.

Hỏi: Sinh ở cõi Dục tiến vào bốn Tĩnh lự vô lậu, sắc của nghiệp thân-ngữ do Đại chủng nào đã tạo ra?

Đáp: Hệ thuộc cõi Dục. Bởi vì dựa vào thân cõi Dục hiện rõ ở trước mắt.

Hỏi: Vì sao Đại chủng sở y hữu lậu cần phải hệ thuộc cùng một địa với thụ động tạo (sở tạo), sở y vô lậu tùy theo thân nào khởi lên thì hệ thuộc ở thân ấy?

Đáp: Bởi vì luật nghi hữu lậu có ràng buộc-có hệ thuộc, là Đại chủng sở tạo cùng chung địa; luật nghi vô lậu lìa ràng buộc-lìa hệ thuộc, nhưng dựa vào thân khởi lên, cho nên tùy theo trong thân của địa nào hiện rõ trước mắt, thì Đại chủng sở tạo thuộc về thân ấy.

Có người nói: Luật nghi hữu lậu rơi vào cõi-rơi vào địa, cho nên Đại chủng sở tạo thuộc về cõi-địa của mình; luật nghi vô lậu tuy rơi vào địa mà không rơi vào cõi, nhưng dựa vào thân khởi lên, cho nên tùy theo Đại chủng sở tạo của sở y.

Có người nói: Luật nghi hữu lậu là Đại chủng sở tạo cùng loại, cho nên địa cần phải giống nhau; luật nghi vô lậu là Đại chủng sở tạo khác loại, cho nên tùy theo thân riêng biệt, bởi vì cần phải dựa vào thân hiện rõ ở trước mắt.

Hỏi: Sinh ở cõi Sắc tiến vào bốn Tĩnh lự hữu lậu, sắc của nghiệp thân-ngữ do Đại chủng nào đã tạo ra?

Đáp: Hệ thuộc cõi Sắc. Đây là dựa vào tướng chung của chủng loại mà nói. Nếu nói riêng biệt thì sắc thuộc đạo thế tục tùy theo Tĩnh lự thứ nhất, tức là Đại chủng sở tạo hệ thuộc Tĩnh lự thứ nhất, cho đến sắc thuộc đạo thế tục tùy theo Tĩnh lự thứ tư, tức là Đại chủng sở tạo hệ thuộc Tĩnh lự thứ tư.

Hỏi: Sinh ở cõi Sắc tiến vào bốn Tĩnh lự vô lậu, sắc của nghiệp thân-ngữ do Đại chủng nào đã tạo ra?

Đáp: Hệ thuộc cõi Sắc. Đây cũng dựa vào tướng chung mà nói. Nếu nói riêng biệt thì nếu sinh ở Tĩnh lự thứ nhất tiến vào bốn Tĩnh lự vô lậu, thì nghiệp thân-ngữ ấy đều là Đại chủng sở tạo thuộc Tĩnh lự thứ nhất; nếu sinh ở Tĩnh lự thứ hai tiến vào ba Tĩnh lự vô lậu, thì nghiệp thân- ngữ ấy đều là Đại chủng sở tạo thuộc Tĩnh lự thứ hai; nếu sinh ở Tĩnh lự thứ ba tiến vào hai Tĩnh lự vô lậu, thì nghiệp thân-ngữ ấy đều là Đại chủng sở tạo thuộc Tĩnh lự thứ ba; nếu sinh ở Tĩnh lự thứ tư tiến vào vô lậu của Tĩnh lự thứ tư, thì nghiệp thân-ngữ ấy là Đại chủng sở tạo thuộc Tĩnh lự thứ tư.

Trong này, nên biết rằng sinh ở địa dưới thì Định của địa trên hiện rõ trước mắt, sinh ở địa trên thì Định của địa dưới không hiện rõ trước mắt.

Hỏi: Vì sao như vậy?

Đáp: Bởi vì Định của địa dưới yếu kém, Định của địa trên mạnh hơn, đối với mạnh hơn sinh ra yêu thích cho nên dấy khởi, đối với yếu kém sinh ra chán bỏ cho nên không dấy khởi.

Có người nói: Dưới hướng lên trên, trên không hướng xuống dưới, như bề tôi hướng về vua, vua không hướng về bề tôi.

Có người nói: Sinh ở địa dưới thì đối với pháp của địa trên, lại có những việc làm cho nên dấy khởi hiện rõ trước mắt; sinh ở địa trên đối với pháp của địa dưới lại không có việc làm nào, vì vậy không dấy khởi. Như A-la-hán không dấy khởi đạo đối trị để đoạn ba cõi, bởi vì không có tác dụng.

Có người nói: Pháp thiện gia hạnh do công dụng mà dấy khởi, sinh ở địa trên thì pháp của địa dưới không có tác dụng, đối với pháp không có tác dụng lại khởi lên công lực khiến cho hiện rõ ở trước mắt, chứ không phải là như vô ký.

Hỏi: Đại chủng tùy theo địa có năm loại riêng biệt, mấy loại không ngừng diệt, mấy loại không ngừng hiện rõ trước mắt?

Đáp: Sinh ở cõi Dục, nếu tâm cõi Dục không gián đoạn, Tĩnh lự thứ nhất hữu lậu hiện rõ ở trước mắt, thì lúc ấy Đại chủng của một loại diệt đi, đó là cõi Dục; Đại chủng của hai loại không ngừng hiện rõ trước mắt, đó là cõi Dục và Tĩnh lự thứ nhất. Nếu Tĩnh lự thứ nhất hữu lậu không gián đoạn, Tĩnh lự thứ nhất hữu lậu hiện rõ ở trước mắt, thì lúc ấy Đại chủng của hai loại diệt đi, đại chủng của hai loại không ngừng hiện rõ trước mắt, đó là cõi Dục và Tĩnh lự thứ nhất. Nếu Tĩnh lự thứ nhất hữu lậu không gián đoạn, Tĩnh lự thứ nhất vô lậu hiện rõ ở trước mắt, thì lúc ấy Đại chủng của hai loại diệt đi, đó là cõi Dục và Tĩnh lự thứ nhất; Đại chủng của một loại không ngừng hiện rõ trước mắt, đó là cõi Dục. Nếu Tĩnh lự thứ nhất vô lậu không gián đoạn, Tĩnh lự thứ nhất vô lậu hiện rõ ở trước mắt, thì lúc ấy Đại chủng của một loại diệt đi, Đại chủng của một loại không ngừng hiện rõ trước mắt, đó là cõi Dục. Nếu Tĩnh lự thứ nhất vô lậu không gián đoạn, Tĩnh lự thứ nhất hữu lậu hiện rõ ở trước mắt, thì lúc ấy Đại chủng của một loại diệt đi, đó là cõi Dục; Đại chủng của hai loại không ngừng hiện rõ trước mắt, đó là cõi Dục và Tĩnh lự thứ nhất. Nếu Tĩnh lự thứ nhất hữu lậu không gián đoạn, tâm cõi Dục hiện rõ ở trước mắt, thì lúc ấy Đại chủng của hai loại diệt đi, đó là cõi Dục và Tĩnh lự thứ nhất; Đại chủng của một loại không ngừng hiện rõ trước mắt, đó là cõi Dục. Nếu tâm thiện của cõi Dục không gián đoạn, Tĩnh lự thứ nhất vô lậu hiện rõ ở trước mắt; nếu Tĩnh lự thứ nhất vô lậu không gián đoạn, tâm thiện của cõi Dục hiện rõ ở trước mắt, thì đều là Đại chủng của một loại diệt đi, Đại chủng của một loại không ngừng hiện rõ trước mắt, đó là cõi Dục.

Như tiến vào-thoát ra ở Tĩnh lự thứ nhất, cho đến tiến vào-thoát ra ở Tĩnh lự thứ tư, tùy theo sự thích hợp đều cần phải nói rộng ra. Như sinh ở cõi Dục, cho đến sinh ở Tĩnh lự thứ tư, tùy theo sự thích hợp cũng cần phải nói rộng ra.

Hỏi: Nếu sinh ở cõi Dục, lúc Đại chủng của cõi Sắc hiện rõ ở trước mắt, thì hiện rõ trước mắt ở nơi nào?

Đáp: Có người nói: Giữa chặng mày. Có người nói: Ở chót mũi. Có người nói: Ở bên ngực. Có người nói: Ở bên rốn. Có người nói: Ở ngón chân.

Có người đưa ra cách nói này: Tùy theo xứ sở an tâm thuộc gia hạnh trước đó ở nơi nào, thì hiện rõ trước mắt ở nơi ấy.

Có Sư khác nói: Đại chủng của cõi Dục là thô, Đại chủng của cõi Sắc là tế, tế hợp lại- thô hở ra, như dầu thấm vào cát. Nhưng lúc Tĩnh lự Căn bản hiện rõ ở trước mắt, thì Đại chủng của cõi Sắc khởi lên trong toàn thân; nếu lúc Cận phần Tĩnh lự hiện rõ ở trước mắt, thì Đại chủng của cõi Sắc chỉ khởi lên ở bên ngực.

Có người nói: Lúc Cận phần Tĩnh lự hiện rõ ở trước mắt, thì Đại chủng của cõi Sắc cũng khởi lên ở toàn thân, nhưng nuôi lớn thân không giống như Căn bản. Như có hai người cùng đi đến hồ nước tắm rửa, một người ở bên cạnh hồ múc nước rửa ráy thân thể, một người bước vào trong hồ ngâm toàn thân mà tắm gội. Hai người dùng nước tuy cùng tắm ướt toàn thân, nhưng thân nuôi lớn bước vào trong hồ thì hơn hẳn.

Hỏi: Trong thân cõi Dục trước đó có khe hở, Đại chủng của cõi Sắc khởi lên có tiến vào trong hay không?

Đáp: Không phải như vậy. Thân cõi Dục ở vị lai tự nhiên có hai loại:

  1. Chỉ có Đại chủng của cõi Dục.
  2. Xen lẫn Đại chủng của cõi Sắc.

Nếu lúc gặp được duyên tiến vào Định của cõi Sắc, thì lúc ấy chỉ có Đại chủng của cõi Dục sẽ diệt đi, xen lẫn Đại chủng của cõi Sắc sẽ sinh ra, cho nên không có thể nói là trước đó có khe hở-sau đó khởi lên trú bên trong.

Hỏi: Đệ tử của Đức Thế Tôn, sinh ở cõi Vô sắc mà thành tựu sắc của nghiệp thân-ngữ vô lậu, do Đại chủng nào đã tạo ra?

Đáp: Hoặc là hệ thuộc cõi Dục, hoặc là hệ thuộc cõi Sắc.

Hỏi: Trong này vì sao lại soạn ra phần luận này?

Đáp: Bởi vì muốn làm cho người nghi có được quyết định. Nghĩa là cõi Vô sắc không có các sắc, có người sinh ra nghi ngờ: Đệ tử của Đức Thế Tôn sinh ở cõi Vô sắc, sắc vô lậu đã thành tựu không phải là Đại chủng sở tạo. Bởi vì trừ bỏ mối nghi này cho nên nói: Đại chủng sở tạo hoặc là hệ thuộc cõi Dục, hoặc là hệ thuộc cõi Sắc.

Hỏi: Sắc đã thành tựu ấy, chắc chắn là Đại chủng sở tạo thuộc cõi Dục-Sắc, vì sao nói hoặc là?

Đáp: Nên nói quyết định nhưng mà nói hoặc là, bởi vì muốn hiển bày về cõi không có tạp loạn, vô lậu đối trị thì có tạp loạn. Bởi vì cõi không có tạp loạn, cho nên Đại chủng sở tạo thuộc cõi Dục là khác, Đại chủng sở tạo thuộc cõi Sắc là khác, không hề có một sắc mà cùng Đại chủng sở tạo thuộc hai cõi, vì thế cho nên nói hoặc là. Đây tức là nói chung. Nhưng sắc vô lậu tùy theo dấy khởi dựa vào địa, tự động tạo ra(năng tạo) Đại chủng có năm loại riêng biệt, đó là Đại chủng sở tạo hệ thuộc cõi Dục và bốn Tĩnh lự.

Đệ tử của Đức Thế Tôn sinh ở cõi Vô sắc, nếu là A-la-hán thì chỉ thành tựu Đại chủng của năm địa thuộc vị lai, sắc vô lậu sở tạo không phải là hiện tại bởi vì không dấy khởi, không phải là quá khứ bởi vì đã rời bỏ. Nếu là Bất hoàn thì cũng thành tựu Đại chủng của năm địa thuộc vị lai, sắc vô lậu sở tạo không phải là hiện tại bởi vì không dấy khởi, quá khứ thì không nhất định, bởi vì dựa vào thân của năm địa dấy khởi có nhiều ít, hoặc là hoàn toàn không có, vì vậy cần phải nói.

Hoặc có người Học sinh đến cõi Vô sắc, thành tựu năm địa thuộc vị lai dựa vào Giới, quá khứ hoàn toàn không có, nghĩa là trước đó dựa vào thân của cõi Dục và bốn Tĩnh lự, đối với Quả thứ ba và Hướng thứ tư, các đạo vô lậu chưa khởi lên-chưa diệt đi, từ đó mạng chung sinh đến cõi Vô sắc.

Hoặc có người Học sinh đến cõi Vô sắc, thành tựu vị lai có năm, quá khứ có một, nghĩa là lúc trước ở cõi Dục và bốn Tĩnh lự, tùy theo dựa vào một thân, đối với Quả thứ ba hoặc là Hướng thứ tư, các đạo vô lậu đã khởi lên- đã diệt đi, từ đó mạng chung sinh đến cõi Vô sắc.

Hoặc có người Học sinh đến cõi Vô sắc, thành tựu vị lai có năm, quá khứ có hai, nghĩa là lúc trước ở cõi Dục và bốn Tĩnh lự, tùy theo dựa vào hai thân, đối với Quả thứ ba hoặc là Hướng thứ tư, các đạo vô lậu đã khởi lên-đã diệt đi, từ đó mạng chung sinh đến cõi Vô sắc.

Hoặc có người Học sinh đến cõi Vô sắc, thành tựu vị lai có năm, quá khứ có ba, nghĩa là lúc trước ở cõi Dục và bốn Tĩnh lự, tùy theo dựa vào ba thân, đối với Quả thứ ba hoặc là Hướng thứ tư, các đạo vô lậu đã khởi lên-đã diệt đi, từ đó mạng chung sinh đến cõi Vô sắc.

Hoặc có người Học sinh đến cõi Vô sắc, thành tựu vị lai có năm, quá khứ có bốn, nghĩa là lúc trước ở cõi Dục và bốn Tĩnh lự, tùy theo dựa vào bốn thân, đối với Quả thứ ba hoặc là Hướng thứ tư, các đạo vô lậu đã khởi lên-đã diệt đi, từ đó mạng chung sinh đến cõi Vô sắc.

Hoặc có người Học sinh đến cõi Vô sắc, thành tựu vị lai có năm, quá khứ có năm, nghĩa là vốn có dựa vào thân của cõi Dục và bốn Tĩnh lự, đối với Quả thứ ba hoặc là Hướng thứ tư, các đạo vô lậu đã khởi lên- đã diệt đi, từ đó mạng chung sinh đến cõi Vô sắc.s

Có người đưa ra cách nói này: Không có người Học nào sinh đến cõi Vô sắc mà không thành tựu sắc quá khứ, bởi vì người ấy lúc trước ở cõi Dục-Sắc, đối với Quả thứ ba hoặc là Hướng thứ tư, nhất định đã khởi lên- đã diệt đi mới mạng chung. Vì thế cho nên bản luận nói rằng: Nếu những người Học sinh đến cõi Vô sắc thì thành tựu sắc sở tạo thuộc quá khứ- vị lai, nếu vào lúc ấy đạt được quả A-la-hán thì thành tựu sắc sở tạo thuộc vị lai, chứ không phải là sắc sở tạo thuộc quá khứ. Nếu nói rằng không phải như vậy thì bản luận nên nói: Người Học sinh đến cõi Vô sắc, có lúc không thành tựu sắc sở tạo thuộc quá khứ.

Tôn giả Tăng-già-phạt-tô nói rằng: “Hoặc có người Học sinh đến cõi Vô sắc, cũng không thành tựu sắc của nghiệp vô lậu trong thân năm địa ở quá khứ- vị lai, nghĩa là trước đó dựa vào thân của cõi Dục và bốn Tĩnh lự, đối với Quả thứ ba và Hướng thứ tư, các đạo vô lậu chưa khởi lên-chưa diệt đi, từ đó mạng chung sinh đến cõi Vô sắc. Hoặc có người Học sinh đến cõi Vô sắc, thành tựu quá khứ và vị lai đều có một, nghĩa là lúc trước ở cõi Dục và bốn Tĩnh lự, tùy theo dựa vào một thân, đối với Quả thứ ba hoặc là Hướng thứ tư, các đạo vô lậu đã khởi lên- đã diệt đi, từ đó mạng chung sinh đến cõi Vô sắc. Như vậy thành tựu hai-thành tựu ba-thành tựu bốn-thành tựu năm, dựa theo trước nói rộng ra như lý nên suy nghĩ. Nếu sinh đến cõi ấy đạt được quả A-la-hán thì chỉ đạt được năm địa thuộc vị lai dựa vào Giới.”

Cách nói này phi lý, bởi vì không có lúc nào đạt được quả mà chỉ đạt được vô vi chứ không phải là hữu vi. Lại cùng với bản luận đã nói trái ngược nhau, như nói: Thánh giả sinh đến cõi Vô sắc, thành tựu sắc sở tạo vị lai, chứ không phải là đại chủng quá khứ. Nếu như ý đó thì bản luận nên nói: Thánh giả sinh đến cõi Vô sắc, có lúc không thành tựu sắc sở tạo vị lai. Vì vậy cách nói trước đối với lý là thích hợp.

Ở cõi Vô sắc chết đi sinh vào cõi Dục, Đại chủng của các căn đã đạt được lúc đầu, do Đại chủng nào làm nhân? Cho đến nói rộng ra.

Hỏi: Vì sao lại soạn ra phần luận này?

Đáp: Bởi vì muốn làm cho người nghi có được quyết định. Nghĩa là cõi Vô sắc hoàn toàn không có các sắc. Hoặc là có người sinh nghi ngờ như vậy: Ở cõi Dục- Sắc chết đi sinh đến cõi Vô sắc, sắc ấy hoặc là trải qua tám vạn- sáu vạn- bốn vạn-hai vạn kiếp mới đoạn hết, từ đó mạng chung sinh vào cõi Dục-Sắc, Đại chủng của các căn đã đạt được lúc đầu không có nhân mà sinh ra. Vì loại bỏ mối nghi ấy, hiển bày các sắc ấy không phải là không có nhân sinh ra, cho nên soạn ra phần luận này.

Hỏi: Ở cõi Vô sắc chết đi sinh vào cõi Dục, Đại chủng của các căn đã đạt được lúc đầu, do đại chủng nào làm nhân?

Đáp: Hệ thuộc cõi Dục. Đây là dựa vào tướng chung của chủng loại mà nói. Nếu nói riêng biệt thì nên đưa ra cách nói này: Ở cõi Vô sắc chết đi sinh vào cõi Dục, Đại chủng của các căn đã đạt được lúc đầu, nếu sinh ở địa ngục thì vẫn lấy Đại chủng của địa ngục làm nhân, cho đến nếu sinh ở loài trời thì vẫn lấy Đại chủng của loài trời làm nhân. Nếu Nhãn căn và Đại chủng ấy thì vẫn lấy Đại chủng sở y của Nhãn căn làm nhân. Căn và cảnh còn lại tương tự như vậy nên biết.

Trong mắt thì mắt bên trái và Đại chủng ấy vẫn lấy Đại chủng sở y của mắt bên trái làm nhân. Trong bên trái thì dị thục vẫn lấy dị thục làm nhân, nuôi lớn vẫn lấy nuôi lớn làm nhân. Như bên trái, bên phải cũng như vậy. Căn và cảnh còn lại nói rộng ra cũng như vậy. Nhưng nối tiếp sinh tâm cùng dấy khởi, Đại chủng lần lượt chuyển đổi làm nhân Câu hữu, đối với mắt… làm năm nhân như Sinh khởi…, Đại chủng đã diệt từ vô thỉ sinh tử cùng với Đại chủng bây giờ làm nhân Đồng loại.

Hỏi: Vì sao trong này không hỏi về mắt làm nhân cho Đại chủng của căn đã đạt được lúc đầu?

Đáp: Có người nói: Đây là nói tóm tắt nội dung chủ yếu, cho nên không hỏi đến mà thôi.

Có Sư khác nói: Đại chủng cùng làm nhân cho Đại chủng của các căn, vì vậy hỏi đến nó; mắt…không làm nhân cho Đại chủng, vì vậy không hỏi đến.

