Vì Sao Niệm Danh Hiệu Của Đức Phật A Di Đà
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Kính gởi đạo hữu Quảng Như,
Trong Phật giáo có vô lượng pháp môn, giáo lý của Phật đà ví như màn lưới của Phạm Thiên bao trùm hết khắp cả chúng sinh, nhưng sở dĩ có người cảm nhận và không cảm nhận, có người thuận và không thuận đó là đều do biệt nghiệp và nhân duyên riêng biệt của từng mỗi chúng sinh. Phật pháp không chỉ dành riêng cho loài người, mà bao trùm hết tất cả muôn loại chúng sinh. Chúng ta thấy đó, trong Kinh mỗi khi Phật thuyết Pháp có vô lượng trăm ngàn ức na do tha chúng sinh, nào là Bồ tát, Duyên giác, Thanh Văn, bát bộ chúng, quỷ, thần, Dạ Xoa…đủ mọi hạng người.
Mỗi loại chúng sinh trong Chín Pháp giới tùy theo căn cơ và hiểu biết của mình để nhận hiểu. Đức Phật chỉ dùng có một loại âm thanh mà có thể làm cho mỗi loại chúng sinh trong chín Pháp giới đều có thể hiểu tùy theo căn cơ ở bản thân họ.
Phật thuyết pháp chỉ có một vị đó chính là vị giải thoát, nhưng mỗi chúng sinh lại hiểu hoàn toàn khác nhau theo từng chủng loại, sáng hay tối của mỗi người. Do đó, nếu có người hiểu nhiều, hiểu ít hay không hiểu đều là ở nghiệp nhân chiêu cảm, chớ không phải do đức Phật thương người này bỏ người kia. Đức Phật đà, trên sự bình đẳng thuyết ra một nhất thiết pháp cũng chỉ muốn nhổ tận gốc sinh tử của chúng sinh, khiến họ phát thiện làm lành và sớm giác ngộ, giải thoát qua âm thanh nhất thiết pháp để thành tựu.
Ngoài chư Bồ Tát, Duyên Giác và Thanh Văn, còn lại sáu pháp giới kia đều là chúng sinh lăn lộn trong sáu nẻo luân hồi. Đầy đủ mọi thứ tà kiến, sự sống an lạc hay không an lạc đều do nghiệp chiêu cảm ra, nặng hay ít mà thôi. Do đó, đức Phật đã dùng mọi phương tiện để làm cho họ phát khởi lòng tin đối với chánh kiến qua sự dắt dẫn của đức Phật đà, một đấng Phước, Trí đã được hoàn toàn viên mãn.
Sở dĩ trong giáo lý của đức Phật Thích Ca Mâu Ni có vô lượng pháp môn (nhất thiết pháp), từ rốt ráo hay chưa rốt ráo, giải thoát hay chưa giải thoát, tiệm giáo hay đốn giáo, viên mãn hay chưa được viên mãn hoàn toàn đều ở phước báo nghiệp cảm của chúng sinh ở cõi này chiêu cảm mà ra. Chứ không phải là do Phật pháp có quá nhiều pháp để tu.
Trong Kinh Phật dạy, trong mười phương có hằng hà sa vô số, vô lượng vô biên vi trần hải cõi Phật, có cõi Phật hoàn toàn thanh tịnh chỉ có một Pháp duy nhất là Pháp đại thừa, cho hàng Bồ tát, không có các Pháp khác, không có Tứ Diệu Đế (Thanh Văn), không có Mười Hai Nhân Duyên (Duyên Giác) nói chi đến pháp của thế gian dành cho Trời, Người quỷ thần lại có cõi không có ba ác đạo. Lại cũng có cõi Phật có năm thứ trược như cõi Diêm Phù Đề của chúng ta đây, chớ không chỉ riêng có một cõi có năm thứ trược bất tịnh ở đây mà thôi. Lại có cõi Phật chỉ có ba thừa thuần là Bồ tát, Thanh Văn và Duyên giác mà không có những chúng sinh khác.
