ẤN QUANG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC TỤC BIÊN
印 光 法 師 嘉 言 錄 續 編
Hậu học Thích Quảng Giác & quy y đệ tử Từ Chí Giác đảnh lễ cung kính biên tập
Pháp sư Đức Sâm giám định
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến & Huệ Trang & Đức Phong
II. Khuyến tín nguyện chân thiết (Khuyên hành nhân Tịnh nghiệp phải có tín và nguyện chân thật, thiết tha)
* Pháp môn Tịnh Độ lấy ba pháp Tín – Nguyện – Hạnh làm tông: Không tin sao có thể phát nguyện cho được? Không có nguyện làm sao khởi hạnh? Không có diệu hạnh Trì Danh, làm sao chứng điều đã tin, mãn điều đã nguyện cho được? Được vãng sanh hay không hoàn toàn là do có tín nguyện hay không. Phẩm vị cao hay thấp hoàn toàn do trì danh sâu hay cạn! Tín – Nguyện – Hạnh như ba chân của cái đỉnh, thiếu một sẽ đổ nhào.
Nếu chẳng chú trọng tín nguyện, chỉ mong trì danh cho đạt được nhất tâm, dẫu đạt được nhất tâm sâu xa, cũng khó thể liễu sanh thoát tử! Vì sao vậy? Do Phiền Hoặc chưa hết sạch, chẳng thể cậy vào tự lực để liễu sanh tử được. Tín nguyện đã không có, chẳng thể cậy vào Phật lực để liễu sanh tử! Đời có kẻ ham cao chuộng xa, thường phô phang tự lực, miệt thị Phật lực; chẳng biết từ sống đến chết không chuyện gì chẳng cậy vào sức người khác nhưng chẳng lấy đó làm thẹn, sao riêng đối với đại sự liễu sanh tử và Phật lực lại chẳng muốn tiếp nhận, [chắc là] mất trí điên khùng nên mới đến nỗi như vậy! Hành giả Tịnh tông hãy nên thống thiết răn dè! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Tịnh Độ Chỉ Yếu)
* Cần biết rằng: Trong Phật pháp, pháp môn vô lượng, nhưng đều phải đạt đến nghiệp tận tình không mới có thể liễu sanh thoát tử, khó cũng như lên trời. Hiện thời trên cả thế giới, sợ rằng cũng khó có mấy người làm được! Nếu chí thành khẩn thiết niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, bất luận là ai đều chắc chắn được vãng sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử. Chỉ có kẻ chẳng sanh lòng tin, chẳng phát nguyện là không thể vãng sanh! Nếu có lòng tin thật sự, nguyện thiết tha, không một ai chẳng được sanh! Một pháp này chính là hoàn toàn cậy vào Phật từ lực gia bị, tiếp dẫn vậy. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư gởi tiên sinh Thích Hữu Khanh)
* Pháp môn Tịnh Độ chú trọng nơi Tín – Nguyện, có kẻ do chẳng biết cho nên hoặc cầu phước báo nhân thiên, hoặc cầu đời sau làm Tăng để hoằng dương Phật pháp, độ thoát chúng sanh. Những loại tâm niệm ấy đều phải trừ khử sạch sẽ; nếu có mảy may sẽ chẳng thể vãng sanh! Vãng sanh là siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử. Không vãng sanh thì tuy một đời, hai đời chẳng mê, chắc chắn khó lòng vĩnh viễn chẳng mê. Hễ mê thì do có phước tu trì, bèn tạo nghiệp đáng sợ lắm! Ác nghiệp đã tạo, ác báo tự xảy đến, cầu thoát tam đồ chỉ sợ chẳng có ngày nào đâu! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Ngô Huệ Di và La Huệ Chú)
* Pháp môn Tịnh Độ là pháp môn bình thường nhất nhưng cao sâu nhất trong Phật pháp. Nếu không phải đời trước sẵn đủ huệ căn, quả thật khó thể sanh chánh tín sâu xa. Đừng nói nhà Nho chẳng dễ sanh lòng tin, ngay cả bậc tri thức thông Tông thông Giáo cũng thường dựa theo ý nghĩa trong Tông – Giáo để luận định, phán đoán, đến nỗi đối với pháp “khiến cho hàng phàm phu sát đất chưa đoạn Phiền Hoặc mà được liễu sanh thoát tử siêu phàm nhập thánh ngay trong đời hiện tại” chẳng thể nghĩ bàn này, họ chẳng những không chịu tự tu mà còn chẳng chịu dạy người khác tu; vì họ chẳng biết pháp này chính là pháp môn đặc biệt trong Phật pháp, cứ lấy giáo nghĩa của Tông – Giáo để làm chuẩn, nên mới phạm những lỗi lầm ấy. Nếu thoạt đầu họ liền biết được nghĩa này thì lợi ích lớn lắm.