Có người nói: Đại chủng diệt đã lâu và Đại chủng bây giờ đều có nghĩa của nhân, mắt… chỉ có diệt đã lâu làm nhân, vì vậy không nói đến.

Hỏi: Ở cõi Vô sắc chết đi sinh vào cõi Sắc, Đại chủng của các căn đã đạt được lúc đầu, do Đại chủng nào làm nhân?

Đáp: Hệ thuộc cõi Sắc. Đây cũng là dựa vào tướng chung của chủng loại mà nói. Nếu nói riêng biệt thì nên đưa ra cách nói này: Ở cõi Vô sắc chết đi sinh vào cõi Sắc, Đại chủng của các căn đã đạt được lúc đầu, nếu sinh ở Tĩnh lự thứ nhất thì vẫn lấy Đại chủng của Tĩnh lự thứ nhất làm nhân, cho đến nếu sinh ở Tĩnh lự thứ tư thì vẫn lấy Đại chủng của Tĩnh lự thứ tư làm nhân. Nếu Nhãn căn và Đại chủng ấy thì vẫn lấy Đại chủng sở y của Nhãn căn làm nhân. Trong mắt bên trái-bên phải- dị thục-nuôi lớn, nói rộng ra như trước. Căn và cảnh còn lại, nói rộng ra cũng như vậy. Nhưng nối tiếp sinh tâm cùng dấy khởi, Đại chủng lần lượt chuyển đổi làm nhân Câu hữu, như vậy đều nói rộng ra như trước.

Hỏi: Ở cõi Sắc chết đi sinh vào cõi Dục, Đại chủng của các căn đã đạt được lúc đầu, do Đại chủng nào làm nhân?

Đáp: Hệ thuộc cõi Dục. Đây cũng là nói chung. Nếu nói riêng biệt thì như trước nên biết, nghĩa còn lại cũng như trước nói rộng ra.

*******

Sinh ở cõi Dục làm hóa hiện ở cõi Sắc. Cho đến nói rộng ra.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Bởi vì muốn ngăn chặn nghĩa của người khác để hiển bày về nghĩa của mình. Như phái Thí Dụ đưa ra cách nói như vậy: Các vật đã hóa hiện đều không phải là thật có. Nếu như thật có thì tại sao gọi là hóa hiện?

Đại đức cũng nói: Hóa hiện không phải là thật có, là do tu mà hiện rõ ra, như chú thuật làm cho xác chết đứng dậy thành quỷ.

Vì ngăn chặn những ý thú đã nói như vậy, để hiển bày các sự việc hóa hiện đều là thật có, bởi vì những duyên này cho nên soạn ra phần luận này.

Hỏi: Sinh ở cõi Dục làm hóa hiện ở cõi Sắc, phát ra lời nói của cõi Sắc, sắc của thân- ngữ ấy do Đại chủng nào đã tạo ra?

Đáp: Hệ thuộc cõi Sắc.

Hỏi: Sinh ở cõi Sắc làm hóa hiện ở cõi Dục, phát ra lời nói của cõi Dục, sắc của thân- ngữ ấy do Đại chủng nào đã tạo ra?

Đáp: Hệ thuộc cõi Dục. Bởi vì sắc sở tạo hữu lậu đều là Đại chủng sở tạo thuộc đồng phần cõi-địa. Nhưng thân đã hóa hiện có tám loại sai biệt, đó là sinh ở cõi Dục làm hóa hiện ở cõi Dục, có hai loại:

  1. Tựa như thân của mình.
  2. Tựa như thân người khác.

Làm hóa hiện ở cõi Sắc cũng có hai loại này, và sinh ở cõi Sắc làm hóa hiện ở cõi Sắc, có hai loại:

  1. Tựa như thân của mình.
  2. Tựa như thân người khác.

Làm hóa hiện ở cõi Dục cũng có hai loại này, đó gọi là tám loại.

Trong này chỉ dựa vào hai loại mà soạn luận, đó là sinh ở cõi Dục làm hóa hiện ở cõi Sắc, và sinh ở cõi Sắc làm hóa hiện ở cõi Dục, là tựa như thân người khác.

Hỏi: Vì sao trong này chỉ dựa vào hai thân mà soạn luận?

Đáp: Bởi vì ý của người soạn luận muốn như vậy, tùy theo ý muốn ấy mà soạn luận, nhưng làm cho không trái với pháp tướng, cho nên không cần phải vặn hỏi về nguyên cớ của điều ấy.

Có người nói: Chỉ có hai thân này vi tế khó thấy-khó hiểu, cho nên chỉ nói đến hai thân ấy.

Có người nói: Chỉ có hai thân này rất khó hiện rõ trước mắt, bởi vì nhờ vào nhiều gia hạnh mới có thể dấy khởi.

Có người nói: Đây là điều khó có thể tin nhận đối với thế gian, nghĩa là ai có năng lực làm ra thân khác ở cõi khác?

Có người nói: Hai thân này thật là hiếm có, nghĩa là có năng lực hóa hiện làm ra thân khác thuộc về cõi khác, vì vậy chỉ nói đến hai thân ấy.

Các tâm biến hóa, tổng quát có hai loại:

  1. Hệ thuộc cõi Dục.
  2. Hệ thuộc cõi Sắc.

Hoặc là năm loại, đó là hệ thuộc cõi Dục và bốn Tĩnh lự.

Hoặc là mười hai loại, tức là tâm của mười hai loại người có năng lực biến hóa, đó là người đạt được quả của Tĩnh lự thứ nhất, cho đến người đạt được quả của Tĩnh lự thứ tư, tất cả đều có ba loại. Những gì là ba loại? Đó là:

  1. Dị sinh.
  2. Hữu học.
  3. Vô học.

Lại có người nói ba loại:

  1. Dị sinh ngoại pháp.
  2. Dị sinh nội pháp.
  3. Thánh giả.

Lại có người nói ba loại, đó là ba phần vị đạt được:

  1. Đạt được lúc lìa nhiễm, nghĩa là lúc lìa nhiễm của địa dưới đạt được Tĩnh lự.
  2. Đạt được lúc đạt được quả, nghĩa là lúc đạt được quả Vô học.
  3. Đạt được lúc luyện căn, nghĩa là lúc chuyển căn làm Kiến chí- Bất động.

Hoặc là phân thành mười bốn loại, đó là hệ thuộc cõi Dục có bốn

loại, tức là quả thuộc bốn Tĩnh lự; hệ thuộc Tĩnh lự thứ nhất cũng có bốn loại, nói như cõi Dục; hệ thuộc Tĩnh lự thứ hai có ba loại, tức là quả thuộc ba Tĩnh lự trên; hệ thuộc Tĩnh lự thứ ba có hai loại, tức là quả thuộc hai Tĩnh lự trên; hệ thuộc Tĩnh lự thứ tư có một loại, tức là quả thuộc Tĩnh lự thứ tư. Bởi vì tâm của địa dưới yếu kém, cho nên không có năng lực hóa hiện ở địa trên.

Hoặc là phân thành mười lăm loại, đó là các tâm biến hóa hệ thuộc năm địa, tất cả đều có phẩm Thượng-Trung-Hạ.

Có người nói: Người đạt được tâm biến hóa thuộc năm địa đều có ba loại, đó là dị sinh…, như trước nói.

Hoặc lại phân thành bốn mươi hai loại, đó là mười bốn loại trước đây đều có phẩm Thượng-Trung-Hạ.

Có người nói: Người đạt được mười bốn loại tâm biến hóa tất cả có ba loại, đó là dị sinh…, như trước nói.

Những người làm hóa hiện ở cõi Dục, thân ấy vẫn tựa như hữu tình cõi Dục; những người làm hóa hiện ở cõi Sắc, thân ấy vẫn tựa như hữu tình cõi Sắc.

Hỏi: Thân đã làm hóa hiện do mấy Xứ thâu nhiếp?

Đáp: Nếu sinh ở cõi Dục làm hóa hiện ở cõi Dục, thì thân mình và thân khác đều do bốn Xứ thâu nhiếp, đó là sắc-hương-vị-xúc xứ; làm hóa hiện ở cõi Sắc, thì thân mình và thân khác đều do hai Xứ thâu nhiếp, đó là sắc-xúc xứ. Nếu sinh ở cõi Sắc làm hóa hiện ở cõi Sắc, thì thân mình và thân khác đều do hai Xứ thâu nhiếp; làm hóa hiện ở cõi Dục, thì thân mình và thân khác đều do bốn Xứ thâu nhiếp, như trước nói.

Có người nói: Nếu làm thân khác thì do bốn Xứ thâu nhiếp, nếu làm thân mình thì chỉ do hai Xứ thâu nhiếp, bởi vì thân ấy không thành tựu hương – vị xứ.

Nói như vậy thì tuy hóa hiện hương- vị mà không có lỗi của thành tựu; như người áo quần nghiêm trang đầy đủ hoa hương, tuy là ở trên thân mà không thành tựu.

Hỏi: Nếu sinh ở cõi Dục làm hóa hiện ở cõi Dục-quả thuộc Tĩnh lự thứ nhất, làm hóa hiện ở cõi Sắc- quả thuộc Tĩnh lự thứ nhất, hai loại như vậy ai kém- ai hơn?

Đáp: Hai loại này vận chuyển như nhau không có gì sai biệt, nhưng cõi Sắc thì bởi vì cõi hơn hẳn cho nên hơn hẳn.

Hỏi: Nếu sinh ở cõi Dục làm hóa hiện ở cõi Dục-quả thuộc Tĩnh lự thứ hai, làm hóa hiện ở cõi Sắc-quả thuộc Tĩnh lự thứ nhất, hai loại như vậy ai kém-ai hơn?

Đáp: Cõi Dục thì vận chuyển hơn hẳn, bởi vì người ấy từ cõi Dục cho đến Tĩnh lự thứ hai có năng lực qua lại; cõi Sắc thì cõi hơn hẳn, bởi vì pháp của cõi Sắc hơn hẳn cõi Dục.

Hỏi: Nếu sinh ở cõi Dục làm hóa hiện ở cõi Dục-quả thuộc Tĩnh lự thứ nhất, làm hóa hiện ở cõi Sắc- quả thuộc Tĩnh lự thứ hai, hai loại như vậy ai kém-ai hơn?

Đáp: Cõi Sắc thì hai sự việc hơn hẳn:

  1. Cõi hơn hẳn.
  2. Vận chuyển hơn hẳn.

Như nói: Sinh ở cõi Dục làm hóa hiện ở cõi Dục-Sắc, quả thuộc Tĩnh lự thứ nhất-thứ hai, trái ngược nhau để biện giải về hơn kém. Như vậy, sinh ở cõi Dục làm hóa hiện ở cõi Dục-Sắc, quả thuộc Tĩnh lự thứ nhất-thứ ba, quả thuộc Tĩnh lự thứ nhất-thứ tư, quả thuộc Tĩnh lự thứ hai-thứ ba, quả thuộc Tĩnh lự thứ hai-thứ tư, quả thuộc Tĩnh lự thứ ba- thứ tư, trái ngược nhau để biện giải về hơn-kém, dựa theo trước hỏi-đáp như lý nên suy nghĩ!

Như sinh ở cõi Dục, như vậy sinh ở Tĩnh lự thứ nhất, sinh ở Tĩnh lự thứ hai, sinh ở Tĩnh lự thứ ba, tùy theo sự thích hợp nên suy nghĩ nói rộng ra.

Hỏi: Như người sinh ở Tĩnh lự thứ nhất, bởi vì có năng lực phát khởi tâm Biểu của thân-ngữ, khiến cho thân đã hóa hiện làm ra các loại tác dụng qua lại…, các Tĩnh lự trên không có tâm như vậy, chủ hóa hiện sinh ra khách hóa hiện(sở hóa) ấy, vì sao có tác dụng qua lại…?

Đáp: Như sinh ở Tĩnh lự thứ nhất, bởi vì phát khởi tâm Biểu, khiến cho thân hóa hiện chuyển đổi làm ra tác dụng qua lại…. Như vậy, sinh ở các Tĩnh lự trên, cũng bởi vì Tĩnh lự thứ nhất phát khởi tâm Biểu, khiến cho thân đã hóa hiện dấy khởi tác dụng qua lại…, như Nhãn thức…

Có Sư khác nói: Các thân đã hóa hiện không có các loại tác dụng qua lại…, chỉ an trú im lặng, do lực của chủ hóa hiện, khiến cho thân ấy tựa như có sự việc qua lại…, như vui đùa lưới giăng của Đế Thích chứ không phải là có hiện hữu.

Hỏi: Lúc sự việc hóa hiện dấy khởi, là cần phải có nương tựa mới được hiện bày, hay là không phải như vậy?

Đáp: Có người nói: Sự việc hóa hiện cần phải có nương tựa, nghĩa là cần phải dựa vào khúc gỗ-hòn đá…, chủ hóa hiện mới có thể làm ra sự việc đã hóa hiện.

Có Sư khác nói: Nếu lần đầu dấy khởi thần thông thì sự việc hóa

hiện đã dấy khởi cần phải có nơi nhờ cậy, nếu đầy đủ thần thông trí tuệ thì không nhờ cậy gì mà có năng lực khởi lên sự việc hóa hiện.

Hỏi: Là một tâm-một hóa hiện, hay là một tâm-nhiều hóa hiện? Nếu một tâm-một hóa hiện, thì tụng trong kinh đã nói nên hiểu thế nào?

Như nói:

“Lúc một chủ hóa hiện nói ra, thì các khách hóa hiện đều nói,

Nếu một chủ hóa hiện im lặng, các khách hóa hiện đều im lặng.”

Nếu một tâm-nhiều hóa hiện, thì luận Thi Thiết nói lại hiểu thế nào? Như nói: “Thần cảnh trí chứng thông gia hạnh thế nào, dùng phương tiện nào khởi lên Thần cảnh trí chứng thông?

Đáp: Lúc ấy bắt đầu sự nghiệp luyện tập Định thế tục khiến cho hết sức tự tại, hết sức tự tại đã khởi lên khiến cho hiện rõ trước mắt, bởi vì hiện rõ trước mắt cho nên đối với Thần cảnh thông sẽ có năng lực dẫn dắt phát ra, từ đó mới có thể tùy theo khởi lên một hóa hiện.”

Hỏi: Khởi lên một sự việc hóa hiện thì tâm hãy còn như vậy, huống là nhiều hay sao?

Đáp: Có người đưa ra cách nói này: Một tâm-một hóa hiện.

Hỏi: Đã dẫn tụng trong kinh nên hiểu thế nào?

Đáp: Trước dùng nhiều tâm thỉnh cầu lời nói của nhiều hóa hiện, sau dùng một tâm khiến cho lời nói cùng phát ra. Trước nhiều tâm là Chuyển, sau một tâm là Tùy chuyển.

Có Sư khác nói: Một tâm-nhiều hóa hiện.

Hỏi: Luận Thi Thiết ấy nên hiểu thế nào?

Đáp: Nếu lần đầu dấy khởi thần thông thì một tâm-một hóa hiện, nếu đầy đủ thần thông trí tuệ thì một tâm-nhiều hóa hiện.

Hỏi: Ở trong một tâm đã dấy khởi sự việc hóa hiện, là cần phải cùng loại-hay là cũng khác loại?

Đáp: Có người nói: Cần phải cùng loại hóa hiện, nghĩa là lúc làm voi thì không làm ngựa…

Có người nói: Cũng hóa hiện khác loại, nghĩa là lần đầu dấy khởi thần thông, thì một tâm chỉ có thể làm ra một loại vật; nếu đầy đủ thần thông trí tuệ, thì một tâm có thể làm ra bốn loại quân như voi…

Hỏi: Đã biết sự việc hóa hiện do tu mà thành, là cũng có hóa hiện do sinh ra mà được chăng?

Đáp: Có người nói: Không có, bởi vì tâm sinh ra mà đạt được chỉ là thế dụng yếu kém, nhưng có thể chuyển biến khiến cho tựa như khác với ban đầu.

Có người nói: Cũng có, nhưng chỉ có thể làm ra thân mình chứ không phải là thân khác.

Hỏi: Nếu như vậy thì trong kinh đã nói nên hiểu thế nào? Như trong kinh nói: “Có ba ma nữ, mỗi một ma nữ hóa làm rất nhiều thân nữ, đó là người nữ trẻ trung, người nữ sinh đẻ, người nữ chưa sinh đẻ, người nữ đứng tuổi, người nữ già nua, số lượng ấy rất nhiều. Lại tự hóa thân trang điểm đủ loại, bởi vì làm mê hoặc quyến rũ cho nên đi đến nơi Bồ-tát, nói với Bồ-tát rằng: Sa-môn có thể đứng dậy, nay chúng tôi đến đây nguyện cùng nhau hầu hạ như ý. Bồ-tát không nhận lời, lập tức khiến cho thân ấy trở thành hình dạng già yếu, xấu hổ mà rút lui.”

Đáp: Tức là dựa vào dị thục trên thân của ma nữ, hóa làm rất nhiều thân nữ nói ở trước, như cố chấp mảy may không lìa bỏ cố chấp.

Nói như vậy thì tâm do sinh ra mà đạt được, thân mình-thân khác đều có thể hóa ra, vì sao biết như vậy?

Bởi vì từng nghe: “Tôn giả Ô-ba-cúc-đa đoan thân Tĩnh lự, ma làm quấy nhiễu đã lấy vòng hoa đội trên đỉnh đầu Tôn giả. Tôn giả xuất Định ngạc nhiên nghĩ rằng: Việc này do ai đã làm? Tìm hiểu thì biết việc này là do ma đã làm. Vì điều phục ma kia, cho nên dùng thần lực hóa ra ba xác chết, buộc vào cổ của ma vương, đó là rắn chết-chó chết-người chết. Thế là ma vương sinh lòng hết sức xấu hổ, tìm đủ mọi cách muốn trừ bỏ nhưng không thể được, mà ba xác chết buộc quanh cổ ma, càng lúc càng hôi thối, ma đã buồn chán càng thêm hoảng sợ. Bởi vì cởi bỏ xác chết cho nên liền chui vào lòng đất, lại chui ra vọt lên trời cao, còn lặn vào trong nước biển rộng, tiếp tục chui vào bụng núi

Tô-mê-lô, dùng hết sức cởi bỏ nhưng cuối cùng không thể cởi bỏ được. Ma đã khốn đốn không còn sức để tự vượt qua, dần dần đi qua sáu cõi trời cầu mong thoát nạn, đã không thể nào thoát được, sau đó đi đến bên cung cõi Phạm cầu xin Đại Phạm rằng: Chỉ mong xót thương, cởi bỏ vật nhục nhã mà người Tiên đã buộc trên cổ tôi! Phạm Vương bảo rằng: Ta không thể nào trừ bỏ được, hãy trở về quy y với người đã buộc vào cổ ông. Ma nghe lời này rồi trở về châu Thiệm Bộ, rạp người quy y thành thật lễ lạy dưới chân Tôn giả, thưa rằng: Thưa Đại đức! Chỉ mong từ bi tha cho lỗi lầm trước đây của tôi, trừ bỏ vật mà Tôn giả đáp lại! Lúc bấy giờ Tôn giả Ô-ba-cúc-đa chậm rãi bảo với ma rằng: Ta biết lúc rồi. Ma lại rập đầu lạy nhận lỗi cầu xin thương xót, xin nói rõ lúc nào là trừ bỏ vật nhục nhã.

Tôn giả bảo rằng: Ông có thể từ hôm nay cho đến lúc Thánh giáo của Như Lai chưa diệt, không làm não loạn các Tỳ kheo nữa hay không? Ma thưa rằng: Dạ đúng như vậy, sẽ như lời dạy, xin dạy rõ thêm, chỉ làm theo lời Tôn giả. Tôn giả lại nói: Xưa nay vì Phật pháp nhưng mà có tâm nguyện riêng, nay muốn ông làm. Ma thưa rằng: Dạ xin chỉ dạy. Tôn giả nói cho biết rằng: Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, trải qua trăm năm thân ta mới sinh ra, Pháp thân của Như Lai nay ta đã thấy, điều chưa được thấy đó là Sinh thân của Đức Phật, nay Nhân giả có thể có năng lực vì ta mà hiện bày hay không? Ma thưa rằng: Việc này rất dễ, tôi có thể làm được, mong lúc Tôn giả trông thấy đừng vội vàng cung kính, khiến cho tôi mang tội. Tôn giả nói rằng: Sẽ như vậy. Lập tức cởi bỏ ba xác chết cho ma. Ma vương hoan hỷ cảm ơn Tôn giả rồi, liền đi vào trong rừng tự mình hóa thân làm hình tướng Như Lai đầy đủ ba mươi hai tướng tốt-tám mươi vẻ đẹp, uy quang sáng ngời chói lòa hơn hẳn ngàn vầng mặt trời; lại còn hóa làm các chúng Tỳ kheo, bên phải là Xá-lợi-tử, bên trái là Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả A-nan ôm bình bát đi theo sau; và cùng với một ngàn hai trăm năm mươi người như A-nhã-đa Kiều-trần-na… tụ hội, như cảnh tượng mỗi nửa tháng, từ trong rừng mà đi ra. Lúc ấy Tôn giả Ô-ba-cúc-đa trông thấy rồi hoan hỷ có được điều chưa từng có, bởi vì ý thanh tịnh thuần nhất, như thân cây đứt lìa, không thể nào tự kiềm chế, bất giác cúi rạp người lạy dưới hai chân của ma. Ma vương run sợ, hóa thân lập tức diệt đi.”

