sách tử bản

Phật Quang Đại Từ Điển

(册子本) Bản sách đóng, 1 trong các hình thức đóng sách ở Trung quốc thịnh hành vào đời Tống, những bản kinh Phật đào được ở Đôn hoàng hầu hết là loại Sách tử bản. Sách tử bản là hình thức bản sách thuộc thể bút kí, phần lớn là lấy 1 tờ giấy gấp làm đôi rồi dùng hồ dán từng tờ dính lại, hoặc dùng sợi dây nhỏ khâu gáy đóng thành sách. Có 2 loại: Hồ điệp trang và Đại trang. Hồ điệp trang giống như cách đóng sách ở phương Tây hiện nay, tức là hình thức gấp đôi tờ giấy giống như 2 cánh bướm (Hồ điệp) và khâu lại ở chỗ nếp gấp giấy. Một tờ gấy như thế có 4 mặt chữ. Nhưng Hồ điệp trang của Trung quốc ngày xưa thường dán dính ở chỗ mở tờ giấy, làm thành 1 tờ giấy 2 mặt chữ. Còn Đại trang chính là tương phản với Hồ điệp trang, chỗ đóng ở nơi mở ra của tờ giấy gấp đôi, hình cái túi (đại) có 2 mặt chữ. Sách đóng bằng chỉ phần nhiều theo cách đóng này. Ngoài ra, Sách tử bản cũng từ Trung quốc truyền đến vùng Trung á, như ở các nơi Đôn hoàng, Cao xương, Hắc thủy thành… đều có đào được các bản kinh Phật thuộc loại Sách tử bản, ngoài phần lớn kinh điển bằng chữ Hán ra, còn có các kinh điển bằng các thứ tiếng Tây tạng, Hồi hột, Tây hạ… Chiều hướng viết của các Sách tử bản không giống nhau vì văn tự các nơi có khác nhau, như chữ Hán và chữ Tây hạ đều viết thẳng theo hàng dọc từ trên xuống dưới và từ phải sang trái. Chữ Hồi hột thì có 2 cách: Viết thẳng dọc xuống và viết ngang. Cách viết thẳng dọc là từ trái sang phải, cách viết ngang là từ phải sang trái. Còn chữ Tây tạng thì viết ngang từ trái sang phải. (xt. Triệp Bản).