Người thông minh phần nhiều chú trọng “hiểu lý để ngộ cái tâm”, chẳng biết niệm Phật chính là đường tắt để hiểu lý ngộ tâm. Nếu có thể niệm niệm tương ứng thì sẽ tự hiểu được lý, ngộ được tâm. Dẫu chưa làm được, bèn cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương, so với những kẻ “hiểu được lý, ngộ được tâm, nhưng chưa đoạn Phiền Hoặc, vẫn cứ luân hồi sanh tử, trọn không có lúc thoát ra”, thì [sự khác biệt giữa] trời và đất đã chẳng đủ để sánh ví giữa hay và dở.
Huống chi đã vãng sanh liền thân cận Phật Di Đà và thánh chúng, sẽ đích thân chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn, há nào phải chỉ hiểu được lý, ngộ được tâm mà thôi ư! Pháp môn Tịnh Độ chỉ có bậc Thượng Thượng Căn và ngu phu ngu phụ mới được lợi ích thật sự, còn kẻ thông minh thông Tông thông Giáo phần nhiều do chí lớn, ăn nói lớn lối, chẳng chịu cậy vào Phật từ lực, cứ dốc chí cậy vào đạo lực của chính mình, cam lòng nhường cho ngu phu ngu phụ sớm dự vào dòng thánh! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư gởi cư sĩ Minh Quang)
* Pháp Niệm Phật khẩn yếu nhất là có lòng tin chân thật, nguyện thiết tha. Hễ có lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, dẫu chưa đạt đến nhất tâm bất loạn vẫn có thể cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Nếu không có tín – nguyện, dẫu tâm không có vọng niệm thì vẫn chỉ là phước báo nhân thiên vì chẳng tương ứng với Phật. Do vậy, đương nhiên phải chú trọng nơi tín – nguyện cầu sanh Tây Phương. Thật sự có tín – nguyện, vọng sẽ tự hết. Nếu lúc bình thường có vọng tưởng quá mức, muốn đắc thần thông, được danh dự, được duyên pháp, đắc đạo v.v… hoàn toàn lấy vọng tưởng làm bản tâm của chính mình như vậy thì càng tinh tấn, dũng mãnh, những thứ vọng tưởng ấy càng nhiều càng lớn! Nếu chẳng giác chiếu để dứt trừ vĩnh viễn những vọng tưởng ấy thì sau này vẫn bị ma dựa phát cuồng, há nào phải chỉ có vọng tưởng mà thôi ư? Vì thế, phải miệt mài đoạn dứt những thứ vọng tưởng quá mức ấy. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời sư Hựu Chân và cư sĩ Giác Tam)
* Pháp môn Tịnh Độ lớn lao không gì ra ngoài, toàn thể Sự chính là Lý, toàn thể Tu chính là Tánh, hạnh cực bình thường, lợi ích cực thù thắng. Ấy là vì dùng Quả Địa Giác làm Nhân Địa Tâm, nên được nhân trùm biển quả, quả tột nguồn nhân. Hết thảy pháp môn không gì chẳng lưu xuất từ pháp giới này, hết thảy hạnh môn không môn nào chẳng trở về pháp giới này. Thích hợp khắp ba căn, gồm thâu trọn vẹn lợi căn lẫn độn căn. Đẳng Giác Bồ Tát chẳng thể vượt ra ngoài được, tội nhân Ngũ Nghịch Thập Ác cũng có thể dự vào trong ấy. Thống nhiếp các tông Luật, Giáo, Thiền, Mật, xuyên suốt các giáo Quyền, Thật, Đốn, Tiệm. Trong cả một đời giáo hóa của đức Phật, riêng một pháp môn này là đặc biệt. Chớ nên dùng giáo nghĩa theo đường lối thông thường để phân định nhân quả tu chứng của pháp này.
Xưa nay có nhiều kẻ thâm nhập kinh tạng, triệt ngộ tự tâm, nhưng chẳng sanh lòng tin tưởng đối với pháp môn này vì chấp chặt vào giáo nghĩa “cậy vào tự lực” của đường lối thông thường để luận định nhân quả đặc biệt “cậy vào Phật lực” mà nên nỗi! Nếu họ biết nghĩa này thì tấm lòng tin tưởng, tu trì ngay đến cả đức Phật cũng chẳng thể ngăn trở được, vì pháp môn này chính là pháp môn tổng trì thành thủy thành chung để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Bởi thế, [pháp này] được chín giới cùng quay về, mười phương cùng khen ngợi, ngàn kinh cùng xiển dương, muôn luận đều tuyên nói.