Vì vậy cho nên biết tuệ do sinh ra mà đạt được, cũng có thể hóa làm thân mình và thân khác.

Hỏi: Lúc ấy Tôn giả Ô-ba-cúc-đa, ở trong sự biến hóa đã đạt được tự tại hơn hẳn ma vương kia gấp Câu-chi lần, vì sao Tôn giả không tự mình hóa ra, mà nhọc công mong cầu ma vương thực hiện?

Đáp: Đối với sự do tu mà thành thì Tôn giả tự tại, đối với sự biến hóa do sinh ra mà đạt được thì không bằng ma vương, muốn thử xem năng lực biến hóa do sinh ra mà đạt được của ma vương thế nào, cho nên mong cầu ma vương hóa làm thân Phật.

Có người nói: Sự biến hóa do tu mà đạt được thì Tôn giả tự mình đạt được không sinh tâm hiếm có, sự biến hóa do sinh ra mà đạt được thì Tôn giả không đạt được cho nên sinh tâm hiếm có, muốn nhờ vào ma vương nhìn thấy sự biến hóa do sinh ra mà đạt được, vì vậy mong cầu ma vương khiến hóa làm thân Phật.

Có người nói: Trong tâm tôn giả hết sức tôn kính Đức Phật, nếu tự mình hóa hiện thì sợ rằng tâm tôn kính không mạnh hơn, vì vậy khiến ma vương hóa hiện.

Có người nói: Tôn giả ít ham muốn, nếu tự mình hóa hiện thì sợ

hàng trời-người cho rằng đã là Phật mà thể hiện sự cúng dường cao nhất, sau khi nhập Niết-bàn chư Thiên và người thế gian cúng dường đau buồn giống như Đức Phật diệt độ, vì vậy chỉ mong cầu ma vương hóa hiện.

Hỏi: Hai loại biến hóa do tu mà đạt được- do sinh ra mà đạt được, sai biệt thế nào?

Đáp: Sự biến hóa không có gì khác nhau, nhưng do tu mà đạt được thì thanh tịnh-nhanh chóng-trọn vẹn-vi diệu, không phải là do sinh ra mà đạt được.

Có người nói: Tâm biến hóa do sinh ra mà đạt được chỉ dựa vào thân của cõi mình, tâm biến hóa do tu mà đạt được cùng dựa vào thân của cõi mình và cõi khác.

Hỏi: Sự việc biến hóa có lưu lại hay không? Nếu có thì vì sao lúc Đức Phật nhập Niết-bàn không lưu lại Hóa thân, để trú trì- thuyết pháp làm lợi ích thêm cho hữu tình vào sau khi diệt độ? Nếu không có thì vì sao Tôn giả Đại Ca-diếp-ba đã nhập Niết-bàn mà lưu lại thân tồn tại lâu dài? Từng nghe: “Tôn giả Đại Ca-diếp-ba, đi vào thành Vương Xá khất thực lần cuối cùng, ăn xong chưa bao lâu thì leo lên núi Kê Túc, núi có ba đỉnh giống như chân gà ngước lên trời, Tôn giả đi vào chính giữa ngồi kiết già, phát ra lời nói thành thật: Nguyện cho thân này của tôi cùng với y bát-tích trượng tồn tại lâu dài không hủy hoại, cho đến trải qua năm mươi bảy Câu-chi sáu mươi trăm ngàn năm, lúc bậc Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác Từ Thị xuất hiện giữa thế gian thực hiện Phật sự. Phát lời nguyện này rồi thì nhập Niết-bàn, lúc ấy ba đỉnh núi kia liền hợp lại thành một mà che kín, Tôn giả nghiễm nhiên an trú trong đó. Đến lúc Đức Phật Từ Thị xuất hiện giữa thế gian, dẫn theo vô lượng người-trời đi đến trên núi này, nói với các Đại chúng rằng: Các người muốn trông thấy Đại đệ tử Ca-diếp-ba, công đức đầu-đà bậc nhất trong chúng đệ tử của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni hay không? Cả Đại chúng đều thưa rằng: Chúng con mong muốn trông thấy. Đức Như Lai Từ Thị liền dùng tay phải vỗ vào đỉnh núi Kê Túc, ngay lập tức đỉnh núi nứt ra trở lại làm thành ba phần. Lúc ấy Ca-diếp-ba mang y bát-tích trượng, từ bên trong mà đi ra vút lên cao giữa hư không. Vô lượng trời- người nhìn thấy sự thần biến ấy, ca ngợi là điều chưa từng có, tâm tư của họ điều hòa thuần thục, Đức Thế Tôn Từ Thị như ý thuận theo thuyết pháp đều được thấy rõ chân lý.” Nếu không có lưu lại Hóa thân thì sự việc như vậy làm sao có được?

Đáp: Có người nói: Sự việc biến hóa có lưu lại.

Hỏi: Nếu như vậy thì vì sao Đức Thế Tôn không lưu lại Hóa thân đến trú trì thuyết pháp sau khi Niết-bàn?

Đáp: Bởi vì những việc cần làm thì đã hoàn thành, Đức Phật nói là những người cần hóa độ đều đã hóa độ rồi, những người chưa hóa độ thì đệ tử bậc Thánh sẽ hóa độ.

Có người nói: Sự việc biến hóa không có lưu lại.

Hỏi: Nếu như vậy thì sự việc của Ca-diếp-ba làm sao có được?

Đáp: Bởi vì các Thiên thần tin tưởng cung kính mà an trú duy trì.

Có người nói: Ca-diếp-ba vào lúc bấy giờ chưa nhập Niết-bàn, lúc Đức Phật Từ Thị xuất hiện thì mới chọn lấy diệt độ.

Cách nói này không hợp lý, thà rằng nói không có chứ không nói là vị ấy im lặng an trú trống rỗng trải qua thời gian dài.

Nói như vậy thì sự việc biến hóa có lưu lại, vì vậy Đại Ca-diếp-ba đã nhập Niết-bàn.

Hỏi: Trong kinh nói: “Trong một lúc làm ra hai sự việc dẫn dắt, đó là phần thân dưới phát lửa-phần thân trên tuôn nước, phần thân dưới tuôn nước-phần thân trên phát lửa.” Đây là một tâm hay là hai tâm làm ra? Nếu một tâm làm ra, thì tại sao một tâm lại có hai quả ngược nhau? Nếu hai tâm làm ra, thì tại sao trong một lúc lại có hai tâm cùng dấy khởi?

Đáp: Có người nói: Do một tâm làm ra.

Hỏi: Tại sao một tâm lại có hai quả ngược nhau?

Đáp: Trước dùng hai tâm riêng biệt thỉnh cầu nước-lửa, sau trú vào một tâm khiến cho nước- lửa cùng phát ra, trước hai tâm là Chuyển, sau một tâm là Tùy chuyển.

Có người nói: Do hai tâm làm ra.

Hỏi:Tại sao trong một lúc lại có hai tâm cùng dấy khởi?

Đáp: Do Định lực thù thắng cho nên hai tâm nước-lửa xoay chuyển nhanh chóng, tựa như phát ra cùng lúc. Như Vật-phí-tử, tay trái phát ánh sáng-tay phải theo lời nói phân chia đồ nằm cho Tăng chúng, nếu lúc phát ra biểu hiện thì không có thể phát ánh sáng, nếu lúc phát ánh sáng thì không có thể phát ra biểu hiện, do Định lực thù thắng cho nên hai tâm ánh sáng-biểu hiện xoay chuyển nhanh chóng, tựa như phát ra cùng lúc. Hai tâm nước-lửa nên biết cũng như vậy.

Trong luận Thi Thiết nói: “Đức Phật vào một lúc hóa hiện làm Hóa Phật, thân màu vàng ròng tướng tốt trang nghiêm, lúc Đức Thế Tôn nói thì Hóa thân cũng nói, lúc Hóa thân nói thì Đức Thế Tôn cũng nói. Đệ tử trong một lúc hóa hiện làm Hóa đệ tử, cạo bỏ râu tóc-khoác mặc Tăng phục, lúc đệ tử nói thì Hóa đệ tử im lặng, lúc Hóa đệ tử nói thì đệ tử im lặng.”

Nguyên cớ thế nào? Bởi vì Đức Phật đối với Tâm-Định đều được tự tại, vào-ra nhanh chóng không rời bỏ sở duyên, phát ra lời nói của mình rồi liền phát ra lời nói của Hóa thân, phát ra lời nói của Hóa thân rồi lại phát ra lời nói của mình, bởi vì rất nhanh cho nên tựa như phát ra cùng lúc. Đệ tử thì Tâm-Định không phải là rất tự tại, vào-ra kéo dài chậm chạp, nhiều lúc rời bỏ sở duyên, phát ra lời nói của mình rồi phát ra lời nói của Hóa đệ tử, lúc lời nói của Hóa đệ tử khởi lên thì lời nói của mình đã diệt, phát ra lời nói của Hóa đệ tử rồi lại phát ra lời nói của mình, lúc lời nói của mình khởi lên thì lời nói của Hóa đệ tử đã diệt, không phải là rất nhanh cho nên cảm giác nhận biết có trước sau.”

Hỏi: Các Đại Thanh văn cũng có năng lực như vậy, Đức Thế Tôn đối với điều này có gì không giống nhau?

Đáp: Đức Phật dùng một tâm có thể phát ra hai lời nói, đó là tự mình và Hóa thân, tự mình nói rồi Hóa thân liền nói, Hóa thân nói rồi tự mình liền nói, bởi vì vô cùng nhanh chóng cho nên không phải là cùng lúc mà nói cùng lúc. Thanh văn một tâm cũng phát ra hai lời nói, đó là tự mình và Hóa thân, lời nói của mình diệt rồi Hóa thân mới nói, lời nói của Hóa thân diệt rồi tự mình mới nói, không phải là vô cùng nhanh chóng cho nên không phải là cùng lúc mà cảm giác không phải là cùng lúc. Vả lại, Phật Thế Tôn đối với các cảnh của trí đều được tự tại, chứ không phải là các Thanh văn, cho nên Đức Phật ở trong sự việc này cũng có điều không giống nhau.

Luận ấy còn nói đảo lại: “Đức Phật vào một lúc hóa hiện làm Hóa Phật, thân màu vàng ròng tướng tốt trang nghiêm, lúc Đức Thế Tôn nói thì Hóa thân im lặng, lúc Hóa thân nói thì Đức Thế Tôn im lặng. Đệ tử trong một lúc hóa hiện làm Hóa đệ tử, cạo bỏ râu tóc-khoác mặc Tăng phục, lúc đệ tử nói thì Hóa đệ tử cũng nói, lúc Hóa đệ tử nói thì đệ tử cũng nói.”

Hỏi: Các Đại Thanh văn cũng có năng lực như vậy, Đức Thế Tôn đối với điều này có gì không giống nhau?

Đáp: Đức Phật đối với Tâm-Định đều được tự tại, vào-ra nhanh chóng không rời bỏ sở duyên, có thể dùng một tâm phát ra hai lời nói, đó là tự mình và Hóa thân, ở trong đó muốn khiến cho nói thì liền nói, không khiến cho nói thì liền im lặng. Thanh văn thì Tâm-Định không phải là rất tự tại, vào-ra kéo dài chậm chạp, nhiều lúc rời bỏ sở duyên, tuy có thể một tâm phát ra hai lời nói, đó là tự mình và Hóa thân, nhưng ở trong đó muốn khiến cho một bên nói thì bên thứ hai cũng nói, muốn khiến cho một bên im lặng thì bên thứ hai cũng im lặng, không có thể khiến cho cùng im lặng-cùng nói được. Vả lại, Phật Thế Tôn đối với các cảnh của trí đều được tự tại, chứ không phải là các Thanh văn, cho nên Đức Phật ở trong sự việc này cũng có điều không giống nhau.

Trong kinh nói: “Đức Phật bảo với A-nan: Thần lực của Ta có năng lực dùng ý mà thành thân, trong phút chốc đi đến cõi Phạm Thế. A-nan thưa với Đức Phật: Sao kém quá vậy! Sự việc này Thanh văn cũng có thể, Đức Thế Tôn sao đủ để tự khen mình, nói là đã hóa hiện làm ra gọi là do ý mà thành thân, Thanh văn cũng có thể dùng điều này đi đến cõi Phạm Thế, Đức Phật nếu như vậy thì có gì không giống nhau? Đức Thế Tôn có thể có năng lực rời bỏ lực thần thông, dùng thân do cha mẹ sinh ra với Đại chủng thô nặng, chỉ trong phút chốc đi đến cõi Phạm Thế hay không? Đức Thế Tôn bảo rằng: Điều này Ta cũng có năng lực. A-nan lại nói: Việc này thật là khó, cầu mong nói thí dụ khiến cho con tin hiểu. Đức Phật nói: Hãy lắng nghe kỹ càng! Như sắt thép ở thế gian, hoặc là tấm dày-hoặc là viên tròn đặt ở trong lò lửa nóng, nhẹ dần-mềm dần-điều chế dần- làm sạch dần, tùy theo ý mà làm. Như vậy thân Như Lai tùy tâm chuyển đổi, buộc tâm vào thân dấy lên các tưởng nhẹ-mềm…, thân tùy theo lực của tâm trở thành những sự nhẹ-mềm… nhờ vào thế lực nối tiếp nhau có thể buộc tâm, khiến cho tùy ý vận chuyển thân đã hệ thuộc.”

Trong này, có người nói: Lúc Tận trí của Đức Phật hiện khởi thì đạt được vô phú vô ký của cõi Dục, chưa từng đạt được tâm-tâm sở pháp, do thế lực này không tiến vào Tĩnh lự, không hiện khởi thần thông, lúc tâm vừa mới phát khởi thì có thể đưa thân lên đến cõi trời Sắc Cứu Cánh, huống gì cõi Phạm Thế?

Có người đưa ra cách nói này: Đức Thế Tôn vào lúc bấy giờ khởi tâm duyên vào gió khiến cho thân nhẹ nhàng.

Có Sư khác nói: Khởi tâm duyên vào hư không có thể khiến cho thân Phật đi đến không có gì ngăn ngại.

Có người nói: Ý Đức Phật là nói thân này gọi là do ý mà thành, do lực tùy ý mà thành tựu những sự vận chuyển nhẹ-mềm…, rời bỏ lực của định- thần thông mà có thể vận chuyển thân này đi đến cõi Phạm Thế, cho nên cùng với Thanh văn khác nhau.

Có người nói: Đức Phật nói do ý mà thành thân, tức là những Hóa thân không nhờ vào định- thần thông mà có thể đi đến cõi Phạm Thế, cùng với Thanh văn khác nhau.

Có người nói: Đức Phật nói do thế lực thần thông của ý khiến cho những Hóa thân nhanh chóng đi đến cõi Phạm Thế, lực nhanh chóng này hàng Nhị thừa đều không có, cho nên Đức Phật dựa vào điều này tự hiển bày về pháp thù thắng của Phật.

Hỏi: Có thể có tâm biến hóa trong một sát-na đoạn mà không đạt được, đạt được mà không đoạn, cùng đoạn cùng đạt được, không đoạn không đạt được chăng?

Đáp: Có, đó là lúc lìa nhiễm cõi Dục cuối cùng là đạo vô gián. Đối với tâm biến hóa có bốn câu này: Đoạn mà không đạt được, đó là quả của ba Tĩnh lự trên hệ thuộc cõi Dục. Đạt được mà không đoạn, đó là quả của Tĩnh lự thứ nhất hệ thuộc Tĩnh lự thứ nhất. Cũng đoạn cũng đạt được, đó là quả của Tĩnh lự thứ nhất hệ thuộc cõi Dục. Không đoạn không đạt được, đó là quả của ba Tĩnh lự trên hệ thuộc Tĩnh lự thứ nhất.

Quả của ba Tĩnh lự trên hệ thuộc Tĩnh lự thứ hai, quả của hai Tĩnh lự trên hệ thuộc Tĩnh lự thứ ba, quả của Tĩnh lự thứ tư hệ thuộc Tĩnh lự thứ tư, như lìa nhiễm cõi Dục cuối cùng là đạo vô gián làm thành bốn câu. Như vậy lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ nhất cuối cùng là đạo vô gián, cho đến lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba cuối cùng là đạo vô gián, tuy theo sự thích hợp đều có bốn câu.

Hỏi: Hóa thân nên nói là có Đại chủng hay là không có Đại chủng?

Đáp: Nên nói là có Đại chủng, bởi vì không có sắc nào hiện khởi mà tách lìa Đại chủng.

Hỏi: Hóa thân nên nói là có sắc sở tạo hay là không có sắc sở tạo?

Đáp: Nên nói là có sắc sở tạo. Hóa thân có hai loại:

  1. Do tu đạt được.
  2. Do sinh đạt được.

Hóa thân do tu đạt được, nếu hệ thuộc cõi Dục thì do bốn Xứ thâu nhiếp, nếu hệ thuộc cõi Sắc thì do hai Xứ thâu nhiếp. Hóa thân do sinh đạt được, nếu hệ thuộc cõi Dục thì do chín Xứ thâu nhiếp, nếu hệ thuộc cõi Sắc thì do bảy Xứ thâu nhiếp. Bởi vì pháp như vậy mà thành Hóa thân.

Hỏi: Hóa thân nên nói là có tâm hay là không có tâm?

Đáp: Nên nói là không có tâm. Nhưng Hóa thân có hai loại:

  1. Do tu đạt được, loại này không có tâm.
  2. Do sinh đạt được, loại này có tâm.

Trong này nói Hóa thân do tu đạt được, bởi vì không phải là tâm dựa vào.

Lại có hai loại:

  1. Làm thân khác, loại này không có tâm.
  2. Làm thân mình, loại này có tâm. Trong này nói Hóa làm thân khác, bởi vì không phải là tâm dựa vào. Nếu biến hóa thân hữu tình khác, thì nói như thân mình.

Hỏi: Hóa thân nên nói là do tâm ai mà chuyển?

Đáp: Nên nói là Hóa chủ, bởi vì tâm của Hóa chủ làm cho có biểu hiện. Nhưng Hóa thân do tu đạt được nhờ vào tâm của Hóa chủ mà chuyển, nếu Hóa thân do sinh đạt được thì nhờ vào tâm của mình mà chuyển. Trong này nói Hóa thân do tu đạt được.

Vả lại, làm thân khác thì do tâm của Hóa chủ mà chuyển, nếu làm thân mình thì do tâm của mình mà chuyển. Trong này nói Hóa làm thân khác.

Hỏi: Các Hóa thân đều diệt chăng?

Đáp: Hóa thân do tu đạt được thì diệt, Hóa thân do sinh đạt được có diệt và không diệt, đó là lúc trời rồng Dược-xoa… hóa làm thân mình, có sắc khác cùng khởi lên, từ đây về sau thì sắc khác cùng diệt, mà thân mình tồn tại.

Vả lại, làm thân khác thì diệt, làm thân mình thì có diệt và không diệt. Nếu biến hóa thân hữu tình khác, thì nói như thân mình.

Hỏi: Các Hóa thân đã ăn thì tiêu hóa trong bụng ai?

Đáp: Thức ăn này nếu do nhu cầu thích hợp của Hóa chủ mà ăn, thì tiêu hóa trong bụng của Hóa chủ. Nếu không phải là do nhu cầu thích hợp của Hóa chủ mà ăn, thì như cỏ cây… tụ lại đặt vào một nơi. Nếu hóa làm thân hữu tình khác khiến cho ăn uống, thì tùy theo ý của Hóa chủ mà có tiêu hóa và không tiêu hóa.

Hỏi: Hóa thân do đâu mà phát ra khói-lửa…?

Đáp: Do lực của Hóa chủ, nghĩa là các Hóa chủ muốn ở nơi này sinh ra khói-sinh ra lửa, sinh ra đỉnh núi khói lửa, sinh ra ngôi nhà khói lửa, thì ở nơi này khói-lửa cùng khởi lên.

