Tùng Địa Dũng Xuất
Ni sư Như Đức

 

Bộ kinh Pháp Hoa giới thiệu và trình bày về Tri kiến Phật. Tri kiến Phật là Phật xác nhận tất cả chúng ta đều có có khả năng thành Phật, xác nhận niềm tin và trao cho chúng ta một trách nhiệm, trách nhiệm thành Phật. Khi chúng ta tu tập, chúng ta bắt đầu đặt trên vai mình trách nhiệm đó tùy theo sức của mình…

…Phẩm Thọ Ký, thọ ký có nghĩa là ghi nhận một cách chắc chắn, nói nôm na như là một cái hẹn, Đức Phật trao cho chúng ta một cái hẹn, một dự kiến sẽ thành Phật. Tùy mức độ tu tập nên có thời gian trước sau. Nói đó là theo căn cơ mau chậm chứ thật ra thì quý vị đã thành Phật, đã có khả năng thành Phật. Khi Đức Phật thọ ký cho tất cả các vị đệ tử lớn, hẹn cho thành Phật trước, những hàng đệ tử trung căn thành Phật kế tiếp, hàng hạ căn sẽ thành Phật sau cùng. Chúng ta cũng là đệ tử của Phật, hẳn nhiên là cũng có nhận một cái hẹn nhưng vì chúng ta không nỗ lực tinh tấn mà cứ rong ruổi nên chúng ta vẫn còn ở đây. Nhưng tình thương của Đức Phật rất rộng lớn, Ngài thọ ký cho chúng sanh đời vị lai là sẽ được độ, sẽ đắc quả thành Phật dưới thời của Đức Phật Di Lặc. Đức Phật này là Đức Phật kế tiếp, Đức Phật của tương lai và chúng ta là người của tương lai. Trong thời đó sẽ có ba hội thuyết pháp gồm: Hội thứ nhất dành cho những người thọ trì năm giới sẽ được đắc quả. Hội thứ hai, không giữ gìn năm giới nhưng có quy y Tam bảo. Hội thứ ba, không quy y, không giữ cấm giới nhưng kết duyên với Đức Phật bằng cách khi nghe danh hiệu Ngài, chắp tay cúi đầu. Khi Đức Phật đã cho chúng ta một cái hẹn và thọ ký như thế rồi, bộ kinh Pháp Hoa diễn tiến cho đến phẩm Tùng Địa Dũng Xuất, Đức Phật khuyến khích tất cả các Bồ-tát hiện có mặt, hãy giữ vững niềm tin của mình, siêng năng tu tập thọ trì kinh Pháp Hoa. Bấy giờ có các vị từ phương xa tới, xin tình nguyện sẽ hộ trì kinh pháp Hoa cho cõi Ta-bà. Nhưng ngài từ chối: Không cần các ông, chính tại cõi Ta-bà này cũng có rất nhiều Bồ-tát có khả năng thọ trì giữ gìn kinh Pháp Hoa – Phật tính của mình có khả năng thọ trì. Khi Đức Phật vừa nói dứt lời thì từ dưới đất ở cõi Ta-bà này chợt rúng nứt xuất hiện vô số vị Bồ-tát cùng vô số quyến thuộc cho đến các vị đi một mình, tất cả đồng đến lễ Phật. Trong chúng hội rất là ngạc nhiên. Các vị này lại thêm một phen gây kinh ngạc, bèn đến đảnh lễ Phật: Chúng con xin phát nguyện hộ trì giữ gìn kinh Pháp Hoa ở cõi này và Phật chấp nhận hứa khả. Hình ảnh này có ý nghĩa gì? Vọt lên từ lòng đất. Đất là đất tâm, có nghĩa là trong tâm chúng ta phát xuất những khả năng thành Phật, phát xuất những ý nguyện thành Bồ-tát, thành Phật độ sanh. Đức Phật đã từng xác nhận: Dù đất tâm của mình như thế nào đi nữa trong đó vẫn ẩn tàng một vị Bồ-tát. Ý chính ở đây nói rằng muốn thành Phật thì phải đích thân mình tu tập. Tục ngữ có câu: “Ông tu ông đắc, bà tu bà đắc”.

Trong câu chuyện thiền, có một vị thiền sư đó tha thiết tu tập nhưng tu chưa tới nơi. Vị thầy sai ông đi công tácmột chỗ rất xa, trên đường đi vị thiền sư than thở với các huynh đệ đã thấy tánh, đã ngộ đạo, bèn rủ một sư huynh coi như tốt nghiệp rồi:

– Bây giờ đệ chưa tốt nghiệp, vẫn chưa xong việc của mình, Sư phụ sai đi nơi xa thế này, e rằng thời gian đi, công phu của mình không được trọn vẹn, vậy sư huynh có thể đi với đệ giúp đệ tu tập được không?

Ông sư huynh trả lời:

– Được thôi. Ta sẽ giúp đệ tu tập nhưng có ba điều kiện nếu đệ đáp ứng được, ta hoan hỷ đi cùng đệ. Thứ nhất, lúc đệ đói bụng, ta ăn đệ có no hay không? Thứ hai, nếu đệ mệt, ta ngủ dùm, đệ có khỏe không? Thứ ba, nếu chẳng may đệ đau bụng, ta đi cầu dùm được không?