Vì có nhiều loại bệnh khác nhau (vọng tưởng) nên phải cần có nhiều loại thuốc để điều trị (pháp tu). Mỗi loại thuốc có công dụng riêng biệt của nó. Trong Phật giáo cũng vậy, vì có vô số bệnh điên đảo tà kiến, phiền não nên đức Phật là bậc đại Y Vương cũng phải theo từng mỗi bệnh của mỗi chúng sinh mà cho. Thuốc này hợp với bệnh này, cũng thuốc này nhưng không trị lành được bệnh khác của người kia. Vậy hãy nói thử xem, thuốc nào là hay, thuốc nào là bậc nhất. Cũng vậy, trong Phật giáo hãy nói thử xem pháp môn là pháp bậc nhất, pháp nào là tối thượng.
Không có, thuốc trị lành căn bệnh là thuốc hay, pháp trị lành vọng tưởng, đảo điên đó là Pháp diệu, tất cả mỗi pháp môn trong Phật giáo đều là bậc nhất mà trong đó không cái nào là thứ hai. Chỉ có người rãnh rỗi mới đem pháp môn này so với pháp môn kia. Chư tổ sư của các tông phái, trên đường hoằng dương đạo Pháp duy chỉ có thứ tâm đó là làm cho chúng sinh hưởng được mùi pháp vị, hưởng được sự giải thoát, mau nhiếp tâm trừ vọng tưởng. Nên mới phương tiện so hơn thiệt, hầu làm cho người tu học mau nhiếp tâm vào một pháp để sớm được giải thoát. Chư tổ khi nói tâm không trụ vào pháp, không chấp tướng. Người nay chẳng hiểu rồi đem ra nói lại y như vậy, đó chính là không hiểu ý của tổ sư, cũng chính là phỉ báng.
Vậy tọa thiền có tốt không? Trì chú có được không? Tụng kinh như thế nào? Niệm Phật có được chăng? Người theo pháp này thì bày xích pháp môn kia, người tu theo pháp môn kia lại bày xích pháp môn nọ. Như vậy đều là tà kiến hết (sự thấy không đúng), vì đó không phải là giáo lý tuyệt đối. Mỗi chúng ta có nhân duyên sâu dầy với mỗi pháp môn từ nhiều đời trước, kiếp này gặp lại thọ nhận và hiểu sâu hơn một chút. Đó cũng chỉ là thiện căn, gốc nhân trồng có khác, nên nay quả cũng có khác. Tọa thiền là Phật pháp? Niệm Phật tụng kinh không phải là Phật pháp chăng? Đừng si mê mà đem ra để tranh luận, đúng sai, thấp, cao. Vì tất cả những thứ đó sẽ không giúp ích gì cho sự tu tập ở cá nhân của chúng ta, mà chỉ đưa chúng ta vào địa ngục bởi vì báng Phật, hủy Pháp.
Hãy lo tu và chuyên nhất để nhất tâm vào pháp môn mà chúng ta đang tu để sớm gặt được quả. Đừng tu bằng cái miệng, vì sẽ không đi tới đâu hết.
Trong Phật giáo có rất nhiều pháp môn, mỗi tầng lớp của thiện căn và phước đức để gặt hái, vậy chúng ta hãy dứt khoác và biết chắc chắn rằng mình muốn đạt được những gì? Học Phật để tạo công đức cầu được làm thân người? làm Trời? sanh lên trời Đâu Suất để gặp đức Đương Lai Di Lặc Phật, hay muốn một đời này thoát khỏi vòng sinh tử chuyên nhất trì danh hiệu Phật để được vãng sanh.
