thất dịch kinh điển

Phật Quang Đại Từ Điển

(失譯經典) Cũng gọi Vô dịch kinh điển, Khuyết dịch kinh điển. Chỉ cho các kinh điển mất tên người dịch, tức là những kinh điển không ghi tên người dịch. Phật giáo Trung quốc đến đời PhùTần, có ngài Đạo an (314-385) soạn Tông lí chúng kinh mục lục (hiện nay không còn) thì dừng, nói chung, các kinh điển được lưu truyền đại khái không có ghi tên kinh và tên người dịch, như các bộ kinh chép tay xưa từ đầu đờiĐườngvề trước hiện còn, không bộ nào có ghi tên người dịch ở đầu quyển, cho nên đến thời ngài Đạo an tuy có kiểm xét lại tên kinh, tên người dịch, nhưng vẫn còn nhiều kinh điển rất khó định rõ tên người dịch. Thất dịch kinh điển đa số là những trứ tác được truyền dịch vào thời kì đầu. Cứ theo sự điều tra của ngài Tăng hựu đời Lương thuộc Nam triều thì trong khoảng thời gian 300 năm từ đời Đông Hán đến giữa thời Nam Bắc triều, ở Trung quốc đã có tới hơn 2.000 bộ kinh điển được truyền dịch, trong đó, số kinh điển thất dịch ước chừng nhiều gấp 3 lần số kinh điển đã biết tên người dịch. Đến đầu đời Tùy, khi Phí trường phòng biên tập sửa chữa bộ Lịch đại tam bảo kỉ, bèn y cứ vào các bộ mục lục ngụy tác như: Hán đại Phật kinh mục lục, Chu sĩ hành hán lục, Đạo tổ lục, Thủy hưng lục… mà gán tên các nhà dịch kinh đời trước như An thế cao, Pháp cự… vào 1308 bộ kinh điển thất dịch. Các bộ mục lục kinh đời sau, như Đại đường nội điển lục, Khai nguyên thích giáo lục…, tuy có đính chính thêm bớt đôi chút, nhưng đại khái vẫn dẫn dụng những mục lục sai lầm của Tam bảo kỉ, nên đã tạo thành cục diện rối ren, lộn xộn trong lịch sử truyền dịch của Trung quốc. Về con số các kinh điển thất dịch thì các bộ mục lục kinh được biên tập qua các đời đều có ghi chép, nhưng mục lục được nêu thì có khác. Xuất tam tạng kí tậpquyển 3 của ngài Tăng hựu ghi các kinh điển thất dịch do ngài Đạo an xét định, có liệt kê 142 bộ; ngài Tăng hựu còn biên soạn Tân tập tục soạn thất dịch tạp kinh lục, trong đó ghi 1306 bộ. Ngài Bảo xướng đời Lương soạn Chúng kinh mục lục, liệt kê 321 bộ thất dịch; ngài Pháp kinh đời Tùy soạn Chúng kinh mục lục, ghi 431 bộ thất dịch; Phí trường phòng đời Tùy soạn Lịch đại tam bảo kỉ, liệt kê 309 bộ thất dịch, Đại đường nội điển lục và Cổ kim dịch kinh đồ kỉ thì ghi theo con số của Lịch đại tam bảo kỉ; Đại chu san định chúng kinh mục lục liệt 424 bộ; Khai nguyên thích giáo lục của ngài Trí thăng đời Đường ghi 741 bộ; Đại chính tân tu đại tạng kinh của Nhật bản hiện nay thì ghi 143 bộ thất dịch. Những bộ kinh lục nêu trên, như Đại đường nội điển lục, Khai nguyên thích giáo lục… đều chịu ảnh hưởng của Tam bảo kỉ, cho nên số kinh điển thất dịch trong đó được nêu đều giảm nhiều so với Xuất tam tạng kí tập. Còn Pháp kinh lục, Vũ chu lục… thì thu chép những bản hiện còn trong số các kinh điển thất dịch, nên số kinh mục được nêu cũng ít hơn so với Xuất tam tạng kí tập. Đại chính tạng thì một mặt sử dụng con số của Khai nguyên lục, mặt khác lại chỉ thu tập các bản kinh thất dịch hiện còn, cho nên kinh thất dịch được nêu ít nhất. [X. bộ thứ hai, chương 2 trong Phật thư giải thuyết đại từ điển Phật điển tổng luận (Tiểudã Huyềndiệu)].