Vì ba điều kiện của ông sư huynh đó cho nên vị sư đệ phải nỗ lực ra đi một mình. Một mình như thế chúng ta sẽ phát huy được mọi khả năng diệu dụng, mình không ỷ lại. Đó là tính chất của Tùng địa dũng Xuất – Ngay nơi đất tâm của mình, từ tự thân của mình, từ những nghiệp chướng của mình mà phát triển ra được tính chất Phật, tính chất Bồ-tát. Đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai là khi Đức Phật nói về các Bồ-tát từ dưới đất vọt lên nghĩa là Ngài muốn giới thiệu về tính chất Vô sư trí, trí này không do người khác đem lại mà tự mình hiểu được. Vô sư trí tượng trưng bằng các vị Bồ-tát ở trong lòng đất. Trong hội Pháp Hoa có một sự kiện là khi các vị Bồ-tát phương xa xuất hiện mà Bồ-tát Di Lặc không quen biết. Bồ-tát Di Lặc tượng trưng cho thức. Chúng ta muốn biết Vô sư trí thì không thể dùng kiến thức thế gian, thức tình của ta để phán xét. Dẫn một thí dụ. Có một huynh đệ quen biết, nhìn bề ngoài người đó chúng ta không thể nào đánh giá, giả như huynh đó trong đời sống không có điểm nào đặc sắc thì chúng ta không nên khẳng định huynh này tu không tới nơi tới chốn, không thể thành Phật được. Qua câu chuyện này là lời nhắc nhở cho chúng ta rằng, Vô sư trí ẩn tàng bên trong mỗi người, ta không thể xét bằng việc làm, hình tướng ở bên ngoài, bởi vì Vô sư trí không đi qua kinh nghiệm, không đi qua kiến thức. Chúng ta đừng để cho kiến thức thế gian lấn át mình, nó hướng dẫn mình trong vấn đề tu tập. Tôi xin dẫn chứng câu chuyện Tây Du. Đoạn cuối, thoạt đầu thầy trò Tam Tạng thỉnh kinh không có chữ, kinh Vô tự; nhưng vì Tề Thiên tượng trưng cho ý thức khôn lanh, thông thiên đạt địa, ông bèn bày thầy Tam Tạng nộp bình bát bằng vàng cho hai vị Bồ-tát mới được phát kinh có chữ. Bình bát tượng trưng sự chứa đựng, gom góp… Hình ảnh đưa bình bát cho ngài Ca Diếp ý nói chúng ta buông bỏ bình bát của mình. Vì tâm thức của chúng ta không thể đọc được kinh Vô tự. Kinh Vô tự phải dùng Vô sư trí có nghĩa là chỉ khi nào mà chúng ta chợt ngộ, khám phá từ trong nội tâm của mình không qua kinh điển không qua lời chỉ dạy, không qua những kiến thức bình thường của thế gian thì lúc đó kinh Vô tự mới xuất hiện. Vì tất cả những ngôn ngữ văn tự của thế gian chỉ là duyên hợp, giả tạm không đạt đến chân lý tột cùng… Qua đây, chúng ta khám phá ra rằng Tây Du là một câu chuyện có sức ẩn dụ, không phải theo ý nghĩa thông thường của chúng ta. Đó là nói về Vô sư trí. Hình ảnh các vị Bồ-tát phương xa nhìn không quen mặt, đời sống các Ngài không lệ thuộc không gian thời gian. Ví như Phật tính, cái Vô sư trí của chúng ta không bị hạn cuộc bởi không gian, vượt qua kinh nghiệm về thời gian mới được. Tất cả chúng ta đều có Vô sư trí, giả sử chúng ta cùng sinh hoạt trong một môi trường như nghe pháp chẳng hạn, chúng ta đều nghe như nhau không hạn cuộc màu da, quốc tịch… Vô sư trí luôn luôn hiển hiện. Có một phương pháp, gọi là Biết vọng không theo, nghĩa là tất cả những kiến thức đầy ắp, những quan điểm, những thành kiến… chúng ta đã chứa chất ôm ấp từ lâu mà bây giờ nó có vọt ra chúng ta biết nó là vọng, tất cả đều buông cho sạch không theo, tâm phải trống như Đường Tăng phải trao bình bát đó cho Bồ-tát Ca Diếp, lúc đó Vô sư trí hiển hiện. Thí dụ chúng ta vô một căn nhà, muốn tìm một viên ngọc quý nhưng lục hoài không ra vì trong đó lủ khủ nồi hư chén vỡ… chứa nhiều thì moi lâu. Chi bằng, những gì hư cũ chúng ta lôi ra cho hết, những vọng tưởng cũ kỹ, quen thuộc nhàm chán… Chỉ như thế viên ngọc mới lộ diện. Đó là cách tu của chúng ta. Vọng tưởng là những đồ cũ, nó làm bạn với mình từ vô thỉ kiếp đến giờ, chúng ta lo buông đi để có ánh sáng mới – ánh sáng Vô sư trí của chúng ta.