Mỗi chúng ta phải biết rõ ràng, bản thân chúng ta muốn gì? Người không có duyên với thế giới Cực Lạc, không muốn vãng sanh chúng ta cũng đâu có thể phải bắt buột họ làm theo như chúng ta. Mỗi người trong chúng ta mỗi mỗi đều khác? Mọi việc thiện, mọi công đức từ trì chú, tọa thiền, niệm Phật v.v… đều có thể hồi hướng theo ý nguyện của mình. Người chuyên tu thiền mà muốn vãng sanh cũng có thể đem công đức đó hồi hướng vãng sanh (nhưng có biết chắc là đã đủ khả năng để vượt khỏi hay không mà thôi), người niệm Phật cầu phước báo trời, người, mỗi mỗi đều thanh tựu viên mãn, nếu như người đó làm theo chánh Pháp. Chớ không có chuyện trái nghịch gì hết. Trong kinh Phật đã dạy như vậy, lại hợp với bản nguyện của Đức Từ Phụ A Di Đà Phật, trong 48 đại nguyện hải của Phật đà đâu chỉ có một nguyện duy nhất là nguyện thứ 18 là người trì danh hiệu của tôi, nghĩ tưởng đến tôi, sẽ trì danh hiệu của tôi được vãng sanh đâu. Nếu nói theo những hạng người tà kiến, tranh hơn thua thì chắc chỉ có mỗi nguyện thứ 18 của Phật đà là được viên mãn còn 47 đại nguyện kia không được viên mãn hay sao?
Người học Phật chân chánh đừng lập đi lập lại những lời nói của một số người, vô tình hay cố ý đó là hủy báng Pháp, nếu không hiểu. Một pháp môn chúng ta đang tu tập đó chỉ là một pháp tu trong vô số pháp môn phương tiện cứu cánh của Phật đà mà thôi.
Quả vị của Phật đả là viên mãn tròn khắp, cho nên không có đức Phật nào lại là hơn đức Phật nào, mỗi công đức của mỗi vị Phật đều viên mãn và tròn đầy như nhau. Có khác chăng là ở từng mỗi bản nguyện riêng cho mỗi từng quốc độ của mỗi vị Phật. Như đức Từ phụ A Di Đà Phật, khi ở nhân địa tu thì phát nguyện và chọn cõi Phật thanh tịnh trang nghiêm để độ chúng sinh. Còn đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật thì phát nguyện cứu độ và chọn cõi Phật đầy đủ năm thứ trược.
Đó là bản nguyện thệ riêng của mỗi đức Phật ở tu nhân địa khi tu Bồ tát đạo. Trong kinh đức Từ Phụ dạy: “Ở đời sau khi Như Lai diệt độ rồi, nếu có người chí tâm thọ trì danh hiệu, chiêm ngưỡng tướng hảo của Như Lai, nên sẽ thoát khỏi các tội nơi sinh tử trong tám mươi ức kiếp, cùng khiến phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác“.
Lại nữa, đức Từ Phụ lại dạy rằng: “Này A Nan! Sau khi Ta diệt độ, nếu ai xưng niệm danh hiệu Như Lai và danh hiệu của chư Phật, sẽ được phước báo vô lượng, vô biên”.
Mỗi chúng ta, không nên theo cái kiến thức bất tịnh của mình, vô tình hay cố ý phỉ báng Phật, hủy báng Pháp. Đó không phải là hạng người Phật tử chân chánh. Do đó, đừng nghe cũng đừng theo những người tà kiến, vô tri.
Như trên đã nói, nếu chúng ta biết mình học Phật pháp để cầu hướng đến quả vị gì, thì cứ theo thiện căn của mình đang có (pháp đang tu không phân biệt là tu pháp gì) rồi đem công đức đó hồi hướng về thì đều được viên mãn.
Pháp môn tịnh độ là một trong những pháp môn vượt trội hơn hết đối với tất cả các pháp tu khác trong thời này? Vì sao? Vì nghiệp của chúng sinh quá nặng. Thế gian thời nay xét cho cùng chỉ được phước báo thế gian, mà không có phước báo của xuất thế. Hãy nhìn thật kỷ xem thì sẽ rõ. Đã như vậy, thì có người vì sợ sinh tử sợ luân hồi trong sáu nẻo, sợ rớt vào ba đường ác mà muốn được giải thoát, thì có cách nào? Chỉ có một cách duy nhất đó là nguyện được vãng sanh về thế giới của đức Từ Phụ A Di Đà Phật, đem hết mọi công đức mà bản thân đã làm được đều hết lòng hồi hướng về thế giới kia, lại chuyên trì thánh hiệu của đức Từ Phụ A Di Đà Phật để được chắc phần vãng sanh. Vì trong kinh đức Phật đã dạy chúng ta rằng, không thể nhờ vào một chút phước đức mà có thể sanh về thế giới kia. Ui cha! Nếu vậy thì làm sao vãng sanh được? Làm sao bảo đảm được phần an toàn là bản thân mình không rơi vào sáu nẻo luân hồi.