Xét đến chỗ phát khởi pháp này thì quả thật từ cuối hội Hoa Nghiêm, Thiện Tài tham học khắp các tri thức, đến chỗ Phổ Hiền Bồ Tát được oai thần của đức Phổ Hiền gia bị, sở chứng bằng với Phổ Hiền, ngang với chư Phật, trở thành Đẳng Giác Bồ Tát. Phổ Hiền bèn xưng tán công đức Như Lai thù thắng nhiệm mầu, khuyến tấn Thiện Tài và Hoa Tạng hải chúng đều cùng dùng công đức của mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới để mong viên mãn Phật Quả. Do Hoa Tạng hải chúng đều là các Pháp Thân đại sĩ thuộc bốn mươi mốt địa vị: Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác. [Do các vị ấy] đi trọn khắp các cõi Phật số nhiều như vi trần, nên thệ nguyện Di Đà, cảnh duyên Cực Lạc, nhân quả vãng sanh, mỗi mỗi đều hiểu rõ, không cần phải nói nữa. Nhưng trong hội Hoa Nghiêm, trọn chẳng có ai là phàm phu Nhị Thừa và Quyền Vị Bồ Tát[1]; do vậy, tuy hoằng dương lớn lao pháp này, nhưng phàm phu, tiểu căn không cách chi vâng nhận được!
Đến hội Phương Đẳng, đức Phật vì khắp hết thảy trời, người, phàm, thánh, nói kinh Vô Lượng Thọ, chỉ rõ nhân hạnh quả đức xưa kia của A Di Đà Phật, cảnh duyên Cực Lạc đủ mọi thứ thù thắng, nhiệm mầu, nhân quả, phẩm vị tu chứng của hành nhân. Kinh này chính là chỗ quy tông cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm vậy. Tuy được nói trong thời Phương Đẳng, nhưng giáo nghĩa quả thật thuộc thời Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm chỉ hạn cuộc nơi Pháp Thân đại sĩ, nhưng kinh này nhiếp trọn khắp thánh – phàm trong chín giới. Dẫu dùng thời Hoa Nghiêm để luận thì kinh này vẫn là đặc biệt, huống là các thời khác ư? Nếu đức Như Lai chẳng mở ra pháp này, chúng sanh đời Mạt không một ai có thể liễu sanh tử! Do lòng đại từ, đức Phật rất sợ chúng sanh chẳng thuận tiện thọ trì được, bèn lại nói kinh A Di Đà, ngõ hầu họ thường đọc tụng hằng ngày. Lại nói kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật để y báo, chánh báo trang nghiêm cõi Tây Phương thường hiện hữu trong tâm mục của các hành nhân.
Ba kinh này tuy kinh văn tuy rộng – lược khác nhau, nhưng lý chẳng hề khác biệt. Người học đời Mạt Pháp nếu trí lực sung mãn, chẳng ngại gì tu trọn vạn hạnh, hồi hướng vãng sanh. Nếu không, đương nhiên nên chuyên tu Tịnh nghiệp, để mong nương vào Phật từ lực vượt ngang ra khỏi tam giới, lên thẳng chín phẩm sen. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa cho bài Ca Tụng Kinh Vô Lượng Thọ)
* Một pháp niệm Phật chú trọng vào ba pháp Tín – Nguyện – Hạnh, chỉ biết niệm nhưng không sanh lòng tin và phát nguyện, dù có đắc nhất tâm cũng chưa chắc được vãng sanh. Nếu đầy đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, dẫu chưa đạt nhất tâm bất loạn, vẫn có thể cậy vào Phật từ lực để vãng sanh. Những người tu hành ngoài rìa phần nhiều cầu giác ngộ, cầu được các thứ cảnh giới, chẳng lấy chuyện quyết định cầu sanh làm chánh yếu, đấy gọi là “bỏ gốc chạy theo ngọn” vậy! Vì sao? Vì ngộ đến cùng cực, nhưng nếu chưa đoạn hết sạch Phiền Hoặc, vẫn là kẻ luân hồi trong lục đạo. Nếu được vãng sanh, so với chuyện ngộ đến mức cùng cực nhưng chưa đoạn Phiền Hoặc, lẽ cao – thấp khác biệt dường như trời với vực! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Tập Hoài Tân)
* Pháp môn Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ chính là pháp môn đặc biệt trong cả một đời giáo hóa của đức Như Lai, thích hợp khắp ba căn, bình đẳng nhiếp thọ phàm lẫn thánh. Trên là bậc Đẳng Giác Bồ Tát chẳng thể vượt ra ngoài, dưới là tội nhân Ngũ Nghịch Thập Ác cũng có thể dự vào trong số ấy. Dạy dỗ không phân biệt, hễ ai sanh lòng chánh tín đều được lợi ích thật sự, hoàn thành ngay trong đời này. Kẻ trọn đủ Phiền Hoặc vẫn dự vào dòng thánh. Dường như biển cả dung nạp khắp trăm sông, như thái hư chứa khắp muôn hình tượng. Nếu đức Như Lai chẳng lập ra pháp này thì chúng sanh đời Mạt ai có thể đoạn Phiền Hoặc để liễu sanh tử, thoát Ngũ Trược, vượt khỏi tam giới?
Ấy là vì hết thảy pháp môn đều phải nương vào đạo lực Giới – Định – Huệ để đoạn Phiền Hoặc tham – sân – si. Nếu đạt đến mức có sức Định Huệ sâu, đoạn sạch được Phiền Hoặc thì mới có phần liễu sanh tử! Nếu chưa thể đoạn sạch Phiền Hoặc, dẫu cho anh có đại trí huệ, có đại biện tài, có đại thần thông, biết được quá khứ, vị lai, muốn đi liền đi, muốn đến liền đến, vẫn chẳng thể liễu thoát được; huống chi những kẻ kém cỏi hơn ư? Cậy vào tự lực để liễu sanh tử sẽ khó lắm, thật khó như lên trời vậy!