Hỏi: Vì sao Hóa thân có loại cháy, có loại không cháy? Lại vì sao có loại cháy thân-không cháy áo, cháy áo- không cháy thân, cũng cháy thân-cũng cháy áo, không cháy thân- không cháy áo?

Đáp: Do lực của Hóa chủ, nghĩa là các Hóa thân tùy theo ý mong muốn, hoặc là cháy hay là không cháy.

Như trong kinh nói: “Tôn giả Đạt-lạp-bà-mạt-la-tử, dùng lực thần thông vút lên giữa hư không, tiến vào cảnh giới của lửa đốt cháy thân không còn tro bụi.”

Hỏi: Lúc Tôn giả ấy dùng lửa đốt thân, là trước khi Niết-bàn, hay là sau khi Niết-bàn?

Đáp: Những người nói Hóa thân có lưu lại, thì họ nói sau khi Niếtbàn lửa phát khởi đốt cháy thân, nghĩa là vị ấy đạt được tâm Định tự tại mong được diệt độ, dùng thần lực bay lên bầu trời ở giữa hư không, hóa làm giường ghế và các loại củi đốt, liền dùng nguyện lực tiến vào Định trong cảnh giới của lửa, vừa phát lửa xong thì nhập Niết-bàn, vì vậy đốt cháy thân khiến cho không có tro bụi.

Những người nói Hóa thân không có lưu lại, thì họ nói mạng chưa hết mà lửa phát khởi đốt cháy thân, nghĩa là vị ấy đạt được tâm Định tự tại, sắp sửa diệt độ dùng thần lực bay lên bầu trời tiến vào Đẳng trì thuộc lửa, làm cho thân chết từ từ, tùy theo nơi nào không có căn thì lửa phát ra đốt cháy nơi đó, cho đến cuối cùng chỉ có tâm là nơi nương tựa của mạng, như đầu mảy lông rất nhỏ mới nhập Niết-bàn thì lửa cũng tắt theo. Lượng đầu mảy lông còn lại vốn không cháy, bởi vì vi tế khó biết, cho nên nói là không có tro bụi.

Trung hữu nên nói là có Đại chủng hay là không có Đại chủng?

Cho đến nói rộng ra.

Hỏi: Vì sao tiếp sau Hóa thân lại trình bày về Trung hữu?

Đáp: Là ý của người soạn luận muốn như vậy, cho đến nói rộng ra.

Có người nói: Hóa thân và Trung hữu đều là vi tế khó có thể biết rõ ràng.

Có Sư khác nói: Hai loại này đều là do ý mà thành thân.

Có người nói: Hai loại này có nhiều người phỉ báng, đó là phái Thí Dụ nói: Hóa thân không phải là thật. Luận giả Phân Biệt bác bỏ không có Trung hữu. Trước đây trình bày về Hóa thân là thật có, nay trình bày về Trung hữu không phải là không có, vì vậy cho nên tiếp sau Hóa thân thì trình bày về Trung hữu.

Hỏi: Trung hữu nên nói là có Đại chủng hay là không có Đại chủng?

Đáp: Nên nói là có Đại chủng, bởi vì không có sắc nào hiện khởi mà tách lìa Đại chủng.

Hỏi: Trung hữu nên nói là có sắc sở tạo hay là không có sắc sở tạo?

Đáp: Nên nói là có sắc sở tạo, cõi Dục do chín Xứ thâu nhiếp, cõi

Sắc do bảy Xứ thâu nhiếp, do pháp như vậy mà thành tựu thân ấy.

Hỏi: Trung hữu nên nói là có tâm hay là không có tâm?

Đáp: Nên nói là có tâm.

Hỏi: Trung hữu nên nói là do tâm ai mà chuyển?

Đáp: Nên nói là do tâm mình, bởi vì lực của tâm mình dấy khởi Biểu nghiệp. Nghĩa về Trung hữu như trong chương Kiết Uẩn nói rộng ra.

Hỏi: Thế(đời) là nói về pháp nào?

Đáp: Do tăng ngữ này mà hiển bày về Hành.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Vì ngăn chặn tông chỉ của người khác để hiển bày tông chỉ của mình. Đó là phái Thí Dụ, Luận giả Phân Biệt, chấp Thể của Thế và Hành khác nhau, Thể của Hành là vô thường, Thể của Thế là thường, các Hành vô thường, Hành thường ở Thế thì như di chuyển những trái quả… trong các đồ đựng, lại như những người nhiều lần đi vào các ngôi nhà. Vì ngăn chặn ý chấp ấy để hiển bày Thể của ba đời chính là các Hành, bởi vì Hành vô thường cho nên Thế cũng vô thường. Bởi vì những duyên này cho nên soạn ra phần luận này. Nghĩa về ba đời cũng như trong chương Kiết Uẩn nói rộng ra.

Hỏi: Kiếp là nói về pháp nào?

Đáp: Do tăng ngữ này mà hiển bày về nửa tháng-một tháng-một mùa-một năm.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Bởi vì giải thích về nghĩa trong kinh. Như trong kinh nói: “Có một Tỳ kheo đi đến nơi Đức Phật, đảnh lễ dưới hai chân Đức Phật rồi lùi về đứng một phía, thưa với Đức Thế Tôn rằng: Đức Phật luôn luôn nói đến kiếp, kiếp này là số lượng thế nào? Đức Phật nói: Này Tỳ kheo! Lượng của kiếp lâu dài không phải là những số trăm năm-ngàn năm… mà có thể biết được. Tỳ kheo lại thưa: Có thí dụ hay không? Đức Thế Tôn nói: Có, nay Ta sẽ nói cho ông biết, như gần bên thành ấp có ngọn núi toàn là đá, lượng dài-rộng-cao đều một Du-thiện-na, dùng tơ mịn Ca-thi cứ một trăm năm lướt qua một lần, núi đã mất đi mà kiếp này chưa hết. Tỳ kheo nên biết! Các ông suốt đời trải qua vô lượng trăm ngàn kiếp số này, ở trong nẽo địa ngục-bàng sinh-ngạ quỷ và trong loài người-trời, nhận chịu những khổ đau ác liệt, xoay vòng trong sinh tử không có hạn kỳ chấm dứt, sao có thể an nhiên không mong cầu giải thoát?”

Kinh ấy chính là nơi nương tựa của luận này, kinh tuy nói về kiếp nhưng chưa phân biệt về Thể của kiếp là gì, nay muốn phân biệt cho nên soạn ra phần luận này.

Hỏi: Vì sao chỉ nói nửa tháng-một tháng-một mùa-một năm làm kiếp, mà không nói Sát-na, Lạp-phược, Mâu-hô-lật-đa, ngày đêm để làm kiếp?

Đáp: Phải nói mà không nói đến thì nên biết là nghĩa này có khác.

Có người nói: Trong này nêu ra thô thâu nhiếp tế, nghĩa là Sátna… là tế, nửa tháng-một tháng… là thô, nếu nói đến thô thì nên biết là đã nói về tế, bởi vì tích nhiều thời gian tế làm thành thời gian thô.

Có người nói: Trong này nêu ra gần thâu nhiếp xa, nghĩa là kiếp gần là do nửa tháng… mà thành, nửa tháng… lại là do Sát-na… mà thành, cho nên nói đến thời gian gần thì cũng đã nói đến thời gian xa.

Hỏi: Thể của kiếp là gì?

Đáp: Có người nói: Là Sắc xứ. Vì sao biết như vậy? Bởi vì như luận Thi Thiết nói: “Lúc kiếp bắt đầu thì thân con người có ánh sáng luôn luôn soi chiếu, vì tham mùi vị cho nên ánh sáng mất đi, bóng tối sinh ra. Thế là ở phía Đông có vầng mặt trời mọc lên, ánh sáng soi chiếu rõ ràng, giống như trước đây soi chiếu, trông thấy rồi vui mừng nói: Ánh sáng của trời đã đến! Bởi vì ánh sáng của trời đã đến cho nên gọi là ngày. Trong chốc lát thì vầng mặt trời lặn xuống phía Tây, bóng tối sinh ra như trước, trông thấy rồi than thở rằng: ánh sáng của trời đã mất! Bởi vì ánh sáng của trời đã mất cho nên gọi là đêm.” Vì vậy chứng minh biết Thể của kiếp là sắc, bởi vì Thể của kiếp đều tích nhiều ngày đêm mà thành.

Nói như vậy thì phần vị ngày đêm…, tất cả đều là năm uẩn sinh diệt, lấy năm uẩn này làm thành kiếp, Thể của kiếp cũng như vậy. Nhưng kiếp đã gồm chung thời gian của ba cõi, cho nên dùng năm uẩn- bốn uẩn làm tánh.

Đã nói về tự tánh, nay sẽ nói đến nguyên cớ.

Hỏi: Vì sao gọi là kiếp, kiếp là nghĩa gì?

Đáp: Phân biệt về mức độ thời gian(thời phần) cho nên gọi là kiếp, nghĩa là phân biệt mức độ thời gian Sát-na, Lạp-phược, Mâu-hô-lật-đa để thành ngày đêm; phân biệt mức độ thời gian ngày đêm để thành nửa tháng-tháng-mùa-năm; phân biệt mức độ thời gian nửa tháng… để thành kiếp. Bởi vì kiếp là cuối cùng trong sự phân biệt về mức độ thời gian, cho nên mang lấy tên gọi chung.

Phái Thanh Luận nói: Phân biệt về phần vị cho nên nói tên gọi

là kiếp. Nguyên cớ thế nào? Bởi vì kiếp là phần vị cuối cùng trong sự phân biệt về Hành hữu vi.

Kiếp có ba loại:

  1. Kiếp trung gian.
  2. Kiếp thành hoại.
  3. Đại kiếp.

Kiếp trung gian lại có ba loại:

  1. Kiếp giảm.
  2. Kiếp tăng.
  3. Kiếp tăng giảm.

Giảm là từ lúc con người sống thọ vô lượng tuổi, giảm đến lúc còn lại mười tuổi. Tăng là từ lúc con người sống thọ mười tuổi, tăng lên đến tám vạn tuổi. Tăng-giảm là từ lúc con người sống thọ mười tuổi tăng lên đến tám vạn tuổi, lại từ tám vạn tuổi giảm xuống còn lại mười tuổi. Trong này, một giảm-một tăng-mười tám tăng giảm, có hai mươi kiếp trung gian. Trải qua hai mươi Trung kiếp thế gian thành lập, hai mươi Trung kiếp Thành rồi Trú, ở đây hợp lại gọi là kiếp Thành. Trải qua hai mươi Trung kiếp thế gian hủy hoại, hai mươi Trung kiếp Hoại rồi Không, ở đây hợp lại gọi là kiếp Hoại. Tổng cọng tám mươi Trung kiếp, hợp lại gọi là Đại kiếp. Hai mươi Trung kiếp trong Thành rồi Trú, một kiếp đầu chỉ có giảm, một kiếp sau chỉ có tăng, mười tám kiếp trung gian cũng tăng cũng giảm.

Hỏi: Ba kiếp này thì kiếp nào lâu nhất?

Đáp: Có người nói: Kiếp giảm là lâu nhất, kiếp tăng là trung bình, kiếp tăng-giảm ngắn nhất. Nghĩa là lúc thân có ánh sáng mà trải qua thời gian lâu dài, không phải là ánh sáng của thân mất đi, cho đến bây giờ; lúc ăn vị của đất mà trải qua thời gian lâu dài, không phải là vị của đất mất đi, cho đến bây giờ; lúc ăn bánh của đất mà trải qua thời gian lâu dài, không phải là bánh của đất không còn, cho đến bây giờ; lúc ăn dây leo trong rừng mà trải qua thời gian lâu dài, không phải là từ đó không còn, cho đến bây giờ; lúc ăn thóc lúa tự nhiên mà trải qua thời gian lâu dài, không phải là từ đó không còn, cho đến bây giờ. Vì vậy thời gian của kiếp giảm này là lâu nhất.

Nói như vậy thì kiếp đầu giảm, kiếp sau tăng, mười tám kiếp trung gian, mức lượng của hai mươi kiếp này đều bằng nhau. Vào lúc chỉ có giảm thì Phật xuất hiện giữa thế gian, vào lúc chỉ có tăng thì Luân Vương xuất hiện giữa thế gian, vào lúc tăng-giảm thì Độc Giác xuất hiện giữa thế gian.

Hỏi: Luận Thi Thiết nói: “Loài người trong bốn châu dựa vào mặt trời-mặt trăng để phân rõ ngày và đêm.” Trời cõi Dục thì ngày và đêm làm sao biết được?

Đáp: Nhờ vào tướng cho nên biết, nghĩa là trên cõi trời ấy nếu vào lúc hoa Bát-đặc-ma khép lại, hoa Ôn-bát-la nở ra, các loài chim ít hót, gió mát nhanh chóng khởi lên, ít thích dạo chơi, phần nhiều ưa ngủ nghỉ, nên biết lúc bấy giờ nói tên gọi là đêm. Nếu vào lúc hoa Ôn-bátla khép lại, hoa Bát-đặc-ma nở ra, các loài chim cùng hót vang, gió nhẹ từ từ khởi lên, phần nhiều thích dạo chơi, ít muốn ngủ nghỉ, nên biết lúc bấy giờ nói tên gọi là ngày.

********

 

Hỏi: Tâm thuộc phần Khởi-Trú-Diệt là nói về pháp nào?

Đáp: Do tăng ngữ này mà hiển bày về Sát-na, Lạp-phược, Mâuhô-lật-đa.

Hỏi: Điều này thuận theo trước nói về nửa tháng… Nguyên cớ thế nào? Bởi vì Sát-na… tích lại thành ngày đêm, ngày đêm tích lại thành nửa tháng-một tháng…, nửa tháng-một tháng… tích lại thành kiếp. Vì sao trước nói về thô, sau nói đến tế?

Đáp: Bởi vì đó là ý của người soạn luận muốn như vậy, cho đến nói rộng ra.

Có người đưa ra cách nói này: A-tỳ-đạt-ma nên dùng tướng để mong cầu chứ không dùng trước-sau, nhưng không trái với pháp tướng, tùy theo cách nói không có gì sai.

Có Sư khác nói: Trong phần luận này trước nói về thô-sau nói đến tế, bởi vì khiến cho những người học dần dần tiến vào. Trong này, phần Khởi gọi là Sinh, phần Trú gọi là Lão, phần Diệt gọi là Vô thường. Pháp hữu vi có ba phạm vi như nhau (phần tề), đó là Thời-Sắc-Danh. Thời ít nhất, đó là một Sát-na. Sắc ít nhất, đó là một Cực-vi. Danh ít nhất, đó là dựa vào một chữ. Tích tụ như vậy để làm cho phạm vi như nhau nhiều dần lên. Phạm vi như nhau, như chương Tạp Uẩn đã nói.

Hỏi: Mức lượng Sát-na ấy làm sao có thể biết?

Đáp: Có người đưa ra cách nói này: Luận Thi Thiết nói: “Như lúc người nữ đứng tuổi dệt tơ lụa, giũ lông mịn không dài-không ngắn, như vậy nói là mức lượng Đát-sát-na. Người ấy không cần phải nói sợi tơ ngắn hay dài, chỉ nói lông tơ từ trong ngón tay đưa ra, tùy theo mức lượng đã đưa ra là Đát-sát-na.”

Hỏi: Trước hỏi về Sát-na, vì sao lại dẫn luận Thi Thiết nói đến mức lượng Đát-sát-na?

Đáp: Trong này nêu ra thô để hiển bày cho tế, bởi vì tế khó biết cho nên không có thể hiển bày. Nghĩa là một trăm hai mươi Sát-na thành một Đát-sát-na, sáu mươi Đát-sát-na thành một Lạp-phược, đơn vị này có bảy ngàn hai trăm Sát-na. Ba mươi Lạp-phược thành một Mâu-hô-lật-đa, đơn vị này có hai trăm mười sáu ngàn Sát-na. Ba mươi Mâu-hô-lật-đa thành một ngày đêm, đơn vị này có thiếu đi hai mươi, không tròn số sáu mươi lăm trăm ngàn Sát-na. Thân năm uẩn này trong một ngày một đêm, trải qua vô thường sinh diệt với số lượng như vậy.

Có người nói: Đây là thô chứ không phải là mức lượng Sát-na, như nghĩa của tôi thì như khoảng thời gian bật ngón tay của tráng sĩ trải qua sáu mươi bốn Sát-na.

Có người nói: Không phải như vậy, như nghĩa của tôi thì như hai người khỏe mạnh kéo đứt rất nhiều sợi tơ mịn Ca-thi, tùy theo bao nhiêu sợi tơ mịn đứt lìa thì trải qua bấy nhiêu Sát-na.

Có người nói: Không phải như vậy, như nghĩa của tôi thì như hai người khỏe mạnh nắm giữ rất nhiều sợi tơ mịn Ca-thi, có một tráng sĩ dùng trăm lưỡi dao luyện cứng của nước Chí-na nhanh chóng mà cắt đứt, tùy theo bao nhiêu sợi tơ mịn đứt lìa thì trải qua bấy nhiêu Sát-na.

Có người nói: Vẫn còn thô chứ không phải là mức lượng Sát-na, mức lượng Sát-na thật sự thì Đức Thế Tôn không nói đến, vì sao biết như vậy? Bởi vì như trong kinh nói: “Có một Tỳ kheo đi đến nơi Đức Phật, đảnh lễ dưới hai chân Đức Phật rồi lùi về đứng ở một phía, thưa với Đức Thế Tôn rằng: Hành của Thọ (thọ mạng) sinh diệt nhanh chóng như thế nào? Đức Phật nói: Ta có thể nói ra điều ấy, nhưng ông không có thể biết được. Tỳ kheo thưa rằng: Có thể có thí dụ để có thể biểu hiện rõ ràng hay không? Đức Phật nói: Có, nay Ta sẽ nói cho ông biết, ví như bốn người có sở trường về bắn cung, tất cả đều cầm cung tên, xoay lưng đứng tựa vào nhau sắp bắn về bốn phía, có một người nhanh chóng đi đến nói rằng: Bây giờ các ông có thể cùng một lúc phóng tên, tôi có thể đón lấy tất cả, khiến cho tất cả không rơi xuống đất, ý ông nghĩ thế nào, điều này nhanh chóng hay không? Tỳ kheo thưa với Đức Phật: Rất nhanh, thưa Đức Thế Tôn! Đức Phật nói: Người ấy nhanh chóng không bằng Dược-xoa đi trên mặt đất, Dược-xoa đi trên mặt đất nhanh chóng không bằng Dược-xoa đi giữa hư không, Dược-xoa đi giữa hư không nhanh chóng không bằng trời Tứ Đại Vương Chúng, trời ấy nhanh chóng không bằng mặt trời-mặt trăng, mặt trời-mặt trăng nhanh chóng không bằng Thiên tử Kiên Hành, đây là vị trời hướng dẫn chỉ đường cho chuyên xe mặt trời-mặt trăng. Chư Thiên như vậy lần lượt xoay chuyển nhanh chóng, Hành của Thọ sinh diệt nhanh chóng hơn thế, lưu chuyển trong từng Sát-na không có tạm dừng.”

Vì vậy cho nên biết Đức Thế Tôn không nói đến mức lượng Sátna thật sự.

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn không nói cho người khác biết về mức lượng Sát-na thật sự?

Đáp: Bởi vì không có hữu tình nào có thể biết được điều ấy.

Hỏi: Lẽ nào Xá-lợi-tử cũng không biết hay sao?

Đáp: Vị ấy tuy có thể biết được nhưng mà không có tác dụng đối với vị ấy, cho nên không nói đến, bởi vì Đức Phật không bao giờ thuyết pháp trống không.

