Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá
Chú Giải Giảng Nghĩa
無量壽經優婆提舍註解講義
Ấn Độ Thế Thân Bồ Tát tạo luận
印度世親菩薩造論
Nguyên Ngụy Thiên Trúc Tam Tạng Bồ Đề Lưu Chi dịch luận
元魏天竺三藏菩提流支譯論
Nguyên Ngụy Huyền Trung Tự sa-môn Đàm Loan chú giải
元魏玄中寺沙門曇鸞註解
Dân Quốc Tịnh Luật Tự sa-môn Tánh Phạm giảng nghĩa
民國淨律寺沙門性梵講義
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
(theo bản in của Tam Huệ Học Xứ, ngày 1 tháng 1 năm 1999)
Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang
Đôi nét về pháp sư Tánh Phạm
Pháp sư Tánh Phạm (1920-1997), tục danh là Hoàng Khuê, tự Hữu Minh, sanh quán tại làng Phong Thị, huyện Vĩnh Định, tỉnh Phước Kiến, trong một gia đình nông dân. Năm 17 tuổi, khi đang làm thầy giáo làng tại quê nhà, do quân phiệt Nhật xâm chiếm Trung Hoa, Sư bỏ dạy, đăng lính. Sau khi nhập ngũ, Sư được đưa đi học tại trường quân đội Trung Ương rồi được cử làm cán bộ đặc trách chính trị cho quân đội Quốc Dân Đảng. Sau khi quân đội Quốc Dân Đảng thành công đuổi quân Nhật ra khỏi Đài Loan, Sư được cử làm chủ nhiệm văn phòng xử lý thường vụ huyện Kim Môn của Đài Loan. Năm 1949, khi Hoa Lục thất thủ, chính quyền Quốc Dân Đảng phải chạy sang Đài Loan, Sư xin giải ngũ, mở Tự Do Thư Cục tại Cơ Long (Đài Loan). Trong số những người lui tới thư cục, có nhiều vị là những nhân sĩ học Phật có phẩm hạnh và trình độ nội học rất cao. Nhờ đó, hạt giống Bồ Đề được vun bồi, Sư đã ôm chí nguyện xuất gia. Trước hết, Sư xin quy y với pháp sư Từ Hàng, được ban pháp danh là Từ Vạn. Sư từng thân cận các vị danh tăng thuở ấy như Từ Hàng, Đạo An, Ấn Thuận, Bạch Thánh, Đạo Nguyên, Sám Vân, Hội Tánh v.v… Năm 1955 (vừa tròn 35 tuổi), Sư cầu thọ Tại Gia Bồ Tát Giới tại chùa Nguyên Quang thuộc núi Sư Đầu. Năm 1958, Sư theo sát pháp sư Đạo Nguyên để nghe giảng kinh Địa Tạng tại chùa Hải Hội thuộc huyện Cơ Long.
Mãi đến năm 1962, khi Sư đã 42 tuổi, nhân duyên viên mãn, Sư xin xuất gia với pháp sư Hội Tánh tại chùa Linh Phong Lan Nhã thuộc thành phố Miêu Lật, được ban pháp hiệu là Chấn Từ, pháp tự là Tánh Phạm. Do giới hạnh kiêm ưu, Sư được đặc cách thọ Cụ Túc Giới ngay trong năm sau tại Viên Sơn Lâm Tế Tự ở Đài Bắc dưới sự chứng đàn của các vị trưởng lão Bạch Thánh, Huệ Tam, và Đạo Nguyên. Ngài được chọn làm Thủ Sa Di trong giới đàn này. Trong khóa an cư kết hạ năm ấy, Sư chuyên chú nghe trưởng lão Đạo Nguyên giảng kinh Niết Bàn. Năm 1964, Sư sang Phước Nghiêm Tinh Xá tại thành phố Tân Trúc theo học với ngài Ấn Thuận.
Suốt trong hai năm 1964-1965, Sư sáng lập và điều hành hội phóng sanh Vô Lượng Thọ và hội in kinh Vô Lượng Thọ. Năm 1968, Sư được thỉnh làm Trụ Trì đời thứ tám của chùa Nguyên Quang tại núi Sư Đầu. Đến năm 1974, Sư xin nghỉ. Năm 1974, Sư sáng lập Vô Lượng Thọ Đồ Thư Quán tại Tân Trúc (nay là chùa Pháp Bảo trực thuộc hệ thống Phật Quang Sơn). Từ năm 1974 đến năm 1976, Sư làm Đương Gia và quyền Trụ Trì của Huệ Nhật Giảng Đường. Năm 1977, chấp nhận lời thỉnh cầu của tứ chúng, Sư làm Trụ Trì Phước Nghiêm Tinh Xá cho đến năm 1981. Năm 1983, Sư lại làm Trụ Trì chùa Tam Hiệp Phật Giáo Tịnh Nghiệp Lâm tại Đài Bắc. Sau đó, Sư bế quan tu tập một năm tại các chùa Thiện Thiên, Tường Lâm Tinh Xá v.v… Năm 1984, Sư trụ tích tại chùa Tịnh Luật ở Lộc Cốc thuộc huyện Nam Đầu. Năm 1985, chấp nhận lời thỉnh cầu của Hòa Thượng Trụ Trì chùa Tịnh Luật, Ngài làm chủ thất khóa Tinh Tấn Niệm Phật kéo dài suốt hai mươi mốt ngày. Sau đó, Ngài giảng các bộ Bát Nhã Tâm Kinh và Quán Vô Lượng Thọ Phật cho tứ chúng. Năm 1987, chùa Tịnh Luật thành lập Tịnh Luật Học Phật Viện, cung thỉnh Sư làm Phó Viện Trưởng. Sư bèn giảng kinh Pháp Hoa tại đó. Ngài bế quan suốt năm 1991 tại Diệu Âm Tinh Xá thuộc huyện Nam Đầu. Năm sau, Ngài xuất quan, giảng kinh Vô Lượng Thọ hai lượt và các bộ Vãng Sanh Luận Chú, Vãng Sanh Tịnh Độ Truyền Tập Yếu tại chùa Tịnh Luật.
Ngày 21 tháng Hai năm 1997, Sư bắt đầu bế quan tại chùa Tịnh Luật, rồi chuyển sang Phước Nghiêm Tinh Xá. Ngày mồng Ba tháng Ba năm 1997, Sư lập di chúc, giao cho hai vị pháp sư Chân Hoa và Đại Hàng toàn quyền xử lý hậu sự. Ngày 11 tháng Tư năm 1997, trong tiếng niệm Phật của đại chúng, Sư nằm bên hông phải, an tường viên tịch. Ngoài những bài giảng chưa được biên tập, hiện thời, các tác phẩm của Sư đã được in thành sách là Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh Quán Hạnh Giải, Vô Lượng Thọ Kinh Giảng Nghĩa, các bài giảng về Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, An Lạc Tập Giảng Nghĩa, Vãng Sanh Tịnh Độ Truyền Tập Yếu, Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận Giảng Nghĩa, Vạn Thiện Đồng Quy Tập Giảng Nghĩa, và Nhân Quả Tuyển Tập. Sư còn đang viết dở bộ Quán Kinh Diệu Tông Sao Giảng Nghĩa thì đã xả báo viên tịch.
- Huyền đàm
1.1. Thích danh (giải thích danh xưng)
Bộ luận này có tên gọi đầy đủ là Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá, còn gọi là Vãng Sanh Tịnh Độ Luận, gọi đơn giản là Vãng Sanh Luận, hoặc gọi là Tịnh Độ Luận. Nay để giải thích danh xưng, sẽ chia thành ba đoạn:
- Vô Lượng Thọ Kinh.
- Ưu Bà Đề Xá.
- Nguyện Sanh Kệ.
1.1.1. Vô Lượng Thọ Kinh
Đây là tựa đề kinh theo lối nhân đề (人題, dùng người để đặt tên kinh), mà cũng là pháp đề (法題, dùng pháp để đặt tên kinh) của một bộ giáo điển cơ bản làm cơ sở y cứ cho Tịnh Độ Tông Trung Hoa. Trong bộ Vô Lượng Thọ Kinh Giảng Nghĩa, tôi đã giải thích, phân tích tường tận ý nghĩa được bao hàm [trong tựa đề này], nay giảng bộ luận này, chẳng cần nói nhiều nữa. Dựa theo Lý và Sự, sẽ nói giản yếu như sau:
1) Nói theo Lý, Vô Lượng chính là A Di Đà, dùng Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ để bao gồm trọn vẹn hết thảy các thứ vô lượng. Vì sao vậy? Vô Lượng Quang là theo chiều ngang trọn khắp mười phương, Vô Lượng Thọ thì theo chiều dọc tột cùng ba đời. Đấy là cái Thể của Nhất Chân pháp giới, mà cũng chính là cảnh Thật Tướng của các pháp, thường nói là “ngôn ngữ dứt bặt, tâm hạnh xứ diệt”, chính là nhất tâm nhị môn chẳng thể nghĩ bàn.
2) Nói theo Sự, đấng Cực Lạc giáo chủ đã tu chứng cảnh thể này mà thành Phật; vì thế, Ngài có tên là A Di Đà Phật. Chúng ta niệm Phật, phát nguyện vãng sanh, mục đích chính là “hoa nở, thấy Phật, ngộ Vô Sanh”, mà cũng vì liễu ngộ, chứng nhập cảnh thể ấy để rồi hoàn thành lý tưởng tối cao “trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh”. Chúng sanh trong thế gian cho đến vạn hữu trong vũ trụ, đều là pháp hữu vi sanh diệt, hết thảy đều có hạn lượng, hoàn toàn thuộc vào vô thường. Do vô thường nên khổ, điều này chẳng lý tưởng! Chúng ta học Phật chính là mong đạt đến cảnh giới Thường Lạc Ngã Tịnh viên mãn. Vô Lượng Thọ chính là Thường, do Thường nên Lạc, Lạc là tự tại, giải thoát, thanh tịnh! Do vậy, Vô Lượng Thọ chính là mục tiêu duy nhất để học Phật của chúng ta. Niệm Vô Lượng Thọ Phật chính là “hệ niệm cảnh chẳng nghĩ bàn, niệm đâu chú tâm tại đó”. Ba kinh một luận của Tịnh Tông đều nhằm dạy tâm chúng ta chẳng lìa điều này: “Thường niệm A Di Đà”, rốt cuộc ai nấy đều đạt đến Phật cảnh, Phật quả Vô Lượng Thọ!
1.1.2. Ưu Bà Đề Xá
Đây là [danh xưng trong] tiếng Phạn của một thể loại trong mười hai phần giáo, dịch nghĩa là Luận Nghị, tức là đức Phật và các đệ tử giải thích ý nghĩa của kinh. Trong ấy, bao gồm các ý nghĩa “vấn đáp, chọn lựa dứt khoát, phân tích, thảo luận”. Luận ở Ấn Độ có hai loại:
1) Một là Tông Kinh Luận (宗經論), tức là dựa theo tông yếu của một hay nhiều loại ý nghĩa trong kinh để thuyết minh quy nạp những [giáo nghĩa] thiết yếu [trong bộ kinh ấy hay các kinh ấy], chẳng chú trọng câu văn [trong chánh kinh] là nhiều hay ít. Luận này (Vãng Sanh Luận) thuộc loại Tông Kinh Luận.
2) Hai là Thích Kinh Luận (釋經論), tức là dựa theo kinh văn của một bộ kinh nào đó, xét theo từng câu mà giải thích ý nghĩa của kinh văn, tương đương với chú sớ của Trung Hoa.
Luận này có hai phần:
1) Một là Tổng Thuyết Phần, tức là phần Kệ Tụng mỗi câu năm chữ.
2) Hai là Giải Nghĩa Phần, tức là phần văn Trường Hàng sau đó.
Đặc điểm của bộ luận này hoàn toàn chẳng nhằm phát huy giáo lý, mà là dựa theo Tịnh Độ Tam Kinh, nhất là kinh Vô Lượng Thọ để đề ra cương yếu và phương pháp tu hành, tức là Ngũ Niệm Pháp Môn, nhằm dạy chúng ta phải niệm Phật như thế nào (lễ bái, xưng danh, quan sát)? Phát nguyện như thế nào? Hồi hướng như thế nào hòng “vạn người tu, vạn người đến”. Đúng là thuyền Từ trong biển khổ, là bè báu cứu đời! Do vậy, hễ là liên hữu Tịnh Tông cho đến hết thảy mọi người trong cõi đời đều phải nên duyệt đọc và liễu giải, lại còn phải nên y giáo phụng hành!
1.1.3. Nguyện Sanh Kệ
“Nguyện” (願) có nghĩa là chí tâm tin ưa, mà cũng bao hàm các nhân tố tâm lý như “cung kính, chẳng gián đoạn, lâu dài, không có những tâm khác” v.v… “Sanh” (生) là bỏ báo thân này, sanh sang Cực Lạc Tịnh Độ kia. “Kệ” (偈) là nói tắt của chữ Già Đà (伽陀, Gāthā) trong tiếng Phạn, mỗi câu là bốn chữ, năm chữ, cho đến tám chữ. Cứ bốn câu là một Kệ, còn gọi là một Tụng (頌), giống như cổ thi Trung Hoa.
Nguyện Sanh Kệ chính là tên gọi chung của toàn bộ phần Kệ Tụng trong bộ luận này. Trong Tống Tạng (Đại Tạng Kinh đời Tống), [từ ngữ] Nguyện Sanh Kệ được ghi trước chữ Kệ Tụng, trong Cao Ly Tạng (Đại Tạng Kinh của Đại Hàn), [Nguyện Sanh Kệ] được xếp ra phía sau trong danh xưng của bộ luận. [Trong các bản Đại Tạng Kinh ấy], tên gọi đầy đủ của bộ luận này là Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá Nguyện Sanh Kệ (無量壽經優婆提願生偈), tức là lấy Nguyện Sanh Kệ làm tên gọi của toàn thể bộ luận. Đấy chính là sai lầm! Trong mục lục của Đại Chánh Tạng (Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh) của Nhật Bản, họ lược bỏ ba chữ Nguyện Sanh Kệ.
Nguyện Sanh Kệ gồm tất cả hai mươi bốn bài Kệ. Trong hai bài Kệ đầu tiên, Tạo Luận Chủ (tác giả của bộ luận) biểu lộ lòng quy kính Tam Bảo của chính mình và trình bày ý nghĩa vì sao tạo luận. Hai mươi mốt bài Kệ kế tiếp là nói tổng quát về sự tướng công đức trang nghiêm nơi y báo và chánh báo của Cực Lạc. Bài kệ cuối cùng là hồi hướng, phát nguyện vãng sanh Cực Lạc quốc. Nói quy nạp lại, toàn bộ phần Kệ Tụng cho đến phần Trường Hàng giải thích, phân tích ý nghĩa kinh văn, đều nhằm thuyết minh niệm Phật, quán tưởng y báo và chánh báo trang nghiêm của đức Di Đà như thế nào, khiến cho [những điều ấy] phân minh trước mắt [độc giả], do “an lập” mà “an trụ”, cuối cùng là thành tựu Niệm Phật tam-muội, đích thân thấy Phật Di Đà hoặc Tịnh Độ, tín tâm bèn kiên định, nguyện cùng với các chúng sanh đều cùng sanh về nước An Lạc, đạt bất thoái chuyển, viên mãn Bồ Đề ngay trong một đời.
1.2. Biện định cái Thể
Các pháp thế gian chẳng ra ngoài Pháp Tánh. Nếu chẳng có Pháp Tánh, sẽ chẳng có các pháp! Trong tri kiến của đức Phật, Pháp Tánh của các pháp được gọi là “Thật Tướng của các pháp”. Do vậy, Tam Tạng giáo điển do đức Phật đã nói đều lấy Thật Tướng làm Thể. Như Thích Ma Ha Diễn Luận1 đã viết: “Các kinh Đại Thừa đều dùng Thật Tướng ấn chứng để làm chánh thể của kinh”.
Thật Tướng là gì? Đức Phật tùy duyên lập ra danh xưng. Kinh luận mỗi thứ [gọi Thể bằng những danh xưng] khác nhau, như kinh Hoa Nghiêm coi Nhất Chân pháp giới là Thật Tướng, kinh Pháp Hoa dùng “nhất tâm nhị môn” làm Thật Tướng, ba kinh một luận của Tịnh Độ thì lấy Vô Lượng Quang Vô Lượng Thọ làm Thật Tướng, cũng tức là dùng danh hiệu Vô Lượng Quang Thọ của Phật làm chánh thể của ba kinh một luận. Như bản chú giải của bộ luận này đã viết: “Đấng Thích Tôn nói công đức trang nghiêm của Vô Lượng Thọ Phật, tức là dùng danh hiệu của đức Phật ấy làm cái Thể của kinh”. Nói giản yếu thì Thật Tướng chánh thể của bộ luận này chính là hai danh hiệu của cùng một vị Phật, cũng tức là nhất tâm nhị môn:
- Tâm Chân Như Môn: Tâm Chân Như Môn lìa hết thảy tướng; do “lìa” nên vô tướng, tức là Pháp Thân Lý Thể “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh”, gọi là Vô Lượng Thọ Phật.
- Tâm Sanh Diệt Môn: Tâm Sanh Diệt Môn chính là hết thảy các pháp. Do vì “chính là”, nên chẳng phải là không có tướng, tức là quang minh của Báo Thân Phật và Hóa Thân Phật chiếu trọn khắp mười phương, gọi là Vô Lượng Quang Phật. Vì thế, trong phần Trường Hàng của bộ luận này đã viết: “Quan sát ba thứ nguyện tâm trang nghiêm thành tựu cõi Phật, đức Phật, và Bồ Tát, hãy nên biết: Nói đại lược thì sẽ thâu tóm trong một câu pháp. Một câu pháp chính là câu thanh tịnh. Câu thanh tịnh chính là trí huệ chân thật, vô vi Pháp Thân”. Cổ đức cũng nói: “Thật Tế Lý Thể chẳng lập mảy trần; trong môn Phật sự, chẳng bỏ một pháp”. [Những câu này] đều diễn tả rõ rệt chánh thể của bộ luận này.
1.3. Minh định Tông
Đã biết chánh thể của bộ luận này, vậy thì cương tông và chỉ thú của nó lại là như thế nào? Như phần Trường Hàng của bộ luận này đã viết: “Phần Nguyện Kệ này nêu rõ nghĩa lý nào? Thị hiện quán sát thế giới thế giới An Lạc trong hiện tại, thấy A Di Đà Phật, nguyện sanh về cõi ấy. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân tu ngũ niệm môn hạnh thành tựu, rốt ráo được sanh về cõi nước An Lạc, thấy A Di Đà Phật”. [Do vậy], có thể biết tông thú của bộ luận này chính là nương theo Đạo Dễ Hành (Dị Hành Đạo), dùng ba nghiệp thanh tịnh tu pháp môn ngũ niệm hòng thành tựu vãng sanh Tịnh Độ. Những gì là ngũ niệm môn? Một là Lễ Bái Môn (thân nghiệp), hai là Tán Thán Môn (khẩu nghiệp), ba là Tác Nguyện Môn, bốn là Quan Sát Môn (hai môn này là ý nghiệp, cũng là tu Đại Thừa Chỉ Quán), năm là Hồi Hướng Môn (công đức tích tụ do tu năm niệm môn đều hồi hướng cho hết thảy chúng sanh, dẹp hết thảy nỗi khổ, nhiếp thủ hết thảy chúng sanh cùng sanh về cõi An Lạc). Như luận này có nói: “Bồ Tát tùy thuận năm thứ pháp môn mà việc làm tùy ý tự tại thành tựu, do thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp, trí nghiệp và phương tiện trí nghiệp như đã nói trên đây đều tùy thuận pháp môn vậy”.