Nếu nương theo pháp môn Niệm Phật, sanh lòng tin phát nguyện niệm thánh hiệu Phật cầu sanh Tây Phương, bất luận xuất gia hay tại gia, sĩ, nông, công, thương, già, trẻ, trai, gái, sang, hèn, hiền, ngu, chỉ cần nương theo giáo pháp tu trì, đều có thể nương vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Hễ được vãng sanh thì Định – Huệ chẳng mong được mà tự được, Phiền Hoặc chẳng mong đoạn mà tự đoạn. Thân cận Di Đà, thánh chúng, vẫy vùng nơi đất vàng, ao báu. Nương theo duyên thù thắng ấy để trợ thành đạo nghiệp, để những người đới nghiệp vãng sanh sẽ lên thẳng [địa vị] Bất Thoái, những vị đã đoạn được Hoặc vãng sanh sẽ mau chứng Vô Sanh. Đấy toàn là cậy vào đại bi nguyện lực của A Di Đà Phật và sức tín nguyện niệm Phật của chính người ấy, cảm ứng đạo giao mà được lợi ích lớn lao ấy; so với kẻ chuyên cậy vào tự lực thì sự khó – dễ khác biệt vời vợi như trời với đất.
Nhưng thường có kẻ ngu cam phận kém hèn, chẳng dám gánh vác. Cũng có kẻ học đạo tự xưng là Đại Thừa, nghĩ [pháp này] chẳng xứng để tu tập. Cần biết rằng: Kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác khi lâm chung tướng địa ngục hiện, được bạn lành dạy Niệm Phật, chưa đủ mười tiếng đã được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương thì kẻ cam phận kém hèn sẽ dấy lòng [tu trì].
Kinh Hoa Nghiêm là vua cả Tam Tạng, trong chỗ quy tông cuối cùng [của bộ kinh ấy], Phổ Hiền Bồ Tát dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh Tây Phương, khuyên Thiện Tài và khắp Hoa Tạng hải chúng nhất trí tiến hành cầu sanh Tây Phương để mong viên mãn Phật Quả. Sao lại dám coi pháp môn này là Tiểu Thừa? Huống chi Thiện Tài đã chứng Đẳng Giác, hải hội [thánh chúng] đều chứng Pháp Thân, các vị ấy còn cầu sanh, ta là hạng người nào mà [dám nghĩ pháp này] chẳng xứng để tu tập? Chẳng những là dựng cao tràng kiêu mạn mà còn là hủy báng kinh Hoa Nghiêm. Muốn phô trương hư danh Đại Thừa, đích thân tạo cái họa báng pháp cùng cực vậy!
Nếu kẻ ấy một hơi thở ra không hít vào được nữa, cảnh giới Hoa Tạng thế giới chẳng thể nghĩ bàn vốn thường mong mỏi đều biến thành cảnh khổ A Tỳ địa ngục, chịu đựng đầy ắp [những hình phạt] để đền cái lỗi thuyết pháp trái nghịch kinh điển, tự lầm, lầm người. Đến khi nghiệp báo sắp mãn, mới tỉnh ngộ, liền phát tâm niệm Phật, liền được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Khổ thay! May mắn thay! Nguyện những ai học Đại Thừa đều dự ghé vào Hoa Tạng hải hội thì tự lợi, lợi người cũng lớn lắm.
Phàm những ai tu pháp môn Niệm Phật thì phải chú trọng giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, thật sự vì sanh tử, phát Bồ Đề tâm, khuyên khắp những người cùng hàng cầu sanh Cực Lạc. Nếu làm được như thế thì “vạn người tu, vạn người đến”, quyết chẳng sót một ai! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa sách Niệm Phật Khẩn Từ)
* Cổ nhân nói: “Túng nhiên sanh đáo Phi Phi Tưởng, bất như Tây Phương quy khứ lai” (Phi Phi Tưởng dẫu được sanh, chớ hề bằng được trở về Tây Phương). Nếu có thể chất phác niệm Phật thì nương theo nguyện thuyền của đức Di Đà, trở về quê hương Cực Lạc Tịnh Độ là điều có thể đoán chắc. Đây chính là điều ngàn kinh muôn luận, đâu đâu cũng chỉ dẫn hướng về. Nếu chẳng trở về đây, chắc chắn sẽ như đứa con nghèo túng, chẳng biết quê cũ, chẳng nhớ cha lành, cam phận lênh đênh quê người, lê la khe rãnh!
