Tỳ Kheo sống trong rừng
Ni sư Như Đức
Trưởng Lão Vanavaccha, quê hương ở thành Ca-tỳ-la-vệ. Ngài sanh ra trong rừng, khi mẹ Ngài đi vào rừng viếng cảnh. Lớn lên, yêu thích rừng núi, được đặt tên là Vanavaccha. Về sau, khi theo Phật xuất gia, Ngài cũng sống trong rừng tinh tấn tu hành và chứng quả A-la-hán. Các vị đồng phạm hạnh đã hỏi Ngài: Thích thú gì ở rừng núi? Ngài dùng kệ tán thán vẻ đẹp thiên nhiên. Lời đơn giản mộc mạc, gợi tả nét hoang sơ
Đẹp sắc, mây xanh biếc,
Nước mát lạnh, chảy trong
Kẻ chăn bò Inda
Che kín cả ngôi rừng
Những ngôi núi đá ấy
Làm hân hoan tâm ta
“Kẻ chăn bò Inda” là để chỉ cho các côn trùng màu đỏ óng bay đầy núi sau những cơn mưa. Vị Tỳ-kheo lặng lẽ ngồi giữa màu xanh biếc và màu đỏ óng ánh, nước suối tràn trề như nội tâm tự do.
Thầy Vanavaccha có một đệ tử duy nhất là anh con của dì, tên Sìvaka. Khi mẹ Sìvaka nghe tin cháu mình xuất gia sống trong rừng, đã bảo con trai: “Này Sìvaka, con hãy xuất gia dưới sự hướng dẫn của Vanavaccha và phục vụ cho người”. Sìvaka nghe lời mẹ, xuất gia và sống với thầy trong rừng núi. Một hôm, Sìvaka đi về làng – chắc để tìm thực phẩm – thầy bị đau nặng bất ngờ không thể trở vào rừng. Đêm đó trưởng lão Vanavaccha đi tìm, săn sóc, cho Sìvaka uống thuốc. Khi bình minh bắt đầu, Trưởng lão nói với học trò: “Này Sìvaka, từ khi ta xuất gia, ta không sống trong chốn làng mạc. Vậy chúng ta hãy đi vào rừng”. Sìvaka trả lời: “Dầu thân con ở ngoài làng nhưng tâm con bao giờ cũng hướng về rừng núi. Vậy nay tuy con nằm ở đây, con sẵn sàng đi vào rừng”. Trưởng lão dắt tay học trò đi, khích lệ sách tấn. Nhờ vậy, Sìvaka tuy đang đau vẫn nỗ lực thiền quán và chứng A-la-hán. Một tấm gương vâng lời, ưa thích viễn ly đã in dấu trong Tăng Kệ:
Thầy ta nói với ta:
“Hãy đi! Sìvaka!”
Thân ta sống trong làng
Nhưng tâm hướng về rừng
Dầu còn nằm ta đi
Người biết, không trói buộc
Ở một mình trong rừng, trở ngại nhất có lẽ là vấn đề đau bệnh. Chỉ có sự mãnh liệt của tâm mới giúp thân vươn lên, rũ bỏ sự trói buộc của bệnh yếu.
Chúng tôi trong dịp về Hà Nội dự lễ đặt viên đá đầu tiên thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là vùng đất cổ tích của thời Văn Lang, bốn ngàn năm lịch sử. Những dãy núi liên tiếp kề nhau, in bóng trên đồng ruộng xanh biếc, suối chảy trong veo theo triền đá mấp mô. Giấc mơ sống trong rừng lại trở về. Ai cũng từng một lần nuôi mộng như vậy, khi đọc qua những trang thiền sử đầy dẫy dấu tích rừng, chưa có trang kinh nào ghi chép việc ra sức công phu bên nền công nghiệp hiện đại. Chắc chưa kịp ghi vào. Trang kinh nguyên thủy còn vang lời huấn thị của đức Thế Tôn: “Này các Tỳ-kheo! Kia là gốc cây, kia là động đá, hãy đến đó tu tập”. Cho nên chúng tôi rất đỗi hâm mộ khi nghe nói, vào sâu trong rừng này là nơi tu tập của các vị Ni. Tăng tu trong rừng, không có gì trở ngại. Ni làm sao dám vào rừng tu? Nghe kể lại đã thấy thú vị, dù chưa đặt chân đến. Trí tưởng hay kéo người ta đi xa. Chưa chi tôi đã nhớ tới mấy câu thơ của Giả Đảo:
Xuất trần đầu vị bạch
Nhập định nạp ngưng sương
Mạc thoại Ngũ Hồ Sự
Linh nhân tâm dục cuồng.
Những người tu ở rừng này, có người còn rất trẻ: Xuất trần tóc chưa bạc. Và hẳn là chỉ chăm chăm một việc thôi, một việc tu tập thiêng liêng nhất. Còn “Nhập định nạp ngưng sương”? Ngồi tịnh hàng giờ, khí núi rừng đẫm ướt áo nạp – Tôi tự hỏi chính mình có làm được như vậy không, không kể gì đến việc thế sự, không nói bàn dông dài để khiến tâm người rong ruổi náo loạn. Câu này răn nhắc cũng bằng thừa, không ai muốn mua việc vào mình.