1.4. Luận định về Dụng
Đã biết cương tông, [vậy thì bộ luận này] có lực dụng như thế nào? Như phần Kệ Tụng của luận này có đoạn viết: “Ngã y Tu Đa La, chân thật công đức tướng, thuyết nguyện kệ tổng trì, dữ Phật giáo tương ứng, ngã tác luận thuyết kệ, nguyện kiến Di Đà Phật, phổ cộng chư chúng sanh, vãng sanh An Lạc quốc” (Tôi nương theo Khế Kinh, tướng công đức chân thật, nói nguyện kệ tổng trì, tương ứng lời Phật dạy. Tôi tạo luận, nói kệ, nguyện thấy Phật Di Đà, cùng khắp các chúng sanh, vãng sanh cõi An Lạc). Đấy chính là nói luận này nương theo cương yếu của Đại Thừa Phật pháp, thành tựu tổng trì tu hành ngũ niệm môn thì ngay trong đời hiện tại, sẽ được thấy Phật Di Đà và Tịnh Độ. Nguyện cùng với hết thảy chúng sanh, khi báo thân này đã tận, sẽ cùng sanh về cõi An Lạc. Đấy là đại lực, đại dụng của bộ luận này. Lại như lời chú giải của bộ luận này đã nói: Bồ Tát đắc Bất Thoái Chuyển, có hai loại đạo, một là Nan Hành Đạo, hai là Dị Hành Đạo. Luận này đã đạt đến chỗ tột cùng của Dị Hành Đạo, là chiếc thuyền buồm Bất Thoái; đấy chính là lực dụng chẳng thể nghĩ bàn của bộ luận này. Những lực dụng khác như đã nói trong bộ Vô Lượng Thọ Kinh Giảng Nghĩa đều là lực dụng của bộ luận này, chẳng cần phải nhắc lại nữa!
1.5. Phán định giáo tướng
Thể, Tông, và Dụng của bộ luận này đã đều hiểu rõ, hãy nên hiểu rành giáo tướng của nó. Dựa theo “hóa pháp tứ giáo” do ngài Thiên Thai đã lập để nói thì luận này là Biệt Giáo Đại Thừa kiêm Viên Giáo, vì sao vậy? Tạng Giáo chẳng phát Bồ Đề tâm, chẳng nói đến mười phương Tịnh Độ. Thông Giáo thì thông cả Tiểu Thừa lẫn Đại Thừa, luận này thuần túy thuộc về pháp yếu Đại Thừa, ắt cần phải phát đại Bồ Đề tâm, dùng bốn môn để thành tựu tự lợi, và một môn để thành tựu lợi tha. Cảnh giới được quán lại là thân Phật, Tịnh Độ, thần thông, trí huệ của Phật, Lục Độ, Tứ Nhiếp, Tứ Vô Lượng v.v… mỗi thứ đều là vô lượng, vô tận, vô ngại, khá tương tự với Hoa Nghiêm, nên [luận này] cũng thuộc về Viên Giáo, có cùng một ý thú như phẩm cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm, tức là Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm dùng mười đại nguyện vương hướng dẫn về Cực Lạc. Do vậy, trong bộ Di Đà Sớ Sao, Liên Trì đại sư đã dùng nghĩa lý của Hoa Nghiêm Tông để giải thích [kinh Di Đà].
Nói theo “hóa nghi tứ giáo” của tông Thiên Thai thì luận này thuộc hiển yếu thuyết, quyết định thuyết, trong Tiệm lại kiêm Đốn. Như trong lời chú giải cho luận này đã viết: “Dị Hành Đạo là chỉ do nhân duyên tin Phật, nguyện sanh Tịnh Độ, nương theo nguyện lực của Phật liền được vãng sanh cõi thanh tịnh ấy, do Phật lực trụ trì bèn dự trong Chánh Định Tụ của Đại Thừa. Chánh Định chính là A Bệ Bạt Trí”. Do vậy có thể biết, tu ngũ niệm môn là Tiệm, nhưng do nương cậy nguyện lực của Phật gia trì, liền dự vào Chánh Định Tụ của Đại Thừa, đạt đến địa vị Bất Thoái. Đấy là kèm theo lợi ích của Đốn giáo. Lại theo như Long Thọ Bồ Tát đã nói: “Bồ Tát có hai thứ đạo, một là Nan Hành Đạo, hai là Dị Hành Đạo” thì luận này thuộc về Dị Hành Đạo.
Nói gộp chung lại, tựa đề của bộ luận này có đủ cả Nhân và Pháp, lấy quang thọ Thật Tướng làm Thể, dùng pháp môn ngũ niệm làm Tông, vãng sanh Cực Lạc làm Dụng, viên đốn dễ hành làm Giáo Tướng.
1.6. Vấn đáp trừ nghi
1.6.1. Có Cực Lạc Tịnh Độ hay không?
* Hỏi: Tịnh Độ Tông Trung Hoa dựa theo ba kinh một luận để lập tông, đều nói vãng sanh Cực Lạc Tịnh Độ, [vậy thì] có cõi Tịnh Độ ấy hay không?
Đáp: Như đạo sư Ấn Thuận đã nói trong bộ Vãng Sanh Luận Giảng Ký: “Nay nói đến chuyện có Tịnh Độ hay không thì có hai thuyết: Một là đối với đại chúng bình phàm, họ phán đoán bừa bãi [Tịnh Độ] là mê tín, vì kẻ tin tưởng [Tịnh Độ] chưa từng trông thấy, lại chưa từng đến đó, chẳng thể chứng thực là có [Tịnh Độ]. Hai là người tin Phật thì cho rằng ắt phải có [Tịnh Độ], vì tin kinh nói như thế đó. Nay dựa theo lý thông thường để phán đoán, chẳng cần phải đích thân trải qua, cũng chẳng cần phải hoàn toàn dựa theo [những gì] kinh đã nói, cũng có thể nhận định ‘ắt phải có’ [Tịnh Độ]. Ở đây, tôi biện luận như sau:
Một là như trong hiện thời, khoa học phát triển, đã chứng thực thế giới này của chúng ta (địa cầu) chỉ là một hành tinh trong vô lượng tinh cầu, có thể biết là ngoài thế giới này, còn có các thế giới khác.
Hai là nếu hỏi các thế giới có sai biệt hơn kém hay không? Chỉ nhìn vào các nơi trên thế giới này luôn có hơn kém khác nhau, có thể suy ra mà biết các thứ thế giới ắt phải có hơn, kém.
Ba là nếu các thế giới đã có hơn kém thì thế giới này của chúng ta có phải tốt đẹp nhất hay chăng, sẽ biết là chẳng phải vậy. Nếu đã là như vậy thì có thể biết “có thế giới ưu việt hơn tồn tại” sẽ là điều chẳng ngờ chi nữa! Ngay như gần đây nhất, trong giới khoa học, do có hiện tượng bí ẩn về đĩa bay, cũng cho rằng có thể là trong các tinh cầu khác có những sinh vật trí huệ cao hơn chúng ta!
Từ những điều trên đây, có thể biết: Không phải là chỉ có Tịnh Độ, mà lại còn cực nhiều, mỗi thế giới lại còn thù thắng khác biệt! Trong giới Phật giáo lại có người nói ‘duy tâm Tịnh Độ’, cho rằng Tịnh Độ chỉ ở trong tâm con người, ngoài tâm thật sự không có Tịnh Độ. Nói kiểu đó, hết sức trái nghịch ý Phật. Cần phải biết: Thế giới ‘duy tâm sở hiện’ (chỉ do tâm hiện), nói kiểu ấy cố nhiên là đúng, nhưng phải nên biết uế độ mà chúng ta đang sống vẫn là ‘duy tâm sở hiện’! Nay đã thừa nhận uế độ ‘duy tâm sở hiện’ có thật trong hiện tiền; sao lại chẳng thừa nhận Tịnh Độ ‘duy tâm sở hiện’ là có thật vậy? Vì thế, đã tin vào Tịnh Độ, ắt phải tin là nó có thật, chớ nên chấp Lý phế Sự!”
1.6.2. Thọ mạng của Phật Di Đà là hữu lượng hay vô lượng?
* Hỏi: Theo như kinh Vô Lượng Thọ đã nói, tiền thân của A Di Đà Phật là tỳ-kheo Pháp Tạng, Ngài đã thành Phật từ mười kiếp trước, nay đang thuyết pháp tại Tây Phương. Theo như kinh Quán Âm Thế Chí Thọ Ký đã nói thì sau khi A Di Đà Phật diệt độ, sẽ do Quán Âm Bồ Tát kế vị. Dựa theo hai thuyết ấy, thọ mạng của Phật Di Đà chẳng phải là vô lượng, mà là hữu lượng (có hạn lượng); nhưng hai kinh Di Đà Tiểu Bổn và Đại Bổn đều nói đức Phật ấy thọ mạng vô lượng; rốt cuộc [thọ mạng của A Di Đà Phật] là hữu lượng hay vô lượng?
Đáp: Như đạo sư Ấn Thuận đã giải thích: “Đấy là vì tâm lượng của chúng sanh hữu hạn, đức Phật cố ý nói kiểu ấy (‘hữu lượng’). Như trong kinh Duy Ma Cật, ngài Xá Lợi Phất đã nghi ngờ đức Phật [Thích Ca do hạnh bất tịnh mà] chiêu cảm uế độ. Ngài trọn chẳng biết: Trông thấy [thế giới Sa Bà] là uế độ chính là vì mắt ngài Xá Lợi Phất thấy như vậy, chẳng phải cõi Phật vốn là như thế. Nay A Di Đà Phật (và cõi nước) vốn là vô lượng, nhưng vì chúng sanh hữu lượng, [đức Phật Thích Ca] bèn phương tiện nói là tại Tây Phương (hữu lượng) như thế này, như thế nọ. Đấy chính là trong vô lượng mà hiện hữu lượng, khiến cho chúng sanh từ hữu lượng mà đạt đến vô lượng vậy”.
Ngài (đạo sư Ấn Thuận) lại nói: “A Di Đà Phật tức là vô lượng Phật. Nói đến vô lượng thì trước hết cần phải biết vô lượng là gì? Lượng là nói lớn hay nhỏ, lâu xa hay tạm thời, nặng hay nhẹ, dài hay ngắn, đây kia có thể cân đong được! Muôn vật trong thế gian không gì là chẳng thể đo lường, suy nghĩ, bàn bạc, có thể dùng câu văn để diễn tả, giải thích, nhưng đối với vị Phật nơi Phật quả rốt ráo viên mãn thì cảnh giới ấy chẳng thể đo lường, chẳng thể nghĩ bàn, vì thế là vô lượng. Ví như các giòng nước đổ vào biển cả, liền mất đi tên gọi riêng của chúng, đều là cùng một loại nước bình đẳng, chẳng thể phân biệt. Như chúng sanh phước báo, trí huệ v.v… mỗi người mỗi khác, nhưng đến khi thành Phật, Pháp Thân sẽ bình đẳng, bằng nhau không sai khác, tức là trở thành vô lượng. Vì thế, có thể nói A Di Đà Phật chính là đại diện chung cho hết thảy các vị Phật (vô lượng Phật)”. Vì thế, trong bài kệ Phát Nguyện của Đại Từ Bồ Tát có câu: “Thập phương tam thế Phật, A Di Đà đệ nhất” (Mười phương ba đời Phật, A Di Đà bậc nhất), chính là do ý nghĩa này!
1.6.3. Cầu sanh Tịnh Độ là Tiểu Thừa hay Đại Thừa?
* Hỏi: Có người nói, kẻ cầu sanh Tịnh Độ là kẻ mong giải thoát cho riêng mình, chỉ cầu chính mình hưởng vui, chẳng phải là Bồ Tát hạnh! Thế nhưng trong kinh có nói “chúng sanh sanh vào cõi nước Cực Lạc đều là A Bệ Bạt Trí”. Đã là Bất Thoái Chuyển Bồ Tát, đương nhiên là Đại Thừa, [vậy thì tu Tịnh Độ] rốt cuộc là Tiểu Thừa hay Đại Thừa?
Đáp: Như đạo sư Ấn Thuận đã nói: “Cần phải biết pháp môn Tịnh Độ chính là pháp môn Đại Thừa. Tiểu Thừa không có mười phương Tịnh Độ; vì thế, cầu vãng sanh Tịnh Độ là điều đặc sắc của Đại Thừa. Nhưng nghĩa lý trọng yếu trong Đại Thừa là ‘trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh’. Nếu niệm Phật mà chẳng lìa tâm cảnh Đại Thừa ấy, sẽ phù hợp với ý nghĩa sanh về Cực Lạc. Nếu chỉ vì chính mình lìa khổ, được vui, thì là căn tánh Tiểu Thừa. Nhưng đã phát tâm Đại Thừa (Bồ Đề tâm), vì lẽ nào mà cầu sanh Cực Lạc? Vì uế độ chẳng đủ nhân duyên, chẳng dễ học Phật, tuy phát Bồ Đề tâm, chướng ngại đặc biệt nhiều. Sanh, lão, bệnh, tử, chẳng hề nắm chắc mảy may. Vì thế, cần phải vãng sanh Cực Lạc, [là nơi] các vị thượng thiện nhân cùng tụ hội một chỗ, quyết chẳng đến nỗi lui sụt tâm Đại Thừa. Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát có nói: ‘Như Lai có phương tiện thù thắng để nhiếp thủ, gìn giữ tín tâm, khiến cho [hành nhân] chẳng bị thoái chuyển (lui sụt Bồ Đề tâm)’ chính là nói về ý này vậy”.
Do điều này có thể thấy: Vãng sanh Tịnh Độ không chỉ là Đại Thừa Bồ Tát đạo, mà còn có thể bảo vệ, gìn giữ Đại Thừa Bồ Đề tâm mãi cho đến khi thành Phật. Kinh A Di Đà có nói: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên đắc sanh bỉ quốc” (Chẳng thể do ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà sanh về cõi ấy được), tức là nói chẳng thể thiếu sót thiện căn “phát Đại Thừa Bồ Đề tâm” mà hòng vãng sanh cõi Cực Lạc. Bởi lẽ, Đại Thừa Bồ Đề tâm chính là chánh nhân vãng sanh, là chủng tử thành Phật, hết thảy cảnh, hạnh, và quả Đại Thừa đều sanh khởi từ đấy, nó chính là thiện căn nhiều nhất, lớn nhất. Đã hành Đại Thừa, đã nguyện vãng sanh, lẽ đâu chẳng phát Đại Thừa Bồ Đề tâm ư? Do đó, ba bậc chín phẩm vãng sanh Cực Lạc đều ắt cần phải phát Bồ Đề tâm, ba kinh một luận Tịnh Độ đều cùng nói điều này. Đã phát Bồ Đề tâm thì chính là tu hành Đại Thừa.
1.6.4. Vãng sanh Tịnh Độ nói theo ý nghĩa rốt ráo trong Phật pháp thì là hữu sanh hay vô sanh?
* Hỏi: Cổ đức có nói: “Vãng vô sở vãng, sanh vô sở sanh” (Đi thì chẳng có gì để đi, sanh thì chẳng có gì được sanh), lại còn nói: “Vãng tắc quyết định vãng, sanh tắc quyết định sanh” (Vãng thì quyết định là vãng, sanh thì quyết định là sanh). Lại còn nói: “Sanh thì quyết định sanh, đi thì thật sự chẳng đi”, hoặc “vãng thì có vãng, nhưng sanh thì không sanh”. Rốt cuộc là hữu sanh hay vô sanh?
Đáp: Như trong bộ Vãng Sanh Tịnh Độ Luận Giảng Yếu, Thái Hư đại sư đã nói: “Nói theo Thắng Nghĩa Đế trong Phật pháp, cõi Phật rốt ráo thanh tịnh chính là Nhất Chân pháp giới lìa hết thảy các tướng, lìa hết thảy phân biệt, ngôn thuyết. Nhất Chân pháp giới ấy trọn khắp hết thảy mọi nơi, ai nấy đều vốn sẵn có, nhưng nó chẳng hiển hiện, là vì bị phiền não, nghiệp báo ngăn chướng. Tuy trọn khắp hết thảy mà chẳng tương ứng, rốt cuộc ở trong sanh tử như mộng, như huyễn, lưu chuyển không ngừng. Nếu có thể phá phiền não nghiệp báo mộng huyễn ấy, một niệm giác ngộ, thì ngay trong một niệm liền tương ứng Tịnh Độ. Đấy chính là ý nghĩa vãng sanh ‘vãng vô sở vãng, sanh vô sở sanh’ vậy.
Nếu dựa theo Thế Tục Đế để bàn về vãng sanh thì vãng quyết định là vãng, sanh thì quyết định là sanh. Do cái nhân là tu Tịnh nghiệp, đến khi mạng chung, quyết định lìa khỏi thế giới Sa Bà này mà vãng sanh thế giới Cực Lạc kia.
Nếu gộp chung Thắng Nghĩa Đế và Thế Tục Đế để luận định vãng sanh thì lại có thể nói: ‘Vãng thì không có vãng, sanh thì quyết định sanh’. Do báo thể (bản thể của báo thân) của người vãng sanh chính là A Lại Da Thức, thức ấy trọn khắp hết thảy mọi nơi, chẳng có nơi chốn. Sanh vào trong cõi nước này chính là do nghiệp lực năng sanh (nghiệp lực chi phối sự chuyển sanh) đã chín muồi cho nên cái báo thể (thân do nghiệp báo kết thành) để sanh trong cõi nước này bèn thành tựu. Nếu Tịnh nghiệp sanh vào Tịnh Độ đã chín muồi thì cái báo thể sanh vào Tịnh Độ bèn thành tựu. Vì thế nói ‘vãng thì không vãng, sanh thì quyết định sanh’.
Lại nữa, khi cái báo thể đã thành trong hiện tại chưa xả mạng thì là báo thân trong thế giới này; nếu xả mạng bèn vãng sanh Cực Lạc, tức là trở thành báo thân trong thế giới Cực Lạc. Đấy chính là ‘vãng thì có vãng’, nhưng không có năng sanh (chủ thể sanh về) và sở sanh (cõi nước để sanh về) thực tại, tức là báo thân như mộng huyễn, rốt cuộc là do đâu mà sanh vào Sa Bà, do đâu mà sanh vào Cực Lạc? Nếu là từ tự sanh thì khi chưa sanh, tự thể vẫn còn chưa có, làm sao có thể tự sanh? Nếu là tha sanh (do pháp gì khác mà sanh), thì do đối với tự mà nói là tha, tự đã chẳng sanh, làm sao tha có thể sanh cho được? Nếu chẳng do cái nhân mà sanh thì giống như vô sanh. Trung Luận có nói: ‘Các pháp chẳng tự sanh, cũng chẳng do pháp khác sanh, chẳng cùng, chẳng không nhân, vì thế nói vô sanh’. Do vậy, có thể nói: ‘Vãng thì có vãng, nhưng sanh thì không sanh’.
Đối với bốn câu trên đây, đều chớ nên thiên chấp. Nếu có thể lìa chấp, sẽ có thể tùy thuận cơ nghi mà lập bày, diễn nói”.
Do vậy có thể biết, liên hữu Tịnh Tông chỉ nên tự vấn Tịnh nghiệp của chính mình đã thành tựu hay chưa, chẳng cần phải thắc mắc là hữu sanh hay vô sanh? Tịnh nghiệp là nhân, Tịnh Độ là quả, nhân và quả quyết định chẳng lìa nhau. Pháp môn Tịnh Độ từ hữu sanh mà ngộ vô sanh, nương nhờ y báo và chánh báo của đức Di Đà để hiển lộ tâm tánh của chính mình; do huân tập mà thành tựu, chứng nhập cái mà mình vốn sẵn có. “Tâm này làm Phật, tâm này là Phật”, nhất tâm nhị môn, Nhị Đế (Chân Đế và Tục Đế) viên dung, Lý Sự vô ngại vậy!