Một năm có mười hai tháng, ngày đêm tăng giảm tóm lược làm thành hai Thời, bởi vì giảm và tăng đều có sáu tháng. Nhưng ngày và đêm tăng giảm trái ngược nhau, tuy đều là hai Thời mà không có bốn phần vị. Ngày đêm tăng giảm đều có một Lạp-phược, tháng thì đều có một Mâu-hô-lật-đa. Ba mươi Mâu-hô-lật-đa thành một ngày đêm, ở trong ngày đêm nhiều ít có bốn loại không giống nhau, phần vị tăng lên dài nhất không quá mười tám, phần vị giảm xuống ngắn nhất chỉ có mười hai, phần vị ngày đêm dừng lại đều có mười lăm. Nghĩa là ngày thứ tám thuộc nửa sáng(bạch bán) của tháng Yết-lật-để-ca (tháng 1), ngày đêm đều có mười lăm Mâu-hô-lật-đa, từ đây về sau ngày giảmđêm tăng đều một Lạp-phược. Đến ngày thứ tám thuộc nửa sáng của tháng Mạt-già-thỉ-la (tháng 2), đêm có mười sáu Mâu-hô-lật-đa, ngày có mười bốn. Đến ngày thứ tám thuộc nửa sáng của tháng Báo-sa (tháng 3), đêm có mười bảy, ngày có mười ba. Đến ngày thứ tám thuộc nửa sáng của tháng Ma-già (tháng 4), đêm có mười tám, ngày có mười hai, từ đây về sau đêm giảm-ngày tăng đều một Lạp-phược. Đến ngày thứ tám thuộc nửa sáng của tháng Pha-lặc-lũ-na (tháng 5), đêm có mười bảy, ngày có mười ba. Đến ngày thứ tám thuộc nửa sáng của tháng Chế-đát-la (tháng 6), đêm có mười sáu, ngày có mười bốn. Đến ngày thứ tám thuộc nửa sáng của tháng Phệ-xá-khư (tháng7), ngày-đêm đều có mười lăm, từ đây về sau đêm giảm-ngày tăng đều một Lạp-phược. Đến ngày thứ tám thuộc nửa sáng của tháng Thệ-sắt-trĩ (tháng 8), đêm có mười bốn, ngày có mười sáu. Đến ngày thứ tám thuộc nửa sáng của tháng A-sa-đồ (tháng 9), đêm có mười ba, ngày có mười bảy. Đến ngày thứ tám thuộc nửa sáng của tháng Thất-la-phiệt-noa (tháng 10), đêm có mười hai, ngày có mười tám, từ đây về sau ngày giảm-đêm tăng đều một Lạp-phược. Đến ngày thứ tám thuộc nửa sáng của tháng Bà-đạtla-bát-đà (tháng 11), đêm có mười ba, ngày có mười bảy. Đến ngày thứ tám thuộc nửa sáng của tháng A-thấp-phược-dữu-xà (tháng 12), đêm có mười bốn, ngày có mười sáu. Như vậy lại đến ngày thứ tám thuộc nửa sáng của tháng Yết-lật-để-ca (tháng 1), ngày – đêm dừng lại bằng nhau, đây gọi là nói tóm lược về phạm vi như nhau của Thời.

Hỏi: Mức lượng Cực-vi ấy lại làm sao biết được?

Đáp: Nên biết Cực-vi là sắc nhỏ nhất, không có thể cắt đứt-phá hoại-xuyên qua, không có thể lấy bỏ-đi lại-nắm kéo, không phải là dài-không phải là ngắn, không phải là vuông-không phải là tròn, không phải là thẳng-không phải là cong, không phải là cao-không phải là thấp, không có phần nhỏ, không có thể phân tích, không có thể nhìn thấy, không có thể nghe thấy, không có thể ngửi nếm, không có thể sờ mó, cho nên nói Cực-vi là sắc nhỏ nhất. Bảy Cực-vi này thành một Vi trần, là sắc vi tế nhất trong sắc do Nhãn-Nhãn thức đã giữ lấy, sắc này chỉ có ba loại mắt nhìn thấy:

  1. Mắt của chư Thiên.
  2. Mắt của Chuyển Luân Vương.
  3. Mắt của Bồ-tát trú trong thân cuối cùng.

Bảy Vi trần thành một Đồng trần.

Có người nói: Bảy Vi trần thành một Thủy trần, bảy Đồng trần thành một Thủy trần.

Có người nói: Bảy Vi trần thành một Đồng trần, bảy Thủy trần thành một Thố hào (lông thỏ) trần.

Có người nói: Bảy Đồng trần thành một Thố hào trần, bảy Thố hào trần thành một Dương mao (lông dê) trần, bảy Dương mao trần thành một Ngưu mao (lông trâu) trần, bảy Ngưu mao trần thành một Hướng du trần, bảy Hướng du trần thành một Kỉ (trứng rận), bảy Kỉ thành một Sắt (con rận), bảy Sắt thành một Quảng mạch (hạt lúa), bảy Quảng mạch thành một đốt ngón tay, hai mươi bốn đốt ngón tay thành một khuỷu tay, bốn khuỷu tay là một Cung (5 thước), cách thôn năm trăm Cung gọi là chốn A-luyện-nhã, từ đây trở đi gọi là nơi Biên viễn (xa xôi hẻo lánh), tức là năm trăm Cung thành một Câu-lô-xá của nước Ma-kiệt-đà, thành nửa Câu-lô-xá của phương Bắc. Nguyên cớ thế nào? Bởi vì nước Ma-kiệt-đà đất đai bằng phẳng, cách thôn tuy gần mà không nghe tiếng; phương Bắc cao thấp tuy xa mà vẫn còn nghe tiếng vang đến, vì vậy Câu-lô-xá của phương Bắc lớn hơn. Tám Câu-lô-xá thành một Du-thiện-na.

Người châu Thiệm Bộ thân cao ba khuỷu tay rưỡi, hoặc là có người cao hơn. Người châu Tỳ-đề-ha thân cao tám khuỷu tay. Người châu Cù-đà-ni thân cao mười sáu khuỷu tay. Người châu Câu-lô thân cao ba mươi hai khuỷu tay. Trời Tứ Đại Vương Chúng thân cao một phần tư Câu-lô-xá. Trời Tam Thập Tam thân cao nửa Câu-lô-xá. Thiên Đế Thích thân cao một Câu-lô-xá. Trời Dạ Ma thân cao ba phần tư Câu-lô-xá. Trời Đổ-sử-đa thân cao một Câu-lô-xá. Trời Lạc Biến Hóa thân cao một Câu-lô-xá, và một phần tư Câu-lô-xá. Trời Tha Hóa Tự Tại thân cao nửa Câu-lô-xá. Trời Phạm Chúng thân cao nửa Du-thiệnna. Trời Phạm Phụ thân cao một Du-thiện-na. Trời Đại Phạm thân cao một Du-thiện-na rưỡi. Trời Thiểu Quang thân cao hai Du-thiện-na. Trời Vô Lượng Quang thân cao bốn Du-thiện-na. Trời Cực Quang Tịnh thân cao tám Du-thiện-na. Trời Thiểu Tịnh thân cao mười sáu Du-thiện-na. Trời Vô Lượng Tịnh thân cao ba mươi hai Du-thiện-na. Trời Biến Tịnh thân cao sáu mươi bốn Du-thiện-na. Trời Vô Vân thân cao một trăm hai mươi lăm Du-thiện-na. Trời Phước Sinh thân cao hai trăm năm mươi Du-thiện-na. Trời Quảng Quả thân cao năm trăm Du-thiện-na. Trời Vô Tưởng thân cao cũng như vậy. Trời Vô Phiền thân cao một ngàn Du-thiện-na. Trời Vô Nhiệt thân cao hai ngàn Du-thiện-na. Trời Thiện Hiện thân cao bốn ngàn Du-thiện-na. Trời Thiện Kiến thân cao tám ngàn Du-thiện-na. Trời A-ca-nhị-sắt-trĩ thân cao mười sáu ngàn Duthiện-na. Như vậy gọi là phạm vi như nhau của Sắc.

Có thể có pháp do bốn duyên sinh ra chăng? Cho đến nói rộng ra.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Vì ngăn chặn cách nói là duyên không có thật, ý hiển bày về tánh của các duyên đều là có thật, cho nên soạn ra phần luận này.

Pháp từ duyên sinh ra có ba loại:

  1. Sắc.
  2. Tâm tâm sở pháp.
  3. Tâm bất tương ưng hành.

Sắc lại có ba loại, đó là thiện- nhiễm ô và vô phú vô ký. Tâm-tâm sở pháp, tâm bất tương ưng hành cũng như vậy.

Trong này, sắc thiện và dị thục vốn không thâu nhiếp.

Lúc sắc vô phú vô ký sinh ra, một duyên và phần ít của một duyên có tác dụng đối với sắc này, một duyên là Tăng thượng, phần ít của một duyên là Nhân duyên, tức là nhân Đồng loại. Lúc sắc này diệt đi, một duyên và phần ít của một duyên có tác dụng đối với sắc này, một duyên là Tăng thượng, phần ít của một duyên là Nhân duyên, tức là nhân Câu hữu.

Lúc sắc nhiễm ô sinh ra, một duyên và phần ít của một duyên có tác dụng đối với sắc này, một duyên là Tăng thượng, phần ít của một duyên là Nhân duyên, tức là nhân Đồng loại-nhân Biến hành. Lúc sắc này diệt đi, một duyên và phần ít của một duyên có tác dụng đối với sắc này, một duyên là Tăng thượng, phần ít của một duyên là Nhân duyên, tức là nhân Câu hữu.

Lúc sắc dị thục sinh ra, một duyên và phần ít của một duyên có tác dụng đối với sắc này, một duyên là Tăng thượng, phần ít của một duyên là Nhân duyên, tức là nhân Đồng loại-nhân Dị thục. Lúc sắc này diệt đi, một duyên và phần ít của một duyên có tác dụng đối với sắc này, một duyên là Tăng thượng, phần ít của một duyên là Nhân duyên, tức là nhân Câu hữu.

Tâm-tâm sở pháp thiện và dị thục vốn không thâu nhiếp.

Lúc tâm-tâm sở pháp vô phú vô ký sinh ra, hai duyên và phần ít của một duyên có tác dụng đối với pháp này, hai duyên là Tăng thượng và Đẳng vô gián, phần ít của một duyên là Nhân duyên, tức là nhân Đồng loại. Lúc pháp này diệt đi, hai duyên và phần ít của một duyên có tác dụng đối với pháp này, hai duyên là Tăng thượng và Sở duyên, phần ít của một duyên là Nhân duyên, tức là nhân Câu hữu-nhân Tương ưng.

Lúc tâm-tâm sở pháp nhiễm ô sinh ra, hai duyên và phần ít của một duyên có tác dụng đối với pháp này, hai duyên là Tăng thượng và Đẳng vô gián, phần ít của một duyên là Nhân duyên, tức là nhân Đồng loại- nhân Biến hành. Lúc pháp này diệt đi, hai duyên và phần ít của một duyên có tác dụng đối với pháp này, hai duyên là Tăng thượng và Sở duyên, phần ít của một duyên là Nhân duyên, tức là nhân Câu hữu- nhân Tương ưng.

Lúc tâm-tâm sở pháp dị thục sinh ra, hai duyên và phần ít của một duyên có tác dụng đối với pháp này, hai duyên là Tăng thượng và Đẳng vô gián, phần ít của một duyên là Nhân duyên, tức là nhân Đồng loại-nhân Dị thục. Lúc pháp này diệt đi, hai duyên và phần ít của một duyên có tác dụng đối với pháp này, hai duyên là Tăng thượng và Sở duyên, phần ít của một duyên là Nhân duyên, tức là nhân Câu hữu- nhân Tương ưng.

Lúc Đẳng chí Vô tưởng-Đẳng chí Diệt tận trong tâm thiện bất tương ưng hành sinh ra, hai duyên và phần ít của một duyên có tác dụng đối với pháp này, hai duyên là Tăng thượng và Đẳng vô gián, phần ít của một duyên là Nhân duyên, tức là nhân Đồng loại. Lúc pháp này diệt đi, một duyên và phần ít của một duyên có tác dụng đối với pháp này, một duyên là Tăng thượng, phần ít của một duyên là Nhân duyên, tức là nhân Câu hữu.

Thiện và dị thục còn lại vốn không thâu nhiếp.

Lúc tâm vô phú vô ký bất tương ưng hành sinh ra, một duyên và phần ít của một duyên có tác dụng đối với pháp này, một duyên là Tăng thượng, phần ít của một duyên là Nhân duyên, tức là nhân Đồng loại. Lúc pháp này diệt đi, một duyên và phần ít của một duyên có tác dụng đối với pháp này, một duyên là Tăng thượng, phần ít của một duyên là Nhân duyên, tức là nhân Câu hữu.

Lúc tâm nhiễm ô bất tương ưng hành sinh ra, một duyên và phần ít của một duyên có tác dụng đối với pháp này, một duyên là Tăng thượng, phần ít của một duyên là Nhân duyên, tức là nhân Đồng loại- nhân Biến hành. Lúc pháp này diệt đi, một duyên và phần ít của một duyên có tác dụng đối với pháp này, một duyên là Tăng thượng, phần ít của một duyên là Nhân duyên, tức là nhân Câu hữu.

Lúc tâm dị thục bất tương ưng hành sinh ra, một duyên và phần ít của một duyên có tác dụng đối với pháp này, một duyên là tăng Thượng, phần ít của một duyên là Nhân duyên, tức là nhân Đồng loạinhân Dị thục. Lúc pháp này diệt đi, một duyên và phần ít của một duyên có tác dụng đối với pháp này, một duyên là Tăng thượng, phần ít của một duyên là Nhân duyên, tức là nhân Câu hữu.

Đây gọi là Tỳ-bà-sa tóm lược ở nơi này.

Hỏi: Có thể có pháp do bốn duyên sinh ra chăng?

Đáp: Có, đó là tất cả tâm-tâm sở pháp.

Hỏi: Lúc pháp này sinh ra, chỉ do hai duyên rưỡi có tác dụng đối với pháp này, vì sao lại nói là do bốn duyên sinh ra?

Đáp: Phần vị sinh-phần vị diệt hợp lại nói là bốn duyên, bởi vì khởi lên chưa hẳn đã diệt đi, cho nên gọi chung là sinh.

Hỏi: Lúc sinh-lúc diệt đều có hai duyên rưỡi, nếu hợp lại mà nói thì phải có năm duyên, vì sao nói là bốn?

Đáp: Bởi vì dựa vào chủng loại mà nói không vượt quá bốn, nghĩa là một duyên chỉ có tác dụng đối với lúc sinh ra, một duyên chỉ có tác dụng đối với lúc diệt đi, hai duyên cùng có tác dụng đối với hai lúc, cho nên hợp lại nói là bốn.

Hỏi: Có thể có pháp do ba duyên sinh ra chăng?

Đáp: Có, đó là Đẳng chí Vô tưởng và Đẳng chí Diệt tận.

Hỏi: Lúc pháp này sinh ra, chỉ do hai duyên rưỡi có tác dụng đối với pháp này, vì sao lại nói là do ba duyên sinh ra?

Đáp: Phần vị sinh-phần vị diệt hợp lại nói là ba duyên, bởi vì khởi lên chưa hẳn đã diệt đi, cho nên gọi chung là sinh.

Hỏi: Pháp này vào lúc sinh có hai duyên rưỡi, lúc diệt có một duyên rưỡi, nếu hợp lại mà nói thì phải có bốn duyên, vì sao nói là ba?

Đáp: Bởi vì dựa vào chủng loại mà nói không vượt quá ba, nghĩa là một duyên chỉ có tác dụng đối với lúc sinh ra, hai duyên cùng có tác dụng đối với hai lúc, cho nên hợp lại nói là ba.

Hỏi: Có thể có pháp do hai duyên sinh ra chăng?

Đáp: Có, đó là trừ ra Đẳng chí Vô tưởng-Diệt tận, còn lại các tâm bất tương ưng hành và tất cả các sắc.

Hỏi: Lúc pháp này sinh ra, chỉ do một duyên rưỡi có tác dụng đối với pháp này, vì sao lại nói là do hai duyên sinh ra?

Đáp: Phần vị sinh- phần vị diệt hợp lại nói là hai duyên, bởi vì khởi lên chưa hẳn đã diệt đi, cho nên gọi chung là sinh.

Hỏi: Pháp này vào lúc sinh có một duyên rưỡi, lúc diệt có một duyên rưỡi, phải có ba duyên, vì sao nói là hai?

Đáp: Bởi vì dựa vào chủng loại mà nói không vượt quá hai, nghĩa là hai duyên cùng có tác dụng đối với lúc sinh- lúc diệt.

Hỏi: Có thể có pháp do một duyên sinh ra chăng?

Đáp: Không có. Nguyên cớ thế nào? Bởi vì các pháp hữu vi là tánh yếu kém, không tự dựa vào mình, phải dựa vào nơi khác, không có tác dụng, không tự tại. Pháp hữu vi ấy là pháp vô cùng ít ỏi, đó là một Sát-na, một Cực-vi. Phần vị sinh- phần vị diệt của pháp trừ ra tự Thể của nó, còn lại tất cả các pháp làm duyên Tăng thượng, ở trong phần vị diệt thì sinh… là nhân Câu hữu của nó, cho nên nói là Nhân duyên. Vì vậy, chắc chắn không có pháp nào do một duyên sinh ra.

Trong này, Nhân duyên thâu nhiếp tất cả các pháp hữu vi; Đẳng vô gián duyên thâu nhiếp quá khứ- hiện tại, trừ ra tụ tâm cuối cùng của A-la-hán, còn lại tâm-tâm sở pháp; Sở duyên duyên-Tăng thượng duyên thâu nhiếp tất cả các pháp. Lại nữa, Nhân duyên thâu nhiếp năm uẩn, Đẳng vô gián duyên thâu nhiếp phần ít của bốn uẩn Vô sắc, Sở duyên duyên-Tăng thượng duyên thâu nhiếp năm uẩn và không phải uẩn. Lại nữa, Nhân duyên thâu nhiếp ba đời, Đẳng vô gián duyên thâu nhiếp phần ít của hai đời, Sở duyên duyên-Tăng thượng duyên thâu nhiếp ba đời và không phải đời.

Hỏi: Bốn duyên như vậy thì duyên nào mạnh-duyên nào kém?

Đáp: Có người nói: Nhân duyên là mạnh, duyên còn lại là kém, bởi vì Nhân tăng trưởng mà có sinh diệt.

Có người nói: Đẳng vô gián duyên là mạnh, duyên còn lại là kém, bởi vì có năng lực mở toang cánh cửa của Thánh đạo.

Có người nói: Sở duyên duyên là mạnh, duyên còn lại là kém, bởi vì làm nơi nương tựa cho các tâm-tâm sở.

Có người nói: Tăng thượng duyên là mạnh, duyên còn lại là kém, bởi vì các pháp sinh diệt đều không ngăn cản.

Nói như vậy thì đều là mạnh- đều là kém, bởi vì có công năng sai biệt.

Hỏi: Đế cùng với Nhẫn trí làm Sở duyên duyên, đối với ba Thừa thì pháp nào là tự mình hơn hẳn?

Đáp: Không có pháp nào tự mình hơn hẳn riêng biệt, như những nhúm đậu không khác, nhưng bởi vì Nhẫn trí có Thượng-Trung-Hạ, cho nên thi thiết Sở duyên có ba loại sai biệt. Như ba lực sĩ bắn vào tấm bia cứng, Ma-ha-nặc-kiện-na bắn trúng mà không phá vỡ, mũi tên của Bátla-tắc-kiến-đề phá vỡ mà không vượt qua, mũi tên của Na-la-diên phá vỡ rồi cứ thế vượt qua còn xuyên thủng vật khác. Không phải là tấm bia ấy có cứng mềm khác nhau, nhưng bởi vì thế lực của người bắn không như nhau, cho nên nói tấm bia cũng có sai biệt.

Hỏi: Vì thiếu duyên nào cho nên liền nhập Niết-bàn?

Đáp: Có người nói: Nhân duyên, bởi vì lưu chuyển do lực của Nhân duyên, Nhân duyên đoạn cho nên sinh tử liền đoạn.

Có người nói: Đẳng vô gián duyên, bởi vì tâm sau cùng của A-lahán không nối tiếp, cho nên sẽ Niết-bàn.

Có người nói: Sở duyên duyên, bởi vì các Trí cảnh (nhĩ diệm) không khởi lên tâm-tâm sở pháp sau cùng này, cho nên sẽ Niết-bàn.

Có người nói: Tăng thượng duyên, bởi vì tâm cuối cùng của A-lahán về sau không có gì không chướng ngại, cho nên sẽ đoạn tuyệt.

Nói như vậy thì bởi vì thiếu hụt bốn duyên mà nhập Niết-bàn. Bởi vì lúc Niết-bàn thì bốn duyên thuộc về pháp, đối với sự nối tiếp nhau ấy cũng không có tác dụng, cho nên liền nhập Niết-bàn.

Thế nào là pháp tương ưng với nhân? Cho đến nói rộng ra.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Bởi vì muốn ngăn chặn người ngu muội đối với pháp tương ưng, chấp Thể của pháp tương ưng không phải là có thật, để hiển bày về Thể của pháp tương ưng là có thật, cho nên soạn ra phần luận này.

Ở trong nghĩa này có người đưa ra cách nói này: Trong này chỉ dựa vào một nhân mà soạn luận, đó là nhân Tương ưng. Bởi vì trong này nói đến tương ưng, cho nên dựa vào ý nghĩa ấy để giải thích văn này.

Hỏi: Thế nào là pháp tương ưng với nhân?

