HƯ VÂN NIÊN PHỔ
THƠM NGÁT HƯƠNG LAN
Kiến Châu – Như Thủy – Hạnh Đoan dịch

 

Lồi đầu sách

“Cô ơi! Làm ơn in sách size chữ to, tụi con lớn tuổi không xem chữ nhỏ được!” – Đó là lời yêu cầu của các độc giả từ bên kia đại dương lẫn Việt Nam.

Tất nhiên điều này sẽ khiến sách dày, do quá trình biên dịch, chỉnh sửa dịch phẩm này cũng hơn hai năm. Vì vậy, xin quý vị có thói quen ưa đọc hết sách trong một-vài ngày, hãy chịu khó bỏ ra thời gian dài để đọc dần, như thế sẽ không thấy ngán và có thể thu được lợi ích khi xem.

Ngoài giai thoại kỳ bí ra, những điều ngài Hư Vân làm rất đáng cho chúng ta lưu tâm, ngưỡng mộ. Trong công cuộc hoằng đạo, Ngài đã bỏ công nghiên cứu tỉ mỉ các tông phái, lo đào đạo nhân tài nối nghiệp, để các tông phái đó không bị tuyệt diệt. Ngài đi đến đâu là chấn chỉnh đạo phong, cứu vãn sự tu hành tuột dốc, vực dậy tệ trạng… Ngài lập“Phật Học Xã” cho người muốn nghiên cứu Phật giáo, xây“Phật Học Viện, Viện Học Giới”cho chư Tăng Ni trẻ, dựng các ngôi kiến trúc chuyên tu Thiền, Tịnh, cất viện Diên Thọ Đường để nuôi người già yếu, xây Viện chẩn bệnh từ thiện, lập Trường Tiểu Học miễn phí cho con em dân nghèo…

Một cảnh chùa Ngài cất đến mười năm, hoành tráng, công phu, tinh xảo, tôn nghiêm. Trong đây có“Báo Ân Đường” dành cho phụ mẫu tu sĩ, có “Công Đức Đường” dành cho đàn việt. Cõi âm cõi dương đều được Ngài quan tâm, Không những lo cho cõi người sống an mà cả đến loài vật Ngài cũng ưu ái dành riêng khu vực“Ao Phóng Sinh” cho chúng.

Khi bị đánh, tra tấn tới ngất, Ngài mộng lên cõi trời Đâu Suất ngồi vào hàng dầu, vị thứ Ba, kế ngài A-nan. Gần ngài A-nan?- Tức là ở vào hàng Thánh vị? – Tôi đã từng thắc mắc không biết Ngài là bậc Thánh nào trong mười vị Đại đệ tử của Phật? Đọc sử Ngài, chúng ta thấy có rất nhiều điều thần bí, khi Ngài viếng núi Kê Túc thì chuông mõ tự ngân, lên chùa Cao Đảnh thì lan tiên tỏa hương thơm ngào ngạt, lúc giảng kinh thì cây khô sống lại, mai trổ sen, rau cải trong vườn trổ sen, thậm chí tất cả nến thắp trong đạo tràng cũng nở hình sen. Cầu mưa được mưa, cầu tuyết được tuyết, toan tính gì đều có thần ngầm phò trợ: giúp dời đá, lấp sông… Khi Ngài bắt buộc phải đốn cây cổ thụ thì cây đổ cũng lựa hướng bình an cho chùa. Lúc Nhật nhắm vào chùa Ngài dội bom thì bom lại rơi xuống chỗ vắng, không thiệt mạng ai nhưng phi cơ Nhật tử nạn, vỡ nát. Nhật sợ đến độ sau đó hễ có việc phải bay thì cũng đi đường vòng chứ không dám bay ngang chùa Ngài. Con vật nào được Ngài qui y thì lập tức ăn chay, tánh hung dữ hiếu chiến bỗng chuyển thành hiền lành. Bò cũng tìm đến Ngài cầu cứu, hổ cũng biết tìm Ngài cầu giới… Thọ thần, Long vương đều hóa hiện thân người tìm tới xin thọ giới… Ngài phát tâm triều lễ núi Ngũ Đài, ba bước lạy một lạy, lễ Đức Văn Thù suốt từ Nam đến Bắc để cầu báo ân cho mẹ. Trên giường bệnh nặng suýt chết, khiến ngài Văn Thù“chịu hết nổi” phải xuống trần dưới thân phận gã ăn mày để cứu nguy, gánh đồ, nấu nướng, phụ việc cho Ngài…