1.6.5. Vãng sanh Cực Lạc cần phải hội đủ những nhân duyên nào?
* Hỏi: Người sanh về cõi An Lạc có ba bậc khác nhau, nhân duyên vãng sanh của mỗi bậc khác nhau như thế nào?
Đáp: Như trong bộ Lược Luận An Lạc Tịnh Độ Nghĩa do Đàm Loan đại sư trước tác có nói:
“Người sanh trong bậc thượng có năm nhân duyên: Một là bỏ nhà, lìa dục, làm sa-môn. Hai là phát Bồ Đề tâm. Ba là một mực chuyên niệm Vô Lượng Thọ Phật. Bốn là tu các công đức. Năm là nguyện sanh về cõi An Lạc.
Người sanh thuộc bậc trung có bảy nhân duyên: Một là phát Bồ Đề tâm. Hai là một mực chuyên niệm Vô Lượng Thọ Phật. Ba là tu thiện nhiều hay ít, vâng giữ trai giới. Bốn là tạo dựng tháp, tượng. Năm là đãi cơm sa-môn (người xuất gia). Sáu là treo phan, thắp đèn, rải hoa, đốt hương. Bảy là đem những điều ấy hồi hướng nguyện sanh về cõi An Lạc.
Người sanh trong bậc hạ có ba nhân duyên: Một là giả sử chẳng thể làm các công đức, hãy nên phát Vô Thượng Bồ Đề tâm. Hai là một mực chuyên niệm, cho đến mười niệm, niệm Vô Lượng Thọ Phật. Ba là dùng tâm chí thành, nguyện sanh về cõi An Lạc.
Lại có một hạng người vãng sanh An Lạc chẳng thuộc vào ba bậc, tức là do tâm nghi hoặc, tu các công đức, nguyện sanh về An Lạc, chẳng hiểu rõ Phật trí, cho đến vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí (trí thù thắng tối thượng không sánh bằng). Đối với các trí ấy, nghi hoặc chẳng tin, nhưng vẫn tin tội phước nhân quả, tu tập gốc lành. Tuy được vãng sanh, nhưng là sanh nơi Biên Địa của Cực Lạc, ở trong cung điện bảy báu, hưởng các sự vui sướng, trong năm trăm năm, chẳng thấy Tam Bảo, gọi là Thai Sanh. Ví như người ở trong thai, do nhân pháp chưa thành, chẳng thể thọ sanh trong bào thai. Vì sao biết? Cõi An Lạc một mực là hóa sanh, sau năm trăm năm, [kẻ Thai Sanh] mới biết lỗi của chính mình, tự trách, hối hận sâu xa, cầu lìa chỗ ấy, liền được như ý, vẫn giống như ba bậc vãng sanh”.
1.6.6. Mười niệm liên tục bèn được vãng sanh là chuyện có thể ư?
* Hỏi: Trong kinh Vô Lượng Thọ có nói bổn nguyện của đức Di Đà là “nếu có chúng sanh muốn sanh về cõi ta, chí tâm tin ưa, thậm chí mười niệm mà nếu chẳng sanh về đó, ta chẳng giữ lấy ngôi Chánh Giác”. Chỉ có mười niệm mà thật sự có thể vãng sanh ư?
Đáp: Như Đàm Loan đại sư đã nói: “Ví như có người ở chỗ đồng không mông quạnh, gặp phải oán tặc vung dao toan giết. Người ấy rảo chạy, trước mặt có một con sông, nếu vượt được sông sẽ có thể giữ nguyên cái đầu. Lúc đó, người ấy chỉ nghĩ đến phương tiện để vượt sông: Mặc áo lội qua? Hay là cởi áo rồi lội? Nếu mặc quần áo, sợ chẳng bơi qua nổi. Nếu cởi quần áo, sợ không kịp nữa. Chỉ có niệm ấy, chẳng có duyên nào khác, chỉ nghĩ vượt sông bằng cách nào, đấy chính là ‘nhất niệm’. Tâm chẳng xen tạp như thế thì gọi là ‘mười niệm liên tục’.
Hành giả niệm Phật cũng vậy (trong khi lâm chung), niệm A Di Đà Phật, giống như kẻ kia nghĩ cách vượt sông, trải qua mười niệm, hoặc chuyên niệm danh hiệu Phật, hoặc chuyên niệm tướng hảo của Phật, không có tâm niệm nào khác xen tạp, tâm niệm tiếp nối, cho đến mười niệm, thì gọi là ‘mười niệm liên tục’ (liền được vãng sanh).
Hãy nên dốc lòng tin, tự ấn định niệm sẵn (trong lúc bình thời), khiến cho tích tập thành tánh, thiện căn kiên cố, như cái cây đã nghiêng về Tây, nếu nó đổ, sẽ đổ về phía Tây. Nếu như phong đao (vô thường) xảy đến, trăm nỗi khổ tụ hội nơi thân, nếu không đã tập quen từ trước, sẽ không có cách nào niệm nổi! Lại hãy nên cùng với dăm ba người cùng chí hướng, ước hẹn với nhau, khi sắp mạng chung, sẽ nhắc nhở, trợ niệm cho nhau, khiến cho người lâm chung tiếng niệm Phật liên tục, thành tựu mười niệm. Khi mạng đã đoạn, chính là lúc sanh về cõi An Lạc”.
1.7. Giải thích về người dịch và người chú giải
1.7.1. Luận về người dịch
Người biên soạn bộ luận này là Thế Thân Bồ Tát, hành trạng của Ngài tôi để lại, sẽ giới thiệu trong phần Thích Năng Y Thị Lực Dụng (giải thích căn cứ để nương vào [mà tạo luận], chỉ bày lực dụng [của bộ luận này) trong phần sau. Nay nói về người dịch bản luận này chính là ngài Tam Tạng Bồ Đề Lưu Chi xứ Thiên Trúc [đến Trung Hoa vào] đời Nguyên Ngụy. Nguyên Ngụy2 chính là Thác Bạt Ngụy (nhà Ngụy do Thác Bạt Khuê sáng lập) thuộc Bắc Triều trong thời Nam Bắc Triều, không phải là nhà Tào Ngụy (nhà Ngụy do Tào Phi sáng lập). Thiên Trúc3 chính là Ấn Độ; vị này chính là người Bắc Ấn Độ. Tam Tạng chính là vị pháp sư tinh thông Tam Tạng Kinh Luật Luận.
Bồ Đề Lưu Chi (Bodhiruci) là tiếng Phạn, chính là danh hiệu của vị pháp sư này. Bồ Đề dịch nghĩa là Giác hay Đạo. Lưu Chi dịch là Ái (愛) hoặc Hy (希). Danh hiệu này bao hàm ý nghĩa Mong Cầu hoặc Yêu Thích Giác Đạo. Vị này khác với ngài Bồ Đề Lưu Chí đã phiên dịch kinh Đại Bảo Tích vào thời Vũ Hậu (Vũ Tắc Thiên) đời Đường. Vị pháp sư này dịch rất nhiều bộ kinh luận, như các bộ Kim Cang Kinh, Pháp Hoa Luận, Thập Địa Kinh Luận v.v… Nhất là bộ Thập Địa Kinh Luận sau khi được Ngài dịch ra, rất được phổ biến một thời, hình thành Địa Luận Tông, về sau lại trở thành Hoa Nghiêm Tông, có ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo Trung Hoa. Bộ luận này do Ngài phiên dịch cũng có mối quan hệ cực lớn đối với sự kiến lập và hoằng dương Tịnh Độ Tông Trung Hoa. Có thể nói Ngài là người đã đem Tịnh Độ Tông từ Ấn Độ truyền sang gieo cấy tại Trung Hoa.
1.7.2. Luận về người chú giải
Sau khi bộ Vãng Sanh Luận được ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch ra, tuy là cương yếu của Tịnh Độ Tông, nhưng chẳng được lưu thông rộng rãi, chú giải của bộ luận này càng ít. Chỉ có Đàm Loan đại sư vào thời Bắc Ngụy4 đã soạn chú giải tường tận cho bộ luận này, giãi bày trọn vẹn thệ nguyện của Phật Di Đà và bổn hoài của ngài Thế Thân. Khế lý, khế cơ, văn chương lưu loát, nghĩa lý phong phú, thật sự có thể mở mang chánh trí cho người khác, khiến cho người đọc dấy lòng chánh tín, chỉ bày chánh hạnh, giúp họ vãng sanh. Nhưng tiếc là tác phẩm chú giải này bị thất truyền từ lâu tại Trung Hoa! Cuối đời Thanh, cư sĩ Dương Nhân Sơn đã thỉnh từ Nhật Bản về, khắc in lưu thông. Nay chúng tôi được soạn lời giảng giải cho bộ chú giải này, thật sự là nhân duyên khó có.
Ngài Đàm Loan là người xứ Nhạn Môn tỉnh Sơn Tây (nay là huyện Đại của tỉnh Sơn Tây). Thuở trẻ, Ngài sang chơi núi Ngũ Đài, thấy thần tích linh dị; do vậy bèn phát tâm xuất gia. Đọc kinh luận Đại Thừa, do vì [nhận thấy] từ ngữ và ý nghĩa sâu xa, kín nhiệm, Ngài bèn soạn chú giải. Chẳng lâu sau, Ngài mắc bệnh về đường hô hấp, tìm thầy chữa trị khắp nơi, thể chất vẫn yếu ớt như cũ. Ngài cảm khái, than thở: “Mạng người mong manh, sáng tối vô thường, nghe nói có bậc thần tiên trường thọ xuất hiện trong nhân gian, chẳng bằng ta cầu pháp trường thọ trước đã rồi mới lại hoằng dương Phật giáo cũng chẳng phải hơn ư?” Do vậy, Ngài xuống phương Nam, theo đạo sĩ Đào Hoằng Cảnh học thuật Phục Nhĩ5
. Sau đấy, Ngài trở về Bắc Ngụy, gặp gỡ ngài Bồ Đề Lưu Chi tại Lạc Dương, kể lại quá trình cầu tiên phỏng đạo. Ngài Bồ Đề Lưu Chi quở trách Sư ngu si, xằng bậy. Ngài Đàm Loan thưa thỉnh: “Phật giáo có thuật trường sanh vượt trỗi tiên kinh hay không?” Ngài Bồ Đề Lưu Chi nói: “Chỗ nào trong xứ này có pháp trường sanh bất tử? Dẫu sống lâu, chẳng chết trong một khoảng thời gian ngắn (như Bát Tiên thường được nhắc đến), rốt cuộc cũng bị luân chuyển, có gì là đáng quý hay chăng? Trường sanh bất tử thì chỉ trong giáo pháp của đức Phật mới có!” Đại sư bèn dạy ngài Đàm Loan Thập Lục Quán Kinh (tức Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh) và bộ luận này, lại bảo Sư: “Hãy nương theo pháp này tu học, sẽ chẳng còn sanh lại trong tam giới nữa, chẳng còn trở vào lục đạo, đầy, vơi, tiêu mất, họa phước, thành bại, chẳng còn bận lòng, đấy chính là Thọ. Kiếp số nhiều như số cát sông Hằng đều chẳng thể sánh bằng được! Đấy chính là thuật trường sanh của đấng Kim Tiên vậy (Phật là Đại Giác Kim Tiên, [Kim Tiên] chẳng phải là những vị thần tiên thông tục)”. Ngài Đàm Loan hết sức vui mừng, liền đốt kinh đạo tiên, chuyên nương theo Quán Kinh và bộ luận này để tu Tịnh quán. Ngài tự hành, dạy người khác, hoằng dương pháp môn Tịnh Độ.
Ngài trước tác các bộ Vãng Sanh Luận Chú Giải, Lược Luận An Lạc Tịnh Độ Nghĩa, Tán A Di Đà Phật Kệ v.v… Trí Giả đại sư đã trích dẫn khá nhiều [đoạn văn của ngài Đàm Loan] trong bộ Thập Nghi Luận. Vua Ngụy sắc truyền Ngài trụ tại một ngôi chùa lớn ở Tinh Châu (nay là huyện Dương Khúc tỉnh Sơn Tây). Về già, Ngài chuyển sang chùa Huyền Trung tại Thạch Bích Cốc thuộc Phần Châu (nay là huyện Phần Dương, tỉnh Sơn Tây). Năm Hưng Hòa thứ tư (542), vào một tối, trong khi Thiền Quán, Ngài thấy một vị Phạm tăng tới nói: “Ta là Long Thọ, ở trong Tịnh Độ đã lâu, do ông có cùng chí hướng, cho nên đến gặp gỡ”. Tổ lại nói kệ rằng:
Dĩ lạc diệp bất khả cánh phụ chi,
Vị lai lật bất khả thực trung cầu,
Bạch câu quá khích bất khả tạm trú,
Dĩ khứ giả bất khả phản,
Vị lai giả bất khả truy,
Tại kim hà tại? Bạch câu nan khả hồi!
(Lá đã lìa cành chẳng gắn lại,
Chẳng mong ăn nổi thóc mai sau,
Ngựa trắng vụt qua há ngừng vó?
Sự đã qua rồi khó trở về,
Chuyện thuộc mai sau há truy cầu?
Hiện tại đang ở nơi đâu?
Bóng câu đã khuất tìm cầu được chăng?)
Nói xong, chẳng thấy đâu nữa. Ngài Đàm Loan tự biết đã đến lúc, liền nhóm chúng, răn dạy rằng: “Vất vả nhọc nhằn cả đời, chẳng nghỉ ngày nào! Các nỗi khổ trong địa ngục chẳng thể không kinh sợ. Chín phẩm Tịnh nghiệp chẳng thể không tu”. Do vậy, Ngài bèn bảo các đệ tử lớn tiếng xướng A Di Đà Phật, hướng về phương Tây lễ bái mà tạ thế. Đại chúng trong chùa đều thấy phan, hoa, tràng, lọng từ phương Tây đi đến, nhạc trời vang rền trên không trung hồi lâu mới hết.
Do vậy, có thể thấy ngài Đàm Loan không chỉ chú giải luận này lợi ích các liên hữu trong Tịnh Tông, mà còn thân tâm quy mạng A Di Đà Phật, tận lực tu pháp môn Ngũ Niệm, thành tựu Tịnh nghiệp, được sanh về Tịnh Độ, đúng là gương mẫu cho các đệ tử Phật môn trong hiện thời, nêu gương cho Tăng chúng. Chỉ mong kẻ thấy người nghe, đều cùng phát tâm thù thắng, nương theo Bồ Tát đạo dễ hành này để vượt thoát tam giới theo chiều ngang, mau chóng ngự lên ngôi Bất Thoái, cùng thành Phật đạo. Đấy là điều tôi mong mỏi vậy!
- Chánh giảng(phần giảng giải chánh yếu)
2.1. Huyền nghĩa
2.1.1. Phán định rạch ròi giáo pháp
2.1.1.1. Nêu rõ giáo tướng của hai đạo
(Chú) Cẩn án Long Thọ Bồ Tát Thập Trụ Tỳ Bà Sa vân: “Bồ Tát cầu A Bệ Bạt Trí hữu nhị chủng đạo: Nhất giả, nan hành đạo, nhị giả, dị hành đạo”.
(註)謹案龍樹菩薩十住毘婆沙云。菩薩求阿鞞跋致有二種道。一者難行道。二者易行道。
(Chú: Kính xét theo bộ Thập Trụ Tỳ Bà Sa của Long Thọ Bồ Tát có nói: “Bồ Tát cầu A Bệ Bạt Trí thì có hai loại đạo: Một là đạo khó hành, hai là đạo dễ hành”).
Đây là người chú giải, tức Đàm Loan đại sư, trước khi giải thích lời luận theo từng câu, đã chia đại lược các nghĩa lý u huyền, trọng yếu chứa đựng trong bộ luận này thành hai khoa để diễn nói. Một khoa là nêu ra giáo tướng của hai đường lối, khoa kia là giải thích đề mục và nêu đại cương [của bộ luận này]. Phần này tương đương với phần Huyền Nghĩa của tông Thiên Thai, hoặc phần Huyền Đàm của tông Hiền Thủ.
Ngài Đàm Loan nêu ra giáo tướng của hai đường lối dựa theo cách nói trong bộ Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận do Long Thọ Bồ Tát biên soạn, chẳng phải là sáng kiến của chính Ngài.
Long Thọ (Nāgārjuna, 龍樹) là tên riêng của một vị Bồ Tát. Khoảng chừng bảy trăm năm sau khi đức Phật Thích Ca nhập diệt, Bồ Tát xuất sanh tại Nam Ấn Độ, thông huệ hơn người, nổi danh từ trẻ. Ngài chơi thân thiết với ba người bạn, đều là những bậc tuấn kiệt đương thời. Họ đều học được thuật ẩn thân của bọn đạo sĩ, vào trong cung của quốc vương gian dâm các phi tần, người khác chẳng thấy hình dạng của họ, ra vào tự do. Về sau, chuyện bại lộ, ba người bạn đều bị chết dưới lưỡi đao, chỉ mình Ngài thoát chết, mới ngộ “dục là cội khổ”, chán dục mà xuất gia. Trong chín mươi ngày, Ngài tụng trọn Tam Tạng, hiểu rõ ý nghĩa. Về sau, Ngài được Đại Long dẫn vào cung rồng, mở hộp bảy báu, trao truyền các diệu pháp Đại Thừa. Ngài chuyên tâm đọc tụng, cũng trải qua chín mươi ngày, thâm nhập Vô Sanh Pháp Nhẫn, rồng lại đưa Ngài trở về. Ngài bèn hoằng dương Phật pháp rộng lớn tại Nam Ấn Độ, tuyên dương rộng rãi Đại Thừa. Về sau, do có một tỳ-kheo Tiểu Thừa thường ôm lòng ghen ghét, ngài Long Thọ bèn hỏi: “Ông có thích tôi trụ thế lâu dài hay không?” Tỳ-kheo đáp rằng: “Tôi thật sự chẳng muốn”. Ngài Long Thọ liền vào thất vắng, như ve thoát xác mà qua đời. Sau khi Ngài tạ thế, các quốc vương dựng miếu thờ, tôn kính Ngài như Phật. Do Ngài được mẹ sanh ra dưới cội cây, lại do rồng mà thành tựu đạo nghiệp, nên lấy tên là Long Thọ. Ngài là vị Tổ thứ mười ba của Thiền Tông, thọ mạng trụ thế hơn hai trăm năm, duy trì Đại Thừa Phật pháp, độ vô số người.
Bồ Tát chính là Bồ Đề Tát Đỏa (Bodhisattva) gọi tắt, dịch nghĩa là “hữu tình giác ngộ”. Phàm là người phát tâm Bồ Đề, trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh, đều có thể gọi là Bồ Tát. Công hạnh của Bồ Tát có xa hay gần, trí huệ có cạn hay sâu. Mười Tín vị thuộc Biệt Giáo chính là Sơ Phát Tâm Bồ Tát, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng chính là bốn địa vị gia hạnh, được gọi là Tam Hiền Bồ Tát. Thập Địa là thánh vị Bồ Tát. Ngài Long Thọ là thánh vị Bồ Tát; trong kinh Lăng Già, đức Phật có nói ngài Long Thọ là Sơ Địa Bồ Tát, tức là vị Bồ Tát vừa mới đạt được Vô Sanh Pháp Nhẫn.