Đáp: Tất cả tâm- tâm sở pháp. Đây là pháp thuộc tự Thể của nhân Tương ưng, tương ưng với pháp thuộc tự Thể của nhân Tương ưng, cho nên gọi là nhân Tương ưng.

Hỏi: Thế nào là pháp không tương ưng với nhân?

Đáp: Đó là sắc-vô vi-tâm bất tương ưng hành.

Hỏi: Sắc… đã không phải là tự Thể của nhân Tương ưng, làm sao lại nói là không tương ưng với nhân?

Đáp: Sắc… tuy không phải là tự Thể của nhân Tương ưng, mà không tương ưng với tự Thể của nhân Tương ưng, cho nên nói là không tương ưng với nhân, điều ấy có gì sai?

Hỏi: Thế nào là pháp tương ưng với nhân-không tương ưng với nhân?

Đáp: Tức là tâm- tâm sở pháp, phần ít tương ưng với nhân, phần ít không tương ưng với nhân. Phần ít tương ưng với nhân, đó là tự mình đối với nơi khác. Phần ít không tương ưng với nhân, đó là tự mình đối với tự mình.

Hỏi: Thế nào là pháp không phải là tương ưng với nhân-không phải là không tương ưng với nhân?

Đáp: Tức là tâm- tâm sở pháp, phần ít không phải là tương ưng với nhân, phần ít không phải là không tương ưng với nhân. Phần ít không phải là tương ưng với nhân, đó là tự mình đối với tự mình. Phần ít không phải là không tương ưng với nhân, đó là tự mình đối với nơi khác.

Có người nói: Trong này dựa vào hai nhân mà soạn luận, đó là nhân Tương ưng-nhân Câu hữu, bởi vì hai nhân này luôn luôn cùng với pháp ấy không tách lìa nhau.

Có người nói: Trong này dựa vào ba nhân mà soạn luận, đó là nhân Tương ưng-nhân Câu hữu và nhân Đồng loại, bởi vì ba nhân này gồm chung ba tánh.

Có người nói: Trong này dựa vào bốn nhân mà soạn luận, đó là trừ ra nhân Đồng loại và nhân Biến hành, bởi vì bốn nhân này gồm chung ba đời.

Có người nói: Trong này dựa vào năm nhân mà soạn luận, trừ ra nhân Năng tác, bởi vì gồm chung vô vi chứ không phải là tự mình hơn hẳn.

Có người nói: Trong này dựa vào sáu nhân mà soạn luận, bởi vì nhân đã nói ở đây là nói chung.

Nhưng pháp tương ưng, hoặc có lúc cùng làm tự Thể của sáu nhân, hoặc có lúc chỉ làm tự Thể của năm nhân, hoặc có lúc chỉ làm tự Thể của bốn nhân. Những pháp nào cùng làm tự Thể của sáu nhân? Đó là tâm-tâm sở pháp biến hành bất thiện. Những pháp nào chỉ làm tự Thể của năm nhân? Đó là tâm- tâm sở pháp phi biến hành bất thiện, hoặc là tâm- tâm sở pháp biến hành hữu phú vô ký, hoặc là tâm-tâm sở pháp hữu lậu thiện. Những pháp nào chỉ làm tự Thể của bốn nhân? Đó là tâm- tâm sở pháp phi biến hành hữu phú vô ký, hoặc là tâm-tâm sở pháp vô phú vô ký, hoặc là tâm- tâm sở pháp vô lậu. Dựa vào ý nghĩa ấy để giải thích văn này.

Hỏi: Thế nào là pháp tương ưng với nhân?

Đáp: Tất cả tâm-tâm sở pháp, đó là pháp thuộc tự Thể của sáu nhân, tương ưng với pháp thuộc tự Thể của sáu nhân; pháp thuộc tự Thể của năm nhân, tương ưng với pháp thuộc tự Thể của năm nhân; pháp thuộc tự Thể của bốn nhân, tương ưng với pháp thuộc tự Thể của bốn nhân; cho nên gọi là tương ưng với nhân. Ba loại sau hỏi- đáp dựa theo trước nên biết.

Thế nào là duyên với pháp có duyên? Cho đến nói rộng ra.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Bởi vì muốn ngăn chặn người ngu muội đối với tánh của Sở duyên duyên, chấp Sở duyên duyên không phải là pháp có thật, ý hiển bày về Thể của Sở duyên duyên là có thật, cho nên soạn ra phần luận này.

Hỏi: Thế nào là duyên với pháp có duyên?

Đáp: Nếu Ý thức cùng pháp tương ưng, duyên với tâm-tâm sở pháp. Bởi vì pháp có sở duyên làm sở duyên cho pháp này, cho nên nói pháp này là duyên với pháp có duyên. Như người mắt sáng nhìn thấy người mắt sáng, người mắt sáng ấy lại có những điều nhìn thấy; duyên với pháp có duyên, nên biết cũng như vậy.

Hỏi: Thế nào là duyên với pháp không có duyên?

Đáp: Năm Thức thân cùng pháp tương ưng, nếu Ý thức và pháp tương ưng, duyên với sắc-vô vi-tâm bất tương ưng hành. Bởi vì pháp không có sở duyên làm sở duyên cho pháp này, cho nên nói pháp này là duyên với pháp không có duyên. Như người mắt sáng nhìn thấy người mù lòa, người mù lòa ấy lại không có điều gì nhìn thấy; duyên với pháp không có duyên, nên biết cũng như vậy.

Hỏi: Thế nào là duyên với pháp có duyên-duyên với pháp không có duyên?

Đáp: Nếu Ý thức cùng pháp tương ưng, duyên với tâm-tâm sở pháp và sắc-vô vi-tâm bất tương ưng hành. Bởi vì pháp có sở duyênpháp không có sở duyên làm sở duyên cho pháp này, cho nên nói pháp này là duyên với pháp có duyên-duyên với pháp không có duyên. Như người mắt sáng nhìn thấy người mắt sáng và người mù lòa, người mắt sáng ấy lại có những điều nhìn thấy, người mù lòa ấy lại không có điều gì nhìn thấy; duyên với pháp có duyên-duyên với pháp không có duyên, nên biết cũng như vậy.

Có người nói: Nghĩa của câu thứ ba này, tức là kết hợp hai câu trước, lại không có Thể khác nhau.

Cách nói này không hợp lý, bởi vì trái ngược nhau với bản luận. Như bản luận nói: Duyên với pháp có duyên là Tùy miên tùy tăng duyên với hữu vi, duyên với pháp không có duyên là tất cả Tùy miên tùy tăng, duyên với pháp có duyên-duyên với pháp không có duyên là Tùy miên tùy tăng duyên với hữu vi, không phải duyên với pháp có duyên-không phải duyên với pháp không có duyên là Tùy miên tùy tăng duyên với hữu lậu. Nhưng có Ý thức cùng pháp tương ưng, trong một Sát-na duyên chung với pháp có duyên và pháp không có duyên, vì vậy như trước đã nói là hợp lý.

Hỏi: Thế nào là không phải duyên với pháp có duyên-không phải duyên với pháp không có duyên?

Đáp: Sắc-vô vi-tâm bất tương ưng hành. Bởi vì pháp này không duyên với pháp có sở duyên-pháp không có sở duyên, cho nên nói pháp này là không phải duyên với pháp có duyên-không phải duyên với pháp không có duyên. Như người mù lòa hoàn toàn không nhìn thấy gì, ở đây cũng như vậy.

Như Đức Thế Tôn nói: “Tưởng bên trong không có sắc, quán xét sắc bên ngoài.” Cho đến nói rộng ra.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Vì muốn phân biệt về nghĩa trong kinh. Như trong kinh nói: “Tưởng bên trong không có sắc, quán xét sắc bên ngoài.” Trong kinh tuy nói ra điều này mà không phân biệt thế nào là Tưởng bên trong không có sắc-quán xét sắc bên ngoài, cho đến nói rộng ra. Nay cần phải phân biệt, cho nên soạn ra phần luận này.

Hỏi: Thế nào là Tưởng bên trong không có sắc, quán xét sắc bên ngoài?

Đáp: Nghĩa là có Tỳ kheo dấy khởi Thắng giải như vậy: Nay thân này của mình sắp chết, đã chết sắp đưa lên xe, đã đưa lên xe sắp chuyển đến bãi tha ma, đã đem đến bãi tha ma sắp đặt xuống đất, đã đặt xuống đất sắp bị các loài giòi bọ ăn thịt, đã bị các loài giòi bọ ăn thịt. Người ấy đến cuối cùng không thấy thân bên trong, chỉ thấy giòi bọ bên ngoài, đó gọi là Tưởng bên trong không có sắc, quán xét sắc bên ngoài. Nghĩa là người ấy nhờ vào lực của nhiều Thắng giải trước đây, không thấy tướng của thân, chỉ thấy tướng của các loài giòi bọ bên ngoài rúc rỉa làm tổn hại thân bên trong.

Lại có Tỳ kheo dấy khởi Thắng giải như vậy: Nay thân này của mình sắp chết, đã chết sắp đưa lên xe, đã đưa lên xe sắp chuyển đến bãi tha ma, đã chuyển đến bãi tha ma sắp đặt vào giàn củi, đã đặt vào giàn củi sắp bị lửa đốt cháy, đã bị lửa đốt cháy. Người ấy đến cuối cùng không thấy thân bên trong, chỉ thấy lửa bên ngoài, đó gọi là Tưởng bên trong không có sắc, quán xét sắc bên ngoài. Nghĩa là người ấy nhờ vào lực của nhiều Thắng giải trước đây, không thấy tướng của thân, chỉ thấy các tướng của ngọn lửa bên ngoài hừng hực làm tổn hại thân bên trong.

Lại có Tỳ kheo dấy khởi Thắng giải như vậy: Nay thân này của mình thật là giả tạo, như băng tuyết-hoặc là đụn băng tuyết, như đường bột-hoặc là nhúm đường bột, như bơ chưa chín-hoặc là cục bơ chưa chín, sắp bị lửa đun nóng, đã bị lửa đun nóng sắp tan chảy, đã tan chảy. Người ấy đến cuối cùng không thấy thân bên trong, chỉ thấy lửa bên ngoài, đó gọi là Tưởng bên trong không có sắc, quán xét sắc bên ngoài. Nghĩa là người ấy nhờ vào lực của nhiều Thắng giải trước đây, không thấy tướng của thân, chỉ thấy các tướng của ngọn lửa bên ngoài đun nóng làm tổn hại thân bên trong.

Trong này, như băng tuyết-hoặc là đụn băng tuyết, đó là các sư Du-già ở phương Bắc; như đường bột-hoặc là nhúm đường bột, đó là các sư Du-già ở phương Nam; như bơ chưa chín-hoặc là cục bơ chưa chín, đó là các sư Du-già ở tất cả các nơi.

Hỏi: Nếu lúc dấy lên Tưởng bên trong không có sắc thì lúc ấy quán xét sắc bên ngoài chăng? Hay là lúc bấy giờ chỉ quán xét sắc bên ngoài, không dấy lên Tưởng bên trong không có sắc? Giả sử như vậy thì có gì sai? Nếu như lúc dấy lên Tưởng bên trong không có sắc, ngay lúc ấy quán xét sắc bên ngoài, thì vì sao một Giác không dấy lên mà hiểu theo hai cách hiểu sai biệt? Như vậy một Giác sẽ thành ra nhiều Thể. Nếu như lúc bấy giờ chỉ quán xét sắc bên ngoài, không dấy lên Tưởng bên trong không có sắc, thì văn này đã nói Tưởng bên trong không có sắc-quán xét sắc bên ngoài, lại hiểu thế nào?

Đáp: Nên nói là lúc bấy giờ chỉ quán xét sắc bên ngoài, không dấy lên Tưởng bên trong không có sắc.

Hỏi: Nếu như vậy thì văn này đã nói Tưởng bên trong không có sắc-quán xét sắc bên ngoài nên hiểu thế nào?

Đáp: Dựa vào ý thích của sư Du-già mà nói, nghĩa là người quán hành có ý thích như vậy: Mình nên Tưởng bên trong không có sắc-quán xét sắc bên ngoài. Tùy theo ý ấy mà nói. Nhưng vào lúc bấy giờ chỉ quán xét sắc bên ngoài.

Có người nói: Dựa vào hành tướng phân biệt ở thời gian trước của người ấy cho nên đưa ra cách nói này, nghĩa là sư Du-già trước đó khởi lên hành tướng phân biệt như vậy: Mình nên như vậy và như vậy dấy lên Tưởng bên trong không có sắc-quán xét sắc bên ngoài, và lúc tu quán chỉ quán về sắc bên ngoài.

Có người nói: Văn này dựa vào lúc tu gia hạnh thành tựu đầy đủ mà nói, đó là Tưởng bên trong không có sắc, là nói về lúc gia hạnh của căn thiện này; quán xét sắc bên ngoài, là nói về lúc thành tựu đầy đủ căn thiện này, chứ không phải là ở trong một lúc có hai cách hiểu.

Có người nói: Văn này dựa vào nghĩa cuối cùng(nghĩa chí) mà nói, đó là nếu nghĩa cuối cùng là Tưởng bên trong không có sắc thì quán xét sắc bên ngoài, nếu nghĩa cuối cùng là quán xét sắc bên ngoài thì Tưởng bên trong không có sắc, chứ không phải là đối với một Giác có hai cách hiểu.

Có người nói: Tưởng bên trong không có sắc, là nói về sở y; quán xét sắc bên ngoài, là nói về sở duyên, không phải là đối với sở duyên cùng khởi lên hai cách hiểu.

Có Sư khác nói: Nếu lúc dấy lên Tưởng bên trong không có sắc, thì ngay lúc ấy cũng quán xét sắc bên ngoài.

Hỏi: Nếu như vậy thì vì sao một Giác không dấy lên mà hiểu theo hai cách hiểu sai biệt?

Đáp: Tuy dấy lên hai cách hiểu mà không trái ngược nhau, cho nên không có gì sai.

Cách nói này không hợp lý, bởi vì hai tướng Có-Không hoàn toàn trái ngược lẫn nhau, vì vậy cho nên như trước đã nói là hợp lý.

Như Đức Thế Tôn nói: “Có Tưởng trừ bỏ sắc…” Cho đến nói rộng ra.

Hỏi: Vì sao lại soạn ra phần luận này?

Đáp: Đó là ý của người soạn luận muốn như vậy, cho đến nói rộng ra.

Có người nói: Vì muốn phân biệt về nghĩa trong kinh, nghĩa là trong kinh nói Tưởng trừ bỏ sắc(trừ sắc tưởng), mà không giải thích rộng ra, nay cần phải giải thích về điều ấy, cho nên soạn ra phần luận này.

Hỏi: Thế nào là Tưởng trừ bỏ sắc?

Đáp: Nghĩa là có Tỳ kheo dấy khởi Thắng giải như vậy: Nay thân này của mình sắp chết, đã chết sắp đưa lên xe, đã đưa lên xe sắp chuyển đến bãi tha ma, đã chuyển đến bãi tha ma sắp đặt xuống đất, đã đặt xuống đất sắp bị các loài giòi bọ ăn thịt, đã bị các loài giòi bọ ăn thịt, các loài giòi bọ này sắp phân tán, đã phân tán. Người ấy đến cuối cùng không thấy thân của mình, cũng không thấy giòi bọ, đó gọi là Tưởng trừ bỏ sắc. Nghĩa là người ấy nhờ vào lực của nhiều Thắng giải trước đây, không thấy tướng của thân, lại cũng không thấy tướng của các loài giòi bọ bên ngoài rúc rỉa làm hại thân bên trong.

Lại có Tỳ kheo dấy khởi Thắng giải như vậy: Nay thân này của mình sắp chết, đã chết sắp đưa lên xe, đã đưa lên xe sắp chuyển đến bãi tha ma, đã chuyển đến bãi tha ma sắp đưa lên giàn củi, đã đưa lên giàn củi sắp bị lửa đốt cháy, đã bị lửa đốt cháy, lửa đốt cháy thi thể này sắp tắt, đã tắt. Người ấy đến cuối cùng không thấy thân của mình, cũng không thấy lửa, đó gọi là Tưởng trừ bỏ sắc. Nghĩa là người ấy nhờ vào lực của nhiều Thắng giải trước đây, không thấy tướng của thân, lại cũng không thấy các tướng của lửa bên ngoài hừng hực làm hại thân bên trong.

Lại có Tỳ kheo dấy khởi Thắng giải như vậy: Nay thân này của mình thật là giả tạo, như băng tuyết-hoặc là đụn băng tuyết, như đường bột-hoặc là như nhúm đường bột, như bơ chưa chín-hoặc là như cục bơ chưa chín, sắp bị lửa đun nóng, đã bị lửa đun nóng sắp tan chảy, đã tan chảy, lửa có thể đun nóng tan chảy này sắp tắt, đã tắt. Người ấy đến cuối cùng không thấy thân của mình, cũng không thấy lửa, đó gọi là Tưởng trừ bỏ sắc. Nghĩa là người ấy nhờ vào lực của nhiều Thắng giải trước đây, không thấy tướng của thân, lại cũng không thấy các tướng của lửa bên ngoài hừng hực làm hại thân bên trong. Ba loại thí dụ như đụn băng tuyết…, tùy theo phương hướng sai biệt như trước nên biết.

Hỏi: Sư Du-già ấy từng thấy các tướng như vậy ở nơi nào mà nay quán xét?

Đáp: Bởi vì người ấy đã từng làm người chăm sóc bệnh cho người

cùng Phạm hạnh, từng thấy Đại chủng của Tỳ kheo biến đổi, từ bỏ các loại ăn uống, rên rỉ đau đớn, tuy có thuốc thang chữa trị mà lại càng thêm nặng, thậm chí dần dần khốn đốn, mồ hôi tuôn chảy dầm dề, hơi thở hổn hển gấp gáp, trong chốc lát mạng sống kết thúc, tẩm liệm thi hài đưa lên xe tang, bạn bè đồng học đau xót tiễn đưa đến nơi mai táng. Nếu nơi đưa đến khó có được củi đốt, thì đặt vào trong hố sâu buồn bã tiễn biệt mà quay về. Hôm sau lại đến nhìn thấy thi hài ấy, đã bị chồn sói- diều quạ-chó đói ăn thịt, trong chốc lát từ xa nhìn thấy xương thịt đều không còn, tất cả chim thú bỗng nhiên tản đi mọi nơi, chỗ ấy vắng vẻ hoang vu. Nếu nơi củi đốt dễ dàng có được, thì chất củi gỗ để an trí thi hài ấy, dùng lửa đốt cháy trong giây lát đều cháy sạch, một lúc sau lửa tắt, lặng lẽ không còn gì nữa. Sư Du-già ấy cố gắng giữ lấy các loại tướng trạng như vậy rồi, nhanh chóng trở về nơi cư trú rửa tay chân-trải chỗ ngồi, ngồi kiết già điều tâm giữ thân ngay thẳng, khiến cho không còn đau buồn, lìa xa các phiền não ngăn che, do có năng lực có thể nhớ lại các tướng trạng đã giữ lấy lúc trước, dùng lực của Thắng giải quán tưởng thấy thân của mình, theo thứ tự có các tướng đã nhìn thấy trước đây.

Nếu không từng làm người chăm sóc nuôi nấng người bệnh, thì người ấy vào một lúc nhìn thấy đụn băng tuyết… dần dần bị lửa làm cho tan chảy, cho đến lúc cuối cùng hoàn toàn không còn thấy gì nữa, giữ lấy tướng này rồi dùng lực của Thắng giải quán tưởng thấy thân của mình, theo thứ tự có các tướng đã nhìn thấy trước đây. Nhờ vào duyên này cho nên các sư Du-già đối với thân của mình khởi lên Thắng giải ấy.

Hỏi: Phần vị quán sát như vậy không giống nhau, đối với các pháp quán thì do những pháp quán nào thâu nhiếp?

Đáp: Là Tưởng trừ bỏ sắc và gia hạnh này, cùng với gia hạnh này do gia hạnh thâu nhiếp, nghĩa là không thấy thân của mình-không thấy giòi bọ và lửa cháy, phần vị sau cùng này do Tưởng trừ bỏ sắc thâu nhiếp. Nếu không thấy thân của mình mà thấy giòi bọ và lửa cháy, thì Tưởng trừ bỏ sắc do gia hạnh thâu nhiếp. Nếu hãy còn thấy thân của mình và cũng thấy giòi bọ-lửa cháy, thì gia hạnh này do gia hạnh thâu nhiếp.