Nếu chẳng so đo, chẳng bàn đi tính lại, cứ nhất tâm quay về, mới biết tự tánh vốn sẵn thanh tịnh, còn có chỗ nào để cầu tướng quay về và tướng tịnh nữa ư? Cổ nhân lại nói: “Tự thị bất quy, quy tiện đắc. Cố hương phong nguyệt hữu thùy tranh?” (Tự mình chẳng về, về liền được. Gió trăng quê cũ há ai giành?) (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Vu Quy Tịnh)
* Chúng ta từ bao kiếp đến nay cố nhiên đã có lúc gieo thiện căn, nhưng chưa gặp được pháp môn cậy vào Phật lực để liễu thoát ngay trong một đời, cho nên vẫn luân hồi trong lục đạo y như cũ, chẳng thể tự thoát được. Ông thuở bé theo mẹ tin Phật, ấy là thiên tánh. Về sau, lậm nặng chất độc của Âu – Hàn, đấy chính là tập thói xấu ác. Còn những cảnh được thấy trong giấc mộng thì cũng là do thiện căn từ đời trước mà ra, nhưng mê đã quá sâu, cho nên trong nhất thời chẳng thể lập tức quay đầu lại được. Sự quan hệ này hết sức nguy hiểm! Nếu chẳng tự chấn chỉnh, sẽ mê muội dài lâu, sợ rằng ngay cả danh hiệu Phật cũng không cách gì nghe được! Nay đã biết rồi, hãy nên nỗ lực!
Hơn nữa, pháp môn Tịnh Độ khác với các pháp môn khác. Các thứ pháp môn khác đều cậy vào tự lực, chỉ có pháp môn này hoàn toàn cậy vào Phật lực. Phương Nam, Tông môn khá nhiều, ông chớ nên xen nhập Tông môn, mong được cái danh đẹp đẽ là “Thiền – Tịnh song tu”. Nói chung, Tông môn lấy việc khán câu “người niệm Phật là ai” để được khai ngộ, tuyệt chẳng nói đến “tín nguyện cầu sanh”. Đừng nói chưa ngộ, dẫu khán đến mức thấy được diện mục vốn có của người niệm Phật thì chỉ được kể là Ngộ, còn cách liễu sanh tử rất xa! Nếu chưa đạt đến địa vị “nghiệp tận, tình không”, chắc chắn chẳng thể cậy vào tự lực để liễu sanh tử được!
Thêm nữa, chẳng chú trọng tín nguyện, cầu sanh Tây Phương là trái nghịch với Phật, chẳng thể cậy vào Phật lực để liễu sanh tử được! Vì thế, người niệm Phật hễ xen kèm hơi hướng Tông môn thì chỗ đạt được lợi ích ít ỏi mà chỗ mất mát lợi ích lại nhiều. Giáo lại càng khó đắc lực hơn nữa! Mật Tông ăn nói quá lớn lối, nguy hiểm cùng cực[2].
Ông hãy nên chuyên chú một môn tín nguyện niệm Phật, kèm thêm là giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành. Dùng những điều ấy để tự hành, lại còn đem những điều ấy dạy người, chắc chắn sẽ được vãng sanh. Phàm suy nghĩ, động niệm, cư xử đều phải lấy chân thật chẳng dối làm chánh, ngõ hầu chẳng luống uổng cuộc đời này, chẳng phí dịp gặp gỡ này! (Vĩnh Tư Tập trang 42 – Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển Hai, Thư trả lời cư sĩ Cung Tông Nguyên – 1)
* Như ông nói “gặp phải đại họa, do công hạnh cạn mỏng, không có gì để nắm níu, rất có thể hoảng sợ quẫn trí, đánh mất chánh niệm” thì chỉ nên tin tưởng sâu xa rằng Phật lực, pháp lực, tự tánh công đức lực, sức trì tụng chí thành đều chẳng thể nghĩ bàn. Đừng nói là không có tai họa, dẫu gặp đại họa cũng chẳng đến nỗi quẫn trí, vì có những lực ấy gia bị! Phàm là con người hãy nên hành xử đúng theo địa vị thì chẳng đến nỗi do cảnh ngộ không tốt đẹp mà bị quẫn trí.
Phàm những kẻ quẫn trí vì gặp cảnh ngộ không tốt đẹp phần lớn là do không có tín lực sâu xa, lại kèm thêm có ý niệm tiếc nuối cảnh trước, chẳng chịu buông xuống mà ra. Như lúc gặp nạn, chỉ nghĩ cách tránh né, những chuyện khác đều chẳng lo liệu tới, nhất loạt chẳng bận lòng nghĩ đến. Do bận tâm vương vấn chẳng cởi gỡ được nên bị tổn hại vô ích. Do vậy, nói: “Tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn, quân tử vô nhập nhi bất tự đắc yên” (Gặp cảnh hoạn nạn sống theo hoạn nạn; không trong hoàn cảnh nào, người quân tử chẳng được tự tại) (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Du Huệ Úc)
* Triệu pháp sư[3] nói: “Trong trời đất, giữa vũ trụ, có một vật báu giấu kín trong núi hình”. Lời này nói về kẻ chưa ngộ chưa chứng, chứ thật ra vật báu ấy bao quát thái hư, cùng tột theo chiều dọc, trọn khắp theo chiều ngang, hằng cổ, hằng kim, luôn luôn hiển lộ! Đấy chính là như câu nói: “Thời thời thị thời nhân, thời nhân tự bất thức” (Luôn luôn chỉ dạy cho người, mà người vẫn cứ chẳng hề biết cho), chẳng đáng buồn sao? Chỉ có mình đức Thích Ca Thế Tôn ta đích thân thụ dụng được, những chúng sanh khác trải kiếp này sang kiếp khác dựa vào sức oai thần của vật báu ấy để khởi Hoặc tạo nghiệp, luân hồi trong sáu nẻo, trọn chẳng có thuở ra! Ví như kẻ mù đích thân lên núi báu chẳng những không thụ dụng được, trái lại còn bị thương!