Thập Trụ Tỳ Bà Sa (Daśabhūmikavibhāṣā): Tỳ Bà Sa (Vibhāṣā) là tiếng Phạn, dịch nghĩa là Quảng Thuyết (廣說, nói rộng), hoặc là Quảng Giải (廣解, giải thích rộng rãi, cặn kẽ), hoặc Thắng Thuyết (勝說, lời nói thù thắng), hoặc Chủng Chủng Thuyết (種種說, nói ra đủ mọi thứ). Thập Trụ chính là địa vị Thập Địa trong Biệt Giáo. Thập Trụ Tỳ Bà Sa là tên một bộ luận, còn gọi là Thập Trụ Luận. Bộ luận ấy nhằm giải thích hai địa vị đầu tiên trong phẩm Thập Địa của kinh Hoa Nghiêm, do Long Thọ Bồ Tát trước tác. Vào thời Diêu Tần ở Trung Hoa, bộ luận ấy được ngài Cưu Ma La Thập dịch sang tiếng Hán. Toàn thể bộ luận gồm mười lăm quyển, [chia thành] ba mươi lăm phẩm, phẩm thứ tám là A Bệ Bạt Trí Tướng và phẩm thứ chín là Dị Hành, có đoạn viết: “Bồ Tát cầu A Bệ Bạt Trí (cầu bất thoái chuyển), có hai đường lối, một là đạo khó hành, hai là đạo dễ hành”.
2.1.1.2. Giải thích về sự khó dễ giữa hai đường
(Chú) Nan hành đạo giả, vị ư ngũ trược chi thế, ư vô Phật thời, cầu A Bệ Bạt Trí vi nan. Thử nan nãi hữu đa đồ, thô ngôn ngũ tam, dĩ thị nghĩa ý. Nhất giả, ngoại đạo tướng thiện loạn Bồ Tát pháp. Nhị giả, Thanh Văn tự lợi chướng đại từ bi. Tam giả, vô lại ác nhân phá tha thắng đức. Tứ giả, điên đảo thiện quả, năng hoại Phạm hạnh. Ngũ giả, duy thị tự lực, vô tha lực trì. Như tư đẳng sự, xúc mục giai thị. Thí như lục lộ, bộ hành tắc khổ. Dị hành đạo giả, vị đản dĩ tín Phật nhân duyên, nguyện sanh Tịnh Độ, thừa Phật nguyện lực, tiện đắc vãng sanh bỉ thanh tịnh độ. Phật lực trụ trì, tức nhập Đại Thừa Chánh Định chi tụ. Chánh Định tức thị A Bệ Bạt Trí, thí như thủy lộ thừa thuyền tắc lạc.
(註)難行道者。謂於五濁之世。於無佛時。求阿鞞跋致為難。此難乃有多途。粗言五三以示義意。一者外道相善亂菩薩法。二者聲聞自利障大慈悲。三者無賴惡人破他勝德。四者顛倒善果能壞梵行。五者唯是自力。無他力持。如斯等事觸目皆是。譬如陸路。步行則苦。易行道者。謂但以信佛因緣。願生淨土。乘佛願力。便得往生彼清淨土。佛力住持。即入大乘正定之聚。正定即是阿鞞跋致。譬如水路。乘船則樂。
(Chú: “Đạo khó hành” là trong đời ngũ trược, lúc chẳng có Phật, cầu A Bệ Bạt Trí khó khăn. Sự khó khăn ấy có nhiều lối, nói thô thiển dăm ba điều để nêu tỏ nghĩa này. Một là những điều thiện thuộc về hình tướng của ngoại đạo gây rối loạn pháp Bồ Đề. Hai là Thanh Văn vì tự lợi mà chướng ngại lòng đại từ bi. Ba là kẻ ác vô lại phá hoại phẩm đức thù thắng của người khác. Bốn là điên đảo thiện quả, có thể phá hoại Phạm hạnh. Năm, chỉ là tự lực, không được tha lực duy trì. Những chuyện như thế chỗ nào cũng đều thấy. Ví như đi theo đường bộ, đi bộ thì khổ. “Đạo dễ hành” là do nhân duyên tin Phật, nguyện sanh về Tịnh Độ, nương vào nguyện lực của Phật liền được sanh về cõi thanh tịnh ấy. Do được Phật lực gia trì, liền dự vào Chánh Định Tụ của Đại Thừa. Chánh Định chính là A Bệ Bạt Trí, ví như theo đường thủy, ngồi thuyền thì vui).
Đoạn văn này nhằm giải thích về Nan Hành và Dị Hành Đạo, tức là lời giải thích của ngài Đàm Loan đối với lời luận định trong Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận hòng khiến cho hết thảy các Bồ Tát sơ tâm hiểu rõ để hành Bồ Tát đạo, ngõ hầu đạt đến địa vị Bất Thoái Chuyển, sẽ có hai đường lối khó và dễ khác nhau. Đối với cả hai đường lối đều là trước hết giải thích, sau đó dùng thí dụ để chỉ rõ.
Nan Hành Đạo tức là đường lối hành trì khó khăn trong Bồ Tát đạo. Các kinh luận Đại Thừa thường nói, Bồ Tát từ sơ phát Bồ Đề tâm lần lượt trải qua bốn địa vị gia hạnh, tức Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh và Thập Hồi Hướng, cần phải mất một đại A-tăng-kỳ kiếp rồi mới đăng địa (chứng địa vị Sơ Địa). Từ Sơ Địa cho đến Bát Địa, lại phải trải qua một đại A-tăng-kỳ kiếp nữa. Từ Bát Địa cho đến Thập Địa, lại phải mất một đại A-tăng-kỳ kiếp. Thường nói là “tam kỳ tu phước huệ, bách kiếp tu tướng hảo, thỉ đắc thành Phật” (ba đại A-tăng-kỳ kiếp tu phước huệ, trăm kiếp tu tướng hảo thì mới được thành Phật). Trước khi đắc Bất Thoái Chuyển, thường là có lúc tiến, có lúc lùi, phải là sau khi đã đăng địa thì mới đảm bảo không thoái chuyển (tức A Bệ Bạt Trí). Đấy là một đường lối Bồ Tát đạo rất khó hành. Vì sao khó khăn dường ấy? Tiếp đó, lời Luận bèn kèm theo phần giải thích nguyên nhân.
“Ngũ trược chi thế” (Đời ngũ trược): Bồ Tát sanh nhằm đời ác ngũ trược, muốn tu phước và tu huệ khó lắm! Ngũ Trược là năm thứ Kiếp Trược, Kiến Trược, Phiền Não Trược, Chúng Sanh Trược, và Mạng Trược. Tôi đã giảng giải cặn kẽ ý nghĩa bao hàm trong các danh từ ấy từ trang tám mươi bốn cho đến trang tám mươi bảy trong bộ Vô Lượng Thọ Kinh Giảng Nghĩa cho nên chẳng nhắc lại.
“Ư vô Phật thời” (Trong lúc không có Phật): Tức là Bồ Tát sanh nhằm lúc trước Phật hay sau Phật; điều này là một trong tám nạn. Do vậy, tu hành khó khăn, đắc Bất Thoái Chuyển khó khăn, chứng quả thành Phật càng khốn khó. Như đức Thích Ca Thế Tôn vào hơn hai ngàn năm trăm năm trước, đã thị hiện giáng sanh tại Ấn Độ. Sau đấy, Ngài thành Phật, thuyết pháp độ sanh, chỉ có tám mươi năm bèn diệt độ. Trước khi Phật giáng sanh và sau khi Phật nhập diệt đều là “vô Phật thời” (thời gian không có Phật). Sau khi Phật Thích Ca diệt độ, phải qua năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm sau mới có Di Lặc Bồ Tát thị hiện sanh trong thế giới này (trên địa cầu) của chúng ta, xuất gia, tu hành thành Phật. Đến khi ấy mới là thời có Phật tại thế. Vì thế, kinh Pháp Hoa có nói: “Phật nan đắc trị, như Ưu Đàm Bát La hoa, hựu như nhất nhãn chi quy trị phù mộc khổng” (Đức Phật khó gặp gỡ như hoa Ưu Đàm Bát La, lại như con rùa một mắt gặp bộng cây nổi).
“Cầu A Bệ Bạt Trí vi nan” (Cầu Bất Thoái Chuyển khó khăn): A Bệ Bạt Trí (Avaivartika) là tiếng Phạn, còn phiên âm là A Duy Bạt Trí. A Bệ Bạt Trí dịch nghĩa là Bất Thoái Chuyển. Bồ Tát mong cầu đạt đến Bất Thoái Chuyển đúng là khó khăn. Bởi lẽ, Bồ Đề tâm dễ phát, nhưng cái tâm dài lâu sẽ khó có. Như trong kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật đã nói: “Vô lượng chúng sanh phát Vô Thượng Bồ Đề tâm, ngộ thiểu vi duyên, ư Vô Thượng Bồ Đề đạo, tức tiện thoái chuyển. Như thủy trung nguyệt, thủy động tắc động. Thí như ngư mẫu, đa hữu thai noãn, thành ngư giả tiễn. Như Am-ma-la thụ, hoa đa quả thiểu. Chúng sanh phát tâm, nãi hữu vô lượng, đản kỳ thành tựu, thiểu bất túc ngôn” (Vô lượng chúng sanh phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, gặp chút duyên trái nghịch liền thoái chuyển nơi đạo Vô Thượng Bồ Đề. Như trăng [hiện bóng] trong nước, hễ nước động, bóng trăng động theo. Ví như cá mẹ có nhiều trứng, trứng nở thành cá con ít ỏi. Như cây Am-ma-la, hoa nhiều, trái ít. Chúng sanh phát tâm số đến vô lượng, nhưng người thành tựu ít ỏi chẳng đáng nhắc tới). Lại như ngài Xá Lợi Phất trong đời quá khứ từng phát tâm Đại Thừa, hành Bồ Tát đạo, trong sáu mươi kiếp, từ Sơ Trụ đạt đến Lục Trụ, lúc tiến, lúc lùi, kết quả là thoái chuyển thành Nhị Thừa Thanh Văn! Do vậy có thể biết, Bồ Tát trước khi đắc Bất Thoái Chuyển được gọi là “khinh mao Bồ Tát” (Bồ Tát nhẹ như lông tơ), tức là vật bị gió cuốn, bị chuyển theo cảnh.
Bất Thoái Chuyển có bốn tầng cấp:
1) Thất Trụ trong Biệt Giáo, Thất Tín trong Viên Giáo đã đoạn hết Kiến Tư Hoặc, liễu thoát Phần Đoạn Sanh Tử, vượt thoát tam giới, chẳng còn là phàm phu trong lục đạo. Đấy gọi là Vị Bất Thoái.
2) Từ Bát Trụ của Biệt Giáo cho đến viên mãn Thập Hồi Hướng, phá vô minh, chứng Pháp Thân, chẳng còn lui mất Bồ Tát hạnh. Đó gọi là Hạnh Bất Thoái.
3) Từ Sơ Địa cho đến Bát Địa của Biệt Giáo, niệm nào cũng đều lưu nhập biển Nhất Thiết Trí, thuận theo Chân Như Pháp Tánh. Đó gọi là Niệm Bất Thoái.
4) Từ Bát Địa cho đến Thập Địa, tam kỳ hạnh (sự tu hành trong ba đại A-tăng-kỳ kiếp) đã viên mãn, gọi là Đẳng Giác Bồ Tát, đạt được bốn chân đức “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh”, thì gọi là Cứu Cánh Bất Thoái.
Nhìn từ chỗ này, Bồ Tát mong cầu Bất Thoái Chuyển xác thực là rất khó. Sự khó khăn ấy không phải chỉ là thời gian dài lâu, đường nẻo xa xôi, mà là còn do có nhiều nhân tố. Vì thế, Đàm Loan đại sư nói: “Thử nan nãi hữu đa đồ, thô ngôn ngũ tam, dĩ thị nghĩa ý” (Sự khó khăn ấy có nhiều lối, nói thô thiển dăm ba điều để chỉ bày ý nghĩa): “Thô ngôn” là nêu ra đại lược năm thứ nhân tố và ý nghĩa khó khăn, chẳng thể nói cặn kẽ nổi!
“Nhất giả, ngoại đạo tướng thiện, loạn Bồ Tát pháp” (Một là các điều thiện thuộc về hình tướng của ngoại đạo rối loạn pháp Bồ Tát):“Ngoại đạo” là cầu pháp ngoài tâm thì gọi là ngoại đạo, cũng là nói đến các thứ tôn giáo ngoài Phật giáo. Chữ “tương” (相) đọc thành “tướng”, tức tướng trạng biểu thị. “Tướng thiện” tức là nói hết thảy các tôn giáo đều khuyên mọi người làm lành, nhưng làm bao nhiêu chuyện từ thiện cứu tế, hoặc những tín đồ tôn giáo khác làm lành biểu lộ ra ngoài thường bị người đời ngộ nhận họ là Bồ Tát. Thật ra, bậc Bồ Tát có đại tâm, đại trí, vô ngã, vô chấp, tâm hạnh của Bồ Tát là xả mình hòng lợi người. Chớ nên chẳng hiểu rõ, lẫn lộn với những chuyện làm lành thông thường. Lại còn có những kẻ chẳng hiểu rõ ý nghĩa của [danh xưng] Bồ Tát, coi những thứ thần tượng tô đắp hoặc khắc gỗ đều là Bồ Tát. Hãy nên biết: Nếu có thể biết các thứ công đức nơi Phật quả, phát khởi tâm nguyện mong cầu đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, phải có tinh thần đại vô úy, tận tụy đảm đương chuyện phổ độ chúng sanh hòng đều làm cho họ lìa khổ, được vui, cùng được thành Phật, phải thực hiện sự nghiệp cứu đời, cứu người trong thời gian và không gian vô lượng vô hạn; đấy mới là Bồ Tát. Những thiện hạnh chẳng rốt ráo do ngoại đạo đã thực hiện trong một lúc làm sao có thể sánh bằng Bồ Tát hạnh chân thật cho được? Nhưng người đời phần lớn chẳng phân biệt hơn kém, tuân theo tà sư, tin tưởng ngoại đạo, lầm lạc đi vào ngõ rẽ. Tri kiến và hành vi của ngoại đạo trong thế gian đã nhiễu loạn pháp môn độ sanh của Bồ Tát, khiến cho Bồ Tát muốn hóa độ chúng sanh, thành tựu phước huệ trang nghiêm trở thành khó khăn. Do vậy nói: “Ngoại đạo tướng thiện, loạn Bồ Tát pháp” (Những điều thiện thuộc về hình tướng của ngoại đạo gây rối loạn cho pháp Bồ Tát). Tục ngữ có câu: “Chỉ lộc vi mã” (Chỉ nai nói là ngựa), tợ hồ là đúng nhưng sai be bét; đấy chẳng phải là hiện tượng phổ biến trong thế gian đó sao? Huống chi xưa, nay, trong ngoài nước, còn có những phường ngoại đạo xen tạp, ăn bám Phật giáo, vờ vĩnh mượn danh xưng Phật Pháp Tăng và hoằng pháp lợi sanh để tận lực làm những chuyện chẳng phù hợp Phật pháp hoặc giới luật, chẳng hợp nhân quả và pháp Bồ Tát. Hoặc là tu mù luyện đui, hoặc là bày ra những trò lạ lùng để mê hoặc mọi người, hoặc là dối gạt chúng sanh, hoặc là tham cầu danh lợi, hoặc là tà tri tà kiến, tự lầm, lầm người, kéo nhau vào hầm lửa! Những điều ấy được gọi là “loạn Bồ Tát pháp”. Chẳng hạn như có một thiểu số Bồ Tát xuất gia nói:
1) Làm Bồ Tát chẳng sợ sanh tử, chẳng mong liễu sanh tử, cứ mong đời đời kiếp kiếp trụ trong sanh tử hòng vẫy vùng độ chúng sanh.
2) Giới luật xuất gia do đức Phật chế định chẳng còn phù hợp thời đại, cần phải phế trừ, phải sửa đổi!
3) Học Phật thì phải học theo Di Lặc Bồ Tát, chẳng tu Thiền Định, chẳng đoạn phiền não.
4) Làm bậc xuất gia Bồ Tát thì cần gì phải đoạn dục? Hãy nên giống như người đời cũng có thể có vợ chồng, gia đình riêng.
5) Xuất gia Bồ Tát chẳng cần phải bó buộc bởi giới luật Thanh Văn, đừng nên chấp tướng, chẳng ngại cùng người đời tranh quyền đoạt lợi, tham gia chánh trị, kinh doanh, chẳng ngại làm chuyện giết, trộm, dâm, dối, hút thuốc phiện, uống rượu!
6) Phật ở trong tâm, chúng ta vốn là Phật, chẳng cần phải trì giới, tu hành, hết thảy phương tiện tùy duyên tự tại; đấy mới là Bồ Tát.
Ngoài ra, có một số ít tại gia Bồ Tát thì cho rằng:
1) Tại gia Bồ Tát chẳng cần phải trì trai, ăn chay.
2) Tại gia Bồ Tát cũng là một ngôi trong Tam Bảo (hoặc cho rằng phải nên có Tứ Bảo), có thể làm thầy quy y cho người khác, và làm Trụ Trì của chùa miếu, cho đến làm thầy truyền giới, pháp sư, thầy thế độ, lý sự trưởng của hội Phật giáo v.v…
3) Hàng bạch y ngồi tòa cao, tỳ-kheo ngồi dưới thấp, [bạch y] tiếp nhận người xuất gia lễ bái, cúng dường, cho đến sai khiến người xuất gia làm mọi chuyện thế tục đều được!
4) Tại gia Bồ Tát hành Bồ Tát đạo thuận tiện hơn. Do vậy, phản đối xuất gia tu hành, trở ngại người khác xuất gia, thậm chí khuyên hàng xuất gia phá giới.
5) Nếu xuất gia, xuất gia trong thời gian ngắn thì được, [tức là xuất gia trong vòng] một tuần hay mười ngày, chẳng trở ngại sự nghiệp trong cõi đời, mà cũng có công đức giống như xuất gia suốt đời. Đấy mới là thích hợp nhu cầu của người hiện thời.
6) Trụ trì Phật pháp, hoằng dương Phật pháp, hãy nên đi theo hướng xã hội, cần phải hòa lẫn với người đời thành một khối, cần phải chọn phương cách xí nghiệp hóa, hiện đại hóa, nghệ thuật hóa, ca múa, hát xướng, uống rượu, chơi bời, xem tướng, bói toán, kéo bè kết đảng mưu toan riêng tư đều chẳng bị cấm kỵ. Chỉ cốt sao tín đồ ngày càng đông, chẳng nề hà bất cứ thủ đoạn nào! Đấy mới là Bồ Tát, mới có thể khiến cho Phật pháp phổ cập.
Tôi nói những điều ấy, chẳng qua là “nêu ra một góc, để suy ra ba góc”, thật ra, những kiểu nói và sự tướng “tợ hồ là đúng, nhưng sai be bét” ấy đã uế tạp, che lấp hạnh Bồ Tát và pháp Bồ Tát chân thật. Nói mãi chẳng xong, kể chẳng hết! Những điều ấy đều có thể gọi là “ngoại đạo tướng thiện, loạn Bồ Tát pháp”. Vì những người ấy toàn là nội tâm thật sự ngoại đạo, bề ngoài khoác lấy danh xưng Bồ Tát!