Có người đưa ra cách nói này: Là do Tưởng trừ bỏ sắc và Giải thoát thứ nhất- thứ hai thâu nhiếp, nghĩa là không thấy thân của mình và không thấy giòi bọ-lửa cháy, là Tưởng trừ bỏ sắc; nếu không thấy thân của mình mà thấy giòi bọ-lửa cháy, là Giải thoát thứ hai; nếu hãy còn thấy thân của mình và cũng thấy giòi bọ- lửa cháy, là Giải thoát thứ nhất.

Có Sư khác nói: Hiển bày về ba căn thiện, nghĩa là không thấy thân của mình và không thấy giòi bọ-lửa cháy, đây là hiển bày về phẩm Thượng; nếu không thấy thân của mình mà thấy giòi bọ-lửa cháy, đây là hiển bày về phẩm Trung; nếu hãy còn thấy thân của mình và cũng thấy giòi bọ-lửa cháy, đây là hiển bày về phẩm Hạ.

*******

 

Hỏi: Tưởng trừ bỏ sắc này tự Thể là gì?

Đáp: Tuệ làm tự Thể. Nếu như vậy thì tại sao dùng Tưởng làm tên gọi? Bởi vì trong tụ này thì tác dụng của Tưởng tăng mạnh. Như Trì tức niệm, Niệm trú như thân…, Bổn tánh sinh niệm, Túc trú tùy niệm, đều lấy Tuệ làm Thể, dùng Niệm làm tên gọi, bởi vì tác dụng của Niệm tăng mạnh. Tưởng ấy cũng như vậy.

Đã nói về tự Thể, cần phải giải thích về tên gọi của pháp ấy. Pháp này vì sao mà gọi là Tưởng trừ bỏ sắc? Bởi vì pháp này có thể loại bỏ các sắc tích tập khiến cho không hiện rõ trước mắt, cho nên gọi là Tưởng trừ bỏ sắc.

Về cõi, là cõi Sắc. Về địa, là Tĩnh lự thứ tư. Về sở y, là dựa vào thân của cõi Dục. Về hành tướng, là hành tướng không rõ ràng. Về sở duyên, là duyên với cõi Dục.

Hỏi: Pháp này duyên với pháp nào của cõi Dục?

Đáp: Có người nói: Tức là duyên với những nơi hố hầm-củi gỗ… Có người nói: Tức là duyên với cõi hư không ở nơi ấy.

Nói như vậy thì tức là duyên với tất cả các sắc đã trừ bỏ. Ở trong này có người nói: Chỉ duyên với các sắc của tự thân đã trừ bỏ.

Về Niệm trú, là Thân niệm trú. Về trí, là trí thế tục. Về Đẳng trì, không phải là đi cùng Đẳng trì. Về căn, là tương ưng với Xả căn.

Về đời(thế), là gồm chung ba đời, quá khứ duyên với quá khứ, hiện tại duyên với hiện tại, vị lai có thể sinh thì duyên với vị lai, không sinh thì duyên với ba đời.

Về thiện-bất thiện và vô ký, chỉ là thiện, duyên với ba loại. Có người nói: Chỉ duyên với vô ký.

Về hệ thuộc ba cõi và không hệ thuộc, là hệ thuộc cõi Sắc, duyên với hệ thuộc cõi Dục.

Về Học-Vô học-Phi học phi vô học, là Phi học phi vô học, duyên với Phi học phi vô học.

Do kiến mà đoạn-do tu mà đoạn và không đoạn, là do tu mà đoạn, duyên với do tu mà đoạn.

Duyên với thân mình-thân khác và không phải thân, thì có người nói: Chỉ duyên với thân mình. Có người nói: Duyên với thân mình và thân khác. Có người nói: Duyên chung với ba loại.

Duyên với danh – duyên với nghĩa, là chỉ duyên với nghĩa.

Gia hạnh đạt được – lìa nhiễm đạt được, là gia hạnh đạt được chứ không phải là lìa nhiễm đạt được. Bởi vì người đã lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ tư, nếu không gia hạnh mong cầu Tưởng này, thì cuối cùng không thể nào dấy khởi khiến cho hiện rõ trước mắt. Có người nói: Phật lìa nhiễm mà đạt được, bởi vì đạt được lúc lìa nhiễm của cõi Hữu Đảnh, người khác thì do gia hạnh đạt được. Có người nói: Người khác cũng lìa nhiễm mà đạt được, nhưng gia hạnh hiện rõ trước mắt. Phật không do gia hạnh, Độc giác do gia hạnh bậc Hạ, Thanh văn hoặc là bậc Trung- hoặc là bậc Thượng.

Nơi khởi lên, là ở cõi Dục chứ không phải ở cõi Sắc-Vô sắc, ở loài người ba châu chứ không phải ở Bắc châu.

Hỏi: Tưởng này do ai mà khởi lên?

Đáp: Có người nói: Chỉ có Thánh giả chứ không phải là dị sinh.

Có người nói: Dị sinh cũng khởi lên. Dị sinh có hai loại:

  1. Dị sinh nội pháp.
  2. Dị sinh ngoại pháp.

Dị sinh nội pháp có thể khởi lên chứ không phải là dị sinh ngoại pháp, bởi vì dị sinh ngoại pháp suốt đời chấp ngã-sợ hãi vô ngã, không thích loại bỏ sắc sở y bên trong.

Đã nói về những môn như tự tánh… của Tưởng này, tiếp theo cần phải biểu hiện rõ ràng về có xen tạp và không xen tạp.

Hỏi: Những người không có Tưởng trừ bỏ sắc này đều chưa lìa nhiễm cõi Sắc chăng?

Đáp: Những người chưa lìa nhiễm cõi Sắc đều không có tưởng trừ bỏ sắc. Có lúc không có tưởng trừ bỏ sắc nhưng không phải là chưa lìa nhiễm cõi Sắc, đó là đã lìa nhiễm cõi Sắc mà chưa tiến vào Định ấy.

Hỏi: Những người có Tưởng trừ bỏ sắc đều đã lìa nhiễm cõi Sắc chăng?

Đáp: Có lúc đã lìa nhiễm cõi Sắc nhưng không phải là có Tưởng trừ bỏ sắc, đó là đã lìa nhiễm cõi Sắc mà chưa tiến vào Định ấy. Nguyên cớ thế nào? Bởi vì trước đây nói Định ấy chỉ do gia hạnh mà đạt được, không phải là do lìa nhiễm mà đạt được. Bởi vì tuy đã lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ tư, nhưng nếu không gia hạnh thì lúc cầu mong Định này, rốt cuộc không có thể khởi lên khiến cho hiện rõ trước mắt.

Có người nói: Định này tuy do lìa nhiễm mà đạt được, nhưng Độc giác… cần phải khởi lên gia hạnh mới khiến cho hiện rõ trước mắt. Ở đây dựa vào Có-Không có hiện rõ trước mắt để soạn luận, cho nên đưa ra cách nói này.

Hỏi: Nói về Tưởng trừ bỏ sắc này thì có nhiều nơi nói, đó là ở đây nói, trong chương Tạp Uẩn cũng nói là tiến vào Định Vô sắc trừ bỏ Tưởng về sắc. Trong Ba-la-diễn-noa cũng đưa ra cách nói này:

“Những người có Tưởng trừ bỏ sắc, có thể trừ bỏ tất cả thân,

Ở trong nội pháp và ngoại pháp, không có người nào không trông thấy.”

Trong phẩm Chúng Nghĩa cũng đưa ra cách nói này:

“Đối với Tưởng-có Tưởng không phải ngay nơi lìa,

Cũng không phải không có Tưởng-không trừ bỏ Tưởng,

Như vậy bình đẳng trừ bỏ những Tưởng về sắc, Đối với nhân duyên ấy không có gì nhiễm trước.” Nghĩa của những cách nói như vậy có gì khác nhau?

Đáp: Ở đây nói: Có thể loại bỏ các sắc tích tập khiến cho không hiện rõ trước mắt, gọi là Tưởng trừ bỏ sắc. Trong Ba-la-diễn-noa và phẩm Chúng Nghĩa nói: Đoạn ái của cõi Sắc gọi là Tưởng trừ bỏ sắc. Trong chương Tạp Uẩn nói: Không duyên với các sắc lưu chuyển của địa dưới, gọi là Tưởng trừ bỏ sắc.

Có người nói: Ở đây nói Tưởng trừ bỏ sắc này thuộc về Tĩnh lự thứ tư. Trong Ba-la-diễn-noa và phẩm Chúng Nghĩa nói: Tưởng trừ bỏ sắc là thuộc về bảy địa, đó là Cận phần của Vị chí-Trung gian-bốn Tĩnh lự và Không vô biên xứ. Trong chương Tạp Uẩn đã nói Tưởng trừ bỏ sắc cũng thuộc về bảy địa, đó là đó là bốn Vô sắc và ba Cận phần trên.

Có người nói: Ở đây nói Tưởng trừ bỏ sắc là Thân niệm trú. Trong Ba-la-diễn-noa và phẩm Chúng Nghĩa nói: Tưởng trừ bỏ sắc là Pháp niệm trú. Trong chương Tạp Uẩn đã nói Tưởng trừ bỏ sắc là bao gồm bốn Niệm trú.

Có người nói: Ở đây nói Tưởng trừ bỏ sắc là pháp không giống nhau, ba nơi còn lại đã nói là pháp giống nhau.

Có người nói: Trong chương Tạp Uẩn đã nói là pháp giống nhau, ba nơi còn lại đã nói là pháp không giống nhau.

Đây gọi là nghĩa khác nhau của những cách nói.

Bốn Thức trú và bảy Thức trú, là bốn thâu nhiếp bảy hay là bảy thâu nhiếp bốn? cho đến nói rộng ra.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Vì muốn phân biệt về nghĩa trong kinh. Nghĩa là trong kinh nói: Bốn Thức trú- bảy Thức trú-chín Hữu tình cư. Nhưng mà không phân biệt rộng ra, cũng không giải thích về thâu nhiếp, nay muốn giải thích rộng ra và hiển bày thâu nhiếp lẫn nhau, cho nên soạn ra phần luận này.

Bốn Thức trú, như trong kinh nói:

  1. “Sắc tùy theo Thức trú.
  2. Thọ tùy theo Thức trú.
  3. Tưởng tùy theo Thức trú.
  4. Hành tùy theo Thức trú.”

Sắc tùy theo Thức trú, đó là Sắc hữu lậu tùy thuận mà giữ lấy, do số hữu tình thâu nhiếp; Hành tùy theo Thức trú cũng như vậy. Thọ tùy theo Thức trú, đó là Thọ hữu lậu tùy thuận mà giữ lấy; Tưởng tùy theo Thức trú cũng như vậy.

Có Sư khác nói: Sắc tùy theo Thức trú, đó là Sắc hữu lậu tùy thuận mà giữ lấy, do số hữu tình và số phi hữu tình thâu nhiếp; Hành tùy theo Thức trú cũng như vậy. Thọ-Tưởng tùy theo Thức trú, nói như trước.

Hỏi: Uẩn thuộc số hữu tình nói là Thức trú, việc này có thể như vậy, Uẩn thuộc về số phi hữu tình tại sao gọi là Thức trú?

Đáp: Có nhiều loại Thức trú, đó là Thức trú tương ưng, Thức trú câu hữu, Thức trú sở y, Thức trú sở duyên, Thức trú sở hành; Uẩn thuộc về số phi hữu tình, là sở duyên của Thức cho nên gọi là Thức trú.

Đã nói về tự tánh, cần phải nói đến nhân duyên.

Hỏi: Vì nhân duyên gì cho nên nói tên gọi là Thức trú?

Đáp: Thức trú ở trong này, trú như nhau-trú gần gũi cho nên gọi là Thức trú. Như nơi ở của voi ngựa… gọi là nơi voi ngựa cư trú.

Có người nói: Trong này do Hỷ tưới thấm mà Thức tăng trưởng rộng lớn, cho nên gọi là Thức trú.

Có người nói: Trong này do Ái tưới thấm mà Thức thâu nhiếp tiếp nhận không tách lìa, cho nên gọi là Thức trú.

Có người nói: Trong này các Thức hữu lậu tùy thuận giữ lấy, Thức sinh khởi chấp trước, an trú mà tăng trưởng, cho nên gọi là Thức trú.

Hỏi: Vì sao pháp vô lậu không thiết lập Thức trú?

Đáp: Bởi vì các pháp vô lậu không có tướng của Thức trú. Lại nữa, nếu pháp có thể tăng thêm quả báo, có thể thâu nhiếp tiếp nhận quả báo, có thể duy trì quả báo, thì thiết lập Thức trú; các pháp vô lậu có thể làm sút giảm quả báo, có thể làm trái ngược hại đến quả báo, có thể phá hoại quả báo, cho nên khong phải là Thức trú. Lại nữa, nếu pháp thậm chí là quan hệ của Thân kiến, cho đến rơi vào Khổ-Tập đế, thì thiết lập Thức trú; các pháp vô lậu thậm chí không phải là quan hệ của Thân kiến, cho đến không rơi vào Khổ-Tập đế, cho nên không phải là Thức trú.

Có người nói: Nếu pháp do Hỷ tưới thấm mà Thức ở trong đó tăng trưởng rộng lớn, thì thiết lập làm Thức trú; các pháp vô lậu cùng với điều này trái ngược nhau, cho nên không phải là Thức trú.

Có người nói: Nếu pháp do Ái tưới thấm mà Thức ở trong đó thâu nhiếp tiếp nhận không tách lìa, thì thiết lập làm Thức trú, các pháp vô lậu thì không như vậy, cho nên không phải là Thức trú.

Có người nói: Nếu pháp là các Thức hữu lậu tùy thuận giữ lấy, Thức ở trong đó sinh khởi chấp trước, an trú mà tăng trưởng, thì thiết lập làm Thức trú; các pháp vô lậu cùng với điều này trái ngược nhau, cho nên không phải là Thức trú.

Hỏi: Vì sao Thức không phải là Thức trú?

Đáp: Vì Thức cho nên thiết lập Thức trú, như vì Vua cho nên thiết lập chỗ ngồi của Vua. Như chỗ ngồi của Vua, giường nằm của Vua-đường đi của Vua cũng như vậy. Như Vua không phải là đường đi, đường đi không phải là Vua, là nơi Vua đi lại cho nên gọi là đường đi của Vua. Như vậy Thức không phải là trú, trú không phải là Thức, là nơi Thức cư trú cho nên gọi là Thức trú. Vì thế cho nên Thức không phải là Thức trú.

Có người nói: Nếu pháp do Thức cai quản điều khiển, như voingựa-thuyền bè do con người cai quản điều khiển, thì pháp ấy thiết lập Thức trú; không phải là Thức cai quản điều khiển đối với Thức, cho nên Thức không phải là Thức trú. Lại nữa, nếu pháp cùng sinh-cùng trú-cùng diệt với Thức, đối với Thức có tác dụng, thì thiết lập Thức trú, Thức đối với Thức thì không như vậy.

Có người nói: Thức trú thì pháp vốn như vậy, cùng với Thức đều ở hiện tại, là nơi cư trú của Thức, chứ không phải là Thức cùng với Thức mà có thể có quan hệ này.

Hỏi: Tự Thức và Thức khác đều ở hiện tại,vì sao không lần lượt chuyển đổi thiết lập Thức trú?

Đáp: Bởi vì tự Thức đối với tự Thức không phải là Thức trú, đối với Thức khác cũng không phải là không có tướng khác. Lại nữa, đối với tự Thức gần gũi hãy còn không phải là Thức trú, huống gì đối với sơ nhạt xa xôi?

Có người nói: Nếu pháp và Thức do ba hòa hợp mà sinh, cùng có tác dụng với nhau, thì thiết lập làm Thức trú; không phải là Thức cùng với Thức do ba hòa hợp mà sinh, cùng có tác dụng với nhau, cho nên không phải là Thức trú.

Bởi vì trú ở trong tự phần của Thức, cho nên tự phần của các Uẩn có được tên gọi Thức trú, nghĩa là Uẩn của cõi Dục là nơi cư trú của Thức cõi Dục, Uẩn của cõi Sắc là nơi cư trú của Thức cõi Sắc, Uẩn của cõi Vô sắc là nơi cư trú của Thức cõi Vô sắc, Uẩn của Tĩnh lự thứ nhất là nơi cư trú của Thức thuộc Tĩnh lự thứ nhất, cho đến Uẩn của Phi tưởng phi phi tưởng xứ là nơi cư trú của Thức thuộc Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Hỏi: Sinh ở cõi Dục khởi lên tâm vô lậu của cõi Sắc-Vô sắc hiện rõ ở trước mắt, hai Uẩn hiện tại có phải là Thức trú hay không?

Đáp: Nên nói là Thức trú.

Hỏi: Không có đồng phần của Thức cư trú trong đó, vì sao gọi là Thức trú?

Đáp: Bởi vì có được tướng của Thức trú, nghĩa là đồng phần của Thức duyên vào nơi khác cho nên không sinh ra, chứ không phải là Thức này không có thể sinh ra, cho nên cũng gọi là Thức trú. Như bên cạnh suối hồ, lắp đặt miệng của các loài voi-ngựa-trâu-sư tử… để làm đường rót vào, lúc nước không chảy vào, thì không phải là những loại này làm cản trở, nếu nước chảy vào thì làm thành sở y cho nước, tuy nước không chảy mà cũng gọi là đường rót vào; thức ấy cũng như vậy.

Bảy Thức trú, như trong kinh nói: “Hữu tình có sắc, thân khác nhau-tưởng khác nhau, như loài người và một phần loài trời, là Thức trú thứ nhất.”

Có sắc, nghĩa là hữu tình ấy có sắc có thể hiển bày rõ ràng, có sắc thân, có sắc thuộc Giới-Xứ-Uẩn, có sắc thi thiết, cho nên gọi là có sắc.

Hữu tình, đó là Đế nghĩa-Thắng nghĩa, Thể của hữu tình không có thể đạt được chứ không phải là thật có, nhưng ở trong Giới-Xứ-Uẩn, dựa vào Tưởng thi thiết mà nói là Hữu tình, Nại-lạc, Ý sinh, Nho đồng, Nuôi dưỡng, Bổ-đặc-già-la, Mạng sống, Sinh ra, cho nên gọi là hữu tình.

Thân khác nhau, đó là hữu tình ấy có các loại thân, các loại hình dáng-tướng mạo hiển bày sai biệt, cho nên gọi là Thân khác nhau.

Tưởng khác nhau, đó là hữu tình ấy có Tưởng về vui, Tưởng về khổ, Tưởng về không khổ vui, cho nên gọi là Tưởng khác nhau.

Như loài người và một phần loài trời, loài người tức là tất cả mọi người, một phần loài trời đó là trời cõi Dục.

Là Thức trú thứ nhất, thứ nhất tức là số đầu tiên trong thứ tự; Thức trú đó là sắc-thọ-tưởng-hành-thức mà hữu tình hệ thuộc. Giải thích về nghĩa của Thức trú đã nói như trước.

“Hữu tình có sắc, thân khác nhau- tưởng như nhau, như trời Phạm Chúng, đó là loài trời sinh khởi đầu tiên, là Thức trú thứ hai.”

Có sắc… nói như trước. Tưởng như nhau, đó là hữu tình ấy Tưởng về nhiễm không có gì khác nhau.

Như trời Phạm Chúng, đây là hiển bày về chư Thiên cõi Phạm Thế.

Đó là loài trời sinh khởi đầu tiên, nghĩa là loài trời ấy mới sinh ra cùng khởi lên Tưởng về nhiễm, sau thì Tưởng khác nhau.

Là Thức trú thứ hai, thứ hai dựa theo trước; Thức trú nói như trước.

“Hữu tình có sắc, thân như nhau-tưởng khác nhau, như trời cõi Cực Quang Tịnh, là Thức trú thứ ba.”

Có sắc… nói như trước. Thân như nhau, nghĩa là hữu tình ấy có một loại thân, một loại hình dáng-tướng mạo hiển bày không có gì khác nhau.

Tưởng khác nhau, nghĩa là hữu tình ấy có Tưởng về vui, Tưởng về không khổ-không vui, bởi vì chư Thiên cõi ấy chán ngán Hỷ căn của địa Căn bản rồi khởi lên Xả căn của địa Cận phần hiện rõ trước mắt, chán ngán Xả căn của địa Cận phần rồi khởi lên Hỷ căn của địa Căn bản hiện rõ trước mắt. Như người giàu sang chán ngán dục lạc rồi vui thích trú trong pháp lạc, chán ngán pháp lạc rồi vui thích trú trong dục lạc.

Như trời cõi Cực Quang Tịnh, đây là hiển bày về chư Thiên ở Tĩnh lự thứ hai.

“Hữu tình có sắc, thân như nhau- tưởng như nhau, như trời cõi Biến Tịnh, là Thức trú thứ tư.”