Do vậy, đức Thế Tôn tùy thuận cơ nghi mà khai thị, khiến cho bọn họ ai nấy đều theo đường trở về nhà, nơi sáu căn, sáu trần, sáu thức, bảy đại, tùy theo từng hoàn cảnh mà quán sát kỹ càng mong họ đích thân thấy được vật báu ấy. Nhưng bậc có đủ trí chiếu Bát Nhã liền lập tức rỗng không các Uẩn, hết sạch mọi khổ ách, tuy có nhiều vị [làm được] như vậy, nhưng đấy chẳng phải là điều bọn chúng sanh độn căn đời Mạt mà hòng mong mỏi được!
Bởi vậy, [đức Phật] mở ra một pháp môn đặc biệt, ngõ hầu thượng – trung – hạ căn đều đạt được lợi ích thật sự ngay trong đời này, dạy họ dùng lòng tin sâu đậm, nguyện thiết tha chuyên niệm thánh hiệu A Di Đà Phật, nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, lâu ngày chầy tháng, chính cái tâm nghiệp thức chúng sanh này sẽ trở thành Như Lai Bí Mật Tạng; tức là do báu Tam Muội chứng được báu Thật Tướng, mới biết vật báu này trọn khắp pháp giới, lại đem vật báu này thí khắp hết thảy. Do vậy, từ khi đức Phật mở ra pháp môn này, hết thảy Bồ Tát, tổ sư, thiện tri thức thảy đều tuân hành pháp này bởi lẽ pháp này trọn đủ tự lực và tha lực, so với những pháp chuyên cậy vào tự lực thì khó – dễ khác nào một trời, một vực! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa cho sách Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận Sớ)
* Pháp môn Niệm Phật chú trọng Tín – Nguyện, có Tín – Nguyện nhưng chưa đắc nhất tâm cũng có thể vãng sanh. Đắc nhất tâm nhưng không có Tín – Nguyện, vẫn chẳng được vãng sanh! Người đời phần nhiều chú trọng nhất tâm, chẳng chú trọng Tín – Nguyện, tức là đã đánh mất điều quan trọng cốt lõi nhất. Nếu lại còn sanh khởi mối nghi “chưa đắc nhất tâm, sợ rằng chẳng được vãng sanh” thì hoàn toàn trái nghịch với lòng tin chân thành, nguyện thiết tha mất rồi! Kiểu suy nghĩ này tợ hồ là suy nghĩ tốt, nhưng thật ra, nếu do đây sẽ càng tăng thêm tín nguyện để đạt đến nhất tâm thì đó là cách suy nghĩ tốt. Còn nếu do chưa được nhất tâm bèn thường nghĩ chẳng thể nào vãng sanh được thì sẽ trở thành cách suy nghĩ xấu, chẳng thể không biết! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Châu Đức Đại )
* Nếu chúng ta có thể đầy đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha như con nhớ mẹ, nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối để niệm, thì hai tầng công phu “xoay cái niệm để niệm nơi tự tánh” của đức Thế Chí và “xoay cái nghe để nghe nơi tự tánh” của đức Quán Âm sẽ hòa lẫn trong một tâm để niệm hồng danh vạn đức của Như Lai. Lâu ngày chầy tháng, cái tâm nghiệp thức chúng sanh sẽ trở thành Như Lai Bí Mật Tạng, đấy gọi là “dùng Quả Địa Giác làm Nhân Địa Tâm, cho nên nhân trùm biển quả, quả tột nguồn nhân”. Người có duyên gặp được, mong chớ coi rẻ! Đấy là đường vào cửa Niết Bàn của vi trần đức Phật, huống gì chúng ta là người đời Mạt Pháp há dám chẳng noi theo? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa cho [ấn bản] Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh được viết theo lối chữ Khải để tặng đại chúng đọc tụng)
* Đời Mạt, ngoại đạo lừng lẫy. Dẫu là kẻ có tín tâm phần nhiều theo về ngoại đạo, bởi lẽ chẳng có chánh pháp để nghe vậy. Gần đây, giao thông tiện lợi, kinh điển Phật pháp được lưu thông, quả thật là may mắn lớn lao. Nhưng chớ nên đã học Phật pháp lại còn tu pháp của ngoại đạo, đến nỗi tà – chánh hỗn loạn sẽ gây hại chẳng cạn!