“Nhị giả, Thanh Văn tự lợi, chướng đại từ bi” (Hai là Thanh Văn tự lợi, chướng ngại lòng đại từ bi): Thanh Văn tức là tứ chúng đệ tử nghe lời dạy về Tứ Thánh Đế của đức Phật bèn tu hành, chứng Sơ Quả, Nhị Quả, Tam Quả, Tứ Quả của Tiểu Thừa. Vì họ chỉ cầu liễu sanh thoát tử cho chính mình, chẳng có tâm hóa độ chúng sanh, nên nói là “Thanh Văn tự lợi”. Bồ Tát khác hẳn, ắt cần phải phát Bồ Đề tâm thì mới có thể gọi là Bồ Tát. Nhưng Bồ Đề tâm ắt cần phải nương vào cái tâm đại từ đại bi làm Thể. Nếu không có tâm từ bi, tức là không có Bồ Đề tâm, sẽ chẳng gọi là Bồ Tát. Do hàng Thanh Văn chỉ vì tự mình liễu thoát, chỉ có tâm xuất ly, chẳng có lòng từ bi, cho nên nói “chướng đại từ bi”, cũng chính là chướng ngại phát Bồ Đề tâm, chẳng thể tu Bồ Tát hạnh. Bồ Tát hạnh chính là nguyên nhân để thành tựu Bồ Tát đạo.
“Tam giả, vô lại ác nhân phá tha thắng đức” (Ba là kẻ vô lại phá hoại phẩm đức thù thắng của người khác): “Vô lại” (無賴) là kẻ chẳng chú trọng chánh nghiệp, chẳng có thiện tâm, buông lung, biếng nhác. Đã không có thiện tâm, tất nhiên sẽ làm ác, nên gọi là “ác nhân”. Hạng này có hai loại: Một là thế gian, tức những phần tử bất lương trái phạm pháp luật và kỷ cương, gian trá, trốn thuế trong xã hội. Hai là những kẻ trong Phật môn, tức là những hạng người bại hoại trong Tăng đoàn ăn bám Phật pháp, phá trai, phạm giới. Những kẻ ác ấy tự mình làm ác, lại còn đố kỵ bậc hiền thiện, thấy người khác làm lành, trì giới, tu hành, liền đơm đặt, phỉ báng, thậm chí vu vạ, hãm hại người khác, khiến cho người khác thân bại danh liệt, hoặc táng thân mất mạng! Do vậy nói là “phá tha thắng đức”. Xưa nay trong ngoài nước, những chuyện như vậy rất nhiều. Như các vị Tử Bách, Hám Sơn đại sư vào cuối đời Minh, lão hòa thượng Hư Vân, Từ Hàng Bồ Tát v.v… vào thời Dân Quốc hoặc là bị giam cầm trong lao ngục, hoặc là bị đánh đập, hoặc là bị lưu đày, bị sung quân v.v… chính là sự thật [chứng tỏ những kẻ vô lại đã phá hoại các Ngài].
“Tứ giả, điên đảo thiện quả, năng hoại phạm hạnh” (Bốn là điên đảo thiện quả, có thể phá hoại phạm hạnh): “Điên đảo thiện quả” tức là làm các thiện nghiệp hữu lậu thế gian, sẽ đạt được thiện quả hữu lậu trong thế gian. Chẳng hạn như tuân hành khuôn phép đạo đức thế gian, làm một công dân an phận, vâng giữ pháp luật, hoặc là có thể thọ trì Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện, làm những chuyện từ thiện cứu tế, nhưng chẳng hiểu Phật pháp, chưa phát tâm xuất ly và Bồ Đề tâm, khuyết thiếu tâm từ bi, nhưng vẫn tin tưởng nhân quả thiện ác, chỉ cầu phước báo nhân thiên. Người như thế tuy làm lành, nhưng đều thuộc vào thiện nghiệp hữu lậu, chỉ đạt được phú quý trong nhân gian, cho đến sanh lên trời hưởng phước. Thế nhưng hưởng hết phước lạc, ắt sẽ đọa xuống, khó tránh khỏi đọa trong tam đồ chịu khổ. Điều này được gọi là “tam thế oán”. Đời này tạo nhân lành, đời sau hưởng quả lành phú quý. Do phú quý bèn rộng tạo các ác nghiệp, đời sau ắt bị ác báo. Điều này được gọi là “điên đảo thiện quả”. Bồ Tát thực hiện sự nghiệp tự lợi, lợi tha, nếu chẳng thể “tam luân thể không”, sẽ có sự chấp trước, tham cầu phước lạc thế gian. Vậy thì tuy người ấy có thể làm Chuyển Luân Thánh Vương, hoặc làm quốc sư của hoàng đế, nhưng chẳng thể thành bậc thánh nhân xuất thế thuộc tam thừa. Do vậy nói là “năng hoại phạm hạnh” (có thể phá hoại phạm hạnh). “Phạm hạnh” (梵行) nói theo nghĩa rộng chính là thánh đạo được hành bởi các bậc thánh nhân tam thừa, cho đến các hạnh thanh tịnh nơi tam nghiệp được tu bởi các tín đồ tôn giáo. Nói theo nghĩa hẹp, phạm hạnh là các hạnh nhằm đoạn Ngũ Dục và đắc Thiền Định thế gian. Do [hành các hạnh ấy] có thể sanh lên Phạm Thiên, nên gọi là Phạm Hạnh. Những phạm hạnh dù rộng hay hẹp ấy đều bị mất đi, chẳng đạt được lợi ích xuất thế. Vì vậy nói là “năng hoại phạm hạnh” (phạm hạnh có thể hư hoại). Chẳng hạn như Vĩnh thiền sư đời Đường chuyển thế làm Phòng thái úy, một vị Ni tụng kinh Pháp Hoa đời Tống chuyển thân, đọa làm quan kỹ (kỹ nữ chính thức do hệ thống quan quyền quản lý), một vị Tăng ở núi Nhạn Đãng chuyển thế thành gian thần Tần Cối, hậu thân của ngài Thanh Thảo Đường là Tăng Lỗ Công, hậu thân của Triết thiền sư là một người đại quý, đều thuộc vào trường hợp này.
“Ngũ giả, duy thị tự lực, vô tha lực trì” (Năm, chỉ là tự lực, chẳng có tha lực duy trì): Bồ Tát từ phát Bồ Đề tâm, tu Bồ Tát hạnh, cho đến khi thành Phật, theo đường lối thông thường là phải trải qua nhị đạo ngũ Bồ Đề, hoặc là năm địa vị, mười ba trụ, thời gian là ba đại A-tăng-kỳ kiếp (tôi đã nói tường tận những điều này trong bộ Tâm Kinh Quán Hạnh Giải). Toàn bộ quá trình ấy cậy vào Tam Huệ Văn Tư Tu của chính mình để thực hiện, vì thế nói là “duy thị tự lực” (chỉ là tự lực). Trong quá trình tu chứng, tuy có thể đạt được Pháp Thân của chư Phật (do đồng thể với Bồ Tát), và được Tam Bảo ngầm gia hộ, nhưng chẳng có Phật lực rõ rệt (bao gồm nguyện lực, thần thông lực, trí huệ lực, và sức cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn của Phật) gia bị, nhiếp thọ, hộ trì, khiến cho Bồ Tát chẳng đánh mất Bồ Đề tâm, chẳng lui sụt Bồ Tát hạnh, nên nói là “vô tha lực trì” (chẳng có tha lực duy trì).
“Như tư đẳng sự, xúc mục giai thị” (Những chuyện như vậy chỗ nào cũng đều có): Năm thứ chướng ngại sự tu hành của hàng Bồ Tát như vừa nói trên đây bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào cũng đều có thể thấy được.
“Thí như lục lộ, bộ hành tắc khổ” (Ví như đi theo đường bộ, đi bộ thì khổ): Đây là nêu thí dụ. Như người có chuyện phải đi xa, giả sử đi đường bộ, chỉ cậy vào hai chân để bước đi; đấy là chuyện hết sức gian nan, khốn khổ. Do vậy, [đường lối này] được gọi là Nan Hành Đạo.
“Dị hành đạo giả”, ngược lại, hành Bồ Tát đạo ngoài ra còn có một pháp môn tu trì dễ dàng. Đã giản dị, lại còn thẳng chóng, có thể chứng đắc thánh quả (địa vị Bất Thoái) rất nhanh. Vì thế gọi là Dị Hành Đạo.
“Đản dĩ tín Phật nhân duyên, nguyện sanh Tịnh Độ” (Chỉ do nhân duyên tin Phật, nguyện sanh về Tịnh Độ): Dị Hành Đạo như Đàm Loan đại sư đã nói chẳng giống những cách “khai quan, điểm khiếu”, hoặc dùng mật chú, vẽ bùa, thần thông, bí quyết chi đó của ngoại đạo! Chỉ cần phát Bồ Đề tâm, tín, nguyện, niệm, hạnh trọn đủ, thì sẽ có thể vãng sanh. Nhất là đối với sự vãng sanh Tịnh Độ, phải có “lòng tin sâu đậm, nguyện thiết tha”, niệm hạnh sẽ tự ở trong ấy, không ai chẳng vãng sanh. “Tin vào nhân duyên của Phật” là tin vào ba kinh Tịnh Độ do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói, tin A Di Đà Phật tu nhân chứng quả, nhiếp hóa, tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh Cực Lạc Tịnh Độ, đủ mọi sức công đức chẳng thể nghĩ bàn! Nhất là phải tin A Di Đà Phật là Pháp Giới Thân vào trong tâm tưởng của hết thảy chúng sanh, “tâm này làm Phật, tâm này là Phật”, Phật Di Đà là Di Đà trong tâm chúng sanh, chúng sanh là chúng sanh trong tâm A Di Đà Phật. Phật Di Đà nghĩ tới chúng sanh như mẹ nghĩ đến con; chúng sanh niệm Phật Di Đà như con nghĩ đến mẹ. Mẹ và con nghĩ đến nhau như thế, ắt được vãng sanh Tịnh Độ, đích thân thấy Phật Di Đà, nghe pháp khai ngộ, đắc Bất Thoái Chuyển. Chỉ cần có tín tâm như thế, dùng cái tâm ấy để niệm Phật Di Đà, hành Thập Thiện, phát nguyện cầu sanh Cực Lạc. Đấy là hạnh môn ai nấy đều làm được dễ dàng, thuộc về tự lực của chúng sanh, thành tựu nhân duyên (điều kiện) vãng sanh Cực Lạc, ắt sẽ được sanh về Tịnh Độ. Vì thế nói “đản dĩ tín Phật nhân duyên, nguyện sanh Tịnh Độ” (chỉ do nhân duyên tin Phật, nguyện sanh về Tịnh Độ).
“Thừa Phật nguyện lực, tiện đắc vãng sanh bỉ thanh tịnh độ” (Nương vào nguyện lực của Phật liền được sanh về cõi thanh tịnh ấy): Năm câu kế đó thuộc về Tha Lực (sức bổn nguyện của Phật Di Đà), nên nói là “thừa Phật nguyện lực” (nương vào nguyện lực của Phật). Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Bổn Sư đã vì chúng ta giới thiệu nhân địa của Phật Di Đà: Khi Ngài làm tỳ-kheo Pháp Tạng, đã đối trước Thế Tự Tại Vương Phật, xứng tánh phát ra bốn mươi tám đại nguyện. Trải qua vô lượng kiếp, dùng hạnh để thực hiện nguyện, mỗi nguyện đều có quyết tâm “nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác” (nếu chẳng được như vậy, tôi chẳng giữ lấy ngôi Chánh Giác), khiến cho [những nguyện ấy] hoàn toàn được thực hiện, đạt thành. Vì vậy, bốn mươi tám đại nguyện ấy chính là chiếc thuyền Từ trong biển khổ, là chiếc thuyền cứu độ to lớn khiến cho chúng sanh lìa khổ được vui. Chỉ cần chúng sanh có thể tin tưởng, chịu lên thuyền, không ai chẳng được sanh vào thế giới Cực Lạc là cõi thanh tịnh trang nghiêm của Phật Di Đà, “chẳng có các nỗi khổ, chỉ hưởng những điều vui”.
“Phật lực trụ trì, tức nhập Đại Thừa Chánh Định chi tụ, Chánh Định tức thị A Bệ Bạt Trí” (Do Phật lực duy trì, liền dự vào Chánh Định Tụ của Đại Thừa. Chánh Định chính là Bất Thoái Chuyển): Đàm Loan đại sư đã căn cứ vào lời dạy trong kinh Vô Lượng Thọ: “Kỳ hữu chúng sanh, sanh bỉ quốc giả, giai tất trụ ư Chánh Định chi tụ. Bỉ Phật quốc trung, vô chư Tà Tụ, cập Bất Định Tụ” (Nếu có chúng sanh sanh vào cõi ấy, thảy đều trụ trong Chánh Định Tụ. Trong cõi của đức Phật ấy, không có các thứ Tà Định Tụ và Bất Định Tụ), và nguyện thứ mười một trong bốn mươi tám nguyện: “Quốc trung thiên nhân, bất trụ Định Tụ, tất chí diệt độ giả, bất thủ Chánh Giác” (Nếu trời người trong nước chẳng trụ trong Định Tụ, ắt đạt đến diệt độ, tôi chẳng giữ lấy ngôi Chánh Giác), nêu rõ đạo lý “dễ đắc Bất Thoái Chuyển, viên mãn Bồ Đề ngay trong một đời” (“tất chí diệt độ”) của pháp môn Tịnh Độ, tức là chúng sanh được sức bổn nguyện công đức của A Di Đà Phật nhiếp thọ và gia trì mà vãng sanh, sẽ đều được an trụ nơi A Bệ Bạt Trí (Bất Thoái Chuyển Bồ Tát), chẳng rơi vào hai loại đệ tử Phật thuộc Tà Định (chẳng tin Đại Thừa) và Bất Định (Đại Tiểu Thừa bất định).
“Thí như độ hải, thừa thuyền tắc lạc” (Ví như vượt biển, ngồi thuyền bèn vui): Hai câu này là nêu thí dụ, nhằm so sánh: Theo Dị Hành Đạo, giống như người ngồi thuyền, thuận gió, thuận con nước (nương vào sức bổn nguyện của Phật), chẳng tốn hơi sức, chẳng cần nhiều thời gian, an lạc tự tại, rất nhanh chóng đạt tới đích.
Trên đây, Đàm Loan đại sư đã giải thích luận này, nêu ra nguyên do hành Bồ Tát đạo có hai đường lối khó và dễ khá. Do vậy có thể biết, chúng ta thân ở trong Ngũ Trược, nhằm thuở cõi đời không có Phật, tuy phát Bồ Đề tâm, tu Bồ Tát hạnh, nhưng rất khó thành tựu. Vì thế, ắt cần phải tu Dị Hành Đạo. Cốt lõi của Dị Hành Đạo chính là coi trọng tự lực lẫn tha lực, chẳng phế [một lực nào], nhưng kim chỉ nam cho tự lực lẫn tha lực là chú trọng nơi hai chữ Tín Nguyện. Tín như thế nào? Tin rằng: Theo đường thủy ngồi thuyền sẽ vui. Một khi đã tin, vĩnh viễn chẳng còn ngờ vực nữa! Nguyện như thế nào? Nguyện chịu lên thuyền, nhanh chóng lên bờ kia, chỉ cầu vãng sanh, chẳng nguyện chi khác. Có Tín và Nguyện như thế, lại thêm thân nghiệp thường lễ bái Phật Di Đà, khẩu nghiệp luôn xưng niệm Phật Di Đà, ý nghiệp thường luôn quán tưởng sự thanh tịnh trang nghiêm nơi y báo và chánh báo của cõi Cực Lạc, tu điều thiện (Thập Thiện) nhiều hay ít, chí tâm hồi hướng, ắt được vãng sanh Tịnh Độ, liễu sanh thoát tử, đắc Bất Thoái Chuyển, rộng độ chúng sanh, thẳng đến khi thành Phật. Do vậy, Thế Thân Bồ Tát tạo bộ luận này, trước hết dùng ba chữ Nguyện Sanh Kệ để đặt tên; Đàm Loan đại sư chú giải luận này, vừa mở đầu liền dùng Dị Hành Đạo để phán giáo, phân định rõ rệt, rất minh bạch bảo chúng ta: Muốn vãng sanh Tịnh Độ, hễ có nguyện sẽ dễ dàng. Chẳng có nguyện, sẽ khó khăn. Nguyện hết thảy các vị Bồ Tát, các liên hữu Tịnh Tông, ắt cần phải chân thành, thiết tha phát nguyện vãng sanh Tịnh Độ. Phải vãng sanh! Quyết định vãng sanh! Ắt được vãng sanh!
2.1.2. Giải thích tựa đề và nêu đại cương
2.1.2.1. Dựa theo tựa đề để trần thuật đại cương
2.1.2.1.1. Giải thích về chỗ y cứ, phán định bản thể của kinh
(Chú) Thử Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá, cái thượng diễn chi cực trí, bất thoái chi phong hàng giả dã. Vô Lượng Thọ thị An Lạc Tịnh Độ Như Lai biệt hiệu. Thích Ca Mâu Ni Phật tại Vương Xá thành cập Xá Vệ quốc, ư đại chúng chi trung, thuyết Vô Lượng Thọ Phật trang nghiêm công đức, tức dĩ Phật danh hiệu vi kinh thể.
(註)此無量壽經優婆提舍。蓋上衍之極致。不退之風航者也。無量壽是安樂淨土如來別號。釋迦牟尼佛在王舍城及舍衛國。於大眾之中。說無量壽佛莊嚴功德。即以佛名號為經體。
(Chú: Bộ Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá này đã bao gồm trọn vẹn chỗ cùng tột của thượng thừa, là chiếc thuyền buồm chẳng thoái chuyển. Vô Lượng Thọ là biệt hiệu của đức Như Lai trong An Lạc Tịnh Độ. Thích Ca Mâu Ni Phật tại thành Vương Xá và nước Xá Vệ, ở giữa đại chúng, đã nói về công đức trang nghiêm của Vô Lượng Thọ Phật, tức là dùng danh hiệu của Phật làm bản thể của kinh).
“Thử Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá”: Trong câu này, Đàm Loan đại sư nêu ra chỗ y cứ của việc đặt tựa đề cho bộ luận này, ý nghĩa bao hàm trong ấy đã được nói trong phần Huyền Đàm trên kia; có thể thấy là [nếu] đem ba chữ Nguyện Sanh Kệ thêm vào cuối danh xưng của bộ luận này sẽ là sai lầm vậy.
“Cái thượng diễn chi cực trí, bất thoái chi phong hàng giả dã”(Nêu bày trọn hết chỗ cùng tột trong thượng thừa, là chiếc thuyền buồm bất thoái): Hai câu này nhằm giải thích chung ý nghĩa đại cương của bộ luận này, mà cũng là lời lẽ tán thán. “Thượng diễn cực trí” có nghĩa là mạnh mẽ tiến lên cao, chẳng có tầng cấp, chẳng thể cùng tận được. Bồ Tát nương theo bộ luận này để tu Bồ Tát đạo, liền có thể do phát tâm mà vượt cao hơn, tiến nhập thẳng vào cảnh địa Phật quả (“cực trí”, đạt đến chỗ tột cùng), chẳng cần phải noi theo những thứ Nan Hành Đạo thông thường, [tức là chẳng cần] phải trải qua các địa vị Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa v.v… hướng thượng tăng tấn dần dần, tới cuối cùng mới có thể thành Phật.
“Bất thoái phong hàng” (Chiếc thuyền buồm bất thoái): “Hàng” (航) chính là thuyền. “Phong hàng” (風航) chính là thuyền buồm thời cổ. Nếu ở trong con sông rộng và thẳng, thuận nước xuôi giòng trôi đi, lại được thuận gió, tốc độ của thuyền sẽ nhanh chóng như tên bắn, tứ mã6 khó đuổi kịp, vạn con trâu chẳng kéo lại được, quyết chẳng đến nỗi lui trở lại hoặc chuyển hướng. Dùng điều này để sánh ví [người nghiên cứu, hành theo] bộ luận này, ví như có được chiếc thuyền buồm, chắc chắn vãng sanh Tịnh Độ, đắc Bất Thoái Chuyển. Do vậy, cổ đức gọi [pháp môn Tịnh Độ] là “kính trung kính hựu kính” (徑中徑又徑, con đường còn tắt hơn nẻo đường tắt nhất trong các con đường tắt).