Những điểm kỳ bí trong đời Ngài khiến nhiều người đọc không tin, cho là hoang đường, chẳng thật. Nhưng ngày xưa khi đọc sử Phật có rất nhiều chuyện hoang đường huyền bí hơn gấp mười gấp trăm, ta vẫn có thể chấp nhận. Có một điều Ngài rất giống chư Phật, Bồ Tát – giống ở chỗ hoạn nạn quá nhiều! – Thuở xưa ngài Mục Kiền Liên từng bị ngoại dạo đánh tơi tả tới vong thân – dù Ngài biết thần thông, có thể bay lên trời, lặn xuống biển, Địa ngục Thiên dường gì cũng tới được – Vậy mà phải chết về tay ngoại đạo. Còn ngài Hư Vân? – Bị đánh, đấm, dày xéo tàn bạo thê thảm vậy mà vẫn phải…tiếp tục sống oằn oại với những vết tử thương (cái này mới là khổ hơn!) và Ngài vẫn tiếp tục hoằng pháp cho đến lúc xả báo thân…

Đọc sử Phật giáo, ta thấy Phật bị Đề Bà Đạt Đa lăn đá mưu hại, bị ngoại dạo vu khống đủ cách, tổ Bồ Đề Đạt Ma cũng bị người âm mưu đầu dộc, Lục Tổ cũng bị người ám sát, truy đuổi đến phải trốn trong làng thợ săn… Cuộc đời các bậc Thánh hầu như gian truân, hoạn nạn dẫy dầy, nhiều và dữ dội hơn thường nhân, song các Ngài chịu đựng rất giỏi… và ngài Hư Vân chỉ nhẹ nhàng giải thích:“Tát cả đều là nghiệp quả”…

Ngài Hư Vân rất thích lạy Vạn Phật, ngộ đạo xong vẫn lễ Vạn Phật và Ngài bắt chúng Tăng phải thực hành pháp sám này (khi Ngài chấn chỉnh đạo tràng Nam Hoa). Lúc Ngài bị đánh tới xỉu và mộng lên cung trời Đâu Suất,“về nhân gian lại” những công việc sau đó Ngài tiếp tục làm vẫn là: Xây chùa, độ Tăng, giúp dân… không bỏ một việc lành nào. Học hạnh Ngài cố lẽ chúng ta phải học về sức kham nhẫn và tấm lòng từ yêu thương chúng sinh vô bờ bến. Tấm lòng từ và đức độ ấy, ngay cả loài vật còn cảm nhận được, nên khi Ngài qui y, chúng lập tức trường trai,“giữ giới”, sửa tánh hiền hòa.

Chỉ có con người là khó bảo(?) -Vì con người qui y xong vẫn tiếp tục ăn mặn – Phải đợi Ngãi nhắc nhở rất nhiều lần trong các thời pháp, khuyến khích cổ vũ “hãy ăn chay” (mà không biết có kết quả hữu hiệu chăng)? Nhưng Thọ thần, Long vương rõ ràng đã quá hiểu cái may mắn:“Chẳng mấy khi Bồ-tát xuống trần” nên không bỏ lỡ cơ hội, đội lốt người tìm đến Ngài thiết tha cầu giới.