Trong Phật pháp, pháp môn vô lượng; cầu lấy một pháp môn thực hiện dễ, thành công cao, dùng sức ít mà đạt hiệu quả nhanh chóng thì không chi hơn được pháp Niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Ấy là vì hết thảy pháp môn đều phải cậy vào tự lực để tu Giới – Định – Huệ hòng đoạn tham – sân – si. Nếu đoạn sạch tham – sân – si sẽ liền có thể liễu sanh thoát tử. Nếu kẻ nào đoạn chưa hết thì sẽ vẫn chẳng thể liễu được, huống là kẻ chưa thể đoạn ư?
Pháp môn Niệm Phật chỉ cần đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, chí thành niệm Phật, đến khi lâm chung ắt được Phật từ tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Ví như trẻ thơ do cha mẹ nâng dắt, liền có thể về thẳng đến nhà của chính mình. Con người gần đây thích lập dị, chẳng chịu thực hiện công phu thật thà, nên mới có kẻ học Thiền tông, Tướng tông, Mật Tông. Ba pháp môn này đều chẳng thể nghĩ bàn, nhưng đều thuộc về tự lực. Mật Tông tuy có giáo nghĩa “hiện thân thành Phật” (thành Phật ngay trong thân này), nhưng rốt cuộc có mấy ai thành Phật ngay trong đời này? Đừng nói chi người học Mật chẳng thể thành Phật ngay trong thân hiện tại, ngay cả các vị Hoạt Phật[4] truyền dạy Mật Tông cũng chẳng phải là người có thể thành Phật ngay trong thân hiện tại được!
Các ông đừng bị xoay chuyển bởi những vị tri thức của các pháp môn ấy thì sẽ có thể thoát khỏi cõi Ngũ Trược này, lên cõi chín phẩm kia, làm đệ tử Phật Di Đà, làm bạn tốt trong hải hội. Người niệm Phật cần phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, thì mới có thể dùng thân để hướng dẫn người khác, tự lợi, lợi tha vậy. Nếu luân thường khiếm khuyết, người ta sẽ chẳng sanh lòng khâm phục, kính trọng; cho nên đối với kẻ hiểu lý còn khó thể khuyến hóa; đối với kẻ chẳng hiểu lý, do chính ta còn thiếu sót trong chuyện tận tụy thực hành, họ sẽ chẳng chịu nghe theo lời ta nói. Đấy chính là “dĩ ngôn giáo giả tụng, dĩ thân giáo giả tùng” (dùng lời nói để dạy sẽ bị tranh cãi; dùng thân để dạy, người ta nghe theo). Phàm mọi chuyện đều phải lấy thân làm gốc, huống chi dạy người khác niệm Phật liễu sanh tử ư? (Hoằng Hóa Nguyệt San số 10 – Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 2, Thư trả lời hai cư sĩ Hàn Tông Minh và Trương Tông Thiện)
[1] Quyền Vị Bồ Tát là những vị Bồ Tát chứng ngộ giáo pháp thuộc Quyền Đại Thừa. Gọi là Quyền Đại Thừa (hay Đại Thừa Quyền Giáo, hoặc Quyền Giáo Đại Thừa) vì những giáo pháp ấy do phương tiện quyền xảo (quyền biến, khéo léo) của chư Phật lập ra nhằm tùy thuận căn cơ, hòng khơi gợi, dẫn dắt căn cơ từ Tiểu Thừa hướng về Đại Thừa, chứ chưa phải là giáo pháp Đại Thừa thật sự (Thật Đại Thừa), hoặc chưa phải là giáo pháp Nhất Thừa tối hậu.
[2] Xin chú ý ở đây Tổ không có ý đả kích Mật Tông mà chỉ quở trách những kẻ không học hiểu giáo nghĩa Mật Tông đến nơi đến chốn, được truyền thụ vài ấn quyết, đọc một số kinh sách Mật Tông rồi ngạo nghễ coi thường các tông khác, cũng như không hiểu rõ ý nghĩa “hiện thân thành Phật”, tự xưng là đã đắc đạo, tự xưng là Thượng Sư, thâu nhận đồ chúng tràn lan, cũng như chuyên chú trọng thần thông, không hiểu mục tiêu cuối cùng của mọi pháp môn trong Phật giáo đều là hướng tới mục đích liễu sanh thoát tử, tấn tu cho đến khi thành Phật Quả.