“Vô Lượng Thọ thị An Lạc Tịnh Độ Như Lai biệt hiệu” (Vô Lượng Thọ là biệt hiệu của đức Như Lai trong An Lạc Tịnh Độ): Qua hai câu này, Đàm Loan đại sư đã dựa theo sự thật để giải thích chữ Vô Lượng Thọ. Như Lai là danh hiệu chung (thông hiệu) của chư Phật, Vô Lượng Thọ là biệt hiệu của đấng giáo chủ trong Tây Phương Cực Lạc (An Lạc) thế giới (Tịnh Độ). Xác thực có vị ấy, có chuyện ấy, chẳng phải là ngụ ngôn hay thần thoại!
“Thích Ca Mâu Ni Phật tại Vương Xá thành cập Xá Vệ quốc, ư đại chúng chi trung, thuyết Vô Lượng Thọ Phật trang nghiêm công đức” (Thích Ca Mâu Ni Phật tại thành Vương Xá và nước Xá Vệ, ở giữa đại chúng, đã nói về công đức trang nghiêm của Vô Lượng Thọ Phật): Trong bốn câu này, ngài Đàm Loan lại nêu ra sự thật lịch sử nhằm chứng minh các thứ công đức trang nghiêm đã thuật trong bộ luận này chẳng phải do vị Luận Chủ bịa đặt, mà cũng chẳng phải là nghe lỏm, nói mò! Xác thực là muôn ngàn đích xác! Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, Thích Ca Mâu Ni Phật sau khi đã thành Phật, trước hết, Ngài bèn nói các kinh điển Đại Tiểu Thừa khác. Lại ở nơi thành Vương Xá (Rājagṛha) và núi Linh Thứu (Gṛdhrakūṭa, Kỳ Xà Quật) nước Ma Kiệt Đề (Maghada), cũng như tại tinh xá Kỳ Viên (Jetavane Anāthapindikassa Ārāma) của nước Xá Vệ (Śrāvastī), trước sau nói ra các bộ Đại Bổn Vô Lượng Thọ Kinh, Tiểu Bổn A Di Đà Kinh, và Quán Kinh, khiến cho đại chúng nghe kinh đều có thể biết danh hiệu của Vô Lượng Thọ Phật, cũng như bổn nguyện và công đức của Ngài, các thứ trang nghiêm thanh tịnh v.v…
“Tức dĩ Phật danh hiệu vi kinh thể” (Tức là dùng danh hiệu của Phật làm bản thể của kinh): Câu này chính là lời phán định của ngài Đàm Loan đối với ba kinh một luận Tịnh Độ, tức là dùng danh hiệu quang thọ vô lượng của A Di Đà Phật làm bản thể của kinh luận, cũng dùng điều đó làm cái Thể nơi thân và cõi của đấng Tây Phương giáo chủ, và cũng làm cái Thể cho chúng sanh vãng sanh đắc Bất Thoái Chuyển. Mầu nhiệm thay, danh hiệu Di Đà! Lành thay Vãng Sanh Luận! Xác thực là chiếc phi thuyền để chúng sanh thoát khổ thành Phật!
2.1.2.1.2. Giải thích về năng y (người dựa vào kinh tạo luận), và nêu bày hai thứ lực dụng
(Chú) Hậu thánh giả Bà Tẩu Bàn Đậu Bồ Tát phục ưng Như Lai đại bi chi giáo, bàng kinh tác Nguyện Sanh Kệ, phục tạo Trường Hàng trùng thích.
(註)後聖者婆藪槃頭菩薩。服膺如來大悲之教。傍經作願生偈。復造長行重釋。
(Chú: Về sau, bậc thánh nhân là Bà Tẩu Bàn Đậu Bồ Tát tuân theo giáo pháp đại bi của đức Như Lai, dựa theo kinh, soạn ra Nguyện Sanh Kệ, lại soạn phần văn Trường Hàng để giải thích thêm).
“Hậu thánh giả”, ý nói sau khi đức Phật nhập diệt chín trăm năm (cách hiện thời khoảng một ngàn sáu trăm năm), có một vị đã chứng thánh quả, tức là Thế Thân Bồ Tát, xuất sanh tại vùng Tây Bắc Ấn Độ, có ba anh em. Anh Ngài tên là Vô Trước, em Ngài là Sư Tử Giác, đều là tỳ-kheo xuất gia. Thuở ấy, ngài Thế Thân xuất gia theo Hữu Bộ (Nhất Thiết Hữu Bộ, Sarvāstivāda) thuộc Tiểu Thừa, đã trước tác năm trăm bộ luận Tiểu Thừa. Bộ Câu Xá Luận (Abhidharma-kośabhāsyām) còn gọi là Thông Minh Luận, chính là tác phẩm trứ danh của Ngài. Anh Ngài là Vô Trước biết em mê chấp Tiểu Thừa, muốn hóa độ Ngài hồi Tiểu hướng Đại, vờ nói là ngã bệnh, gởi thư gọi Ngài về gặp mặt, vì Ngài nói giáo nghĩa Đại Thừa. Thế Thân giác ngộ, muốn cắt lưỡi sám hối. Ngài Vô Trước khuyên Thế Thân hoằng dương Đại Thừa để lấy công chuộc tội. Thế Thân bèn dựa theo những manh mối của ngài Vô Trước, soạn năm trăm bộ luận Đại Thừa. Phàm là kinh Đại Thừa, không bộ nào Ngài chẳng xưng tán, lưu thông rộng rãi. Thuở ấy, Ngài được gọi là Thiên Bộ Luận Chủ (vị chủ nhân của một ngàn bộ luận), danh tiếng vang dội Ngũ Ấn, để lại tiếng thơm muôn năm. Bộ luận này chính là tác phẩm của Ngài. Do Ngài đã liễu giải tột bậc sâu xa toàn thể Phật pháp, cho nên đối với sự tu trì trong pháp môn Tịnh Độ, Ngài có kiến giải tột bậc khế lý, khế cơ.
Bà Tẩu Bàn Đậu (Vasubandhu) là tiếng Phạn, dịch theo lối cũ là Thiên Thân (天親), Huyền Trang đại sư đổi thành Thế Thân (世親). Bà Tẩu7 là tên một vị thần của Ấn Độ, vị thần ấy thân thiết với người đời, hễ cầu con bèn có con, cầu tài được tài, như cha mẹ trong thế gian yêu thương, che chở con cái. Vì thế, gọi là Thế Thân. Ngài đã do Tiểu Thừa chuyển nhập Đại Thừa, cho nên phát đại Bồ Đề tâm, tự lợi, lợi tha, sau đấy, trở thành bậc thánh nhân chứng đắc địa vị Tứ Gia Hạnh (Noãn, Đảnh, Nhẫn, Thế Đệ Nhất) trong Đại Thừa.
“Phục ưng Như Lai đại bi chi giáo… phục tạo Trường Hàng trùng thích” (Lại vâng theo lời dạy từ bi của đức Như Lai… lại tạo văn Trường Hàng để giải thích thêm): Ngài Đàm Loan đã nêu ra người có thể dựa theo kinh để tạo luận, lại dùng ba câu để chỉ rõ lực dụng “có thể vãng sanh Tịnh Độ” của bộ luận này. Chữ Ưng (膺) nên đọc âm giống như chữ Nhân (因)8. “Phục ưng” (服膺) có nghĩa là “tin nhận, phụng hành”. Như Lai tức là Phật, ở đây nhằm chỉ đức Phật Thích Ca, mà cũng có thể nói tổng quát là mười phương ba đời hết thảy chư Phật. Ngôn giáo do Phật Thích Ca và chư Phật nói ra đều lưu xuất từ tâm đại từ bi, thương xót chúng sanh đang chìm đắm trong sanh tử, muốn khiến cho những ai nghe pháp đều có thể lìa khổ, được vui, liễu sanh thoát tử, không một ai chẳng thành Phật. Do vậy, Tam Tạng mười hai phần giáo do chư Phật đã nói đều có thể gọi là “giáo pháp đại bi”.
“Bàng kinh tác Nguyện Sanh Kệ” (Dựa theo kinh để soạn ra Nguyện Sanh Kệ): Chữ Bàng (傍) có cùng ý nghĩa với chữ Y (依, nương theo, dựa vào). “Bàng kinh” có nghĩa là nương theo hết thảy các kinh Đại Thừa. “Tác Nguyện Sanh Kệ” ý nói ngài Thế Thân trước hết dùng thể loại Kệ Tụng [mỗi bài kệ gồm] bốn câu, [mỗi câu] năm chữ để soạn luận, hòng thuyết minh đơn giản, trọng yếu về sự lý, nhân quả của việc phát nguyện vãng sanh Tịnh Độ.
“Phục tạo Trường Hàng trùng thích” (Lại soạn phần văn Trường Hàng để giải thích thêm): “Tạo” (造) có nghĩa là trước thuật. Ngài lại dùng thể tài (genre) Trường Hàng (văn xuôi) để trước thuật hòng giải thích cặn kẽ hàm ý trong phần Kệ Tụng.
2.1.2.1.3. Nêu lên tựa đề của bộ luận, giải thích về sự phiên dịch
(Chú) Phạm ngôn Ưu Bà Đề Xá, thử gian vô chánh danh tương dịch. Nhược cử nhất ngung, khả danh vi Luận. Sở dĩ vô chánh danh dịch giả, dĩ thử gian bổn vô Phật cố.
(註)梵言優婆提舍。此間無正名相譯。若舉一隅。可名為論。所以無正名譯者。以此間本無佛故。
(Chú: Từ ngữ Ưu Bà Đề Xá trong tiếng Phạn, cõi này không có chữ tương ứng khít khao để dịch. Nếu chỉ nêu lên một góc (một khía cạnh của nhiều ý nghĩa) thì có thể gọi là Luận. Sở dĩ không có từ ngữ tương ứng khít khao để dịch là vì trong cõi này vốn chẳng có Phật).
“Phạm ngôn” tức là Phạm văn. Người Ấn Độ cho rằng đó là ngôn ngữ của Đại Phạm Thiên. Trước khi đức Phật xuất hiện trong thế gian, Ấn Độ vốn tín ngưỡng Bà-la-môn, cả xứ Ấn Độ đều tin thờ Bà-la-môn giáo, cho rằng giai cấp Bà-la-môn thuộc dòng dõi Phạm Thiên (Prajapati Brahmā), sanh từ miệng của Đại Phạm Thiên Vương. Do vậy, ngôn ngữ và văn tự của hàng Bà-la-môn được gọi là Phạm văn (Saṃskṛtā vāk, ngôn ngữ văn tự của Phạm Thiên). Thuở ấy, toàn thể Ấn Độ đều tin thờ Bà-la-môn giáo; do đó, văn tự và ngôn ngữ của Ấn Độ được gọi là “Phạm văn”.
“Ưu Bà Đề Xá, thử gian vô chánh danh tương dịch” (Ưu Bà Đề Xá, cõi này không có chữ tương ứng khít khao để dịch): Do bốn chữ Ưu Bà Đề Xá (Upadeśa) là tiếng Phạn, là ngôn ngữ của Ấn Độ, tại Trung Hoa chẳng có từ ngữ nào có ý nghĩa phù hợp khít khao để có thể dùng phiên dịch được.
“Nhược cử nhất ngung, khả danh vi Luận” (Nếu chỉ nêu lên một góc (một khía cạnh của nhiều ý nghĩa) thì có thể gọi là Luận): “Ngung” (隅): Trong không gian, mỗi vật thể đều có mười phương, gọi là “phương ngung” (方隅). Một phương diện trong ấy thì gọi là “nhất ngung”. Giả sử trong nhiều loại ý nghĩa được bao hàm [trong từ ngữ Ưu Bà Đề Xá] của tiếng Phạn, nêu ra một ý nghĩa để phiên dịch thì có thể gọi là Luận, hoặc gọi là Luận Nghị.
“Sở dĩ vô chánh danh dịch giả, dĩ thử gian bổn vô Phật cố”: Đây là ngài Đàm Loan nói rõ nguyên nhân chữ Ưu Bà Đề Xá không có từ ngữ tiếng Hán tương ứng khít khao để phiên dịch, không chỉ là vì văn tự, ngôn ngữ sai biệt bất đồng, mà chủ yếu là vì Kinh, Luật, Luận bằng tiếng Phạn phần lớn do đức Phật nói. [Trong đất nước của] người Hoa (“thử gian”, cõi này) vốn không có Phật xuất thế thuyết pháp, cho nên cũng chẳng có từ ngữ thích đáng để có thể sử dụng phù hợp với kinh Phật bằng tiếng Phạn.
(Chú) Như thử gian thư, tựu Khổng Tử nhi xưng Kinh, dư nhân chế tác giai danh vi Tử. Quốc sử, quốc kỷ chi đồ, các biệt thể lệ. Nhiên Phật sở thuyết thập nhị bộ kinh trung, hữu luận nghị kinh danh Ưu Bà Đề Xá. Nhược phục Phật chư đệ tử giải Phật kinh giáo, dữ Phật nghĩa tương ứng giả, Phật diệc hứa danh Ưu Bà Đề Xá, dĩ nhập Phật pháp tướng cố. Thử gian vân Luận, trực thị Luận Nghị nhi dĩ, khởi đắc chánh dịch bỉ danh da? Hựu như nữ nhân, ư tử xưng mẫu, ư huynh vân muội, như thị đẳng sự, giai tùy nghĩa các biệt. Nhược đản dĩ nữ danh, phiếm đàm mẫu muội, nãi bất thất nữ chi đại thể, khởi hàm tôn ty chi nghĩa hồ! Thử sở vân Luận, diệc phục như thị. Thị dĩ nhưng tồn Phạm âm, viết Ưu Bà Đề Xá.
(註)如此間書。就孔子而稱經。餘人製作皆名為子。國史國紀之徒。各別體例。然佛所說十二部經中。有論議經名優婆提舍。若復佛諸弟子解佛經教。與佛義相應者。佛亦許名優婆提舍。以入佛法相故。此間云論。直是論議而已。豈得正譯彼名耶。又如女人於子稱母。於兄云妹。如是等事。皆隨義各別。若但以女名汎談母妹。乃不失女之大體。豈含尊卑之義乎。此所云論。亦復如是。是以仍存梵音。曰優婆提舍。
(Chú: Như sách vở trong cõi này, sách của Khổng Tử thì gọi là Kinh, những thứ do người khác tạo ra thì gọi là Tử. Những sách thuộc loại quốc sử, quốc kỷ mỗi thứ đều có thể lệ riêng. Nhưng trong mười hai bộ loại do đức Phật đã nói thì có [một loại] là Luận Nghị Kinh, được gọi là Ưu Bà Đề Xá. Nếu như các đệ tử của đức Phật giải thích kinh giáo mà tương ứng với nghĩa lý của đức Phật thì đức Phật cũng cho phép gọi là Ưu Bà Đề Xá, do đã khế nhập pháp tướng của Phật. Cõi này nói Luận, nói thẳng ra là Luận Nghị đó thôi, há có thể dịch chánh xác danh từ ấy hay sao? Lại như người nữ, đối với con bèn xưng là mẹ, đối với anh bèn xưng là em. Những chuyện như vậy đều tùy theo ý nghĩa mà sai khác. Nếu chỉ dùng danh xưng “nữ” để gọi chung cả mẹ lẫn con thì tuy chẳng mất đại thể của Nữ, nhưng há có thể bao hàm ý nghĩa tôn ty hay chăng? “Luận” được nói ở đây cũng giống như thế đó. Vì lẽ này, vẫn giữ nguyên âm tiếng Phạn mà nói là Ưu Bà Đề Xá).
Trong đoạn văn này, ngài Đàm Loan giảng giải, phân tích đạo lý [vì sao] chẳng thể dịch chữ Ưu Bà Đề Xá trong tiếng Phạn thành Luận trong tiếng Hán:
1) Như Trung Hoa có bộ Tứ Khố Toàn Thư, [nội dung của bộ sách ấy được] chia thành bốn loại là Kinh, Sử, Tử, Tập. Tức là dựa theo Khổng Tử để nói thì các sách như Luận Ngữ v.v… do các đệ tử ghi chép lại mà thành thì gọi là Kinh. [Những tác phẩm] do những người khác (kể cả những ngôn luận hoặc trước tác của Mạnh Tử và các môn nhân đệ tử) tạo tác thì nhất loạt gọi là Tử (子). Quốc sử, quốc kỷ9 của mỗi triều đại như những sách Sử Kỷ (史紀), Tư Trị Thông Giám v.v… đều gọi chung là Sử (史). Những sách ở ngoài ba loại Kinh, Tử, Sử thì đều gộp vào bộ loại Tập (集). Bốn thứ ấy đều là do dựa theo thể tài sai khác mà phán định, biên tập thành Tứ Khố Toàn Thư, chẳng thể lẫn lộn được. Nhưng trong mười hai bộ kinh do đức Phật đã nói (“bộ” (部) ở đây là thể loại), cố nhiên có một loại là Luận Nghị Kinh, được gọi là Ưu Bà Đề Xá [trong tiếng Phạn]. Giả sử, ngoài ra lại có đệ tử đức Phật dùng miệng nói hoặc viết lách nhằm giải thích kinh giáo do đức Phật dạy, những lời đã nói hoặc câu văn viết ra đều phù hợp nghĩa lý trong kinh Phật, lại còn có thể thích ứng nhu cầu liễu giải kinh Phật của chúng sanh; đối với những loại ngôn ngữ hoặc văn tự giống như vậy, đức Phật cũng cho phép gọi là Luận Nghị, cũng được gọi là Ưu Bà Đề Xá giống y hệt, do chúng đã thuộc về cùng một loại Phật pháp, chẳng có ý nghĩa khác biệt so với pháp tướng do đức Phật đã nói.
Tuy vậy, chữ Luận trong tiếng Hán rất đơn thuần, chỉ bao hàm ý nghĩa “hỏi đáp, bàn luận”, làm sao có thể dùng để dịch chính xác danh xưng Ưu Bà Đề Xá trong tiếng Phạn cho được? Làm sao có thể chỉ dùng hai chữ Luận Nghị bèn gồm thâu chẳng sót các ý nghĩa “dựa theo kinh để giải thích, phân tích từng câu”, hoặc “tổng hợp nhiều kinh để phát huy ý nghĩa trọng yếu”, “có sự chọn lựa, phân tích, thảo luận” v.v… được bao hàm trong danh xưng Ưu Bà Đề Xá cho được? Vì thế, vẫn giữ nguyên tiếng Phạn vốn có, chẳng phiên dịch.
2) Như nói đến “nữ nhân”, đây là danh từ xưng hô phiếm chỉ. Như con cái xưng hô đối với mẹ, chẳng thể gọi mẹ là nữ nhân, phải nên gọi là “mẫu thân”. Như anh phải nên gọi em gái là “muội muội”. Những chuyện giống như vậy đều tùy theo thân phận và ý nghĩa bất đồng mà đáng nên có sự sai khác như thế. Giả sử chỉ dùng danh xưng “nữ nhân” để thay thế cho tiếng xưng hô “mẹ” hay “em gái”, tuy chẳng thích đáng, nhưng vẫn chẳng mất đại thể, vì mẹ hay em gái xác thực đều là nữ nhân, nhưng hai chữ “nữ nhân” trọn chẳng bao hàm ý nghĩa tôn kính của con cái đối với mẹ, em gái đối với anh trong ấy! Hiện thời, chữ “Luận” được nhắc tới trong Phật pháp cũng có tình hình giống như vậy. Nếu dịch Ưu Bà Đề Xá thành Luận Nghị, sẽ giống như gọi mẹ là “nữ nhân”, tuy chẳng mất đại thể, nhưng đã đánh mất nhiều loại ý nghĩa bao hàm đáng nên có trong danh từ ấy. Do vì duyên cớ này, cổ đức phiên dịch kinh luận vẫn giữ nguyên âm tiếng Phạn là Ưu Bà Đề Xá, chẳng dịch sang tiếng Hán thành hai chữ Luận Nghị.