Đọc các bài báo chí viết về Ngài, trước những lời tâm sự, phát biểu:“Chỉ cần nhìn Ngài thôi là cũng thấy lòng an lạc hạnh phúc, vọng niệm dừng lặng. Dù Ngài nói hay nín, thuyết pháp hay không…

Những xúc cảm dâng tràn trong lòng người được diện kiến Ngài, khó mà tả hết”… những người được gặp Ngài xúc dộng, mừng vui, cho là quý báu, hi hữu đến thế…Vậy thì tại sao lại có những kẻ đành lòng đánh đập, giáng dòn Ngài như mưa? – Phật xưa cũng chỉ có thể độ người hữu duyên – tức là những ai có duyên với Ngài. Ngoài Luật nhân quả ra, còn thuyết “Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”, một bợm nhậu không thể nào khoái các vị thanh tu, mà phải tìm người có tửu lượng khá để kết bạn. Những tên cướp không thích gặp hay nói chuyện với người đạo đức mà chỉ thích săn tìm các tay anh chị cao cơ, thủ thuật siêu đẳng để qui phục, sùng bái. Đó là lý do có người gặp Phật thì giác ngộ ngay, song có người gặp Ngài còn ngoảnh mặt than: “Không biết có tội gì mà phải gặp…” – chẳng hạn như bà già khó độ thời Phát – Phật và Thánh đều bó tay, không thể độ người không có duyên. Nhưng điều may mắn là người hữu duyên với các Ngài có rất nhiều.vây mà tôi mạnh dạn thực hiện cuốn sách này. Bởi, cho dù ngài Hư Vân không còn tại thế, song di ngôn và công hạnh của Ngài vẫn là tấm gương sáng, dầy ắp bài học quý cho chúng ta noi theo. Bằng chứng là, khi tôi cho một người không biết gì về đạo, đọc chuyện đời ngài Hư Vân, em đã xúc động, thay đổi cả cách sống và lối nhìn, thăng hoa theo chiều thiện, can trọng từng nhân gieo, không những cho bản thân em mà còn cho cả tổ ấm của mình, em thay đổi hoàn toàn theo chiều hướng tốt. Vậy thì sẽ đáng tiếc biết bao nếu như ít người biết đến đời Ngài. Tự truyện Hư Vân, tất nhiên có nhiều bản dịch, song tôi vẫn thực hiện tác phẩm này, bởi đây là mơ ước được ấp ủ từ lâu. Tôi lý luận rằng – Chỉ có một đức Phật, nhưng hình vẽ Ngài rất nhiều – dù không có bức họa nào giống nhau, song tất cả đều được vẽ bằng tâm tư chắt chiu, trân trọng của nhà họa sĩ.

Thuật lại đời ngài Hư Vân, tôi căn cứ vào nguyên tác Hán văn của sầm Học Lữ (bản thứ ba, dày 348 trang, được xác nhận là bản đầy đủ, hoàn chỉnh nhất, sau khi Ngài nhập diệt). Gọi là bản hoàn chỉnh, song như sầm tiên sinh nói, vào thời loạn thuở đó, việc cất chứa, thu thập tài liệu không phải là chuyện dễ. Tôi đã xem qua các nguyên tác chữ Hán của chư đệ tử viết về Ngài. Tất nhiên các vị ấy kể lại từ góc nhìn và chứng kiến của mình nên về điểm chung thì đồng, song lại có những điểm riêng đặc sắc khác nhau… Bài người này viết chứa những điểm hay mà bài người kia không có – và ngược lại – Do vậy mà tôi bắt buộc phải tham khảo, đối chiếu, tuyển chọn… đúc kết lại những điều dị biệt, gây ấn tượng từ các hài viết đó… để bổ sung cho việc thuật lại đời Ngài đầy đủ hơn. Thế nhưng, theo thị hiếu riêng và yêu cầu của phần ông độc giả, tôi cũng lược bỏ bớt những tình tiết chính trị rườm rà, những bài ký có đề tài trùng lập. Chuyện kể có thể cũ, song hi vọng độc giả sẽ đồng cảm với tôi, thu được nhiều ích lợi khi xem. Điều đáng nói là khi tham khảo các bản dịch Việt tôi thấy ngày sinh của Hòa thượng Hư Vân ghi không đồng nhất, bản thì ghi sinh 30 tháng 7, bản thì ghi sinh 20 tháng 7. Nhưng trong nguyên tác Hán văn “Hư Vân Niên Phổ” bản in thứ ba, nơi trang 1 hàng 3 đã ghi rõ: “Ngày 29 tháng 7 giờ dần tôi sinh ra tại phủ Tuyền Châu” (thất nguyệt nhị thập cửu nhật dần thời, dư đản sinh ư Tuyền Châu phủ)… Nguyên nhân bất đồng này có lẽ như sầm Học Lữ nói: “Các bản nguyên tác in lần một và hai còn nhiều sai sót chưa chỉnh. Chỉ bản thứ ba là được ngài Hư Vân đích thân xem xét và cho chỉnh sửa lại.

