Tu Hành
Trích " Hoa Sen Trong ngày Xuân"

Tác Giả: Hòa Thượng Tuyên Hóa

Hỏi: Người xuất-gia và tại-gia tu hành có gì khác biệt?

Ðáp: Người xuất-gia thì làm quyến thuộc của Phật. Kẻ tại-gia thì chưa chính thức gia nhập vào dòng họ của Phật. Người tại-gia cũng không có quy củ nghiêm ngặt lắm, như là vẫn được phép kết hôn. Người xuất-gia thì phải sống độc thân, “thanh tâm quả dục, đoạn dục khử ái.”

Hỏi: Người tại-gia thì làm sao tu hành? Có phương pháp tu hành nào tốt nhất đối với chúng tôi, những kẻ phải lo tìm thì giờ để tu tập trong cuộc sống quá bận rộn này chăng?

Ðáp: Phương pháp tốt nhất là đừng nên nóng giận, đừng cãi lẫy với chính mình, trong lòng đừng khởi chiến tranh. Không nên ngoài mặt thì tu hành mà trong lòng lại chẳng như vậy, cứ luôn cãi vã ở trong tâm.

Hỏi: Ðức Khổng-Tử có 3.000 học trò; trong số đó có 72 vị tinh thông lục nghệ. Trong xã hội hiện tại, phải như thế nào mới đáng gọi là “con người hoàn toàn?”

Ðáp:

Có đức mới có phú quý thật,
Không đức thì là thứ nghèo hèn.

Nền tảng của “con người toàn thiện” là ở sự thực hành Ngũ Giới ớKhông sát sanh, Không trộm cắp, Không tà dâm, Không nói dối, Không rượu chè, hút xách.

Hỏi: Người tại-gia cũng có thể trở thành “con người toàn thiện” sao?

Ðáp: Bất luận là tại-gia hay xuất-gia, ai ai cũng có thể tu hành thành bậc toàn thiện được cả!

Hỏi: Tu Pháp Nhập-thế và Pháp Xuất-thế cần phải có thứ tự như thế nào?

Ðáp: Ðạo làm người phải viên mãn rồi thì mới có thể thành tựu đạo làm Phậtớcác bạn không thể đốt giai đoạn được. Ðạo làm người còn dở dang, thì cũng như xây nhà mà nền móng không kiên cố, vững chắcớrất khó mà tu thành Phật Ðạo!

Hỏi: Chúng tôi chưa hiểu thế nào là “sắc tức thị không, không tức thị sắc.” Kính xin Hòa Thượng chỉ điểm, phá mê cho.

Ðáp: Sanh ở nơi “sắc,”4 mà chết cũng ở nơi sắc chỉ có như vậy thôi. Nếu bạn không nhìn thông thấy suốt, thì bạn cũng sẽ sinh ra nơi sắc, rồi chết ở nơi sắc mà thôi!

Hỏi: Giữa “tự độ” và “độ tha” thì cái nào nặng hơn? Cái nào phải làm trước?

Ðáp: Cả hai thứ chẳng có nặng, nhẹ gì cả; chúng chỉ là một thứ mà thôi. Tự độ tức là độ tha – cứu vớt người khác cũng là cứu vớt chính mình. Bạn phân biệt có nặng có nhẹ là nhầm lẫn đấy!

Hỏi: Ngoại trừ xuất-gia tu hành ra, còn có con đường hoặc phương pháp nào khác để tu thành Phật ngay trong đời này chăng?

Ðáp: Hút thuốc phiện xong, bạn có cảm giác khoái lạc ngay tức khắc. Song le, một khi đã thích rồi thì bạn sẽ nghiện thuốc, và sẽ cảm thấy khổ sở vô cùng nếu bị thiếu thuốc hút.

Muốn thành Phật, bạn cần phải “cước đạp thực địa” (chân bước trên đất chắc thật), nghĩa là bạn phải thật sự tu hành, hết lòng hết sức hành trì. Bạn chớ rình tìm cơ hội để thủ lợi hoặc dùng thủ đoạn gian dối, bởi những việc ấy là sai lầm vô cùng.

Một đệ tử vô cùng bứt rứt, hỏi: “Làm sao để đoạn trừ lòng dâm dục, bao gồm ý niệm dâm?”

Ðáp: Hễ không nghĩ tới nó, thì nó đoạn thôi! Cứ nghĩ tới nó hoài thì làm sao đoạn được? Hễ “niệm khởi thì phải giác ngộ nó; giác ngộ thì niệm liền không” thôi!

Có một đệ-tử hỏi: “Tụng kinh gì hoặc tu pháp-môn gì thì mau thành Phật nhất?”

Ðáp: Hãy tụng bộ kinh “Ðừng Nóng Giận,” kinh “Ðừng Tức Tối,” và kinh “Ðừng Chửi Mắng.” Tụng ba bộ kinh này thì mau thành Phật nhất!