2.1.2.2. Giảng giải tựa đề của bộ luận
2.1.2.2.1. Giải thích tựa đề của bộ luận
(Chú) Thử luận thỉ chung phàm hữu nhị trùng: Nhất thị tổng thuyết phần, nhị thị giải nghĩa phần. Tổng thuyết phần giả, tiền ngũ ngôn kệ tận thị. Giải nghĩa phần giả, “luận viết” dĩ hạ Trường Hàng tận thị.
(註)此論始終凡有二重。一是總說分。二是解義分。總說分者。前五言偈盡是。解義分者。論曰已下長行盡是。
(Chú: Từ đầu đến cuối bộ luận này gồm có hai tầng: Một là phần nói chung (tổng thuyết phần) chính là toàn bộ phần đầu gồm kệ tụng mỗi câu năm chữ. Phần giải nghĩa là toàn bộ phần văn Trường Hàng kể từ chữ “luận nói” trở xuống).
Đây là ngài Đàm Loan dựa theo thể tài của bộ luận này, đã phán định chung toàn thể bộ luận này thành hai tầng. “Trùng” (重) tức là “loại”, cũng gọi là “bộ phận”. Một loại là Tổng Thuyết, tức là tất cả các bài kệ tụng trong phần đầu, mỗi bài có bốn câu, mỗi câu năm chữ, đều thuộc về loại này. Loại kia thuộc phần giải thích nghĩa lý, tức là phần văn Trường Hàng từ chữ “luận viết” (luận nói) trở đi cho tới khi bộ luận hoàn tất đều thuộc loại này.
(Chú) Sở dĩ vi nhị trùng giả, hữu nhị nghĩa: Kệ dĩ tụng kinh vi tổng nhiếp cố, Luận dĩ thích kệ vi giải nghĩa cố.
(註)所以為二重者。有二義。偈以誦經為總攝故。論以釋偈為解義故。
(Chú: Sở dĩ chia thành hai tầng là vì có hai nghĩa: Phần kệ nhằm tán tụng kinh để gồm thâu chung [các ý nghĩa trọng yếu trong kinh], Luận nhằm giải thích Kệ hòng giảng giải ý nghĩa).
Mấy câu này nhằm nói rõ đạo lý vì sao phán định toàn thể bản luận được chia thành hai loại. Trước tiên, Luận Chủ dùng kệ văn để tán tụng kinh Vô Lượng Thọ, đem các ý nghĩa trọng yếu trong kinh chia thành hai mươi bốn bài kệ tụng, thâu nhiếp trọn vẹn chẳng sót. Lại dùng phần luận văn Trường Hàng giải thích ý nghĩa bao hàm trong từng bài của tất cả các bài kệ tụng, khiến cho từng điều mục trong bộ luận này được phân minh, nghĩa lý rõ rệt.
(Chú) Vô Lượng Thọ giả, ngôn Vô Lượng Thọ Như Lai thọ mạng trường viễn bất khả tư lượng dã. Kinh giả, thường dã. Ngôn An Lạc quốc độ Phật cập Bồ Tát thanh tịnh trang nghiêm công đức, quốc độ thanh tịnh trang nghiêm công đức, năng dữ chúng sanh tác đại nhiêu ích, khả thường hành ư thế, cố danh viết Kinh. Ưu Bà Đề Xá thị Phật luận nghị kinh danh.
(註)無量壽者。言無量壽如來壽命長遠不可思量也。經者常也。言安樂國土佛及菩薩清淨莊嚴功德。國土清淨莊嚴功德。能與眾生作大饒益。可常行於世。故名曰經。優婆提舍是佛論議經名。
(Chú: Vô Lượng Thọ là nói Vô Lượng Thọ Như Lai thọ mạng lâu xa, chẳng thể nghĩ lường được. “Kinh” là “thường”, nhằm nói đến công đức trang nghiêm thanh tịnh của Phật và Bồ Tát trong quốc độ An Lạc, và công đức trang nghiêm thanh tịnh của cõi nước, có thể tạo lợi ích to lớn cho chúng sanh, có thể thường lưu hành trong cõi đời. Vì thế gọi là Kinh. Ưu Bà Đề Xá là danh xưng của thể loại Luận Nghị Kinh của đức Phật).
Mấy câu này là dựa theo sự thật để giải thích tựa đề của kinh và tựa đề của luận. Do lời văn dễ hiểu, chẳng cần phải nói nhiều!
(Chú) Nguyện thị dục nhạo nghĩa. Sanh giả, Thiên Thân Bồ Tát nguyện sanh bỉ An Lạc Tịnh Độ, Như Lai tịnh hoa trung sanh, cố viết Nguyện Sanh. Kệ thị cú số nghĩa. Dĩ ngũ ngôn cú lược tụng Phật kinh, cố danh vi Kệ.
(註)願是欲樂義。生者天親菩薩願生彼安樂淨土。如來淨華中生。故曰願生。偈是句數義。以五言句略誦佛經故名為偈。
(Chú: “Nguyện” có nghĩa là ham muốn, yêu thích. “Sanh” là Thiên Thân Bồ Tát nguyện sanh về An Lạc Tịnh Độ. Sanh trong đóa hoa thanh tịnh của Như Lai, nên gọi là Nguyện Sanh. Kệ có nghĩa là “số câu”. Dùng mỗi câu có năm chữ để trùng tụng đại lược kinh Phật, nên gọi là Kệ).
Trong mấy câu văn này, do trước phần Kệ Tụng trong lời luận có thêm ba chữ Nguyện Sanh Kệ, Đàm Loan đại sư bèn giải thích thêm, khiến cho mọi người biết: Bộ Vãng Sanh Luận này không chỉ là thay Phật khuyên mọi người y theo kinh Vô Lượng Thọ để tu hành, sẽ có thể cùng sanh về cõi An Lạc, mà còn là bằng chứng cho thấy vị Luận Chủ, tức Thiên Thân (Thế Thân) Bồ Tát tự mình phát nguyện vãng sanh cõi An Lạc. Do lời văn dễ hiểu, chẳng cần phải nói nhiều.
2.1.2.2.2. Giải thích về tên của người tạo luận
(Chú) Dịch Bà Tẩu vân Thiên, dịch Bàn Đầu ngôn Thân. Thử nhân tự Thiên Thân, sự tại Phó Pháp Tạng Kinh. Bồ Tát giả, nhược cụ tồn Phạm âm, ưng ngôn Bồ Đề Tát Đỏa. Bồ Đề giả thị Phật đạo danh. Tát Đỏa hoặc vân chúng sanh, hoặc vân dũng kiện. Cầu Phật đạo chúng sanh hữu dũng mãnh kiện chí, cố danh Bồ Đề Tát Đỏa. Kim đản ngôn Bồ Tát, dịch giả lược nhĩ. Tạo diệc tác dã. Thứ nhân nhân trùng pháp, cố vân mỗ tạo. Thị cố ngôn Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá Nguyện Sanh Kệ Bà Tẩu Bàn Đầu Bồ Tát tạo. Giải luận danh mục cánh.
(註)譯婆藪云天。譯槃頭言親。此人字天親。事在付法藏經。菩薩者。若具存梵音。應言菩提薩埵。菩提者是佛道名。薩埵或云眾生。或云勇健。求佛道眾生有勇猛健志。故名菩提薩埵。今但言菩薩。譯者略耳。造亦作也。庶因人重法。故云某造。是故言無量壽經優婆提舍願生偈。婆藪槃頭菩薩造。解論名目竟。
(Chú: Bà Tẩu dịch là Thiên, Bàn Đầu dịch là Thân. Vị này có tên tự là Thiên Thân, sự tích của Ngài được chép trong Phó Pháp Tạng Kinh. Bồ Tát nếu nói đủ theo âm tiếng Phạn thì phải nên nói là Bồ Đề Tát Đỏa. Bồ Đề là tên của Phật đạo. Tát Đỏa thì dịch là Chúng Sanh, hoặc dịch là Dũng Kiện. Chúng sanh cầu Phật đạo, có chí hướng dũng mãnh, mạnh mẽ, nên gọi là Bồ Đề Tát Đỏa. Nay chỉ nói Bồ Tát là do người dịch nói giản lược vậy. “Tạo” cũng chính là “soạn”. Lại do người nào đó trùng tuyên pháp, nên nói là “người nào đó tạo”. Vì thế nói là Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá Nguyện Sanh Kệ Bà Tẩu Bàn Đầu Bồ Tát Tạo. Giải thích danh mục của luận đã xong).
Ngài Đàm Loan giải thích tên gọi của vị “năng tạo” (người trước tác) bộ luận này, tức là Thiên Thân Bồ Tát. Sau thời Huyền Trang đại sư, tất cả các bản dịch đều dịch tên vị Bồ Tát này là Thế Thân.
“Sự tại Phó Pháp Tạng Kinh” ý nói: Sự tích bình sanh của Thiên Thân Bồ Tát được chép trong kinh Phó Pháp Tạng, nhưng trong Đại Chánh Tạng, tập thứ năm mươi, từ trang hai trăm chín mươi bảy đến trang ba trăm hai mươi mốt, [tức là] trong Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện, không ghi chép gì về Thiên Thân Bồ Tát. Chỉ từ trang một trăm tám mươi tám đến trang một trăm chín mươi mốt [của tập năm mươi], có một quyển là Bà Tẩu Bàn Đậu Pháp Sư Truyện do Tam Tạng pháp sư Chân Đế từ Ấn Độ sang Trung Hoa dịch ra vào thời Nam Bắc Triều. Có lẽ ngài Đàm Loan muốn nói đến quyển này.
“Bồ Đề thị Phật đạo danh” (Bồ Đề là tên của Phật đạo): Phật cũng là tiếng Phạn, dịch là Giác. Do vậy, Bồ Đề dịch theo danh từ sát nghĩa là Giác hoặc Đạo. Những phần kinh văn khác đã được giải thích trong phần trước rồi, chẳng cần phải nhắc lại.
2.2. Chú giải
2.2.1. Giải phần Kệ Tụng
2.2.1.1. Phân đoạn kệ tụng thành từng chương, từng môn
(Chú) Kệ trung phân vi Ngũ Niệm Môn, như hạ Trường Hàng sở thích, đệ nhất hàng tứ cú tương hàm hữu tam niệm môn, thượng tam cú thị Lễ Bái, Tán Thán môn, hạ nhất cú thị Tác Nguyện Môn. Đệ nhị hàng Luận Chủ tự thuật “ngã y Phật kinh tạo luận, dữ Phật giáo tương ứng”. Sở phục hữu tông, hà cố vân thử? Vị thành Ưu Bà Đề Xá danh cố, diệc thị thành thượng tam môn, khởi hạ nhị môn. Sở dĩ thứ chi thuyết, tùng đệ tam hàng tận nhị thập tứ hàng, thị Quán Sát Môn. Mạt hậu nhất hàng thị Hồi Hướng Môn. Phân kệ chương môn cánh.
(註)偈中分為五念門。如下長行所釋。第一行四句。相含有三念門。上三句是禮拜讚歎門。下一句是作願門。第二行論主自述我依佛經造論。與佛教相應。所服有宗。何故云此。為成優婆提舍名故。亦是成上三門。起下二門。所以次之說。從第三行盡二十四行。是觀察門。末後一行是迴向門。分偈章門竟。
(Chú: Trong phần Kệ chia thành năm niệm môn, như trong phần Trường Hàng sau đó sẽ giải thích. Bốn câu trong bài kệ đầu tiên bao gồm ba niệm môn: Ba câu đầu là Lễ Bái và Tán Thán Môn, câu cuối cùng là Tác Nguyện Môn. Bài kệ thứ hai là vị Luận Chủ tự thuật “tôi nương theo kinh tạo luận, tương ứng lời Phật dạy”, [hàm ý] những gì Ngài tin nhận đều có căn cứ. Cớ sao nói như vậy? Vì để thành tên Ưu Bà Đề Xá, mà cũng là nhằm thành tựu ba môn trước, dẫn khởi hai môn sau. Do vậy, kế đó bèn nói từ bài kệ thứ ba cho đến hết bài kệ thứ hai mươi bốn là Quán Sát Môn. Bài kệ sau cùng là Hồi Hướng Môn. Phân chia phần Kệ thành từng chương, từng môn đã xong).
Ngài Đàm Loan đã quy nạp hai mươi bốn kệ tụng (Ngài dùng chữ Hàng (行) để gọi mỗi bài Kệ) do vị Luận Chủ đã soạn thành pháp môn ngũ niệm, vì trong bộ luận, phần Trường Hàng để giải thích sau đó chính là Ngũ Niệm Môn. “Đệ nhất hàng” tức là bài Kệ Tụng thứ nhất, mỗi “hàng” gồm bốn câu.
“Dữ Phật giáo tương ứng”, ý nói các thứ công đức chân thật được tường thuật trong bộ luận này đều khế hợp (tương ứng) với những lời khai thị và răn dạy của đức Phật trong kinh Vô Lượng Thọ và các bộ kinh Đại Thừa khác.
“Sở phục hữu tông” (Những điều tin tưởng đều có căn cứ): Ý nói, vị Luận Chủ soạn bộ luận này nhằm hoằng dương, tán thán, chẳng phải là đề cao một kinh, hoặc là dựa theo một chương, một đoạn kinh văn để soạn luận, mà là tin nhận, phụng hành tất cả các kinh Đại Thừa do đức Phật đã nói, tổng hợp những tướng công đức của Tây Phương Cực Lạc thế giới được nói trong các kinh ấy, quy nạp thành năm niệm môn mà soạn ra bộ luận này, tức là [những điều Ngài viết ra] có căn cứ (ngài Đàm Loan dùng chữ Tông [để chỉ căn cứ ấy]), chẳng phải là do ý kiến của chính mình, mà hoàn toàn phát xuất từ kinh Phật. Những đoạn văn khác dễ hiểu, chẳng cần phải nói nhiều!
2.2.1.2. Giải thích kệ văn
2.2.1.2.1. Luận chủ tự thệ
(Luận) Nguyện Sanh Kệ.
(論)願生偈。
(Luận: Nguyện Sanh Kệ).
Trước phần Kệ Tụng của bộ luận này, có ba chữ Nguyện Sanh Kệ. Đấy là vị Luận Chủ trước hết đã đặt ra danh xưng chung cho phần Kệ Tụng, như các bản Tống Tạng (Đại Tạng Kinh đời Tống) v.v… đều xếp chữ Nguyện Sanh Kệ trước phần Kệ Tụng. Đồng thời, vị Luận Chủ tự mình phát thệ, khích lệ, đốc thúc chính mình: Tôi sở dĩ viết ra bộ Vãng Sanh Luận này, nhằm làm chứng thư cho việc phát nguyện vãng sanh An Lạc quốc của chính mình, làm nguyên động lực (động lực chánh yếu) để tu trì hòng đạt thành vãng sanh cho chính mình: Tôi nhất định hễ nói được bèn làm được! Nguyện vãng sanh, chắc chắc sẽ vãng sanh, nhất định có thể vãng sanh.
2.2.1.2.2. Nói đại lược về phần kệ tụng thuộc Lễ Bái, Tán Thán, và Tác Nguyện Môn
2.2.1.2.2.1. Ba niệm môn
(Luận) Thế Tôn ngã nhất tâm, quy mạng tận thập phương, Vô Ngại Quang Như Lai, nguyện sanh An Lạc quốc.
(Chú) Thế Tôn giả, chư Phật thông hiệu. Luận Trí, tắc nghĩa vô bất đạt; ngữ Đoạn, tắc tập khí vô dư. Trí Đoạn cụ túc, năng lợi thế gian, vị thế tôn trọng, cố viết Thế Tôn. Thử ngôn ý quy Thích Ca Như Lai, hà dĩ đắc tri? Hạ cú ngôn “ngã y Tu Đa La”. Thiên Thân Bồ Tát tại Thích Ca Như Lai Tượng Pháp chi trung, thuận Thích Ca Như Lai kinh giáo, sở dĩ nguyện sanh. Nguyện sanh hữu Tông, cố tri thử ngôn quy vu Thích Ca. Nhược vị thử ý biến cáo chư Phật, diệc phục vô hiềm. Phù Bồ Tát quy Phật như hiếu tử chi quy phụ mẫu, trung thần chi quy quân hậu. Động tĩnh phi kỷ, xuất một tất do, tri ân báo đức, lý nghi tiên khải. Hựu sở nguyện bất khinh, nhược Như Lai bất gia oai thần, tương hà dĩ đạt? Khất gia thần lực, sở dĩ ngưỡng cáo.
(論)世尊我一心。歸命盡十方。無礙光如來。願生安樂國。
(註)世尊者諸佛通號。論智則義無不達。語斷則習氣無餘。智斷具足。能利世間。為世尊重。故曰世尊。此言意歸釋迦如來。何以得知。下句言我依脩多羅。天親菩薩在釋迦如來像法之中。順釋迦如來經教。所以願生。願生有宗。故知此言歸于釋迦。若謂此意遍告諸佛。亦復無嫌。夫菩薩歸佛。如孝子之歸父母。忠臣之歸君后。動靜非己。出沒必由。知恩報德。理宜先啟。又所願不輕。若如來不加威神。將何以達。乞加神力。所以仰告。
(Luận: Thế Tôn con nhất tâm, quy mạng trọn mười phương, Vô Ngại Quang Như Lai, nguyện sanh cõi An Lạc.
Chú: Thế Tôn là danh hiệu chung của chư Phật. Luận định về Trí, Phật không có nghĩa nào chẳng thông đạt. Bàn về Đoạn thì chẳng còn thừa sót tập khí. Trí Đoạn đầy đủ, sẽ có thể lợi lạc thế gian. Do được cõi đời tôn trọng, nên gọi là Thế Tôn. Ở đây có ý nói quy hướng Thích Ca Như Lai, vì cớ sao biết vậy? Câu kế tiếp viết: “Con nương theo Kinh Tạng”. Thiên Thân Bồ Tát sống trong thời Tượng Pháp của Thích Ca Như Lai, thuận theo kinh giáo của Thích Ca Như Lai, cho nên nguyện sanh. Nguyện sanh có căn cứ; do vậy, biết lời này quy vào đức Phật Thích Ca. Nếu cho rằng câu ấy có ý nói “trọn khắp các đức Phật” thì cũng chẳng ngại gì. Bồ Tát quy hướng Phật như đứa con hiếu thảo hướng về cha mẹ, như tôi trung quy hướng về vua, vương hậu. Động hay tĩnh chẳng do ý mình, ra hay vào ắt phải do mạng lệnh, biết ân báo đức thì theo đúng lý phải tâu trình trước. Lại nữa, điều đã nguyện chẳng phải nhẹ, nếu chẳng được Như Lai oai thần gia hộ, làm sao có thể đạt được? Do cầu xin thần lực gia hộ, cho nên phải thưa bẩm, kính ngưỡng).