Sau khi Ngài viên tịch, các tài liệu chưa công bố được kết tập và ghi thêm vào rất nhiều. Trước đây Thân phụ và Bào tỷ Như Thủy đã từng dịch ấn bản hai và tôi nhân đấy phối hợp thành bản dịch chung. Cuốn “Hư Vân Niên Phổ” khá dày, để tiện cho người xem tôi chia làm 7 chương và các tiêu đề nhỏ.

Xin chân thành cảm ơn thầy Thiện Trung, huynh Thông Lai và chư thân hữu, độc giả… đã cung cấp tư liệu, hình ảnh… động viên khuyến khích tôi. Cảm ơn chị Hạnh Nghiêm, chị Tịnh Niệm, Viên An, Hoàng Thị Hương đã phụ giúp chỉnh sửa… Cảm ơn sự hỗ trợ âm thầm hữu tình vô tình của chị Chơn Hiền, Dương Bích Thủy, Võ Thu Tâm, Dương Thúy Nga, cô Nguyên Tâm, Diệu Tịnh, Trần Thị Thu Vân, chú Minh Chung, Diệu Ân… tuy tình cờ và ngẫu nhiên nhưng đã giúp tôi có đủ phương tiện để hoàn thành cuốn sách này. Cảm ơn chú Thanh Nguyên, họa sĩ Mai Quê Vũ đã nhiệt tình thiết kế, giúp ấn bản được hoàn mỹ hơn. Tất cả ân nghĩa đó thật là quý giá, lớn lao. Chắc chắn tác phẩm này không tránh được sai sót, mong quý vị rộng lòng lượng thứ. Hi vọng truyện đời ngài Hư Vân được phổ biến khắp nơi để mọi người cùng được hưởng lợi ích.

Phật Lịch 2553, đầu năm 2009

Hạnh Đoan


 

LỜI TỰA

Việc biên soạn cuốn “Hư Vần Hòa Thượng Niên Phổ” được chia làm ba thời kỳ. Kỳ một là năm Quý Tỵ, kỳ hai là năm Đinh Dậu, kỳ ba là năm Kỷ Hợi (nghĩa là sau khi Sư đã viên tịch). Quyển này biên xong tạm xem như toàn bộ cuốn Hư Vân Niên Phổ được hoàn thành đầy đủ.