Do đó, muốn chắc được phần vãng sanh ngoài tu các công đức, ngoài tu theo các pháp môn, phải luôn nghĩ tưởng đến Phật và trì thánh hiệu, để làm gì? Để được chắc phần vãng sanh vĩnh viễn thoát ra ngoài vòng luân hồi đau khổ? Nếu nói vậy, thì có người trì danh hiệu chư Phật khác thì không được vãng sanh hay sao? Không đúng, nếu có người chuyên tâm nhất ý trì danh hiệu của Phật Thích Ca, Phật Dược Sư hay bất cứ thánh hiệu của một vị Phật nào, rồi đem công đức đó hồi hướng về thế giới kia cũng đều được cả.
Nhưng đã là người thật sự sợ sanh tử muốn cầu được vãng sanh, thì tại sao lại không trực tiếp từ theo con đường đã có sẵn lại phải đi vòng vòng, quanh co rồi mới vào. Do đó, là người muốn cầu vãng sanh chỉ cần chuyên tâm nhất ý xưng hồng danh của đức Phật A Di Đà.
Thứ nhất là vì Ngài là vị Phật đã phát nguyện ở thời quá khứ để mở ra cõi nước thanh tịnh, chấm dứt hết mọi khổ đau của sinh tử. Ngoài phát nguyện mở cửa cho bất cứ chúng sinh nào trong mười phương thế giới, nếu muốn sanh về thế giới của Ngài, chỉ cần đem công đức tu tập hồi hướng về thế giới của Ngài thì tất cả đều được như ý nguyện. Hơn thế nữa, nếu chỉ có chư đại Bồ tát hay những bậc thánh có thể tu trọn các thiện nghiệp mới có thể vãng sanh thì còn chúng sinh trong vòng sinh tử, những kẻ phàm phu tục tử, không phước đức như chúng ta thì làm sao có thể vãng sanh về đó?
Đức Từ Phụ lại dạy, nhất tâm xưng một câu Phật hiệu công đức bất khả tư nghì, không thể nào có thể đo lường được. Vậy thì người muốn vãng sanh về thế giới kia chỉ cần chuyên tâm nhất ý, luôn luôn nhớ tưởng và xưng danh hiệu của Phật A Di Đà, đã có đủ công đức thanh tịnh lại trực tiếp từ bản nguyện của đức Từ Phụ A Di Đà Phật để đi vào, như vậy sẽ đủ mọi thuận duyên. Cho nên cần phải xưng thánh hiệu của đức Từ Phụ A Di Đà Phật. Ngoài người trồng đủ thiện căn, những kẻ tà kiến, ngu si đầy nghiệp chướng như chúng ta, làm sao có đủ thiện căn phước đức để được vãng sanh về thế giới của Ngài? Do đó, cần phải nương vào tha lực của Phật, nương vào đại thệ nguyện hải ở nhân địa của Phật để được vãng sanh.
Thứ hai, vì đức Phật A Di Đà là bản thể của tự tánh, là pháp giới tạng thân A Di Đà Phật. Bao trọn hết tất cả công hạnh và thành tựu viên mãn hết trăm ngàn vạn ức hạnh nguyện của chư Phật. Do đó, niệm danh hiệu của đức Phật A Di Đà, tức là đã niệm hết tất cả danh hiệu của chư Phật. Như vậy, người muốn được vãng sanh vào thế giới An Lạc của Phật A Di Đà chỉ cần trì danh hiệu của Ngài.