Thế Tôn: Tiếng Phạn là Bạc Già Phạm (Bhagavān, 薄伽梵), hoặc [còn phiên âm là] Bà Già Bà (婆伽婆), bao hàm các ý nghĩa “tôn quý, cát tường, sung túc”, là thông hiệu của hết thảy các đức Phật. Hễ là Phật bèn trọn đủ mười đức, từ Như Lai cho đến Thiên Nhân Sư v.v… Vì thế, Ngài được hết thảy trời người trong thế gian tôn trọng, cung kính. Mười đức của Phật có thể quy nạp thành “trí đoạn trọn đủ”. Luận về trí huệ thì Ngài nhập Tâm Chân Như Môn, có Như Lý Trí, có thể biết rõ tổng tướng của các pháp (tánh Không), nhập Tâm Sanh Diệt Môn bèn có Như Lượng Trí, có thể liễu đạt biệt tướng của các pháp (duyên khởi). Điều này được gọi là “không có nghĩa lý nào chẳng thấu đạt”. Nói đến chuyện đoạn Hoặc thì Ngài đoạn sạch các phiền não Kiến, Tư, Trần Sa, Vô Minh, ngay cả chủng tử của tập khí cũng rốt ráo chẳng còn. Đấy là “tập khí chẳng còn thừa sót”. Nói thông thường, Tự Giác là “Hoặc hết, trí vẹn”, Giác Tha là độ chúng sanh vô lượng. Giác Hạnh Viên Mãn thì mới có thể lợi ích thế gian, được cõi đời tôn trọng, được gọi là Thế Tôn.
“Ngã nhất tâm quy mạng” (Con nhất tâm quy mạng): Câu này có nghĩa là vị Luận Chủ trước khi tạo luận, trước hết, dốc trọn lòng cung kính quy mạng đức Phật Thích Ca. “Quy mạng” chính là chữ Nam-mô trong tiếng Phạn. “Nhất tâm” là tâm chí chuyên nhất, quy hướng, tin tưởng Phật, nương theo vị thầy là đức Phật, ắt cần phải toàn bộ thân tâm đều tin tưởng, ngưỡng mộ, quy phục, như kinh Lăng Nghiêm đã dạy: “Tương thử thân tâm phụng trần sát, thị tắc danh vi báo Phật ân” (Đem thân tâm này phụng sự Phật trong các cõi nhiều như vi trần, đó gọi là báo ân đức Phật). Tín đồ Phật giáo trải qua sự quyết định chọn lựa bằng lý trí, hễ quy hướng, tin tưởng, sẽ nhất tâm dốc cạn lòng thành, hoàn toàn tin tưởng, ngưỡng mộ, quy phục, không còn chừa lại gì. Nếu chỉ tin một vị Phật, chỉ tin một phần [những lời dạy của Ngài], những điều khác chẳng tin, sẽ chẳng thể gọi là “quy tín” (quy hướng, tin tưởng) được.
Từ câu “hà dĩ đắc tri” (vì cớ sao biết vậy) trở xuống là chú giải, ngài Đàm Loan đã dựa theo “hạ cú ngôn” (câu kế tiếp bèn nói) trong bộ luận này, tức là trong bốn câu kệ kế tiếp có nói “ngã y Tu Đa La” (Tu Đa La là Khế Kinh) để thuyết minh: Vị Luận Chủ sanh trong thời Tượng Pháp của Phật Thích Ca, tín thuận di giáo của Thích Ca Như Lai. Cho nên Ngài đã nhất tâm quy mạng, soạn luận, phát nguyện vãng sanh Cực Lạc quốc. Luận Chủ ra đời sau khi đức Phật Thích Ca nhập diệt chín trăm năm, nhằm đúng thời Tượng Pháp của đức Bổn Sư. Pháp vận của Phật Thích Ca vốn bao gồm Chánh Pháp một ngàn năm, Tượng Pháp một ngàn năm, và Mạt Pháp một vạn năm. Chỉ vì chấp thuận nữ nhân xuất gia, Chánh Pháp giảm thiểu, chỉ còn năm trăm năm. Từ năm trăm lẻ một năm trở đi, bèn bước vào thời kỳ Tượng Pháp. Luận Chủ soạn luận này, phát nguyện vãng sanh là có lai lịch (căn cứ, ở đây Ngài dùng chữ Tông để biểu thị căn cứ ấy), cho nên có thể biết Ngài nhất tâm quy mạng là quy mạng đức Phật Thích Ca. “Nhược vị thử ý biến cáo chư Phật, diệc phục vô hiềm” nghĩa là nếu nói “nhất tâm quy mạng” là [nhất tâm quy mạng] trọn khắp hết thảy chư Phật thì cũng được.
“Phù Bồ Tát quy Phật… khất gia thần lực, sở dĩ cáo ngưỡng” (Bồ Tát quy hướng Phật, cầu xin được thần lực gia hộ, cho nên phải thưa bẩm, kính ngưỡng): Đoạn này nhằm giải thích dụng ý nhất tâm quy mạng của vị Luận Chủ, tức là như trung thần hoặc hiếu tử trong thế gian, biết ân, báo ân, mỗi lời nói, mỗi hành vi, động, tĩnh, ra, vào, ắt trước hết bẩm báo với vua hoặc cha, chẳng tự ý mình định đoạt, ắt đều do mạng lệnh của vua hoặc cha. Đồng thời, phát nguyện vãng sanh An Lạc quốc là chuyện trọng đại; vì thế, phải cầu xin chư Phật (bao gồm vô lượng chư Phật) dùng oai thần và sức công đức gia trì khiến cho sở nguyện thật sự đạt được!
(Chú) “Ngã nhất tâm” giả, Thiên Thân Bồ Tát tự đốc chi từ. Ngôn “niệm Vô Ngại Quang Như Lai” nguyện sanh An Lạc, tâm tâm tương tục, vô tha tưởng gián tạp. Vấn viết: Phật pháp trung vô ngã, thử trung hà dĩ xưng Ngã? Đáp viết: Ngôn Ngã hữu tam căn bản, nhất thị tà kiến ngữ, nhị thị tự đại ngữ, tam thị lưu bố ngữ. Kim ngôn Ngã giả, Thiên Thân Bồ Tát tự chỉ chi ngôn, dụng lưu bố ngữ, phi tà kiến, tự đại dã.
(註)我一心者。天親菩薩自督之詞。言念無礙光如來願生安樂。心心相續無他想間雜。問曰。佛法中無我。此中何以稱我。答曰。言我有三根本。一是邪見語。二是自大語。三是流布語。今言我者。天親菩薩自指之言。用流布語。非邪見自大也。
(Chú: “Ngã nhất tâm” (Con nhất tâm) là lời tự đốc thúc của Thiên Thân Bồ Tát. Nói “niệm Vô Ngại Quang Như Lai” chính là nguyện sanh An Lạc, tâm niệm liên tục, không xen tạp những ý tưởng khác. Hỏi: Trong Phật pháp là vô ngã, vì sao ở đây lại nói là Ngã? Đáp: Nói Ngã thì có ba món căn bản: Một là từ ngữ tà kiến, hai là từ ngữ tự cao tự đại, ba là từ ngữ thông dụng. Nay nói Ngã chính là tiếng để Thiên Thân Bồ Tát tự chỉ, sử dụng từ ngữ thông dụng, chẳng phải là tà kiến hay tự cao tự đại).
Đoạn văn này nhằm chú giải câu “ngã nhất tâm”. Như thế nào thì được gọi là nhất tâm? Chính là hệ niệm Vô Ngại Quang Như Lai (A Di Đà Phật), phát nguyện nhất định sẽ vãng sanh An Lạc quốc. Ý niệm như vậy giữ sao cho tâm tâm niệm niệm liên tục chẳng dứt, đó gọi là “vô hậu tâm”. Lại còn phải chẳng có ý tưởng nào khác xen tạp trong ấy thì gọi là “vô gián tâm” (tâm chẳng gián đoạn). Nhất định là cần phải trọn đủ vô hậu tâm và vô gián tâm thì mới có thể gọi là “nhất tâm”.
Từ chữ “vấn viết” (hỏi rằng) trở đi là lời lẽ vấn đáp giả thiết nhằm giải thích ý nghĩa [vì sao] vị Luận Chủ xưng là Ngã. “Tam căn bản” chính là nói đến dụng ý căn bản vì sao trong thế gian có ba loại người xưng là Ngã. Một là cách xưng hô Ngã của những kẻ bình phàm, chấp có một cái Ngã thật sự tồn tại. Đấy là cách nói tà kiến, chẳng phải là lời lẽ chánh kiến. Hai là cách nói của ngoại đạo, như Hồi giáo gọi Ngã là Chân Tể, hoặc Gia Tô Giáo gọi Ngã là Thượng Đế. Xưng là Ngã như vậy hoàn toàn là chứng bệnh cuồng tự cao tự đại. Loại thứ ba chính là Phật, Bồ Tát, và các đệ tử xưng là Ngã do thuận theo cách nói thông dụng của thế tục, giả nói là có Ngã, chẳng phải là tà kiến chấp thật sự có Ngã, mà cũng chẳng phải là cái Ngã theo kiểu nói tự cao tự đại.
(Chú) “Quy mạng tận thập phương Vô Ngại Quang Như Lai” giả, “quy mạng” tức thị Lễ Bái Môn. “Tận thập phương Vô Ngại Quang Như Lai” tức thị Tán Thán Môn. Hà dĩ tri quy mạng thị lễ bái? Long Thọ Bồ Tát tạo A Di Đà Như Lai Tán trung, hoặc ngôn “khể thủ lễ”, hoặc ngôn “ngã quy mạng”, hoặc ngôn “quy mạng lễ”. Thử luận Trường Hàng trung, diệc ngôn tu ngũ niệm môn. Ngũ niệm môn trung, lễ bái thị nhất. Thiên Thân Bồ Tát ký nguyện vãng sanh, khởi dung bất lễ? Cố tri quy mạng tức thị lễ bái. Nhiên lễ bái đản thị cung kính, bất tất quy mạng; quy mạng tất thị lễ bái. Nhược dĩ thử thôi, quy mạng vi trọng; kệ thân kỷ tâm, nghi ngôn “quy mạng”. Luận giải kệ nghĩa, phiếm đàm lễ bái. Bỉ thử tương thành, ư nghĩa di hiển. Hà dĩ tri “tận thập phương Vô Ngại Quang Như Lai” thị Tán Thán Môn? Hạ Trường Hàng trung ngôn: “Vân hà Tán Thán Môn? Vị xưng bỉ Như Lai danh. Như bỉ Như Lai quang minh, trí tướng, như bỉ danh nghĩa, dục như thật tu hành tương ứng cố”. Y Xá Vệ quốc sở thuyết Vô Lượng Thọ Kinh, Phật giải A Di Đà Như Lai danh hiệu, hà cố hiệu A Di Đà? “Bỉ Phật quang minh vô lượng, chiếu thập phương quốc, vô sở chướng ngại. Thị cố hiệu A Di Đà”. Hựu “bỉ Phật thọ mạng cập kỳ nhân dân vô lượng vô biên A-tăng-kỳ kiếp, cố danh A Di Đà”.
(註)歸命盡十方。無礙光如來者。歸命即是禮拜門。盡十方無礙光如來。即是讚歎門。何以知歸命是禮拜。龍樹菩薩造阿彌陀如來讚中。或言稽首禮。或言我歸命。或言歸命禮。此論長行中。亦言修五念門。五念門中。禮拜是一。天親菩薩既願往生。豈容不禮。故知歸命即是禮拜。然禮拜但是恭敬。不必歸命。歸命必是禮拜。若以此推。歸命為重。偈申己心。宜言歸命。論解偈義。汎談禮拜。彼此相成。於義彌顯。何以知盡十方無礙光如來是讚歎門。下長行中言。云何讚歎門。謂稱彼如來名。如彼如來光明智相。如彼名義。欲如實修行相應故。依舍衛國所說無量壽經。佛解阿彌陀如來名號。何故號阿彌陀。彼佛光明無量。照十方國。無所障礙。是故號阿彌陀。又彼佛壽命。及其人民。無量無邊阿僧祇劫。故名阿彌陀。
(Chú: “Quy mạng tận thập phương Vô Ngại Quang Như Lai”: “Quy mạng” chính là Lễ Bái Môn. “Tận thập phương Vô Ngại Quang Như Lai” chính là Tán Thán Môn. Vì sao biết “quy mạng” là “lễ bái”? Trong bài A Di Đà Như Lai Tán do Long Thọ Bồ Tát soạn, hoặc nói là “dập đầu lễ”, hoặc nói “con quy mạng”, hoặc nói “quy mạng lễ”. Trong phần Trường Hàng của luận này, cũng nói tu năm niệm môn, mà lễ bái là một môn trong năm niệm môn. Thiên Thân Bồ Tát đã nguyện vãng sanh, lẽ đâu chẳng lễ? Vì thế biết “quy mạng” chính là “lễ bái”. Nhưng lễ bái chỉ là cung kính, chưa chắc đã quy mạng; quy mạng ắt phải là lễ bái. Nếu dùng chuyện này để suy luận thì quy mạng là trọng yếu. Dùng kệ tụng để bày tỏ cái tâm của chính mình thì phải nên nói là “quy mạng”. Trong phần giải thích về ý nghĩa của bài kệ, luận đã bàn rộng về sự lễ bái. Đôi bên thành tựu lẫn nhau, ý nghĩa càng rõ. Vì sao biết “thập phương Vô Ngại Quang Như Lai” là Tán Thán Môn? Trong phần Trường Hàng thuộc phần sau có nói: “Như thế nào là Tán Thán Môn? Chính là xưng danh hiệu đức Như Lai ấy. Do như quang minh và trí tướng của đức Như Lai ấy, như danh nghĩa của Ngài, mà muốn như thật tu hành tương ứng”. Theo kinh Vô Lượng Thọ do đức Phật đã nói tại nước Xá Vệ, đức Phật đã giải thích danh hiệu A Di Đà Như Lai, “vì sao hiệu là A Di Đà? Đức Phật ấy quang minh vô lượng, chiếu mười phương cõi, chẳng bị chướng ngại. Vì thế hiệu là A Di Đà”. Hơn nữa, “đức Phật ấy và nhân dân trong cõi ấy có thọ mạng là vô lượng vô biên A-tăng-kỳ kiếp, nên Ngài tên là A Di Đà”).
“Quy mạng” có ý nghĩa lễ bái. Do vậy, “ngã nhất tâm quy mạng” chính là Lễ Bái Môn. “Tận thập phương Vô Ngại Quang Như Lai”: Vô Ngại Quang cũng chính là Vô Lượng Quang Như Lai, tiếng Phạn là A Di Đà Bà Da (Amitabhaya). Đấy chính là chỗ Luận Chủ nhất tâm quy mạng, cũng chính là tán thán quang minh và trí tướng của A Di Đà Phật, thuộc về Tán Thán Môn.
Từ câu “hà dĩ tri quy mạng thị lễ bái?” (vì sao biết quy mạng là lễ bái?) chính là ngài Đàm Loan trích dẫn kệ tán thán A Di Đà Phật của Long Thọ Bồ Tát, các kinh Đại Tiểu Bổn A Di Đà, và những câu văn thuộc phần Trường Hàng của luận này để chứng minh bài kệ này xác thực đã bao gồm hai môn Lễ Bái và Tán Thán. Ngài Đàm Loan nói “Long Thọ Bồ Tát tạo A Di Đà Như Lai tán trung”, tức là nói trong Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận có bài kệ tán thán A Di Đà Phật, [trích dẫn] đại lược như sau: “Nhược nhân nguyện tác Phật, tâm niệm A Di Đà, ứng thời vị hiện thân, thị cố ngã quy mạng… Thị cố ngã khể thủ… Ngã kim quy mạng lễ… Thị cố lễ Phật túc” (Nếu ai nguyện làm Phật, tâm niệm A Di Đà, Phật lập tức hiện thân, vì thế, con quy mạng… Vì thế, con dập đầu… Con nay quy mạng lễ… Do vậy, lễ chân Phật).
“Như Lai” trong tiếng Phạn là Đa Đà A Già Đà (Tathāgata). “Như” là Chân Như, Thật Tướng, có các ý nghĩa “tương đồng, bình đẳng, bất biến, chẳng thể phân biệt” v.v… tức là Tâm Chân Như Môn. “Lai” nghĩa là “duyên khởi, độ sanh, có đến đi, hành động, sai biệt”, tức là Tâm Sanh Diệt Môn. Chứng đắc nhất tâm nhị môn, sẽ thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, chẳng trái nghịch bổn nguyện, đến độ chúng sanh. Vì thế gọi là Như Lai. Như Đại Trí Độ Luận nói: “Thừa như thật đạo, lai thành Chánh Giác, lai độ chúng sanh, cố danh Như Lai” (Nương theo đạo như vậy để đến thành Chánh Giác, đến độ chúng sanh, nên gọi là Như Lai).
“Vô Ngại Quang Phật” chính là như kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật đã bảo ngài A Nan: “Vô Lượng Thọ Phật, oai thần quang minh, tối tôn đệ nhất…. Thị cố Vô Lượng Thọ Phật, hiệu Vô Lượng Quang Phật, Vô Biên Quang Phật, Vô Ngại Quang Phật… Siêu Nhật Nguyệt Quang Phật” (Vô Lượng Thọ Phật oai thần, quang minh, tôn trọng bậc nhất…. Vì thế, Vô Lượng Thọ Phật hiệu là Vô Lượng Quang Phật, Vô Biên Quang Phật, Vô Ngại Quang Phật… Siêu Nhật Nguyệt Quang Phật). Tổng cộng có mười hai thứ quang minh, bao gồm thân quang và trí quang. Dựa theo mười hai thứ quang minh khác nhau, mà lập ra mười hai thứ danh hiệu khác nhau. Chư Phật chẳng có chuyện này! Ngài Đàm Loan còn soạn một tác phẩm khác, có tên là Tán A Di Đà Phật Kệ gồm một quyển, được ghi trong tập bốn mươi bảy của Đại Chánh Tạng, trong ấy tán thán rằng: “Quang vân vô ngại như hư không, cố Phật hựu xưng Vô Ngại Quang. Nhất thiết hữu ngại mông quang trạch, thị cố đảnh lễ Nan Tư Nghị” (Mây quang minh vô ngại như hư không, vì thế Phật còn được gọi là Vô Ngại Quang. Hết thảy những thứ có chướng ngại được quang minh ấy thấm đẫm. Vì thế, con đảnh lễ bậc Khó Nghĩ Bàn). “Quang vân vô ngại như hư không” (mây quang minh chẳng chướng ngại như hư không) là tán thán thân quang và trí quang của A Di Đà Phật đều như hư không, chiếu trọn khắp mười phương, chẳng bị vật chất ngăn trở, như kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật có nói: “Vô Lượng Thọ Phật hữu bát vạn tứ thiên tướng, nhất nhất tướng trung, các hữu bát vạn tứ thiên tùy hình hảo, nhất nhất hảo trung, phục hữu bát vạn tứ thiên quang minh, nhất nhất quang minh biến chiếu thập phương thế giới niệm Phật chúng sanh, nhiếp thủ bất xả” (Vô Lượng Thọ Phật có tám vạn bốn ngàn tướng. Trong mỗi tướng đều có tám vạn bốn ngàn tùy hình hảo. Trong mỗi hảo, lại có tám vạn bốn ngàn quang minh. Mỗi quang minh chiếu trọn khắp chúng sanh niệm Phật trong mười phương thế giới, nhiếp thủ chẳng bỏ). Do vậy, Luận Chủ nhất tâm quy mạng thập phương Vô Ngại Quang Như Lai chính là dùng hai hành pháp quy mạng (lễ bái) và tán thán để được quang minh vô ngại của Phật Di Đà nhiếp thủ chẳng bỏ mà được sanh về cõi An Lạc.