Xuân phong
Ni sư Như Đức
Mùa xuân thường gợi cho người ta nhiều ý tứ miên man. Thật ra ngày tháng nào cũng có thể gợi ý, tùy cảm xúc của mỗi người. Phương Nam này không có bốn mùa, chỉ có những ngày giáp Tết khí trời mát nhẹ, một chút chớm lạnh buổi sớm, một chút nắng tươi buổi trưa, người ta biết sắp hết một năm, cùng nhau rộn ràng lo Tết.
Tất cả những gì tươi đẹp dành cho những ngày đầu năm, gọi là ngày xuân ngày tốt nhất – thắng nhật. Một bài thơ xưa nói về cái thú vị lúc đi chơi Tết:
Thắng nhật tầm phương Tứ thủy tân
Vô biên quang cảnh nhất thời tân
Đẳng nhàn thức đắc đông phong diện
Vạn tử thiên hồng tổng thị xuân.
Ngày xuân đi dạo trên bờ cỏ thơm cạnh bến sông, phong cảnh miên man trải dài tươi mới như vừa thay áo đẹp, mình rảnh rang ngắm sắc xuân hiển hiện và biết bao muôn hồng nghìn tía cùng phô vẻ đẹp rực rỡ, tất cả đều là xuân. Trong bốn câu thơ đều ảnh hiện nét tươi tắn rập rờn của hoa, màu xanh mềm mại của cỏ lan bên bờ nước, trong đó có cả những cô nương quần hồng áo lục, rất nhiều cô nương nhởn nhơ dạo chơi. Tác giả không nói rõ, không chỉ đích danh có bóng dáng người đẹp nào, nhưng ở câu cuối “vạn tử thiên hồng” mình quen gọi là muôn hồng nghìn tía, cũng đủ gợi tả khung cảnh hoa hòe thơ mộng của một trời xuân. Một bài thơ thế này rất vui rất trẻ trung.
Trong thi ca thường dùng cách gợi ý, một đôi câu, một vài chữ để dẫn dắt trí tưởng tượng. Chúng ta thử đọc một bài thơ của Giả Đảo:
Tống vu Tổng Trì quy kinh
Xuất gia sơ lệ hà phương tự?
Thượng quốc Tây Minh ngự thủy đông,
Khước kiến cựu phòng giai hạ thọ
Biệt lai nhị thập nhất xuân phong.
Tựa của bài thơ cho thấy đây là lời tiễn đưa một nhà sư tên Tổng Trì trở về kinh đô. Vì sao biết? Câu đầu là lời hỏi, khi mới xuất gia thầy ở chùa nào trước tiên? Giả Đảo là nhà thơ cũng là nhà tu, giao tình và ẩn tình của ông phần lớn nằm trong chốn tu hành. Cho nên chúng ta chọn ngay hai chữ “xuất gia” để biết thêm vấn đề. Người đọc thơ đủ thông minh để biết vị tăng được nói đến trong bài này tên là Tổng Trì.
Câu thứ hai, trả lời thẳng tắt rằng tôi ở chùa Tây Minh, Trường An. Nơi này nằm về phía Đông của một con kênh hay một dòng nước chảy quanh hoàng thành. Thượng quốc Tây Minh ngự thủy đông, trong văn bản chữ Hán không viết hoa, các nhà nghiên cứu cho ta biết có ngôi chùa tên Tây Minh ở Trường An, và vì đây là kinh đô nên sông hay nước ở gần đó, nhà vua ngự thuyền du lãm được gọi là ngự thủy. Nhà sư này, ngôi chùa này đáng tự hào biết bao.
Câu ba và bốn là cả vấn đề để suy nghĩ.
Khước kiến cựu phòng giai hạ thọ
Biệt lai nhị thập nhất xuân phong.
Nghĩa là, thấy lại cái cây bên thềm phòng cũ và nhớ ra mình từ biệt chỗ này đã qua 21 năm, 21 trận gió mùa xuân. Đây là câu nói của ai? Giả Đảo hay vị tăng Tổng Trì? Thấy lại một cội cây bên phòng cũ – cựu phòng, thế thôi, nhưng đó là mừng hay buồn? Mình xa cách nơi chốn này, tức là rời nhà ra đi đã trọn 21 năm, hay là mình rời Tràng An đi 21 năm, nay trở về chỗ chùa đầu tiên, thời sơ tâm xuất gia?
Chẳng có ai ở đây để giải thích, bài thơ đọc lên gợi ý rất mơ hồ. Chỉ có những trận gió từng năm thổi qua vườn cũ. Mà thời bây giờ cũng ít có người để ý đến cây cối, đến mưa gió thời gian. Ngay cả muôn hồng nghìn tía cũng không đặc biệt gì lắm, suốt một năm chẳng có lúc nào vắng nghìn tía muôn hồng. Thơ chỉ để đọc, tìm lại một ít không gian ngày xưa.