Chúng ta phải nên cố gắng xả bỏ hết mọi chướng duyên, để nhiếp ý chuyên tâm trì thánh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” để được đới nghiệp vãng sanh. Đừng để thời một thời gian nào rãnh rỗi cho mầm, tham, sân, si có cơ hội để nảy mầm cho dù là một vi tế. Đừng si mê mà đem lý trí phàm tục, cái thông minh được từ những âm đức và thiện căn trong nhiều đời quá khứ mà muốn thẩm định được nguồn tuệ giác xuất thế của Phật đà. Vì dầu trải trăm ngàn a tăng kỳ kiếp cũng chẳng được gì cả. Khát nước mà không uống chỉ nói thì làm sao hết khát cho được. Pháp môn của Phật dù cho là tuyệt diệu nhưng đối với những hạng người chỉ biết trao chuốt ngoài cửa miệng, dùng cái thấy, cái nghe, cái biết bất tịnh thì cũng không có giá trị nào hết, không giúp được gì hết. Đó có phải là lỗi của pháp môn mà đức Phật đã dạy không?
Tuyệt hẳn là không! Tại vì họ tự cho là họ quá thông minh đó thôi. Những cái thấy, cái nghe, cái biết, từ cái cái trí thông minh của sinh tử được uốn nắn trên đầu lưỡi rồi lại tuông ra. Nói ôi thôi đâu là đúng, đâu là sai. Kinh này là Kinh ngụy, pháp này không phải do Phật nói v.v… Họ nói rất lưu loát, rất là logịc, những ai thường dụng công bằng đầu lưỡi chắc chắn đều bị họ hốt hồn hết trội. Nhưng họ có biết nào đâu, những loại thế trí biện thông đó là một trong tám bát nạn, đó là sở tri chướng. Đó là chướng ngại cho việc tu tập đưa đến giải thoát của một người con Phật chân chánh.
Trước khi chấm dứt, xin gởi tặng đạo hữu một bài thơ “Hướng Về Cức Lạc” được trích trong quyển Pháp Môn Niệm Phật của cố Hòa Thượng Thích Hồng Đạo. Xin cùng nguyện kết duyên lành với tất cả những ai đọc qua lá thư này, nguyện đời kiếp kiếp sanh ra đều gặp Phật nghe Pháp vi diệu, cùng phát Tâm Bồ Đề Vô Thượng.
Ðời ngũ trược, xa trông bát ngát
Gót hồng trần, lưu lạc mấy xuân
Lòng riêng luống những bâng khuâng
Cõi nào thoát kiếp trầm luân khổ phiền
Nguồn hạnh phúc hỏi miền chân thật
Nghĩ thành tâm niệm Phật là hay!
Hương nguyền một nén xa bay
Hướng về Cực lạc hôm mai khẩn cầu
Ðời dâu bể bể dâu lắm độ
Cảnh khổ đau đau khổ thêm thương
Không nương về đấng Nguyện Vương
Biết ai dắt dẫn ra đường tối tăm?
Xót thương nỗi đau về vật chất
Giết nhau vì giọt mật hư danh
Kiếp luân hồi mãi quẩn quanh
Mà ba đường ác đã thành gia cư
Giấc mơ tỉnh, bây chừ tủi thẹn!
Bước quy Tây dám hẹn ru mà?
Lầu sương lạc ánh trăng tà
Kiếp người lẩn quẩn bệnh già một bên
Ví chăng giữ lòng bền niệm Phật
Có lo gì phải mất phẩm sen!
Việc đời mặc tiếng chê khen
Cuộc đời mặc kẻ đua chen sắc tài
Ðường sanh tử sẽ bày trước mắt
Bước khổ vui dè dặt mà trông
Ðã hay lửa đỏ sen hồng
Lửa sen âu cũng do lòng tạo nên
Thôi thì gắng xây nền công đức
Thôi thì rèn niệm lực tinh chuyên
Nguyện sanh về cõi Bảo Liên
Nguyện đem Thiền Tịnh hòa duyên khắp miền
Nhắn ai đồng hội đồng thuyền!
Lánh cõi giả tìm nơi trong sáng
Học lý mầu soi rạng tinh thần
Quyết trau lòng, trọn trả thâm ân
Lẽ đâu dám nay lần mai lựa
Nơi tu viện sớm hôm nương dựa
Niệm chân kinh lọc lượt tâm trần
Lẽ thị phi đừng mãi phân vân
Niềm chánh giáo ân cần trau sửa.
Chúc đạo hữu thân tâm an lạc, đầy pháp hỷ, tinh tấn và nhất tâm.
Nam Mô A Di Đà Phật, tác đại chứng minh.
Trân trọng,