Nhân khi gặp gỡ, việc chúng tôi quan tâm nhất là ở trong rừng như vậy, rủi đau ốm ngặt nghèo làm sao. Trong đầu mấy huynh đệ nghĩ đến xe cứu thương rú còi. Chư Ni cho biết chưa có khi nào xảy ra. Quả thật đem tâm thức của dân thành phố để tính chuyện núi rừng, thấy không xong. Nhìn sự trong sáng của các ni ẩn tu, đã đủ tin tưởng.
Nếu đức Phật không ra đời, giáo lý hiền thiện của chư Phật không hướng dẫn người tu, chúng ta không dễ gì nếm hương vị độc cư và giải thoát. Ở rừng không phải là một hình thức lập dị hoặc chỉ để làm du lịch xanh. Ở rừng với bổn phận tìm cho ra sức mạnh nội tâm, sức mạnh không bị lệ thuộc quần chúng. Ít ra thì mình cũng bớt bị bận tâm rằng mình chưa có cái điện thoại di động như bạn bè.
Trưởng lão Tekicchakàrì, được đặt tên như vậy có nghĩa là “Người được các bác sĩ cứu sống” vì khi sinh, mẹ Ngài phải giải phẫu. Khi lớn lên, Tekicchakàrì trở thành một thiếu niên thông thạo của dòng Bà-la-môn. Thân phụ của Ngài bị vua Ba-la-nại bắt giam, vì ảnh hưởng chánh trị. Tekicchakàrì bỏ trốn, lánh mình trong tinh xá của một trưởng lão. Sau đó chàng xuất gia, trở thành một Tỳ-kheo sống ngoài trời không kể gì lạnh nóng, hoàn toàn chú tâm tu tập để đạt thánh quả. Ác ma muốn phá rối, đi đến gần Ngài dưới hình thức một mục đồng, than thở:
Lúa đã gặt thâu xong
Gạo đã được đập giã
Nhưng một miếng không có
Ta sẽ làm gì đây?
Vị Trưởng lão nghĩ rằng: “Người này nói đến tình cảnh của nó. Nhưng ta cần phải giáo huấn ta! Không phải phần việc của mình để mà thuyết giảng.” Thầy tự khuyên mình thiền quán trên ba quy y:
Hãy niệm Phật vô lượng!
Tâm hân hoan thoải mái
Tâm thấm nhuần hỷ thọ
Luôn luôn cảm phấn chấn.
Hãy niệm Pháp vô lượng!
Tâm hân hoan thoải mái
Tâm thấm nhuần hỷ thọ
Luôn luôn cảm phấn chấn.
Hãy niệm Tăng vô lượng!
Tâm hân hoan thoải mái
Tâm thấm nhuần hỷ thọ
Luôn luôn cảm phấn chấn.
Ác ma, làm ra vẻ lo lắng:
Ngài sống giữa ngoài trời
Những đêm này giá lạnh
Chớ để lạnh hại Ngài!
Hãy vào trong tinh xá
Có cửa đóng then gài
Trưởng lão trả lời:
Ta sẽ cảm thọ được
Với bốn tâm vô lượng
Ta sẽ sống an lạc
Với những tâm tư ấy
Giá lạnh không hại ta
Ta sống không dao động.
Nói xong Ngài phát triển thiền quán và chứng quả vô sanh.
Khía cạnh của câu chuyện này, cho thấy người độc cư dễ có tâm lý cô đơn, muốn bắt chuyện, muốn giao tiếp. Vị Trưởng lão thức tỉnh trên phận sự của mình, chỉ hướng về giáo dục mình. Nếu ai cũng được như vậy, dù sống trong đám đông cũng không ngại.
Rừng núi và những tấm gương ẩn cư lung linh cùng mây chiều sương sớm. Cao nhân đạo sĩ khuất nẻo mù khơi. Không dễ gì thực hiện mơ ước của mình, thôi thì đọc tạm những bài thơ. Giả Đảo, thi sĩ đời Đường, viết nhiều nhất về núi non lâm tuyền, về những người ở ẩn. Trong thơ của ông, ta ít thấy dáng người hiện hữu, chỉ là dấu tích vương mây, như bài thơ nổi tiếng ai cũng biết này:
Tùng hạ vấn đồng tử
Vân sư thái dược khứ
Chỉ tại thử sơn trung
Vân thâm bất kiến xứ.
Đến chùa hỏi thăm thầy, được chỉ ra đám mây trong núi. Không thấy người nên mãi mãi là ước vọng.
Ở một bài khác, ông kể lại rằng sau khi vượt qua những nẻo đường núi cheo leo gập ghềnh, đến tìm vị tăng ở ẩn, thì không được tiếp.
Dã tự nhập thời xuân tuyết hậu
Khi khu đắc đáo thử phòng tiền
Lão tăng bất xuất nghinh triêu khách
Dĩ trụ thượng phương tam thập niên.
Giả Đảo (779-843)
Sau mùa xuân đi tìm một ngôi chùa hoang dã, gập ghềnh biết mấy mới tới được phòng thầy. Nhưng thầy không ra tiếp khách, (chỉ biết) thầy trụ ở non cao này ba mươi năm.
Hầu như là không bao giờ gặp. Để cho giấc mộng rừng núi vẫn cứ là giấc mộng.
Phật Đản 2004