[3] Triệu Pháp Sư chính là ngài Tăng Triệu (384-414), môn nhân nổi tiếng nhất của đại sư Cưu Ma La Thập. Sư là con nhà nghèo, phải chép sách thuê để kiếm sống. Do vậy, thông hiểu kinh sử rất sâu. Thoạt đầu, Sư hâm mộ thuyết Lão Trang, về sau, do đọc kinh Duy Ma Cật bèn cảm ngộ, đi xuất gia. Ngài thông hiểu kinh Phương Đẳng, thanh danh lẫy lừng miền Bắc Trung Hoa. Nghe pháp sư Cưu Ma La Thập đến đất Lương, bèn xin theo học, được ngài Cưu Ma La Thập khen là bậc kỳ tài. Đến khi Diêu Tần diệt nhà Lương, Sư bèn theo ngài La Thập sang Trường An. Tuân sắc lệnh của Diêu Hưng, Tăng Triệu cùng với Tăng Duệ lo phù tá ngài La Thập phiên dịch kinh điển. Do vậy, giải ngộ càng sâu, được tôn xưng là bậc Giải Không Đệ Nhất. Năm Hoằng Thỉ thứ sáu (404), khi ngài La Thập dịch xong bộ Đại Phẩm Bát Nhã, Sư soạn cuốn Bát Nhã Vô Tri Luận trình lên, được hai vị La Thập và Huệ Viễn nồng nhiệt tán thán. Sau đó, Sư còn soạn Phá Không Luận, Vật Bất Thiên Luận, Niết Bàn Vô Danh Luận, Chú Duy Ma Cật Kinh v.v… Tiếc là Sư mất rất sớm, chỉ thọ được 31 tuổi. Những bài luận của Sư được thâu thập thành cuốn Triệu Luận.
[4] Hoạt Phật là từ ngữ do người Trung Hoa dịch chữ Tây Tạng Hpbrulsku (thường được biết dưới dạng ghi âm phổ biến hơn là Tulku, là một từ ngữ Tây Tạng nhằm diễn dịch chữ Nirmanakaya (Hóa Thân) của tiếng Phạn). Tiếng Mông Cổ tương ứng là Khutukhu (hoặc Khutukutu, Hobilghan. Do vậy Chương Gia đại sư thường được gọi là Chương Gia Hô Đồ Khắc Đồ). Truyền thống này được bắt nguồn từ thời ngài Tsongkhapa cải cách tôn giáo tại Tây Tạng: Tăng sĩ không được lấy vợ, nên phải chọn người kế vị các ngôi tu viện trưởng hoặc trưởng dòng tu từ hóa thân. Ngoại trừ phái Sakya vẫn theo lệ truyền ngôi pháp vương cho con cháu trong dòng họ, các phái khác dẫu là Hoàng Giáo (Gelugpa), Cổ Mật (Nyingmapa), hoặc Cát Cư (Kargyupa) đều theo lệ này tuy các lạt-ma thuộc phái Nyingmapa hay Kargyupa vẫn được phép lấy vợ. Người Tây Tạng tin rằng các vị lạt-ma cao cấp có khả năng tự tại chuyển sanh, liên tục trở lại thế gian này để hóa độ chúng sanh. Trước khi mất, vị lạt-ma ấy sẽ để lại những sấm ngữ hoặc huyền ký dự báo mình sẽ tái sanh ở nơi nào. Các đệ tử đi tìm, thấy đứa bé nào phù hợp với sấm ký, sẽ tiến hành những xét nghiệm cần thiết, rồi đưa về tu viện, đào tạo và tấn phong để bảo đảm ngôi lãnh đạo của dòng tu được truyền thừa liên tục. Đồng thời để tạo sự chánh thống cho ngôi vị và thu hút tín đồ, các vị Hóa Thân nổi tiếng thường tự xưng hóa thân của các vị Phật, Bồ Tát, thánh tăng, như Đại Lai Lạt Ma thứ năm tự xưng là hóa thân của Quán Thế Âm, ban chỉ dụ công nhận Ban Thiền Lạt Ma là hóa thân của A Di Đà Phật, Karmapa tự xưng là hóa thân của Quán Thế Âm, trưởng dòng tu Sakyapa tự xưng là hóa thân của Văn Thù Bồ Tát, Tai Situpa Rinpoche tự xưng là hóa thân của Di Lặc Bồ Tát v.v… Có lẽ vì thế, người Trung Hoa đã gọi các vị này là Hoạt Phật (Phật Sống). Hiện thời tại Tây Tạng, Mông Cổ, Cam Túc, Thanh Hải, Tây Khang, Buriat, Kalmyk v.v… tức những nơi theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng đều có những hóa thân. Hầu như các tu viện lớn nhỏ đều có hóa thân; nổi tiếng nhất là Đại Lai Lạt Ma, Ban Thiền Lạt Ma, Karmapa, Sakyapa của Tây Tạng, Jetsundampa của Ngoại Mông Cổ, Chương Gia thuộc Nội Mông (dòng truyền thừa của vị này đã chấm dứt). Thậm chí tài tử Steven Seagal của Mỹ cũng được Drubwang Pema Norbu Rinpoche (tu viện trưởng tu viện Palyul Ling, người được coi như là trưởng tông phái Nyingmapa hiện thời) công nhận là hóa thân của lạt-ma Chungdrag Dorje, một vị Tăng chuyên phát hiện những Mật điển (Terton) sống vào thế kỷ 17 ở Tây Tạng, gây nên rất nhiều tranh luận ồn ào trong giới Phật Tử Tây Phương theo Mật Tông Tây Tạng!