Mùa xuân năm Nhâm Thìn (1952), sau biến sự ở Vân Môn, Sư bị trọng thương, hôn mê bất tỉnh, dẫn đến bệnh nặng nguy kịch, mắt không thấy, tai không nghe, nói năng phát âm… đều khó khăn. Các đệ tử sợ tình hình biến chuyển xấu, nên khi Sư tỉnh dậy, họ đồng khẩn khoản van nài Sư thuật lại những chuyện bình sinh và gấp rút chuẩn bị việc biên Niên Phổ, lo sưu tập các bản nháp viết tay, kết thành sách… mật giao cho Sầm Học Lữ biên tập. Song Hương Cảng thiếu phần tham khảo, nên phải nhờ Tùng Lâm các nơi phụ đóng góp tài liệu rất nhiều, về Pháp ngữ và chuyện đời Sư, phần nhiều là do các đệ tử Sư trong lúc thân cận được nghe, đã ghi lai, cất để dành rồi gởi đến. Những sự thật trọng yếu trong Niên Phổ và các tài liệu chưa công bố… thảy đều đo đích thân Sư viết hoặc kể, nên mới gọi đây là bản Niên Phổ Tự Thuật. Cuốn Niên Phổ này, kỳ 1, kỳ 2 đều đã được in ra. Tất cả là ba bản. Bản đầu tiên in vào mùa xuân Quý Tỵ, chưa đầy mấy tháng, tạo nên tiếng vang lớn. Thế là giữa thu, thể theo yêu cầu, lại tái bản, là bản in lần hai. Nhưng do phát hiện trong sách có nhiều chỗ sai sót, nên phải đem bản in này trình Sư giám định. Song do quan san cách trở, thư từ bấp bênh, liên lạc bất tiện, buộc lòng tôi phải tách quyển Niên Phổ ra, chia thành nhiều phần rồi gởi cho người bạn ở Thượng Hải đem tới núi Vân Cư (Giang Tây) trình Sư xem. May được Sư để mắt tới, Ngài lịnh cho thị giả chỉnh lại những chỗ sai. Thế là tháng 8 năm Bính Thân, khi người mang về tới chỗ tôi thì sách đã được duyệt bốn năm rồi. Tôi cũng đem những tư liệu có được sau này, biên, ráp thêm vào. Đến tháng 7 năm Đinh Dậu thì cho tiến hành in (tức là bản in lần Hai đã dược hiệu đính chỉnh sửa giờ cho ấn hành), gọi là bản thứ Ba Hai năm sau, vào mùa đông năm Kỷ Hợi (một tháng trước khi Sư viên tịch), tôi đã bổ sung thêm vào những bản thảo đã thất lạc, cùng các pháp ngữ gần đây của Sư (do chư đệ tử Sưu tập, hoặc tự viết gởi đến, trong có những lời chia biệt lưu luyến và Sự nhắc nhở khích lệ trang trọng)… Hi vọng cuốn sách này, có thể tạm làm cửa vào cho quý vị, giúp mọi người nếm được pháp vị.

Quyển sách này được biên rất chân thật, không khoa trương. Những chỗ văn rườm rà, đứt quãng rời rạc… tôi đều đã chỉnh lại. Chuyện thêu dệt hay phóng đại… quả tình không có. Tuy đã được kết tập thành sách song phần thất tán, lạc mất cũng khá nhiều. Muốn bổ khuyết, chắp lại những rơi rớt… xin để ngày khác. Xưa, nhờ thời bình, buông bút chẳng hạn cuộc vần điệu, chẳng ngại năm tháng xa xôi. Cứ thong dong mà viết, kể … và cất trong danh sơn. Nhưng bây giờ ở vào thời loạn ly, nếu giữ gìn cẩu thả; e sẽ làm mai một ánh sáng của trời người – Bởi việc thu thập, tích góp được từng giọt pháp nhũ rất là khó khăn…

Học Lữ vâng lịnh Sư biên tập, thật chẳng biết tự lượng… Rất mong được tha thứ, xin các bậc Đại đức trong bốn biển chỉ giáo những chỗ sai. Mong pháp được truyền lưu khắp pháp giới, độ vô tận chúng sinh.

Trung Thu năm Tân Sửu.
Sầm Học Lữ (Khoan Hiền) kinh cẩn viết tựa.