Có sắc… nói như trước. Tưởng như nhau, nghĩa là hữu tình ấy có Tưởng về vô phú vô ký không có gì khác nhau.

Như trời cõi Biến Tịnh, đây là hiển bày về chư Thiên ở Tĩnh lự thứ ba.

“Hữu tình không có sắc, bởi vì tất cả đều vượt lên trên các Tưởng về sắc, bởi vì đều ẩn kín các Tưởng có đối đãi, bởi vì không tác ý đối với các Tưởng khác nhau, tiến vào vô biên Không, trú đầy đủ vào Không vô biên xứ, như trời tùy theo Không vô biên xứ, là Thức trú thứ năm.

Hữu tình không có sắc, bởi vì tất cả đều vượt lên trên Không vô biên xứ, tiến vào vô biên Thức, trú đầy đủ vào Thức vô biên xứ, như trời tùy theo Thức vô biên xứ, là Thức trú thứ sáu.

Hữu tình không có sắc, bởi vì tất cả đều vượt lên trên Thức vô biên xứ, tiến vào không có gì sở hữu, trú đầy đủ trong Vô sở hữu xứ, như trời tùy theo Vô sở hữu xứ, là Thức trú thứ bảy.”

Trong này, các hữu tình không có sắc, nghĩa là hữu tình ấy không có sắc có thể hiển bày rõ ràng, bởi vì không có sắc thân, không có sắc thuộc Giới-Xứ-Uẩn, không có sắc thi thiết, cho nên gọi là không có sắc. Hữu tình… nói như trước. Tất cả đều vượt lên trên Không vô biên xứ…, như nơi khác nói. Thức trú, đó là thọ- tưởng- hành- thức mà hữu tình ấy hệ thuộc.

Hỏi: Vì sao Tĩnh lự thứ nhất có thân khác nhau chứ không phải là địa trên?

Đáp: Bởi vì Tĩnh lự thứ nhất thiết lập vua-các quan có sai biệt, đó là Đại Phạm Vương cùng với các Phạm Phụ và các Phạm Chúng thường xuyên tụ hội, ở trong đó các loại hình dáng-tướng mạo hiển bày, y phục- ngôn ngữ đều có sự sai biệt; địa trên thì không như vậy.

Có người nói: Tĩnh lự thứ nhất tiếp nhận (thọ) Thượng-Trung-Hạ không có gì khác nhau, bởi vì nghiệp dị thục cho nên thân có khác nhau; địa trên thì không như vậy.

Có người nói: Tĩnh lự thứ nhất tiếp nhận có Tầm-Tứ, bởi vì nghiệp dị thục cho nên thân có khác nhau; địa trên thì không như vậy.

Có người nói: Tĩnh lự thứ nhất tiếp nhận Biểu – Vô biểu, bởi vì nghiệp dị thục cho nên thân có khác nhau; địa trên thì không như vậy.

Có người nói: Tĩnh lự thứ nhất tiếp nhận bốn Thức thân tương ưng, bởi vì nghiệp dị thục cho nên thân có khác nhau; địa trên thì không như vậy.

Có người nói: Tĩnh lự thứ nhất tiếp nhận ba Thọ tương ưng, bởi vì nghiệp dị thục cho nên thân có khác nhau; địa trên thì không như vậy.

Bởi vì các loại nhân duyên như vậy, cho nên thân của Tĩnh lự thứ nhất khác nhau, thân của địa trên như nhau. Vả lại, Tĩnh lự thứ nhất do Tưởng nhiễm ô cho nên nói là Tưởng như nhau, Tĩnh lự thứ hai do Tưởng thiện cho nên nói là Tưởng khác nhau, Tĩnh lự thứ ba do Tưởng dị thục vô phú vô ký cho nên nói là Tưởng như nhau.

Hỏi: Vì sao nẽo ác, Tĩnh lự thứ tư, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đều không thiết lập Thức trú?

Đáp: Có người đưa ra cách nói này: Những nơi ấy cũng cần phải thiết lập ở trong Thức trú, mà không thiết lập, là có cách nói khác.

Tôn giả Thế Hữu đưa ra cách nói như vậy: “Đây là Đức Thế Tôn tóm lược điều quan trọng mà nói, nhưng nẽo ác… thâu nhiếp ở trong này, đó là các nẽo ác nên biết thâu nhiếp ở trong Thức trú thứ nhất, Tĩnh lự thứ tư thâu nhiếp trong ba Thức trú tiếp theo, Phi tưởng phi phi tưởng xứ thâu nhiếp trong ba Thức trú sau. Nguyên cớ thế nào? Bởi vì cõi như nhau.”

Có người nói: Nếu nơi nào có hai loại Thức có thể đạt được phần nhiều, thì thiết lập làm thức trú:

  1. Thức do Ái thâu nhiếp tiếp nhận.
  2. Thức do Kiến thâu nhiếp tiếp nhận.

Nẽo ác và Phi tưởng phi phi tưởng xứ, phần nhiều không có thể đạt được Thức do Ái thâu nhiếp tiếp nhận; Tĩnh lự thứ tư phần nhiều không có thể đạt được Thức do Kiến thâu nhiếp tiếp nhận, cho nên không phải là Thức trú.

Có người nói: Nếu nơi nào có ba loại Thức có thể đạt được phần nhiều, thì thiết lập làm thức trú:

  1. Thức do Kiến mà đoạn.
  2. Thức do Tu mà đoạn.
  3. Thức không đoạn.

Nẽo ác và Phi tưởng phi phi tưởng xứ, cả hai nơi không có thể đạt được Thức không đoạn; Tĩnh lự thứ tư phần nhiều không có thể đạt được Thức do Kiến mà đoạn, cho nên không phải là Thức trú.

Hỏi: Lẽ nào không phải dị sinh ở Tĩnh lự thứ tư đều có Thức do Kiến mà đoạn có thể đạt được hay sao?

Đáp: Tuy có mà bởi vì ở địa ấy không phải là có thể đạt được phần nhiều, trời Ngũ Tịnh Cư thì hoàn toàn không có.

Hỏi: Loài người và trời cõi Dục, cũng không có thể đạt được Thức không đoạn, lẽ ra không phải là Thức trú?

Đáp: Có thể đạt được có hai loại:

  1. Tự tánh có thể đạt được.
  2. Sở y có thể đạt được.

Loài người và trời cõi Dục, Thức không đoạn tuy không phải là tự tánh có thể đạt được, mà sở y có thể đạt được, cho nên thiết lập Thức trú.

Hỏi: Lẽ nào không phải Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Thức không đoạn cũng là sở y có thể đạt được hay sao, bởi vì sinh đến cõi ấy có người đạt được quả A-la-hán?

Đáp: Tuy có mà không phải là phần nhiều, bởi vì sinh đến trong cõi ấy thì tạm thời khởi lên Thánh đạo, chọn lấy quả Vô học rồi, cho đến Niết-bàn vẫn không hiện rõ trước mắt.

Có người nói: Nếu nơi có sáu loại thức có thể đạt được phần nhiều thì thiết lập Thức trú, đó là Thức do kiến Khổ mà đoạn, cho đến Thức do tu mà đoạn, và Thức không đoạn. Nẽo ác và Phi tưởng phi phi tưởng xứ, cả hai nơi không có thể đạt được Thức không đoạn, Tĩnh lự thứ tư phần nhiều không có thể đạt được Thức do bốn loại trước mà đoạn, cho nên không phải là Thức trú. Hỏi-đáp phân biệt như trước nên biết.

Có người nói: Nếu nơi nào mà Thức thích trú thì thiết lập làm Thức trú, trong các nẽo ác do khổ bức bách cho nên Thức không thích trú. Tĩnh lự thứ tư thích di chuyển cho nên Thức không an trú, nghĩa là các dị sinh hoặc là thích tiến vào Vô sắc, hoặc là thích tiến vào Vô tưởng, hoặc là thích làm cho Thức diệt; nếu các Thánh giả thì hoặc là thích tiến vào Vô sắc, hoặc là thích tiến vào Tịnh cư, hoặc là thích tiến vào Vô dư Niết-bàn. Phi tưởng phi phi tưởng xứ, bởi vì rất vắng lặng mà tâm yếu kém, cho nên Thức không thích trú.

Có người nói: Nếu nơi nào không có pháp hủy hoại Thức mà có thể đạt được, thì thiết lập làm Thức trú. Trong các nẽo ác có Khổ thọ cao nhất, Tĩnh lự thứ tư có Định Vô tưởng và dị thục của Vô tưởng, Phi tưởng phi phi tưởng xứ có Định Diệt tận, bởi vì pháp có thể hủy hoại Thức cho nên không phải là Thức trú.

Có người nói: Nếu nơi nào do hai quan hệ mà phát khởi các Thức thù thắng thuộc phần khác, khiến cho hiện rõ ở trước mắt, thì thiết lập làm Thức trú:

  1. Do Định.
  2. Do Sinh.

Nẽo ác và Phi tưởng phi phi tưởng xứ, hai quan hệ đều không có; Tĩnh lự thứ tư tuy có Định mà không có Sinh.

Có người nói: Nẽo ác cả hai quan hệ đều không có, Tĩnh lự thứ tư tuy có Định mà không có Sinh, Phi tưởng phi phi tưởng xứ tuy có Sinh mà không có Định. Bởi vì các loại nhân duyên như vậy, cho nên nẽo ác… không phải là Thức trú.

Hỏi: Vì sao Thức trong bốn Thức trú không phải là Thức trú, Thức trong bảy Thức trú đều là Thức trú?

Đáp: Bởi vì nhân khác cho nên thiết lập bốn Thức trú, bởi vì nhân khác cho nên thiết lập bảy Thức trú. Nghĩa là nếu có pháp do Thức cai quản điều khiển, cùng với Thức hiện hành thân cận hòa hợp, thì thiết lập bốn Thức trú; bởi vì Thức hướng về với Thức không có quan hệ như vậy, cho nên không thiết lập ở trong bốn Thức trú. Nếu pháp làm nhânlàm quả cho Thức, lần lượt chuyển đổi giúp đỡ nhau, thì thiết lập bảy Thức trú; Thức hướng về với Thức có quan hệ như vậy, cho nên thiết lập ở trong bảy Thức trú.

Chín nơi hữu tình cư trú (hữu tình cư), như trong kinh nói: “Hữu tình có sắc, thân khác nhau-tưởng khác nhau, như loài người và một phần của loài trời, là nơi cư trú thứ nhất của hữu tình. Hữu tình có sắc, thân khác nhau-tưởng như nhau, như cõi trời Phạm Chúng, là nơi cư trú thứ hai của hữu tình. Hữu tình có sắc, thân như nhau-tưởng khác nhau, như cõi trời Cực Quang Tịnh, là nơi cư trú thứ ba của hữu tình. Hữu tình có sắc, thân như nhau-tưởng như nhau, như cõi trời Biến Tịnh, là nơi cư trú thứ tư của hữu tình.”

Có sắc… nói như trước. Hữu tình cư, đó là sắc-thọ-tưởng-hành- thức mà hữu tình ấy hệ thuộc, lại là nơi sinh-nơi nương tựa- nơi cư trú- nơi hoạt động cửa hữu tình, cho nên gọi là Hữu tình cư.

“Hữu tình có sắc, không có tưởng-không có tưởng khác, như hữu tình cõi trời Vô tưởng, là nơi cư trú thứ năm của hữu tình.”

Có sắc… nói như trước. Không có Tưởng, bởi vì cõi ấy trải qua thời gian dài các Tưởng đều diệt. Bởi vì nghĩa này cho nên gọi là hữu tình cõi trời Vô tưởng.

“Hữu tình không có sắc, bởi vì tất cả đều vượt lên trên Tưởng về sắc, bởi vì các Tưởng có đối đãi đều ẩn kín, bởi vì không tác ý đối với Tưởng nào khác, tiến vào Vô biên Không, trú đầy đủ trong Không vô biên xứ, như cõi trời tùy theo Không vô biên xứ, là nơi cư trú thứ sáu của hữu tình. Hữu tình không có sắc, bởi vì tất cả đều vượt lên trên Không vô biên xứ, tiến vào Vô biên Thức, trú đầy đủ trong Thức vô biên xứ, như cõi trời tùy theo Thức vô biên xứ, là nơi cư trú thứ bảy của hữu tình. Hữu tình không có sắc, bởi vì tất cả đều vượt lên trên Thức vô biên xứ, tiến vào không có gì sở hữu, trú đầy đủ trong Vô sở hữu xứ, như cõi trời tùy theo Vô sở hữu xứ, là nơi cư trú thứ tám của hữu tình. Hữu tình không có sắc, bởi vì tất cả đều vượt lên trên Vô sở hữu xứ, tiến vào trú đầy đủ trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, như cõi trời tùy theo Phi tưởng phi phi tưởng xứ, là nơi cư trú thứ chín của hữu tình.

Không có sắc… nói như trước. Tất cả đều vượt lên trên Vô sở hữu xứ…, như nơi khác nói.

Hỏi: Vì sao nẽo ác và Vô tưởng vốn không thâu nhiếp, cõi trời Quảng Quả… không phải là nơi cư trú của hữu tình?

Đáp: Có người đưa ra cách nói này: Những nơi ấy cũng phải thiết lập làm nơi cư trú của hữu tình, mà không thiết lập là có cách nói khác.

Tôn giả Thế Hữu đưa ra cách nói như vậy: “Đây là Đức Thế Tôn tóm lược điều quan trọng mà nói. Nhưng nẽo ác… thâu nhiếp ở trong này, nghĩa là các nẽo ác nên biết thâu nhiếp vào nơi cư trú thứ nhất của hữu tình, Vô tưởng vốn không thâu nhiếp, cõi trời Quảng Quả… nên biết thâu nhiếp vào nơi cư trú thứ năm của hữu tình. Nguyên cớ thế nào? Bởi vì địa như nhau.”

Có người nói: Nếu nơi nào mà hữu tình nơi khác thích đến cư trú, đã cư trú trong đó, không thích chuyển dời, thì nơi ấy có thể thiết lập làm nơi cư trú của hữu tình. Trong các nẽo ác cả hai đều không như vậy, chỉ do nghiệp lực khiến cho hướng đến-khiến cho cư trú; nếu tùy theo ý muốn thì sát-na không dừng lại, cho nên không thiết lập. Tĩnh lự thứ tư, trừ ra cõi trời Vô tưởng, còn lại tuy thích đến mà hay chuyển dời, như thành ấp xa xôi mọi người không thích cư trú, nghĩa là dị sinh ấy hoặc thích Vô sắc, hoặc thích Vô tưởng. Nếu các Thánh giả thì hoặc là thích cõi trời Tịnh Cư, hoặc là thích Vô sắc, hoặc là thích tiến vào Niết-bàn. Như thành ấp ở chốn biên giới xa xôi, bởi vì luôn luôn bị giặc cướp-nước đối địch bên cạnh xâm lấn, tầng lớp quý tộc có nhiều của cải thích chuyển đến nơi khác, tuy giữ lại phần ít để nuôi người canh giữ, có những người buôn đến mong cầu trao đổi buôn bán, mà người canh giữ nói cho biết rằng: Nơi này nhiều tai họa không có gì để buôn bán trao đổi. Những người buôn đều nói: Đây không phải là chốn thành ấp. Như vậy, cõi trời Vô tưởng vốn không thâu nhiếp, do nghiệp- phiền não xua đuổi mà luôn luôn thích chuyển dời, cho nên không nói nơi ấy là nơi cư trú của hữu tình.

Đã phân biệt về ba loại tự tánh, nay sẽ nói về tướng xen tạpkhông có xen tạp.

Hỏi: Bốn Thức trú và bảy Thức trú, là bốn thâu nhiếp bảy hay là bảy thâu nhiếp bốn?

Đáp: Nên làm thành bốn câu phân biệt:

1. Có lúc bốn mà không phải là bảy, đó là nẽo địa ngục-bàng sinhngạ quỷ, sắc-thọ-tưởng-hành của cõi trời Quảng Quả, và thọ-tưởnghành của Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

2. Có lúc bảy mà không phải là bốn, đó là tâm của loài người, trời cõi Dục, Phạm Chúng, Cực Quang Tịnh, Biến Tịnh, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ.

3. Có lúc cũng là bốn cũng là bảy, đó là sắc-thọ-tưởng-hành của loài người, trời cõi Dục, Phạm Chúng, Cực Quang Tịnh, Biến Tịnh, và thọ-tưởng-hành của Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ.

4. Có lúc không phải là bốn cũng không phải là bảy, đó là tâm của nẽo địa ngục-bàng sinh-ngạ quỷ, cõi trời Quảng Quả, Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Trong này, nguyên cớ nói rộng ra như trước.

Hỏi: Bốn Thức trú và chín Hữu tình cư, là bốn thâu nhiếp chín hay là chín thâu nhiếp bốn?

Đáp: Nên làm thành bốn câu phân biệt:

1. Có lúc bốn mà không phải là chín, đó là nẽo địa ngục-bàng sinh-ngạ quỷ, cõi trời Vô tưởng vốn không thâu nhiếp, sắc-thọ-tưởnghành của cõi trời Quảng quả.

2. Có lúc chín mà không phải là bốn, đó là tâm của loài người, trời cõi Dục, Phạm Chúng, Cực Quang Tịnh, Biến Tịnh, trời Vô tưởng, bốn Vô sắc.

3. Có lúc cũng là bốn cũng là chín, đó là sắc-thọ-tưởng-hành của loài người, trời cõi Dục, Phạm Chúng, Cực Quang Tịnh, Biến Tịnh, trời Vô tưởng, và thọ-tưởng-hành của bốn Vô sắc.

4. Có lúc không phải là bốn cũng không phải là chín, đó là tâm của nẽo địa ngục-bàng sinh-ngạ quỷ, trời Vô tưởng vốn không thâu nhiếp, và tâm của trời Quảng Quả. Trong này, nguyên cớ nói rộng ra như trước.

Hỏi: Bảy Thức trú và chín Hữu tình cư, là bảy thâu nhiếp chín hay là chín thâu nhiếp bảy?

Đáp: Chín thâu nhiếp bảy, không phải là bảy thâu nhiếp chín.

Hỏi: Không thâu nhiếp những gì?

Đáp: Hai nơi, đó là cõi trời Vô tưởng và Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Trong này, nguyên cớ nói rộng ra như trước.

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn đối với cõi trời Vô tưởng và cõi trời Hữu Đảnh, phần nhiều nói là Xứ?

Đáp: Bởi vì có các ngoại đạo chấp vào hai Xứ này cho là giải thoát; Đức Phật vì ngăn chặn điều ấy cho nên nói là nơi sinh.

Có người nói: Ngoại đạo chấp hai Xứ này là nơi vắng lặng nhất; Đức Phật nói là Xứ, rõ ràng là nơi ồn ào náo động chứ không phải là vắng lặng, bởi vì là nơi lưu chuyển của cõi- nẽo và sinh loại.

Có người nói: Ngoại đạo chấp hai Xứ này là thật sự giải thoát, vĩnh viễn không có lui sụt; Đức Phật nói nơi ấy là nơi lui sụt chứ không phải là thật sự giải thoát, nghĩa là từ Phi tưởng phi phi tưởng xứ chết đi, phần nhiều sinh xuống địa dưới, từ cõi trời Vô tưởng chết đi chắc chắn sinh vào cõi Dục.

Có người nói: Thọ lượng của hai cõi trời ấy lâu dài, phần nhiều ngoại đạo chấp là Niết-bàn thật sự. Nghĩa là cõi trời Vô tưởng chỉ có thọ lượng lâu dài so với nơi sinh của dị sinh, cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng có thọ lượng lâu dài so với tất cả mọi nơi sinh, cho nên Đức Phật nói nơi ấy là nơi Vô thường.

Có người đưa ra cách nói này: Chín nơi cư trú của hữu tình, Đức Thế Tôn đều dùng hai tên gọi để nói, đối với bảy loại ấy làm hai tên gọi mà nói, đó là tên gọi của Thức trú và Hữu tình cư; đối với hai loại còn lại cũng dùng hai tên gọi để nói, đó gọi là Xứ và Hữu tình cư.

Có Sư khác nói: Đức Phật dùng Thức trú và Hữu tình cư lần lượt chuyển đổi thâu nhiếp lẫn nhau, còn lại thì không tận cùng, chỉ có hai Xứ, không cần phải giải thích sai khác, bởi vì Không vô biên… cũng gọi là Xứ.

Có người nói: Trong quả tinh cần của nơi sinh, loại này ở phía sau, cho nên nói tên gọi là Xứ, nghĩa là chỉ riêng trong quả tinh cần thuộc nơi sinh của dị sinh, cõi trời Vô tưởng là phía sau; trong quả tinh cần của tất cả nơi sinh, cõi trời Hữu Đảnh là phía sau.