Hỏi: Dùng cách gì để khống chế, khắc phục lòng dâm dục, sợ hãi và hoài nghi?

Ðáp: Ðừng ăn thịt, đừng ăn hành, đừng ăn tỏi, đừng ăn những thức có tánh chất kích thích; và hãy quán tưởng: “Tất cả người nam là cha tôi, tất cả người nữ là mẹ tôi”; được như vậy thì lòng dâm dục sẽ chẳng thể nảy sinh.

Do có ưu sầu nên có sợ hãi. Không có ưu sầu thì không có sợ hãi. Không có lòng ích kỷ thì cũng không có sợ hãi. Hễ không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối, thì tự nhiên không cần phải sợ sệt gì cả!

Vì sao có lòng hoài nghi? Bởi chẳng có tín tâm! Bán tín bán nghi nên mới đâm ra ngờ vực. Kinh Hoa Nghiêm dạy:

Tín vi Ðạo nguyên công đức mẫu.

Nghĩa là:

Ðức tin là nguồn đạo,
là mẹ của mọi công đức.

Tin tưởng ở trí huệ bản hữu của tất cả chúng sanh; đó tức là không hoài nghi.

Tụng rằng:

Ngày ngày luôn nói thật,
Chẳng sợ bị chửi, đánh,
Giết ta, ta chẳng sợ,
Giải thoát, nào quái ngại!
“Ngày ngày luôn nói thật.
“Mọi ngày đều nên nói lời chân thật, đừng dối trá.
Chẳng sợ bị chửi, đánh.” Hãy thẳng thắn mà nói lời chân thật. Dù bị đánh bị mắng, bạn vẫn cứ nói thật.
Giết ta, ta chẳng sợ.” Cho dù có kẻ giết bạn, bạn cũng đừng sợ sệt. Sợ gì chứ?
Giải thoát, nào quái ngại!” Ðược chân chánh giải thoát thì có gì mà quái ngại, có gì mà phải sợ hãi chứ?

Hỏi: Ðang lúc tu hành bỗng dưng sinh lòng kháng cự, do đó tạo thành chướng ngại. Vậy phải làm sao để đối trị?

Ðáp: Nếu cọp tới ăn thịt bạn, phải chăng bạn cũng đòi ăn thịt cọp? “Kháng cự” là như thế bạn có thể làm như thế chăng?

Hỏi: Trong lúc tịnh tọa, nhiều khi tôi thấy trong đầu xuất hiện cái mà người ta gọi là “huyễn tướng.” Xin Hòa Thượng giải thích hiện tượng đó cho.

Ðáp: Các hiện tượng ấy đều là giả dối, không thật. Những gì mà các bạn thấy thì đều thuộc về năm mươi thứ cảnh-giới biến hóa được giảng rõ trong Kinh Lăng Nghiêm. Nếu các bạn nhận đó là chỗ thành tựu thì đáng thương xót lắm!

Hỏi: Chúng tôi phải làm thế nào để khôi phục bổn-tánh của mình?

Ðáp: Việc này thì rất dễ, song le, cũng rất khó. Muốn khôi phục trí huệ quang minh của bổn tánh thì trước nhất là phải giảm bớt dục niệm, tức là cần phải quả dục. Dục vọng mà giảm bớt thì trí huệ liền hiện tiền. Dục vọng mà dẫy đầy thì trí huệ chân chánh không thể hiện tiền được.

Cho nên, “lọc tâm, ít dục; giảm dục, biết đủ” chính là bước đầu tiên của việc tu Ðạo. Nếu bạn có thể thanh lọc tâm trí, giảm bớt dục vọng, thì trí huệ quang minh bản hữu của bạn sẽ xuất hiện.

Hỏi: Nhà Phật nói “Sáu Căn thanh tịnh” là nghĩa gì?

Ðáp: “Sáu Căn thanh tịnh” tức là: Mắt nhìn thấy hình sắc nhưng không bị sắc-trần làm giao động, tai nghe âm thanh nhưng không bị thanh-trần làm giao động, mũi ngửi mùi hương nhưng không bị hương-trần làm giao động, lưỡi nếm mùi vị nhưng không bị vị-trần làm giao động, thân không bị xúc-trần làm giao động, và ý cũng không bị pháp-trần làm giao động, không bị cảnh giới làm lay chuyển tức là Tam-Muội, cũng gọi là Ðịnh.

Ðịnh không hẳn là phải ngồi Thiền mới có; mà đi, đứng, nằm, ngồi, đều có thể ở trong Ðịnh. Người ở trong Ðịnh không phải như khúc gỗ hay bùn đất, cái gì cũng không biết; mà trái lại, kẻ có Ðịnh thì hiểu biết mọi thứ nhưng không bị chúng làm lay chuyển. Ðó chính là “người có thể chuyển hoàn cảnh, chứ không để hoàn cảnh lay chuyển người” vậy!

buddha symbol